Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 8



Chánh văn:

Phật nói: Kẻ ác hại người hiền giống như ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt chẳng đến trời, trở lại rớt trên mặt mình; ngược gió ném bụi, bụi không đến người, trở lại lấp thân mình. Người hiền không thể hại mà họa ắt diệt mình. 

Giảng:

Kẻ ác hại người hiền không bao giờ được, vì người hiền không chấp nhận, như trường hợp của Phật, khi bị chửi ngài vẫn làm thinh không trả lời. Khi chửi người, người không trả lời, mình mang tội ác khẩu, tự chuốc lấy tội, chẳng khác nào ngửa mặt lên trời phun nước bọt. Sở dĩ trên trời không dơ vì trên đó không có gì hết, cho nên không dính mà trở lại rớt trên mặt mình. Nếu trên đó có tờ giấy hay cái gì khác thì đã bị dính nước bọt rồi. Không dính vì không chấp nhận, tất nhiên cái đó trở lại hại người gây nên nó. Khi người ta chửi mình, nếu mình chửi lại, hai người cũng ác như nhau, không có ai là người hiền. Còn nếu người ta chửi, mình không chửi lại, tự họ cũng thấy người nào hiền, người nào dữ rồi.

Như vậy muốn thành người hiền, đừng chửi lại người dữ, người dữ tự họ thành kẻ dữ chứ mình không dính dáng, cũng như ngước mặt lên trời phun nước bọt hay ngược gió ném bụi, tự họ phải chịu tai họa. Nhà Nho nói: Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu, ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình, nghĩa là kẻ ác muốn hại người mà thành tự hại.

Tóm lại Phật dạy điều cốt yếu của sự tu hành là đừng nóng giận. Chúng ta đã phát nguyện tu hành, tất cả những gì người ta đem đến có thể làm mình mất tư cách, mình cũng đừng chấp nhận. Thí dụ người ta nói cô đó tu hiền, hạnh kiểm tốt. Nhưng nếu có người tới kiếm vài chuyện chọc tức, khi đó mình nổi giận la lối thì cái tốt, hiền, đức hạnh đó còn hay hết? Đức hạnh còn là khi người ta chọc tức, mình cũng vẫn tươi vui. Ngược lại, mình chấp nhận rồi tức lên la lối thì đức hạnh mình đã mất.

Như vậy tu hành là đừng chấp nhận, dù họ tới chọc tức, mình cũng yên lặng, khi đó họ tự mang họa chứ mình không dính dáng. Người tu bây giờ phần nhiều khó nhịn lắm, nói tức sơ sơ đã khó chịu rồi, huống nữa là chửi. Cho nên những bài kinh này phải nhớ thuộc lòng. Khi bị chửi, mình nhớ những người đó cho mình món quà, nếu mình không nhận, vật đó tự về họ; họ chửi, họ tự mang họa, chứ mình đâu có dính dáng gì.

Nhưng tôi thấy có khi chỉ nghe người ta nói chuyện cách vách mà có dính tới tên mình là đã tò mò muốn hỏi, muốn nhận rồi. Như vậy chẳng những mình nhận ngay mặt thôi, mà người ta chưa cho đã sửa soạn lấy trước rồi. Chúng ta ở chung với nhau một chùa hay một xóm phải nhớ kỹ những điều này. Giả sử hai người chơi thân với nhau, có một người lại nói: Cô A hôm đó nói xấu cô thế này thế nọ. Vừa nghe nói, nếu mình chấp nhận thì sẽ nổi giận lên la lối mà không biết cô A có nói thật không. Rồi cô A nghe lại tức nữa, vậy là hai bên giận nhau. Chi bằng nghe rồi mình nhẫn nhịn đợi hỏi lại xem có thật không. Nếu có thật, mình chỉ hỏi: “Tôi có lỗi gì?” Như vậy chắc không đến nỗi giận nhau. Chứ mới nghe phong thanh liền chấp nhận, chuyện nhỏ trở thành to, huynh đệ bất hòa nhau là lỗi tại đây.

Khi học bài kinh này rồi phải nhớ là người ta chửi ngay mặt mình còn nhịn được, huống là nói ở đâu xa. Thế nên đừng chấp nhận một điều gì hết, đó là an ổn nhất, đó cũng là phương pháp Phật đã thực hành ngày xưa vậy.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.