Chánh văn:
Phật dạy: Người ác nghe người lành, cố đến làm nhiễu loạn, các ông nên tự kềm hãm, không giận hờn, không phiền trách. Người mang tâm niệm ác đến (hại mình) sẽ tự mang lấy cái ác.
Giảng:
Người ác nghe người nào lành, cố đến làm nhiễu loạn. Vì họ hung dữ nên nghe người nào tu hành hiền lành là tới khuấy rối. Khi đó chúng ta nên tự kềm hãm, đừng cho tâm nóng giận khởi lên, không giận hờn, không phiền trách. Lúc đó, người mang tâm niệm ác đến khuấy rối, làm hại mình sẽ tự mang lấy cái ác, chứ mình không có dính dáng. Muốn không sân trách họ, chúng ta phải hiểu rằng nếu họ chửi mà mình giận, tức nhiên mình cũng tạo cái ác tương đương với họ. Nếu chúng ta không giận, khi họ chửi tự họ chịu lấy tai họa. Đó là chúng ta biết tu, không phiền hận ai hết. Thường thường ở thế gian hay nói người làm lành được nhiều người thương, ít có ai ghét. Nhưng sự thực không hẳn như vậy. Người lành thì người lành thương, người ác thì người ác thích. Thí dụ như người cờ bạc với nhau thì thân nhau, còn với người lương thiện không biết cờ bạc, họ cười cho là dốt, hà tiện, keo sẻn v.v…
Tóm lại, kẻ ác không ưa người hiền, người hiền cũng không chơi với kẻ ác. Kẻ ác thì hung dữ, làm những điều gây nên tội lỗi, còn người hiền không làm giống họ nên họ ghét và kiếm chuyện. Vì vậy người hiền biết tu phần nhiều bị kẻ ác quấy nhiễu. Muốn bảo vệ tâm hiền cho trọn vẹn, khi họ quấy nhiễu, phải cố gắng kềm chế, đừng nóng giận. Nếu tâm nóng giận không nổi lên, người mang tâm ác hại mình phải tự mang họa, tự chịu quả ác, chứ mình không liên hệ gì mà sợ.