Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 38



Chánh văn:

Phật hỏi Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Khoảng vài ngày. Phật bảo: Ông chưa biết đạo. 

Lại hỏi một vị Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Khoảng bữa ăn. Phật bảo: Ông chưa biết đạo. 

Lại hỏi một vị Sa-môn: Mạng người sống khoảng bao lâu? Thưa: Trong khoảng hơi thở. Phật dạy: Lành thay! Ông biết đạo vậy.

Giảng:

Bài này nói về lý vô thường. Phàm nói về lý vô thường, người ta có thể nói là sớm còn chiều mất, hay còn đi đứng nằm ngồi là còn sống, ngủ một giấc chưa chắc đã dậy. Những cách nói như vậy đã là tả cảnh vô thường mỏng manh lắm rồi, nhưng chưa đạt đến chỗ chí lý.

Ở đây Phật dùng câu ngươi chưa biết đạo. Chữ đạo là chỉ chỗ chí lý, hiểu được sự vật đến lý chân thật của nó gọi là hiểu được lý đạo. Lý vô thường căn cứ trên mạng sống con người, nên khi trả lời mạng người trong khoảng vài ngày hay trong khoảng bữa ăn, tuy đã là mỏng manh, nhưng Phật nói hai vị đó chưa hiểu đạo. Chỉ có vị nói mạng người trong hơi thở, lời đó mới là cứu cánh, bởi vì đó là sự thật không cãi chối được. Dù bất cứ trường hợp nào, miễn tắt thở là chết, không còn tìm được sự thật nào hơn nữa. Diễn tả được lý vô thường đến chỗ đúng sự thật, Phật khen là biết đạo.

Kinh A-hàm luôn luôn nhấn mạnh tướng thật của sự vật là vô thường và chỉ có cái vô thường trong sự vật mới là thường. Nghĩa là phàm cái gì có hình tướng đều biến đổi, Phật gọi đó là vô thường. Nơi con người sự biến đổi là sanh già bệnh chết. Nơi thế giới sự biến đổi là thành trụ hoại không. Tất cả sự vật luôn luôn thành trụ một thời gian, hư hao từ từ là hoại, đến một ngày nào đó tan nát là không. Con người cũng vậy, có sanh ra, sống một thời gian mấy mươi năm, lần lần già yếu, lại sanh nhiều bệnh tật rồi chết. Con người hay sự vật đều luôn luôn biến chuyển, gọi là vô thường. Trên hình tướng, không có sự vật nào không biến đổi, từ con người đến vạn vật, tất cả đều vô thường, nhưng chỉ có sự biến đổi của vạn vật là thường. Nghĩa là không lúc nào không biến đổi, quá khứ biến đổi, hiện tại biến đổi, vị lai cũng biến đổi. Cái biến đổi đó trùm hết sự vật nên nói là thường.

Như vậy chữ đạo trong kinh A-hàm khác với chữ đạo trong kinh Bát-nhã. Theo kinh A-hàm, thấy được sự biến diệt của các tướng, hay là thấy được tướng sanh diệt của các pháp gọi là thấy được sự thật, thấy đạo. Còn theo Bát-nhã thấy được tánh của các pháp gọi là thấy đạo. Hai bên định nghĩa chữ đạo khác nhau.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.