Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 36



Chánh văn:

Phật nói: Người lìa đường ác, được làm thân người là khó; đã được làm người, bỏ thân nữ làm thân nam là khó; đã được thân nam, sáu căn đầy đủ là khó; sáu căn đã đầy đủ, sanh ở chỗ văn vật là khó; đã sanh ở chỗ văn vật, gặp Phật ra đời là khó; đã gặp Phật ra đời, gặp được đạo là khó; đã gặp đạo, khởi tâm tin là khó; đã khởi niềm tin, phát tâm Bồ-đề là khó; đã phát tâm Bồ-đề, được không tu không chứng là khó. 

Giảng:

Đây Phật nói mấy điều khó nữa. Người lìa các đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, được làm thân người là khó. Bỏ ba đường ác sanh trong nhân đạo là cái khó thứ nhất.

Đã được làm người, bỏ thân nữ làm thân nam là khó. Trong kinh A-hàm, Phật thường nói nghiệp người nữ nặng nên được làm người nam là hơn một phần. Đã được làm người nam mà sáu căn đầy đủ là khó. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt sáng, tai mũi lưỡi thính, thân không tật nguyền, ý thông minh, đủ sáu điều kiện đó là khó lắm. Sáu căn đã đầy đủ mà sanh ở chỗ văn minh thị tứ, được như vậy là khó. Thường trong kinh nói đừng sanh nơi biên địa hạ tiện. Nơi biên địa khó gặp người trí thức, chỉ gặp những người không biết tu hành nên không có bạn bè tốt, không gặp đạo lý. Còn hạ tiện là những chỗ đói cơm, thiếu áo, đời sống khổ sở. Phật nói do ít phước mới sanh vào những nơi đó. Nếu sanh ở chỗ văn vật, tức nhiên có Phật, có Kinh, có Tăng, có nhiều bạn lành.

Đã sanh ở chỗ văn vật, gặp Phật ra đời là khó. Đã gặp Phật ra đời nhưng gặp đạo và hiểu đạo là khó. Đã hiểu đạo, khởi tâm tin vững chắc là khó. Đã khởi niềm tin, phát tâm Bồ-đề là khó. Tin được pháp Phật dạy là khó, nhưng tin suông không lợi ích, phải phát tâm Bồ-đề, tức là phát tâm cầu giác ngộ, đó là tiến lên một bậc nữa. Đã phát tâm Bồ-đề, đến được chỗ không tu, không chứng mới là khó tột. Không tu, không chứng là sao? Chúng ta tu, hàng ngày luôn nhớ việc tu, luôn mong được chứng quả, nhưng tại sao ở đây lại nói không tu, không chứng là khó? Trong kinh Bát-nhã có đoạn: Dĩ vô sở đắc cố Bồ-đề tát đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn. Nghĩa là: Vì không có chỗ được nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.

Như vậy chúng ta thấy cái không sở đắc là căn bản để được giải thoát. Nếu nói tôi tu khá lắm, tôi chứng được quả này, pháp kia, là thấy có ta tu, ta chứng. Đó là còn bản ngã, thấy mình có tu có chứng. Nếu còn bản ngã tu chứng là chưa đạt được lý vô ngã Phật dạy, tức là chưa giác ngộ, nên ở đây nói không tu, không chứng. Trên phương diện phá ngã, không còn thấy có mình hay tu và quả vị chứng được, nhưng không phải không ngơ, mà thật có tu có chứng. Nghĩa là khi không còn ngã nữa, lúc đó đạo quả mình nhận được đầy khắp, như vậy gọi là chứng. Vì vậy nói không tu không chứng khó, tức là phá được ngã, không còn thấy mình là người hay tu, kia là quả vị chứng được, như vậy mới thật đến chỗ cứu cánh. Nếu tu mà còn chấp ngã, còn thấy mình được cái này cái kia là còn ở trong vòng tương đối sanh diệt, chưa được giải thoát.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.