Kinh Tứ Thập Nhị Chương giảng giải

Chương 34



Chánh văn:

Có một Sa-môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Phật Ca-diếp, tiếng nghe buồn thảm, nghĩ hối hận muốn lui sụt. 

Phật hỏi vị Sa-môn: Ngày trước ở nhà ông từng làm nghề gì? 

Thưa: Con thích đàn cầm. 

Phật hỏi: Dây dùn thì sao?

Thưa: Không kêu. 

Dây thẳng quá thì sao? 

Thưa: Tiếng chát. 

Dây không dùn không thẳng thì sao? 

Thưa: Đầy đủ tất cả âm ba. 

Phật dạy: Sa-môn học đạo cũng vậy, tâm nếu điều hòa an ổn, đạo có thể được vậy. Đối với đạo nếu gấp quá thì thân nhọc nhằn; thân nhọc nhằn thì ý sanh phiền não; ý nếu sanh phiền não thì hạnh bị thối lui; hạnh đã thối lui thì tội ắt tăng trưởng. Chỉ thanh tịnh an vui thì đạo không mất vậy. 

Giảng:

Có một Sa-môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Phật Ca-diếp được ghi chép lại, tiếng nghe buồn thảm, rồi tự hối hận về việc đi tu của mình, muốn trở lại thế gian. Phật biết, gọi lại hỏi: Ngươi ở nhà từng làm nghề gì? Sa-môn thưa: Con thích đàn cầm. Phật hỏi: Nếu dây dùn thì sao? Ông trả lời: Không kêu. Phật hỏi: Nếu dây thẳng quá thì sao? Ông thưa: Tiếng chát. Phật hỏi: Sợi dây không dùn không thẳng, tức là vừa bậc trung thì sao? Ông thưa: Đầy đủ tất cả âm ba, Phật nói Sa-môn học đạo cũng vậy, tâm nếu được điều thích, tức là tâm điều hòa an ổn; nói tâm mà luôn cả thân, thân tâm điều hòa an ổn thì đạo có thể được vậy. Đối với đạo, gấp quá sẽ làm cho thân nhọc nhằn, thân nhọc nhằn thì ý sanh phiền não bực bội. Thí dụ quý vị vừa sám hối xong, mệt, mới giải y áo, có ai đến chọc tức là nổi giận liền. Đương mệt ai động tới dễ nổi sân. Khi tu cũng vậy, cố gắng quá thì mệt mỏi, đương mệt dễ bực bội, có việc gì xảy đến là sanh phiền não ngay. Khi đó lại tự hỏi: Tại sao tu càng nhiều, phiền não càng lắm? Đó là tại vì mệt quá. Ở thế gian cũng vậy, người làm việc từ thiện nhiều quá, đương mệt có người nào làm trái ý là nổi giận liền. Còn người chỉ ở nhà, có ai đến năn nỉ xin vật này vật kia thì cho mà ít sân.

Cho nên khi tu, nếu thân cố gắng, kềm quá sức thì về sau thân mệt mỏi, nhọc nhằn, khi ấy tâm dễ sanh phiền não. Nếu ý sanh phiền não thì hạnh bị thối lui, sự tu hành không thể tiến được. Tu hành đã thối, tội ắt tăng trưởng. Vì thối là tâm nghĩ tới danh lợi và ngũ dục thế gian nên tội càng ngày càng lớn. Chỉ có người tu hành chừng mực, trong tâm thường thanh tịnh an vui, đạo mới không mất.

Phật thí dụ sợi dây đàn. Dùn quá không kêu, thẳng quá tiếng kêu chát chúa, chỉ có vừa chừng là đầy đủ âm ba. Người tu cũng vậy, gấp quá bực bội, hoãn quá thối lui, chỉ có vừa chừng, đều đều tiến mãi là hay nhất. Quý vị hiểu như vậy, tu được như vậy mới tiến. Chớ quá sốt sắng ham tu đến bỏ ăn bỏ ngủ và cũng không nên tu hành lơ thơ lửng thửng qua ngày, phải giữ điều hòa, mỗi ngày đều tu, đều tiến, không chùn bước, hợp với cơ thể và tinh thần mình, hai cái đó được nhẹ nhàng, vui vẻ thì sự tu mới tiến.

Theo câu chuyện chính trong kinh A-hàm là có vị Tỳ-kheo tu tinh tấn nhất trong chúng, nhưng suốt mấy năm không đắc đạo. Ngài nghĩ: Ta tu hành khổ hạnh cực nhọc mà không được đạo, tốt hơn nên trở về nhà, cha ta tiền của không thiếu chi, tạo phước bố thí sướng hơn, tội gì tu cho khổ. Ngài vừa khởi nghĩ như vậy, Phật liền biết, gọi lại dạy. Đó là nguyên do của bài kinh này, nhưng ở đây rút ngắn lại, chỉ nói phần vấn đáp giữa Phật với Sa-môn. Sau khi nghe lời dạy, vị Sa-môn hiểu được lý trung đạo, từ đó ông tu một cách điều hòa, ít hôm sau chứng A-la-hán.Tóm lại, khi tu chúng ta phải giữ điều hòa, đừng gấp cũng đừng hoãn, vì cả hai trạng thái đó đều không tốt, lúc nào trong tâm cũng vui vẻ, an ổn tiến mãi mới là tốt.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.