Kinh Thập Thiện

Kinh Thập Thiện



I. PHẦN TỰA

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ở tại cung Rồng Ta-kiệt-la, cùng với tám ngàn chúng Đại Tỳ-kheo và ba mươi hai ngàn vị Đại Bồ-tát.

II. PHẦN CHÁNH TÔNG

1. Chúng Sanh Theo Nghiệp Thọ Sanh

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Long Vương  rằng: “Tất cả chúng sanh do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các cõi.

Này Long Vương ! Ngươi có thấy trong hội này và trong biển cả, hình sắc chủng loại mỗi loài khác nhau không? Tất cả như thế đều do tâm tạo nghiệp thiện hay bất thiện nơi thân, khẩu, ý mà ra.

Tâm không hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.

Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, mà thật ra trong ấy không có tác giả. Nên tất cả pháp tự tánh như huyễn, không thể nghĩ bàn.

Người trí biết như thế, nên tu nghiệp thiện, nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới…… đều được đoan chánh, người nhìn không chán.

Này Long Vương ! Ngươi xem thân Phật do trăm ngàn ức phước đức sanh ra các tướng trang nghiêm, hào quang nhiệm mầu sáng chói, che cả đại chúng, dù cho hào quang vô lượng ức của trời Phạm Vương  cũng không thể hiện được. Không ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai mà không chóa mắt.

Ngươi hãy xem các vị Đại Bồ-tát đây, sắc diện nhiệm mầu, trang nghiêm thanh tịnh. Tất cả tướng tốt ấy đều do tu nghiệp thiện mà được phước đức như thế.

Lại nữa, các hàng Trời, Rồng, Bát Bộ v.v… có oai thế mạnh mẽ to lớn cũng do nhân tu nghiệp lành mà được phước báo như thế.

Nay các chúng sanh ở trong biển cả, hình sắc thô xấu, lớn, nhỏ, đều do các thứ tưởng niệm của tự tâm gây ra những nghiệp bất thiện nơi thân, miệng, ý và tùy theo chỗ tạo nghiệp mà thọ quả báo.

Nay ngươi như thế mà tu học và khiến cho chúng sanh thấu rõ nhân quả, tu tập nghiệp lành. Ngươi nên nương nơi chánh kiến bất động, chớ đọa vào trong tà kiến đoạn thường. Đối với các bậc phước điền nên vui vẻ cung kính cúng dường, thì các ngươi cũng được người, trời tôn trọng, cung kính cúng dường.

2. Pháp Mười Nghiệp Lành

Long Vương nên biết: Bồ-tát có một pháp hay đoạn dứt tất cả khổ trong đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ, quán sát pháp lành, khiến cho các pháp lành mỗi niệm mỗi niệm tăng trưởng, không để mảy may pháp bất thiện xen lẫn, đó là khéo làm cho các pháp ác dứt hẳn, pháp thiện viên mãn thì thường được gần gũi chư Phật, chư Bồ-tát và hàng Thánh chúng khác.

Pháp lành là thân của người, trời. Giác ngộ của Thanh văn, giác ngộ của Độc giác, giác ngộ của Phật đều nương nơi pháp này làm căn bản mà được thành tựu, nên gọi là pháp lành.

Pháp này là con đường mười nghiệp lành. Những gì là mười? Là hằng lìa dứt sát sanh, trộm cướp, tà hạnh, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.

2.1. Không Sát Sanh

Long Vương! Nếu xa lìa sát sanh thì được thành tựu mười pháp không bức não. Những gì là mười?

  1. Bố thí đức vô úy cùng khắp chúng sanh.
  2. Thường khởi lòng từ bi đối với chúng sanh.
  3. Dứt sạch tập khí giận hờn.
  4. Thân thường không bệnh.
  5. Mạng sống lâu dài.
  6. Thường được phi nhân ủng hộ.
  7. Thường không ác mộng, thức ngủ an vui.
  8. Diệt trừ oán kết, oán hận tự giải.
  9. Không sợ rơi vào đường dữ
  10. Khi chết sanh lên cõi trời.

Đó là mười. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật, được tùy tâm Phật, thọ mạng tự tại.

2.2. Không Trộm Cướp

Lại nữa Long Vương , nếu xa lìa trộm cướp thì được mười pháp bảo tín. Những gì là mười?

  1. Của cải đầy dẫy, vua, giặc cướp, nước, lửa và con hư không thể phá hoại.
  2. Nhiều người thương mến.
  3. Người không khinh khi, phụ bạc.
  4. Mười phương khen ngợi.
  5. Không lo sợ tổn hại.
  6. Tiếng tốt đồn khắp.
  7. Ở trong hội chúng không hề sợ hãi.
  8. Của cải, sanh mạng, hình sắc, sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu.
  9. Thường sẵn lòng bố thí.
  10. Chết sanh lên cõi trời.

Đó là mười. Nếu biết hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật, được chứng Trí Thanh Tịnh Đại Bồ-đề.

2.3. Không Tà Hạnh

Lại nữa Long Vương, nếu xa lìa tà hạnh thì được bốn pháp người trí ngợi khen. Những gì là bốn?

  1. Các căn điều thuận.
  2. Xa lìa rộn ràng.
  3. Được đời khen ngợi.
  4. Vợ hay chồng không bị xâm phạm.

Ấy là bốn. Nếu hay hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật được tướng trượng phu ẩn mật tàng của Phật.

2.4. Không Vọng Ngữ

Lại nữa Long Vương , nếu xa lìa vọng ngữ thì được tám pháp trời khen ngợi. Những gì là tám?

  1. Miệng thường thanh tịnh thơm mùi hoa Ưu-bát.
  2. Được người đời tin phục.
  3. Mở lời thành chứng, trời, người kính mến.
  4. Thường dùng lời êm dịu an ủi chúng sanh.
  5. Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.
  6. Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ.
  7. Mở lời tôn trọng, người trời vâng làm.
  8. Trí tuệ thù thắng không ai chế phục được.

Đó là tám công đức. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật sẽ được Chân thật ngữ của Như Lai.

2.5. Không Nói Hai Lưỡi

Lại nữa Long Vương , nếu lìa nghiệp nói hai lưỡi thì được năm pháp không thể phá hoại. Những gì là năm?

  1. Được thân bất hoại, không ai có thể hãm hại.
  2. Được quyến thuộc bất hoại, không ai phá được.
  3. Được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp.
  4. Được pháp hạnh bất hoại, chỗ tu kiên cố.
  5. Được Thiện tri thức bất hoại, không dối lừa nhau.

Đó là năm pháp bất hoại. Nếu ai hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật được quyến thuộc chân chánh, các ma ngoại đạo không thể phá hoại.

2.6. Không Nói Lời Ác

Lại nữa Long Vương , nếu xa lìa ác khẩu thì được thành tựu tám món tịnh nghiệp. Những gì là tám?

  1. Lời nói không trái pháp độ.
  2. Lời nói đều lợi ích.
  3. Lời nói hợp lý đạo.
  4. Lời nói đẹp khéo.
  5. Lời nói có thể lãnh thọ thừa hành.
  6. Lời nói được tin dùng.
  7. Lời nói không thể chê.
  8. Lời nói được ưa thích.

Đó là tám món tịnh nghiệp. Nếu ai hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật, đầy đủ tướng Phạm âm của Như Lai.

2.7. Không Ỷ Ngữ

Lại nữa Long Vương, nếu xa lìa ỷ ngữ thì thành tựu được ba món quyết định. Những gì là ba?

  1. Quyết định được người trí ưa thích.
  2. Quyết định có thể dùng trí như thật đáp các câu hỏi.
  3. Quyết định đối với người, trời có oai đức tối thắng, không hư vọng.

Đó là ba món quyết định. Nếu hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật được Như Lai thọ ký chẳng luống dối.

2.8. Không Tham Dục

Lại nữa Long Vương , nếu xa lìa tham dục thì được thành tựu năm món tự tại. Những gì là năm?

  1. Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.
  2. Của cải tự tại, tất cả oán tặc không cướp đoạt được.
  3. Phước đức tự tại, tùy lòng ưa muốn vật dụng có sẵn đầy đủ.
  4. Vương vị tự tại, đồ vật quí lạ, đều được dâng hiến.
  5. Được nhiều vật thù thắng, gấp trăm lần lòng mong cầu, vì thuở xưa không bỏn sẻn, ganh ghét.

Đó là năm món tự tại. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật đặc biệt được ba cõi thảy đều cung kính cúng dường.

2.9. Không Sân Giận

Lại nữa Long Vương, nếu xa lìa sân hận thì được tám pháp hỷ duyệt nơi tâm. Những gì là tám?

  1. Tâm không tổn não.
  2. Tâm không sân hận.
  3. Tâm không tranh tụng.
  4. Tâm nhu hòa ngay thật.
  5. Được lòng từ của bậc Thánh.
  6. Sẵn lòng làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.
  7. Thân tướng đoan nghiêm, chúng đều tôn kính.
  8. Do hòa nhẫn mau sanh về cõi Phạm Thiên.

Đó là tám pháp hỷ duyệt nơi tâm. Nếu ai hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật được Tâm Vô Ngại của Phật, người xem không chán.

2.10. Không Tà Kiến

Lại nữa Long Vương, nếu xa lìa tà kiến thì sẽ được thành tựu mười pháp công đức. Những gì là mười?

  1. Được ý vui chân thiện, bạn hữu chân thiện.
  2. Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng, trọn không làm ác.
  3. Chỉ quy y Phật, không quy y các thiên thần khác v.v…
  4. Tâm ngay thẳng, thấy biết chân chánh, xa hẳn các sự ngờ vực kiết hung.
  5. Thường sanh thân trời người, không rơi vào đường dữ.
  6. Phước tuệ vô lượng lần lần thêm nhiều.
  7. Xa hẳn đường tà, thực hành Thánh đạo.
  8. Chẳng khởi thân kiến, bỏ các nghiệp ác.
  9. Trụ tri kiến vô ngại.
  10. Không bị các tai nạn.

Ấy là mười. Nếu hướng về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì sau khi thành Phật mau chứng tất cả pháp Phật, thành tựu thần thông tự tại.

3. Bồ Tát Tu Mười Nghiệp Lành

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Long Vương: Nếu có Bồ-tát nương mười nghiệp thiện này để tu hành:

Do lìa giết hại, lại thực hành hạnh bố thí, nên giàu sang, nhiều của báu, không bị xâm đoạt, trường thọ không chết yểu, không bị tất cả oán tặc làm tổn hại.

Do lìa nghiệp không cố lấy của chẳng cho, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai cướp đoạt, không ai sánh kịp và thâu thập được đầy đủ những kho tàng Phật pháp.

Do lìa lỗi tà hạnh, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai cướp đoạt, trong nhà trinh thuận, vợ thủ tiết với chồng, mẹ và vợ con không ai đem lòng dục xâm phạm.

Do lìa nói dối, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai cướp đoạt, không bị nhục mạ, gìn giữ được chánh pháp như bổn nguyện và khi thực hành nhất định kết quả.

Do lìa lời nói ly gián, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai xâm phạm, thân bằng quyến thuộc thuận hòa, cùng một ý chí vui vẻ, hằng không trái nghịch.

Do lìa lời nói thô ác, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai cướp đoạt, tất cả hội chúng đều vui vẻ qui về, nói ra đều được người tin nhận, không chống trái.

Do lìa lời ỷ ngữ, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai chiếm đoạt, nói không hư dối, người đều kính thọ, hay dùng phương tiện khéo léo đoạn dứt mọi nghi hoặc.

Do lìa tâm tham cầu, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không bị chiếm đoạt, có vật gì đều đem ban cấp, tin hiểu vững chắc, đủ oai lực lớn.

Do dứt lòng sân hận, lại tu hạnh bố thí, nên thường được của báu không ai chiếm đoạt, tự mình mau thành tựu trí vô ngại, các căn nghiêm trang, tốt đẹp, người thấy kính ưa.

Do lìa tà kiến, lại tu hạnh bố thí, nên thường giàu có, của báu không ai chiếm đoạt, thường sanh vào nhà kính tin Chánh kiến, thấy Phật, nghe Pháp, cúng dường chúng Tăng, thường không quên mất tâm Đại Bồ-đề.

Đó là bậc Đại sĩ khi tu đạo Bồ-tát, làm mười nghiệp thiện, dùng hạnh bố thí trang nghiêm mà được lợi lớn.

Như vậy Long Vương, nói tóm lại, tu Thập thiện đạo, do Trì giới trang nghiêm nên hay sanh các nghĩa lợi Phật pháp và đầy đủ nguyện lớn. Do Nhẫn nhục trang nghiêm nên được Viên âm của Phật, đủ các tướng tốt. Do Tinh tấn trang nghiêm, nên hay phá được ma oán, vào Pháp tạng của Phật. Do Thiền định trang nghiêm nên hay sanh Niệm, Tuệ, Tàm, Quí, Khinh an. Do Trí tuệ trang nghiêm nên hay đoạn dứt tất cả phân biệt vọng kiến.

Dùng lòng Từ trang nghiêm, nên đối với các chúng sanh, không khởi tâm não hại. Dùng lòng Bi trang nghiêm, nên thương xót chúng sanh, thường không chán bỏ. Dùng tâm Hỷ trang nghiêm, nên thấy người tu thiện lòng không ganh tị. Dùng tâm Xả trang nghiêm, nên đối với cảnh thuận nghịch, tâm không thương giận. Dùng Tứ nhiếp pháp trang nghiêm, nên thường siêng năng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

Dùng Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập Tứ niệm xứ quán. Dùng Chánh cần trang nghiêm nên hay đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện. Dùng Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm nhẹ nhàng, vui vẻ. Dùng Ngũ căn trang nghiêm nên lòng tin sâu xa kiên cố, siêng năng không biếng nhác, thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa, đoạn dứt các phiền não. Dùng Ngũ lực trang nghiêm nên các oán dứt sạch, không gì hoại được. Dùng Giác Chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Dùng Chánh đạo trang nghiêm, nên được trí tuệ chân chánh thường hiện ở trước.

Dùng Chỉ trang nghiêm nên dứt sạch tất cả kiết sử. Dùng Quán trang nghiêm, nên hay biết như thật tự tánh của các pháp. Dùng Phương tiện trang nghiêm, nên chóng được thành tựu viên mãn cái vui hữu vi, vô vi.

Long Vương nên biết, Mười nghiệp thiện này, hay khiến cho Mười lực, Bốn vô sở úy, Mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn. Thế nên các ông phải siêng năng tu học.

4. Công Năng Của Pháp Mười Nghiệp Lành

Long Vương! Ví như tất cả thành ấp xóm làng đều nương đại địa mà được an trụ, tất cả cỏ thuốc cây cối, bụi rừng cũng nương nơi đất mà được sanh trưởng. Pháp Mười Nghiệp Thiện này cũng lại như thế. Tất cả người, trời nương nơi đó mà được thành lập, tất cả Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp, đều nương chung vào đại địa Thập thiện mà được thành tựu.

III. PHẦN KẾT

Phật nói kinh này rồi, Long Vương  Ta-kiệt-la cùng toàn thể đại chúng, tất cả thế gian thiên, nhân, a-tu-la thảy đều vui vẻ, tin nhận vâng làm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.