Chánh văn:
Bấy giờ Thắng Man bạch Phật rằng:
– Còn có những lợi ích lớn nữa, con sẽ nương oai thần của Phật xin nói lại ý nghĩa này.
Phật bảo:
– Hãy nói đi.
Thắng Man bạch Phật:
– Có ba hạng thiện nam tử thiện nữ nhân đối với nghĩa lý sâu xa lìa bỏ sự tự hủy thương, phát sinh công đức vào Đại thừa đạo.
Giảng:
Tự hủy thương là gì? Hủy là hủy hoại, thương là thương tích, tự hủy hoại thân thể làm cho bị thương tích đau đớn là tự hủy thương. Ở đây tự hủy thương không những chỉ hủy thương thân thể mà còn hủy thương tất cả công đức lành của chính mình. Ba hạng thiện nam thiện nữ này đối với nghĩa lý sâu xa, lìa bỏ được sự tự hủy thương.
Chúng ta có lìa bỏ được sự tự hủy thương không? Thí dụ tất cả mọi người đều biết sân là xấu, làm cho phiền não tăng trưởng, có hại cho đường tu hành của mình, nhưng chúng ta bỏ được chưa? Mỗi lần sân là mỗi lần tự hại mình. Đến tham, tham tài tham sắc cũng là tự hủy hoại đường tu của mình, mà lòng tham có dứt được chưa? Mỗi lần tham khởi lên là mỗi lần hủy hoại đường tu của chúng ta. Như vậy ai làm chướng ngại đường tu của mình? Tự chúng ta hủy hoại đường tu, hủy hoại công đức của mình. Đó gọi là tự hủy thương.
Người thiện nam thiện nữ hiểu được lý Đại thừa liền xa lìa, bỏ được sự tự hủy thương. Chúng ta thì sao? Chưa bỏ được. Thí dụ người làm ruộng hoặc trồng cây muốn có trái ăn hoặc đem bán, nhưng khi trồng, vì tham quá nên ít bữa ra nhón gốc lên, kết quả ngược với mong muốn. Như vậy đáng thương không? Lòng tham làm cho quả không thành tựu. Như ai cũng biết người xuất gia tu hành phải thanh tịnh, thế thì đối với nữ sắc nên đắm không? Có lòng tham không? Nếu có là đi ngược lại đường tu, ngược lại sở nguyện của mình rồi. Nhiều vị thật đáng thương, họ không bỏ được lòng tham, giống như người trồng cây muốn mau ăn mà cứ nhón gốc lên hoài.
Nói cho dễ hiểu, tự hủy thương là phá hoại tan hoang mục đích mình hướng đến. Ở thế gian người ta luôn muốn được vui hết khổ, nhưng họ lại tập uống rượu, hút thuốc, cờ bạc… Như thế có được vui, hết khổ không? Đó là hình ảnh tự hủy thương của thế gian.
Chánh văn:
Ba hạng ấy là gì? Đó là thiện nam tử thiện nữ nhân tự thành tựu thậm thâm pháp trí. Là thiện nam tử thiện nữ nhân thành tựu tùy thuận pháp trí. Và thiện nam tử thiện nữ nhân đối với pháp sâu xa không tự mình hiểu rõ, chỉ nhờ Thế Tôn; đây không phải là cảnh giới của mình, chỉ nhờ Phật mới biết, hạng đó gọi là thiện nam tử thiện nữ nhân chỉ nhờ Như Lai.
Giảng:
Ba hạng người đối với giáo lý thậm thâm của Đại thừa:
Hạng người thứ nhất là tự mình thành tựu thậm thâm pháp trí, nghĩa là do sự quán sát của mình mà thành tựu được pháp trí thậm thâm, chứ không nhờ ai.
Hạng người thứ hai, thành tựu tùy thuận pháp trí là trí tùy thuận theo chánh pháp, tức là nhờ chánh pháp mới được tùy thuận.
Hạng người thứ ba yếu đuối hơn, tự mình không nhận ra được nghĩa lý sâu xa, không hiểu không biết cảnh giới của pháp thậm thâm đó, nhờ Phật nói mới hiểu mới biết, cho nên nói chỉ nhờ Như Lai,
Ba hạng đó, chúng ta thuộc hạng nào? Hạng chót. Đôi khi hạn chót còn chưa được nữa, phải không?
Chánh văn:
Trừ các thiện nam tử thiện nữ nhân này, các chúng sanh khác đối với pháp sâu xa, cố chấp cứng nhắc, nói quấy nói quá sai trái chánh pháp, và các ngoại đạo hủ bại chủng tử, thì cần phải dùng sức của vua và sức của trời, rồng, thần, quỷ mà điều phục chúng.
Giảng:
Ba hạng trên là ba hạng có chủng tử lành, ngoài ra có những người đối với chánh pháp sâu xa không hiểu gì hết nên nói sai nói lạc rồi đem ra chế giễu v.v… Chúng ngoại đạo cũng vậy, họ không biết mà lại chống đối. Những hạng đó chỉ nhờ một là sức của vua, hai là sức của trời rồng quỷ thần điều phục, chúng ta khó điều phục nổi.
Chánh văn:
Bấy giờ Thắng Man cùng các quyến thuộc đảnh lễ dưới chân Phật, Phật bảo:
– Hay thay! Hay thay! Thắng Man, đối với chánh pháp sâu xa hãy dùng phương tiện bảo vệ hàng phục phi pháp cho khéo léo. Ngươi đã gần gũi trăm ngàn ức Phật mới thuyết minh được nghĩa lý này.
Giảng:
Đối với chánh pháp, chúng ta phải hiểu cho sâu xa, phải khéo dùng những phương tiện để bảo vệ và phải khéo hàng phục những người không hiểu chánh pháp, làm những việc phi pháp.
Phật khen ngợi phu nhân Thắng Man không phải chỉ mới tu đời này mà trăm ngàn ức đời trước đã gặp Phật, đã tu hành nên bây giờ mới nói được những lý lẽ cao siêu như thế.
Chánh văn:
Bấy giờ Thế Tôn phóng hào quang sáng chói chiếu khắp đại chúng, thăng thân lên hư không cao bảy cây đa-la, đi bộ trên không trở về nước Xá-vệ.
Khi ấy Thắng Man phu nhân cùng các quyến thuộc chắp tay hướng về đức Phật chiêm ngưỡng không chán, mắt không rời Phật cho đến khi quá tầm nhìn, ai nấy vui mừng hớn hở ca ngợi công đức của Như Lai, ghi nhớ tất cả về Phật rồi trở vào thành, đến nơi vua Hữu Xứng ca ngợi Đại thừa, đem Đại thừa giáo hóa nữ giới trong thành từ bảy tuổi trở lên. Vua Hữu Xứng cũng đem Đại thừa dạy dỗ cho nam giới từ bảy tuổi trở lên. Nhân dân cả nước đều hướng về Đại thừa.
Giảng:
Đoạn này hơi khó hiểu. Chúng ta mấy chục tuổi mà giáo lý Đại thừa còn thấm chưa nổi, huống nữa là mấy đứa bé bảy tuổi. Như vậy, ngày xưa sự giáo hóa của các vị quá khéo léo tài tình, cho nên những đứa trẻ bảy tám tuổi cũng hiểu. Mình bây giờ giáo hóa vụng về nên người ba mươi, bốn mươi tuổi còn chưa hiểu,
Chánh văn:
Bấy giờ Thế Tôn vào rừng Kỳ Hoàn, bảo trưởng lão A-r– và nghĩ đến trời Đế thích, liền khi ấy Đế-thích cùng các quyến thuộc thoạt đến ngay trước Phật. Bấy giờ Thế Tôn nhìn trời Đế-thích và trưởng lão A-nan, giảng nói kinh này, giảng xong bèn bảo Đế-thích rằng:
– Ngươi hãy thọ trì đọc tụng kinh này. Kiều-thi-ca (Kauśika), thiện nam tử thiện nữ nhân trong số kiếp như cát sông Hằng tu hạnh Bồ-đề, thực hành sáu ba-la-mật, nhưng lại có thiện nam tử thiện nữ nhân nghe nhận đọc tụng cho đến giữ gìn quyển kinh thì phước báo còn nhiều hơn thiện nam tử thiện nữ nhân kia, huống chi còn vì người giảng nói rộng rãi. Cho nên Kiều-thi-ca, hãy thọ trì đọc tụng kinh này và giảng nói rộng khắp ba mươi ba cõi trời.
Giảng:
Sở dĩ ngài A-nan nói như thị ngã văn vì đức Phật gọi ngài A-nan và trời Đế-thích đến giảng lại. Ngài A-nan được nghe lại chứ trong hội đó không có mặt Ngài.
Phật tán thán bằng cách so sánh kinh này với hạnh tu lục ba-la-mật. Dù cho người tu lục ba-la-mật trải bao số kiếp như cát sông Hằng nhưng nếu đem so sánh với một người nghe kinh Thắng Man này biết thọ trì, đọc tụng, gìn giữ, giảng nói, công đức còn hơn người kia.
Tại sao? Nếu người tu Lục Ba-la-mật mà không nhận ra được Như Lai tạng, không thấy pháp thân thì cũng là công đức bên ngoài. Người nhận được Như Lai tạng, thấy được pháp thân, nhất là biết được tự tánh thanh tịnh tâm của chính mình, như vậy mới gần nhất, cao siêu nhất, được công đức hơn hết,
Chánh văn:
Xong, Phật bảo A-nan:
– Ngươi cũng phải thọ trì, đọc tụng, vì bốn chúng giảng nói rộng rãi.
Khi ấy trời Đế-thích bạch Phật rằng:
– Thưa Thế Tôn! Kinh này tên chi, phụng trì như thế nào?
Phật bảo Đế thích:
– Kinh này thành tựu vô lượng vô biên công đức, tất cả Thanh văn Duyên giác đều không thể quán sát một cách rốt ráo mà thấy biết được. Kiều-thi-ca! Phải biết kinh này rất sâu xa vi diệu, chứa nhóm công đức lớn. Nay ta vì ngươi lược nói tên kinh này. Ngươi hãy lắng nghe, ngươi hãy nghe và ghi nhớ kỹ.
Bấy giờ trời Đế-thích và trưởng lão A-nan bạch Phật rằng:
– Hay thay, Thế Tôn! Xin vâng lời dạy bảo.
Phật bảo:
– Kinh này ca ngợi ý nghĩa chân thật đệ nhất công đức của Như Lai. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Chương một, phu nhân Thắng Man tán thán công đức của Phật, sắc tướng của Phật. Đoạn này nói tên kinh tóm tắt hết các chương đã học qua.
Chánh văn:
Ca ngợi sự nhận lãnh trọng đại không thể nghĩ bàn. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Sự nhận lãnh trọng đại chỉ cho mười pháp trọng đại gọi là thập đại thọ. Mười đại thọ đó là mười việc phu nhân Thắng Man hứa nguyện nhận lãnh trước Phật.
Chánh văn:
Ca ngợi tất cả nguyện đều thâu nhiếp vào nguyện lớn. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Mười thọ trọng đại đó Thắng Man nguyện phát tâm tu cho đến khi thành tựu Bồ-đề, trọn không phạm giới cấm của Phật. Đó là những thọ trọng đại.
Nguyện lớn gồm có ba nguyện:
– Thứ nhất, nguyện đời đời ra đời liền gặp được chánh pháp, mở mang trí tuệ đúng chánh pháp.
– Thứ hai, nguyện ra đời biết đúng chánh pháp rồi lại giảng dạy cho chúng sanh.
– Thứ ba, hộ trì chánh pháp quên cả thân mạng và tài sản.
Như vậy để thấy ca ngợi tất cả nguyện đều thâu nhiếp vào nguyện lớn,
Chánh văn:
Nói về nhiếp thọ chánh pháp không thể nghĩ bàn. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Nhiếp thọ chánh pháp là sống đúng chánh pháp, hành đúng chánh pháp và nói đúng chánh pháp, nên chánh pháp tức là mình, mình tức là chánh pháp.
Chánh văn:
Nói về sự hội nhập Nhất thừa. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Ở đây nói rằng Thanh văn Duyên giác v.v… đều trở về, quy hội về một Phật thừa hay một Đại thừa, một thừa tức là Nhất thừa.
Chánh văn:
Nói về vô biên thánh đế. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Trong tứ thánh đế có nghĩa vô biên thánh đế. Vô biên thánh đế chỉ cho thánh để không cùng không tận, là thánh đế của Phật chứ không phải thánh đế của hàng Thanh văn. Khi nói tới tứ thánh đế, sợ chúng ta kẹt trong diệt đế của Nhị thừa, bởi vậy nói vô biên thánh đế là thánh đế của Phật, chứ không phải của Nhị thừa.
Chánh văn:
Nói về Như Lai tạng. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Sau khi diệt hết các mầm sanh tử trong tam giới, còn có Như Lai tạng hàm chứa tất cả công đức chứ không phải ngang đó là hết. Như Lai tạng đứng về mặt che đậy gọi là Như Lai tạng, khi tất cả phiền não che đậy diệt sạch rồi gọi là pháp thân. Cho nên kế Như Lai tạng liền nói về pháp thân.
Chánh văn:
Nói về pháp thân. Hãy thọ trì như vậy.
Nói về không nghĩa ẩn phú chân thật. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Như Lai tạng gồm có Không Như Lai tạng và Bất không Như Lai tạng. Không Như Lai tạng chỉ cho Như Lai tạng sạch hết tất cả phiền não, không tất cả phiền não mà hiển lộ được Như Lai. Bất không Như Lai tạng là trong Như Lai tạng đó chứa đầy đủ vô lượng vô biên công đức.
Chúng ta tu cũng có hai phần. Một là diệt trừ tất cả phiền não. Nhưng hiện tại mình mới diệt được phần nào thôi, tu từ từ cho tới ngày nào sạch hết mọi phiền não, hiện được pháp thân hay hiện được Như Lai tạng, gọi là Không Như Lai tạng. Hai là trong khi tu chúng ta cũng gầy dựng được bao nhiêu công đức, như khởi tâm từ bi, bố thí, làm những việc thiện… Như vậy, trong công phu có hai phần, phần tiêu cực là tự dẹp phiền não của mình, phần tích cực là gầy dựng đầy đủ các công đức.
Khi diệt hết phiền não rồi, Như Lai tạng gọi là Không Như Lai tạng; đầy đủ mọi công đức gọi là Bất không Như Lai tạng, vì vậy gọi là Như Lai tạng ẩn phú. Nghĩa ẩn phú chân thật là vậy.
Chánh văn:
Nói về một thánh đế. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Một thánh đế tức là diệt đế. Trong bốn đế, ba đế kia thuộc về hữu tác, chỉ có diệt thánh đế là vô tác. Thế nên diệt thánh đế mới là chân thật, là một thánh đế.
Chánh văn:
Nói về một sở y thường trú an ổn. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Một sở y thường trú là gì? Tức là khi mình chỉ thấy một thánh đế là chỗ không sở tác. Bởi không sở tác cho nên không phải là chỗ vô thường sanh diệt. Vì vậy diệt thánh đế cứu cánh mới là chỗ sở y thường trú an ổn của người tu.
Chánh văn:
Nói về điên đảo và chân thật. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Điên đảo là điên đảo của phàm phu, tứ đảo của phàm phu. Chân thật là bốn cái nhìn chân thật của Nhị thừa. Đó là giai đoạn thứ nhất, nhị thừa thấy thân này là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh còn phàm phu thấy ngược lại, cho nên phàm phu điên đảo, Nhị thừa là chân thật.
Qua chặng thứ hai là ngay nơi tự tánh thanh tịnh tâm hay ngay pháp thân có đầy đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh mà hàng Nhị thừa không thấy, chỉ chấp chặt thân này là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh thôi. Bởi vậy cái nhìn của Nhị thừa cũng thuộc về điên đảo. Cái thấy được tứ đức Niết-bàn hay tứ đức của pháp thân mới không điên đảo, mới là chân thật.
Chánh văn:
Nói về tâm tự tánh thanh tịnh ẩn phú. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Ai cũng có tự tánh thanh tịnh tâm hay là tâm tự tánh thanh tịnh, nhưng nó bị các thứ ngũ trụ vô minh ẩn phú che đậy. Ngũ trụ địa gồm Vô minh trụ địa, Kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa. A-la-hán phá sạch được bốn trụ địa là Kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa, nên các ngài không còn thân sanh trong tam giới, gọi là Niết-bàn. Nhưng còn Vô minh trụ địa bên trong chưa phá được nên các ngài còn chìm ở phiền não nhỏ nhiệm, chỉ được ý sanh thân, chưa chứng hoàn toàn Niết-bàn. Khi diệt được vô minh trụ địa mới diệt ý sanh thân, chừng đó được Niết-bàn cứu cánh của Phật. Tu để không còn qua lại trong tam giới là phá tứ trụ địa, tu để thành Phật phải phá luôn Vô minh trụ địa.
Biết vậy, chúng ta mới hiểu tại sao A-la-hán khác, Bồ-tát khác, Phật khác. Nói về Niết-bàn, Phật cũng Niết-bàn, A-la-hán cũng Niết-bàn như nhau, sao A-la-hán không gọi là Phật? Cũng như huynh đệ thọ Tỳ-kheo, tôi cũng Tỳ-kheo, nhưng các huynh đệ là các huynh đệ, tôi là tôi, các huynh đệ kêu tôi bằng thầy. Tại sao? Vì có cái khác trong công phu, phải không? Nếu nói vô sanh Niết-bàn ai cũng như nhau là không đúng.
Chánh văn:
Nói về đệ tử chân thật của Như Lai. Hãy thọ trì như vậy.
Giảng:
Đệ tử chân thật của Như Lai là những người tùy tín và tín tăng thượng, rồi minh tín… Những người được như vậy mới gọi là đệ tử chân thật của Như Lai.
Chánh văn:
Nói về phu nhân Thắng Man rống tiếng rống sư tử. Hãy thọ trì như vậy.
Này Kiều-thi-ca, những điều kinh này giảng nói cắt đứt mọi nghi ngờ, quyết định rõ nghĩa đưa vào đạo Nhất thừa.
Giảng:
Kinh này đưa chúng ta tiến thẳng vào Nhất thừa, tức là Phật thừa, đưa mình tới chỗ thành Phật mới thôi, không cho dính kẹt ở chặng giữa,
Chánh văn:
Kiều-thi-ca, vì thế nay ta gọi là kinh Thắng Man Phu Nhân Sư Tử Hống, đem phó chúc cho người hãy thọ trì đọc tụng, phân biệt giảng nói rộng rãi đến khi nào giáo pháp còn tồn tại.
Đế-thích bạch Phật rằng:
– Hay thay, Thế Tôn! Xin cúi đầu nhận lãnh lời chỉ dạy cao quý.
Bấy giờ trời Đế-thích, trưởng lão A-nan cùng các trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà… trong đại hội nghe Phật nói đều hoan hỷ phụng hành.
Giảng:
Như vậy đoạn này tóm tắt hết mười lăm chương đã học. Sau khi học chúng ta thấy kinh này có những đặc điểm gần với kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa quy tam thừa về Nhất thừa là Phật thừa, kinh này cũng vậy.
Một đặc điểm nữa là kinh này gần với Thiền tông. Thiền tông mà chúng ta hiện tu là tự tánh thanh tịnh thiền, là thiền trở về tự tánh thanh tịnh của chính mình, kinh Thắng Man gọi là tự tánh thanh tịnh tâm. Tự tánh thanh tịnh tâm bị các vô minh phiền não che lấp nên không hiển lộ. Nhà thiền gọi kiến tánh tức là thấy tự tánh thanh tịnh của mình. Thấy được tự tánh thanh tịnh rồi, y cứ theo đó dẹp phiền não, phiền não hết thì tự tánh thanh tịnh hiển lộ. Kinh này gần với Thiền tông ở chỗ đó.
Khi đức Phật còn tại thế, giai đoạn đầu Tăng đoàn chỉ có bên tăng, không có bên ni. Nhưng thời gian sau Di Mẫu xin tu, Nể tình bà và lời yêu cầu tha thiết của ngài A-nan, đức Phật cho bà xuất gia. Từ đó Tăng đoàn có thêm chúng ni. Ma-ha Ba-xà-ba-đề lãnh đạo bên ni, tuy nhiên cũng nương bên tăng, cho nên an cư nhập hạ phải ở gần chư tăng, không được ở xa. Tại sao? Vì ngày xưa chùa chiền không có, nếu chư ni tụ hội một chỗ mà không có sự bảo vệ, nhắc nhở của chư tăng sẽ gặp nguy hiểm, tai nạn. Vì vậy Phật bảo chư ni ở đâu cũng phải gần chư tăng để được bảo vệ.
Phật Niết-bàn khoảng một đến ba trăm năm là thời bộ phái. Bộ phái mạnh nhất là Thượng tọa bộ. Các ngài lý luận ngày xưa Phật cho phái nữ đi tu là trường hợp bất đắc dĩ chứ Thế Tôn không muốn. Vì sao? Nếu muốn, Di Mẫu vừa xin, ngài đã cho liền. Nhưng bà phải năn nỉ rất khó nhọc, Phật còn đặt ra Bát kỉnh pháp mới cho tu, rõ ràng Phật bất đắc dĩ mà cho. Các ngài tuân theo ý Phật nên không cho phái nữ xuất gia. Vì vậy thời gian đó phái nữ không được xuất gia. Bây giờ chúng ta còn thấy các hệ phái Nam tông, phái nữ chỉ được cạo tóc mặc áo trắng chứ không được đắp y, đó là còn theo hệ phái Thượng tọa bộ.
Tới khoảng năm, sáu trăm năm sau, các hệ phái Đại thừa khởi xướng cho phái nữ xuất gia, lý luận cũng rất hay. Ngày xưa Phật không cho phái nữ xuất gia vì hoàn cảnh sống của người tu rất vất vả, không chùa chiền, không trú xứ, người nữ đi lang thang chỗ này chỗ kia rất bất tiện. Đức Phật không cho xuất gia vì lý do thiếu phương tiện chứ không phải người nữ tu không được. Bằng chứng là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề và năm trăm Tỳ-kheo-ni, sau khi nghe ba tháng nữa Phật nhập Niết-bàn, liền đến chỗ Thế Tôn, bạch với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con không kham thấy Như Lai nhập Niết-bàn. Xin Thế Tôn cho chúng con được nhập Niết-bàn trước.” Phật hoan hỷ cho. Năm trăm vị nhập Niết-bàn một lượt. Điều này cho thấy năm trăm vị Tỳ-kheo-ni ấy đã chứng A-la-hán và có khả năng sanh tử tự tại.
Như vậy phái nữ cũng tu được chứng được, không phải vì lý do tu không chứng mà Phật không cho xuất gia. Nói ý của Phật không cho là không đúng, chẳng qua vì điều kiện phương tiện thiếu, chứ không phải vì phái nữ tu không được. Phái nam tu được, phái nữ tu được thì bình đẳng, phải cho xuất gia như nhau. Bởi vậy sau này phái nữ được xuất gia, đó là theo hệ phái Đại thừa Bắc tông. Bây giờ người nữ xuất gia nhiều hơn người nam.
Theo quan điểm Đại thừa, người nam hay người nữ trên phương diện tu chứng đạo như nhau. Nam chứng A-la-hán, nữ cũng chứng A-la-hán. Bên tăng có những vị đệ nhất như ngài A-nan đệ nhất đa văn, ngài Xá-lợi-phất đệ nhất trí tuệ, ngài Mục-kiền-liên đệ nhất thần thông… bên ni cũng có những vị đệ nhất như Khema đệ nhất trí tuệ, Uppalavannā đệ nhất thần thông v.v… Như vậy đâu có thua gì nam giới. Căn cứ theo lý đó, trên phương diện tu chứng nam nữ như nhau, bởi thế Đại thừa chấp nhận cho phái nữ xuất gia.
Thời gian sau Phật Niết-bàn khoảng ba bốn trăm năm, lúc này Phật pháp hưng thịnh, người nào muốn tu cầu giải thoát đa số đều xuất gia, vì xuất gia mới giải thoát được. Theo các kinh A-hàm, người tại gia tu chỉ chứng tới quả A-na-hàm là cùng, chứ không bao giờ chứng A-la-hán nên chưa giải thoát sanh tử. Do đó ai muốn ngộ đạo đều xuất gia hết. Như vậy Tăng đoàn, Ni đoàn đông quá nuôi không nổi cho nên mới có thuyết người cư sĩ tu cũng đắc đạo. Thế là kinh Duy-ma-cật ra đời. Trong câu chuyện của ngài Duy-ma-cật, các thầy Tỳ-kheo tới vấn nạn đều bị ngài bẻ gãy, người nào người nấy đuối lý. Kinh Duy-ma-cật ra đời nhằm nâng đỡ người cư sĩ tại gia, nam cư sĩ tu cũng đạt đạo, các Tỳ-kheo đều khiếp vía chứ không phải thường. Đó là một giai đoạn.
Nam cư sĩ tu được thì nữ cư sĩ tu được không? Trong kinh Thắng Man, nữ cư sĩ cũng được Phật khen ngợi, thọ ký sau sẽ thành Phật. Như vậy nữ cư sĩ cũng thành Phật được. Đó là giáo lý Đại thừa bình đẳng. Dù tăng dù ni, dù nam hay nữ cư sĩ, ai ngộ đạo thấy được nơi mình có tự tánh thanh tịnh tâm hay có Phật tánh, người đó đều tu được và đều được thọ ký sẽ thành Phật như nhau. Ý nghĩa của kinh này gần với kinh Pháp Hoa ở chỗ đó. Ai thấy được Phật tánh, người đó tu đều được giải thoát, nếu không thấy thì không giải thoát.
Trên phương diện lịch sử, ý nghĩa của kinh Thắng Man làm viên mãn giáo lý của Phật. Trong tất cả trường hợp, ai cũng tu được hết, không dành riêng cho một nhóm, một phái nào. Người xuất gia, người tại gia tu cũng chứng đạo, người xuất gia ni, người cư sĩ nữ tu cũng chứng đạo, không ai thua ai. Đó là đi tới lý bình đẳng không sai biệt của Phật pháp.
Tóm lại, theo tinh thần Đại thừa, tất cả chúng sanh bình đẳng trên Phật tánh nên tu hành đều có thể thành tựu giác ngộ giải thoát như nhau.
Trang trước | Mục lục | Về Trang chủ |