Kinh Thắng Man giảng giải

Chương XII Điên Đảo Và Chân Thật



Chánh văn: 

Không thể nghĩ bàn là diệt đế, vượt quá cảnh giới sở duyên của tâm thức tất cả chúng sanh và cũng vượt quá cảnh giới trí tuệ của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật. 

Ví như trẻ mới sanh đã bị mù mắt không thấy được các màu sắc, như trẻ mới sanh bảy ngày không thấy vầng mặt trời. Chân lý diệt khổ cũng như vậy, không phải cảnh giới sở duyên của tâm thức tất cả phàm phu, cũng không phải cảnh giới trí tuệ của Nhị thừa. 

Tâm thức phàm phu có hai kiến chấp điên đảo. Trí tuệ của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật thì thanh tịnh. 

Giảng:

Diệt đế đệ nhất nghĩa này vượt quá cảnh giới sở duyên của tâm thức sanh diệt của chúng sanh, nó cũng vượt qua khỏi cảnh giới trí tuệ của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật. Tại sao? Bởi vì diệt đế này là cái diệt cứu cánh tất cả sanh tử, không phải chỉ ở trong giới hạn phần đoạn sanh tử. Còn trí tuệ A-la-hán chỉ có khả năng diệt được, thấy được tất cả nhân sanh tử phần đoạn trong tam giới, không thể thấy được diệt đế đệ nhất nghĩa.

Diệt đế không thể nghĩ bàn tức diệt đế đệ nhất nghĩa này, hàng phàm phu không thể thấy. Như đứa bé mới sanh ra đã bị mù không thể thấy đây là trắng, kia là đen, nọ là xanh, ấy là vàng. Cũng thế, phàm phu không bao giờ biết được diệt đế.

Đứa bé sanh ra bảy ngày nhìn vật màu trắng thấy trắng, vật màu vàng thấy vàng. Nó không thấy được ánh sáng mặt trời vì mới sanh còn nằm trong nôi chưa ra ngoài được. Như vậy biết màu sắc mà không thấy được ánh sáng mặt trời, dụ cho trí tuệ của Thanh văn. Thanh văn Duyên giác chỉ biết những cái gần cái nhỏ, chưa thấy được cái tột cùng tức không thấy được diệt đế cứu cánh. Dùng hai thí dụ này để ví cho phàm phu và Nhị thừa.

Tâm thức phàm phu có hai kiến chấp điên đảo: chấp đoạn và chấp thường. Chấp thân này chết là hết, hoặc thân này chết linh hồn còn hoài, đó là kiến chấp của phàm phu. A-la-hán đã phá được hai kiến chấp đó.

Chánh văn: 

Biên kiến nghĩa là phàm phu đối với năm thọ ấm thì chấp ngã, vọng tưởng trói buộc mà sanh ra hai kiến chấp gọi là biên kiến. Đó là thường kiến và đoạn kiến. 

Thấy các hành vô thường là đoạn kiến không phải chánh kiến. Thấy Niết-bàn thường là thường kiến không phải chánh kiến. Vì do vọng tưởng thấy thế nên có kiến chấp như vậy. 

Giảng:

Phàm phu chúng ta chấp thân năm uẩn này chết là hết, đó là chấp đoạn; chết rồi linh hồn còn mãi mãi là chấp thường. Hai cái chấp đó đều gọi là biên kiến. Biên là bên, tức là thấy một bên.

Xa hơn nữa, nếu thấy tất cả hành vô thường rồi chấp vô thường có thật, đó là đoạn kiến, không phải chánh kiến. Nếu hàng Thanh văn thấy Niết-bàn rồi chấp Niết-bàn là cứu cánh thường, đó là thường kiến, không phải chánh kiến, chưa đạt tới chỗ cứu cánh.

Chánh văn: 

Đối với các căn của thân, phân biệt tư duy hiện pháp thấy có hư hoại, còn cái liên tục không dứt thì không thấy, nên sanh đoạn kiến. Đó là do vọng tưởng nên thấy như vậy. 

Đối với tâm thức nối nhau liên tục thì ngu tối không rõ không biết đó là cảnh giới của ý và thức trong từng sát-na, nên sanh thường kiến. Đó là do vọng tưởng nên thấy như vậy, 

Kiến chấp vọng tưởng này, đối với nghĩa kia, khi thái quá khi bất cập mà nảy sinh ý tưởng phân biệt khác đi, hoặc đoạn hoặc thường. Chúng sanh điên đảo đối với năm thọ ấm, vô thường tưởng thường, khổ tưởng có vui, vô ngã tưởng ngã, bất tịnh tưởng tịnh. 

Giảng: 

Về thân căn, chúng ta thấy vô thường biến đổi từ nhỏ tới lớn, đến già rồi chết, cho nên khi thân hoại tưởng là hết, đó là đoạn kiến.

Nhiều vị tu khi những dòng tâm thức thô đã lặng sạch, còn những dòng tâm thức tế không thấy rõ lại tưởng là hết, là hoàn toàn yên nên cho đó là thường, mà không ngờ vẫn còn sát-na sanh diệt, cho đó là Niết-bàn nhưng sự thật chưa phải Niết-bàn. Đó là thường kiến sai lầm do các hàng Thanh văn lầm cho tới đó là chứng Niết-bàn hoàn toàn rồi.

Hai lối thấy đó, một bên thái quá, một bên bất cập, do đó sanh ra chấp đoạn kiến, chấp thường kiến. Đó là bốn điên đảo tưởng của phàm phu.

Chánh văn: 

Đối với tịnh trí của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật thì vốn không biết đến cảnh giới nhất thiết trí và Như Lai pháp thân, nhưng nếu có chúng sanh vì tin lời Phật nói mà sanh ý tưởng về thường lạc ngã tịnh thì đó không phải kiến chấp điên đảo, đó là chánh kiến. 

Giảng:

Đối với A-la-hán, nếu các ngài chấp chỗ Niết-bàn của mình là cứu cánh chân thật, đó là chấp thường.

Nhưng nếu các ngài nghe Phật nói về cảnh giới nhất thiết trí, về pháp thân v.v… mà tin được, nhận được rằng nơi pháp thân có bốn tướng thường lạc ngã tịnh, đó không phải là kiến chấp điên đảo, mà là chánh kiến. Như vậy ngoài bốn thứ điên đảo của phàm phu còn có bốn thứ điên đảo của Nhị thừa.

Tại sao có bốn thứ điên đảo của Nhị thừa? Nhị thừa hết đảo là hết điên đảo của phàm phu, nhưng còn điên đảo đối với pháp thân, đối với Như Lai tạng, bởi chưa thấy được pháp thân hay chưa thấy được cứu cánh Niết-bàn. Cứu cánh Niết-bàn có đầy đủ bốn đức: thường lạc ngã tịnh. Các ngài chỉ biết vô thường, khổ, không, vô ngã hay vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà không biết được thường lạc ngã tịnh của pháp thân hay của Niết-bàn. Vì vậy gọi là điên đảo.

Như vậy cộng điên đảo của phàm phu và của Nhị thừa thành mấy đảo? Bốn đảo của phàm phu và bốn đảo của Nhị thừa gọi chung là bát đảo. Nếu hàng Nhị thừa tin được lời Phật nói về pháp thân thường lạc ngã tịnh hay Niết-bàn chân thật có thường lạc ngã tịnh thì không phải là tà kiến.

Chánh văn: 

Bởi vì sao? Vì Như Lai pháp thân là thường ba-la-mật, lạc ba-la-mật, ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật. Có kiến giải về pháp thân Phật như vậy là chánh kiến. 

Người có chánh kiến là thật sự Phật tử, từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh, từ pháp Phật hóa sanh, được của cải giáo pháp thặng dư. 

Giảng:

Đứng về pháp thân, pháp thân bất sanh bất diệt, cứu cánh thường cho nên gọi là thường ba-la-mật. Pháp thân không có những vọng tưởng, phiền não nên thường an lạc, bởi thế gọi là lạc ba-la-mật. Pháp thân là chủ, không có gì sai khiến được, làm chủ nó được, vì vậy gọi là ngã ba-la-mật. Pháp thân hoàn toàn thanh tịnh, do đó gọi là tịnh ba-la-mật. Ai có kiến giải như vậy gọi là chánh kiến.

Người nào được chánh kiến như thế mới thật là Phật tử chân chánh, từ miệng Phật sanh, từ chánh pháp sanh tức là do học chánh pháp nhận được như vậy, từ pháp Phật hóa sanh là từ pháp Phật dạy hóa sanh được trí tuệ, được của cải giáo pháp thặng dư nghĩa là được giáo pháp dư thừa hơn tất cả.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Tịnh trí này là trí ba-la-mật của tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật. Tịnh trí này tuy nói là tịnh trí vẫn không phải cảnh giới diệt đế kia, huống nữa là trí bốn y. Bởi vì sao? Vì tam thừa sơ nghiệp nếu không ngu pháp sẽ giác ngộ chứng đắc lý kia. Thế Tôn nói bốn y chính vì họ. 

Giảng: 

Tịnh trí thấy được thường lạc ngã tịnh của pháp thân là tịnh trí ba-la-mật của Thanh văn Duyên giác. Được tịnh trí này mới gọi là cứu cánh. Tịnh trí này không phải cảnh giới diệt đế kia, diệt đế kia là diệt đế của Nhị thừa, huống nữa là trí bốn y. Bốn y là gì? Một là y pháp bất y nhân, hai là y nghĩa bất y ngữ, ba là y trí bất y thức, bốn là y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa. Biết rõ bốn y đó là có trí tứ y.

Ngu pháp Thanh văn chỉ các bậc chứng A-la-hán cho Niết-bàn là chỗ cứu cánh cùng tột rồi an trụ ở đó mãi. Hàng tam thừa Thanh văn Duyên giác và Bồ-tát nếu không ngu pháp, các ngài sẽ giác ngộ, tức là sẽ tiến lên chứng đắc được lý pháp thân, có đầy đủ tứ đức. Bởi vậy Thế Tôn nói bốn y chính họ. Nếu y theo kinh điển nói chứng A-la-hán là cứu cánh, đó gọi là y bất liễu nghĩa. Bây giờ biết được chỗ đó chưa phải cứu cánh, cố gắng vươn lên, như vậy là y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.

Chánh văn: 

Thưa Thế Tôn! Bốn y này là pháp thế gian. 

Thưa Thế Tôn! Một sở y là nơi y chỉ trên tất cả, sở y xuất thế gian đệ nhất nghĩa cao tột chính là diệt đế. 

Giảng:

Bốn y là phương tiện Phật nói để hướng dẫn chúng ta tu nên gọi là pháp thế gian.

Như vậy, diệt đế tức là Niết-bàn cứu cánh chân thật đầy đủ tứ đức thường lạc ngã tịnh, đây mới là đệ nhất nghĩa cao tột.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.