Lăng-già (Lanka) là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng-già nên lấy tên châu mà gọi tên núi. Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa. Bởi vua Dạ-xoa thỉnh Phật thuyết pháp trên núi, nên lấy tên núi đặt tên kinh.
Đại sĩ Táo Bá nói: “Kinh này nói trên núi Lăng-già ở trong biển Nam. Như Lai nói kinh dưới núi, vua Dạ-xoa La-bà-na và Bồ-tát Ma-đế ngồi cung điện hoa đến thỉnh Như Lai vào núi thuyết pháp. Núi này cao vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không lối vào. Người được thần thông mới có thể lên được, để tiêu biểu pháp môn tâm địa, người không tu không chứng mới hay lên được. Nhìn xuống biển cả, để tiêu biểu biển tâm thanh tịnh, do gió cảnh thổi, nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì biển tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng. Kinh này Phật vì hàng Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, liền nói chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng; khác với Nhị thừa do diệt thức tiến đến không tịch; cũng khác với Bát-nhã bởi Bồ-tát quán không rồi thích cái Không tăng thắng. Đây chỉ thẳng Thức thể bản tánh toàn chân, liền thành trí dụng, như biển cả kia lặng gió thì cảnh tượng đều hiện bày. Biển tâm chẳng động thì gió cảnh chẳng khác. Chỉ người khéo hiểu được tánh chân, liền nơi thức biến thành trí.” Táo Bá rất thâm hiểu tông thú kinh Lăng-già vậy.
Kinh này dịch lần đầu do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) đời Lưu Tống (424-454), dịch thành bốn quyển để tên là Lăng-già A-bạt-đà-la Bảo Kinh. Đến đời Nguyên Ngụy (500-516), ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch thành mười quyển tên là Nhập Lăng-già. Đời Đường thời Võ Tắc Thiên (684-705), ngài Thật-xoa-nan-đà (Sikshànanda) cùng với ông Phục Lễ v.v… dịch thành bảy quyển tên là Đại Thừa Nhập Lăng-già.
Bản dịch đời Đường rất đơn giản, không bằng bản dịch đời Tống rất cao sâu. Cho nên từ xưa đến nay những nhà nghiên cứu hầu hết đều theo bản dịch ban đầu (đời Tống).
Thời vua Lương Võ Đế, Đại sư Đạt-ma đi đường biển đến Trung Hoa rồi sang nước Ngụy, ở tại chùa Thiếu Lâm chín năm ngồi xoay mặt vào vách. Sau Ngài truyền pháp cho Tổ Huệ Khả nói: “Xứ này chỉ có bốn quyển kinh Lăng-già có thể dùng ấn tâm, trọn trao cho ngươi.” Từ đây kinh Lăng-già bèn thành vật bí mật trong Tông môn (Thiền tông). Thiền giả thời nay đã bỏ qua (kinh Lăng-già) cho đến suốt đời chưa từng giở ra xem, thật đáng buồn thay! Về nhóm Nghĩa học (học kinh), chỉ có đầu niên hiệu Hồng Võ (1368) có ông Tông Lặc, Như Khỉ vâng chiếu chung nhau sớ. Đến cuối niên hiệu Vạn Lịch (1620) có ngài Đức Thanh bút ký. Đến khoảng giữa niên hiệu Sùng Trinh (1628-1643) có ngài Trí Húc nghĩa sớ. Ngoài những sớ giải trên, không còn thấy chỗ nào khác.
Tổ Đạt-ma thường bảo rằng: “Kinh này sau năm trăm năm trở thành môn học danh tướng.” Xét kỹ lời nói này càng thêm lo sợ. Tổ nói tông của ta thất truyền đâu phải do người hay việc nào khác!
Hàm Thị tôi, từ niên hiệu Thuận Trị nhằm năm Tân Sửu (1661), trước thì Hoa Thủ thị tịch, năm sau Đại Nhật tiếp tục tạ thế. Hai năm qua lạc thú nhân sanh đối với tôi đã hết sạch. Tôi bèn rút lui về ở núi Lôi Phong, quanh quẩn trong am tranh, nương chí đời trước, cùng đáp những câu hỏi của thiền gia, dùng để tự vui, chưa dám chỉ dạy người. Chỉ nghĩ đến đạo pháp nảy mầm lộn lạo, nói rằng kiến tánh mà đồng với thần ngã; một con đường thấu thoát (tu thiền) mà không khác với minh sơ. Như câu “chẳng tự sanh, chẳng phải chẳng sanh”, lời Thánh nói vẫn đầy đủ, mà có người chẳng đạt lý duyên khởi, rốt cuộc rơi vào bác không, mặc tình phá hoại Phật pháp. Xét ra do họ mắc kẹt trên danh tướng, nên công và tội chẳng đồng vậy.
Kinh này chỉ thẳng chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng, thật có mê ngộ. Chẳng thế, thì lấy thức lưu chú làm Tự tâm, trở lại thành lỗi tâm sanh thức. Trong lời sớ giải thâm thiết rõ ràng, chỉ trước dẫn ra cho có huyết mạch. Có dẫn kinh luận chỉ lấy chỗ gần là nhập lý để phát minh lẫn nhau. Đến như những lời nói của thiền gia cốt ở chỗ thận trọng giữ mình. Phàm thiền gia dùng có lời để tháo chốt. Còn kinh điển cốt dẫn người trở về không lời. Chính vì chỗ bàn sâu nên không từ phá dẹp, luống dùng lời để cắt đứt, đâu khỏi lẫn lộn chân thuyên (lời nói bày chân lý). Lầm lẫn danh ngôn nên chữ “Ô” chữ “Yên” thành chữ “Mã”. Thiền bệnh thời nay là do chân giả khôn phân. Tổ của ta ban đầu lập không lời, cùng truyền bốn quyển kinh, đã thầm bày ẩn ý vậy. Hàm Thị tôi xin tất cả người đời sau nên noi theo ý chỉ của đấng Đại Từ đã chỉ dạy.