Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

11. Phẩm Bồ Tát Hạnh



Khi ấy Phật nói pháp ở vườn cây am-la, đất ở đó bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng. A-nan bạch Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành này? Chỗ này bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, tất cả chúng hội đều thành sắc vàng.

Phật bảo A-nan:

– Ấy là ông Duy Ma Cật và Văn-thù-sư-lợi cùng với đại chúng cung kính vây quanh, phát ý muốn đến, nên trước hiện điềm lành này.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật nói với ngài Văn-thù-sư-lợi:

– Nên cùng đến gặp Phật, cho các vị Bồ-tát lễ bái cúng dường.

Văn-thù-sư-lợi nói:

– Lành thay, nên đi! Nay chính phải thời.

Ông Duy Ma Cật liền dùng thần lực, nắm các đại chúng cùng với các tòa sư tử để trên lòng bàn tay phải, đem đến chỗ Phật. Đến nơi rồi ông để xuống đất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải Phật bảy vòng, một lòng chắp tay, đứng qua một bên. Các vị Bồ-tát liền bước xuống tòa, cúi đầu lễ chân Phật, cũng nhiễu bảy vòng rồi đứng qua một bên. Các vị đại đệ tử, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương v.v… cũng đều bước xuống tòa, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi đứng qua một bên.

Khi ấy Thế Tôn như pháp an ủi hỏi thăm các Bồ-tát rồi, bảo mỗi người ngồi lại chỗ cũ, các vị đều vâng lời dạy. Chúng đã ngồi yên, Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:

– Ông thấy sức thần thông tự tại của vị đại sĩ Bồ-tát làm ra chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

– Thưa vâng, con đã thấy!

Phật hỏi: – Ý ông nghĩ sao?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

– Bạch Thế Tôn, con thấy việc làm ấy không thể nghĩ bàn, chẳng phải ý mưu tính được, chẳng phải suy đoán đo lường được.

Lúc ấy tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn, mùi hương nay được ngửi, từ trước chưa có, ấy là mùi hương gì?

Phật bảo A-nan:

– Ấy là mùi hương từ lỗ chân lông của các vị Bồ-tát kia.

Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất nói với A-nan:

– Lỗ chân lông của chúng tôi cũng toát ra mùi hương này.

Tôn giả A-nan hỏi:

– Mùi hương này từ đâu đến?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

– Đó là trưởng giả Duy Ma Cật xin cơm thừa của Đức Phật từ nước Chúng Hương, đem về ăn nơi thất của ông, tất cả lỗ chân lông đều phát ra mùi hương như thế.

Tôn giả A-nan hỏi ông Duy Ma Cật:

– Mùi hương này còn được bao lâu?

Ông Duy Ma Cật nói:

– Đến khi nào cơm này tiêu.

A-nan hỏi:

– Cơm này khoảng bao lâu mới tiêu?

Ông Duy Ma Cật nói:

– Thế lực của cơm này đến bảy ngày, sau đó mới tiêu. Lại A-nan, nếu người Thanh văn chưa vào chánh vị, ăn cơm này, được vào chánh vị rồi sau mới tiêu. Còn người được vào chánh vị ăn cơm này, được tâm giải thoát sau đó mới tiêu. Nếu người chưa phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi phát ý Đại thừa mới tiêu. Người đã phát ý Đại thừa ăn cơm này, đến khi được vô sanh pháp nhẫn sau đó mới tiêu. Người đã được vô sanh pháp nhẫn ăn cơm này, đến nhất sanh bổ xứ sau đó mới tiêu. Ví như có thuốc gọi là thượng vị, có người uống thuốc này, các độc trong thân diệt hết, sau đó mới tiêu. Cơm này cũng thế, diệt trừ tất cả các độc phiền não, sau đó mới tiêu.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có vậy! Mùi hương của cơm này hay làm được Phật sự.

Đức Phật bảo:

– Đúng thế, đúng thế A-nan! Hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng các vị Bồ-tát làm Phật sự, có cõi dùng những người hóa của Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng cây bồ-đề mà làm Phật sự, có cõi dùng y phục, ngọa cụ mà làm Phật sự, có cõi dùng cơm mà làm Phật sự, có cõi dùng vườn cây đài quán mà làm Phật sự, có cõi dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp mà làm Phật sự, có cõi dùng thân Phật mà làm Phật sự, có cõi dùng hư không mà làm Phật sự chúng sanh nên dùng duyên này được vào luật hạnh. Có cõi dùng mộng, huyễn, ảnh, tiếng, bóng trong gương, trăng đáy nước, sóng nắng khi trời nóng, những việc như thế mà làm Phật sự. Có cõi dùng âm thanh, ngôn ngữ, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh lặng lẽ không nói không lời, không chỉ bày, không biết, không tạo tác mà làm Phật sự. Như thế A-nan, các oai nghi tới lui, các cử chỉ của chư Phật, đều là Phật sự.

Này A-nan, có bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn các thứ phiền não mà chúng sanh cho là nhọc nhằn, chư Phật thì dùng pháp này mà làm Phật sự, ấy gọi là pháp môn Nhập nhất thiết chư phật. Bồ-tát vào được pháp môn này, nếu thấy tất cả cõi Phật đẹp đẽ chẳng cho là mừng, chẳng tham cũng chẳng tự cao. Nếu thấy tất cả cõi Phật nhơ nhớp chẳng lấy làm buồn, chẳng ngại chẳng ẩn. Chỉ đối với chư Phật sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ cung kính chưa từng có vậy! Chư Phật Như Lai công đức bình đẳng, vì giáo hóa chúng sanh mà hiện cõi Phật không đồng. Này A-nan, ông thấy cõi nước chư Phật đất có hạn lượng, hư không thì không có hạn lượng. Như thế thấy sắc thân chư Phật có hạn lượng, mà trí tuệ vô ngại của chư Phật không có hạn lượng.

Này A-nan, sắc thân của chư Phật, oai nghi, chủng tánh, giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, pháp bất cộng, đại từ đại bi, oai nghi sở hành, và tuổi thọ của các ngài, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sanh, cõi Phật thanh tịnh, đầy đủ pháp của chư Phật, thảy đều đồng nhau, thế nên gọi là Tam-miệu Tam-phật-đà, hay gọi Đa-đà A-già-độ, hay gọi là Phật-đà.

Này A-nan, nếu ta nói rộng ba nghĩa cú này, dù trọn một kiếp tuổi thọ của ông cũng không thể nhận hết được. Dù cho chúng sanh khắp trong tam thiên đại thiên thế giới đều đa văn đệ nhất như A-nan, được niệm tổng trì, những người này dùng tuổi thọ một kiếp cũng không thể nào thọ nhận hết được. Như thế A-nan, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có hạn lượng, trí tuệ biện tài cũng không thể nghĩ bàn.

A-nan bạch Phật:

– Con từ nay về sau không dám tự cho mình là đa văn.

Phật bảo A-nan:

– Chớ khởi ý thối lui! Vì sao? Ta nói ông đa văn nhất trong hàng Thanh văn, chứ không phải trong hàng Bồ-tát. Hãy thôi, A-nan! Trí của hàng Thanh văn không nên so sánh với chư Bồ-tát. Tất cả biển sâu còn có thể đo lường; thiền định, trí tuệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức của Bồ-tát không thể lường được. A-nan, ông hãy bỏ qua việc làm của Bồ-tát. Ông Duy Ma Cật đây, một lúc hiện sức thần thông, tất cả Thanh văn Bích-chi Phật ở trong trăm ngàn kiếp, tận lực biến hóa đều không thể làm được.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở thế giới Chúng Hương đến, chắp tay bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, chúng con ban đầu thấy cõi nước này, sanh tưởng hạ liệt, nay tự hối trách, buông bỏ tâm ấy. Vì cớ sao? Phương tiện chư Phật không thể nghĩ bàn. Vì độ các chúng sanh, tùy chỗ thích hợp mà có hiện ra cõi nước Phật khác. Cúi mong Thế Tôn, nguyện ban cho chúng con một ít pháp, để trở về cõi kia sẽ nhớ đức Như Lai.

Phật bảo các vị Bồ-tát:

– Có pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông phải học. Sao gọi là tận? Nghĩa là pháp hữu vi. Sao gọi là vô tận? Nghĩa là pháp vô vi. Như Bồ-tát chẳng tận hữu vi cũng không có trụ vô vi.

Sao gọi là chẳng tận hữu vi? Nghĩa là chẳng lìa đại từ chẳng bỏ đại bi; sâu phát tâm Nhất thiết trí mà chẳng tạm quên; giáo hóa chúng sanh trọn không chán mỏi, đối với tứ nhiếp pháp thường nhớ thuận hành; hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng; gieo trồng các căn lành không có mỏi mệt nhàm chán. Chí thường an trụ phương tiện hồi hướng; cầu pháp không giải đãi, nói pháp không lẫn tiếc; siêng năng cúng dường chư Phật. Cho nên vào sanh tử mà không sợ sệt; đối với các vinh nhục, tâm không vui buồn; chẳng khinh người chưa học, cung kính người học như Phật; người rơi vào phiền não, khiến họ phát khởi chánh niệm; đối với cái vui xa lìa, không cho là quý; không dính mắc cái vui của mình, mừng với niềm vui của người. Ở trong các thiền định tưởng như địa ngục, ở trong sanh tử tưởng như đang xem vườn, thấy người đến cầu tưởng như bậc thầy lành, bỏ các sở hữu tưởng như đầy đủ nhất thiết trí, thấy người phá giới khởi tưởng cứu hộ, các pháp ba-la-mật tưởng như cha mẹ, pháp đạo phẩm tưởng như quyến thuộc. Phát khởi thiện căn không có ngằn mé, lấy việc nghiêm sức các cõi thanh tịnh thành tựu cõi Phật của mình, thực hành bố thí không giới hạn được đầy đủ tướng tốt, trừ tất cả việc ác được thân khẩu ý thanh tịnh. Sanh tử vô số kiếp ý vẫn mạnh mẽ, nghe công đức vô lượng của Phật chí không mệt mỏi. Dùng kiếm trí tuệ phá giặc phiền não, ra khỏi ấm giới nhập gánh vác chúng sanh, hằng khiến được giải thoát. Dùng hạnh đại tinh tấn phá dẹp các ma quân, thường cầu vô niệm được thật tướng trí tuệ; đối với pháp thế gian ít muốn biết đủ, không chán mỏi với việc cầu xuất thế, mà không bỏ pháp thế gian, không hoại pháp oai nghi mà hay tùy tục. Khởi các thần thông trí tuệ, dẫn đường chúng sanh, được niệm tổng trì, chỗ nghe không quên. Khéo phân biệt các căn, đoạn nghi cho chúng sanh; dùng nhạo thuyết biện tài, diễn nói pháp không ngại. Trong sạch mười điều thiện, thọ phước cõi người cõi trời; tu tứ vô lượng, mở đường cõi Phạm thiên. Khuyến thỉnh nói pháp, tùy hỷ tán thán điều lành, được âm thanh của Phật; thân khẩu ý lành, được oai nghi của Phật. Tu sâu các pháp lành, việc làm càng thù thắng; dùng Đại thừa giáo, thành tựu Tăng Bồ-tát; tâm không buông lung, không mất các việc lành. Hành những pháp này, ấy là Bồ-tát chẳng tận hữu vi.

Sao gọi là Bồ-tát không trụ vô vi? Nghĩa là tu học Không, chẳng lấy Không làm chỗ chứng; tu học vô tướng vô tác, không lấy vô tướng vô tác làm chỗ chứng; tu học vô khởi, cũng không lấy vô khởi làm chỗ chứng. Quán vô thường mà không chán gốc lành; quán thế gian khổ mà không ghét sanh tử; quán vô ngã mà dạy người không mỏi mệt; quán tịch diệt mà không hằng tịch diệt; quán xa lìa mà thân tâm tu các việc lành; quán không chỗ trở về mà quy hướng về pháp lành; quán vô sanh mà dùng các pháp sanh gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn các hữu lậu; quán vô sở hành mà dùng pháp hành để giáo hóa chúng sanh; quán không rỗng mà không xả đại bi; quán chánh pháp vị mà không theo Tiểu thừa; quán các pháp hư vọng không bền chắc không người, không chủ không tướng, bản nguyện chưa đầy đủ mà không luống qua những phước đức, thiền định, trí tuệ. Tu các pháp như thế, ấy là Bồ-tát không trụ vô vi.

Lại vì đủ phước đức, không trụ vô vi; vì đủ trí tuệ, chẳng tận hữu vi. Vì đại từ bi, không trụ vô vi; vì mãn bản nguyện, chẳng tận hữu vi. Vì nhóm thuốc pháp, không trụ vô vi; vì tùy trao thuốc, chẳng tận hữu vi. Vì biết bệnh chúng sanh, không trụ vô vi; vì diệt bệnh chúng sanh, chẳng tận hữu vi. Các chánh sĩ Bồ-tát dùng pháp này tu, chẳng tận hữu vi, không trụ vô vi, ấy gọi là pháp môn Tận vô tận giải thoát, các ông nên học.

Khi ấy các vị Bồ-tát ở nước kia nghe nói pháp này đều rất hoan hỷ, dùng các thứ hoa đẹp đủ loại màu sắc, đủ các mùi hương, rải khắp tam thiên đại thiên thế giới, cúng dường Phật và kinh pháp này cùng với các vị Bồ-tát, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, tán thán chưa từng có!

– Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới có thể ở nơi đây khéo hành phương tiện.

Nói rồi, bỗng dưng biến mất, trở về nước kia.

 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.