Phẩm trên quán chúng sanh như huyễn hóa rồi, bây giờ muốn tiến lên Phật đạo chúng ta phải tu như thế nào? Chữ Đạo ở đây không có nghĩa là đường, mà chỉ cho công đức viên mãn thành Phật, hay còn gọi là Phật quả.
Chánh văn:
Khi ấy ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật: – Bồ-tát làm sao thông đạt được Phật đạo? Ông Duy-ma-cật đáp: – Nếu Bồ-tát hành phi đạo, ấy là thông đạt Phật đạo.
Ngài Văn-thù lại hỏi: – Thế nào Bồ-tát hành phi đạo?
Ông Duy-ma-cật đáp:
– Nếu Bồ-tát hành ngũ vô gián mà không có não, nhuế; đến nơi địa ngục, không có tội cấu; đến chỗ súc sanh, không có các lỗi vô minh kiêu mạn; đến trong ngạ quỷ mà đầy đủ công đức; hành ở cõi Sắc giới, Vô sắc giới mà không cho là hơn. Thị hiện hành tham dục, lìa các nhiễm trước; thị hiện hành nóng giận, đối với chúng sanh mà không bị giận ghét làm ngại; thị hiện hành ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm kia. Thị hiện hành xan tham mà xả hết của cải trong ngoài, không tiếc thân mạng; thị hiện hành phá hủy giới cấm mà an trụ tịnh giới, cho đến một tội nhỏ cũng ôm lòng rất sợ; thị hiện hành sân nhuế mà thường từ bi nhẫn nhục; thị hiện hành lười biếng mà thường siêng tu công đức; thị hiện hành loạn ý mà thường niệm định; thị hiện hành ngu si mà thông đạt trí tuệ của thế gian và xuất thế gian; thị hiện hành dua dối mà khéo phương tiện theo các nghĩa kinh; thị hiện hành kiêu mạn mà đối với chúng sanh vẫn như cầu bè; thị hiện hành các thứ phiền não mà tâm thường thanh tịnh; thị hiện vào chỗ chúng ma mà thuận với trí tuệ Phật, không theo sự giáo hóa của ma; thị hiện vào hàng Thanh văn mà vì chúng sanh nói pháp chưa từng nghe; thị hiện vào Bích-chi Phật mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sanh; thị hiện vào chỗ bần cùng mà có bàn tay báu vô tận công đức; thị hiện vào hàng tật nguyền mà đầy đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm; thị hiện vào hàng hạ tiện mà sanh trong dòng họ Phật, được đầy đủ các công đức; thị hiện thân gầy ốm xấu xí mà được thân bền chắc, tất cả chúng sanh đều ưa nhìn; thị hiện già bệnh mà hằng đoạn gốc bệnh, vượt qua nỗi sợ chết; thị hiện có của cải mà hằng quán vô thường, thật không có lòng tham; thị hiện có thê thiếp mà thường xa lìa vũng bùn ngũ dục; thị hiện làm kẻ chậm lụt ngu độn mà thành tựu biện tài, ghi nhớ không sót; thị hiện trong nhóm tà đạo mà dùng chánh đạo để độ chúng sanh; thị hiện khắp trong các đường mà đoạn những nhân duyên kia; thị hiện nơi Niết-bàn mà không đoạn sanh tử. Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát hay hành phi đạo như thế, ấy là thông đạt Phật đạo.
Khi ấy ông Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù:
– Những gì là hạt giống Như Lai?
Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Có thân là có hạt giống Phật, vô minh hữu ái là hạt giống Phật, tham sân si là hạt giống Phật, bốn thứ điên đảo là hạt giống Phật, ngũ cái là hạt giống Phật, lục nhập là hạt giống Phật, thất thức xứ là hạt giống Phật, bát tà pháp là hạt giống Phật, cửu não xứ là hạt giống Phật, thập bất thiện đạo là hạt giống Phật. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.
– Vì sao?
– Nếu thấy vô vi nhập chánh vị thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thí dụ ở chỗ gò đất cao không thể mọc hoa sen, ở chỗ đất thấp ẩm ướt bùn sình hoa sen mới sanh.
Như thế thấy pháp vô vi nhập được chánh vị, trọn chẳng lại hay sanh Phật pháp, ở trong bùn phiền não mới có những chúng sanh khởi tâm cầu Phật pháp vậy. Lại như gieo hạt giống trong hư không trọn không sanh được, nơi đất phân xốp mới có thể nảy mầm tốt tươi. Như thế những vị vào vô vị chánh vị không sanh Phật pháp; người khởi ngã kiến như núi Tu-di vẫn có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sanh Phật pháp vậy. Thế nên phải biết, tất cả phiền não là hạt giống Như Lai. Thí dụ không vào biển cả không thể được bảo châu vô giá. Như thế không vào biển lớn phiền não thì không thể được ngọc báu nhất thiết trí.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp tán thán:
– Lành thay, lành thay! Ngài Văn-thù-sư-lợi khéo nói lời này. Thật như lời của ngài nói, những người ở trong trần lao là hạt giống của Như Lai. Chúng tôi ngày nay không thể kham nhận phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhẫn đến những tội trong ngũ Vô gián vẫn hay phát ý sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi ngày nay hằng không có thể phát tâm. Ví như người các căn bị hư hoại thì đối với ngũ dục họ không thể được lợi ích. Như thế Thanh văn các kiết sử đã đoạn, đối trong Phật pháp không được lợi ích, hằng không có chí nguyện. Thế nên, ngài Văn-thù-sư-lợi! Phàm phu đối với Phật pháp còn có phản phục, mà hàng Thanh văn thì không vậy. Vì cớ sao? Phàm phu nghe Phật pháp có thể khởi tâm vô thượng đạo, không đoạn Tam bảo. Chính như hàng Thanh văn trọn đời nghe Phật pháp, nào là thập lực, tứ vô sở úy… hằng không thể phát ý vô thượng đạo.
Khi ấy trong hội có Bồ-tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân, hỏi ông Duy-ma-cật:
– Cư sĩ! Cha mẹ vợ con, thân thích quyến thuộc, tôi tớ tri thức… thảy đều là ai? Tớ gái tôi trai, xe voi xe ngựa đều ở đâu?
Bấy giờ ông Duy-ma-cật dùng kệ đáp:
Trí độ: mẹ Bồ-tát,
Phương tiện ấy là cha,
Đạo sư: tất cả chúng,
Đều do đây sanh ra.
Pháp hỷ ấy là vợ,
Tâm từ là con gái,
Tâm thành thật là trai,
Cứu cánh không tịch: nhà.
Đệ tử: các trần lao
Tùy ý mà xoay chuyển,
Đạo phẩm: thiện tri thức
Do đây thành Chánh giác.
Các pháp độ: bạn bè,
Tứ nhiếp là kỹ nữ,
Ca ngâm tụng lời pháp
Lấy đó làm âm nhạc.
Tổng trì là vườn đẹp,
Cây rừng: pháp vô lậu,
Giác ý: hoa tịnh diệu,
Quả: giải thoát trí tuệ.
Bát giải thoát: ao hồ,
Nước định lặng trong đầy,
Dùng bảy tịnh hoa rải,
Để tắm người không nhơ.
Voi ngựa chạy: ngũ thông,
Đại thừa dùng làm xe,
Điều ngự dùng nhất tâm,
Dạo chơi đường bát chánh.
Tướng đủ trang nghiêm thân,
Các đẹp trau dáng kia,
Hổ thẹn làm thượng phục,
Thâm tâm làm tràng hoa.
Giàu có bảy của báu,
Dạy bảo để thêm lợi,
Như lời nói tu hành,
Hồi hướng làm lợi lớn.
Tứ thiền làm sàng tòa,
Từ nơi tịnh mạng sanh,
Phẩm Phật Đạo
Đa văn tăng trí tuệ,
Dùng làm tiếng tự giác.
Thức ăn: pháp cam lồ,
Nước uống: vị giải thoát,
Tắm gội: dùng tịnh tâm,
Hương xoa là giới phẩm.
Dẹp bỏ giặc phiền não,
Mạnh mẽ không thể qua,
Hàng phục bốn thứ ma,
Cờ thắng dựng đạo tràng.
Tuy biết không khởi diệt,
Chỉ (bày) kia nên có sanh,
Khắp hiện các cõi nước,
Như mặt trời đều thấy.
Cúng dường khắp mười phương,
Vô lượng ức Như Lai,
Chư Phật và thân mình,
Không có tưởng phân biệt.
Tuy biết cõi chư Phật,
Cùng chúng sanh đều không,
Mà thường tu tịnh độ,
Để giáo hóa quần sanh,
Loài chúng sanh các cõi,
Hình tiếng và oai nghi,
Sức vô úy Bồ-tát
Đồng thời hay hiện khắp.
Rõ biết các việc ma
Mà hiện theo hạnh kia,
Khéo dùng trí phương tiện
Tùy ý đều hay hiện.
Hoặc hiện già bệnh chết
Thành tựu cho chúng sanh
Rõ biết như huyễn hóa
Thông đạt không chướng ngại.
Hoặc hiện kiếp hỏa thiêu
Trời đất đều cháy rực,
Những người có tưởng thường,
Soi khiến biết vô thường.
Vô số ức chúng sanh
Đều đến thỉnh Bồ-tát
Đồng thời đến nhà kia
Dạy khiến hướng Phật đạo.
Kinh sách, cấm chú thuật,
Các nghề nghiệp khéo léo,
Đều hiện làm việc này
Lợi ích cho quần sanh.
Các đạo pháp thế gian
Thảy trong đó xuất gia,
Nhân đây giải mê người
Mà không rơi tà kiến.
Hoặc làm Nhật, Nguyệt thiên,
Phạm vương, chủ thế giới,
Hoặc khi làm đất, nước,
Hoặc lại làm gió, lửa.
Trong kiếp có bệnh dịch
Hiện làm các thảo dược,
Nếu có người uống đó (thuốc)
Trừ bệnh tiêu các độc.
Trong kiếp có nạn đói
Hiện thân làm ẩm thực,
Trước cứu người đói khát
Sau dùng pháp dạy người.
Trong kiếp có đao binh
Vì họ khởi từ bi
Giáo hóa chúng sanh kia
Khiến trụ chỗ vô tránh.
Nếu có chiến trận lớn,
Lập sức ngang bằng họ,
Bồ-tát hiện vai thế
Hàng phục khiến an hòa.
Trong tất cả cõi nước
Chỗ nào có địa ngục
Liền đi đến nơi ấy
Gắng cứu người khổ não.
Trong tất cả cõi nước
Súc sanh ăn lẫn nhau
Đều hiện sanh nơi kia
Vì đó làm lợi ích.
Thị hiện thọ ngũ dục
Cũng lại hiện hành thiền
Khiến tâm ma rối loạn
Không thể được cơ hội.
Trong lửa sanh hoa sen
Thật đáng gọi hy hữu,
Cõi Dục mà hành thiền
Hy hữu cũng như thế.
Hoặc hiện làm dâm nữ
Dẫn dắt kẻ háo sắc,
Trước dùng dục câu dắt
Sau khiến vào trí Phật.
Hoặc làm chủ trong ấp,
Người dẫn đường buôn bán,
Quốc sư và đại thần,
Để giúp ích chúng sanh.
Tất cả người nghèo khổ,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyến dạy họ
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Kẻ kiêu căng ngã mạn,
Hiện làm đại lực sĩ,
Tiêu phục các cống cao
Khiến trụ đạo Vô thượng.
Có chúng sanh sợ sệt,
Ở trước họ an ủi,
Trước bố thí vô úy
Sau khiến phát đạo tâm.
Hoặc hiện lìa dâm dục
Làm tiên nhân ngũ thông
Khuyên bảo các quần sanh
Khiến trụ giới nhẫn từ.
Thấy người cần hầu hạ
Hiện làm những tôi tớ
Đã vui ý người kia
Mới phát khởi đạo tâm.
Tùy người kia cần gì
Được vào trong Phật đạo,
Khéo dùng sức phương tiện
Đều hay cấp đầy đủ.
Vô lượng đạo như thế
Việc làm không bờ mé,
Trí tuệ không giới hạn,
Độ thoát vô số chúng.
Giả như tất cả Phật
Trong vô số ức kiếp
Tán thán công đức kia
Vẫn còn không thể hết.
Ai nghe pháp như thế
Không phát tâm Bồ-đề!
Trừ kẻ bất tiếu kia,
Kẻ ngu tối không trí.
Giảng:
Khi ấy ngài Văn-thù-sư-lợi hỏi ông Duy-ma-cật:
– Bồ-tát làm sao thông đạt được Phật đạo?
Ông Duy-ma-cật đáp:
– Nếu Bồ-tát hành phi đạo, ấy là thông đạt Phật đạo.
Thường chúng ta nghĩ, muốn viên mãn Phật đạo là phải làm những điều hay điều tốt, điều chân chánh, phải bồi công lập đức đầy đủ. Còn phi đạo là những điều trái với đạo lý, không thích hợp với chánh pháp. Nhưng tại sao ở đây lại bảo phải hành phi đạo mới thông đạt Phật đạo? Nghe qua câu nói này chúng ta rất ngạc nhiên. Trong mười mục chăn trâu của nhà thiền, khi tiến tới mục thứ chín, gọi là chim bay về tổ, lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, theo danh từ chuyên môn là nhập Phật giới. Đến đây vẫn chưa viên mãn công đức, mà phải tiến lên mục thứ mười thõng tay vào chợ, là hình ảnh một ông thầy ăn mặc xốc xếch, tay ôm bầu rượu tay xách cá chép đi vào phố thị. Đó là vị thiền sư đã thông đạt Phật đạo mới có thể làm như thế để tùy duyên hóa độ chúng sanh.
Hiểu được điều này chúng ta mới thấy, trên đường tu khi còn yếu, còn nhiều tập khí phiền não thì phải học những điều hay điều tốt, để gạn lọc thân tâm, lần lần mới được trong sạch và tốt đẹp. Khi tâm đã hoàn toàn thanh tịnh như mục thứ chín thể nhập pháp thân, như vậy vẫn chưa viên mãn. Muốn viên mãn công đức độ sanh, phải bước vào ma giới, tức là đi vào đường ma hành phi đạo, làm những điều mà bình thường không dám làm. Việc làm này khác hơn những kẻ phàm phu ở chỗ nào?
Người tu nếu an trú nơi tâm trong sáng thanh tịnh thì lòng đại bi không phát khởi. Bởi muốn thành Phật phải có tâm đại bi, thương tất cả chúng sanh đang mê lầm đắm chìm trong biển khổ gây tạo biết bao điều tội lỗi. Muốn độ những chúng sanh khó độ, vô minh sâu dày, Bồ-tát phải thị hiện làm những con người xấu xa tội lỗi để gần gũi mà chuyển hóa họ. Nhưng khi làm những việc đó, tâm Bồ-tát vẫn thanh tịnh, không bị nhiễm ô như những chúng sanh kia. Hình ảnh này nhà thiền gọi là đầu tro mặt đất, tức là làm cho mình lem luốc để đi vào chỗ lem luốc giáo hóa chúng sanh, chứ không phải vì mê muội mà lăn lộn trong những chỗ xấu xa đó. Ấy là Bồ-tát hành phi đạo. Hiểu được ý này, chúng ta mới hiểu được toàn phẩm. Như vậy việc làm phi đạo chính là việc làm của lòng đại từ đại bi, làm những việc trái đạo lý để viên mãn công đức, độ khắp chúng sanh. Đó gọi là thông đạt Phật đạo.
Ngài Văn-thù lại hỏi:
– Thế nào Bồ-tát hành phi đạo?
Ông Duy-ma-cật đáp:
– Nếu Bồ-tát hành ngũ vô gián mà không có não nhuế; đến nơi địa ngục, không có tội cấu; đến chỗ súc sanh, không có các lỗi vô minh kiêu mạn; đến trong ngạ quỷ mà đầy đủ công đức.
Bồ-tát hành phi đạo nghĩa là Bồ-tát có khi làm tội ngũ nghịch Vô gián, tức là tội phải đọa vào địa ngục ngũ Vô gián. Tội ngũ nghịch đó là giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp tăng, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu.
Trong thiền sử có thiền sư Đơn Hà đem tượng Phật thiêu, có phải làm thân Phật ra máu không? Tượng Phật thờ trên bàn mà dám đem ra thiêu đốt, đó là việc làm phi đạo lý. Ngài làm như thế với mục đích gì? Vì muốn phá chấp cho ông viện chủ được giác ngộ mà đốt tượng Phật. Đốt tượng Phật không phải do phiền não sân nhuế mà vì tâm lợi tha. Như vậy mới thấy việc làm của các ngài là điều mà một phàm tăng không bao giờ dám làm. Chúng ta phải có trí tuệ sáng suốt, nhận định chín chắn mới khỏi bị lầm lẫn, cũng một việc làm mà tâm Bồ-tát và tâm phàm phu hoàn toàn khác nhau. Đốt tượng Phật với tâm sân giận là tội đọa vào địa ngục Vô gián; còn nếu vì mục đích giúp người, đó là tâm lợi tha, thấy như phi đạo mà là hành Phật đạo, nên nói đến trong địa ngục mà không có tội cấu. Như Bồ-tát Địa Tạng vào địa ngục, do nguyện độ chúng sanh mà đến.
Các ngài đến trong súc sanh mà không có những lỗi vô minh kiêu mạn… Thường nói đọa làm súc sanh là do những tội nghiệp từ ngu si, tức do vô minh hoặc kiêu mạn. mà ra. Các ngài hiện thân làm súc sanh vì tâm nguyện muốn độ các loài súc sanh, như trong kinh Bản Sanh đức Phật kể lại, trong tiền kiếp ngài đã từng sanh trong các loài thú nhưng không phải nghiệp mà vì muốn độ các chúng sanh đó. Có khi ngài đến trong ngạ quỷ mà công đức vẫn đầy đủ, chẳng phải do lòng xan tham bỏn sẻn mà phải đọa làm kiếp ngạ quỷ.
Hành ở cõi Sắc giới, Vô sắc giới mà không cho là hơn. Như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là những cõi khổ, mà các ngài cũng đến để giáo hóa chứ không phải do nghiệp dẫn. Chữ hành tức là tu. Bồ-tát tu trải qua các tầng thiền Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền cho đến Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ… được sanh vào các cõi trời Sắc và Vô sắc giới, nhưng các ngài đến đó để giáo hóa chư thiên chứ không vì cho nơi đó là thù thắng. Còn chúng sanh mê muội, ham mê ngũ dục, thích hưởng mọi điều sung sướng tốt đẹp nên cho các cõi trời đó là thù thắng, là hơn hết. Đó là điểm khác nhau giữa Bồ-tát và chúng sanh.
Thị hiện hành tham dục, lìa các nhiễm trước; thị hiện hành nóng giận, đối với chúng sanh mà không bị giận ghét làm ngại; thị hiện hành ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm kia.
Bồ-tát thị hiện hạnh tham dục nhưng không bị đắm nhiễm trong tham dục, thị hiện hạnh nóng giận nhưng không làm chướng ngại chúng sanh. Như thầy giáo rầy la quở phạt học trò vì trò không thuộc bài. Do sợ bị phạt nên trò gắng học, về sau đỗ đạt thành người hữu dụng cho xã hội. Như vậy sự sân giận của thầy đâu làm chướng ngại đứa học trò, mà làm lợi ích cho sự tiến bộ của nó.
Cũng như trong thiền sử có câu chuyện giữa thiền sư Từ Minh và ngài Huệ Nam. Ngài Huệ Nam mỗi khi vào thất thưa hỏi đạo lý đều bị thiền sư Từ Minh mắng chửi đuổi ra. Một hôm chịu hết nổi, Huệ Nam mới nói:
– Vì chưa hiểu nên thưa hỏi, mắng chửi đâu phải quy củ từ bi thí pháp!
Từ Minh cười nói:
– Ông cho đó là mắng chửi sao?
Ngay đó Huệ Nam đại ngộ.
Ngộ rồi mới hiểu được lòng từ bi của thầy. Như vậy Bồ-tát hành nóng giận không phải do tâm sân giận ghét bỏ. Hành ngu si mà dùng trí tuệ để điều phục người. Người thế gian do chấp ngã nên đâu ai chịu mình ngu dốt, vì sợ bị người khinh thường, luôn muốn chứng tỏ ta thông minh hơn người. Còn Bồ-tát thông đạt Phật đạo nhưng khéo dùng phương tiện hạ thấp mình để độ người. Như có người khôn ngoan lanh lợi, nếu mình tỏ ra khôn hơn thì người không thích, không thể gần gũi họ được. Nên phải giả như ngu khờ để chơi thân với họ, mới có thể dùng trí tuệ của mình điều phục tâm kiêu mạn kẻ kia, chứ không phải ngu khờ thật.
Thị hiện hành xan tham mà xả hết của cải trong ngoài, không tiếc thân mạng. Bồ-tát lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả của cải thân mạng, nhưng bên ngoài mới nhìn dường như là tham lam bỏn sẻn. Chẳng hạn trước kia khi còn đi dạy học, mỗi tháng lãnh thù lao được vài chục ngàn, tôi đều nhận chứ không cúng lại trường. Hoặc ai cúng vải xấu tốt, tôi cũng đều nhận. Hoặc có những người xin ăn, tôi cũng ít khi cho họ tiền. Nhiều huynh đệ trong chúng thấy người ăn xin đều cho, hoặc khi có được quần áo mới, ai cần cứ đem cho. Thấy như tôi bỏn sẻn, nhưng vì trách nhiệm lo cho chúng tăng an ổn tu học, nên tôi phải tiết kiệm từng ly từng tí. Chỉ vài thí dụ nhỏ cho thấy, mới nhìn dường như người nhỏ rộng rãi hơn người lớn. Nói như thế, chứ không phải tôi dám bì với các vị Bồ-tát.
Thị hiện hành phá hủy giới cấm mà an trụ tịnh giới, cho đến một tội nhỏ cũng ôm lòng rất sợ. Bồ-tát cũng sợ tội, nhưng vì lợi ích chúng sanh nên nhiều khi các ngài phải làm những việc trái với đạo lý, nghĩa là thị hiện phạm giới cấm.
Thí dụ những năm về trước, tôi chủ trương phải làm ruộng mới có cơm ăn. Mấy cô trong Viên Chiếu làm ruộng xịt thuốc, sâu chết nhiều quá. Nhiều huynh đệ đến khóc than, làm như vậy chắc đời sau sẽ bị đọa địa ngục.
Tôi phải gan dạ nói rằng: “Tất cả tội đó Thầy chịu. Nếu có đọa địa ngục Thầy phải đọa trước, vì Thầy bảo làm.” Ở đây cũng vậy, những việc tôi bảo làm, mấy chú mấy cô làm, tôi phải chấp nhận chịu tội. Tội đó là tội lớn. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ mà tôi còn sợ tôi tránh, còn tội lớn đọa địa ngục tôi lại dám chịu. Tôi là phàm phu mà còn gan dạ như thế, huống nữa là Bồ-tát gần viên mãn công đức, có những điều tưởng như các ngài dở, nhưng thật ra không phải vậy.
Thị hiện hành sân nhuế mà thường từ bi nhẫn nhục; thị hiện hành lười biếng mà thường siêng tu công đức. Huynh đệ sống chung với nhau khi gặp việc bất như ý, nổi sân đùng đùng, có người hỏi sao huynh nổi sân quá vậy, thì nói tôi thị hiện sân để trị nó, chứ thật tôi đâu có nóng giận. Tôi từ bi lắm!… Tự cho là thị hiện sân mà không biết là thị hiện hay là đang bị lửa sân đốt. Điều này tự mình biết hơn ai hết. Nếu thật bị lửa sân đốt, đừng nói khoác lác mà phải mang tội. Hoặc khi lười biếng tu, có huynh đệ hỏi sao tối nay không tụng kinh, ngồi thiền? Huynh giải đãi quá vậy! Nói, tuy hình thức tôi giải đãi, nhưng lúc nào tâm cũng tinh tấn. Nếu được vậy thì tốt, đừng nên đánh lừa bạn bè, chưa được mà nói đã được. Nói dối là tội lớn, tội đại vọng ngữ, đọa địa ngục. Thế nên phải cẩn trọng.
Thị hiện hành loạn ý mà thường niệm định. Nghĩa là ý như lăng xăng tán loạn, nhưng trong tâm thường được niệm định.
Thị hiện hành ngu si mà thông đạt trí tuệ của thế gian và xuất thế gian; thị hiện hành dua dối mà khéo phương tiện theo các nghĩa kinh. Như có Phật tử đã thọ năm giới và tu hạnh Bồ-tát. Khi đi dự tiệc, bạn bè mời rượu, nếu nói mình là Phật tử giữ giới không uống rượu thì sợ người dị nghị, nên phương tiện nói, tôi bị bệnh gan, bác sĩ cấm không cho uống rượu. Nói vậy là nói dối, không đúng lẽ thật, nhưng nhờ vậy mà giữ được giới đức. Đó là hợp với nghĩa kinh.
Thị hiện hành kiêu mạn mà đối với chúng sanh vẫn như cầu bè. Bên ngoài hiện tướng thấy như kiêu mạn, nhưng thật tâm đối với chúng sanh sẵn sàng làm cầu bè để họ giẫm đạp đi qua. Thí dụ thiền sư Lại Dung chuyên cần lo tu, quên hết việc bên ngoài nên lễ phép kém đi, thấy chư tăng mà không xá chào. Người khác cho là ngã mạn lười biếng, đâu ngờ chính ngài là người trải mình để lo cho chúng. Nên nói thị hiện như ngã mạn nhưng làm cầu bè cho người đi qua.
Thị hiện hành các thứ phiền não mà tâm thường thanh tịnh. Chúng ta chưa được như các ngài, thế mà có người đang bị phiền não, được huynh đệ nhắc sao huynh phiền não quá vậy, lại nói, bên ngoài tôi phiền não nhưng trong tâm tôi thanh tịnh!… Đó là đại vọng ngữ, phải nên dè dặt.
Thị hiện vào chỗ chúng ma mà thuận với trí tuệ Phật, không theo sự giáo hóa của ma; thị hiện vào hàng Thanh văn mà vì chúng sanh nói pháp chưa từng nghe. Như tổ Ca-diếp, tuy thị hiện trong hàng Thanh văn nhưng khi nghe pháp công đức của Bồ-tát, của Phật, ngài lại là người nhận được trước hơn ai hết và than rằng đâu thể chấp nhận làm Thanh văn mãi. Đó là thị hiện trong Thanh văn mà nói pháp chưa được nghe.
Thị hiện vào Bích-chi Phật mà thành tựu đại bi giáo hóa chúng sanh. Bích-chi Phật gọi là Độc giác, các ngài ở riêng trong rừng sâu, tự tu tự độ. Còn những vị Bồ-tát thị hiện như Bích-chi Phật, cũng ở nơi vắng vẻ rừng sâu, nhưng vẫn phát tâm đại bi giáo hóa chúng sanh.
Thị hiện vào chỗ bần cùng mà có bàn tay báu vô tận công đức; thị hiện vào hàng tật nguyền mà đầy đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm. Tuy thấy thân tật nguyền nhưng luôn dùng những tướng tốt để trang nghiêm. Tướng tốt đây có nghĩa là làm những điều lành, điều tốt.
Thị hiện vào hàng hạ tiện mà sanh trong dòng họ Phật, được đầy đủ các công đức. Hạ tiện tức là dòng dõi thấp kém. Tuy sanh trong dòng hạ tiện nhưng có hạt giống Phật, nên có đầy đủ các công đức.
Thị hiện thân gầy ốm xấu xí mà được thân bền chắc, tất cả chúng sanh đều ưa nhìn. Tuy thân gầy yếu xấu xa nhưng lại là thân kim cương, chúng sanh nhìn mãi không chán.
Thị hiện già bệnh mà hằng đoạn gốc bệnh, vượt qua nỗi sợ chết, thị hiện có của cải mà hằng quán vô thường, thật không có lòng tham, thị hiện có thể thiếp mà thường xa lìa vũng bùn ngũ dục, thị hiện làm kẻ chậm lụt ngu độn mà thành tựu biện tài, ghi nhớ không sót, thị hiện trong nhóm tà đạo mà dùng chánh đạo để độ chúng sanh, thị hiện khắp trong các đường mà đoạn những nhân duyên kia. Các đường gồm ngũ thú hay lục đạo các ngài đều trải qua nhưng không còn bị các nhân duyên của lục đạo ngũ thú trói buộc.
Thị hiện nơi Niết-bàn mà không đoạn sanh tử. Tuy các ngài nhập Niết-bàn nhưng vẫn lăn xả trong sanh tử để giáo hóa chúng sanh.
Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát hay hành phi đạo như thế, ấy là thông đạt Phật đạo. Bồ-tát làm các điều trái lẽ thật, trái đạo đức, mà tâm vẫn không trái. Những vị đó hành phi đạo sẽ viên mãn Phật đạo.
Khi ấy ông Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù:
– Những gì là hạt giống Như Lai?
Ngài Văn-thù-sư-lợi đáp:
– Có thân là có hạt giống Phật, vô minh hữu ái là hạt giống Phật, tham sân si là hạt giống Phật, bốn thứ điên đảo là hạt giống Phật, ngũ cái là hạt giống Phật, lục nhập là hạt giống Phật, thất thức xứ là hạt giống Phật, bát tà pháp là hạt giống Phật, cửu não xứ là hạt giống Phật, thập bất thiện đạo là hạt giống Phật. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.
Hỏi những gì là hạt giống Phật, lẽ ra phải nói Bồ-đề là hạt giống Phật; tại sao nói vô minh hữu ái là hạt giống Phật, tham sân si là hạt giống Phật, điên đảo là hạt giống Phật..? Những điều này mới nghe thật khó hiểu. Nhưng đó là lẽ thật. Đây muốn chỉ, khi còn mê muội nếu được gặp duyên tốt duyên lành, có thể phát tâm Bồ-đề tu theo Phật đạo. Còn những vị tu chứng quả A-la-hán đã dứt sạch phiền não, hết mầm sanh tử, hoàn toàn thanh tịnh, an trụ Niết-bàn, nhưng vì các ngài không phát tâm cầu Phật đạo nên mất hạt giống Phật, chỉ là A-la-hán muôn đời, không bao giờ vượt ra được.
Thí dụ có người chống đối, chê bai hoặc không hiểu đạo Phật, khi được thiện hữu tri thức có đủ phước đức, biện tài giảng dạy, họ sẽ có niềm tin vững chắc. Còn người tu theo đạo Phật mà sai lạc, như luyện tập xuất hồn bay cõi này cõi kia, hoặc thích những điều khác lạ, dù đem giáo lý chân chánh ra giản trạch họ vẫn không theo. Những người đó cho rằng thầy không có những phép lạ, không biết bay như họ… rồi tự mãn nên không chuyển được. Như vậy những cái được đó là được của tà. Và có những người chưa hề biết gì đạo Phật, một phen thức tỉnh họ liền đi thẳng con đường đúng chánh pháp. Thế nên chúng ta không ngại người không hiểu đạo, mà chỉ ngại người hiểu sai lầm. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật hỏi ngài Văn-thù cốt để làm sáng tỏ ý này.
Đây giải thích những danh từ Phật học cho các vị chưa thông: Hữu ái là gì? Chữ hữu, ái đó trong mười hai nhân duyên. Ái rồi thủ, Duyên thủ có hữu.
Tứ điên đảo: Thân bất tịnh, tưởng lầm là tịnh. Thọ là khổ, tưởng lầm là vui, Tâm vô thường, tưởng lầm là thường. Pháp vô ngã, tưởng là có ngã. Đây là bốn thứ điên đảo.
Ngũ cái: tham dục, sân nhuế, trạo hối, thùy miên và si mê.
Thất thức xứ là bảy chỗ thức đến:
1) Ngũ thú tạp cư thức xứ là cõi năm loài ở lẫn lộn với nhau.
2) Ly sanh hỷ lạc thức xứ là ở cõi trời Sắc giới, người tu thiền định chứng được Sơ thiền sanh về cõi này.
3) Định sanh hỷ lạc thức xứ.
4) Ly hỷ diệu lạc thức xứ.
5) Không vô biên thức xứ.
6) Thức vô biên thức xứ.
7) Vô sở hữu thức xứ.
Đó là bảy chỗ thức đến. Trong Tứ thiền chỉ nói có Tam thiền, không nói đến Xả niệm thanh tịnh và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tám tà pháp: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đoạn kiến, thường kiến, chấp hữu, chấp vô.
Cửu não xứ là chín chỗ phiền não; ái ngã quán tịnh, tắng ngã thân hữu, não ngã tự thân. Nói cho dễ hiểu: Ái ngã là yêu cái ta. Tắng ngã là ghét cái ta. Não ngã là làm não loạn cái ta. Ba thứ đó làm nhân cho ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, gọi là chín não.
Thập bất thiện là ngược với thập thiện.
Tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não khi còn trong mê lầm, đều sẵn có hạt giống Phật. Nếu một phen thức tỉnh có thể phát tâm Bồ-đề.
– Vì sao?
– Nếu thấy vô vi nhập chánh vị thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thí dụ ở chỗ gò đất cao không thể mọc hoa sen, ở chỗ đất thấp ẩm ướt bùn sình hoa sen mới sanh.
Vô vi nhập chánh vị tức là chứng A-la-hán nhập Niết-bàn. Thí dụ như hoa sen không thể mọc nơi gò đất cao, chỉ mọc ở chỗ bùn lầy thấp ướt. Chỗ gò cao dụ cho những vị tu chứng quả A-la-hán. Chỗ bùn lầy thấp ướt dụ cho người còn dẫy đầy phiền não, chính nơi đó hoa sen mới sanh.
Như thế thấy pháp vô vi nhập được chánh vị, trọn chẳng lại hay sanh Phật pháp, ở trong bùn phiền não mới có những chúng sanh khởi tâm cầu Phật pháp vậy. Lại như gieo hạt giống trong hư không, trọn không sanh được, nơi đất phân xốp mới có thể nảy mầm tốt tươi. Nếu gieo hạt giống trong hư không thì không thể nảy mầm. Gieo ở chỗ bùn lầy, đất phân tốt hạt giống sẽ phát triển xanh tươi. Cũng vậy, nếu các vị đã chứng quả A-la-hán, không thể phát tâm Bồ-đề. Những người còn trong phiền não mê muội, gặp duyên lành dễ phát khởi đại Bồ-đề tâm.
Như thế những vị vào vô vị chánh vị không sanh Phật pháp, người khởi ngã kiến như núi Tu-di vẫn có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sanh Phật pháp vậy. Thế nên phải biết, tất cả phiền não là hạt giống Như Lai. Ở trong phiền não mà thức tỉnh liền sanh hạt giống Như Lai. Nếu không tỉnh, hạt giống Như Lai sẽ không phát khởi. Trong chỗ mê muội gây nghiệp, tạo tất cả khổ não, khi được người nhắc liền thức tỉnh có thể phát tâm Bồ-đề. Như vậy quan trọng là phải tỉnh mới được.
Thí dụ không vào biển cả không thể được bảo châu vô giá. Như thế không vào biển lớn phiền não thì không thể được ngọc báu nhất thiết trí.
Trên đây là ba hình ảnh thí dụ làm cho sáng tỏ các vấn đề. Thứ nhất là hình ảnh hoa sen chỉ mọc nơi bùn lầy. Thứ hai là hạt giống chỉ có thể xanh tươi ở đất bùn phân nhơ nhớp. Thứ ba là muốn tìm được của báu chỉ khi nào dám lặn xuống biển sâu. Chúng ta tuy sống trong phiền não nhưng nếu được thiện tri thức hướng dẫn có thể phát tâm Bồ-đề. Còn nếu ở trong cảnh tịch tịnh Niết-bàn của bậc A-la-hán thì tâm Bồ-đề không phát khởi.
A-la-hán chia làm hai bậc:
1) Độn căn A-la-hán là những bậc A-la-hán hài lòng tự mãn với quả vị Niết-bàn đã tu chứng.
2) Lợi căn A-la-hán là những bậc A-la-hán đến được Niết-bàn nhưng chưa tự mãn, chưa hài lòng ngay đó, mà khởi tâm cầu Phật đạo, nên gọi là phát tâm Bồ-đề.
Khi ấy ngài Đại Ca-diếp tán thán:
– Lành thay, lành thay! Ngài Văn-thù-sư-lợi khéo nói lời này. Thật như lời của ngài nói, những người ở trong trần lao là hạt giống của Như Lai. Chúng tôi ngày nay không thể kham nhận phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhẫn đến những tội trong ngũ Vô gián vẫn hay phát ý sanh nơi Phật pháp, mà chúng tôi ngày nay hằng không có thể phát tâm. Ví như người các căn bị hư hoại thì đối với ngũ dục họ không thể được lợi ích. Đoạn này ngài Ca-diếp tán thán lời của ngài Văn-thù-sư-lợi thật đúng và dùng thí dụ để xác minh. Như người mắt mù, tai điếc, mũi hư, lưỡi bệnh… đối với ngũ dục họ không hưởng được. Cũng vậy, hàng Thanh văn mà không có lợi căn thì không thể nào phát tâm Bồ-đề được.
Như thế Thanh văn các kiết sử đã đoạn, đối trong Phật pháp không được lợi ích, hằng không có chí nguyện. Thanh văn đã đoạn hết kiết sử, dứt mầm sanh tử, hết duyên độ sanh, tâm hoàn toàn thanh tịnh giải thoát, nhưng không phát tâm cầu thành Phật. Vì muốn cầu thành Phật thì không thể an trụ Niết-bàn vô sanh mãi mãi, mà phải hành hạnh Bồ-tát, phải lăn xả trong sanh tử để hóa độ chúng sanh.
Thế nên ngài Văn-thù-sư-lợi! Phàm phu đối với Phật pháp còn có phản phục, mà hàng Thanh văn thì không vậy. Phản phục nghĩa là quay trở lại. Như vậy đối với Phật pháp, phàm phu có thể quay lại, còn hàng Thanh văn thì không thể.
Vì cớ sao? Phàm phu nghe Phật pháp có thể khởi tâm vô thượng đạo, không đoạn Tam bảo. Chính như hàng Thanh văn trọn đời nghe Phật pháp, nào là thập lực, tử vô sở úy hằng không thể phát ý vô thượng đạo. Hàng Thanh văn tuy được nghe công đức lớn của Phật, như là thập lực, tứ vô sở úy… cũng không thể phát ý vô thượng đạo. Bởi các ngài đã dứt sạch kiết sử, mầm sanh tử không còn, an trú Niết-bàn nên không phát ý. Chúng ta còn phiền não đầy dẫy, dù được nghe Phật pháp nhưng mãi bị lôi kéo trong tam giới nên phải ráng tu thực hành hạnh Bồ-tát, lâu dần dứt hết phiền não, lúc bấy giờ mới thị hiện các hạnh.
Khi ấy trong hội có Bồ-tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân, hỏi ông Duy-ma-cật:
– Cư sĩ! Cha mẹ vợ con, thân thích quyến thuộc, tôi tớ tri thức… thảy đều là ai? Tớ gái tôi trai, xe voi xe ngựa đều ở đâu?
Đoạn này, Bồ-tát Phổ Hiện Sắc Thân muốn hỏi cư sĩ Duy-ma-cật hiện nay thân bằng quyến thuộc, sự nghiệp tài sản của ông có những ai, hiện đang ở đâu?
Bấy giờ ông Duy-ma-cật dùng kệ đáp:
Trí độ: mẹ Bồ-tát,
Phương tiện ấy là cha,
Đạo sư: tất cả chúng,
Đều do đây sanh ra.
Bồ-tát dùng trí để độ thoát chúng sanh nên nói trí độ là mẹ, dùng mọi phương tiện để cứu giúp chúng sanh nên nói phương tiện là cha. Kế ngài nói tất cả chúng sanh là thầy dẫn đường. Mới nghe qua dường như nói ngược, nhưng quả thật đúng như vậy. Bởi vì nếu không có chúng sanh, Bồ-tát đâu thể thực hành các hạnh đầy đủ để thành Phật. Do đó Bồ-tát nhờ chúng sanh mới đạt đến Phật quả, nên nói chúng sanh là thầy dẫn đường. Nếu chúng ta có được cái nhìn như các ngài thì người nào cũng đáng quý đáng kính, không còn thấy kẻ xấu người tốt, thế gian này trở thành thiên đường rồi. Thế nên người tu mà cứ thấy ai cũng là ma, rồi muốn một mình trốn lên non, vô núi ở để khỏi bị ma nhiễu loạn, đó là còn tâm niệm tiêu cực.
Pháp hỷ ấy là vợ,
Tâm từ là con gái,
Tâm thành thật là trai,
Cứu cánh không tịch: nhà.
Pháp hỷ là nghe pháp lãnh hội được sanh lòng vui mừng, nghĩa là vui trong Phật pháp, ở đây cư sĩ Duy-ma-cật ví pháp hỷ như là vợ.
Cứu cánh không tịch là thấy các pháp đều rỗng không, không có thật.
Đệ tử: các trần lao,
Tùy ý mà xoay chuyển.
Câu này giống như câu nói của thiền sư Triệu Châu: Các ông bị mười hai giờ sai sử. Ta thì sai sử được mười hai giờ. Trần lao tức phiền não, cư sĩ Duy-ma-cật nói chúng là đệ tử nên tùy ý ông xoay chuyển. Còn chúng ta thì ngược lại. Như lúc bình thường nét mặt luôn tươi tắn, dáng vẻ đạo mạo, hiền hòa, nhưng khi gặp điều bất như ý, không làm chủ được nên bị phiền não sai sử, hiện qua sắc mặt và lời nói. Bồ-tát do có đạo lực nên sử dụng mọi phiền não theo ý mình. Thí dụ muốn răn dạy kẻ ương ngạnh khó bảo, các ngài thị hiện tướng sân giận để chuyển hóa họ. Chúng ta chưa làm được như thế, còn bị phiền não trần lao sai sử nên làm đệ tử của chúng. Đó là điều đáng xấu hổ. Người tu cần phải suy nghiệm, phải ráng làm chủ, xoay chuyển được các trần lao theo ý của mình.
Đạo phẩm: thiện tri thức
Do đây thành Chánh giác.
Đạo phẩm tức bát chánh đạo. Bồ-tát không những thực hành pháp tu của mình, mà tất cả pháp của hàng Thanh văn Duyên giác, các ngài cũng tu, cũng ứng dụng được.
Các pháp độ: bạn bè,
Tử nhiếp là kỹ nữ,
Ca ngâm tụng lời pháp
Lấy đó làm âm nhạc.
Pháp độ là chỉ cho lục độ. Nghe lời kinh tiếng kệ, lấy đó làm âm nhạc.
Tổng trì là vườn đẹp,
Cây rừng: pháp vô lậu,
Giác ý: hoa tịnh diệu,
Quả: giải thoát trí tuệ.
Tổng trì là nhớ hết, gồm hết. Giác ý là thất giác chi. Tịnh diệu là đẹp đẽ. Hoa quả trong vườn đủ hết.
Bát giải thoát: ao hồ,
Nước định lặng trong đầy,
Dùng bảy tịnh hoa vải,
Để tắm người không nhơ.
Voi ngựa chạy, ngũ thông,
Đại thừa dùng làm xe,
Điều ngự dùng nhất tâm,
Dạo chơi đường bát chánh.
Tướng đủ trang nghiêm thân,
Các đẹp trau dáng kia,
Hổ thẹn làm thượng phục,
Thâm tâm làm tràng hoa.
Tàm quý là hổ thẹn. Lấy hổ thẹn làm y phục đẹp. Thường trong nhà Phật nhắc nhở người tu phải có tâm hổ thẹn, mới có thể chuyển xấu thành tốt. Người không tâm hổ thẹn, nói theo từ thế gian là chai lỳ, khi có lầm lỗi được sự chỉ dạy không chịu sửa đổi, vẫn chứng nào tật nấy, như vô tâm vô sự thì không bao giờ tiến bộ. Còn người có lỗi, nghe lời khuyên bảo biết xấu hổ, cương quyết sửa cho bằng được, người đó như có y phục tốt đẹp che thân.
Giàu có bảy của báu,
Dạy bảo để thêm lợi,
Như lời nói tu hành,
Hồi hướng làm lợi lớn.
Dạy bảo để thêm lợi là chỉ dạy giúp người được lợi ích, hết khổ đau. Như lời nói tu hành là lời nói và việc làm luôn đi đôi, để hồi hướng cho chúng sanh đều được lợi lớn.
Tứ thiền làm sàng tòa,
Từ nơi tịnh mạng sanh,
Đa văn tăng trí tuệ,
Dùng làm tiếng tự giác.
Thức ăn: pháp cam lồ,
Nước uống: vị giải thoát.
Tịnh mạng tức là sanh chánh mạng. Mỗi khi ăn cơm chúng ta phải nhớ: dùng nước uống là nước giải thoát, thức ăn là vị cam lồ.
Tắm gội dùng tịnh tâm,
Hương xoa là giới phẩm.
Dẹp bỏ giặc phiền não,
Mạnh mẽ không thể quan.
Tắm gội để tẩy trừ cấu uế nơi tâm, dùng hương giới và hương định làm hương để xoa. Cần phải cương quyết mạnh mẽ tiêu diệt sạch giặc phiền não.
Hàng phục bốn thứ ma,
Cờ thắng dựng đạo tràng.
Chế ngự được bốn thứ ma: ma phiền não, ma ngũ ấm, tử ma, thiên ma, rồi mới dựng cờ chiến thắng lập đạo tràng.
Tuy biết không khởi diệt,
Chỉ (bày) kia nên có sanh,
Khắp hiện các cõi nước,
Như mặt trời, đều thấy.
Cúng dường khắp mười phương,
Vô lượng ức Như Lai,
Chư Phật và thân mình,
Không có tưởng phân biệt.
Thân Phật và thân mình thấy không hai không khác.
Tuy biết cõi chư Phật,
Cùng chúng sanh đều không,
Mà thường tu tịnh độ,
Để giáo hóa quần sanh.
Trong kinh Kim Cang nói phàm những gì có tướng đều là hư vọng, mà cõi Phật và cõi chúng sanh đều có tướng nên cũng hư dối không thật. Tuy biết hư dối nhưng vẫn tạo cõi tịnh độ. Ở đây tịnh độ là chỉ cho cõi nước đẹp đẽ để giáo hóa chúng sanh.
Loài chúng sanh các cõi,
Hình tiếng và oai nghi,
Sức vô úy Bồ-tát
Đồng thời hay hiện khắp.
Những loài chúng sanh trong các cõi nước, tùy hình tướng, âm thanh, oai nghi thế nào, Bồ-tát dùng sức vô úy, cùng một lúc có thể ứng hiện ra để cảm hóa họ.
Rõ biết các việc ma
Mà hiện theo hạnh kia.
Biết rõ việc nào là tà, là chánh, việc nào việc ma, việc nào việc Phật, tùy đó thị hiện để làm lợi ích cho họ.
Khéo dùng trí phương tiện
Tùy ý đều hay hiện.
Hoặc hiện già bệnh chết
Thành tựu cho chúng sanh
Rõ biết như huyễn hóa
Thông đạt không chướng ngại.
Các ngài khéo dùng phương tiện thị hiện cảnh già bệnh chết để cảnh tỉnh chúng sanh. Như một thanh niên đang say mê vui thú với cuộc sống hiện tại, nghĩ mình sẽ khỏe mạnh sống lâu. Anh ta có một người bạn cũng to tướng, mập mạp, nhưng bất chợt ngã lăn ra chết. Lúc đó anh giật mình suy nghĩ, bạn cũng mạnh khỏe như mình mà bây giờ đã chết, vậy thân ta đâu bảo đảm lâu dài. Thế nên mới thấy Bồ-tát khéo dùng trí phương tiện để thức tỉnh cho người biết thân này tạm bợ hư dối, không bền chắc mà không còn mê chấp.
Hoặc hiện kiếp hỏa thiêu
Trời đất đều cháy rực, tuổi
Những người có tưởng thường,
Soi khiến biết vô thường.
Hoặc có người cho thế giới này là thường còn, nên các ngài thị hiện ra kiếp hỏa thiêu, khiến đại địa tự nhiên cháy rực, lửa thiêu đốt từ từ rụi tàn. Khi ấy họ mới thức tỉnh biết rõ thế giới cũng vô thường nên không còn ham thích nữa.
Vô số ức chúng sanh
Đều đến thỉnh Bồ-tát
Đồng thời đến nhà kia
Dạy khiến hướng Phật đạo.
Nếu cùng một lúc có vô số người thỉnh Bồ-tát đến nhà để giáo hóa, các ngài cũng có thể thị hiện ra vô số thân đến giáo hóa họ.
Kinh sách, cấm chú thuật,
Các nghề nghiệp khéo léo,
Đều hiện làm việc này
Lợi ích cho quần sanh.
Những nghề nghiệp khéo léo các ngài đều học và hành, cốt làm lợi ích quần sanh. Như nghề y dược để chế biến thuốc thang, có thể cứu giúp người bệnh bớt khổ.
Các đạo pháp thế gian
Thủy trong đó xuất gia,
Nhân đây giải mê người
Mà không rơi tà kiến.
Có khi Bồ-tát thị hiện xuất gia theo ngoại đạo, vì các ngài muốn đồng sự đồng hành để giải mê hoặc cho họ, chứ không phải do lầm lạc mà đi trong tà kiến.
Hoặc làm Nhật, Nguyệt thiên,
Phạm vương, chủ thế giới,
Hoặc khi làm đất, nước,
Hoặc lại làm gió, lửa.
Trong kiếp có bệnh dịch
Hiện làm các thảo dược,
Nếu có người uống đó (thuốc)
Trừ bệnh tiêu các độc
Trong kiếp có nạn đói
Hiện thân làm ẩm thực,
Trước cứu người đói khát
Sau dùng pháp dạy người.
Trong kiếp có đao binh
Vì họ khởi từ bi
Giáo hóa chúng sanh kia
Khiến trụ chỗ vô tránh,
Nếu có chiến trận lớn,
Lập sức ngang bằng họ,
Bồ-tát hiện oai thế
Hàng phục khiến an hòa.
Người thế gian sợ nhất là thiên tai bệnh dịch, đói, đao binh. Bồ-tát tùy duyên ứng hiện những nơi đó, dùng mọi phương tiện để cứu giúp họ. Gặp người bệnh dịch dùng thảo dược làm thuốc để trừ bệnh tiêu độc, với người đói khát làm thức ăn giúp cho qua cơn đói khổ, với nạn binh đao các ngài khởi lòng từ bi chuyển hóa tâm họ không còn tranh đấu. Như có chiến trận lớn, hai bên đối đầu giao chiến, Bồ-tát dùng phương tiện hiện thân có thế lực mạnh, khiến đối phương sợ để điều hòa họ.
Trong tất cả cõi nước
Chỗ nào có địa ngục
Liền đi đến nơi ấy
Gắng cứu người khổ não.
Chúng sanh trong địa ngục chịu nhiều đau khổ, Bồ-tát hiện thân đến để giúp họ bớt khổ.
Trong tất cả cõi nước
Súc sanh ăn lẫn nhau
Đều hiện sanh nơi kia
Vì đó làm lợi ích.
Thị hiện thọ ngũ dục
Cũng lại hiện hành thiền
Khiến tâm ma rối loạn
Không thể được cơ hội.
Trong lửa sanh hoa sen
Thật đáng gọi hy hữu,
Cõi Dục mà hành thiền
Hy hữu cũng như thế.
Những người chuyên tâm tu hành, loài ma hay theo phá. Người mê ngũ dục dễ bị ma sai khiến, xem như tôi tớ. Còn Bồ-tát có khi thị hiện trong cảnh ngũ dục, rồi cũng thị hiện tu hành, nên ma không có cơ hội để phá hại. Sống trong cảnh dục lạc đầy đủ mà vẫn tu thiền được thật hiếm có, cũng như hoa sen sanh trong lò lửa thật là hy hữu vậy.
Hoặc hiện làm dâm nữ
Dẫn dắt kẻ háo sắc,
Trước dùng dục câu dắt
Sau khiến vào trí Phật.
Hoặc làm chủ trong ấp,
Người dẫn đường buôn bán,
Quốc sư và đại thần,
Để giúp ích chúng sanh.
Tất cả người nghèo khổ,
Hiện làm kho vô tận,
Nhân đó khuyến dạy họ
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Kẻ kiêu căng ngã mạn,
Hiện làm đại lực sĩ,
Tiêu phục các cống cao
Khiến trụ đạo Vô thượng.
Có chúng sanh sợ sệt,
Ở trước họ an ủi,
Trước bố thí vô úy
Sau khiến phát đạo tâm.
Hoặc hiện lìa dâm dục
Làm tiên nhân ngũ thông
Khuyên bảo các quần sanh
Khiến trụ giới, nhẫn, từ.
Thấy người cần hầu hạ
Hiện làm những tôi tớ
Đã vui ý người kia
Mới phát khởi đạo tâm.
Tùy người kia cần gì
Được vào trong Phật đạo,
Khéo dùng sức phương tiện
Đều hay cấp đầy đủ.
Vô lượng đạo như thế
Việc làm không bờ mé,
Trí tuệ không giới hạn,
Độ thoát vô số chúng
Giả như tất cả Phật
Trong vô số ức kiếp
Tán thán công đức kia
Vẫn còn không thể hết.
Ai nghe pháp như thế
Không phát tâm Bồ-đề!
Trừ kẻ bất tiểu kia,
Kẻ ngu tối không trí.
Tóm lại, toàn bài kệ này nói về gia đình cư sĩ Duy-ma-cật. Từ cha mẹ vợ con, tôi tớ cho đến đồ vật… đều là các pháp làm lợi ích chúng sanh. Đoạn sau nói rõ, để hướng về Phật đạo, Bồ-tát tùy duyên dùng mọi phương tiện, tùy hoàn cảnh, tùy trường hợp, hiện thân làm tất cả công đức, cốt sao cho mọi người đều thức tỉnh, giác ngộ, chứ không vì mục đích riêng tư. Những việc làm lợi lạc quần sanh của các ngài không thể tính kể, như vậy mới viên mãn Phật đạo.
Kinh sử Ấn Độ có biên chép rõ ràng, gia đình ông Duy-ma-cật là có thật chứ không phải hư cấu. Trong kinh Như Nguyệt Thượng Nữ có ghi: Ông Duy-ma-cật thuộc dòng họ Điện, vợ là Kim Cự, con trai tên Thiện Tư, con gái tên Nguyệt Thượng. Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ, có đến nền thất của ông để đảnh lễ.
Học kinh chủ yếu là để tìm những điều cao siêu, hay đẹp của Bồ-tát đã làm và chỉ dạy, chúng ta phải thực hành theo gương hạnh của các ngài nếu muốn tiến đến Phật đạo. Thí dụ các ngài dùng trần lao làm đệ tử, điều này đối với chúng ta thật khó làm, dù phải học suốt đời cũng chưa chắc đã xong. Tất cả điểm khác cũng như vậy.
Những công hạnh cao đẹp của Bồ-tát thật đáng tán thán. Chúng ta tu muốn làm người cao thượng sáng suốt phải có những hạnh cao cả đó. Phải tùy thời tùy khả năng chúng ta làm đến đâu mừng đến đấy, chứ không thể cùng lúc làm hết được. Đó là lý tưởng người tu phải thực hành, không phải chỉ nghe suông hiểu suông thôi.