Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải

Lược Khảo Lịch Sử Kinh



Kinh Pháp Hoa nguyên chữ Phạn (Sanskrit) tên Saddharma – pundarīka Sutra, được dịch ra chữ Hán bởi nhiều dịch giả với nhiều bản khác nhau. Hiện nay còn đang lưu hành ba bản:

1. Chánh Pháp Hoa Kinh, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, niên hiệu Vĩnh Khang (năm 300 Tây lịch) tại Đôn Hoàng, gồm 10 quyển,

2. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Diêu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy thứ 8 (năm 406 TL) tại Trường An, gồm 7 quyển, sau thêm thành 8 quyển.

3. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, do hai ngài Xà-na và Cấp-đa dịch vào đời Tùy, niên hiệu Nhân Thọ năm đầu (601 TL), tại chùa Đại Hưng Thiện, gồm 7 quyển.

Dịch từ Hán văn ra Việt văn có những bản sau đây:

1/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch, xuất bản vào năm 1936. Bản dịch này dung hợp bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập và bản Pháp văn (năm 1852) của học giả Eugène Burnouf (1801-1852).

2/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, xuất bản năm 1948. Bản dịch này căn cứ theo bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập.

3/ Pháp Hoa Huyền Nghĩa do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tuyển dịch, xuất bản năm 1964. Ông dung hợp nhiều bản Hán văn và Pháp văn để dịch.

4/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Diễn Giải Lục do hòa thượng Thích Trí Nghiêm dịch, xuất bản năm 1970. Ngài dịch từ nguyên bản chữ Hán của đại sư Thái Hư chú giải.

Về phẩm loại của những bản dịch Phạn sang Hán thì bản Chánh Pháp Hoa của ngài Trúc Pháp Hộ dịch có 27 phẩm, không có phẩm Đề-bà-đạt-đa, và phẩm Chúc Lụy là phẩm sau cùng. Bản Diệu Pháp Liên Hoa của hai ngài Xà-na và Cấp-đa dịch đủ 28 phẩm, có phẩm Đề-bà-đạt-đa và phẩm Chúc Lụy ở vào phẩm thứ 22. Bản của ngài Cưu-ma-la-thập dịch, thiếu nửa phần đầu của phẩm Dược Thảo Dụ, thiếu phần đầu của phẩm Pháp Sư, thiếu phẩm Đề-bà-đạt-đa, thiếu phần kệ tụng của phẩm Phổ Môn và phẩm Chúc Lụy ở chót. Nhưng sau y cứ vào bản “bối diệp” do hai ngài Xà-na và Cấp-đa mang tới, dịch bổ khuyết thêm đầy đủ là 28 phẩm. Do đó sau này được đặt tên là Thiêm Phẩm Pháp Hoa, tức là kinh Pháp Hoa thêm một phẩm. Ba bản kinh Pháp Hoa dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán đang lưu hành thì bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của ngài Cưu-ma-la-thập dịch được coi là định bản. Vì đa số tu sĩ cũng như cư sĩ đều dùng bản này để nghiên cứu tụng đọc, bởi văn kinh lưu loát sáng sủa đầy đủ ý nghĩa, lý sâu sắc, đọc tụng dễ hiểu dễ nhận.

Bốn bản kinh Pháp Hoa được dịch từ chữ Hán ra chữ Việt mà chúng tôi vừa nêu, thì bản dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh được hầu hết người xuất gia cũng như tại gia ở Việt Nam dùng để nghiên cứu học hỏi, trì tụng. Hôm nay giảng kinh Pháp Hoa, chúng tôi cũng dùng bản dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh để cho quý vị dễ theo dõi, dễ hiểu. Hòa thượng Thích Trí Tịnh là người dày công nghiên cứu và phiên dịch kinh điển, nên có đầy đủ uy tín trên phương diện giáo dục cũng như dịch thuật. Pháp Phật mà ngài phiên dịch và truyền bá hầu hết chúng ta đều tin tưởng, nên bản dịch của ngài được mọi người tin cậy nhất. Tuy nhiên, một bản dịch dày đến năm sáu trăm trang, việc làm nhiều thì không tránh khỏi chút ít sơ sót. Nhưng phần căn bản thì đáng cho chúng ta tin tưởng để y theo đó mà tu học.

Kinh Pháp Hoa chẳng những ở Trung Hoa tăng ni Phật tử quý trọng, mà khi truyền sang Việt Nam cũng được các chùa kính trọng, nên hay tổ chức các đạo tràng Pháp Hoa hay hội Pháp Hoa để trì tụng. Ở Nhật Bản, kinh Pháp Hoa cũng được tôn trọng nên đã ra đời một phái tên Nhật Liên tông, chuyên trì kinh Pháp Hoa và niệm câu Nam-mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

Sớ giải kinh Pháp Hoa thì ở Trung Hoa có cả trăm nhà sớ giải. Nhưng hai bộ sách được quý trọng, phổ biến rộng rãi là bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa do đại sư Thiên Thai Trí Giả sớ giải và bộ Pháp Hoa Huyền Tán do ngài Khuy Cơ (đệ tử pháp sư Huyền Trang) sớ giải.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.