Kinh Di Giáo Giảng Giải

9. Dặn Dò "Ít Muốn"



Tỳ-kheo các ông! Phải biết người ham muốn nhiều vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều.

Ít muốn theo tiếng Hán là “thiểu dục”. “Thiểu” là ít, “dục” là muốn. Người tu phải ít muốn, ít mong cầu. Càng ít muốn, ít mong cầu chừng nào càng ít tạo nghiệp chừng đó, ngược lại, nếu ham muốn nhiều phải cầu lợi nhiều, nên khổ não cũng sẽ nhiều.

Người thế gian khổ não nhiều vì lúc nào cũng muốn có tiền tài, danh lợi. Để thỏa mãn ước muốn đó phải làm lụng vất vả, tạo nhiều nghiệp bất thiện, do đó thường khổ não, không an vui.

Có một câu chuyện ngụ ngôn: Một ông vua cảm thấy lúc nào cũng không vui, có quá nhiều việc khiến ông phiền lụy. Ông đăng bảng tìm người đem đến cho ông hạnh phúc. Một đạo sĩ thưa với vua: “Nếu bệ hạ tìm được chiếc áo của một người hạnh phúc thật sự, bệ hạ sẽ có được hạnh phúc.” Vua phái một đoàn sứ giả đi khắp nước để tìm người hạnh phúc. Phái đoàn lặn lội khắp tỉnh thành, xó chợ, gặp ai cũng hỏi có hạnh phúc không, nhưng không một ai hạnh phúc thật sự, người đau khổ vì nghèo khó, người đau khổ vì bệnh tật, người vì con cái bất hiếu, anh em bất mục… Tìm kiếm mãi không được, bỗng một hôm họ đi ngang một ngôi nhà rách nát trên một đồng trống, nghe bên trong vọng ra giọng hát của một người đàn ông: “Ôi, hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá! Ta trọn ngày an vui, an vui…” Họ đẩy cửa vào hỏi: – Ông có thật sự hạnh phúc không. Ông vui vẻ trả lời: – Thật chứ! Tôi lúc nào cũng hạnh phúc. Phái đoàn mừng rỡ xin ông chiếc áo, ông cười vui nói: – Tôi chỉ có mỗi cái quần thôi. Họ ngạc nhiên hỏi: – Áo còn không có, sao hạnh phúc được? Ông đáp: – Cần một cái quần để che chỗ hổ thẹn là đủ rồi, thêm áo làm chi. Hỏi: – Vậy ông hạnh phúc chỗ nào? Đáp: – Ngày đi xin có chút thức ăn bỏ bụng, tối về ngủ có chỗ che sương gió, không hạnh phúc thì là gì?

Phái đoàn về kinh thưa lại, vua thức tỉnh. Hạnh phúc thực sự không đến từ bên ngoài, khi không ham muốn tâm sẽ an vui, vui với những thứ mình hiện có, không cần khổ não tìm kiếm thêm.

Người ít muốn không cầu không muốn thì không có những tai họa đó.

Có ham muốn là có khổ não, ham muốn càng nhiều khổ não càng nhiều. Dứt ham muốn là dứt khổ. Ham muốn là tâm tham, muốn diệt tận gốc tham phải thấu được bản chất các pháp không thật. Ta không thật, người không thật, vật chất không thật, ngoại cảnh không thật… Đã không thật thì ham muốn cái gì? Tâm tham dứt, phiền não diệt, đó là hạnh phúc chân thật.

Khi tu đến trình độ cao hơn còn phải chú ý tâm tham muốn vi tế bên trong. Đó là tâm mong cầu giải thoát. Cầu giải thoát vốn là hạnh nguyện, không phải tâm tham. Nhưng thực sự không có gì trói buộc để cầu giải thoát, chính ngay khi không dính mắc tất cả pháp là giải thoát, không có pháp giải thoát khác. Nếu lầm cho rằng có pháp giải thoát để cầu, có cảnh Niết-bàn để chứng liền rơi vào tâm mong cầu. Khi tu năm bảy năm vẫn chưa thấy chứng đắc là bắt đầu sanh phiền não, khởi hoài nghi, thậm chí bỏ đạo. Đó là mình hiểu sai ý nghĩa giải thoát, biến tâm cầu giải thoát chân chánh thành tâm tham muốn vi tế, từ đó dụng công sai lầm, rơi vào trạng thái phiền não phức tạp hơn, mê hoặc hơn, ảo tưởng hơn.

Ham muốn thần thông cũng là trói buộc, vì thần thông chỉ là hiện tướng bên ngoài. Đâu biết tâm bình thường chính là thần thông thực sự. Sống trở lại với tâm bình thường thì ngay đó tự tại, ngay đó giải thoát, là hạnh phúc chân thật, không còn não phiền. Ngược lại, khởi tâm cầu giải thoát sẽ bị chính tâm cầu giải thoát đó trói buộc.

Một thiền khách đến đạo tràng một Tổ sư hỏi đạo, Tổ hỏi: – Ông cầu gì? Thiền khách thưa: – Con cầu làm Phật. Tổ bảo: – Cỡi trâu tìm trâu.

Đang cỡi trên mình trâu lại đi tìm trâu. Chính mình là người giải thoát mà không biết, chạy tìm bên ngoài. Cầu giải thoát không sai, nhưng nếu nghĩ giải thoát là pháp bên ngoài có thể cầu thì càng cầu càng sai, càng cầu càng phiền não.

Thế nên, Phật Tổ nói cầu giải thoát là dùng thế đế nói chân đế, dùng lời thế gian nói pháp xuất thế gian. Cầu giải thoát không giống như ham cầu thế gian: cầu nhà mua nhà, cầu xe mua xe… Mà là trở lại với chính mình, cầu mà không có gì để cầu mới là giải thoát thực sự. Tâm chớ phân biệt hai bên, nghĩ thoát chỗ này qua chỗ kia, rời bờ sanh tử đến bờ Niết-bàn… vẫn là rơi vào dính mắc.

Lục Tổ dạy:

Phật pháp tại thế gian,

Không rời thế gian giác.

Rời thế tìm Bồ-đề,

Giống như tìm sừng thỏ.

Phật pháp ngay tại thế gian này. Pháp vốn không chịu sự tác động, ảnh hưởng, trói buộc của pháp khác, cũng không trói buộc pháp nào. Mọi pháp đều thanh tịnh, như như, bất động. Như hoa, không vì người thích mà nở, không vì người ghét mà tàn, chỉ là thời tiết nhân duyên đến thì nở thì tàn. Nó tự tại sanh diệt theo luật vận hành của chính nó, không bị ảnh hưởng bởi ai. Nếu mình thấu được chân lý đó tự nhiên sẽ không dính, không mắc, không cầu, không muốn, dứt trừ tham sân si, ngay đó là thấy đạo, là giải thoát.

Phật pháp không rời thế gian, chính ngay thế gian này mà giải thoát giác ngộ. Nếu khởi phân biệt chấp ngã chấp tướng, theo đó tìm cầu là tự mình trói buộc, tự tạo khổ não. Cầu giải thoát là không pháp để cầu, chỉ cần trở về sống với chính tâm thanh tịnh của mình, ngay đó là giải thoát.

Kinh Kim Cang, đức Phật nói: “Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho Ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-Ni.”

Theo lời Phật dạy chúng ta không nên bị trói buộc trong từ giải thoát. Đối với tất cả pháp không chấp, không cầu, tự nhiên sẽ không còn khổ đau. Đó là ý nghĩa thực sự của giải thoát.

Ngay nơi hạnh ít muốn còn phải tu tập, huống là ít muốn hay sanh các công đức.

Ít muốn là không mong cầu, không mong cầu thì không dính mắc, không dính mắc chính là công đức. Công đức khác phước đức. Công đức là công phu nơi tâm, phước đức là việc lành bên ngoài. Thân miệng làm lành mà tâm không lành thì có phước đức mà không có công đức. Vừa thiện lành ở hành vi, lời nói, vừa trong sạch nơi tâm, đó là vừa có phước đức vừa đủ đầy công đức.

Xưa vua Lương Võ Đế hỏi Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma: – Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng? Tổ đáp: – Thật không công đức.

Công đức là công phu tu tập xả bỏ mọi ngã chấp, pháp chấp, vua kể những việc thiện lành đã làm tức là làm mà còn dính mắc ta làm và pháp được làm, nên tuy có phước đức nhưng thật không công đức.

Làm lành không kể nhiều ít, nếu có thể ở mỗi việc làm đều toàn tâm toàn ý, không dính mắc, không kiêu ngạo, công đức sẽ theo đó sanh.

Người ít muốn không có tâm dối trá để vừa ý người, cũng không bị các căn lôi cuốn.

Khi tâm không mong cầu sẽ không cần dối gạt người để hưởng lợi. Bình đẳng đối với tất cả mọi người, không khinh mạn người nghèo, không lòn cúi người giàu.

Do ít muốn nên không dính mắc, căn không chạy theo cảnh khởi phân biệt sanh phiền não, ưu lo, nên gọi là không bị các căn lôi cuốn.

Tăng Pháp Đạt người ở Hồng Châu, xuất gia lúc bảy tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ Lục Tổ mà đầu không sát đất. Tổ quở: “Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ, trong tâm ông ắt có một vật, vậy ông chứa chất sự nghiệp gì?” Pháp Đạt thưa: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.” Tổ bảo: “Nếu ông tụng đến muôn bộ, được ý kinh mà chẳng cho là hơn, ắt cùng với ta sánh vai, nay ông mang sự nghiệp này, trọn không biết lỗi, nghe ta nói kệ:

Lễ cốt chặt cờ mạn,

Sao đầu không sát đất?

Có ngã, tội liền sanh,

Quên công, phước vô tỉ.

Ngài Pháp Đạt dính mắc vào việc tụng kinh cho đó là công đức tu hành nên sanh kiêu mạn. Đâu biết chính tâm dính mắc đó làm chướng đạo, khiến Ngài không thể nhập được ý kinh.

Tăng Đạo Nhất hằng ngày ngồi thiền. Tổ Nam Nhạc thấy hỏi: – Đại đức ngồi thiền để làm gì? Đạo Nhất thưa: – Để làm Phật. Sau đó, Tổ lấy một cục gạch để trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi: – Thầy mài gạch để làm gì? Tổ đáp: – Mài để làm gương. Hỏi: – Mài gạch đâu thể thành gương được? Đáp: – Ngồi thiền đâu thể thành Phật được? Hỏi: – Vậy làm thế nào mới phải? Đáp: – Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải? Đạo Nhất lặng thinh, Tổ dạy: – Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia. Ngay đó, Ngài Đạo Nhất đại ngộ.

Tu không nên chấp tướng, làm bất cứ việc gì: ngồi thiền, tụng kinh, lao tác, nói năng, ngủ nghỉ… tâm luôn không dính, không mắc, thường sống trở lại với tự tâm thanh tịnh, đó mới là thật dụng công.

Tổ sư thường nói: Tăng vô sự. Vô sự không có nghĩa là không làm gì, mà là làm việc gì tâm cũng không dính. Như thế là không bị các căn lôi dẫn.

Người tu hạnh ít muốn tâm thường thản nhiên, không lo sợ, gặp việc có dư, thường không  thiếu thốn.

Người ít muốn, không mong cầu, tâm thường thản nhiên, tự tại, không lo sợ. Vì không có gì để mất. Như người ăn xin không sợ trộm cướp vì vốn không tài sản. Người ít muốn tâm không dính mắc nên cũng không sợ mất mát, kể cả mất thân cũng không sợ. Người tu biết rõ sanh ra là phải chết, khi sanh là bước lên con tàu chạy mãi mà đích đến là cõi tử. Đang sống cũng đồng nghĩa đang đi đến chỗ chết. Thân này còn phải bỏ huống là vật chất bên ngoài! Thấu rõ như vậy nên đón nhận mọi cảnh duyên một cách thản nhiên, bình thường, không lo sợ.

Có một Phật tử trên một chuyến bay đang bị khủng bố, mọi người đều sợ hãi, riêng cô bình thản. Khi được giải cứu, họ hỏi cô vì sao không sợ, cô đáp mọi thứ đều vận hành theo duyên nghiệp, nếu phải tử nạn về nghiệp này dù có sợ cũng vậy, nếu không có nghiệp quả này tự nhiên sẽ qua khỏi.

Người hiểu đạo tự tại đón nhận mọi thứ, đối diện với cái chết dù chết bệnh hay chết bất đắc đều xem là bình thường. Nhờ thấu lý, tâm ít muốn, không mong cầu, mới có thể thản nhiên như vậy.

Ít muốn thì gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người không tâm mong cầu lúc nào cũng thấy đủ, thấy dư. Không phải dư tài sản, mà là giàu trong tâm. Nhiều vị giàu có vẫn ham muốn không thôi, muốn có nhiều hơn tài sản hiện có, nghĩa là họ chỉ giàu trên vật chất, nhưng thiếu trên tinh thần. Ngược lại, nhiều vị lúc nào cũng thấy mình đã đủ, cho dù tài sản không nhiều họ vẫn thấy có dư. Người này dư dật, giàu có trên tâm.

Vậy giàu hay nghèo, thiếu hay dư đều do tâm ít muốn hay muốn nhiều mà ra, không phải do tài sản nhiều hay ít.

Người ít muốn thì có Niếtbàn.

Niết-bàn là tự tại giải thoát. Tâm không mong cầu là giải thoát, không đắm chấp là tự tại. Niết-bàn không phải là cảnh giới cao siêu bên ngoài, mà là tâm chân thật bên trong. Tâm không thấy hai, không đắm, không trước thì tự tại giải thoát, gọi là Niết-bàn.

Tu còn thấy có chứng đắc là chưa thật chứng đắc. Kinh Kim Cang nói: “Nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán, tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.” Phải không còn chấp ngã chấp pháp, không thấy chứng đắc mới thực sự chứng đắc.

Khi không còn dính mắc, không còn mong cầu, ngay đó là giải thoát Niết-bàn. Nếu muốn tiến sâu hơn đến quả vị Phật phải nhận và sống trở lại trọn vẹn với tâm chân thật của chính mình, khởi bi tâm làm lợi ích chúng sanh. Khi phước huệ viên mãn tự nhiên thành Phật, đầy đủ phúc đức trí huệ, cõi Phật trang nghiêm, đồ chúng đông đảo, thanh tịnh.

A-la-hán tuy đã có thể tự tại sanh tử nhưng chưa phải quả vị cứu cánh. Nếu các Ngài nhận được đây chỉ là Niết-bàn tạm thời, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh, tin nhận bản thể của mình cùng Phật không khác, hướng tâm đến Vô thượng Bồ-đề, vị đó gọi là Hồi tâm Đại A-la-hán. Ngược lại, những vị không chấp nhận sự thật, không chịu nhận cảnh giới mình chứng đắc chỉ là quả vị tạm thời, không muốn phát tâm Bồ-đề, không khởi hạnh Bồ-tát, đó gọi là Bất hồi tâm Độn A-la-hán.

Nếu so với “Mười bức tranh chăn trâu”, quả vị A-la-hán tương đương với bức tranh thứ 8 “Người trâu đều quên”, chưa tới bức thứ 9 “Lá rụng về cội”, tức chưa nhận được bản thể, nên chưa đến được bức thứ 10 “Thỏng tay vào chợ”, tức chưa phát được hạnh nguyện Bồ-tát, vào sanh tử giáo hóa chúng sanh.

Chỗ chứng của A-la-hán còn là cảnh giới tạm thời, chưa phải cứu cánh, huống là mình mới học, mới tu. Bước đường tu tập của mình còn dài, tuy đường dài nhưng kiên trì đi mãi cũng tới đích. Và điều căn bản phải làm là ít muốn, không mong cầu, không bám vào ngã, không chấp vào pháp. Chính ngay đây là Niết-bàn, không cần tìm ở xa. Phật dạy:

Hôm qua lòng dạ-xoa,
Sáng nay tâm Bồ-tát.
Bồ-tát và dạ-xoa
Chẳng cách một đường tơ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.