Tỳ-kheo các ông! Tâm cong vạy cùng với đạo trái nhau. Thế nên phải có tâm chân chất, ngay thẳng. Phải biết tâm cong vạy chỉ là dối trá, người vào đạo không nên có. Thế nên, các ông tâm phải đoan chánh, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc.
Tâm cong vạy là không ngay thẳng, nó trái với đạo. Trong năm giới, tâm cong vạy thuộc giới nói dối, nói lời không thật để lợi mình. Người tu tâm phải chân chất, thật thà.
Theo Đại thừa, tâm ngay thẳng (trực tâm) là không dính mắc hai bên, không chấp phải trái, thiện ác, đúng sai, đẹp xấu, khen chê… Người thế gian cho rằng ăn ngay nói thẳng là trực tâm, đạo Phật không quan niệm như vậy, nếu nói ra sự thật có thể làm tổn hại người khác sẽ không nói.
Một Tỳ-kheo đến nhà thợ kim hoàn khất thực, ông đang giũa viên ngọc quý để đính lên mão vua, thấy Tỳ-kheo ông vội rướt bát đem xuống bếp sớt thức ăn cúng dường. Con ngỗng trong nhà thấy viên ngọc lóng lánh tưởng thức ăn nên mổ nuốt. Ông trở ra thấy mất ngọc, hỏi Tỳ-kheo: – Thầy có lấy viên ngọc của tôi không? Ngài đáp: – Không. Lại hỏi: – Vậy thầy có thấy ai lấy không? Tỳ-kheo im lặng không trả lời, vì Ngài sợ nói ra sự thật người thợ sẽ mổ bụng ngỗng để lấy lại ngọc. Người thợ vì sợ tội khi quân, lại nghi ngờ Tỳ-kheo lấy nên đánh đập Ngài dã man. Dù bị hành hạ như vậy Ngài vẫn không nói. Khắp người đầy máu, chảy cả ra sân, con ngỗng thấy máu liền chạy tới liếm, người thợ đang giận, tiện tay dùng gậy đánh luôn ngỗng. Khi thấy ngỗng đã chết, Ngài mới nói sự thật, người thợ tìm lại được viên ngọc, vô cùng hối hận thành tâm sám hối, nhưng vì bị thương nặng nên chỉ vài ngày sau Ngài viên tịch.
Một Hòa thượng đang đứng trước cổng chùa hứng mát, thấy một con nai chạy qua. Sau đó, một thợ săn đuổi đến, hỏi: – Thầy có thấy con nai chạy về hướng nào không? Ngài đáp: – Hướng bắc. Sự thật thì con nai chạy về hướng nam, Ngài đã nói dối để cứu mạng nó.
Một vị không nói, một vị nói dối, hai vị đều che giấu sự thật, mục đích là để bảo vệ sinh mạng chúng sanh, nên không thuộc về tâm cong vạy. Tâm cong vạy là bóp méo sự thật để làm vui lòng người khác, đem lại lợi ích cho mình về vật chất hay tinh thần.
Đức Phật dạy: “Im lặng như Thánh, nói năng như Thánh”. Khi im lặng tâm hoàn toàn thanh tịnh, không một niệm dấy khởi; khi nói chỉ nói chánh pháp, nói lời lợi ích cho người, không sa vào thị phi hý luận.
Thiền sư dạy: “Hãy để khóe miệng lên meo như chiếc quạt mùa đông”. Ít nói kiệm lời dễ giữ tâm thanh tịnh, nói nhiều tổn khí hao thần lại dễ mắc lỗi. Muốn sống ngay thẳng, tâm phải ngay thẳng, không mong cầu, không tham trước. Không cầu danh lợi, không tham dục lạc, một lòng tu hành mong đạt giải thoát, tự tại sanh tử. Tâm không mong cầu tự nhiên sẽ không cần cong vạy, chìu uốn để cầu lợi.
Người tu phải giữ tâm đoan chánh, chân chất, ngay thẳng; không dính mắc hai bên phải trái, đúng sai, thương ghét, khen chê… Chỉ một lòng hướng về đạo, nhất tâm cầu giải thoát an vui.