Kinh Di Giáo Giảng Giải

10. Dặn Dò "Biết Đủ"



Tỳkheo các ông! Nếu muốn khỏi các khổ não phải quán xét hạnh biết đủ.

Muốn khỏi khổ não phải biết đủ, thấy mình đủ thật sự. Ít muốn và biết đủ đi với nhau. Khi đã thấy đủ tự nhiên không muốn nữa, còn thấy thiếu mới muốn. Thấy thiếu là do chấp ngã, gom tất cả sự tốt vào mình, đẩy mọi việc xấu ra ngoài. Chính cái chấp này khiến lòng ham muốn trở nên không giới hạn, từ vật chất đến tinh thần, luôn ham muốn không thôi. Nếu biết đủ sẽ không muốn, không chấp, tự nhiên ra khỏi khổ não.

Pháp biết đủ là chỗ giàu có, an ổn, vui vẻ.

Ngay khi biết đủ là giàu, không đợi tài sản đầy kho. Có người rất giàu vẫn thấy chưa đủ, như vậy không gọi là giàu mà gọi là nghèo. Khi người đi xin tức họ tự thấy nghèo, mình cứ hoan hỉ bố thí, không cần thắc mắc là họ thật nghèo hay giả nghèo. Bởi khi xin tức là tâm đang nghèo, đang thấy thiếu, những người như vậy đáng thương xót. Có người hoàn cảnh khó khăn nhưng không xin vì họ thấy đủ, tâm họ không thiếu.

Luật nhân quả căn cứ trên cả ba mặt thân, miệng, ý. Tâm rộng, tâm giàu, đời sau sẽ giàu; hiện đời không thiếu nhưng tâm thấy thiếu, tâm hướng về sự thiếu, vị lai sẽ chiêu cảnh nghèo thiếu.

Có người phát nguyện tu khổ hạnh theo hạnh con bò: ăn cỏ, ngủ đứng… Người đó nghĩ rằng khổ hạnh như vậy sẽ tiêu nghiệp. Có người hỏi Phật: – Vị đó tu khổ hạnh như bò, trọn đời không hưởng dục lạc, vậy có được Niết-bàn, giải thoát không? Phật đáp: – Đời sau người đó sẽ sanh làm bò, vì đời này họ huân tập thói quen của bò, đời sau sẽ theo thói quen đó mà vào bụng bò, dù không tạo ác nghiệp.

Đời này huân tập thói quen nào nhiều, đời sau sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen đó mà thọ sanh. Nếu mình hay bắt chước tiếng kêu, hành động của chó mèo…, đời sau có khả năng sẽ sanh làm chó mèo, vì tập thói quen của nó.

Tóm lại, tâm hướng về điều gì sẽ nhận quả báo tương tự. Tâm luôn thấy thiếu đời sau sẽ chiêu dẫn sanh vào nhà nghèo. Tâm luôn thấy đủ, thấy dư sẽ thác sanh vào nhà giàu có, dư dả. Thế nên, tâm biết đủ là nhân dẫn đến đường lành.

Người biết đủ tuy nằm trên đất mà vẫn an vui. Người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý.

Người biết đủ sống trong hoàn cảnh nào cũng thấy đầy đủ, an nhiên, thoải mái. Ngài Nhan Hồi, đệ tử ưu tú của đức Khổng tử, mỗi ngày chỉ một nắm cơm khô với bát nước lạnh, nhưng luôn vui vẻ an ổn. Một đời Ngài sống thanh thản, không mong cầu, chỉ vui với đạo. Khổng tử khen: “Nếu nói về tâm đạo, Nhan Hồi hơn ta.”

Pháp sư Ấn Quang dạy:

Cơm rau đỡ dạ đói,

Nhà cỏ che gió sương.

Người đời nếu biết đủ

Phiền não chẳng còn vương.

Người đời sở dĩ phiền não vì muốn có nhiều, không thích ở nhà lá đi xe đạp, chỉ muốn ở nhà lầu đi xe hơi. Muốn nhiều phải làm việc nhiều, vất vả kiếm nhiều tiền, có khi tạo ác nghiệp để phục vụ ước muốn của mình.

Người tu không biết đủ cũng phiền não như vậy. Muốn xây chùa đẹp, muốn có nhiều tín độ, muốn nổi tiếng v.v… thì phải vất vả tìm cách thỏa mãn ước muốn đó, không thể an nhàn, thanh tịnh được.

Sự tham muốn là vô hạn, không đáy, nên Phật nói “Người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý.”

Vua Đảnh Sanh tiền thân Phật, là Chuyển luân Thánh vương có đầy đủ bảy báu, phước báo rất lớn, cầu gì đều như ý, cai trị cả bốn châu thiên hạ. Một hôm vua khởi nghĩ: “Ta ở thế gian không thiếu thứ gì, không biết cõi trời như thế nào?” Ngay lập tức Đế Thích cho tướng trời xuống rước vua lên trời Đao-lợi, mời vua cùng ngồi trên ngai vàng cai trị cõi trời. Một thời gian sau, vua khởi ác niệm muốn diệt Đế Thích để độc chiếm cõi trời. Ác niệm vừa khởi, vua mất hết phước lành rơi xuống nhân gian, thọ mạng cũng sắp hết. Trước khi mất, vua hối hận dặn dân chúng chớ để tâm không biết đủ hại mình.

Người không biết đủ tuy giàu mà nghèo, còn người biết đủ tuy nghèo mà giàu.

Giàu nghèo không xét trên tài sản nhiều ít, chỉ xét tâm mình biết đủ hay không. Nghèo mà thấy đủ là giàu, giàu mà luôn thấy thiếu là nghèo.

Người không biết đủ thường bị năm dục lôi kéo, khiến người biết đủ thương xót.

Người không biết đủ luôn chạy theo năm dục, làm mọi chuyện để thỏa mãn tâm thấy thiếu của mình. Dục vọng lôi kéo họ tạo nghiệp, lúc nào cũng bận rộn, phiền não. Người biết đủ thấy họ nhọc nhằn, vất vả như vậy nên thương xót. Như người tu không có tài sản riêng, ăn chùa ở chùa, ngày ngày vui với lời kinh tiếng kệ, lễ Phật tọa thiền… Vui với niềm vui đạo, an nhàn, thanh thản. Nhìn ra thế gian thấy xót thương người đời chạy đôn đáo vì danh lợi, não phiền bởi hai chữ tình tiền.

Nếu chỉ cầu đủ ăn đủ mặc không đến nỗi vất vả, mà vì không bao giờ thấy đủ nên chạy vạy cả đời. Đàn ông một vợ không thấy đủ, kiếm thêm tình lẻ vợ bé, thế là phải ráng cày bừa kiếm thêm để đủ nuôi vài bà vợ mấy dòng con. Hoặc muốn sống dư dả nên trộm cướp, lường gạt, buôn bán ma túy…, không việc ác nào không làm. Thời nay chúng ta bệnh nhiều là do môi trường ô nhiễm, thức ăn chứa nhiều hóa chất độc hại… Mà những thứ đó lại do chính lòng tham của con người tạo ra, càng sáng tạo nhiều vật chất độc lạ, thiên nhiên càng bị phá hoại, dẫn đến bệnh lạ cũng xuất hiện càng nhiều.

Chúng ta đồng sanh trong thời này tức cùng cộng nghiệp với nhau, chịu quả báo cùng nhau. Tuy nhiên trong đó vẫn có biệt nghiệp, như dịch bệnh covid là cộng nghiệp của cả thế giới. Có người vì covid mà chết, có người vì covid mà phá sản, thất nghiệp, đói thiếu… Nhưng có người ở trong vùng dịch mà vẫn khỏe mạnh, lại có người do bệnh dịch mà giàu lên… Đây chính là biệt nghiệp trong cộng nghiệp.

Thế nên, dục không chỉ lôi kéo mình hưởng thụ mà còn khiến mình vì nó tạo ác nghiệp. Vì lúc nào cũng thấy thiếu, không biết đủ, nên làm mọi cách để giàu lên bất chấp là thiện hay ác. Khi đã tạo nhân ác, vị lai chắc chắn chịu khổ, và không phải chỉ khổ một đời. Nên nói nó đáng sợ hơn lửa dữ thiêu đốt, giặc cướp giết hại là vậy.

Hiểu đạo lý rồi chúng ta đừng ham muốn nhiều, phải thấy đủ biết đủ để không bị năm dục lôi kéo, nhờ đó tâm cũng được thanh tịnh.

Muốn lập được hạnh ít muốn biết đủ phải có trí tuệ rõ biết các pháp hư huyễn không thật, từ đó không còn mong cầu, không còn đắm mến. Trong bài thơ “Cuộc đời qua mắt tôi”, Thiền sư Thích Thanh Từ viết rằng:

Chiếc thân tứ đại khói,

Sinh hoạt thế gian mây.

Thành công khối nước đá,

Thất bại chùm bọt tan.

Nhục vinh bong bóng nước,

Thương ghét hạt sương mai.

Khổ vui trong giấc mộng,

Danh lợi bóng chim bay.

Tháng ngày cái chớp mắt,

Còn mất nước trăng lay.

Chung cuộc cơn gió thoảng,

Viên mãn bầu trời trong.

Thân tứ đại như khói, nhanh chóng tan rã; pháp thế gian như mây, nổi trôi bất định; thành công là khối nước đá, gặp nóng liền chảy; thất bại là bọt nổi, phút chốc vỡ tan… Tất cả pháp vô thường biến dịch, chợt hợp chợt ly. Nếu chúng ta cứ đuổi theo nó sẽ tự chuốc lấy khổ đau. Tu làm sao để thấy các pháp tạm bợ giả dối, buông bỏ không đắm nữa. Khi đã thấy rõ tự nhiên sẽ biết đủ, không còn mong cầu.

Thế nên, đối với người tu, trí tuệ và chánh kiến là điều kiện tiên quyết. Có trí tuệ rồi sẽ buông bỏ dễ dàng và dứt khoát. Như người lớn thấy những món đồ trang sức giả, lòng không dao động, còn trẻ nhỏ không biết, thấy chúng lấp lánh đẹp đẽ liền mê thích. Người có trí tuệ không còn chạy theo các pháp hư dối, mà sống trở lại với cái thật, chính là tâm thanh tịnh có sẵn nơi mình. Khi đã nhận và sống lại được với tâm chân thật, dù ở giữa thế gian nóng bức, khổ não vẫn thấy thật dễ chịu, thoải mái, tự tại. Lúc nào cũng vui với pháp (pháp hỷ) với thiền (thiền duyệt), không còn đắm mê dục lạc thế gian, tức đã thành tựu hạnh ít muốn biết đủ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.