Tỳ-kheo các ông! Đối với các công đức thường phải nhất tâm, bỏ các phóng dật như tránh bọn giặc dữ.
Công đức này là công đức tu tập của tự tâm, phóng dật là chạy theo ngũ dục bên ngoài. Phóng dật còn gọi là phóng túng, khác nghĩa với phóng khoáng.
Có những Thiền sư khi việc làm đã xong, các Ngài thường ra chợ, những chốn ồn náo, thuận theo thế gian mà hóa độ chúng sanh. Tuy đi giữa chợ mà vẫn thanh tịnh, ở chỗ đông người mà vẫn lặng lẽ, ăn ngon không đắm, mặc đẹp không ham, tự tại, không bị cảnh chuyển. Các Ngài như đèn, đem ánh sáng đến chốn tối tăm.
Nếu mình chưa đạt đến cảnh giới tâm như quý Ngài, tám gió thổi còn lay động, mà lại bắt chước hành động của quý Ngài dạo chơi thế gian, tham gia ngũ dục, ắt sẽ bị cảnh chuyển, đắm mê trong đó. Đó gọi là phóng dật, mất hết công đức tu tập vì tâm đã ô nhiễm, buông lung chạy theo dục lạc, thấy người hưởng thụ cũng hưởng thụ, dần dần tạo ác nghiệp.
Lục Tổ lúc trốn chạy kẻ ác đuổi giết, lẫn vào đám thợ săn, mỗi bữa ăn hái rau gửi luộc trong nồi thịt, chỉ ăn rau không ăn thịt. Tổ vì hoàn cảnh phải phương tiện như vậy, không phải Ngài thích ăn rau luộc trong nước thịt.
Chúng ta có điều kiện ăn chay thì đâu cần ăn mặn, bởi ăn thịt chúng sanh ít nhiều cũng kết oán, dù có đắc đạo cũng phải trả nợ. Người đắc đạo hiểu thấu nhân quả, chỉ kết oán với chúng sanh khi thật sự cần dùng phương tiện độ sanh, nếu bị trả thù các Ngài vui vẻ chấp nhận.
Luật nhân quả là định luật, không vì người đắc đạo mà thay đổi, Hiền Thánh vẫn phải trả nợ, làm ác vẫn phải chịu quả dữ. Các Ngài biết rõ như vậy nhưng khi cần thiết phải làm cũng làm, chấp nhận chịu tội. Như cha mẹ yêu thương con cái, vì tìm phương tiện nuôi con mà có khi tạo nhiều ác nghiệp, tự mình lãnh chịu quả khổ.
Xưa một con cá lớn bị một làng chài đánh bắt, cả làng làm thịt chia nhau ăn, duy một đứa trẻ trong làng không ăn, chỉ lấy gậy gõ lên đầu con cá ba cái trước khi nó bị làm thịt. Con cá này là tiền thân vua Lưu Ly, làng chài là tiền thân dòng tộc Thích Ca, đứa bé là tiền thân Đức Phật. Khi quả trổ, vua Lưu Ly giết cả dòng họ Thích, đức Thế Tôn nhức đầu ba ngày. Chỉ vài người bắt, vài người giết, nhưng cả làng chia nhau ăn, nên khi quả trổ toàn thể đều đền mạng, chỉ có tiền thân Phật không ăn nên không phải trả mạng, chỉ trả lỗi gõ đầu cá ba cái chịu nhức đầu ba ngày.
Thế Tôn đã thành Phật còn phải trả quả, huống là chúng sanh. Tạo nhân phải lãnh quả là định luật bất biến. Người thấu đạo trả quả trong tự tại, chớ không phải không bị quả báo, bởi đối với các Ngài, cảnh thuận nghịch như nhau.
Bồ-tát Đề-bà-đạt-đa đời nào cũng phá Phật, nên Ngài xuống địa ngục thường xuyên, nhưng Ngài chấp nhận, với Ngài ở địa ngục cũng như ở thiên đường, vì giúp bạn mau thành chánh quả nên Ngài phát nguyện làm nghịch hạnh như thế, quả dữ đối với Ngài không là gì nên Ngài mới thản nhiên làm.
Chúng ta còn tâm phân biệt, còn bị cảnh chuyển thì phải làm lành tránh dữ để khỏi bị quả báo khổ đau.
Đức Thế Tôn Đại bi nói những điều lợi ích đều đã rốt ráo hết rồi, các ông chỉ phải siêng năng thực hành.
Suốt 49 năm, đức Phật đã chỉ dạy tận tình, cặn kẽ. Những điều một Đạo sư cần làm Ngài đã làm xong, đã để lại một bản đồ chi tiết những con đường dẫn đến Niết-bàn. Ngài là một Đại Y Vương hoàn hảo, bệnh gì uống thuốc gì đã được Ngài kê toa đầy đủ. Đệ tử chỉ có mỗi việc là tự đi, tự uống thuốc, bởi những điều này đức Phật không thay cho được.
Hoặc ở chỗ núi non, hoặc ở nơi đầm vắng, hoặc ở dưới gốc cây, hay yên ở trong tịnh thất, phải nhớ giáo pháp đã thọ chớ để quên mất. Thường cố gắng tinh tấn tu hành, không để trôi qua một đời đến chết, rồi sau có các hối hận.
Giờ đã biết pháp tu rồi phải tạo phương tiện tu tập cho mình, chọn lấy pháp môn thích hợp căn cơ mình, đến chỗ vắng vẻ chuyên tu. Hoặc ở chùa nào có tạo điều kiện tu tập cho chúng, mọi người cùng tu, khuyến khích sách tấn lẫn nhau sẽ có ích lợi cho sự tu của mỗi người.
Đặt hết tâm ý vào việc giải thoát, lấy đó làm mục tiêu duy nhất của đời mình, những thứ không cần thiết thì bỏ đi, chớ để một đời trôi qua vô ích.
Đời này hữu duyên được gặp Phật pháp, có chỗ tu hành, có thân người để tu, nếu không tranh thủ dụng công tu tập, đời sau mất thân người, hoặc sanh nơi không có pháp Phật, hoặc sanh vào thời Phật pháp đã diệt, làm sao tiếp tục tu?
Nếu đời này mình tu tốt, tích lũy công đức tu tập sâu dày trong tâm thức, việc tu vững vàng không lui sụt, giả sử đời sau không gặp Phật pháp cũng có thể tự tu, tiếp tục con đường giải thoát như các vị Phật Độc Giác hay các vị hiền thánh khác.
Xưa ở Hy Lạp có một vị hiền triết, một đời sống đạm bạc, ngủ thùng phi, uống nước bằng gáo, cả tài sản chỉ vẻn vẹn vậy thôi. Một hôm, thấy đám trẻ nhỏ chơi giỡn, khi khát chúng chạy đến vòi nước công cộng bụm tay hứng uống, Ngài chợt ngộ ra, nói: “Ta đâu cần dùng gáo hứng nước, bàn tay bụm uống cũng được mà.” Thế là Ngài quăng bỏ luôn gáo nước.
Sở dĩ sống giữa thế gian mà các Ngài không vướng bận được là nhờ công phu nhiều đời trước tích tập, không phải một đời có được. Nếu đời này mình gặp Phật pháp, hiểu sâu giáo lý, không ngừng trau dồi, tập buông bỏ mọi thói quen dính mắc. Sự buông bỏ, sự không dính chấp đó sẽ hình thành thói quen mới, được lưu giữ trong tâm thức không mất cho dù trải nhiều đời. Sau này, dù không gặp Phật pháp cũng có thể tiếp tục tu sâu thêm.
Các vị Phật Độc Giác là những vị sanh giữa hai thời kỳ Phật, không có Phật pháp, các vị quán sát thấy các pháp thế gian do nhân duyên hòa hợp mà thành, vô thường tạm bợ. Thấu triệt pháp vô thường, buông bỏ mọi dính chấp, tâm được giải thoát, gọi là đắc đạo. Và vì tự giác một mình không có thầy hướng dẫn nên gọi là Phật Độc Giác, quả chứng tương đương với Duyên giác thừa, không phải quả Phật.
Chính vì chư vị từng quán chiếu tu tập thời có Phật pháp, hình thành thói quen trong tàng thức, nên dù gặp thời không Phật vẫn có thể tiếp tục sự tu tập, tiếp tục tiến trên con đường giác ngộ.
Hai anh em Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc đều xuất gia theo Phật. Người anh xuất gia trước và đắc A-la-hán, người em xuất gia sau, thờ anh làm thầy giáo thọ, theo anh học giới luật và các pháp tu căn bản. Thế nhưng vì quá ngu khờ, học mãi một bài kệ bốn câu cũng không thuộc, người anh nghĩ rằng em mình không đủ khả năng làm người xuất gia nên khuyên em hoàn tục, sống đời cư sĩ hành thiện nghiệp bố thí, cúng dường cũng tốt.
Hôm đó, toàn thể chúng Tăng đều đến hoàng cung dự trai Tăng, Ngài một mình đứng trước cổng tinh xá buồn bã khóc lóc, không muốn rời Tăng đoàn. Đức Thế Tôn quán sát biết được, đi ra cửa tinh xá gặp Ngài, hỏi: Vì sao thầy khóc? Thưa: Anh con nói con không làm người xuất gia được, bảo con hoàn tục, nhưng con ưa thích hạnh xuất gia, không muốn rời đi. Phật hỏi: Ai là thầy ông? Thưa: Bạch Thế Tôn! Là Ngài. Phật nói: Ta là thầy không đuổi ông, anh ông đâu có quyền đuổi. Sau đó, Phật hóa ra một cái khăn mới tinh trắng sạch, bảo Ngài quán sát sự thay đổi của nó. Dạy xong, Phật cũng ôm bát đến hoàng cung ứng trai.
Ngài vâng lời Phật treo khăn lên một nhánh cây, ngồi kiết già dưới gốc cây quán sát, thấy nó từ một cái khăn trắng sạch chuyển dơ cũ dần, từ từ úa vàng mục nát, một làn gió nhẹ thổi qua, cả khăn rả ra rơi lả tả. Ngay đó ông triệt ngộ lý vô thường của vạn pháp, vô minh tan biến, đắc A-la-hán đầy đủ tam minh lục thông. (Nhờ thần lực của Phật, sự biến chuyển của khăn xảy ra nhanh chóng, chỉ khoảng thời gian Phật đi từ tinh xá đến hoàng cung mà cái khăn đã hoàn tất quá trình biến đổi của nó, giúp Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nhận được lý vô thường.)
Khi đó, Thế Tôn và chúng Tăng dự trai tại cung vua Ba-tư-nặc. Đến giờ, vua hỏi Phật có thể dâng thức ăn được chưa, Phật bảo chưa đủ người. Vua sai sứ đến tinh xá, đến nơi sứ thấy còn rất đông Tỳ-kheo, vị đang tọa thiền, vị kinh hành, vị giặt y v.v… Sứ trở về thưa vua còn đến 500 Tỳ-kheo. Phật bảo chỉ có một vị là Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc, ông hóa nhiều Tỳ-kheo để đùa sứ, Phật dạy sứ giả lên tiếng hỏi vị nào là Châu-lợi-bàn-đặc, ai trả lời đầu tiên thì chính là vị ấy, hãy thỉnh về.
Tăng thọ trai xong, vua thỉnh thuyết pháp, Phật sai Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc thuyết. Ngài đăng tòa giảng rộng nghĩa thâm áo của kinh điển từ cạn đến sâu như một pháp sư thông thái, không hề giống như trước đây một bài kệ cũng không thuộc.
Chúng thấy lạ thưa hỏi, Phật bảo: Châu-lợi-bàn-đặc tiền kiếp từng là tam tạng pháp sư, nhưng vì có tâm khinh người ít học và khi dạy không dạy hết ý sợ người học sẽ giỏi hơn mình. Vì lẽ đó đời nay phải chịu quả báo ngu đần. Nhiều kiếp về trước ông thường tu quán vô thường, công phu tu nhiều đời còn huân trong tiềm thức nên khi nhận ra sự đổi thay của cái khăn liền ngộ đạo đắc quả.
Như vậy, công phu tu tập không mất, cho dù gặp nghịch duyên tạm che, khi đến thời cũng sẽ được khai mở. Chúng ta có duyên lành được gặp Phật pháp, phước báo này thù thắng vô cùng, phải trân trọng và tranh thủ dụng công, đừng để uổng phí phúc lành này, giờ không tu đến chết hối hận đã muộn.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy: “Hận mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời, sự sống tan rã nhanh chóng, trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. Giống như lụa thủng chim bay, cũng vậy, tâm thức theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó.”
Khi chết thần thức theo nghiệp, tạo nghiệp gì thức theo nghiệp đó. Nếu đời này tu tốt, đời sau tiếp tục sự nghiệp tu hành. Nếu tu không tốt phải đọa đường dữ trả quả, tạm dừng sự tu. Như người đang đi học mà mắc nợ, phải nghỉ học đi làm kiếm tiền trả nợ. Hay người đang đi làm mà mắc nợ, phải cắt phần lương trả cho người, trả hết nợ mới được thụ hưởng. Nếu còn nợ mà sắm xe hơi nhà lầu, chủ nợ sẽ không để yên.
Tu không dụng công, công đức tu tập không bằng của thí chủ cúng, đời sau phải trả nợ thí chủ, hết nợ mới tu tiếp được, khi đó sẽ tiếp tục công phu dang dở. Cho nên, đã có phúc lành gặp Phật pháp, được xuất gia tu hành, phải tu sao cho xứng đáng.
Một vị tôn túc nói:
Công phu chưa được vuông tròn
Bao phen tựa cửa lòng buồn nao nao
Mùng ba mùng bốn đuổi nhau
Tóc xanh giờ đã nhuốm màu tuyết sương.
Thời gian trôi qua không đợi ai, người chân chánh tu hành trân trọng từng phút giây, không rảnh để làm việc vô ích, nói lời vô ích, toàn tâm toàn ý dụng công, không để ngoại cảnh ảnh hưởng đạo tâm.
Ta như vị thầy thuốc giỏi, biết bệnh nói thuốc, uống hay không uống chẳng phải lỗi của thầy. Lại như người dẫn đường giỏi, chỉ người con đường tốt, nghe mà không đi chẳng phải lỗi tại người chỉ đường.
Phật đã để lại vô lượng pháp môn, chỉ dạy cặn kẽ, không chịu ứng dụng tu là lỗi tại mình, không phải lỗi của Phật. Phật là bậc đã thấu tột chân lý nên pháp Ngài dạy là chân lý, theo đúng lời Phật mà tu tự nhiên cũng giác ngộ như Phật.
Đức Phật dặn dò đệ tử khi nghe pháp phải “tứ y tứ bất y” (bốn chỗ nương tựa và bốn chỗ không nên nương tựa), đó là: Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, ý liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh.
Y pháp bất y nhân (nương pháp không nương người): Khi nghe pháp chỉ nương tựa pháp Phật dạy mà tu, không quan tâm vị giảng sư hay vị giáo thọ có đức hạnh hay không, giảng hay hay dở, có sở đắc không v.v… Quý Ngài thông tuệ Phật pháp, đem chỗ hiểu đó chỉ dạy để người học nắm vững giáo lý, ứng dụng tu không bị lầm lạc, đem ích lợi cho mình. Còn vị ấy có hạnh giải tương ưng hay không không ảnh hưởng gì đến mình. Cho dù vị ấy không phải chủ bò thì cũng có công đếm bò. Đó là ý nghĩa y pháp bất y nhân.
Y nghĩa bất y ngữ (nương nghĩa không nương văn tự): Trong giáo pháp đại thừa, đức Phật thường dùng ý nghĩa biểu trưng, nếu nương văn tự hiểu có thể sẽ hiểu lầm ý Phật. Vì pháp tối thượng vốn vượt ngôn ngữ, không thể dùng lời diễn tả, dùng ý nghĩ suy. Nên đức Thế Tôn phải dùng phương pháp biểu trưng để có thể sử dụng ngôn ngữ cạn hẹp nêu bày thể tâm thênh thang, dùng lời nói đối đãi hiển thị pháp không đối đãi.
Như Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn nói về năng lực siêu phàm của Bồ-tát Quán Thế Âm, chỉ cần niệm danh hiệu Ngài là mọi khổ não tan biến, tai ách tiêu trừ, cầu được ước thấy v.v… Tuy nhiên không phải ai niệm danh hiệu Ngài cũng có cảm ứng, vẫn còn nhiều vị niệm mà vẫn khổ, cầu nguyện không ứng, cầu con không được, cầu gái sanh trai, cầu trai sanh gái… Thế nên, nếu hiểu không rõ ý kinh sẽ thành phỉ báng Như Lai, cho là lời Phật không nghiệm.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm tu pháp môn “Phản văn văn tự tánh”, nghĩa là xoay tánh nghe trở lại nhận lấy tự tánh. Nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm là luôn nhớ sống lại với tự tánh thanh tịnh của mình. Khi đã nhận ra và sống lại với tự tánh thì sẽ không còn bị các pháp trói buộc, đó là ý xiềng xích gãy lìa. Không phải xích bên ngoài gãy, mà xích trong tâm gãy.
Tổ Huệ Khả bị đánh đến chết vẫn thản nhiên nhận lấy, không hề kêu oan. Tổ Sư Tử xem kiếm vua Kế Tân chém đầu mình như gió xuân thổi ngang cổ. Tô Đông Pha bị đày biên địa vẫn vui vẻ chế tác thơ phú. Còn rất nhiều trường hợp tương tợ như thế. Vì đã sống với tự tánh chân thật thanh tịnh nên nghịch cảnh không bức bách được mình, không làm khổ được mình. Đó là ý nghĩa niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ dứt mọi khổ đau.
Cũng vậy, mong trai được trai, mong gái được gái, nghĩa là sống được với tự tánh thì tâm không còn phân biệt, sanh trai gái gì cũng vui, cũng vừa ý. Vì tâm không còn mong cầu nên vui với mọi cảnh, gọi là cầu được ước thấy.
Thế nên, học Kinh Phật phải hiểu theo nghĩa, không nên dính kẹt vào văn tự. Xoay về tâm mình để liễu đạt ý Phật.
Y trí bất y thức (nương trí tuệ không nương thức phân biệt): Học pháp Phật phải nương trí tuệ hiểu, không khởi tâm phân biệt hai bên, dùng thức phân biệt để hiểu kinh sẽ không thể liễu đạt ý kinh.
Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh (nương kinh liễu nghĩa không nương kinh không liễu nghĩa): Kinh liễu nghĩa là kinh chỉ tột chỗ chân thật, đến chỗ rốt ráo thành Phật. Kinh không liễu nghĩa dừng lại ở quả vị Thanh văn Duyên giác. Phật dạy chúng ta chỉ nương kinh liễu nghĩa, tức phải phát tâm bồ đề dõng mãnh, thẳng tiến đến quả Phật, không dừng lại ở quả chứng của nhị thừa.