Kinh Di Giáo Giảng Giải

16. Dặn Dò "Đừng Hý Luận"



Tỳ-kheo các ông! Các thứ hí luận làm cho tâm rối loạn, tuy xuất gia mà chưa được giải thoát.

Nói nhiều tâm sẽ loạn. Thiền sư dạy: “Hãy để khóe miệng lên meo như chiếc quạt mùa đông”. Nói qua lại dễ dẫn đến thị phi, bàn việc đúng sai phải quấy của người, như vậy bản thân phiền não mà người khác cũng không vui.

Nêu bày lỗi của người, dù đúng thật vẫn có lỗi, bao nhiêu người tin thì lỗi càng nặng thêm. Lỗi ở miệng cũng nặng như lỗi ở thân. Hay nói xấu người sau này sẽ bị quả báo xấu xí, thậm chí còn có thể đọa vào loài súc mang hình hài xấu ác như quạ, rắn v.v…

Người tu phải học hạnh vô tránh tam muội, không tranh luận, không bàn việc đúng sai phải quấy. Lục Tổ dạy:

Người chân chánh tu hành,
Không thấy lỗi thế gian.
Nếu thấy lỗi người khác,
Lỗi mình đã đến bên.

Lỗi nhìn lỗi người khác. Người tu ít nói sẽ ít thị phi, nói nhiều hao khí tổn thần, làm cho tâm khó định tĩnh. Ngay cả Phật pháp còn không luận bàn. Đức Thế Tôn dạy: Phật pháp là pháp không thể nghĩ bàn. Pháp là chỗ lặng lẽ thanh tịnh, không phải là chỗ dùng ngôn ngữ luận bàn. Phật pháp còn không bàn huống là bàn chuyện thế gian.

Thiền sư nói: “Biến sắt thành vàng còn dễ, bảo người đừng thị phi rất khó.”

Chúng ta được học Phật nghe pháp thường xuyên mà còn hay rơi vào hý luận. Cho nên ở đây Đức Phật quở người cạo tóc xuất gia học hạnh giải thoát mà cứ mê hý luận, không biết yên lặng nhìn lại mình, tâm luôn rối loạn, làm sao tự tại giải thoát được?

Ngài Trần Nhân Tông khi còn là thái tử, hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ nên tu thế nào. Thượng sĩ đáp: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Thường quay lại quán sát, sống trở lại với tâm chân thật của mình, lấy đó làm việc bổn phận, không cần nhờ cầu bên ngoài.

Phật Tổ luôn dạy chúng ta sống trở lại, không đuổi chạy ra ngoài. Mỗi người phải tự tu, tự hành. Trước khi Niết-bàn, đức Phật tha thiết dặn dò: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Thắp lên với chánh pháp!”

Đức Phật luôn nhấn mạnh Ngài là đạo sư, chỉ cho chúng ta con đường chân chính, chúng ta phải tự đi chớ Ngài không đi thay được. Ngài là Đại y vương biết bệnh cho thuốc, chúng ta phải tự uống, Ngài không uống thay được.

Phật biết đệ tử vướng kẹt chỗ nào, làm sao để gỡ, Ngài chỉ phương cách, còn gỡ là tự mỗi người. Thiền sư nói: Ai cột linh lên cổ sư tử thì người đó gỡ. Tự buộc phải tự mở, không ai mở thay được.

Thế nên, Tỳ-kheo phải gấp xa lìa loạn tâm hí luận.

Nếu cứ để dính vào thị phi sẽ ảnh hưởng tâm mình, không giải thoát được, nên Phật dạy phải gấp xa lìa loạn tâm hý luận.

Vui chỗ thanh nhàn, vui với tự tâm mới là cái vui chân thật. Vui chỗ ồn náo, hý luận chỉ làm loạn tâm. Trong mười bức tranh chăn trâu, bức tranh thứ bảy “Quên trâu còn người”, chú mục đồng một mình thanh thản ngồi dưới gốc cây ngắm trăng, đâu không phải là niềm vui thanh tịnh nơi tự tâm?

Người tu thường chúc nhau được pháp hỷ thiền duyệt. Nhờ học Phật, hiểu chân lý nên tâm sanh vui; nhờ thiền định, tâm an tĩnh lặng lẽ nên vui. Niềm vui đó mới là niềm vui chân thật, bền vững.

Nếu các ông muốn được niềm vui tịch diệt, phải khéo diệt họa hoạn hí luận.

Muốn được niềm vui lặng lẽ của tự tâm, tức sống lại được với bản tâm thanh tịnh, phải diệt hý luận.

Đức Phật nói người theo cảnh sanh vui ắt sẽ vì cảnh mà buồn. Chỉ có người không theo cảnh mới không bị buồn vui chi phối, lúc nào cũng thanh nhàn. Tất cả pháp thế gian là tướng sanh diệt, có đến có đi, nó đem đến niềm vui thì cũng sẽ đem đến khổ đau. Nếu có thể xem sự đến đi của các pháp là bình thường, tâm mới có thể lặng lẽ thanh tịnh.

Thời Phật có một Ưu-bà-di mất đứa con 12 tuổi, bà lo đám cho con mà mặt chẳng một sắc buồn. Mọi người thắc mắc hỏi, bà đáp: “Tôi không mời nó tự đến, tôi không đuổi nó tự đi, nó đã hoàn tất con đường của nó.”

Những gì do bên ngoài đem đến thì cũng sẽ do bên ngoài mất đi. Hý luận làm mình vui, đồng thời cũng làm mình phiền, vì dính vào thị phi, tranh cãi. Chỉ có trở lại sống với chính mình, dứt hẳn mọi luận bàn hơn thua phải quấy được mất, mới thật sự được cái vui chân thật, là mục tiêu chân chánh của người tu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.