Kinh Đại Thừa Cây Lúa giảng giải

Giảng giải văn kinh



Chánh văn: 

Phật Thuyết Đại Thừa Đạo Can Kinh. 

Tôi nghe như vầy, một hôm Phật ở thành Vương Xá núi Kỳ-xà quật, cùng chúng đại Tỳ-kheo 1.250 người và các vị đại Bồ-tát câu hội. 

Giảng:

Phật Thuyết Đại Thừa Đạo Can Kinh, dịch sang tiếng Việt là Kinh Phật Nói Đại Thừa Cây Lúa. Đạo là lúa, can là thân cây, Đại thừa là sao? Trong Phật giáo nói có năm thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa, Đại thừa là Bồ-tát thừa. Chúng ta tu theo thừa nào tức là đã ngồi trên cỗ xe đó, để đi tới mục đích mình muốn. Tu theo Đại thừa là ngồi trên cỗ xe đưa tới quả vị Thập địa Bồ-tát.

Tôi nghe như vầy là người được nghe kể lại. Một hôm là thời gian lúc đó. Phật là vị chủ trong pháp hội. Thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật là nơi chốn nói kinh. Chúng đại Tỳ-kheo 1.250 người và các vị đại Bồ-tát là người nghe. Câu hội là cùng chung họp. Như vậy bài kinh này không riêng ngài A-nan nghe nói lại, mà tất cả chúng Tỳ-kheo và Bồ-tát đồng có mặt dự nghe trong đó.

Chánh văn: 

Khi ấy, cụ thọ Xá-lợi Tử đến chỗ đại Bồ-tát Di-lặc kinh hành, đến rồi cùng nhau thăm hỏi, đồng ngồi trên tảng đá lớn. Lúc đó, cụ thọ Xá-lợi Tử hỏi đại Bồ-tát Di-lặc thế này: Ngài Di-lặc, hôm nay đức Thế Tôn xem thấy cây lúa, bảo các thầy Tỳ-kheo như vầy: “Chư Tỳ-kheo, nếu thấy nhân duyên kia liền thấy pháp, nếu thấy được pháp liền hay thấy Phật”. Nói lời ấy rồi, Thế Tôn im lặng ngồi yên. Ngài Di-lặc, vì sao đức Thiện Thệ nói như thế ấy? Việc này thế nào? Thế nào là Nhân duyên? Thế nào là Pháp? Thế nào là Phật? Tại sao thấy nhân duyên liền hay thấy pháp? Tại sao thấy pháp liền hay thấy Phật? 

Giảng:

Cụ thọ Xá-lợi Tử tức là trưởng lão Xá-lợi-phất. Cụ thọ là một cách gọi khác của trưởng lão, chỉ cho người có tuổi thọ lớn. Đại Bồ-tát Di-lặc, ngài Di-lặc là vị Bồ-tát sắp bổ xứ thành Phật. Bồ-tát, dịch âm từ tiếng Phạn, nói đủ là Bồ-đề-tát-đỏa. Bồ-đề là giác, tát-đỏa là hữu tình. Một hữu tình giác ngộ, giác ngộ chúng hữu tình nên gọi là Bồ-tát.

Khi ngài Xá-lợi-phất tới chỗ Bồ-tát Di-lặc kinh hành, hai vị ngồi thăm hỏi nhau rồi, ngài Xá-lợi-phất mới hỏi: Hôm nay đức Thế Tôn xem thấy cây lúa, bảo các thầy Tỳkheo như vầy: “Chư Tỳ-kheo, nếu thấy nhân duyên kia liền thấy pháp, nếu thấy được pháp liền hay thấy Phật”. Câu này rất hệ trọng, không phải là chuyện tầm thường. Vì thấy nhân duyên là then chốt để thấy pháp, đạt được lý nhân duyên là then chốt để thành Phật.

Ngài Di-lặc, vì sao đức Thiện Thệ nói như thế ấy? Việc này thế nào? Thế nào là Nhân duyên? Thế nào là Pháp? Thế nào là Phật? Tại sao thấy nhân duyên liền hay thấy pháp? Tại sao thấy pháp liền hay thấy Phật? Đó là bảy câu hỏi của ngài Xá-lợi-phất. Tại sao ngài Xá-lợi-phất không hiểu mà lại phải hỏi Bồ-tát Di-lặc? Những vị thượng thủ trong hàng đệ tử Phật đối với pháp Phật dạy, có khi các ngài chưa hiểu rõ lắm nên nhờ vị cao đức hơn giải thích, hoặc đem hỏi lại bạn đồng hành để lượng xét xem chỗ mình hiểu có đúng ý Phật nói hay không? Ngài Xá-lợi-phất là trí tuệ bậc nhất chẳng phải hỏi do không biết, mà lý nhân duyên theo tinh thần Đại thừa, phải là Bồ-tát Di-lặc mới giải thích rõ ràng điều này.

Chánh văn: 

Đại Bồ-tát Di-lặc đáp cụ thọ Xá-lợi Tử rằng: Nay Phật pháp vương chánh biến tri bảo các Tỳ-kheo “Nếu thấy nhân duyên liền hay thấy pháp, nếu thấy được pháp liền hay thấy Phật”. Trong đây cái gì là nhân duyên? Nói nhân duyên là đây có nên kia có, đây sanh nên kia sanh. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử sầu than buồn khổ đều được sanh khởi. Như thế chỉ sanh nhóm hoàn toàn đại khổ. 

Trong đây vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên lão tử sầu than buồn khổ đều diệt. Như thế chỉ diệt nhóm hoàn toàn đại khổ. Đây là Thế Tôn nói pháp nhân duyên. 

Giảng: 

Nay Phật pháp vương chánh biến tri bảo các Tỳ-kheo. Pháp vương là vua pháp. Tán thán Phật là vua pháp, vì ngài thấy biết thấu suốt khắp các pháp chân thật không sai lầm, tự tại trong tất cả pháp, hay chuyển tất cả pháp mà tất cả pháp không làm lay chuyển ngài. Nếu thấy nhân duyên liền hay thấy pháp, nếu thấy được pháp liền hay thấy Phật. Bồ-tát Di-lặc dẫn lời nói của Phật với các Tỳ-kheo rồi, ngài mới giải thích về pháp nhân duyên.

Trong đây cái gì là nhân duyên? Nói nhân duyên là đây có nên kia có, đây sanh nên kia sanh. Tất cả sự vật không một pháp nào chẳng liên hệ nhau, đây có nên kia có, đây sanh nên kia sanh, có cái này là có cái kia, có cái kia là có cái này. Do liên hệ ràng buộc chằng chịt với nhau nên gọi là nhân duyên, nếu mỗi pháp riêng rẽ thì đâu gọi là nhân duyên.

Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử sầu than buồn khổ đều được sanh khởi.

Thông thường chúng ta hay nói Mười hai nhân duyên qua ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu giải thích nhân duyên qua hai thời hiện tại và vị lai thì vô minh, hành là hai nhân năng dẫn, tức là nhân hay dẫn đưa đến thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả bị dẫn. Ái, thủ, hữu là nhân năng sanh; dẫn tới sanh, lão tử là quả bị sanh ở đời sau.

Vô minh, hành là hai cái hay dẫn. Vô minh là gì? Phần sau sẽ giải nghĩa kỹ hơn, đây chỉ tạm nói sơ cho dễ hiểu. Mê sự mê lý gọi là vô minh, Mê sự, mê lý là đối với sự, lý không hiểu, không biết. Bởi không thông sự, lý nên mới tạo nghiệp, nghiệp đó là hành. Hành là cái thúc đẩy thức thứ tám đi thọ sanh. Thức thứ tám gọi là tổng báo, vì nó chứa cả chủng tử thiện, ác để thọ sanh, nên phải mang thân chịu quả báo chung sau này.

Thức trong Mười hai nhân duyên là chỉ cho thức thứ tám, tức tàng thức. Khi thức liên kết với bào thai thì bào thai thuộc sắc chất là sắc, thức thuộc về tinh thần là danh. Hai phần hợp lại gọi chung là danh sắc. Thức, danh sắc bị vô minh và hành thúc đẩy lôi kéo, cho nên hành thuộc về hay dẫn là nhân; thức, danh sắc… là cái bị dẫn phải chịu kết quả là quả. Vì vậy có danh sắc rồi, từ danh sắc mới sanh lục nhập tức là sáu căn. Từ có sáu căn mới xúc chạm với sáu trần, phát sinh lãnh thọ khổ, vui hoặc không khổ không vui. Năm thứ này bị dẫn bởi cái hay dẫn là vô minh và hành, đó là lớp thứ nhất.

Lớp thứ hai là ái, thủ và hữu. Ái là yêu thích, tức là sau khi thọ lãnh khổ vui rồi, thích vui mà chán khổ, đó gọi là ái. Thủ là gìn giữ, bởi ái cho nên mới bảo thủ gìn giữ, vì gìn giữ mới tạo nghiệp tương lai là hữu. Hữu là nghiệp phải thọ sanh trong các cõi, nó tương đương với chữ hành ở trước. Ái, thủ và hữu, ba thứ này hay sanh ra quả của tương lai là sanh, lão tử. Vì vậy gọi là nhân năng sanh.

Như vậy nhân năng dẫn và quả sở dẫn ở hiện tại, cùng nhân năng sanh và quả sở sanh ở vị lai, đó là hai lớp nhân quả qua hai thời hiện tại và vị lai.

Nói nhân duyên theo ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Thì vô minh, hành thuộc về quá khứ; thức, danh sắc thuộc về hiện tại. Bởi vì vô minh, hành là nhân quá khứ đã tạo rồi mới dẫn thức đi thọ sanh v.v… là quả hiện tại. Ái, thủ, hữu là nhân hiện tại để chuốc lấy sanh, lão tử là quả vị lai.

Đoạn này là đứng về sanh diệt môn hay còn gọi là lưu chuyển môn mà nói, vì từ vô minh dẫn tới sanh lão tử cứ quanh quẩn đi trong lục đạo, nên gọi là lưu chuyển. Đầu mối của Mười hai nhân duyên gốc từ vô minh. Bởi vô minh không thông suốt sự, lý nên mới tạo nghiệp, là vô minh duyên hành. Hành thúc đẩy dẫn thức đi thọ sanh, nên nói hành duyên thức. Thức dựa vào bào thai, hai phần sắc chất và tinh thần này chung hội lại, gọi là thức duyên danh sắc. Đủ danh sắc rồi mới có sáu căn là lục nhập, nên nói danh sắc duyên lục nhập. Sáu căn xúc chạm với sáu trần, là lục nhập duyên xúc. Do xúc chạm sáu trần mà có cảm thọ khổ, vui hoặc không khổ không vui, là xúc duyên thọ. Từ cảm thọ đó sanh ra yêu thích là thọ duyên ái. Do khát ái nên thích gìn giữ, là ái duyên thủ. Vì gìn giữ mới có tạo nghiệp sanh ở đời sau, là thủ duyên hữu. Bởi có nghiệp sanh ở đời sau nên mới bị sanh ra, gọi là hữu duyên sanh. Sanh ra rồi có già, chết, sầu than buồn khổ v.v… đều được sanh khởi, là sanh duyên lão tử. Như thế chỉ sanh nhóm hoàn toàn đại khổ, thân ngũ uẩn này là nhóm hoàn toàn đại khổ.

Trong đây vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên lão tử sầu than buồn khổ đều diệt. Như thế chỉ diệt nhóm hoàn toàn đại khổ. Đây là đứng về hoàn diệt môn mà nói. Vô minh diệt nên hành diệt, vì vô minh là gốc, nếu hết vô minh thì hành theo đó hết, hành hết thì thức hết v.v… tất cả các thứ theo đó cũng đều diệt hết.

Trọng tâm để dứt luân hồi là phải đập tan vô minh, muốn đập tan được vô minh thì phải thắp sáng. đuốc trí tuệ, thấu suốt lý, sự không còn lầm nữa. Bởi vô minh nên mê lầm sự, lý; lấy tứ đại duyên hợp lầm cho là thân thật, chấp bóng dáng duyên theo sáu trần cho là tâm mình, từ đó tạo nghiệp sanh tử. Vì vậy muốn phá dòng sanh tử thì phải giác ngộ, muốn giải thoát thì phải có trí tuệ. Dù tu bao nhiêu hạnh mà thiếu trí tuệ cũng không bao giờ giải thoát. Chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, có giác ngộ mới dứt hết mê lầm, mê lầm hết thì vô minh diệt, dòng sanh tử ngang đây chấm dứt.

Đây là Thế Tôn nói pháp nhân duyên. Phật nói pháp nhân duyên – do cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh – từ vô minh kết thành một dòng chuyển biến liên tục. Nếu không phá được vô minh thì dòng chuyển biến ấy không có bờ mé cùng tận, vô thủy vô chung. Vô minh dứt tức là vô thủy mà hữu chung.

Chánh văn: 

Thế nào là Pháp? Nghĩa là Bát thánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đây là Bát thánh đạo. Quả và Niết-bàn Thế Tôn đã nói, gọi đó là Pháp. 

Giảng:

Thế nào là Pháp? Nghĩa là Bát thánh đạo. Bát thánh đạo còn gọi là Bát chánh đạo: Chánh kiến là thấy đúng sự lý. Chánh tư duy là suy nghĩ đúng; từ có chánh kiến nên đối với sự lý nhận định đúng, suy nghĩ thông suốt không lầm. Chánh ngữ là nói lời đúng, suy nghĩ đúng thì nói năng mới đúng. Chánh nghiệp là hành động đúng, từ nói năng đúng mới dẫn đến hành động đúng. Chánh mạng là mạng sống đúng, vì hành động đúng nên cuộc sống đúng. Chánh tinh tấn là siêng năng đúng, bởi cuộc sống đúng nên sự cố gắng cũng đúng. Chánh niệm là niệm chân chánh, sự cố gắng đúng đắn nên tâm niệm chuyên nghĩ đúng. Chánh định là an định đúng, vì tâm chuyên nghĩ đúng nên luôn an định trong trí tuệ sáng suốt, chứ không phải định khô hay định trong si mê.

Bên kia trong dòng luân hồi, đầu tiên là vô minh; bên này muốn giải thoát luân hồi thì trước hết là chánh kiến. Như vậy, chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, tất cả các pháp tu đều dùng trí tuệ để phá gốc mê lầm. Vì mê là gốc của luân hồi, muốn phá luân hồi thì phải dùng giác để phá. Tiểu thừa lập Chánh kiến làm đầu, Đại thừa thì lấy Bát-nhã, còn Thiền tông nói Kiến tánh, tức là thấy được bản tánh chân thật thì hết mê sự, lý. Như căn nhà tối, muốn hết tối phải thắp đèn, đem ánh sáng lại thì mới phá được tối tăm, chứ không cách nào khác. Đây không phải là thấy đúng theo quan niệm thông thường của thế gian, mà chính là dùng trí tuệ nhận định đúng về các pháp. Chánh kiến là gốc để phá vô minh. Vì khi đã nhận định đúng rồi thì không còn mê lầm về sự lý nữa, từ đó dẫn tới suy nghĩ, nói năng, hành động… đều đúng. Phá được mê lầm thì dòng sanh tử chấm dứt.

Quả và Niết-bàn, Thế Tôn đã nói, gọi đó là Pháp. Quả là tứ quả Thanh văn, hay còn gọi là tứ quả Sa-môn. Vì pháp Bát thánh đạo đưa đến quả và Niết-bàn, nên được gọi là Pháp.

Chánh văn: 

Thế nào là Phật? Nghĩa là người biết tất cả pháp, gọi là Phật. Bởi vì ngài dùng Tuệ nhãn và Pháp thân, hay kiến tạo pháp Bồ-đề cho hàng Hữu học và Vô học. 

Giảng:

Thế nào là Phật? Nghĩa là người biết tất cả pháp, gọi là Phật. Phật là người biết tất cả pháp đúng như thật không lầm lẫn.

Bởi ngài dùng Tuệ nhãn và Pháp thân, hay kiến tạo pháp Bồđề cho hàng Hữu học và học. Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ. Pháp thân là thân công đức của Phật. Trong quả Thanh văn, hàng Hữu học là chỉ cho những vị từ Tu-đà-hoàn cho tới A-na-hàm, hàng Vô học là chỉ cho các vị A-la-hán. Quả vị của hàng Bồ-tát thì từ Tam hiền trở lên là Hữu học, tới Thập thánh là Vô học. Phật đối với công hạnh giác ngộ cho mình và người đều tròn đủ, nên được gọi là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Như vậy, sau khi đã biết rõ các pháp không lầm lẫn rồi, Phật mới dùng Tuệ nhãn và Pháp thân công đức tạo lập ra pháp Bồ-đề, là phương pháp chỉ dạy đưa đến giác ngộ, giúp cho hàng Hữu học và hàng Vô học đều được giải thoát.

Chánh văn: 

Thế nào là thấy nhân duyên? Như Phật đã nói, nếu hay thấy pháp nhân duyên, thường, vô thọ, ly thọ, như thật tánh, vô thố mậu tánh, vô sanh, vô khởi, vô tác, vô vi, vô chướng ngại, vô cảnh giới, tịch tĩnh, vô úy, vô xâm đoạt, bất tịch tĩnh tướng ấy vậy. Nếu hay như thế, nơi pháp cũng thấy thường, vô thọ, ly thọ, như thật tánh, vô thố mậu tánh, vô sanh, vô khởi, vô tác, vô vi, vô chướng ngại, vô cảnh giới, tịch tĩnh, vô úy, vô xâm đoạt, bất tịch tĩnh tướng. Vì được chánh trí hay ngộ thắng pháp, do vô thượng pháp thân mà thấy được Phật. 

Giảng:

Thế nào là thấy nhân duyên? Phần này gọi là Thắng nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế. Đứng về Thắng nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế mà nói, thì thấy nhân duyên là thấy thể tánh của nhân duyên. Thấy thể tánh đó tức là thấy được bản tánh của các pháp.

Như Phật đã nói, nếu hay thấy pháp nhân duyên, thường. Các pháp đổi thay là trên giả tướng duyên hợp có thành có hoại, còn thể tánh của các pháp thì không hoại nên nói là thường. Như ngôi nhà do nhân duyên tụ hội mà thành, khoảng hư không này trước đây không có nhà, bây giờ dùng các thứ ráp lại thành căn nhà, mai kia trở đi thì nó lại là không. Như vậy tướng ngôi nhà là do các duyên giả tạm ráp lại, còn thể bất di bất dịch là không, bởi không cho nên duyên mới hợp được. Khi duyên hợp là giả tướng tùy duyên mà hiện, lúc duyên hoại thì cũng chỉ là giả tướng tùy duyên mà hoại. Đây là nhìn vào thể tánh của nhân duyên, thể tánh của nhân duyên là không, thể không đó mới là miên viễn.

Vô thọ, ly thọ. Thọ là thọ mạng, tức là mạng sống. Thể tánh của các pháp vốn tịch tịnh thì làm gì có thọ mạng thật, nên vô thọ. Vô thọ thì đâu có thọ mạng ngắn dài, mà nói trường thọ hay đoản thọ, nên gọi ly thọ. Như thật tánh, thể tịch tĩnh phù hợp với tánh chân thật. Vô thố mậu tánh, chữ thố cũng đọc là thác, tức là không có tánh lầm lẫn.

Vô sanh, khởi. Thể tánh các pháp vốn không sanh, vì không sanh nên không khởi. Vô tác là không có tạo tác. Vô vi là không có hành động. Vô chướng ngại, thể tịch tĩnh thì làm gì có chướng có ngại. Vô cảnh giới là không có cảnh giới. Tịch tĩnh là lặng lẽ. Vô úy là không sợ hãi, bởi lặng lẽ thì không có gì phải sợ hãi. Vô xâm đoạt, vì không sợ hãi nên không có gì xâm đoạt được. Bất tịch tĩnh tướng là không có tướng tịch tĩnh. Vì nguyên thể đã là tịch tĩnh, nên tướng tịch tĩnh cũng không.

Các pháp do nhân duyên sanh, không có một thể cố định. Không cố định là y cứ trên hiện tượng duyên hợp, nhưng về thể tánh chân thật thì nó là không. Như cái bàn này là hình dáng duyên hợp ở trong một khoảng hư không, khi duyên tan thì hình dáng đó không còn; còn thể hư không thì không hợp cũng không tan, xưa nay vẫn rỗng không, lặng lẽ. Do đứng về Đệ nhất nghĩa đế mà nhìn, nên thấy bản tánh của các pháp nguyên là không thật. Bởi không thật cho nên khi duyên hợp mới sanh ra muôn pháp, nếu thể nguyên vẹn có hình tướng chắc chắn rồi, thì không còn duyên hợp được nữa. Trên lý duyên sanh thì thể của nó là vô sanh, vì nếu đã sanh thì duyên không thể hợp, do vô sanh nên mới tùy theo duyên mà hợp. Thế nên thể của pháp nhân duyên là thể thanh tịnh, thấy được như vậy gọi là thấy nhân duyên.

Nếu hay như thế, nơi pháp cũng thấy thường, vô thọ, ly thọ, như thật tánh, thố mậu tánh, vô sanh, vô khởi, vô tác, vi, vô chướng ngại, vô cảnh giới, tịch tĩnh, vô úy, xâm đoạt, bất tịch tĩnh tướng. Nếu người hiểu được như thế thì nơi pháp cũng thấy thường, vô thọ, ly thọ… thấu suốt không còn lầm lẫn.

Vì được chánh trí hay ngộ thắng pháp, do vô thượng pháp thân mà thấy được Phật. Thắng pháp là pháp thù thắng, tức pháp Đệ nhất nghĩa đế. Do chánh trí trực nhận thể tánh tịch tĩnh của nhân duyên, ngộ pháp thù thắng, thể nhập pháp thân vô thượng là thấy được Phật, vì thấy pháp tức là thấy Phật.

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào là nhân duyên? 

Đáp: Có nhân, có duyên gọi là nhân duyên. Vì không phải không nhân, không duyên nên gọi là pháp nhân duyên. Thế Tôn lược nói tướng nhân duyên, duyên sanh quả ấy. Như Lai ra đời hoặc không ra đời, pháp tánh thường trụ, cho đến pháp tánh, pháp trụ tánh, pháp định tánh, cùng nhân duyên tương ưng tánh, chân như tánh, vô thố mậu tánh, vô biến dị tánh, chân thật tánh, thật tế tánh, bất hư vọng tánh, bất điên đảo tánh v.v… nói như thế ấy. 

Giảng:

Trước hỏi Thế nào là thấy nhân duyên? Còn ở đây hỏi: Thế nào là nhân duyên? Đáp: Có nhân, có duyên gọi là nhân duyên. Vì không phải không nhân, không duyên nên gọi là pháp nhân duyên. Bởi có nhân có duyên nên gọi đó là nhân duyên. Thế Tôn lược nói tướng nhân duyên, duyên sanh quả ấy. Duyên sanh quả ấy, tức là từ duyên mà sanh ra quả. Như Lai ra đời hoặc không ra đời, pháp tánh thường trụ. Lý nhân duyên này trước kia, hiện nay và mai sau, cũng là nhân duyên sanh ra các pháp, không thể khác được, nên nói Pháp nhĩ như thị. Pháp tánh thường trụ, dù Phật ra đời hay không vẫn không thay đổi. Pháp ấy không phải đợi Phật ra đời mới có, mới nói nhân duyên. Chỉ là khi Phật ra đời, do thấy rõ được lý nhân duyên nên ngài giác ngộ. Từ đó về sau, ngài đem lý nhân duyên giải thích cho mọi người cùng hiểu, cùng giác ngộ.

Cho đến pháp tánh, tánh của pháp. Pháp trụ tánh, tánh của pháp an trụ như vậy. Pháp định tánh, tánh của pháp là an định. Cùng nhân duyên tương ưng tánh, cùng với tánh nhân duyên phù hợp nhau. Chân như tánh, thể tánh ấy tịch tĩnh như như. Vô thố mậu tánh, tánh không lầm lẫn. Vô biến dị tánh, tánh không dời đổi.

Chân thật tánh là tánh chân thật. Thật tế tánh, vì tánh đó là chỗ biết chân thật. Bất hư vọng tánh, tánh không hư dối. Bất điên đảo tánh, tánh không điên đảo, hay không có lộn ngược. Nói như thế ấy, tức là nói về nhân duyên.

Các pháp do nhân duyên sanh thể tánh của nó đều chân thật, nên nói là thật tánh. Thật tánh là vô sanh tánh. Tánh chân thật đó là cái không có tánh. Tại sao? Vì đó là chỗ lặng lẽ tịch tĩnh. Từ chỗ lặng lẽ tịch tĩnh không có một hiện tượng nào, khi đủ nhân duyên thì liền hội họp thành ra muôn pháp. Nếu nó đã có tánh cố định sẵn rồi, thì muôn pháp không thể thành được.

Tôi giải thích kỹ lại đoạn này cho rõ, vì nếu không thông suốt lý nhân duyên thì tới lý Trung đạo hay Trung quán làm sao thông? Trung quán có bài kệ nói:

Nhân duyên sở sanh pháp, 

Ngã thuyết tức thị không,

Diệc danh vi giả danh, 

Diệc danh trung đạo nghĩa.

Tạm dịch;

Pháp do nhân duyên sanh,

Ta nói nó là không,

Cũng gọi là giả danh,

Cũng gọi nghĩa Trung đạo.

Thể tánh chân thật của pháp duyên sanh là tịch tĩnh, rỗng không, không tịch. Từ thể không tịch mới duyên hợp rồi duyên sanh, nên nói nó là không. Do duyên sanh thì tên đặt cho pháp này pháp nọ cũng chỉ là giả danh. Tánh là không tịch, còn tướng là duyên sanh. Giữa cái giả danh và thể không tịch dung hội nhau, không kẹt bên tướng cũng không kẹt bên tánh, đó là nghĩa trung đạo. Nói cách khác, trung đạo là đến chỗ thể hội bất sanh bất diệt.

Thí dụ bàn tay với nắm tay. Nắm tay là từ bàn tay co năm ngón lại mà thành, buông ra thì không còn. Lúc nắm tay chưa có thì thể của nó là không, khi duyên hợp tạm gọi là nắm tay, chỗ gọi đó là giả danh. Tùy theo tướng trạng tạm lập mà giả gọi nắm tay, bàn tay, hay là bàn, là nhà v.v… Tên gọi là giả danh, thể của nó vốn không thật. Chỗ này chúng ta phải hiểu rõ mới không lầm, nếu chỉ hiểu một mặt thì khi giả danh có liền thấy thật có, giả danh không cho là thật không, đó là mê sự. Nơi thể tịch tĩnh không mà không hiểu, đó là mê lý. Mê sự mê lý nên mới tạo nghiệp đi trong sanh tử luân hồi, vô minh duyên hành là vậy. Có là giả danh có, không là thể tịch tĩnh không. Thể và tướng dung hội thấu suốt là đến được lý trung đạo. Hiểu được lý trung đạo thì giác ngộ viên mãn, hết luân hồi sanh tử.

Chúng ta thử nhìn lại, tất cả pháp thế gian không một pháp nào thật, chỉ là giả danh tạm đặt, vậy mà đang sống đây, tranh giành nhau đủ thứ là vì cái gì? Vì chấp vào giả danh cho đó là thật. Chúng ta đặt tên thế này, mà người kêu khác đi là không chịu. Như chỗ này được đặt tên là tu viện Chơn Không, nếu có người gọi là Chơn Hữu thì tôi không bằng lòng. Vì sao? Vì chấp vào giả danh cho là thật. Giả danh mà cho là thật thì không phải mê là gì? Trước đây đâu có tên Chơn Không, do đặt mới có, vậy thì tôi gọi Chơn Không, mà người khác gọi Chơn Hữu cũng được, có chuyện gì mà phải cãi, thấy vậy là hết si mê. Ngược lại cứ bám vào giả danh chấp cho là thật, từ mê sự đó nên không thấy được lý. Đó là vô minh, là gốc của luân hồi.

Hiểu chỗ này chúng ta mới thấy được chỗ hay của lý Bát-nhã. Thể tánh của các pháp là thường trụ, về nghĩa tột cùng thường trụ thì như căn nhà này, từ rỗng không mà hợp thành, khi căn nhà hoại thì cái rỗng không vẫn là rỗng không, trước sau không thay đổi. Đổi thay là tướng duyên hợp của căn nhà, còn tánh không của căn nhà này thì không đổi thay, nó là thường trụ, nên nói thường trụ tánh. Kinh Pháp Hoa nói Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ là vậy. Tướng thường trụ, tức tánh thường trụ của thế gian là như vậy, không cố định. Không cố định là nhìn trên duyên hợp hư dối, khi chưa có thì nó là không, có một thời gian rồi hoại cũng trở về không. Thể không đó mới là thể chân thật của các pháp, trước sau không đổi thay, nên gọi là tánh không, là chân không.

Tất cả các pháp trong vũ trụ này, kể cả quả địa cầu, thể của nó đều là không. Duyên tụ thì tạm có, tạm có rồi phải hoại. Thời gian cũng chỉ là thời khắc tạm đặt ngắn dài theo phương hướng, xứ sở, chứ không phải là thật. Vậy mà chúng ta không rõ, cứ lấy tướng duyên hợp giả danh cho là thật, còn thể không chân thật thì lại không biết, nên mê lầm không cùng. Nếu thấy rõ lý Bát-nhã rồi thì không còn lầm lẫn si mê tạo nghiệp nữa.

Chánh văn: 

Pháp nhân duyên này, do hai thứ kia mà được sanh khởi. Thế nào là hai? Nghĩa là Nhân tương ưng và Duyên tương ưng. Nó lại có hai, nghĩa là Nội và Ngoại. Trong đây thế nào là pháp Ngoại nhân duyên nhân tương ưng? Nghĩa là từ hạt giống sanh mầm, từ mầm sanh lá, từ lá sanh thân, từ thân sanh mắt, từ mắt sanh bông, từ bông sanh hoa, từ hoa sanh hạt, nếu không có hạt giống thì mầm chẳng sanh, cho đến nếu không có hoa thì hạt cũng chẳng sanh, có giống thì mầm sanh, như thế có hoa thì hạt cũng được sanh. 

Giảng: 

Pháp ngoại nhân duyên nhân tương ưng và ngoại nhân duyên duyên tương ưng, chỗ khác gọi là Chánh nhân và Trợ nhân. Nhân tương ưng là Chánh nhân, Duyên tương ưng là Trợ nhân. Nhân tương ưng là chỉ cho hạt giống, đây mượn cây lúa để thí dụ.

Trong đây thế nào là pháp Ngoại nhân duyên nhân tương ưng? Nghĩa là từ hạt giống sanh mầm, từ mầm sanh lá, từ lá sanh thân, từ thân sanh mắt, từ mắt sanh bông, từ bông sanh hoa, từ hoa sanh hạt. Từ hạt giống lúa sanh ra mọng lúa, nứt ra lá mạ, thành thân cây mạ, rồi có từng mắt từng lóng, dần dần trổ đòng đòng gọi là bông lúa, ở trên bông nở trắng ra để hút sương gọi là hoa, từ hoa sanh ra hạt.

Nếu không có hạt giống thì mầm chẳng sanh, cho đến nếu không có hoa thì hạt cũng chẳng sanh, có giống thì mầm sanh, như thế hoa thì hạt cũng được sanh. Từ hạt giống nẩy mầm cho tới thành hạt lúa, một dòng sanh diệt liên hệ từ dưới lên trên, không thể tách rời nhau được. Khi có cái này rồi thì cái kia bắt đầu nối theo đó mà có, nhân duyên bên trong nối tiếp nhau tạo thành, gọi là Nội nhân duyên.

Pháp ngoại nhân duyên nhân tương ưng, thuộc về phần Nhân tương ưng, tức là Chánh nhân của pháp Ngoại nhân duyên. Ngoại nhân duyên chỉ cho sự vật bên ngoài. Như vậy, từ hạt lúa cho tới thành bông lúa rồi lại có hạt lúa, một mạch từ dưới chuyển lên liên hệ rõ ràng, tách rời không được, đó gọi là nhân duyên.

Chánh văn: 

Hạt giống kia cũng chẳng nghĩ rằng: Ta hay sanh mầm, mầm cũng chẳng nghĩ rằng ta từ hạt giống sanh, cho đến hoa cũng chẳng nghĩ rằng: Ta hay sanh hạt, hạt cũng chẳng nghĩ rằng ta từ hoa sanh. Tuy nhiên, có hạt giống nên mầm được sanh. Như thế có hoa nên hạt liền hay thành tựu. Nên như thế quán nghĩa pháp Ngoại nhân duyên nhân tương ứng. 

Giảng:

Đây là Pháp ngoại nhân duyên nhân tương ưng. Nói về nhân duyên thì không có tác giả và sức của tác giả. Tại sao? Hạt giống kia cũng chẳng nghĩ rằng: Ta hay sanh mầm, mầm cũng chẳng nghĩ rằng ta từ hạt giống sanh. Thứ này không nghĩ làm ra thứ kia, chỉ là đủ nhân đủ duyên thì thành.

Cho đến hoa cũng chẳng nghĩ rằng: Ta hay sanh hạt, hạt cũng chẳng nghĩ rằng ta từ hoa sanh. Các pháp nhân duyên sanh khi đủ điều kiện thì tự có, chứ cái này chẳng nghĩ tạo ra cái kia, cái kia chẳng nghĩ từ cái nọ có v.v… Không nghĩ tạo tác nên không tác giả, không tác giả thì không có sở tác. Không người làm ra thì không có cái bị làm ra. Không người tạo tác là không năng, tức không ngã; không có cái bị tạo tác là không sở, tức không pháp. Phá được năng sở thì chấp ngã và chấp pháp cũng không còn. Ý nghĩa rất rõ ràng.

Chánh văn: 

Nên quán thế nào nghĩa pháp Ngoại nhân duyên duyên tương ưng? Nghĩa là lục giới hòa hợp. Do gì lục giới hòa hợp? Nghĩa là đất, nước, lửa, gió, không, thời giới đồng hòa hợp, pháp ngoại nhân duyên được sanh khởi. Nên như thế quán nghĩa pháp Ngoại nhân duyên duyên tương ưng, 

Địa giới hay gìn giữ hạt giống, thủy giới làm thấm mát hạt giống, hỏa giới hay làm ấm hạt giống, phong giới làm dao động hạt giống, không giới chẳng che ngại hạt giống, thời giới hay biến đổi hạt giống. Nếu không có các duyên này, hạt giống ắt không thể sanh mầm. Nếu ngoại nhân duyên địa giới đầy đủ, như thế cho đến thủy, hỏa, phong, không, thời… thảy đầy đủ, tất cả hòa hợp, khi hạt giống diệt thì mầm được sanh. 

Giảng

Nên quán thế nào nghĩa pháp Ngoại nhân duyên duyên tương ưng? Trên nói Nhân tương ưng, đây là Duyên tương ưng. Nói cách khác, trước nói Chánh nhân, phần này là Trợ nhân. Trợ nhân nghĩa là lục giới hòa hợp. Giới là giới hạn chia ra từng phần.

Do gì lục giới hòa hợp? Nghĩa là đất, nước, lửa, gió, không, thời giới đồng hòa hợp, pháp ngoại nhân duyên được sanh khởi. Có hạt giống rồi còn phải đất, nước, lửa, gió, không gian và thời gian đồng hòa hợp, thì pháp ngoại nhân duyên mới được sanh khởi. Phải có nội nhân duyên và ngoại nhân duyên đầy đủ. Ngoại nhân duyên thì nhân tương ưng cũng chưa đủ, phải có duyên tương ưng nữa mới được. Duyên tương ưng là chỉ cho sáu phần hòa hợp. Sáu phần này, mỗi phần có giá trị, có công năng như thế nào?

Địa giới thì hay gìn giữ hạt giống, khi hạt giống được ném xuống, đất gìn giữ bảo vệ. Thủy giới làm thẩm mát hạt giống, có nước thì hạt giống mới thấm mát. Hỏa giới hay làm ấm hạt giống, mát mà phải ấm nữa thì hạt giống mới nứt mầm. Phong giới làm dao động hạt giống, gió làm hạt giống dao động, tăng trưởng. Không giới chẳng che ngại hạt giống, gieo giống xuống nếu bị bít kín thì mầm không mọc lên được. Thời hay biến đổi hạt giống, thời gian làm hạt giống đổi thay dần dần từ mầm thành cây. Nếu không có các duyên này, hạt giống ắt không thể sanh mầm. Nhân tương ưng và duyên tương ưng giúp cho ngoại duyên sanh khởi. Nhân tương ưng là chánh nhân, duyên tương ưng là trợ nhân. Chánh nhân và trợ nhân đầy đủ thì các pháp ở giữa này mới sanh khởi, nếu có chánh mà thiếu trợ thì các pháp không thể sanh khởi.

Chánh văn: 

Trong đây địa giới chẳng khởi nghĩ rằng ta hay gìn giữ hạt giống, như thế thủy giới cũng chẳng nghĩ rằng ta hay thấm mát hạt giống, hỏa giới cũng chẳng nghĩ rằng ta hay làm ấm hạt giống, phong giới cũng chẳng nghĩ rằng ta hay làm dao động hạt giống, không giới cũng chẳng nghĩ rằng ta chẳng che ngại hạt giống, thời cũng chẳng nghĩ rằng ta hay biến đổi hạt giống, hạt giống cũng chẳng nghĩ rằng ta hay sanh mầm, mầm cũng chẳng nghĩ rằng nay ta từ duyên này mà sanh. Tuy nhiên có các duyên này, mà khi hạt giống diệt, mầm liền được sanh. Như thế khi có hoa thì hạt liền được sanh. 

Giảng:

Như trên nói, các pháp đều không có thật, do đủ nhân đủ duyên hòa hợp thì tự sanh, không pháp nào nghĩ sanh ra pháp nào Không nghĩ có sanh ra, làm ra, tức là không tác giả. Không tác giả thì không tác pháp, tức là pháp bị làm ra. Như vậy thì năng sở không, năng sở đã không thì chấp ngã chấp pháp cũng không còn. Chúng ta cứ nghĩ mình là người tạo ra, sự thật người chỉ tạo điều kiện trợ duyên, khi nhân duyên đủ thì sanh khởi, thành tựu kết quả.

Chánh văn: 

Mầm kia cũng không phải tự tác, cũng không phải tha tác, không phải tự tha chung tác, không phải Tự Tại tác, cũng chẳng phải thời biến, chẳng phải tự tánh sanh, cũng chẳng phải không nhân mà sanh. Tuy nhiên đất, nước, lửa, gió, không, thời giới… hòa hợp, khi hạt giống diệt thì mầm được sanh. Thế nên phải như thế quán nghĩa pháp Ngoại nhân duyên duyên tương ưng.

Giảng:

Mầm kia cũng không phải tự tác, cũng không phải tha tác: tự tác là tự nó làm nên, tha tác là do một cái khác làm nên. Không phải tự tha chung tác; không phải tự không phải tha thì cái tự tha chung lại cũng không thành. Không phải Tự Tại tác: không phải do trời Tự Tại tạo ra. Cũng chẳng phải thời biến: không phải do thời biến theo như chủ trương của Thắng Luận Sư nói. Chẳng phải tự tánh sanh: không phải trong tự tánh sanh ra. Cũng chẳng phải không nhân mà sanh, tức là đủ nhân mới sanh.

Học qua lời Phật dạy mới thấy rõ sự sai lầm, chúng ta luôn cho có một pháp làm ra, chứ không thấy do đủ nhân duyên mà các pháp được thành lập. Không hành động nào do một pháp làm ra. Như nhà này ai cất? Tu viện này của ai? “Tôi cất, của tôi!” Lúc nào chúng ta cũng chỉ thấy có mình, nên khi mất là mất cái của mình. Do nhìn phiến diện nên lầm lẫn ngày càng to, đưa tới chấp trước đau khổ. Nên biết các pháp thành hoại đều do nhân duyên, là công sức của bao nhiêu người chứ không riêng mình, thấy vậy thì khi thành không quá vui, lúc mất cũng đâu đau khổ lắm!

Chúng ta cho cây lúa mọc lên được là nhờ hạt giống, mà quên rằng nào là đất, nước, ánh nắng v.v… không thể nói hết được. Vì nhìn quen theo một thứ, nên nói ra không đúng sự thật. Người nói mặt này, kẻ nhìn mặt khác rồi cãi nhau. Nhìn không đúng là vô minh, cãi lẫy tạo nghiệp thương ghét là hành, có hành rồi dẫn thức đi thọ sanh… cứ ở trong vòng lẩn quẩn mê lầm mãi.

Thông thường chúng ta không thấu tột được lẽ thật, nên dễ dàng chấp nhận cái gì dễ hiểu. Thí dụ đứa bé hỏi thầy giáo, núi này do cái gì làm ra? Thầy giáo nói do tạo hóa làm ra. Nói do tạo hóa làm ra, nghe xong nó yên lòng không hỏi nữa. Quy về một đấng nào đó thì dễ tin không cần suy nghĩ, còn nói do đủ nhân duyên mới thành càng thêm thắc mắc rối rắm, cái gì là nhân, cái gì là duyên? Do đó chúng ta cứ nói mà không cần hiểu, không cần thắc mắc. Nhưng chính chỗ có thắc mắc mới phăng tìm xét tột được lẽ thật, còn dễ dàng quá thì không suy tìm nữa.

Khi biết tất cả pháp đều do nhân duyên sanh, do nhân duyên diệt thì không còn chấp nê, đó là hiểu theo nghĩa Ngoại nhân duyên.

Chánh văn: 

Nên dùng năm thứ quán pháp Ngoại nhân duyên kia. Những gì là năm? Là chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dời, từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, cùng kia giống nhau. 

Thế nào là chẳng thường? Là mầm cùng hạt giống, mỗi thứ riêng khác. Mầm không phải hạt giống, chẳng phải khi hạt giống hoại mà mầm được sanh, cũng chẳng phải chẳng diệt mà được sanh khởi, khi hạt giống hoại mà mầm được sanh. Thế nên chẳng thường. 

Thế nào là chẳng đoạn? Chẳng phải hạt giống quá khứ hoại mà sanh ra mầm, cũng chẳng phải chẳng diệt mà được sanh khởi. Hạt giống cũng hoại, chính khi ấy như cái cân song bằng, mà mầm được sanh. Thế nên chẳng đoạn. 

Thế nào là chẳng dời? Mầm cùng hạt giống khác, vì mầm chẳng phải hạt giống, thế nên chẳng dời. 

Thế nào là nhân nhỏ mà sanh quả lớn Từ hạt giống nhỏ mà sanh ra quả lớn, thế nên từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, 

Thế nào là cùng kia giống nhau? Như gieo hạt giống nên sanh quả kia, thế nên cùng kia giống nhau. 

Thế là dùng năm thứ quán pháp Ngoại nhân duyên. 

Giảng:

Nên dùng năm thứ quán pháp Ngoại nhân duyên kia. Những gì là năm? Là chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dời, từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, cùng kia giống nhau. Pháp ngoại nhân duyên phải dùng năm thứ này mà nhìn, mà xem xét.

Thế nào là chẳng thường? Là mầm cùng hạt giống, mỗi thứ riêng khác. Mầm không phải hạt giống, chẳng phải khi hạt giống hoại mà mầm được sanh, cũng chẳng phải chẳng diệt mà được sanh khởi, khi hạt giống hoại mà mầm được sanh. Thế nên chẳng thường. Hạt giống sanh ra mầm, mầm sanh ra cây… một dòng biến đổi thì làm sao gọi là thường được.

Thế nào chẳng đoạn? Chẳng phải hạt giống quá khứ hoại mà sanh ra mầm, cũng chẳng phải chẳng diệt mà được sanh khởi. Hạt giống cũng hoại, chính khi ấy như cái cân song bằng, mà mầm được sanh. Thế nên chẳng đoạn. Từ hạt giống cho đến sanh ra cây là một dòng liên tục không đứt đoạn, không dứt mất. Nhưng không phải cái này diệt rồi cái kia mới sanh, cũng không phải nhân dời đến quả. Vì sao? Vì nhân hạt giống mà sanh mầm, mầm tăng trưởng thì hạt giống mục. Hạt giống này đang mục thì mầm kia đang tăng trưởng, chứ không phải đợi cái này mục rồi cái kia mới tăng trưởng, cũng không phải đem cái này đến cái kia. Nên nói chính khi ấy như cái cân song bằng mà mầm được sanh. Cái cân song bằng là khi đầu này thấp xuống thì đầu kia cất lên cao, hai đầu cân liên hệ không tách rời nhau. Các pháp là một dòng sanh diệt chuyển biến ngầm ở trong, không đứt đoạn, không phải đợi cái này mất rồi mới có cái kia, nên nói chẳng đoạn.

Thế nào là chẳng dời? Mầm cùng hạt giống khác, vì mầm chẳng phải hạt giống, thế nên chẳng dời. Không phải từ cái này dời qua cái kia, mà là nhân trước diệt thì quả sau sanh. Chúng ta thường nói, làm nhân đời này sẽ đưa đến quả đời sau là sai lầm. Nhân đời này tạo thì đời sau hưởng quả, chứ không phải đời này đem tới đời kia, thân này hoại rồi thì sao từ thân này đem qua thân sau được. Ý chẳng dời là vậy.

Thế nào là nhân nhỏ mà sanh quả lớn? Từ hạt giống nhỏ mà sanh ra quả lớn, thế nên từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn. Như trái bí rợ hạt nhỏ mà quả to, cũng vậy chúng ta tạo thiện ác đời này chứa trong tàng thức, nhân đó nhỏ, nhưng sang qua đời khác phải chịu quả báo lớn, đó là từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn.

Thế nào là cùng kia giống nhau? Như gieo hạt giống nên sanh quả kia, thế nên cùng kia giống nhau. Nghĩa là nhân và quả giống nhau, như gieo giống lúa gì thì đến thu hoạch cũng là hạt lúa ấy.

Muốn hiểu thấu tột pháp Ngoại nhân duyên thì phải dùng năm thứ trên mà quán.

Chánh văn:

Như thế pháp Nội nhân duyên, cũng do hai thứ mà được sanh khởi. Thế nào là hai? Nghĩa là Nhân tương ưng và Duyên tương ưng. Thế nào là nghĩa pháp Nội nhân duyên nhân tương ưng. Nghĩa là ban đầu từ vô minh duyên hành, cho đến sanh duyên lão tử. Nếu vô minh chẳng sanh thì hành cũng chẳng có, cho đến nếu không có sanh thì lão tử chẳng có. Như thế có vô minh nên hành mới được sanh, cho đến có sanh nên lão tử liền có. Vô minh cũng chẳng nghĩ rằng ta hay sanh hành, hành cũng chẳng nghĩ rằng ta từ vô minh mà sanh. Cho đến sanh cũng chẳng nghĩ rằng ta hay sanh lão tử, lão tử cũng chẳng nghĩ rằng ta từ sanh mà có. Tuy nhiên vì có vô minh nên hành mới được sanh, như thế vì có sanh nên lão tử được có. Thế nên chẳng phải như thế quán nghĩa pháp Nội nhân duyên nhân tương ưng. 

Giảng:

Nội nhân duyên là chỉ cho người, người là nhân tương ưng. Tất cả tụ hội thành hoại đều không có năng tác sở tác, tùy theo duyên mà hiện, không có cái chủ ý của con người tạo nên. Cũng như khi sanh ra, đâu ai muốn già chết nhưng rồi cũng phải già chết, trong cuộc sanh đó không có tác giả. Do không tác giả nên không sở tác, tức không năng không sở. Thấy không ngã không pháp là thấy nhân duyên, là giải thoát sanh tử, nên nói thấy nhân duyên là thấy pháp.

Chánh văn: 

Phải quán thế nào việc pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng? Bởi do lục giới hòa hợp. Thế nào là lục giới hòa hợp? Nghĩa là địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới… hòa hợp. Nên như thế quán việc pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng. Thế nào là tướng địa giới pháp nội nhân duyên? Trong thân này chất cứng chắc gọi là địa giới, hay khiến thân này nhóm họp gọi là thủy giới, hay tiêu hóa những thức ăn uống trong thân gọi là hỏa giới, hơi thở ra vào trong thân này gọi là phong giới, rỗng không trong thân này gọi là không giới. Năm thức thân tương ưng và ý thức hữu lậu, ví như bó lau hay thành tựu mầm danh sắc thân này, gọi là thức giới. Nếu không có các duyên này thì thân ắt chẳng sanh. Nếu địa giới bên trong đầy đủ như thế cho đến thủy, hỏa, phong, không, thức giới… phải đầy đủ, tất cả hòa hợp thì thân liền được sanh. 

Giảng: 

Thế nào là lục giới hòa hợp? Nghĩa là địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới… hòa hợp. Thông thường hay nói tứ đại hòa hợp, đây nói lục giới hòa hợp, tức thêm không và thức. Sáu thứ này thuộc về Duyên tương ưng.

Năm thức thân tương ưng và ý thức hữu lậu, ví như bó lau hay thành tựu mầm danh sắc thân này, gọi là thức giới. Năm thức thân; nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân và ý thức về phần hữu lậu. Sáu thức này tụ hội như bó lau, tạo thành mầm danh sắc, gọi chung là thức giới.

Nếu không có các duyên này thì thân ắt chẳng sanh, nếu địa giới bên trong đầy đủ như thế cho đến thủy, hỏa, phong, không, thức giới v.v… phải đầy đủ, tất cả hòa hợp thì thân liền được sanh. Thân này có ra phải đủ hai thứ Nhân tương ưng và Duyên tương ưng. Nhân tương ưng là từ vô minh cho tới hành, thức… là Chánh nhân. Duyên tương ưng thì phải có sáu thứ hòa hợp thân này mới tồn tại, là Trợ nhân. Như vậy, thân tồn tại là do trong ngoài tương trợ nhau, đầy đủ thì còn, thiếu thì hoại, nên nó thuộc về nhân duyên.

Chánh văn: 

Địa giới cũng không nghĩ rằng, ta hay làm việc cứng chắc trong thân. Thủy giới cũng chẳng nghĩ rằng, ta hay vì thân làm việc nhóm họp. Hỏa giới cũng không nghĩ rằng, ta hay làm việc tiêu hóa thức ăn uống trong thân. Phong giới cũng không nghĩ rằng, ta hay làm hơi thở ra vào. Không giới cũng không nghĩ rằng, ta hay làm việc rỗng không trong thân. Sắc giới cũng không nghĩ rằng, ta hay thành tựu mầm danh sắc trong thân này. Thân giới cũng không nghĩ rằng, ta từ các duyên này mà sanh. Tuy nhiên, khi có các duyên này thì thân liền được sanh. 

Địa giới kia cũng chẳng phải là ngã, chẳng phải là chúng sanh, chẳng phải mạng, chẳng phải sanh, chẳng phải nhu đồng, chẳng phải tác giả, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải hoàng môn, chẳng phải Tự Tại, chẳng phải ngã sở, cũng chẳng phải những cái khác. Như thế cho đến thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới cũng không phải là ngã, chẳng phải là chúng sanh, chẳng phải mạng, chẳng phải sanh, chẳng phải nhu đồng, chẳng phải tác giả, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải hoàng môn, chẳng phải Tự Tại, chẳng phải ngã sở, cũng chẳng phải những cái khác. 

Giảng:

Đứng về từng phần của lục giới thì tất cả tùy theo duyên hợp mà chuyển biến, chứ nó không nghĩ có bổn phận làm ra cái gì. Khi các duyên tụ hội chúng ta liền chấp là ngã, là ngã sở… đủ thứ mê lầm. Mỗi giới bản chất của nó không tự đặt làm nam hay nữ, mà do hội đủ các duyên đất, nước, gió, lửa, không và thức hợp lại hiện ra hình này tướng kia, rồi người ta theo hiện tượng đặt tên, đặt tên rồi liền chấp vào đó sanh ra bao chuyện. Như gỗ chỉ là gỗ, nó không nghĩ làm ra cái bàn tròn hay vuông. Do chúng ta tự làm rồi đặt tên cho nó là bàn tròn hay bàn vuông. Tròn vuông này cũng không cố định, nếu cưa bốn góc bàn tròn thì liền trở thành bàn vuông. Tóm lại, các pháp ở giữa này tùy duyên tụ hội mà biến chuyển, không có một thể thật. Thấy thấu đáo lý nhân duyên, biết các pháp chỉ là tùy duyên tạm đặt, bản chất của nó vốn là không, không có ngã thật là hết mê lầm.

Đó là phần căn bản của pháp Nội nhân duyên và Ngoại nhân duyên.

Chánh văn: 

Thế nào là vô minh? Đối với lục giới này khởi tưởng một, tưởng một hợp, tưởng thường, tưởng bền chắc, tưởng chẳng hoại, tưởng an lạc, tưởng chúng sanh, mạng, sanh giả, dưỡng dục, sĩ phu, nhân, nhu đồng, tác giả, ngã, ngã sở… và các thứ không biết khác. Đây là vô minh. Vì có vô minh, đối với các cảnh giới khởi tham sân si, đây là vô minh duyên hành. Đối với các việc hay liễu biệt, gọi đó là thức. Cùng thức đồng sanh tử thủ uẩn, đây là danh sắc. Y danh sắc có các căn, gọi là lục nhập. Ba pháp hòa hợp, gọi đó là xúc. Lãnh thọ cảm giác xúc chạm, gọi là thọ. Đối thọ tham đắm gọi là ái. Tăng trưởng ái ấy gọi là thủ. Từ thủ mà sanh, hay sanh nghiệp gọi là hữu. Uẩn từ nhân kia sanh ra gọi là sanh. Sanh rồi uẩn thành thục gọi là lão. Lão rồi uẩn diệt hoại gọi là tử. Khi lâm chung bên trong đủ tham trước và nhiệt não, gọi là sầu. Từ sầu mà sanh các lời than thở, gọi là thán. Năm thức thân thọ khổ gọi là khổ. Tác ý, ý thức thọ các khổ, gọi là ưu. Đủ những cái như thế và tùy phiền não, gọi là não. 

Giảng:

Thế nào là minh? Đối với lục giới này khởi tưởng một, tưởng một hợp, tưởng thường, tưởng bền chắc, tưởng chẳng hoại, tưởng an lạc, tưởng chúng sanh, mạng, sanh giả, dưỡng dục, phu, nhân, nhu đồng, tác giả, ngã, ngã sở… và các thứ không biết khác. Đây là minh.

Vô minh là không thấy được lý duyên hợp đúng như thật, nên đối với các pháp lầm chấp sanh ra các thứ tưởng như: Thân này do địa, thủy, hỏa, phong, không, thức hợp lại mà tưởng là một, tưởng có một cá thể cố định, vô thường tưởng là thường, tạm bợ mà tưởng bền chắc, tan hoại mà nghĩ còn hoài, khổ tưởng là vui, duyên hợp hư dối mà tưởng có một chúng sanh thật, có sanh mạng, có sanh ra, có nuôi dưỡng, có sĩ phu, có người, có tạo vật, có người làm ra, có ngã, ngã sở và các thứ không biết khác… đều tưởng thật, đó là tướng trạng của vô minh.

Vì có vô minh, đối với các cảnh giới khởi tham sân si, đây là vô minh duyên hành. Bởi ở trong có cội gốc vô minh, lầm chấp bản chất của con người. Đối cảnh giới bên ngoài lại lầm thêm lớp nữa, thấy cảnh đẹp thì tham, xấu thì sân, hoặc không biết gì hết là si, từ đó tạo nghiệp, gọi là vô minh duyên hành.

Đối với các việc hay liễu biệt, gọi đó là thức. Đối cảnh liền hay phân biệt, sanh ra đắm trước, đó là thức.

Cùng thức đồng sanh tử thủ uẩn, đây là danh sắc. Tứ thủ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng và hành. Bốn thủ uẩn này cộng với thức thành ngũ uẩn, gọi chung là danh sắc.

Y danh sắc các căn, gọi là lục nhập. Ba pháp hòa hợp, gọi đó là xúc, Lãnh thọ cảm giác xúc chạm, gọi là thọ. Nương nơi danh sắc mà có sáu căn là lục nhập. Căn, trần, thức ba pháp cùng hòa hợp nên có xúc. Khi xúc chạm lãnh thọ khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, lãnh thọ đó gọi là thọ.

Đối thọ tham đắm gọi là ái. Tăng trưởng ái ấy gọi là thủ. Từ thủ mà sanh, hay sanh nghiệp gọi là hữu. Tham đắm vào cảm thọ phát sanh yêu thích, càng yêu thích thì ái càng tăng trưởng, phải gìn giữ tìm kiếm, từ đó tạo nghiệp đi trong các cõi.

Uẩn từ nhân kia sanh ra gọi là sanh. Sanh rồi uẩn thành thục gọi là lão. Lão rồi uẩn diệt hoại gọi là tử. Do có nghiệp nhân mê lầm trước dẫn dắt, nên thọ thân ngũ uẩn sanh trong các cõi, sanh rồi uẩn dần dần già nua dẫn đến hoại diệt không còn tồn tại.

Khi lâm chung bên trong đủ tham trước và nhiệt não, gọi là sầu. Từ sầu mà sanh các lời than thở, gọi là thán. Năm thức thân thọ khổ gọi là khổ. Tác ý, ý thức thọ các khổ, gọi là ưu. Đủ những cái như thế và tùy phiền não, gọi là não. Khi chết rồi mà bên trong còn tham trước lo sợ mất thân này, nên rầu buồn than thở. Năm thức thân thọ khổ, rồi tác ý, ý thức duyên theo sanh ra ưu phiền. Đầy đủ những thứ buồn khổ trên chung với tùy phiền não, gọi là não.

Như vậy một chuỗi mười hai nhân duyên từ vô minh cho tới lão tử ưu bị khổ não, đều từ vô minh ra. Do vô minh nên đối với cảnh khởi tham sân si mà tạo nghiệp. Đó là định nghĩa vô minh lớp thứ nhất.

Chánh văn: 

Vì rất đen tối nên gọi là vô minh, vì tạo tác nên gọi là hành. Vì liễu biệt nên gọi là thức, vì nương nhau nên gọi là danh sắc, vì sanh ra cửa nên gọi là lục nhập, vì xúc chạm nên gọi là xúc, vì thọ nhận nên gọi là thọ, vì khát ái nên gọi là ái, vì chấp thủ nên gọi là thủ, vì sanh hậu hữu nên gọi là hữu, vì sanh ngũ uẩn nên gọi là sanh, vì ngũ uẩn thành thục nên gọi là lão, vì ngũ uẩn hoại nên gọi là tử, vì sầu bi nên gọi là sầu, vì than thở nên gọi là thán, vì thân não nên gọi là khổ, vì tâm não nên gọi là ưu, vì phiền não nên gọi là não. 

Giảng:

Lớp trước giải thích rộng về Mười hai nhân duyên, vô minh là từ những khởi tưởng sai lầm, như đối với lục giới này khởi tưởng một, tưởng một hợp, tưởng thường, tưởng bền chắc v.v… Lớp thứ hai giải thích ngắn gọn mỗi thứ, từ vô minh là tối tăm mù mịt, rồi hành tạo tác… dẫn đến lão tử ưu não.

Chánh văn: 

Lại nữa, chẳng rõ chân tánh điên đảo vô tri gọi là vô minh. Như thế thì có vô minh hay thành tam hành, nghĩa là phước hành, tội hành, bất động hành. Từ phước hành mà sanh phước hành thức, đây gọi là vô minh duyên hành. Từ tội hành mà sanh tội hành thức, đây gọi là hành duyên thức. Từ bất động hành mà sanh bất động hành thức, đây gọi là thức duyên danh sắc. Vì danh sắc tăng trưởng từ trong cửa lục nhập hay thành sự, đây là danh sắc duyên lục nhập. Từ lục nhập mà sanh sáu nhóm xúc, đây gọi là lục nhập duyên xúc. Từ cái bị xúc chạm mà sanh những thứ thọ, đây gọi là xúc duyên thọ. Liễu biệt thọ rồi mà sanh nhiễm ái đắm trước, đây gọi là thọ duyên ái. Biết rồi liền sanh nhiễm ái đắm trước chẳng muốn xa lìa sắc đẹp và đối việc an vui mà sanh mong được vui, đây là ái duyên thủ. Sanh mong được vui rồi từ thân, khẩu, ý tạo nghiệp hậu hữu đây là thủ duyên hữu. Từ nơi nghiệp kia sanh ra ngũ uẩn, đây là hữu duyên sanh. Sanh rồi các uẩn thành thục và diệt hoại, đây gọi là sanh duyên lão tử. 

Giảng:

Lại nữa, chẳng rõ chân tánh điên đảo vô tri gọi là vô minh. Lớp thứ ba giải thích vô minh là do không rõ chân tánh, nên có những hiểu biết điên đảo vô tri.

Như thế thì có vô minh hay thành tam hành, nghĩa là phước hành, tội hành, bất động hành. Từ vô minh mà tạo ra tam hành là phước hành, tội hành và bất động hành. Bất động hành là chỉ cho hành nghiệp do thiền định. Hành là nghiệp. Do ngồi thiền mà được sanh về các cõi trời như trời Sắc giới và Vô sắc giới… gọi là bất động hành, tức là nghiệp bất động. Thông thường nói ngồi thiền là giải thoát, tại sao đây nói sanh về các cõi trời? Bởi có những lối tu mượn cảnh trụ tâm, như quán đất, nước, lửa v.v… để được định. Khi được định tương ưng chỗ nào, thì lúc chết sanh vào các cõi ấy. Thí dụ người tu quán lửa, để ngọn đèn mờ mờ gần chum nước, quán từ nhỏ dần dần tưởng nó rộng ra, đến khi nào thấy lửa tràn ngập khắp phòng là được định. Hoặc có người đốt cây nhang, rồi nhìn cây nhang trụ tâm vào đó để được định. Những lối định này trụ tâm trong một cảnh mà không có trí tuệ, không phải là nhân đưa đến giải thoát, nên thuộc về bất động hành.

Thiền định giải thoát là thiền định trong trí tuệ, như khi ngồi thiền vọng tưởng khởi liền biết không theo, vì vọng tưởng là cái mê lầm để tạo nghiệp, biết vọng không theo là đã tỉnh giác. Khi vọng tưởng lặng thì tâm an định, định này là tỉnh giác chứ không phải định do kềm giữ ở một cảnh. Tỉnh giác không bị vô minh dẫn tạo nghiệp thì đó là nhân của giải thoát. Như vậy định này và định sanh về cõi trời khác nhau. Thiền định sanh về cõi trời đến khi hưởng hết phước liền bị rơi trở lại, còn thiền định với trí tuệ thấy được gốc của vô minh thì mầm sanh tử chấm dứt, không còn trở lui nữa. Nếu tu thiền mà không hiểu tường tận, thì khi thấy người tu mượn cảnh trụ tâm, cho là dễ ngồi mau được định rồi ham, còn ngồi không có chỗ nào để trụ thấy khó rồi nản. Chúng ta không biết, không giản trạch được gốc của sự tu chánh yếu ở chỗ nào, mà cho rằng phương pháp kia có hiệu nghiệm hay hơn, hiểu như vậy là sai lầm.

Từ phước hành mà sanh phước hành thức, đây gọi là vô minh duyên hành. Từ tội hành mà sanh tội hành thức, đây gọi là hành duyên thức. Từ bất động hành mà sanh bất động hành thức, đây gọi là thức duyên danh sắc,

Về văn dịch của đoạn này ngài Thái Hư cho rằng không được sáng sủa, theo ngài thì nên dịch: “Y vô minh khởi ba hành là vô minh duyên hành. Y ba hành thành phước hành thức, tội hành thức và bất động hành thức, đó là hành duyên thức. Y ba hành thức khởi ra danh sắc, là thức duyên danh sắc”. Nếu căn cứ theo bản dịch này nói từ vô minh khởi ra ba hành là phước hành, tội hành và bất động hành. Từ phước hành mà sanh phước hành thức, đây gọi là vô minh duyên hành… thì nghĩa không được rõ bằng cách dịch của ngài Thái Hư. Bởi vì ba thứ nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp bất động đều từ vô minh mà khởi, nó cộng lại tạo thành sức mạnh đẩy thức đi thọ sanh, gọi đó là hành duyên thức. Ba nghiệp kết hợp với thức và sắc chất, gọi là thức duyên danh sắc.

Vì danh sắc tăng trưởng từ trong cửa lục nhập hay thành sự, đây là danh sắc duyên lục nhập. Sắc thân ở trong bào thai tăng trưởng sanh ra sáu cửa gọi là lục nhập, đây là danh sắc duyên lục nhập.

Từ lục nhập mà sanh sáu nhóm xúc, đây gọi là lục nhập duyên xúc. Sáu nhóm xúc là: Mắt tiếp xúc sắc trần, tai tiếp xúc thanh trần, mũi tiếp xúc hương trần, lưỡi tiếp xúc vị trần, thân tiếp xúc xúc trần, ý tiếp xúc pháp trần. Căn, trần và thức chung lại thành ra cảm thọ, nên gọi là nhóm.

Từ cái bị xúc chạm mà sanh những thứ thọ, đây gọi là xúc duyên thọ. Liễu biệt thọ rồi mà sanh nhiễm ái đắm trước, đây gọi là thọ duyên ái. Từ sáu thứ xúc chạm trên mà sanh ra thọ nhận, thọ nhận rồi liền có thức liễu biệt những thọ nhận đó là khổ, vui, không khổ không vui, mới sanh ra ái.

Biết rồi liền sanh nhiễm ái đắm trước chẳng muốn xa lìa sắc đẹp và đối việc an vui mà sanh mong được vui, đây là ái duyên thủ. Sanh mong được vui rồi từ thân, khẩu ý tạo nghiệp hậu hữu đây là thủ duyên hữu. Liễu biệt biết đó là đẹp hay vui rồi đắm trước không muốn xa lìa, mong được như vậy mãi mãi. Do muốn được vui theo chỗ mong cầu của mình, nên thân khẩu ý mới tạo thêm nghiệp hậu hữu, có thân tiếp sau nữa.

Từ nơi nghiệp kia sanh ra ngũ uẩn, đây là hữu duyên sanh. Sanh rồi các uẩn thành thục và diệt hoại, đây gọi là sanh duyên lão tử. Từ nghiệp đời trước nối tiếp mà sanh ngũ uẩn của đời sau, sanh rồi dần dần thành thục hoại diệt đến cuối cùng là già chết.

Như vậy ba đoạn này cùng chung giải thích về Mười hai nhân duyên, mà trọng yếu của nó là vô minh. Vô minh lớp đầu là nhận lầm thân duyên hợp, tưởng cho là thường nhất, là một cá thể riêng biệt, có chúng sanh, có thọ mạng v.v… Vô minh lớp thứ hai là chỉ cho sự mờ mịt, đen tối, không hiểu biết. Vô minh lớp thứ ba chỉ cho đối với chân tánh mờ lấp, không sáng tỏ rồi khởi vọng tưởng điên đảo… Trong đây nghiệp là phiền não hay sanh chủng tử thức.

Chánh văn: 

Thế nên pháp Mười hai nhân duyên kia lẫn nhau làm nhân, lẫn nhau làm duyên, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải vô nhân, chẳng phải vô duyên, chẳng phải hữu thọ, chẳng phải tận pháp, chẳng phải hoại pháp, chẳng phải pháp tận, chẳng phải pháp hoại, chẳng phải pháp diệt. Từ vô thủy đến nay như thác nước đổ không có đoạn tuyệt. 

Giảng:

Thế nên pháp Mười hai nhân duyên kia lẫn nhau làm nhân, lẫn nhau làm duyên, chẳng phải thường, chẳng phải thường. Khi nhận được lý nhân duyên rồi, thấy tất cả pháp không phải thường, không phải vô thường, không phải hữu vi cũng không phải vô vị… Bởi vì nhân duyên là một dòng sanh diệt, cái này nối tiếp cái kia nên không phải thường. Nếu không thường thì là vô thường, sao lại nói không phải vô thường? Vô thường ở đây có nghĩa là đoạn diệt. Nhân duyên là sanh diệt, không thường còn mãi mãi, nhưng không phải là mất hẳn. Tuy sanh diệt mà liên tục không dứt, đời này liên tục tới đời kia, một dòng nối tiếp không gián đoạn, nên không phải vô thường. Thường là thường kiến, vô thường là đoạn kiến.

Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, Hữu vi là tạo tác, vô vi là không tạo tác. Không phải có làm ra, cũng chẳng phải không làm. Bởi vì duyên là một dòng sanh diệt tiếp nối, liên hệ dây chuyền với nhau, có cái này mới có cái kia, nên không phải là hữu vi cũng không phải vô vi,

Chẳng phải vô nhân, chẳng phải vô duyên, chẳng phải hữu thọ, chẳng phải tận pháp, chẳng phải hoại pháp, chẳng phải pháp tận, chẳng phải pháp hoạichẳng phải pháp diệt. Từ vô thủy đến nay như thác nước đổ không có đoạn tuyệt.

Các pháp có nhân có duyên, chứ không phải vô nhân vô duyên. Tùy theo nhân duyên mà chuyển biến, tự nó tiếp nối sanh khởi chứ không phải có một cái thọ nhận riêng ở trong, nên nói chẳng phải hữu thọ. Chẳng phải tận pháp tức là không phải pháp hết, chẳng phải hoại pháp là không phải pháp diệt mất. Mười hai nhân duyên này từ vô thủy đến nay, liên tục với nhau như dòng thác đổ, không có đoạn tuyệt. Dòng thác đổ ầm ầm, chúng ta nhìn vào tưởng như từ xưa đến nay dòng thác chỉ là một, nhưng không ngờ nó luôn luôn chuyển biến liên tục, không dừng ở một trạng thái nào, bên này hoặc bên kia. Vì chuyển biến nên không phải thường, liên tục nên không phải đoạn. Mười hai nhân duyên như sợi dây xích, móc này nối móc kia. Từ xưa đến nay chúng ta đi trong sanh tử, đều do mười hai nhân duyên tiếp nối lôi kéo dắt dẫn, mất thân này liền kiếm thân kia liên tục không dừng. Chúng ta hiểu thấu lý nhân duyên thì đối tất cả pháp không chấp một bên, không chấp thường, không chấp vô thường, không chấp hữu vi, không chấp vô vi cũng không chấp hoại diệt.

Chánh văn: 

Có bốn chi kia hay nhiếp pháp Mười hai nhân duyên. Thế nào là bốn? Nghĩa là vô minh, ái, nghiệp và thức. Thức lấy tánh chủng tử làm nhân. Nghiệp lấy tánh điền làm nhân. Vô minh và ái lấy tánh phiền não làm nhân. 

Giảng:

bốn chi kia hay nhiếp pháp Mười hai nhân duyên. Bốn chi là bốn phần. Đây nói bốn phần, chỗ khác nói có ba phần. Ba phần là hoặc, nghiệp và khổ, nhiếp hết mười hai nhân duyên. Vô minh là hoặc, hành là nghiệp, thọ thân này là khổ. Ái, thủ là hoặc; hữu là nghiệp; sanh, lão tử là khổ. Như vậy cứ hoặc, nghiệp, khổ, đời này đời kia một dòng nối tiếp.

Thế nào là bốn? Nghĩa là minh, ái, nghiệp và thức. Bốn phần: vô minh, ái, nghiệp và thức nhiếp hết mười hai nhân duyên. Sao nói bốn phần này nhiếp hết mười hai nhân duyên? Thức lấy tánh chủng tử làm nhân, nhân của thức là chủng tử, những chủng tử gieo trong tàng thức thiện, ác hoặc bất động. Nghiệp lấy tánh điền làm nhân, nghiệp như thửa ruộng, hạt giống thức gieo xuống ruộng nghiệp thì nó liền tăng trưởng phát ra hiệu nghiệm. Vô minh và ái lấy tánh phiền não làm nhân, vì gốc của ái và vô minh chính là phiền não chứ không có gì khác.

Chánh văn: 

Trong đây nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức. Nghiệp thì hay làm ruộng cho chủng tử thức, ái thì hay làm ướt mát cho chủng tử thức, vô minh hay gieo chủng tử thức. Nếu không có các duyên này thì chủng tử thức không thể thành. 

Giảng:

Trong đây nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức. Chỗ tối quan trọng là chủng tử thức, mà chủng tử thức được tăng trưởng chính do nghiệp và phiền não, nên nói nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức. Thông thường chúng ta huân tập điều gì thì biết rành về điều đó, tức là chủng tử đã gieo trong tàng thức. Phiền não buồn vui nhiều chừng nào thì gieo chủng tử đậm chừng nấy, đậm mới gieo sâu vào chứ bình thường thì đâu nhớ. Nhớ những cái gì huân tập hoặc vui hoặc buồn, các thứ buồn vui đó là phiền não, là chủng tử thức. Chủng tử thức có là do những thứ đã huân tập, như hiện tại khi chúng ta nói chuyện với nhau, toàn kể những việc đã qua nào là buồn vui, giận tức, oan trái, hoặc kể về nghề nghiệp chuyên môn của mình. Tại sao phải kể? Vì những chủng tử đó ăn sâu quá rồi, bây giờ gặp cơ hội thì nó phát ra. Nên nói nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức.

Nghiệp thì hay làm ruộng cho chủng tử thức, đi thì hay làm ướt mát cho chủng tử thức, vô minh hay gieo chủng tử thức. Nếu không có các duyên này thì chủng tử thức không thể thành. Nghiệp là chỗ cho chủng tử thức tăng trưởng, ái làm mát mẻ khiến cho chủng tử thức mau sanh khởi. Tại sao vô minh hay gieo chủng tử thức? Bởi vì không biết đúng như thật, nên cố chấp vào những thứ buồn vui, thương ghét, mới có tạo nghiệp. Tạo nghiệp đó là do từ vô minh gieo chủng tử thức vào, rồi ái làm ướt mát giúp chủng tử thức tăng trưởng, nếu không có các duyên này thì chủng tử thức không thể thành.

Chánh văn: 

Nghiệp kia cũng chẳng nghĩ rằng nay ta hay làm uộng cho chủng tử thức. Ái cũng chẳng nghĩ rằng nay ta hay làm ướt mát chủng tử thức. Vô minh cũng không nghĩ rằng nay ta hay gieo chủng tử thức. Chủng tử thức kia cũng chẳng nghĩ rằng nay ta từ những duyên này mà sanh. 

Giảng:

Nghiệp, ái, vô minh và chủng tử thức, nối tiếp làm nhân làm duyên cho nhau mà sanh trưởng, thứ này không nghĩ làm ra thứ kia. Như những chuyện buồn vui, thương ghét, chúng ta không nghĩ đem gieo vào tâm thức, nhưng khi đủ duyên liền tự có vui buồn, tự gieo chủng tử… không có tác giả.

Chánh văn: 

Tuy nhiên chủng tử thức nương chỗ ruộng nghiệp kia, nước mát ái và phân đất vô minh sanh ra, vào thai mẹ hay sanh mầm danh sắc. Mầm danh sắc kia cũng chẳng phải tự tác, cũng chẳng phải tha tác, chẳng phải tự tha chung tác, chẳng phải Tự Tại hóa, chẳng phải thời biến, chẳng phải tự tánh sanh, chẳng phải nhờ làm ra, cũng chẳng phải không nhân mà sanh. 

Giảng:

Chủng tử thức nương chỗ ruộng nghiệp, nước mát ái và phân đất vô minh sanh ra, vào thai mẹ hay sanh mầm danh sắc. Mầm danh sắc kia cũng chẳng phải tự tác, mầm danh sắc trong thai mẹ không phải tự làm ra. Cũng chẳng phải tha tác, không phải người khác làm ra.

Chẳng phải tự tha chung tác, cũng không phải mình và người khác cùng làm ra. Chẳng phải Tự Tại hóa, chẳng phải do trời Tự Tại, hay bà Mẹ Sanh Mẹ Độ hóa ra, như quan niệm của dân gian. Chẳng phải thời biến, chẳng phải tự tánh sanh, đây là những lối chấp của Thắng Luận , họ cho rằng tất cả sự vật ở trong vũ trụ đều do thời biến, tức là sự vật sanh trưởng theo thời gian, thời gian sanh ra mọi vật. Chẳng phải nhờ làm ra, cũng chẳng phải không nhân mà sanh, không phải nhờ cái khác, cũng không phải vô cớ mà sanh ra.

Tóm lại, các pháp do nhân duyên sanh, chứ không do một cái gì làm ra. Thông thường chúng ta hay nói cha tạo mẹ sanh, sự thật thì tất cả sự sanh ra đều là do đủ nhân đủ duyên thành tựu, chứ không thể riêng lẻ mà có được. Bởi vì nhân duyên là gồm nhiều thứ, vì vậy không nên chấp cứng vào một pháp nào.

Chánh văn: 

Tuy nhiên khi cha mẹ hòa hợp và khi các duyên hòa hợp, pháp vô ngã, vô ngã sở giống như hư không. Có pháp huyễn kia vì nhân và các duyên đầy đủ, nương chỗ sanh kia vào thai mẹ hay thành tựu thức chấp, thọ thai mẹ làm mầm danh sắc. 

Giảng: 

Tuy nhiên khi cha mẹ hòa hợp và khi các duyên hòa hợp, pháp ngã, ngã sở giống như hư không. Khi cha mẹ và các duyên hòa hợp, pháp đó không có ngã và ngã sở, nó như hư không, không có thật thể, là pháp hư huyễn.

Có pháp huyễn kia vì nhân và các duyên đầy đủ, nương chỗ sanh kia vào thai mẹ hay thành tựu thức chấp, thọ thai mẹ làm mầm danh sắc. Như vậy cái vào thai mẹ đó là pháp huyễn, tuy là pháp huyễn như hư không, nhưng đủ nhân đủ duyên nó liền nương chỗ sanh kia mà vào thai mẹ. Tại sao nói là pháp huyễn? Vì nếu thật thì phải có một cái từ trước đi tới, không cần đợi đủ nhân đủ duyên mới thành. Pháp nào đợi đủ nhân đủ duyên mới có thì đó là pháp huyễn, không thật, không ngã, không ngã sở. Pháp huyễn đó khi vào thai mẹ rồi liền thành tựu thức chấp, nhận bào thai mẹ làm thân, gọi là danh sắc. Thức chấp là danh, thọ bào thai là sắc.

Chánh văn: 

Như khi nhãn thức sanh nếu đủ năm duyên thì được sanh. Thế nào là năm? Nghĩa là nương con mắt, sắc, ánh sáng, hư không, tác ý nên nhãn thức được sanh. Trong đây con mắt hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc thì hay làm cảnh cho nhãn thức, ánh sáng hay làm việc hiển hiện, hư không hay làm việc chẳng chướng, tác ý hay làm việc tư tưởng. Nếu không đủ các duyên này thì nhãn thức chẳng sanh. 

Giảng: 

Như khi nhãn thức sanh nếu đủ năm duyên thì được sanh. Thành Duy Thức luận và Bát Thức Qui Củ nói khi nhãn thức sanh phải đủ chín duyên, đây nói chỉ có năm duyên, bởi vì năm duyên này là chính, còn bốn duyên kia chỉ là duyên phụ không đáng kể.

Thế nào là năm? Nghĩa là nương con mắt, sắc, ánh sáng, hư không, tác ý nên nhãn thức được sanh. Con mắt là nhãn căn, sắc là cảnh. Nhãn thức được sanh là khi nào đủ năm duyên: căn, cảnh, ánh sáng, hư không và tác ý. Thiếu năm duyên này thì nhãn thức không thể sanh. Thí dụ khi chúng ta nhìn một sự vật, lúc mới nhìn ý thức chưa phát khởi, vừa có tác ý thì niệm liền dấy lên, nhãn thức phân biệt theo cảnh rõ ràng. Cũng vậy, bào thai được có là từ đủ các duyên, chứ không ai dẫn tới cũng không ai làm ra.

Chánh văn: 

Nếu nội nhãn đầy đủ, như thế cho đến sắc, ánh sáng, hư không, tác ý đầy đủ. Khi tất cả hòa hợp thì nhãn thức sanh. Con mắt kia cũng chẳng nghĩ rằng, nay ta hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm cảnh cho nhãn thức, ánh sáng cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm việc hiển hiện cho nhãn thức. Hư không cũng không nghĩ rằng nay ta làm việc không chướng cho nhãn thức. Tác ý cũng không nghĩ rằng nay ta hay làm tư tưởng cho nhãn thức. Nhãn thức kia cũng không nghĩ rằng ta từ các duyên này mà có. Tuy nhiên có các duyên này thì nhãn thức được sanh. Cho đến các căn khác v.v… tùy loại mà biết đó. Như thế không có chút pháp từ đời này dời sang đời khác. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ thì nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng: 

Nếu nội nhãn đầy đủ, như thế cho đến sắc, ánh sáng, hư không, tác ý đầy đủ. Khi tất cả hòa hợp thì nhãn thức sanh. Chỗ này cho chúng ta thấy lý nhân duyên thật là thâm sâu. Nhãn thức sanh phải đủ năm điều kiện, trong có nhãn căn, ngoài có cảnh sắc, ánh sáng, hư không và tác ý. Nếu có mắt, có sắc mà không có hư không thì không thể thấy được sắc. Như khi để vật gì khít với con mắt thì không thể thấy được, nhờ có khoảng trống mới thấy. Có khoảng trống mà không có ánh sáng cũng không thấy được. Có con mắt, ánh sáng, khoảng trống rồi, còn phải có tác ý hòa hợp ở trong nữa, thì nhãn thức mới đủ điều kiện sanh khởi.

Con mắt kia cũng chẳng nghĩ rằng, nay ta hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm cảnh cho nhãn thức… Cảnh không nghĩ làm chỗ cho nhãn thức duyên, mắt cũng không nghĩ làm chỗ cho nhãn thức khởi, ánh sáng, hư không cũng thế. Năm điều kiện này không có cái nào nghĩ làm cho cái nào, nhưng đủ những thứ đó thì nhãn thức sanh, các pháp mỗi thứ tự ở bản vị của nó, nên nói pháp trụ pháp vị là vậy.

Chúng ta luôn luôn cho mọi sự đều có định đặt, có cố tình cố ý làm ra, chứ không chịu nhìn trên nhân duyên. Như người làm ruộng thấy sắp mưa liền vui mừng, cho rằng trời mưa cho mình làm ruộng, thành công là do có ai đó ủng hộ. Người phơi lúa gặp trời mưa thì tức giận, nghĩ trời hại. Tin rằng cái gì cũng có ý cho mình, vì mình. Tất cả đều quy vào bản ngã, bị lệ thuộc vào bản ngã, nghĩ là có tác giả chung quanh để bảo trợ hay làm ra mọi thứ, mà không biết rằng tất cả pháp là do duyên. Vì vậy khi có điều gì như ý thì vui, không như ý thì đâm ra buồn tức, sân giận. Nếu biết các pháp đủ duyên thì hiện, không có ý niệm lệ thuộc vào thần quyền, không cho do cái gì làm ra thì có gì để phiền trách. Nắng mưa là việc bình thường của nhân duyên, các pháp là như vậy. Nên nói hoa trên núi tới mùa xuân thì nở, chứ không phải vì ai mà nở.

Hiểu được lý nhân duyên chúng ta mới phá được lầm chấp có tác giả, chấp có tác giả đó chính là ngầm chấp vào bản ngã của chúng ta. Do chấp ngã cho rằng mình là chủ, nên những thứ chung quanh đều vì hỗ trợ chủ tể này. Thân chúng ta do nhân duyên hòa hợp, chứ không ai định đặt. Bởi nghĩ có ai định đặt tốt xấu, nên khi gặp việc xấu cho là tạo hóa bất công, rồi than trời trách đất. Đã là nhân duyên thì đủ duyên còn, thiếu duyên hoại, không buồn trách ai. Không chấp mình là tác giả, là chủ nhân thì đối các pháp giả tạo ở bên ngoài cũng không chấp. Ngã, ngã sở không còn.

Các cuộc hợp tan đều là nhân duyên, không phải bỗng dưng mà có, không phải một ai làm ra, không phải tự tha cộng tác, không phải trời Tự Tại hay thần thánh tạo ra… Thấy được vậy thì ở giữa cõi đời phiền trược mà cuộc sống của chúng ta an vui, tự tại.

Chánh văn: 

Thí như trong gương sáng hiện mặt mày người. Tuy mặt mày kia chẳng dời đến trong gương, nhân và các duyên đầy đủ nên mặt mày cũng hiện. Như thế không có một ít từ nơi đây diệt mà sanh ở nơi khác. Vì nhân và các duyên đầy đủ nên nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng:

Thí như trong gương sáng hiện mặt mày người. Tuy mặt mày kia chẳng dời đến trong gương, nhân và các duyên đầy đủ nên mặt mày cũng hiện. Phật đưa ba thí dụ, thí dụ thứ nhất về chiếc gương. Như gương sáng khi nhìn vào liền thấy mặt mày, mặt mày đó chẳng dời đến trong gương, mà do nhân duyên đầy đủ nên mặt mày hiện. Cũng vậy, tất cả các pháp đời này, đời khác… đều do đủ nhân duyên hiện, chứ không mang từ cái này qua cái kia.

Chúng ta quen chấp vào bản ngã, cho rằng mình tạo phước lành đời này để đời sau hưởng, nghĩa là phước lành đó mang từ đời này sang đời sau, mà trong kinh nói không có cái từ đời này dời sang đời kia. Tại sao? Bởi vì căn cứ trên thân tạo nghiệp lành dữ, khi thân ngã xuống hư hoại thì đâu thể mang từ đời này đến đời kia được. Nhưng cái gây ảnh hưởng sâu đậm là chủng tử thức, tức mầm nhỏ xíu ở trong tàng thức. Mầm tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn, nên nói nhân nhỏ mà quả lớn. Thân sanh diệt hoàn toàn hoại, nó không liên hệ với thân sau được, nên không thể mang nghiệp lành dữ từ đây sang kia, nhưng có chủng tử thức ngầm chứa ở bên trong, khi nhân và các duyên đầy đủ thì nghiệp quả hiện, chứ chẳng phải không ngơ.

Chánh văn: 

Ví như vầng trăng di chuyển cách đây bốn muôn hai ngàn do tuần, bóng vầng trăng kia hiện trong chậu nước nhỏ. Vầng trăng cũng chẳng từ trên không dời đến trong chậu nước. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ nên vầng trăng cũng hiện. Như thế không có một ít từ đây diệt mà sanh ở nơi khác. Vì nhân và các duyên đầy đủ nên nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng:

Ví như vầng trăng di chuyển cách đây bốn muôn hai ngàn do tuần, bóng vầng trăng kia hiện trong chậu nước nhỏ. Thí dụ thứ hai là vầng trăng. Đây nói do tuần là chỉ cho khoảng cách đo lường của Ấn Độ xưa, trong tự điển ghi là khoảng bốn dặm. Gần như gương và mặt, còn xa như mặt trăng và chậu nước thì có đến được không?

Vầng trăng cũng chẳng từ trên không dời đến trong chậu nước. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ nên vầng trăng cũng hiện. Mặt trăng là nhân, chậu nước là duyên. Mặt trăng chẳng dời đến chậu nước, nhưng đủ nhân đủ duyên thì bóng trăng liền hiện. Như vậy gần như gương với mặt, xa như mặt trăng với chậu nước, đủ nhân đủ duyên đều hiện. Nghiệp báo của chúng ta cũng thế, trả nghiệp ác hoặc hưởng phước lành, dù gần hay xa nhiều đời chỉ cần đủ nhân đủ duyên thì quả báo liền hiện.

Chánh văn: 

Thí như lửa, nhân và các duyên nếu không đầy đủ thì không thể cháy. Như thế pháp vô ngã, vô ngã sở, ví như hư không y những pháp kia, vì nhân và các duyên đầy đủ chỗ để sanh, liền vào thai mẹ, thì hay thành tựu chủng tử thức, nghiệp và phiền não sanh ra mầm danh sắc. Thế nên phải như thế, quán việc pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng. 

Giảng:

Thí như lửa, nhân và các duyên nếu không đầy đủ thì không thể cháy. Thí dụ thứ ba là ngọn lửa. Lửa cháy được là phải có nhân và các duyên đầy đủ, nếu không thì chẳng thể cháy. Muốn đốt lửa mà không có củi, không có người nhóm lửa, không có hộp quẹt v.v… thì không sao có lửa được. Đủ nhân đủ duyên thì lửa hiện, thiếu thì lửa không thể có. Đây để dụ cho bất định nghiệp. Bất định nghiệp là nghiệp tuy có, nhưng nếu không đủ nhân duyên thì nghiệp đó cũng không hiện,

Tóm lại ba thí dụ trên. Thí dụ thứ nhất gương với mặt, gương và mặt gần nhau, vừa có gương có mặt là bóng hiện, để chỉ nghiệp quả hiện tại, nếu việc làm gây ra đủ nhân đủ duyên thì nghiệp quả đó liền hiện. Thí dụ thứ hai mặt trăng và chậu nước, trăng và chậu nước cách nhau rất xa, nhưng có trăng có nước thì thức được tăng trưởng chính do nghiệp và phiền não, nên nói nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức. Thông thường chúng ta huân tập điều gì thì biết rành về điều đó, tức là chủng tử đã gieo trong tàng thức. Phiền não buồn vui nhiều chừng nào thì gieo chủng tử đậm chừng nấy, đậm mới gieo sâu vào chứ bình thường thì đâu nhớ. Nhớ những cái gì huân tập hoặc vui hoặc buồn, các thứ buồn vui đó là phiền não, là chủng tử thức. Chủng tử thức có là do những thứ đã huân tập, như hiện tại khi chúng ta nói chuyện với nhau, toàn kể những việc đã qua nào là buồn vui, giận tức, oan trái, hoặc kể về nghề nghiệp chuyên môn của mình. Tại sao phải kể? Vì những chủng tử đó ăn sâu quá rồi, bây giờ gặp cơ hội thì nó phát ra. Nên nói nghiệp và phiền não hay sanh chủng tử thức.

Nghiệp thì hay làm ruộng cho chủng tử thức, ái thì hay làm ướt mát cho chủng tử thức, vô minh hay gieo chủng tử thức. Nếu không có các duyên này thì chủng tử thức không thể thành. Nghiệp là chỗ cho chủng tử thức tăng trưởng, ái làm mát mẻ khiến cho chủng tử thức mau sanh khởi. Tại sao vô minh hay gieo chủng tử thức? Bởi vì không biết đúng như thật, nên cố chấp vào những thứ buồn vui, thương ghét, mới có tạo nghiệp. Tạo nghiệp đó là do từ vô minh gieo chủng tử thức vào, rồi ái làm ướt mát giúp chủng tử thức tăng trưởng, nếu không có các duyên này thì chủng tử thức không thể thành.

Chánh văn: 

Nghiệp kia cũng chẳng nghĩ rằng nay ta hay làm ruộng cho chủng tử thức. Ái cũng chẳng nghĩ rằng nay ta hay làm ướt mát chủng tử thức. Vô minh cũng không nghĩ rằng nay ta hay gieo chủng tử thức. Chủng tử thức kia cũng chẳng nghĩ rằng nay ta từ những duyên này mà sanh. 

Giảng:

Nghiệp, ái, vô minh và chủng tử thức, nối tiếp làm nhân làm duyên cho nhau mà sanh trưởng, thứ này không nghĩ làm ra thứ kia. Như những chuyện buồn vui, thương ghét, chúng ta không nghĩ đem gieo vào tâm thức, nhưng khi đủ duyên liền tự có vui buồn, tự gieo chủng tử… không có tác giả.

Chánh văn: 

Tuy nhiên chủng tử thức nương chỗ ruộng nghiệp kia, nước mát ái và phân đất vô minh sanh ra, vào thai mẹ hay sanh mầm danh sắc. Mầm danh sắc kia cũng chẳng phải tự tác, cũng chẳng phải tha tác, chẳng phải tự tha chung tác, chẳng phải Tự Tại hóa, chẳng phải thời biến, chẳng phải tự tánh sanh, chẳng phải nhờ làm ra, cũng chẳng phải không nhân mà sanh. 

Giảng:

Chủng tử thức nương chỗ ruộng nghiệp, nước mát ái và phân đất vô minh sanh ra, vào thai mẹ hay sanh mầm danh sắc. Mầm danh sắc kia cũng chẳng phải tự tác, mầm danh sắc trong thai mẹ không phải tự làm ra. Cũng chẳng phải tha tác, không phải người khác làm ra.

Chẳng phải tự tha chung tác, cũng không phải mình và người khác cùng làm ra. Chẳng phải Tự Tại hóa, chẳng phải do trời Tự Tại, hay bà Mẹ Sanh Mẹ Độ hóa ra, như quan niệm của dân gian. Chẳng phải thời biển, chẳng phải tự tánh sanh, đây là những lối chấp của Thắng Luận Sư, họ cho rằng tất cả sự vật ở trong vũ trụ đều do thời biến, tức là sự vật sanh trưởng theo thời gian, thời gian sanh ra mọi vật. Chẳng phải nhờ làm ra, cũng chẳng phải không nhân mà sanh, không phải nhờ cái khác, cũng không phải vô cớ mà sanh ra.

Tóm lại, các pháp do nhân duyên sanh, chứ không do một cái gì làm ra. Thông thường chúng ta hay nói cha tạo mẹ sanh, sự thật thì tất cả sự sanh ra đều là do đủ nhân đủ duyên thành tựu, chứ không thể riêng lẻ mà có được. Bởi vì nhân duyên là gồm nhiều thứ, vì vậy không nên chấp cứng vào một pháp nào.

Chánh văn: 

Tuy nhiên khi cha mẹ hòa hợp và khi các duyên hòa hợp, pháp vô ngã, vô ngã sở giống như hư không. Có pháp huyễn kia vì nhân và các duyên đầy đủ, nương chỗ sanh kia vào thai mẹ hay thành tựu thức chấp, thọ thai mẹ làm mầm danh sắc. 

Giảng: 

Tuy nhiên khi cha mẹ hòa hợp và khi các duyên hòa hợp, pháp ngã, ngã sở giống như hư không. Khi cha mẹ và các duyên hòa hợp, pháp đó không có ngã và ngã sở, nó như hư không, không có thật thể, là pháp hư huyễn.

Có pháp huyễn kia vì nhân và các duyên đầy đủ, nương chỗ sanh kia vào thai mẹ hay thành tựu thức chấp, thọ thai mẹ làm mầm danh sắc. Như vậy cái vào thai mẹ đó là pháp huyễn, tuy là pháp huyễn như hư không, nhưng đủ nhân đủ duyên nó liền nương chỗ sanh kia mà vào thai mẹ. Tại sao nói là pháp huyễn? Vì nếu thật thì phải có một cái từ trước đi tới, không cần đợi đủ nhân đủ duyên mới thành. Pháp nào đợi đủ nhân đủ duyên mới có thì đó là pháp huyễn, không thật, không ngã, không ngã sở. Pháp huyễn đó khi vào thai mẹ rồi liền thành tựu thức chấp, nhận bào thai mẹ làm thân, gọi là danh sắc. Thức chấp là danh, thọ bào thai là sắc.

Chánh văn: 

Như khi nhãn thức sanh nếu đủ năm duyên thì được sanh. Thế nào là năm? Nghĩa là nương con mắt, sắc, ánh sáng, hư không, tác ý nên nhãn thức được sanh. Trong đây con mắt hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc thì hay làm cảnh cho nhãn thức, ánh sáng hay làm việc hiển hiện, hư không hay làm việc chẳng chướng, tác ý hay làm việc tư tưởng. Nếu không đủ các duyên này thì nhãn thức chẳng sanh. 

Giảng:

Như khi nhãn thức sanh nếu đủ năm duyên thì được sanh. Thành Duy Thức luận và Bát Thức Qui Củ nói khi nhãn thức sanh phải đủ chín duyên, đây nói chỉ có năm duyên, bởi vì năm duyên này là chính, còn bốn duyên kia chỉ là duyên phụ không đáng kể.

Thế nào là năm? Nghĩa là nương con mắt, sắc, ánh sáng, hư không, tác ý nên nhãn thức được sanh. Con mắt là nhãn căn, sắc là cảnh. Nhãn thức được sanh là khi nào đủ năm duyên: căn, cảnh, ánh sáng, hư không và tác ý. Thiếu năm duyên này thì nhãn thức không thể sanh. Thí dụ khi chúng ta nhìn một sự vật, lúc mới nhìn ý thức chưa phát khởi, vừa có tác ý thì niệm liền dấy lên, nhãn thức phân biệt theo cảnh rõ ràng. Cũng vậy, bào thai được có là từ đủ các duyên, chứ không ai dẫn tới cũng không ai làm ra.

Chánh văn: 

Nếu nội nhãn đầy đủ, như thế cho đến sắc, ánh sáng, hư không, tác ý đầy đủ. Khi tất cả hòa hợp thì nhãn thức sanh. Con mắt kia cũng chẳng nghĩ rằng, nay ta hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm cảnh cho nhãn thức, ánh sáng cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm việc hiển hiện cho nhãn thức. Hư không cũng không nghĩ rằng nay ta làm việc không chướng cho nhãn thức. Tác ý cũng không nghĩ rằng nay ta hay làm tư tưởng cho nhãn thức. Nhãn thức kia cũng không nghĩ rằng ta từ các duyên này mà có. Tuy nhiên có các duyên này thì nhãn thức được sanh. Cho đến các căn khác v.v… tùy loại mà biết đó. Như thế không có chút pháp từ đời này dời sang đời khác. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ thì nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng:

Nếu nội nhãn đầy đủ, như thế cho đến sắc, ánh sáng, hư không, tác ý đầy đủ. Khi tất cả hòa hợp thì nhãn thức sanh. Chỗ này cho chúng ta thấy lý nhân duyên thật là thâm sâu. Nhãn thức sanh phải đủ năm điều kiện, trong có nhãn căn, ngoài có cảnh sắc, ánh sáng, hư không và tác ý. Nếu có mắt, có sắc mà không có hư không thì không thể thấy được sắc. Như khi để vật gì khít với con mắt thì không thể thấy được, nhờ có khoảng trống mới thấy. Có khoảng trống mà không có ánh sáng cũng không thấy được. Có con mắt, ánh sáng, khoảng trống rồi, còn phải có tác ý hòa hợp ở trong nữa, thì nhãn thức mới đủ điều kiện sanh khởi.

Con mắt kia cũng chẳng nghĩ rằng, nay ta hay làm chỗ nương cho nhãn thức, sắc cũng chẳng nghĩ rằng nay ta làm cảnh cho nhãn thức… Cảnh không nghĩ làm chỗ cho nhãn thức duyên, mắt cũng không nghĩ làm chỗ cho nhãn thức khởi, ánh sáng, hư không cũng thế. Năm điều kiện này không có cái nào nghĩ làm cho cái nào, nhưng đủ những thứ đó thì nhãn thức sanh, các pháp mỗi thứ tự ở bản vị của nó, nên nói pháp trụ pháp vị là vậy.

Chúng ta luôn luôn cho mọi sự đều có định đặt, có cố tình cố ý làm ra, chứ không chịu nhìn trên nhân duyên. Như người làm ruộng thấy sắp mưa liền vui mừng, cho rằng trời mưa cho mình làm ruộng, thành công là do có ai đó ủng hộ. Người phơi lúa gặp trời mưa thì tức giận, nghĩ trời hại. Tin rằng cái gì cũng có ý cho mình, vì mình. Tất cả đều quy vào bản ngã, bị lệ thuộc vào bản ngã, nghĩ là có tác giả chung quanh để bảo trợ hay làm ra mọi thứ, mà không biết rằng tất cả pháp là do duyên. Vì vậy khi có điều gì như ý thì vui, không như ý thì đâm ra buồn tức, sân giận. Nếu biết các pháp đủ duyên thì hiện, không có ý niệm lệ thuộc vào thần quyền, không cho do cái gì làm ra thì có gì để phiền trách. Nắng mưa là việc bình thường của nhân duyên, các pháp là như vậy. Nên nói hoa ở trên núi tới mùa xuân thì nở, chứ không phải vì ai mà nở.

Hiểu được lý nhân duyên chúng ta mới phá được lầm chấp có tác giả, chấp có tác giả đó chính là ngầm chấp vào bản ngã của chúng ta. Do chấp ngã cho rằng mình là chủ, nên những thứ chung quanh đều vì hỗ trợ chủ tể này. Thân chúng ta do nhân duyên hòa hợp, chứ không ai định đặt. Bởi nghĩ có ai định đặt tốt xấu, nên khi gặp việc xấu cho là tạo hóa bất công, rồi than trời trách đất. Đã là nhân duyên thì đủ duyên còn, thiếu duyên hoại, không buồn trách ai. Không chấp mình là tác giả, là chủ nhân thì đối các pháp giả tạo ở bên ngoài cũng không chấp. Ngã, ngã sở không còn.

Các cuộc hợp tan đều là nhân duyên, không phải bỗng dưng mà có, không phải một ai làm ra, không phải tự tha cộng tác, không phải trời Tự Tại hay thần thánh tạo ra… Thấy được vậy thì ở giữa cõi đời phiền trược mà cuộc sống của chúng ta an vui, tự tại.

Chánh văn: 

Thí như trong gương sáng hiện mặt mày người. Tuy mặt mày kia chẳng dời đến trong gương, nhân và các duyên đầy đủ nên mặt mày cũng hiện. Như thế không có một ít từ nơi đây diệt mà sanh ở nơi khác. Vì nhân và các duyên đầy đủ nên nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng:

Thi như trong gương sáng hiện mặt mày người. Tuy mặt mày kia chẳng dời đến trong gương, nhân và các duyên đầy đủ nên mặt mày cũng hiện. Phật đưa ba thí dụ, thí dụ thứ nhất về chiếc gương. Như gương sáng khi nhìn vào liền thấy mặt mày, mặt mày đó chẳng dời đến trong gương, mà do nhân duyên đầy đủ nên mặt mày hiện. Cũng vậy, tất cả các pháp đời này, đời khác… đều do đủ nhân duyên hiện, chứ không mang từ cái này qua cái kia.

Chúng ta quen chấp vào bản ngã, cho rằng mình tạo phước lành đời này để đời sau hưởng, nghĩa là phước lành đó mang từ đời này sang đời sau, mà trong kinh nói không có cái từ đời này dời sang đời kia. Tại sao? Bởi vì căn cứ trên thân tạo nghiệp lành dữ, khi thân ngã xuống hư hoại thì đâu thể mang từ đời này đến đời kia được. Nhưng cái gây ảnh hưởng sâu đậm là chủng tử thức, tức mầm nhỏ xíu ở trong tàng thức. Mầm tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn, nên nói nhân nhỏ mà quả lớn. Thân sanh diệt hoàn toàn hoại, nó không liên hệ với thân sau được, nên không thể mang nghiệp lành dữ từ đây sang kia, nhưng có chủng tử thức ngầm chứa ở bên trong, khi nhân và các duyên đầy đủ thì nghiệp quả hiện, chứ chẳng phải không ngơ.

Chánh văn: 

Ví như vầng trăng di chuyển cách đây bốn muôn hai ngàn do tuần, bóng vầng trăng kia hiện trong chậu nước nhỏ. Vầng trăng cũng chẳng từ trên không dời đến trong chậu nước. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ nên vầng trăng cũng hiện. Như thế không có một ít từ đây diệt mà sanh ở nơi khác. Vì nhân và các duyên đầy đủ nên nghiệp quả cũng hiện. 

Giảng:

Ví như vầng trăng di chuyển cách đây bốn muôn hai ngàn do tuần, bóng vầng trăng kia hiện trong chậu nước nhỏ. Thí dụ thứ hai là vầng trăng. Đây nói do tuần là chỉ cho khoảng cách đo lường của Ấn Độ xưa, trong tự điển ghi là khoảng bốn dặm. Gần như gương và mặt, còn xa như mặt trăng và chậu nước thì có đến được không?

Vầng trăng cũng chẳng từ trên không dời đến trong chậu nước. Tuy nhiên vì nhân và các duyên đầy đủ nên vầng trăng cũng hiện. Mặt trăng là nhân, chậu nước là duyên. Mặt trăng chẳng dời đến chậu nước, nhưng đủ nhân đủ duyên thì bóng trăng liền hiện. Như vậy gần như gương với mặt, xa như mặt trăng với chậu nước, đủ nhân đủ duyên đều hiện. Nghiệp báo của chúng ta cũng thế, trả nghiệp ác hoặc hưởng phước lành, dù gần hay xa nhiều đời chỉ cần đủ nhân đủ duyên thì quả báo liền hiện.

Chánh văn: 

Thí như lửa, nhân và các duyên nếu không đầy đủ thì không thể cháy. Như thế pháp vô ngã, vô ngã sở, ví như hư không y những pháp kia, vì nhân và các duyên đầy đủ chỗ để sanh, liền vào thai mẹ, thì hay thành tựu chủng tử thức, nghiệp và phiền não sanh ra mầm danh sắc. Thế nên phải như thế, quán việc pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng. 

Giảng:

Thí như lửa, nhân và các duyên nếu không đầy đủ thì không thể cháy. Thí dụ thứ ba là ngọn lửa. Lửa cháy được là phải có nhân và các duyên đầy đủ, nếu không thì chẳng thể cháy. Muốn đốt lửa mà không có củi, không có người nhóm lửa, không có hộp quẹt v.v… thì không sao có lửa được. Đủ nhân đủ duyên thì lửa hiện, thiếu thì lửa không thể có. Đây để dụ cho bất định nghiệp. Bất định nghiệp là nghiệp tuy có, nhưng nếu không đủ nhân duyên thì nghiệp đó cũng không hiện.

Tóm lại ba thí dụ trên. Thí dụ thứ nhất gương với mặt, gương và mặt gần nhau, vừa có gương có mặt là bóng hiện, để chỉ nghiệp quả hiện tại, nếu việc làm gây ra đủ nhân đủ duyên thì nghiệp quả đó liền hiện. Thí dụ thứ hai mặt trăng và chậu nước, trăng và chậu nước cách nhau rất xa, nhưng có trăng có nước thì liền thấy bóng trăng, cũng vậy nghiệp quả tuy cách xa nhiều đời, nhưng khi đủ nhân đủ duyên thì nó cũng hiện. Thí dụ thứ ba ngọn lửa, có nhân mà thiếu duyên thì lửa không thể có, đây dụ cho bất định nghiệp là nghiệp quả không cố định, nghiệp đó không phải cố định hẳn, phải đợi đủ nhân đủ duyên mới hiện. Như vậy quả báo đời sau, gần thì gọi là sanh báo, xa nhiều đời thì gọi là hậu báo, có nhân mà không quả là bất định nghiệp.

Như thế pháp vô ngã, vô ngã sở, ví như hư không y huyễn pháp kia, vì nhân và các duyên đầy đủ chỗ để sanh, liền vào thai mẹ, thì hay thành tựu chủng tử thức, nghiệp và phiền não sanh ra mầm danh sắc.

Thân này vô ngã, vô ngã sở, như hư không, là pháp huyễn hóa, khi nhân và các duyên đầy đủ chỗ để sanh ra thì nó liền vào thai mẹ. Vào thai mẹ rồi hay thành tựu chủng tử thức, nghiệp và phiền não sanh ra mầm danh sắc, cứ thế tiếp tục luân chuyển mãi không thôi.

Thế nên phải như thế, quán việc pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng. Phải quán pháp Nội nhân duyên duyên tương ưng như trên, thì xa lìa được tất cả chấp trước điên đảo.

Chánh văn: 

Nên dùng năm thứ quán pháp Nội nhân duyên. Thế nào là năm: Chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dời, từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, cùng với kia giống nhau. 

Thế nào là chẳng thường? Nghĩa là uẩn hậu diệt kia cùng sanh phần kia, mỗi cái riêng khác. Vì uẩn hậu diệt không phải sanh phần. Vì uẩn hậu diệt kia diệt, sanh phần cũng được hiện. Nên chẳng thường. 

Thế nào chẳng đoạn? Chẳng phải nương uẩn hậu diệt khi hoại diệt mà sanh phần được sanh. Cũng chẳng phải chẳng diệt, uẩn hậu diệt kia diệt, chính khi ấy uẩn sanh phần như cái cân song bằng cao thấp mà được sanh, nên chẳng đoạn. 

Thế nào chẳng dời? Vì các hữu tình từ chỗ phi chúng đồng phần hay sanh chỗ chúng đồng phần, thế nên chẳng dời. 

Thế nào từ nhân nhỏ hay sanh quả lớn? Tạo tác nghiệp nhỏ chiêu cảm quả dị thục lớn, thế nên từ nhân nhỏ hay sanh quả lớn. 

Thế nào cùng với kia giống nhau? Như nhân tạo ra chiêu cảm quả kia cùng với nhân ấy tương tự. Thế nên phải dùng năm thứ quán pháp nhân duyên. 

Giảng:

Nên dùng năm thứ quán pháp Nội nhân duyên. Thế nào là năm: Chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dời, từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, cùng với kia giống nhau. Phải dùng năm thứ này mà quán sát về pháp Nội nhân duyên. Đây giải thích về năm pháp quán.

Thế nào là chẳng thường? Nghĩa là uẩn hậu diệt kia cùng sanh phần kia, mỗi cái riêng khác. Uẩn hậu diệt là thân cũ trước nay hoại rồi mất. Sanh phần là thân mới sanh sau. Hai thân này mỗi cái riêng khác. Vì sao? Vì uẩn hậu diệt không phải sanh phần. Vì uẩn hậu diệt kia diệt, sanh phần cũng được hiện, nên chẳng thường. Thân trước không phải là thân sau, không liên hệ gì nhau, bởi thân trước hoại rồi mới sanh thân sau, nên chẳng phải thường.

Thế nào chẳng đoạn? Chẳng phải nương uẩn hậu diệt khi hoại diệt mà sanh phần được sanh. Cũng chẳng phải chẳng diệt, uẩn hậu diệt kia diệt, chính khi ấy uẩn sanh phần như cái cân song bằng cao thấp mà được sanh, nên chẳng đoạn. Đoạn này khó hiểu, khó giải thích, vì có những quan niệm khác nhau. Có quan niệm cho rằng khi uẩn hậu diệt thì sanh phần liền sanh ở nơi khác, nơi này vừa hoại liền có mặt ở nơi kia, nên nói chết đây sanh kia, không phải đứt đoạn, cũng không qua thân trung ấm.

Theo tinh thần Đại thừa, khi thân trước hoại, thân sau sanh, nếu không gặp duyên cha mẹ thì không thể sanh, phải đợi đủ duyên mới được, sanh phần ở khoảng giữa đó không phải thân xác thịt thường mà là sanh phần của thân trung ấm. Sanh phần thân trung ấm tiếp tục đợi đủ nhân duyên, khi đủ nhân duyên rồi, sanh phần đó hoại mới vào bào thai thọ sanh phần khác nữa, liên tục không đoạn dứt.

Như vậy cả hai quan niệm trên đều hợp lý, cho thấy sự sanh đó không phải thân này dứt mất rồi một thời gian mới có thân sau, mà thân trước diệt, đủ nhân đủ duyên liền có thân sau, liên hệ nhau không đứt đoạn. Vì vậy nên nói uẩn hậu diệt kia diệt, chính khi ấy uẩn sanh phần như cái cân song bằng cao thấp mà được sanh, nên chẳng đoạn. 

Thế nào chẳng dời? Vì các hữu tình từ chỗ phi chúng đồng phần hay sanh chỗ chúng đồng phần, thế nên chẳng dời. Chúng đồng phần, chữ phần có chỗ đọc là phận. Cùng sanh chung ở một cõi riêng biệt nào đó gọi là chúng đồng phận. Như cùng sanh cõi người hay cùng sanh vào loài chim chóc, trâu bò…

Tại sao chẳng dời? Vì các hữu tình từ chỗ phi chúng đồng phần hay sanh chỗ chúng đồng phần. Nghĩa là chúng ta từ không phải chư thiên hay loài người, chim chóc, trâu bò… mà do tạo nghiệp tương ưng thế nào thì sanh vào loài đó. Tạo nghiệp chư thiên liền sanh vào chúng đồng phần là chư thiên. Từ không phải chúng đồng phần ở đó mà sanh chỗ đó, chứ không phải đem nguyên thân này tới chỗ kia, nên nói chẳng dời.

Thế nào từ nhân nhỏ hay sanh quả lớn? Tạo tác nghiệp nhỏ chiêu cảm quả dị thục lớn, thế nên từ nhân nhỏ hay sanh quả lớn. Thục là chín, dị thục là đổi khác mới chín. Mang thân này gọi là mang thân dị thục, cũng gọi là thân tổng báo. Những nghiệp chúng ta tạo khi chưa gặp duyên thì chưa trả liền nên nói dị thục, khi thọ thân rồi gặp đủ duyên mới trả từ từ hoặc tốt hoặc xấu gọi là thục báo. Chúng ta tạo tác nghiệp nhỏ, đến lúc chín rồi chiêu cảm quả dị thục lớn. Thế nên từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn.

Thế nào cùng với kia giống nhau? Như nhân tạo ra chiêu cảm quả kia cùng với nhân ấy tương tự. Tương tự là giống nhau. Nhân tạo thế nào thì chiêu cảm quả sau cũng giống như vậy. Nhân bồ-đề thì lên cây bồ-đề, nhân bí rợ thì lên dây bí rợ, chứ không thể lên cây khác được.

Thế nên nên phải dùng năm thứ quán pháp nhân duyên. Chúng ta phải dùng năm thứ: chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng dời, từ nhân nhỏ mà sanh quả lớn, cùng với kia giống nhau. Đem năm thứ này mà quán sát tường tận về lý nhân duyên thì không còn mê lầm nữa.

Đó là kết thúc hai phần quán pháp Nội nhân duyên và Ngoại nhân duyên.

Chánh văn:

Tôn giả Xá-lợi Tử, lại có người hay dùng chánh trí thường quán pháp nhân duyên, do Như Lai nói vô thọ, ly thọ, như thật tánh, vô thố mậu tánh, vô sanh, vô khởi, vô tác, vô vi, vô chướng ngại, vô cảnh giới, tịch tĩnh, vô úy, vô xâm đoạt, vô tận, bất tịch tĩnh tướng, bất hữu, hư cuống, vô kiên thật, như bệnh, như ung, như tiễn, quá thất, vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngã ở quá khứ có sanh chăng? Không sanh chăng? Mà chẳng phân biệt mê quá khứ. Đời vị lai sanh ở chỗ nào, cũng chẳng phân biệt mê vị lai. Đây là gì? Đây là thế nào? Làm vật gì? Các hữu tình này từ đâu mà đến? Từ đây diệt sẽ sanh chỗ nào? Cũng chẳng phân biệt có hiện tại. 

Giảng:

Người có chánh trí đối với pháp nhân duyên mà Như Lai đã nói, phải quán thế nào? Quán nó là vô thọ, ly thọ, như thật tánh, vô thố mậu tánh, vô sanh, vô khởi, vô tác, vô vi, vô chướng ngại, vô cảnh giới, tịch tĩnh, vô úy, vô xâm đoạt, vô tận. Những lối quán này như phần trên đã giải thích. Bất tịch tĩnh tướng, bất hữu, hư cuống, vô kiên thật, như bệnh, như ung, như tiễn, quá thất, vô thường, khổ, không, vô ngã. Pháp nhân duyên là tướng không vắng lặng, là chẳng có, là rỗng không, là lừa dối, không bền chắc, như bệnh khổ chẳng có gì vui, như ung nhọt, như tên bắn, là lỗi lầm, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Hằng thấy rõ bản chất của nó như vậy thì chúng ta là người có chánh trí, tu đúng như lời Phật dạy.

Ngã ở quá khứ có sanh chăng? Không sanh chăng? Mà chẳng phân biệt mé quá khứ. Đời vị lai sanh chỗ nào? Cũng chẳng phân biệt mê vị lai. Đây là gì? Đây là thế nào? Làm vật gì? Các hữu tình này từ đâu mà đến? Từ đây diệt sẽ sanh chỗ nào? Cũng chẳng phân biệt có hiện tại. Đoạn này là chỉ cho không mê lầm về ba thời. Thấy rõ quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thật thì không còn nghi ngờ. Biết quá khứ không thật thì đâu còn hỏi mình từ đâu đến? Xưa kia mình làm cái gì? Rõ vị lai không thật thì có gì đâu mà phải hỏi ngày mai ngày mốt ra sao? Đời này đời kia làm gì? Vì vị lai là pháp huyễn hóa, đủ duyên thì hiện. Quá khứ, vị lai đã không thật thì pháp hiện tại cũng không thành lập. Biết được ba thời không thật rồi thì không có gì để thắc mắc về quá khứ, hiện tại hay vị lai nữa. Nếu khởi niệm thắc mắc là còn thấy cái ta thật, là điên đảo si mê.

Kinh Kim Cang nói: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Bởi không hiểu rõ lý nhân duyên, còn thấy có đắc thế này thế nọ, nên cứ hỏi đời sau thế nào? Đời sau không thật, vì không có tác giả, không có cái gì là mình hay không có mình, chỉ là đủ nhân đủ duyên thì có mặt. Không tác giả nên không ngã và ngã sở, không ngã ngã sở thì không nói mình đời này hay đời sau, chẳng qua chỉ là thân này hoặc thân khác thôi. Nếu còn đủ nhân đủ duyên thì tiếp tục, không đủ nhân đủ duyên thì hết, đâu có gì cố định.

Ba thời là ước định nói, chứ không có thật. Vừa khởi thắc mắc, băn khoăn là chấp nó thật rồi. Không thấy quá khứ vị lai thật thì không còn thắc mắc, cuộc sống an nhiên tự tại. Xét lại chúng ta có nhiều thứ khờ dại, học đạo lý Đại thừa, tụng đọc phân tích kinh Kim Cang, mà cứ nghĩ thắc mắc đời sau sanh đâu, thế nào? Nghĩ như vậy tức là không hiểu kinh Kim Cang rồi. Quá khứ bất khả đắc mà thắc mắc đời trước ở đâu, là chấp cho quá khứ là thật. Hỏi đời sau thế nào, tức thừa nhận vị lai là thật. Thừa nhận quá khứ, vị lai có thật thì hiện tại luôn bất an, phiền muộn.

Chúng ta học Phật pháp, biết được chủ yếu của lý nhân duyên, thấy tất cả pháp đủ nhân duyên thì có, thiếu thì không. Quán sát lý nhân duyên như vậy thì ngay đây tâm hồn an tĩnh vô cùng, không còn gì để thắc mắc. Sở dĩ chúng ta thắc mắc đủ thứ, tâm tư rối bời, phiền tức này nọ cũng vì thấy ba thời là thật, thấy thật nên mới đau khổ. Chấp cho thời gian thật nên ngày nay hy vọng ngày mai, rồi ngày mai lại mơ ước ngày mai nữa, nghĩ rằng ngày mai sẽ sáng sủa hơn. Cứ mong chờ như thế, tưởng mình còn sống hoài nên lúc nào cũng tính toán, mà không sống thực tế với cái hiện tại. Đến lúc không sống nữa ngã ra chết, thì bao nhiêu thứ tính toán chấp trước đó trở lại trói buộc mình. Chúng ta biết sống ngay với hiện tại đang sống là quá hạnh phúc rồi, không mơ ước, không tính toan, tâm hồn an nhiên tự tại, không có gì phải bận tâm. Còn người nào cứ nghĩ ngày mai sẽ có hạnh phúc, thì ngay hiện tại này đã không có hạnh phúc rồi. Vì mải chạy theo ba thời để tìm kiếm, mơ ước nên đau khổ dài dài. Bởi mơ ước là có băn khoăn, băn khoăn là chuốc buồn rầu, cuộc sống không còn ý nghĩa. Hiểu đúng về lý nhân duyên, giúp chúng ta biết rõ ba thời không còn lầm lẫn thì không có gì để thắc mắc. Nếu mê lầm cứ sống đuổi theo mơ ước thì không bao giờ toại nguyện, không toại nguyện thì tới ngày chết cũng không toại nguyện.

Chánh văn: 

Lại hay diệt các kiến bất đồng của hàng Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian như là: ngã kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, nhân hiến, hy hữu kiến, kiết tường kiến, khai hiệp kiến. Vì khéo rõ biết, rành rẽ đoạn trừ như chặt rễ cây đa-la rồi, ở đời vị lai chứng được pháp vô sanh vô diệt. 

Giảng:

Lại hay diệt các kiến bất đồng của hàng Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian. Sa-môn là danh từ chỉ chung cho tất cả người tu ở Ấn Độ, còn nói riêng hàng đệ tử Phật thì gọi là Tỳ-kheo. Như từ tu sĩ là chỉ chung cho những người tu theo đạo nào cũng được, còn nói đến người tu theo Phật thì phải gọi là tu sĩ Phật giáo.

Sống với lý nhân duyên thì sẽ diệt được các thứ kiến chấp bất đồng của hàng Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian. Những kiến chấp đó như: ngã kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, nhân kiến, hy hữu kiến, kiết tường kiến, khai hiệp kiến. Nghĩa là chấp ngã, chấp chúng sanh, chấp thọ giả, chấp người, chấp hy hữu, chấp kiết tường, chấp khai hiệp. Chấp hy hữu là cái chấp ít thấy trong cuộc đời, khác với những thứ chấp thông thường. Thí dụ một ít người chấp đau không chịu uống thuốc, tới chừng bệnh quá sức mới chở đi bệnh viện, đó là chấp hy hữu. Chấp kiết tường tức là chấp vào sự tốt lành như tin vào bói toán, tuổi tốt tuổi xấu, ngày tốt ngày xấu… Khai hiệp, khai là mở ra, hiệp là hợp lại. Những thứ chấp có khi chung, có khi riêng, gọi là chấp khai hiệp.

Vì khéo rõ biết, rành rẽ đoạn trừ như chặt rễ cây đa-la rồi, ở đời vị lai chứng được pháp vô sanh diệt.

Cây đa-la chặt rễ thì chết, không thể mọc lên thân khác. Vô sanh vô diệt là Niết-bàn. Thấy được lý nhân duyên thì mọi kiến chấp đều hết, hết chấp thì vô sanh vô diệt, đó là Niết-bàn. Như vậy chỉ cần hiểu lý nhân duyên là đã Niết-bàn rồi, đâu đợi tu thêm pháp gì nữa.

Chánh văn: 

Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu lại có người đầy đủ Vô sanh pháp nhẫn như thế, khéo hay rành rõ pháp nhân duyên này thì Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn liền thọ ký cho Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Giảng:

Ngài Di-lặc nói: Nếu lại có người đầy đủ sanh pháp nhẫn như thế, khéo hay rành rẽ pháp nhân duyên này… Người nào khéo thấy được pháp nhân duyên, chứng được vô sanh vô diệt, thì đó là người đầy đủ Vô sanh pháp nhẫn. Đây là nói đủ mười danh hiệu của Phật.

Như Lai: gồm đủ hai nghĩa là tự mình giác ngộ và tùy duyên giáo hóa chúng sanh. Như là đứng về nghĩa tự chứng, lai là đứng về nghĩa lợi tha. Vì Phật là bậc nhất thiết trí nhận thấy đúng như thật các pháp, đó là như; tùy duyên mà đến hóa độ chúng sanh, đó là lai.

Ứng Cúng: người đã đạt tới địa vị Phật, xứng đáng cho chúng nhân thiên cúng dường.

Chánh Biến Tri: biết đúng đắn chân chánh cùng khắp.

Minh Hạnh Túc: có hai lối giải thích. Lối thứ nhất nói minh là chỉ cho Tam minh, hạnh túc là hạnh đầy đủ. Minh hạnh túc là chỉ cho hạnh Tam minh đầy đủ. Lối thứ hai nói minh là sáng suốt, hạnh là các hạnh. Minh hạnh túc là trí tuệ và các hạnh đầy đủ.

Thiện Thệ: thiện là khéo, thệ là vượt qua. Thiện Thệ là người khéo vượt từ phàm tiến lên thánh, hay khéo từ trong sanh tử mà qua bờ Niết-bàn.

Thế Gian Giải: bậc thấu suốt hết mọi việc thế gian.

Vô Thượng Sĩ: bậc vô thượng không ai bì được.

Điều Ngự Trượng Phu: điều là điều phục, ngự là ngự trị, Phật là bậc điều ngự, đối với kẻ mạnh người dữ ngài đều điều phục được hết.

Thiên Nhân Sư: là thầy của trời người.

Phật Thế Tôn: tiếng Phạn là Bạc-già-phạm. Nghĩa là ngài là đấng giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, trên thế gian thảy đều tôn kính.

Liền thọ ký cho thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người thấu suốt được lý nhân duyên, không chướng không ngại, là người đầy đủ Vô sanh pháp nhẫn thì Phật liền thọ ký cho người đó chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là sẽ thành Phật.

Chánh văn: 

Khi ấy, Đại Bồ-tát Di-lặc nói lời này rồi, Xá-lợi-phất và tất cả thế gian trời, người, a-tu-la, càn thát-bà v.v… nghe Đại Bồ-tát Di-lặc nói pháp xong đều tín thọ phụng hành. 

Giảng:

Tín thọ phụng hành là tin nhận vâng làm. Khi nghe nói tới đây rồi, tất cả thế gian trời, người… đều tin nhận và vâng làm.

Tóm lại, chủ yếu của bài kinh Đại Thừa Cây Lúa là nói về Mười hai nhân duyên. Nếu quán sát thấy rõ được các pháp do nhân duyên hòa hợp, thì không còn chấp vào ngã và ngã sở. Bởi vì các pháp nhân duyên hòa hợp thì không có tác giả, cũng không thọ giả. Không có tác giả tức là không ngã, không thọ giả là không ngã sở. Thấy ngã và ngã sở đều không thật thì không còn gì để chấp. Nếu nhân duyên trong ngoài đều hội đủ thì các pháp tạm có, thiếu thì hoại diệt không còn. Đầu mối của Mười hai nhân duyên là gốc từ vô minh, chặt đứt được cội gốc rồi thì một dọc nhân duyên theo đó liền tan rã, vòng sanh tử luân hồi ngang đây chấm dứt.


Về Trang Chủ

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.