Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu chẳng hành sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến chẳng hành trí nhất thiết là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành sắc hoặc thường hoặc vô thường là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến chẳng hành trí nhất thiết hoặc thường hoặc vô thường là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc thường hoặc vô thường là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành sắc hoặc vui hoặc khổ là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức hoặc vui hoặc khổ là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến chẳng hành trí nhất thiết hoặc vui hoặc khổ là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc vui hoặc khổ là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành sắc hoặc ngã hoặc vô ngã là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức hoặc ngã hoặc vô ngã là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến chẳng hành trí nhất thiết hoặc ngã hoặc vô ngã là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc ngã hoặc vô ngã là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành sắc hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến chẳng hành trí nhất thiết hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc tịnh hoặc bất tịnh là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa còn chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức huống là thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh. Như vậy cho đến còn chẳng thấy trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng huống là thấy trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc thường hoặc vô thường, hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng hành sắc viên mãn, chẳng hành sắc chẳng viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức viên mãn, chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức chẳng viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy cho đến chẳng hành trí nhất thiết viên mãn, chẳng hành trí nhất thiết chẳng viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng viên mãn, chẳng hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì cớ sao?
Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa còn chẳng thấy chẳng đắc sắc, thọ, tưởng, hành, thức huống là thấy có đắc sắc, thọ, tưởng, hành, thức hoặc viên mãn hoặc chẳng viên mãn. Như vậy cho đến còn chẳng thấy chẳng đắc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, huống là thấy có đắc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc viên mãn hoặc chẳng viên mãn.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Lạ thay! Đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác khéo vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân Ðại thừa, tuyên nói tướng chấp trước, tướng chẳng chấp trước.
Phật dạy:
– Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác khéo vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân Ðại thừa, tuyên nói tướng chấp trước, tướng chẳng chấp trước.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, chẳng hành sắc hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành nhãn cho đến ý hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành sắc cho đến pháp hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành nhãn thức cho đến ý thức hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành nội Không cho đến vô tính tự tính Không hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Như vậy cho đến chẳng hành mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Chẳng hành quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chẳng hành tất cả hạnh Đại Bồ-tát, Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật hoặc chấp trước, hoặc chẳng chấp trước là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, như thật biết rõ sắc không có tướng chấp trước, chẳng chấp trước; thọ, tưởng, hành, thức cũng không có tướng chấp trước, chẳng chấp trước. Như vậy cho đến như thật biết rõ tất cả hạnh Đại Bồ-tát không có tướng chấp trước, chẳng chấp trước; Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng không tướng chấp trước, chẳng chấp trước.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Pháp tánh sâu xa thật là hiếm có, hoặc nói hoặc chẳng nói đều chẳng tăng chẳng giảm.
Phật dạy:
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Pháp tánh sâu xa rất là hiếm có, hoặc nói hoặc chẳng nói đều không tăng giảm.
Này Thiện Hiện! Giả sử Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác trụ hết thọ lượng, khen chê hư không, song hư không kia không tăng không giảm. Pháp tánh sâu xa cũng lại như thế, hoặc nói hoặc chẳng nói đều không tăng giảm.
Này Thiện Hiện! Ví như huyễn sĩ đối với lời khen chê không tăng không giảm, cũng không buồn vui. Pháp tánh sâu xa cũng lại như thế, hoặc nói hoặc chẳng nói đều như kia không khác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là việc rất khó. Nghĩa là đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa đây, nếu tu hay chẳng tu thì cũng không tăng không giảm, không buồn không vui, không thuận không trái, song siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì thường không thối chuyển. Vì cớ sao?
Bạch đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như tu với hư không, đều không sở hữu.
Bạch đức Thế Tôn! Như trong hư không, không có sắc để biết; không có thọ, tưởng, hành, thức để biết. Không có nhãn xứ để biết; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ để biết. Không có sắc xứ để biết; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ để biết. Không có nhãn giới để biết; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới để biết. Không có sắc giới để biết; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp giới để biết. Không có nhãn thức giới để biết; không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới để biết. Không có bố thí Ba-la-mật-đa để biết; không có tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa để biết. Không có nội Không để biết; không có ngoại Không cho đến vô tính tự tính Không để biết. Không có bốn niệm trụ để biết; không có bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo để biết.
Như vậy cho đến không có mười lực Như Lai để biết; không có điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng để biết. Không có trí nhất thiết để biết; không có trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng để biết. Không có quả Dự lưu để biết; không có quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề để biết. Không có tất cả hạnh Đại Bồ-tát để biết. Không có Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật để biết. Việc tu Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như thế. Nghĩa là trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đây không có sắc để được; không có thọ, tưởng, hành, thức để được. Cho đến không có tất cả hạnh Đại Bồ-tát để được. Không có Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật để được.
Trong đây, dù không có các pháp để được, nhưng các Đại Bồ-tát vẫn siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thường không thối chuyển. Cho nên, Ta nói các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là việc rất khó.
Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thường mặc áo giáp đại công đức như thế, tất cả hữu tình đều nên kính lễ.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì hữu tình mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn thì giống như vì hư không mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì muốn thành thục giải thoát cho hữu tình mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn thì giống như vì thành thục giải thoát cho hư không mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì tất cả pháp mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn thì giống như vì hư không mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát vì cứu vớt chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn thì giống như vì đem hư không để chỗ cao hơn mà mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát được thế lực đại tinh tấn dũng mãnh, vì loài hữu tình như hư không nên sớm thoát khỏi sanh tử, hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát được thần lực bất tư nghì, không gì sánh bằng, vì tánh hải của các pháp như hư không nên mặc áo giáp công đức hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát rất hùng mạnh, vì sở cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề như hư không nên mặc áo giáp công đức chuyên cần tinh tấn.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát vì sự thành thục giải thoát, lợi lạc an vui cho các loài hữu tình như hư không, nên siêng tu khổ hạnh, muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Việc đó thật hiếm có. Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Giả sử trong khắp tam thiên đại thiên thế giới, có Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nhiều như rừng, tre, mè, lau, mía, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, thường thuyết pháp và độ vô lượng, vô biên hữu tình vào Niết-bàn rốt ráo an vui, nhưng cõi hữu tình không thêm, không bớt. Vì sao? Vì các loài hữu tình không có tánh, viễn ly vậy.
Bạch Thế Tôn! Giả sử tất cả thế giới trong mười phương có Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác nhiều như rừng, tre, mè, lau, mía, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, thường thuyết pháp và độ vô lượng, vô biên hữu tình vào Niết-bàn rốt ráo an vui, nhưng cõi hữu tình không thêm, không bớt. Vì sao? Vì các loài hữu tình không có tánh, viễn ly vậy.
Bạch Thế Tôn! Do đó nên con mới nói: Các Đại Bồ-tát vì sự thành thục giải thoát, lợi lạc an vui cho các loài hữu tình như hư không nên siêng tu khổ hạnh, để chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Việc đó thật hiếm có.
Khi ấy, trong hội chúng có một Bí-sô thầm nghĩ: Ta nên kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Tuy trong đó không có sự sanh diệt của các pháp, nhưng có giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn có thể đắc được. Cũng có quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề có thể đắc được. Cũng có hạnh Đại Bồ-tát có thể đắc được. Cũng có Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề có thể đắc được. Cũng có chúng Đại Bồ-tát và chư Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác có thể đắc được. Cũng có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo có thể đắc được. Cũng có chư Phật chuyển bánh xe diệu pháp, làm cho các hữu tình được lợi ích an vui có thể đắc được.
Đức Phật biết ý nghĩ ấy liền bảo:
– Này Bí-sô! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ý nghĩ của ông, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mầu nhiệm, khó lường, tuy chẳng có pháp nhưng cũng chẳng phải không có pháp.
Lúc ấy, trời Ðế Thích hỏi Thiện Hiện:
– Thưa Ðại Ðức! Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa phải học như thế nào?
Thiện Hiện đáp:
– Này Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa, phải tinh tấn tu học như hư không.
Trời Ðế Thích thưa đức Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa lắng lòng nghe, suy nghĩ, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy như lý và ghi chép, giải thích làm cho lưu bố rộng rãi, con phải bảo hộ họ như thế nào?
Khi ấy, Thiện Hiện hỏi Ðế Thích:
– Kiều-thi-ca! Ông thấy pháp có thể bảo hộ chăng?
Trời Ðế Thích đáp:
– Không, thưa Ðại đức! Tôi không thấy pháp có thể bảo hộ được.
Thiện Hiện bảo:
– Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào y lời Phật dạy, an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là bảo hộ. Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa thường không xa lìa, nên biết cho dù tất cả nhơn phi nhơn (người chẳng phải người) rình tìm lỗi lầm của người đó để phá hoại chắc không thể được.
Kiều-thi-ca! Nếu muốn bảo hộ thiện nam tử, thiện nữ nhơn an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì chẳng khác với người phát tâm siêng năng bảo hộ hư không.
Kiều-thi-ca! Nếu muốn bảo hộ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì thêm nhọc nhằn, luống uổng không ích gì.
Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Có người nào thường bảo hộ huyễn, mộng, âm vang, ảnh tượng, ánh sáng, sóng nắng và việc biến hóa thành Tầm hương (cảnh tượng không thật) không?
Trời Ðế Thích đáp:
– Thưa Ðại Ðức! Không!
Thiện Hiện bảo:
– Kiều-thi-ca! Muốn bảo hộ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, chỉ thêm nhọc nhằn, luống uổng không có ích gì.
Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Có người nào thường bảo hộ tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác và những việc biến hóa của Phật không?
Trời Ðế Thích đáp:
– Thưa Ðại đức! Không!
Thiện Hiện bảo:
– Kiều-thi-ca! Muốn bảo hộ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, chỉ thêm nhọc nhằn, luống uổng không có ích gì.
Kiều-thi-ca! Ý ông thế nào? Có người nào thường bảo hộ pháp giới, pháp tánh, chơn như, thật tế, cảnh giới bất tư nghì, cảnh giới hư không chăng?
Trời Ðế Thích đáp:
– Thưa Ðại đức! Không!
Thiện Hiện bảo:
– Kiều-thi-ca! Muốn bảo hộ thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy, chỉ thêm nhọc nhằn, luống uổng không có ích gì.
Trời Ðế Thích hỏi Thiện Hiện:
– Thưa Ðại đức! Vì sao khi Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dù biết các pháp như huyễn mộng, âm vang, ảnh tượng, ánh sáng, sóng nắng, như việc biến hóa thành Tầm hương nhưng Đại Bồ-tát ấy chẳng chấp là huyễn mộng, là âm vang, là ảnh tượng, là ánh sáng, là sóng nắng, là việc biến hóa thành Tầm hương; cũng chẳng chấp do huyễn cho đến do thành Tầm hương; cũng chẳng chấp thuộc huyễn cho đến thuộc thành Tầm hương; cũng chẳng chấp nương huyễn cho đến nương thành Tầm hương?
Thiện Hiện đáp:
– Kiều-thi-ca! Khi Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, chẳng chấp là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng chấp do sắc, do thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng chấp thuộc sắc, thuộc thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng chấp nương sắc, nương thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến chẳng chấp là trí nhất thiết, là trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng chẳng chấp do trí nhất thiết, do trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng chẳng chấp thuộc trí nhất thiết, thuộc trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; cũng chẳng chấp nương trí nhất thiết, nương trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Khi Đại Bồ-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dù biết các pháp như huyễn cho đến như thành Tầm hương mà thường chẳng chấp là huyễn cho đến là thành Tầm hương; cũng chẳng chấp do huyễn cho đến do thành Tầm hương; cũng chẳng chấp thuộc huyễn cho đến thuộc thành Tầm hương; cũng chẳng chấp nương huyễn cho đến nương thành Tầm hương.
Khi ấy, nhờ năng lực oai thần của đức Phật nên trong tam thiên đại thiên thế giới, chư thiên cõi Tứ đại vương cho đến Tịnh cư thiên đều dùng thiên hoa, bột trầm hương đàn từ xa rải lên đức Phật, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên. Và cũng nhờ thần lực của đức Phật nên chư thiên thấy ngàn cõi Phật ở phương Ðông đều có Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, ý nghĩa phẩm loại, danh tự đều đồng như đây. Bí-sô đứng đầu thỉnh hỏi Bát-nhã ba-la-mật-đa đều tên là Thiện Hiện. Đứng đầu Thiên chúng hỏi Bát-nhã ba-la-mật-đa đều tên là Ðế Thích.
Phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên dưới cũng lại như vậy.
Đức Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:
– Đại Bồ-tát Từ Thị khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng ở nơi đây tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chư Phật vị lai trong hiền kiếp này, cũng ở nơi đây tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát Từ Thị khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ dùng các hành tướng trạng của pháp gì để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát Từ Thị khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ dùng sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thường, chẳng phải vô thường để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải thường, chẳng phải vô thường để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải thường, chẳng phải vô thường để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Dùng sắc chẳng phải lạc, chẳng phải khổ để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải lạc, chẳng phải khổ để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải lạc, chẳng phải khổ để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải lạc, chẳng phải khổ để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Dùng sắc chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Dùng sắc chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Dùng sắc chẳng phải buộc, chẳng phải mở để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải buộc, chẳng phải mở để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải buộc, chẳng phải mở để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải buộc, chẳng phải mở để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Dùng sắc chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến dùng trí nhất thiết chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa; dùng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại để tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát Từ Thị khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ chứng pháp gì và nói pháp gì?
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát Từ Thị đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sẽ chứng sắc thanh tịnh rốt ráo và nói sắc thanh tịnh rốt ráo; chứng thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh rốt ráo và nói thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh rốt ráo. Cho đến chứng trí nhất thiết thanh tịnh rốt ráo và nói trí nhất thiết thanh tịnh rốt ráo; chứng trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh rốt ráo và nói trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh rốt ráo.
Cụ thọ Thiện Hiện lại hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa do đâu được thanh tịnh?
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Cho đến trí nhất thiết thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh? Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh? Cho đến vì sao trí nhất thiết thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh? Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Sắc không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên thanh tịnh; sắc thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Cho đến trí nhất thiết không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên thanh tịnh; trí nhất thiết thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Này Thiện Hiện! Hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Hư không không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh nên thanh tịnh. Hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Này Thiện Hiện! Sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Như vậy, cho đến trí nhất thiết không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Như vậy, cho đến vì sao trí nhất thiết không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Sắc không thể nắm giữ nên không nhiễm ô; sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức không thể nắm giữ nên không nhiễm ô; thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Như vậy, cho đến trí nhất thiết không thể nắm giữ nên không nhiễm ô; trí nhất thiết không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không thể nắm giữ nên không nhiễm ô; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Hư không không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao hư không không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Hư không không thể nắm giữ nên không nhiễm ô. Hư không không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Hư không chỉ là lời nói giả nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao hư không chỉ là lời nói giả nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Như nương vào hư không mà có tiếng vang hiện hữu, chỉ là lời nói giả. Chỉ là lời nói giả nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Hư không không thể nói nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao hư không không thể nói nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Sự của hư không không thể nói được, nên không thể nói. Do đó nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Hư không không thể đắc nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao hư không không thể đắc nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Sự của hư không không đắc được nên không thể đắc. Do đó nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
– Bạch Thế Tôn! Vì sao tất cả pháp không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh?
– Này Thiện Hiện! Tất cả pháp thanh tịnh rốt ráo nên không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Do đó nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà lắng lòng nghe, suy nghĩ, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy như lý và ghi chép, giải thích làm cho lưu bố rộng rãi thì mắt, tai, mũi, lưỡi của họ đều không bị bệnh, thân thể mập mạp, chẳng suy yếu, cũng chẳng chết oan, thường được vô lượng trăm ngàn thiên thần cung kính, vây quanh theo dõi bảo hộ. Vào ngày mồng tám, ngày mười bốn và ngày rằm của tháng có trăng và không trăng, các thiện nam tử, thiện nữ này đọc tụng, tuyên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa, thiên chúng của Tứ đại vương cho đến Tịnh cư thiên đều đến chỗ Pháp sư này nghe và thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhờ đọc tụng, tuyên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa trong vô lượng đại tập hội, nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn này được vô lượng, vô số, vô biên công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường.
– Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa đây, lắng lòng nghe, suy nghĩ, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy như lý và ghi chép, giải thích làm cho lưu bố rộng rãi thì mắt, tai, mũi, lưỡi của họ đều không bị bệnh, thân thể mập mạp, chẳng suy yếu, cũng chẳng chết oan, thường được vô lượng trăm ngàn thiên thần cung kính, vây quanh theo dõi bảo hộ; trong sáu ngày trai, các thiện nam tử, thiện nữ này đọc tụng, tuyên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa, thiên chúng của Tứ đại vương cho đến Tịnh cư thiên đều đến chỗ Pháp sư này nghe và thọ trì Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhờ đọc tụng, tuyên nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa trong vô lượng đại tập hội, nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn này được vô lượng, vô số, vô biên công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, không thể tính lường. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là của báu lớn.
Do Bát-nhã ba-la-mật-đa là của báu lớn nên làm cho vô lượng, vô số hữu tình ra khỏi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; vô lượng, vô số, vô biên trời, rồng, Dược-xoa, nhơn phi nhơn (người chẳng phải người) thoát khỏi những hoạn nạn nghèo khổ; vô lượng, vô số, vô biên loài hữu tình: Đại tộc Sát-đế-lợi, đại tộc Bà-la-môn, đại tộc Trưởng giả, đại tộc Cư sĩ được giàu sang, an vui; vô lượng, vô số, vô biên loài hữu tình: Thiên chúng của Tứ đại vương cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ được giàu sang, an vui; vô lượng, vô số, vô biên loài hữu tình: Quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Ðộc giác Bồ-đề và Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Bồ-đề được tự tại an vui. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này rộng nói khai thị mười thiện nghiệp đạo; bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; pháp nội Không cho đến vô tính tự tính Không; mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Vô lượng công đức quý báu như vậy. Vô lượng, vô số hữu tình tu học trong đó, được sanh vào đại tộc Sát-đế-lợi, đại tộc Bà-la-môn, đại tộc Trưởng giả, đại tộc Cư sĩ. Vô lượng, vô số hữu tình tu học trong đó được sanh lên làm thiên chúng cõi Tứ đại vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vô lượng, vô số hữu tình tu học trong đó đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán. Vô lượng, vô số hữu tình tu học trong đó được quả Ðộc giác Bồ-đề. Vô lượng, vô số hữu tình tu học trong đó được nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, được chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Này Thiện Hiện! Nhờ vậy, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa được gọi là Ðại bảo tạng. Công đức quý báu của thế gian và xuất thế gian đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà xuất hiện.
Thiện Hiện! Ðại bảo tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng nói một chút pháp nào là hữu sanh, hữu diệt, hữu nhiễm, hữu tịnh, hữu thủ, hữu xả. Vì sao? Vì không có một chút pháp nào là có sanh, có diệt, có nhiễm, có tịnh, có thủ, có xả.
Này Thiện Hiện! Trong Ðại bảo tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, không nói có pháp thiện, phi thiện, hữu ký, vô ký, thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi. Do đó, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế được gọi là vô sở đắc Ðại pháp bảo tạng.
Này Thiện Hiện! Trong Ðại bảo tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng nói có một chút pháp nào là thường nhiễm ô. Vì sao? Vì không có một chút pháp nào có thể nhiễm ô, nên cũng không có một chút pháp nào có thể nhiễm Ðại pháp bảo tạng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì pháp thường nhiễm ô bất khả đắc.
Thiện Hiện! Do đó, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa được gọi là vô nhiễm ô Ðại pháp bảo tạng.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu khi Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không có tưởng, không có phân biệt, không có đắc, không hý luận như vầy: Ta thường tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì Đại Bồ-tát này mới là như thật tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, và cũng thường gần gũi lễ lạy chư Phật. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, thường cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán chư Phật. Khi dạo đến cõi Phật, khéo dùng tướng kia để nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình, và tu các hạnh Đại Bồ-tát, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Thiện Hiện! Đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế chẳng có tự tại cũng chẳng phải không có tự tại, không lấy, không bỏ, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh, không thêm, không bớt.
Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, không đến cõi Dục, không bỏ cõi Dục, không trụ cõi Dục; không đến cõi Sắc, không bỏ cõi Sắc, không trụ cõi Sắc; không đến cõi Vô sắc, không bỏ cõi Vô sắc, không trụ cõi Vô sắc.
Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, đối với bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa không cho cũng không bỏ. Ðối với pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không cũng không cho, không bỏ. Ðối với bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo không cho, cũng không bỏ. Ðối với mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không cho, cũng không bỏ. Đối với quả Dự lưu cho đến Ðộc giác Bồ-đề không cho, cũng không bỏ. Đối với Chánh tánh ly sanh của các Bồ-tát cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không cho, cũng không bỏ. Đối với trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không cho, cũng không bỏ.
Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với pháp Dị sanh không cho, cũng không bỏ. Ðối với pháp Dự lưu cho đến pháp A-la-hán không cho, cũng không bỏ. Ðối với pháp Ðộc giác không cho, cũng không bỏ. Ðối pháp Bồ-tát không cho, cũng không bỏ. Ðối với pháp chư Phật không cho, cũng không bỏ.
Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không cho pháp Thanh văn, không bỏ pháp Dị sanh; không cho pháp Ðộc giác, không bỏ pháp Thanh văn; không cho pháp chư Phật, không bỏ pháp Ðộc giác; không cho pháp vô vi, không bỏ pháp hữu vi. Vì sao? Vì Như Lai xuất thế hay không xuất thế, các pháp ấy thường không biến đổi, pháp tánh, pháp giới, pháp định, pháp trụ cũng không khác.
Khi ấy, vô lượng trăm ngàn Thiên tử trụ trong hư không hớn hở vui mừng, dùng nhiều thứ hoa trời như: Hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa vi diệu âm và các bột hương tung lên đức Phật, và cùng vui vẻ xướng: Ngày nay, chúng ta ở châu Thiệm-bộ, thấy đức Phật chuyển bánh xe diệu pháp, trong đó có vô lượng trăm ngàn Thiên tử nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, đều chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
– Này Thiện Hiện! Bánh xe pháp như thế chẳng phải quay lần thứ nhất, cũng chẳng phải quay lần thứ hai. Vì sao? Vì đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không bị chuyển, nên không bị hoàn diệt, xuất hiện ở thế gian chỉ vì các pháp không có tánh, tự tánh rỗng không.
Cụ thọ Thiện Hiện hỏi:
– Bạch Thế Tôn! Vì các pháp nào vô tính tự tính Không, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với các pháp không bị chuyển, cũng không bị hoàn diệt, xuất hiện ở thế gian.
Đức Phật đáp:
– Này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa, tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa là không; cho đến bố thí Ba-la-mật-đa, tánh bố thí Ba-la-mật-đa là không. Do pháp nội Không, tánh pháp nội Không là không, cho đến pháp vô tính tự tính Không, tánh pháp vô tính tự tính Không là không. Bốn niệm trụ, tánh bốn niệm trụ là không, cho đến tám chi thánh đạo, tánh tám chi thánh đạo là không. Mười lực Phật, tánh mười lực Phật là không, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, tánh mười tám pháp Phật bất cộng là không. Trí nhất thiết, tánh trí nhất thiết là không. Trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là không. Dị sanh tánh, tánh Dị sanh tánh là không. Quả Dự lưu, tánh quả Dự lưu là không, cho đến quả A-la-hán, tánh quả A-la-hán là không. Ðộc giác Bồ-đề, tánh Ðộc giác Bồ-đề là không. Tất cả hạnh Bồ-tát, tánh tất cả hạnh Bồ-tát là không. Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, tánh Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật là không.
Này Thiện Hiện! Vì các pháp đó không có tánh, tự tánh rỗng không nên Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với tất cả pháp, không bị lưu chuyển cũng không bị hoàn diệt mà xuất hiện ở thế gian.
Khi ấy, Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa:
– Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế của các Đại Bồ-tát là đại Bát-nhã ba-la-mật-đa, thông đạt được tự tánh không của tất cả pháp. Tuy đạt được tự tánh không của tất cả pháp nhưng các Đại Bồ-tát vẫn nương Bát-nhã ba-la-mật-đa này để chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển bánh xe diệu pháp, độ vô lượng chúng sanh. Tuy chứng Bồ-đề nhưng không có chỗ chứng, vì pháp chứng hay chẳng chứng không thể đắc. Tuy chuyển bánh xe pháp, nhưng không có chỗ, vì pháp lưu chuyển, pháp hoàn diệt không thể đắc. Tuy độ hữu tình nhưng không có chỗ độ, vì pháp thấy hay không thấy không thể đắc.
Bạch Thế Tôn! Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, việc chuyển bánh xe pháp đều không thể đắc, vì tất cả pháp vốn không sanh nên năng chuyển sở chuyển đều không thể đắc. Vì sao? Vì trong pháp không, vô tướng, vô nguyện không có pháp năng lưu chuyển, năng hoàn diệt, nên pháp tánh lưu chuyển, hoàn diệt không thể đắc.
Bạch Thế Tôn! Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này thường tuyên thuyết, khai thị phân biệt rõ ràng như thế, làm cho dễ ngộ nhập thì gọi là khéo thanh tịnh thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trong đây đều không có người nói, người thọ và pháp được nói. Ðã không có người nói, người thọ và pháp, nên những người năng chứng cũng bất khả đắc. Không có người chứng nên cũng không có người đắc được Niết-bàn. Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này, khéo thuyết pháp thì cũng không có phước điền, vì người thí, người nhận và vật thí đều là tánh Không. Phước điền không, nên phước cũng là tánh không. Biểu tướng, danh ngôn đều bất khả đắc. Vì thế nên gọi là Ðại Ba-la-mật-đa.