Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Hội thứ hai 32. Phẩm Công Đức



Bấy giờ, chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh trong Tam thiên đại thiên thế giới đồng thanh thưa với trời Ðế Thích:

– Thưa Ðại Tiên! Ðối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này cần phải thọ trì, cần phải đọc tụng, cần phải tinh tấn siêng năng tu học, cần phải suy nghĩ đúng lý, cần phải cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì cớ sao?

Thưa Ðại Tiên! Vì nếu trọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, thì khiến cho tất cả ác pháp tổn giảm, thiện pháp tăng thêm; cũng khiến cho tất cả chúng trời tăng thêm ích lợi, các A-tố-lạc tổn giảm; cũng khiến cho Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn chẳng diệt; cũng khiến cho tất cả hạt giống Phật, Pháp, Tăng chẳng dứt.

Thưa Ðại Tiên! Phải biết do hạt giống Tam bảo chẳng dứt tuyệt, nên thế gian mới có bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc có nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc có bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc có tất cả môn Tam-ma-địa, môn Ðà-la-ni; hoặc có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; hoặc có quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán; hoặc có Ðộc giác Bồ-đề; hoặc có hạnh Đại Bồ-tát; hoặc có Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Vì vậy, thưa Ðại Tiên! Ðối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây phải nên thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.

Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích rằng:

– Này Kiều-thi-ca! Ðối với Bát-nhã-Ba-la-mật-đa đây, ông nên thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì nếu A-tố-lạc và đồng đảng của họ nghĩ như vầy: Chúng ta phải giao chiến với quân của trời Ðế Thích. Khi ấy, chư thiên quyến thuộc các ông đều nên chí thành tụng niệm Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen thì tức thời A-tố-lạc và các bè lũ ác khởi tâm xấu liền bị tiêu diệt.

Này Kiều-thi-ca! Nếu khi năm tướng suy các thiên tử hoặc các thiên nữ hiện ra, tâm họ kinh hoàng sợ đọa ác thú thì chư thiên quyến thuộc các ông nên đứng trước kẻ ấy chí thành tụng niệm Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế. Khi ấy, thiên tử hoặc thiên nữ kia nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, vì sức căn lành đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây sanh lòng tịnh tín, nên năm tướng suy ẩn mất, thân ý thư thái. Nếu mạng chung thì sanh trở lại bản xứ, hưởng sự giàu sang vui thú của cõi trời gấp bội hơn trước. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì nghe và tin Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên công đức uy lực rất rộng lớn vậy.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc các thiên tử và các thiên nữ đã một lần nghe qua Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, nhờ sức căn lành này nên quyết định sẽ lần lượt chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì quá khứ, vị lai, hiện tại, chư Phật và các đệ tử đều học Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề, vào cõi Vô dư y Niết-bàn. Vì cớ sao?

Này Kiều-thi-ca! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế thu nhiếp tất cả pháp phần Bồ-đề. Hoặc pháp chư Phật, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Ðộc giác, hoặc pháp Thanh văn đều được thu nhiếp trọn vẹn đầy đủ.

Bấy giờ, trời Ðế Thích thưa Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã-Ba-la-mật-đa như thế là Ðại thần chú, là Ðại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú, là vua tất cả chú, tối tôn tối thắng, tối thượng tối diệu, có thể hàng phục tất cả, chẳng bị tất cả hàng phục. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn! Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế có thể trừ tất cả pháp ác bất thiện, thu nhiếp tất cả thiện pháp thù thắng.

Bấy giờ, Phật bảo trời Ðế Thích:

– Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều nhân nơi Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề, quay bánh xe pháp vi diệu, độ vô lượng chúng. Vì nương nhờ Ðại thần chú vương Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nên thế gian mới có mười thiện nghiệp đạo; hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, định pháp, trụ pháp, bất tư nghì giới; hoặc bốn Thánh đế; hoặc năm nhãn, sáu thần thông; hoặc quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán; hoặc Ðộc giác Bồ-đề; hoặc các hạnh Đại Bồ-tát; hoặc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề Phật; hoặc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nhờ nương vào Đại Bồ-tát, nên thế gian mới có mười thiện nghiệp đạo cho đến trí nhất thiết tướng. Ví như nương vào mặt trăng tròn đầy nên các ngôi sao… đều được thêm ánh sáng. Cũng vậy, nhờ nương vào các Đại Bồ-tát nên mười thiện nghiệp đạo cho đến trí nhất thiết tướng mới được hiển rõ. Như khi các Ðức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác chưa ra đời, chỉ có Đại Bồ-tát là có đầy đủ các môn phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình mà tuyên nói tất cả pháp thế gian, xuất thế gian không sai trái. Các phương tiện thiện xảo của Đại Bồ-tát đều được sanh trưởng từ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này.

Các Đại Bồ-tát thành tựu sức phương tiện thiện xảo nên hay hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hay hành nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hay hành bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Các Đại Bồ-tát này chẳng chứng Thanh văn và bậc Ðộc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thu nhiếp đầy đủ, thọ lượng viên mãn, cõi Phật viên mãn, quyến thuộc viên mãn, vật chất viên mãn, sắc lực viên mãn, cho đến chứng được trí nhất thiết tướng là đều do Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được thành thục.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì sẽ thành tựu được công đức thù thắng trong hiện tại, vị lai.

Khi ấy, trời Ðế Thích liền bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này thành tựu công đức thù thắng trong hiện tại và vị lai như thế nào?

Phật dạy:

– Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử thiện nữ nhân này, hiện tại chẳng bị độc dược làm hại, chẳng bị đao binh làm thương tổn, chẳng bị lửa đốt cháy, chẳng bị nước cuốn chìm cho đến chẳng bị bốn trăm lẻ bốn bệnh làm chết yểu, ngoại trừ định nghiệp đời trước nên hiện tại phải chịu.

Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này, nếu gặp phải việc quan, oán tặc ép ngặt, mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, thì khi ấy quyết chẳng bị khiển phạt gia hại. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì pháp uy đức thế lực của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế khiến cho như vậy.

Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này, nếu muốn đến các chỗ của quốc vương, vương tử, đại thần, mà chí tâm tụng niệm Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế thì quyết được vua… vui mừng hỏi han, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân này thường phát khởi lòng từ bi hỷ xả đối với các hữu tình. Này Kiều-thi-ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này thường được thành tựu các loại công đức hiện tại như thế.

Này Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân…nào, đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử thiện nữ nhân… này, sanh bất cứ nơi nào cũng không bao giờ xa lìa mười thiện nghiệp đạo; hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, định bốn vô sắc; hoặc bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc tất cả môn Tam-ma-địa, môn Đà-la-ni; hoặc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chẳng đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ giới; ngoại trừ nguyện sanh vào đó để thành thục hữu tình. Sanh bất cứ nơi đâu, các thiện nam tử, thiện nữ nhân này, các căn đầy đủ, thân thể không khuyết, hẳn chẳng sanh vào nhà bần cùng hạ tiện, thợ thuyền tạp loại, thợ thịt, đánh cá, săn bắn, đạo tặc, quan ngục và hạng khiêng gánh thây chết, hoặc tộc hèn nông phu, buôn bán. Sanh bất cứ nơi đâu, các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này cũng có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp viên mãn trang nghiêm, tất cả hữu tình nhìn thấy đều vui mừng, phần nhiều sanh trong cõi nghiêm tịnh có Phật, hóa sanh từ hoa sen, chẳng gây nghiệp ác, thường chẳng xa lìa thần thông của Bồ-tát; tùy theo tâm nguyện dạo các cõi Phật, từ cõi Phật này đến cõi Phật kia, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, lắng nghe Chánh pháp, như thuyết tu hành, dần dần chứng được trí nhất thiết trí.

Này Kiều-thi-ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhân này sẽ thành tựu các loại công đức vị lai như thế. Vì vậy nên Kiều-thi-ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn được công đức thù thắng hiện tại vị lai như thế, cho đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ-đề thì phải thường chẳng lìa tâm trí nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh tấn siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp; lại đem các vật thượng diệu như: tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, chuỗi anh lạc, cờ phướn, lọng báu, các loại trân châu vi diệu quý hiếm, kỹ nhạc, đèn sáng mà cúng dường.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.