Kinh Bát Đại Nhân Giác giảng giải

Phần kết



Chánh văn:

Như thử bát sự,

Nãi thị chư Phật,

Bồ-tát đại nhân,

Chi sở giác ngộ,

Tinh tiến hành đạo,

Từ bi tu tuệ,

Thừa pháp thân thuyền,

Chí Niết-bàn ngạn,

Phục hoàn sanh tử,

Độ thoát chúng sanh.

***

Dĩ tiền bát sự,

Khai đạo nhất thiết,

Linh chư chúng sanh,

Giác sanh tử khổ,

Xả ly ngũ dục,

Tu tâm Thánh đạo.

***

Nhược Phật đệ tử,

Tụng thử bát sự,

Ư niệm niệm trung,

Diệt vô lượng tội,

Tiến thú bồ-đề,

Tốc đăng chánh giác,

Vĩnh đoạn sanh tử,

Thường trụ khoái lạc.

Dịch:

Tám điều như thế dạy qua,

Chính hàng Bồ-tát cùng là Thế Tôn,

Đã từng giác ngộ lẽ chân,

Tiến tu đạo hạnh vô ngần từ bi.

Đốt đèn trí tuệ phá si,

Pháp thân thuyền quí dạo đi Niết-bàn.

Trở vào sanh tử thanh nhàn,

Chúng sanh độ thoát an toàn vui lây.

***

Lại dùng tám việc trước này,

Mở đường khai lối dắt dìu chúng sanh.

Khiến cho hết thảy biết rành,

Tử sanh khổ não đừng manh chớ mờ.

Xa lìa năm dục đục lờ,

Tâm tu đạo Thánh không giờ nào quên.

***

Nếu là Phật tử phải nên,

Tám điều như thế hằng đêm tụng hoài.

Ở trong mỗi niệm hằng ngày,

Bao nhiêu tội lỗi diệt rày sạch trơn.

Bồ-đề hoa báu nhẹ thơm,

Trên bờ chánh giác gót chân giẫm liền.

Hằng lìa sanh tử lưu linh,

Thường vui yên ổn tâm tình tiêu tan.

Giảng:

Như thử bát sự,

Nãi thị chư Phật,

Bồ-tát đại nhân,

Chi sở giác ngộ,

Tinh tiến hành đạo,

Từ bi tu tuệ,

Thừa pháp thân thuyền,

Chí Niết-bàn ngạn.

Chư Phật và Bồ-tát, hàng đại nhân được giác ngộ là do tinh tấn tu hành, phát tâm tu hạnh từ bi cứu giúp chúng sanh. Các ngài luôn luôn thắp lên ngọn đuốc trí tuệ nơi tâm mình, để phá trừ si mê mờ tối, kết quả là ngộ được Pháp thân chứng Niết-bàn. Nên nói ngồi thuyền Pháp thân đến bờ Niết-bàn. Đó là phần thứ nhất, chư Phật và Bồ-tát y cứ nơi tám điều này, mà tinh tấn tu hành ngộ Pháp thân chứng Niết-bàn.

Phục hoàn sanh tử,

Độ thoát chúng sanh,

Dĩ tiền bát sự,

Khai đạo nhất thiết,

Linh chư chúng sanh,

Giác sanh tử khổ,

Xả ly ngũ dục,

Tu tâm Thánh đạo.

Sau khi Phật và Bồ-tát đã ngộ Pháp thân chứng Niết-bàn giải thoát, các ngài khởi bi nguyện trở lại trong sanh tử, để giáo hóa cứu độ chúng sanh. Tuy cũng lăn lộn trong sanh tử, nhưng các ngài không vì nghiệp hoặc dẫn dắt, mà vì lòng từ bi khởi nguyện cứu độ chúng sanh, nên các ngài ra vào trong sanh tử rất tự tại, không bị phiền não khổ đau bức bách. Lúc giáo hóa, các ngài cũng dùng tám điều giác ngộ đã nêu, để mở đường dẫn lối cho chúng sanh thấy rõ cái khổ của sanh tử luân hồi, để xả bỏ năm món dục lạc thế gian, lo tu Thánh đạo. Đây là phần thứ hai là phần giáo hóa chúng sanh của hàng Bồ-tát.

Nhược Phật đệ tử,

Tụng thử bát sự,

Ư niệm niệm trung,

Diệt vô lượng tội,

Tiến thú bồ-đề,

Tốc đăng chánh giác,

Vĩnh đoạn sanh tử,

Thường trụ khoái lạc.

Phần thứ ba nói: Người đệ tử chân chánh của Phật, mỗi niệm mỗi niệm hằng nhớ tám điều giác ngộ này. Nhờ mỗi niệm hằng nhớ đến tám điều giác ngộ, mà không nhớ tưởng điều gì khác, do đó không tạo tác nghiệp nhân ác, nên tội lỗi theo đó mà dứt. Tại sao? – Vì tâm không còn nghĩ đến tư lợi, không nghĩ đến điều hại người hại vật. Lúc nào cũng nhớ nghĩ đến việc tu hành, thường xuyên tỉnh giác, nghĩ nhớ thương chúng sanh tìm phương thế để cứu độ. Người sống được như vậy thì sẽ tiến đến quả Bồ-đề, chóng thành tựu quả Phật. Khi đã đoạn lìa sanh tử vĩnh viễn thì thường được ở trong cảnh an tịnh vui vẻ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.