Một hôm, Vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị Tăng tên Đức Thành, người nhà Tống, hỏi:
Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ, độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào?
Vua đáp:
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện,
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Tăng hỏi:
Chưa rời cung, chưa ra đời đã được chỉ dạy.
Đã rời cung, đã ra đời việc thế nào?
Vua đáp:
Mây sanh đảnh núi toàn màu trắng,
Nước đến Tiêu Tương một dáng trong.
Tăng hỏi:
Mưa tạnh sắc núi sáng,
Mây đi trong động ngời.
Vì sao ẩn hiển như một?
Vua đáp:
Trừ người quả thật con ta đó,
Ai kẻ bạo chân vào đường này.
Tăng hỏi:
Xưa nay không lối khác,
Người đạt cùng chung đường.
Bệ hạ có nhận chỉ Thế Tôn đắc đạo chăng?
Vua đáp:
Mưa xuân không cao thấp,
Cành hoa có ngắn dài.
Tăng hỏi:
Người người vốn tự người người đủ,
Mỗi mỗi xưa nay mỗi mỗi tròn.
Vì sao Thế Tôn vào núi tu hành?
Vua đáp:
Kiếm vì bất bình mở hộp báu,
Thuốc do trị bệnh ra khỏi bình.
Tăng hỏi:
Trong mắt thôi để bụi,
Trên thịt chớ khoét thương.
Trên phần người học có tu chứng không?
Vua đáp:
Nước chảy xuống non đâu có ý,
Mây bay qua núi vốn không tâm.
Tăng im lặng.
Vua nói:
Chớ bảo không tâm đây là đạo,
Không tâm còn cách một lớp rào.
Tăng thưa:
Nơi tâm đã không, nói gì là một lớp rào?
Vua đáp:
Nước chảy xuống non đâu có ý,
Mây bay qua núi vốn không tâm.
Tăng không đáp được.