Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên thiền sư Vĩnh Gia nói: “Ai vô niệm? Ai vô sanh?”, là nghĩa này vậy.
Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp. Song người trí có ba bậc:
Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm.
Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.
Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn thường lạc ngã tịnh là Phật đạo vậy.
Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được Bồ-đề, cũng vào quả Phật.
Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy. Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó. Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân. Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy. Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.
Người học thời nay, đã được thân người, ba nghiệp đồng có, mà chẳng dùng niệm Phật, cầu sanh về cõi Phật, đâu chẳng khó sao? Như muốn niệm Phật, tức lấy bậc hạ trí làm trước. Tại sao? Vì có chú ý vậy. Ví như xây đài ba tầng, mà chẳng dùng tầng dưới làm trước thì không thể có vậy.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |