Khóa Hư Lục

Bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam



Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.” Nên biết, giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.

Vả lại, thuở Trẫm còn niên thiếu có chút ít hiểu biết, vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh; nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý hồi hướng đã nảy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.

Năm mười sáu tuổi, Thái hậu đã chán cõi đời, Trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà. Lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề, khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ, công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan thịt nát vẫn chưa đủ đáp đền trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh, không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo trên đã không còn cha mẹ để tựa nương, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại, chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí Trẫm đã quyết định.

Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1236), Trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ.” Bấy giờ, tả hữu theo Trẫm không quá bảy tám người. Giờ Hợi đêm ấy, Trẫm cỡi một ngựa lặng lẽ ra đi, sang sông, thẳng về hướng đông, mới nói thật lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ Mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, Trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối, vào nghỉ chùa tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt, không thể tiến lên được; Trẫm bèn bỏ ngựa, vin vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị Đại Sa-môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy Trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:

– Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng, mặt gầy, ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay, Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây?

Trẫm nghe nói hai hàng nước mắt tự tràn, đáp lại Sư rằng:

– Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân, không chỗ nương tựa. Lại nghĩ, sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác.

Sư bảo:

– Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.

Bấy giờ, ông chú Trần Công – người em họ mà tiên quân gởi gắm đứa con côi, sau khi tiên quân bỏ thế gian và quần thần, Trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chánh – nghe tin Trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích, rồi cùng người trong nước lên đến núi này. Gặp Trẫm, ông thống thiết nói:

– Thần nhận sự ủy thác của tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi ở Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả, Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Mà nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa mãn chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời sau, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về.

Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ Trẫm, liền đem lời này tỏ bày với Quốc sư. Quốc sư cầm tay Trẫm bảo:

– Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song, phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng.

Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa… đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”. Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:

– Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.

Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhân đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.