Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục

Sư Ra Trụ Trì Dựng Lập Chùa Nguyệt Đường



Khoảng cuối năm Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa (1700) Sư đã bảy mươi tuổi, xét thấy việc đời vô thường, tỏ ngộ thân căn không lâu bền, một lòng nghĩ nhớ muốn xây dựng ngôi Tam Bảo, nhóm họp kẻ Tăng người tục để kéo dài về sau, đèn đèn tiếp nối mãi không dứt. Một hôm Sư gặp bà Thị nội cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân ở phủ Chúa trước kia đến thỉnh qua trụ trì chùa Nguyệt Đường, để trùng tu mở mang cho ngôi chùa trang nghiêm trở lại. Đức Bà nội cung thưa với Chúa cúng ba dật bạc (60 lạng) lại khuyên thêm quan Trấn thủ tước Quận công hỉ cúng mười quan tiền.

Sư lên trụ trì chùa Nguyệt Đường ngày đêm nhóm họp, thiền đồ xa gần tựu về. Hàng pháp tử xuất gia thọ giáo, trường trai tu hành, tinh thông kinh luật thuộc hàng chữ “Chân” khoảng bảy mươi người, hàng cư sĩ thuộc chữ “Chân” thì rất nhiều, còn hàng cư sĩ thuộc chữ “Như” số không kể hết. Nhân đây Sư xây dựng lại thượng điện, gồm ba gian hai chái rất khang trang. Bên trong có chín pho tượng Tam Thế Phật toàn bằng vàng, mười hai tượng Tứ Thánh, bốn tòa Tứ Đại Thiên Vương, mỗi tòa ba tượng bằng gỗ phết sơn, hai tượng Thiên Chủ bằng gỗ. Sư lại cất hai ngôi tiền đường, mỗi ngôi năm gian, bên trái có tượng Địa Tạng bằng gỗ, bên phải có tượng Di-lặc bằng đồng, lại có một tượng Tề Thiên Đại Thánh bằng gỗ, hai bên trái và phải phía ngoài có hai tượng Hộ Pháp bằng gỗ. Lại cất hai ngôi hậu đường, mỗi ngôi năm gian, bên trong có tượng mười tám vị La-hán bằng gỗ phết sơn, giữa có tượng Phật Mẫu Chuẩn-đề ba mắt, mười tám tay bằng gỗ, hai tượng Thánh tăng và Thổ địa, sáu tượng Lục Phủ Thần Vương bằng gỗ phết sơn năm màu, hai dãy nhà hai bên bằng ngói xếp chồng đồ sộ, mỗi bên chín gian. Phía trước dãy bên trái có hai ngôi Nghi Đàn Dược Sư, bên trong giữa nóc nhà có cửa thông gió (thiên tỉnh), ngoài chạy bát vận, trên treo ba ngàn vị Hóa Phật hình dáng người Ấn, giữa có tượng bảy đức Phật bằng đồng, hai hàng mười vị Đại Bồ-tát, mười hai vị Dược Xoa, mỗi tượng đều bằng đồng thân tướng đoan nghiêm.

Phía trước bên phải có ba đài Cửu Phẩm Liên Hoa, tầng trên chồng mái, dưới giáp vòng bát vận, giữa nổi bật lên chín phẩm hoa sen chia ra làm chín tầng, mỗi tầng tám mặt, mỗi mặt ba tượng, phía trên có lọng báu rủ xuống, dưới đất nổi lên sen vàng, hai bên là tranh vẽ cảnh Tây phương với rất nhiều Thánh tượng, bốn góc có vị Thần vương Đại Hộ Pháp thân cao tám thước (khoảng 2,6m) rất uy nghi, trang nghiêm, phía sau có tượng Địa Tạng bằng đồng. Lại có ba tượng Tam Tổ bằng gỗ quí, một tượng Thiên Chủ ba cõi toàn bằng vàng, tượng Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, lại có hai hàng tượng Phật bằng gỗ ở phía sau.

Phía sau bên phải có ngôi đàn Đại Bi năm gian, hai chái, bên trong có tượng Phật bốn mươi hai cánh tay, làm đài sen rất đẹp. Phía Đông Bắc có một ngôi nhà trù bát vận ba gian, phía Tây Nam có một ngôi nhà chứa kinh cũng ba gian bát vận, bảy ngôi Tăng đường vây quanh giáp vòng, một ngôi ngay giữa ba gian bằng gạch. Trong chùa thì bốn phía vách gạch, hành lang gạch xám tro. Ngoài chùa bốn góc toàn bằng gạch Bát thiết quí giá.

Lại có hai tòa nghi môn ở hai bên, mỗi tòa ba gian, chồng lớp hai tầng dùng làm gác khánh, gác mai. Hai ngôi Tổ đường hai bên, mỗi ngôi ba gian bát vận, chồng mái, bên trong có khám thờ cùng tượng hai vị Tổ. Một ngôi bảo tháp Tổ sư ở bên trái cao hai mươi mốt thước (khoảng 6m93). Một bảo tháp Tôn sư bên phải cao hai mươi lăm thước (khoảng 8m25) mỗi tháp đồng có tượng sư tử ở bệ đá phía dưới hai bên. Một cổng tam quan ở con đường trước chùa, lầu gác trên dưới, ba gian bát vận toàn dùng gạch Bát thiết.

Núi bên trái có gác chuông, tầng trên treo một cái hồng chung rộng hai thước (0m66), tầng dưới treo một đại hồng chung rộng ba thước năm tấc (1m15). Núi bên phải có lầu trống đối lại, trong đặt một cái trống to, bề mặt rộng ba thước (0m99). Thềm phía dưới bằng gạch Bát thiết bằng phẳng. Trước chùa có tường bao quanh, trang trí hoa văn. Con đường hai bên phải và trái dùng toàn gạch Bát thiết. Trong ngoài vườn cảnh, cây cối, hoa quả tươi tốt, trước sau sắp bày hàng lối như lọng che.

Niên hiệu Bảo Thái (1720-1729), một hôm vua Lê Dụ Tông thỉnh Sư vào nội điện lập đàn cầu tự ba ngày đêm. Sư cảm thán:

– Thái Công tám mươi tuổi gặp Văn Vương!

Lúc này Sư tám mươi tuổi.

Vua hỏi đạo: 

– Trẫm nghe nói Lão sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.

Sư tâu:

– Xin bệ bạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,
Thẩm sát tư duy tử tế khan.
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.

Dịch:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình,
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh.
Trong mộng tìm chi người tri thức,
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.

Vua lại hỏi:

– Thế nào là ý Phật ý Tổ?

Sư đáp:

Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

Nhạn bay trên không,
Bóng chìm đáy nước.
Nhạn không ý để dấu,
Nước không tâm lưu bóng.

Vua khen ngợi:

– Lão sư thông suốt thay.

Vua lại hỏi:

– Phật đối với chúng sanh có ân đức gì đến nỗi khiến Lão sư bỏ vua, bỏ cha mẹ, vợ con theo thờ làm Thầy?

Sư đáp:

– Phật đối với chúng sanh thì ân quá trời đất, sáng hơn mặt trời mặt trăng, đức vượt cha mẹ, nghĩa qua cả vua tôi.

Vua hỏi:

– Trời đất, mặt trời, mặt trăng có đủ công tạo hóa; cha mẹ vua tôi có đủ đức sanh thành. Vì sao nói Phật đều vượt qua những thứ này?

Sư tâu:

– Trời chỉ hay che mà chẳng hay chở, đất chỉ hay chở mà chẳng hay che, mặt trời soi ban ngày mà chẳng soi ban đêm, mặt trăng ban đêm sáng mà ban ngày tối; cha chỉ hay sanh chẳng hay dưỡng, mẹ chỉ hay dưỡng chẳng hay sanh; vua có đạo thì tôi trung, vua không đạo thì tôi nịnh, suy theo đó thì đức chẳng toàn. Đức của Phật đối với chúng sanh thì chẳng vậy. Luận về che thì khắp bốn loài sanh, luận về chở thì sáu đường đều được chở, luận về sáng thì soi sáng cả mười phương, luận về tỏ thì tỏ rực cả ba cõi, luận về từ thì vớt lên khỏi biển khổ, luận về bi thì cứu ra chỗ tối tăm, luận về Thánh thì vua trong các Thánh, luận về thần thì sáu thông tự tại. Do đó cứu khắp cả người còn kẻ mất, dẫn dắt hết kẻ quí người tiện, kính mong Bệ hạ để tâm kính ngưỡng!

Vua vui vẻ nói:

– Ân Phật như thế, ngoài Thầy ra khó ai nói rõ, trẫm xin ngay đời này kính ngưỡng.

*

Tháng sáu năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh (1714) Sư đã tám mươi bảy tuổi.

*

Chúa Trịnh Cương (Hi Tổ) đến thăm chùa và hỏi thăm lai lịch của Sư. Sư trình bày lai lịch cớ sự trước sau, đã hưởng lộc Chúa qua ba triều. Chúa hoan hỉ cúng một ngàn quan tiền trước Phật và đề bài thơ:

Danh lam từng trải đã hay danh,
Trình độ này âu hợp chốn Trình.
Pháp giới chăm chăm tuyên diệu pháp,
Kinh lâu rờ rỡ diễn chân kinh.
Công nhiều nhờ có công vô lượng,
Thế thuận vầy nên thế hữu tình.
Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy,
Lòng thiền tua cẩn chốn thiền quynh.

Một hôm, quan Trấn thủ Quốc lão trí sĩ Ưng quận công đến thưởng ngoạn chùa Nguyệt Đường, vịnh bài thơ:

Xuân hoa nhân vọng mộc thiều dương,
Hạ nhật giai nhân thưởng Nguyệt Đường.
Lão bá đình tiền trương thúy cái,
Nộn hà lam ngoại tiến kỳ hương.
Băng tâm trì ấn tuyên kinh dũng,
Thiết diện tuần tường vọng đạo lương.
Cơ chủng hữu tình qui bút để,
Huyền huyền vị đắc nhất thiên trường.

Dịch:

Hoa xuân người ngắm tắm thiều dương,
Ngày rảnh giai nhân thưởng Nguyệt Đường.
Bách lão trước sân giương lọng biếc,
Sen non ngoài ao dâng kỳ hương.
Tâm băng cầm ấn nói kinh mạnh,
Mặt sắt theo tường ngắm đạo lành.
Bao thứ hữu tình về ngọn bút,
Sâu mầu cảm được một thiên trường.

Quan Trấn thủ thường hay đến hỏi đạo, nhân đó Sư làm bài thơ tán:

Hướng minh qui mệnh sự quân vương,
Yết kiến tôn công khánh thọ trường.
Tài dụng kinh luân kiêm đức hạnh,
Ân thi lễ nghĩa quí văn chương.
Ngoại trừ đạo tặc binh dân ái,
Nội dưỡng trinh liêm sĩ tốt cường.
Quyền trấn Nam giao danh tứ hải,
Khuông phò quốc chánh lạc quần phương.

Dịch:

Theo về trời sáng thờ quân vương,
Gặp được ngài đây chúc thọ trường.
Tài đã kinh luân gồm đức hạnh,
Ân vừa lễ nghĩa quí văn chương.
Ngoài trừ giặc trộm dân binh mến,
Trong dưỡng liêm trinh quân sĩ cường.
Quyền trấn vùng Nam danh bốn biển,
Giúp lo trị nước vui các phương.

Sau đó, quan Quốc lão xin Sư lập đàn trai phổ độ bảy ngày đêm, mỗi ngày ông đích thân đem xe chở ba giỏ hương đến, thành tâm niêm hương dâng cúng.

Một hôm, rảnh rang trưởng quan lại mời ba vị thầy thuộc đạo Hòa Lan đồng đi đến chùa Nguyệt Đường cùng Sư đối đáp bàn luận xem thắng bại thế nào. Ba vị đó là Tài Gia, Tài Hữu, Tài Chi. Trưởng quan hỏi bên Đạo một câu, hỏi bên Thích một câu, ba vị thầy bên Đạo ba lần bặt lời không nói được, chỉ còn lại một bên Thích lời lẽ nói ra không cùng. Trưởng quan bảo:

– Đạo chẳng bằng Thích, Hòa Lan dùng lời dối trá dẫn dụ làm cho nghiêng ngả người đời, đó gọi là tà đạo chẳng thật biết nghĩa lý.

Ông lại nói thêm:

– Lời của bên Thích thông suốt chí lý, có sự có tích, pháp bảo không bờ mé, từ đây rõ biết Đạo là dối chẳng chân thật.

Ông liền quay về trình lên Chúa. Qua tám tháng quan Phụng sai đuổi người Hòa Lan về nước họ, chẳng được ở Trấn Hiến.

Lúc này Tăng chúng rất nhiều, chùa mỗi ngày thêm hưng thạnh. Một hôm trời mùa Xuân, Sư rảnh rang ngâm bài thơ:

Tam dương khai thái chuyển hồng quân,
Cửu thập thiều quang sắc sắc tân.
Dạ tĩnh thanh phong điều ngọc lộ,
Nhật tình thụy khí ái từ vân.
Sơn ca lâm thọ hi, kỳ, mỹ,
Bình địa viên hoa phức úc huân.
Xứ xứ nghinh tường ca vạn thọ,
Nhân nhân hòa lạc vịnh thiên xuân.

Dịch:

Tiết xuân thông nở chuyển muôn phương,
Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân.
Đêm yên gió mát sa sương móc,
Ngày sáng khí lành nổi từ vân.
Trên non cây cối ôi đẹp lạ!
Dưới đất vườn hoa thơm ngát hương.
Đón lành chốn chốn ca vạn thọ,
Hòa vui kẻ kẻ vịnh ngàn xuân.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.