Chánh Văn:
Phật là lời nói gọn, nói đủ là Phật-đà (Buddha) dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa là Người Giác Ngộ. Phàm nói Phật là chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni). Trước đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, ở thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) phía Bắc miền Trung Ấn Độ, trong cung vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã sanh một vị Thái tử tên Tất-đạt-đa (Siddhartha). Lớn lên, có dịp Thái tử đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến sự sanh già bệnh chết của kiếp người, khiến Ngài xót xa đau đớn. Sau đó, Ngài quyết định từ bỏ một cuộc đời sang cả trong hoàng cung, dấn thân vào rừng núi để tìm ra con đường giải thoát sanh tử. Trải qua mười một năm trời học đạo và khổ tu, bốn mươi chín ngày tọa thiền dưới cội bồ đề, Ngài bỗng nhiên hoàn toàn giác ngộ, thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Sau khi giác ngộ, Ngài thấy rõ manh mối lôi cuốn con người trôi lăn trong dòng sanh tử và biết tột cùng con đường giải thoát sanh tử. Nói một cách khác, Ngài biết rõ nguyên nhân và thành quả của sanh tử, biết rõ nguyên nhân và thành quả của giải thoát sanh tử, đồng thời Ngài cũng biết rõ sự sanh thành và hoại diệt của mọi sự vật. Cũng gọi sự giác ngộ ấy là “Trí biết tất cả loại” (Nhất thiết chủng trí). Chính trí tuệ này, Ngài đã được viên mãn và cũng đem nó giáo hóa chúng sanh khiến tất cả đều được viên mãn, nên gọi là Phật.
Giảng:
Đoạn trên chúng tôi viết gọn về lịch sử đức Phật. Thật sự lịch sử đức Phật thì không thể nói một cách đơn giản như vậy mà hết. Nhưng ở đây chúng tôi nhắm vào cái then chốt, cái chủ yếu mà nói. Hỏi rằng chúng ta muốn hiểu đức Phật thì những chi tiết Ngài sanh ra như thế nào, rồi được nuôi dưỡng như thế nào v.v… thì những cái đó là phần chi tiết. Còn phần then chốt là tại sao Ngài đi tu? Ngài chán cái gì, sợ cái gì, bực bội cái gì mà đi tu? Cái đó là then chốt. Rồi Ngài tu chứng được cái gì? Biết được cái nhân Ngài đi tu thì mới tìm ra được cái quả, nếu không biết cái nhân thì không làm sao biết được cái quả.
Ở đây chúng tôi chỉ nói thẳng lý do Ngài đi tu. Trong lịch sử kể đầy đủ thì nói rằng: Khi Thái tử lớn lên có gia đình, rồi có được đứa con tên là La Hầu La. Trong khi sống trong cảnh hạnh phúc, vợ đẹp con yêu mà Ngài lại bỏ trốn đi tu. Tại sao Ngài bỏ trốn đi tu? Trong sử có dẫn rằng do bốn phen Ngài đi dạo chơi, mỗi lần đi dạo chơi một cửa thành thì Ngài gặp một hiện tượng khiến cho Ngài phải xót xa đau lòng.
Hiện tượng thứ nhất là Ngài nhìn thấy cuộc sống của kiếp người. Cuộc sống do giành giật giết hại lẫn nhau để có sống. Nói một cách khác, sống bằng cái chết của những loài khác. Một hôm theo vua cha dự lễ hạ điền, Ngài nhìn thấy dưới luống cày có những con dế con trùn bị xốc lên, rồi bị những con chim, con quạ lại mổ nuốt. Loài này sống bằng cái chết của những loài kia. Cho đến những người nông phu phải cực khổ vất vả mới làm ra được miếng cơm v.v… những cuộc sống đó toàn là những cuộc sống rất nhọc nhằn, rất khổ sở. Nhất là Ngài trông thấy những loài vật cho tới con người, người mạnh hiếp người yếu, vật lớn giết vật nhỏ để sống.
Chỗ này tôi nói rộng ra cho quý Phật tử thấy, thật là khó xử. Thí dụ tôi chứng kiến những buổi tối, nhìn thấy con thằn lằn với con mối cánh. Mối cánh vừa bay vào gần đèn, gần trần nhà thì con thằn lằn lại đớp. Lúc đó mình nên làm sao đây? Đuổi con mối không cho thằn lằn ăn? Mà nếu đuổi con mối, cứu được con mối sống thì con thằn lằn đói. Mà đói thì nó phải tìm con mối khác ăn, bởi vì nó phải ăn những con đó mới sống. Bây giờ làm sao mình cấm nó được đây! Như con rắn bắt con nhái. Bây giờ chúng ta cứu con nhái thì con rắn nó không ăn được con nhái đó, nó sẽ kiếm con nhái khác nó ăn. Phải ăn nó mới sống. Như vậy cuộc sống của nó bằng cái chết của loài khác. Cũng như chúng ta nếu không ăn chay thì ăn cái gì? – Ăn cá, thịt gà, thịt vịt chẳng hạn thì cũng phải do cái chết của con vật khác mới nuôi được cái sống của mình. Thành ra chúng ta sống bằng cái chết của loài vật khác. Những con vật cũng vậy, cũng sống bằng cái chết của những loài dưới nó, nhỏ hơn nó. Cả thế gian này sinh vật toàn sống bằng cái chết của những loài khác. Như vậy cái sống này là cái sống đau khổ của chúng sanh. Đau khổ vì cái sống của mình bằng cái chết của những loài khác.
Đó là Ngài chứng kiến sanh là khổ. Sau đó Ngài đi dạo chứng kiến cảnh người già yếu, lê từng bước đi loạng choạng. Rồi thấy người bệnh oằn oại trong cơn đau nặng. Rồi thấy người chết, thân nhân khóc than thống thiết. Ngài thấy bốn hiện tượng sanh, già, bệnh, chết lòng Ngài xót xa chịu không nổi. Ngài đặt câu hỏi tại sao con người sanh ra, rồi già, rồi bệnh, rồi chết? Vậy thì lớp này sanh ra, già, bệnh, chết rồi lớp khác sanh ra, già, bệnh, chết, từng lớp từng lớp như vậy sao? Không ai có quyền cãi được, không ai thoát được sanh, già, bệnh, chết sao? Sanh, già, bệnh, chết là thông lệ của tất cả chúng sanh ư?
Mỗi khi chúng ta thấy người bạn hay người hàng xóm chết, lòng mình xót xa thương cảm, than: Thân này mỏng manh quá! Phải ráng làm lành, làm phước, tu hành để mai mốt mình cũng chết. Nghĩ như vậy nhưng chừng mấy bữa rồi quên. Thấy người chết chúng ta cũng xót xa, nghĩ tới thân phận của mình, muốn vươn lên, nhưng chừng vài ba hôm rồi quên. Lâu lâu gặp người khác chết mình cũng nhớ, mình cũng xót xa, nhưng ít bữa cũng quên. Vì sự hiểu biết của chúng ta quá nông cạn, chứng kiến những cái đau khổ đó, chúng ta không bị ray rứt, không bị dày vò nhiều. Còn với Thái tử khi thấy cảnh đó thì lòng Ngài ray rứt, giày vò vô hạn, Ngài không chịu nổi. Ngài không chấp nhận con người cứ anh, già, bệnh, chết mãi, phải tìm cho ra manh mối để thoát ly sanh già bệnh chết. Cái đó là cái Ngài thắc mắc. Còn chúng ta thấy người này già, người kia bệnh, người nọ chết; thấy như vậy hay như vậy. Biết thân phận mình cũng già bệnh chết mà đành cam chịu, coi như chuyện đó là chuyện bất khả kháng. Tại vì chúng ta quá yếu đuối không có khả năng siêu thoát như Ngài, cho nên rồi cứ cam chịu.
Với Phật thì Ngài không chấp nhận, cho nên Ngài quyết định phải tìm cho ra con đường thoát ly sanh, già, bệnh, chết. Từ muôn ngàn đời, bao nhiêu chúng sanh ai cũng như ai đều chấp nhận sanh ra rồi lớn lên có đôi bạn, rồi già yếu, rồi bệnh hoạn, rồi chết. Ông bà chúng ta như vậy, cha mẹ chúng ta như vậy, rồi chúng ta cũng như vậy, con cháu chúng ta cũng như vậy. Lớp người trước, lớp người kế, lớp người hiện tại, lớp người sau đều như vậy. Ai nấy đều chấp nhận cái thông lệ này, không ai buồn lo, không ai nghĩ ngợi gì. Nhưng với đức Phật, Ngài thấy như vậy tự thắc mắc tại sao người ta chấp nhận dễ dàng như thế? Không thể thay đổi được chuyện sanh, già, bệnh, chết sao?
Chủ yếu Ngài đi tu là để giải quyết vấn đề sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta thì chấp nhận luân hồi sanh tử, tức là từng lớp, từng lớp sanh ra rồi chết, chết rồi sanh ra, cứ như vậy mà luân hồi. Ngài không chấp nhận nên quyết định tìm ra manh mối của luân hồi sanh tử xem phát nguồn từ đâu và tại sao, do đó mà Ngài đi tu.
Cuộc sống của Thái tử trong cung vua, vợ đẹp con yêu v.v… không đủ sức ràng buộc Ngài. Khi Ngài đã chứng kiến sanh, già, bệnh, chết đau khổ như vậy, Ngài nhất định cắt đứt rời bỏ hết để đi tìm ra manh mối. Nếu tìm không được có lẽ Ngài chết luôn trong rừng chứ không trở về.
Như vậy chúng ta thấy nguyên nhân Thái tử đi tu là vì giải quyết vấn đề sanh tử.
Sau khi đi tu, trước hết Ngài vào rừng tìm thầy học đạo. Trải qua mười một năm nghe vị tu tiên nào có tài có đức, Ngài đều tìm tới để học và Ngài tu khổ hạnh năm năm trời. Nhưng rốt cuộc rồi Ngài thấy chưa giải quyết được vấn đề sanh tử, cho nên bốn mươi chín ngày đêm tọa thiền dưới cội Bồ đề, đến đêm thứ bốn mươi chín, Ngài hoàn toàn giác ngộ.
Ngài giác ngộ là giác ngộ cái gì? Vấn đề Ngài đang thắc mắc, bây giờ thấy được gọi là giác ngộ. Nói như vậy chúng ta nghe cũng không biết Ngài giác ngộ thế nào? Thì đây căn cứ trên lời dạy của Ngài chúng ta mới thấy rõ chỗ giác ngộ cao siêu của Phật.
Ngài thấy rõ manh mối lôi cuốn con người trôi lăn trong vòng sanh tử và biết tột cùng con đường giải thoát sanh tử, đó là chỗ giác ngộ của Phật. Nghĩa là Ngài đang thắc mắc tại sao con người phải luân hồi sanh tử và làm sao thoát ly luân hồi sanh tử? Nói cách khác là tại sao con người sanh ra rồi già rồi chết đi? Cứ như vậy mãi mãi. Bây giờ làm sao thoát ly được cái sanh và khỏi bị già, bệnh, chết? Khi Ngài tìm ra được nguyên nhân đó, thấy tột cùng rành rẽ như vậy thì gọi là thành Phật. Khi thành Phật được cái trí biết tất cả, gọi là nhất thiết chủng trí.
Nói như vậy, có nhiều người hỏi rằng đức Phật được cái trí biết tất cả, tại sao từ khi đức Phật giác ngộ tới bây giờ hơn hai ngàn năm không nghe Ngài phát minh những cái như là điện tử, nguyên tử chẳng hạn. Bây giờ nhờ các khoa học gia phát minh mới được, còn đức Phật không phát minh được?
Đây tôi xin trả lời cho quý vị thấy. Đối tượng đức Phật tìm kiếm là con người. Ngài nhắm thẳng vì con người mà đi tu, vì con người mà tìm kiếm. Cho nên khi tìm kiếm là tìm kiếm cho ra manh mối tại sao con người phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi và làm sao thoát ra khỏi luân hồi sanh tử, đó mới là trọng tâm mà Phật tìm kiếm. Còn những chuyện ở bên ngoài như là vũ trụ, không gian v.v… những cái đó là những cái không quan trọng đối với Ngài, vì Ngài lấy con người làm đối tượng khảo cứu, tìm kiếm. Cho nên bây giờ hỏi tại sao Ngài không phát minh những cái kia? Vì đó không phải là chỗ Ngài nhắm. Khoa học người ta nhắm về không gian, nhắm về vật chất, còn Ngài nhắm về con người.
Ở trên thế gian này, vũ trụ là quý hay con người là quý? Nếu không có con người thì vũ trụ thành cái gì? – Vô nghĩa. Sở dĩ mình thông được vũ trụ là vì con người. Con người chia ra thời gian không gian, rồi mới giải thích cái này cái nọ, mới tìm cái này cái kia cho thế gian này. Nếu không có con người thì vũ trụ chỉ là vũ trụ chứ không có nghĩa gì hết. Như vậy con người mới là cái mục đích tối thượng ở trong cuộc sống này. Đức Phật chủ yếu là tìm nơi con người, biết rõ được con người và nhất là biết được nguyên nhân thoát ly sanh tử, đó mới là cái trên hết. Do đó nên Ngài không nói đến những cái thuộc về không gian hay thuộc về vũ trụ mà chỉ nói thẳng con người.
Trong kinh A Hàm, ở kinh Tiễn Dụ. Có vị tỳ kheo đến hỏi Phật rằng: Thế giới này là hữu biên hay vô biên, hữu cùng hay vô cùng? Xin Ngài giải thích cho con nghe. Đức Phật liền trả lời rằng: Giả như có người bị mũi tên độc bắn vào trong người. Khi đó có người lại mổ và đem mũi tên độc ra. Ông đó nói: Khoan đã, ông phải nói mũi tên này do ai bắn lại đây? Người bắn đó tên gì, họ gì, ở đâu? Phải nói cho tôi nghe mũi tên này làm bằng cây gì, ở xứ nào? Nói cho tôi hiểu hết rồi mới nhổ mũi tên sau. Đức Phật hỏi: Ông nghĩ người đó có đủ thời giờ để nghe cho hết những câu trả lời, hay là chết trước khi nghe? Vì tên độc đã ngấm vào rồi, chờ nghe hết những câu trả lời thì người ấy đã chết mất còn đâu mà nghe, còn đâu mà cứu được. Vấn đề then chốt là bị mũi tên độc thì lo nhổ mũi tên độc ra, khử độc trước, rồi chuyện biết là chuyện sau.
Cũng như vậy, đức Phật nói điều then chốt là hiện giờ cái gì làm cho chúng ta phải luân hồi sanh tử? Làm sao để thoát ly sanh tử? Chúng ta phải giải quyết được cái đó rồi vũ trụ không gian chúng ta giải quyết sau. Còn cái này không chịu giải quyết, mà lo giải quyết những cái kia thì rốt cuộc chưa nghe xong gì hết đã chết mất, uổng một đời không đi tới đâu.
Như vậy, đạo Phật là thiết thực hay là huyền ảo viển vông? Phật nhắm vấn đề thiết thực nhất phải không? Giải quyết cái gần nhất, cái gần nhất giải quyết được rồi thì những cái kia mình mới nói tới. Chứ cái này chưa giải quyết được mà nói chuyện gì đâu đâu thì vô ích. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ chủ yếu của đạo Phật là giải quyết vấn đề của con người.
Chúng ta hiện giờ đang an ổn vui sướng hay là đang đau khổ? Chúng ta đang bị vô thường thiêu đốt hay là chúng ta được tự tại giải thoát? Cứ nhìn lại mình đi, nếu mình đang thấy mình là khổ thì phải giải quyết cái đau khổ đã, chứ còn lo tìm hiểu chuyện đâu đâu ở trên trời dưới đất thì thiếu thực tế. Đạo Phật không chịu nói chuyện gì huyền ảo xa xôi.
Đó là tôi nói phần giác ngộ tổng quát cho quý vị biết. Bây giờ chúng tôi chứng minh những điều giác ngộ đó.
Chánh Văn:
Phật chỉ nguyên nhân đưa con người vào đường sanh tử và manh mối giải thoát sanh tử một cách rõ ràng, là Mười hai nhân duyên: Vô minh duyên Hành… cho đến Sanh duyên Lão Tử. Đây là vòng tròn nối tiếp triền miên trong sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử, tức là: vô minh diệt thì hành diệt… cho đến sanh diệt thì lão tử diệt. Thế là vòng sanh tử rã rời. Nhìn vào mười hai nhân duyên, chúng ta thấy vô minh là chủ động cuộc sanh tử, tiêu diệt vô minh là giải thoát sanh tử. Thế thì, vô minh là đầu mối sanh tử, tiêu diệt vô minh là đầu mối giải thoát sanh tử. Đầu mối còn thì chi mạt ngọn ngành tiếp nối sanh trưởng, đầu mối diệt thì chi mạt ngọn ngành theo đó hết sạch.
Giảng:
Ở đây chỉ rõ, đức Phật nói kinh nhiều lắm, nhưng mà những bài kinh căn bản như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên. Ngài nói rõ nguyên nhân sanh tử luân hồi và nói rõ nguyên nhân thoát ly sanh tử.
Vậy nguyên nhân sanh tử luân hồi là gì?
Đây đức Phật chỉ rõ mười hai nhân duyên. Từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v… tức vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Mười hai cái đó tạm chia làm ba đời. Vô minh, hành, thức thuộc về quá khứ. Danh sắc, lục nhập, xúc, thọ thuộc về hiện tại. Ái, thủ, hữu, sanh, lão tử thuộc về vị lai.
Đúng ra giảng mười hai nhân duyên này thì chúng tôi phải giảng trên bảng, chia ra ba thời cho quý vị thấy rõ quá khứ, hiện tại, vị lai nó như là dây chuyền, như một cái vòng móc xích vậy. Cái này duyên cái kia, cái kia duyên cái nọ mà đầu mối là vô mình.
Vô minh là gì? Đoạn sau chúng tôi sẽ giải thích. Ngài giác ngộ thấy rõ cái manh mối đưa chúng ta đi trong vòng sanh tử luân hồi, rồi nguyên nhân nào để gỡ, dứt manh mối luân hồi đó. Trong mười hai nhân duyên chia ra hai chiều gọi là lưu chuyển tức là đi trong vòng luân hồi, và hoàn diệt tức là đi ngược ra khỏi luân hồi. Đi trong vòng luân hồi bắt đầu vô minh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v… cứ vòng luân hồi. Bây giờ muốn dứt cái vòng luân hồi đó thì dứt ngay vô minh. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt v.v… diệt hết cả mười hai cái. Mà muốn diệt cả mười hai cái thì gốc là diệt ngay cái vô minh. Như vậy, quý vị thấy đức Phật không phải nói suông. Cái chỗ Ngài thấy, Ngài đem ra chỉ dạy rõ ràng.
Tại sao chúng ta lưu chuyển trong sanh tử mà không biết gốc từ vô minh? Vô minh là không sáng; không sáng là tối; tối tức là ngu si. Như vậy vô minh tức là mù mịt mê mờ, tối tăm. Từ cái mê mờ tối tăm nó dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Như vậy đầu mối sanh tử là vô minh và đầu mối giải thoát sanh tử là dứt vô minh.
Chánh Văn:
Vô minh là gì mà có khả năng mãnh liệt như thế? Vô minh là không sáng, là mê lầm. Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận ra cái nào là chân thật, là vô minh. Giả không biết, thật không hay, quả tang là kẻ mê lầm. Đức Phật biết rõ những cái nào là giả dối, nhận chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Được giác ngộ thì không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói “giải thoát bất tư nghì”. Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu năm Ngài khổ công đeo đuổi.
Giảng:
Vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, là không sáng. Tại sao nói mê lầm, không sáng? Tức là hiện tại cái giả không biết, cái thật không hay, đó là mê lầm.
Như quý vị ra ngoài chợ thấy bán hai, ba món đồ bằng kim khí, trong đó có đồ thật, đồ giả. Bây giờ mình nhìn không biết cái nào giả, cái nào thật. Mình mua cái giả mà tưởng cái thật, về nhà người ta nói chị mua lầm rồi. Lầm là không phân biệt được giả thật. Giả không biết, thật không hay đó là lầm.
Cũng vậy, khi mình ngủ mơ mơ màng màng bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Mình trỗi dậy mà không biết tiếng kêu đó là tiếng kêu trong mộng hay tiếng kêu lúc mình thức, rồi cứ mơ màng không biết tiếng đó là thực hay hư thì đó gọi là trong cơn mơ. Trong cơn mơ nên không biết nó là thực hay hư. Nếu tỉnh thì mình biết tiếng kêu đó là thực hay hư. Không biết thực hư là vì lúc đó mình đang mơ mơ, đó là mê.
Quý vị đang mê hay là ngộ? Nếu người nào ở trong chúng này, khi ra đường bị người ta chửi: cái cô này thật là mê ghê! Mặt mày coi sáng sủa vậy mà nói mê cái gì. Sự thật chúng ta có mê không? Điều đó tôi xin nói thật kỹ cho quý vị thấy.
Chỗ này là chỗ phải giảng rất nhiều nhưng mà đây chỉ nói đơn giản một vài câu thôi. Như chúng ta hiện giờ ai cũng nghĩ thân mình là thật. Thân tôi là thật, bây giờ có người nói thân này là giả, quý vị có dễ dàng chấp nhận không? Mình thấy nó thật một trăm phần trăm mà người khác nói giả làm sao mình chịu. Ngay như thân này mình thấy nó thật, bây giờ phân tích ra thì nó là thật hay là giả? Nếu chia chẻ thân này ra thì thấy bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Cái gì ướt thì thuộc về nước, cái gì cứng thuộc về đất, cái gì động thuộc về gió, cái gì ấm thuộc về lửa. Trong bốn cái đó quý vị thấy có thiếu được cái nào không?
Thí dụ như tay chúng ta bình thường khô ráo thì da nó cứng, ngâm nước lâu thì nó mềm. Tại sao vậy? Nếu da này không phải là đất thì ngâm nước nó đâu có mềm. Nhưng đất gặp trời nắng nó cứng, mà mưa xuống một đám thì nó mềm. Tại sao đây? – Đất gặp nắng thì cứng, gặp mưa thì mềm. Da tay da chân chúng ta cũng vậy, nếu để nắng thì thấy nó cứng nó chắc, mà ngâm nước chừng một giờ hay nửa giờ thì nó mềm. Nhất là chúng tôi trên núi làm đá, bữa nào lăn đá hay moi đá mà gặp trời mưa thì một lát da tay bị ra máu, bữa nào trời nắng thì không bị ra máu. Dễ biết quá phải không? Bị mưa nên nó ướt, ướt nên nó mềm, mềm cạ vào đá một hồi thì nó ra máu. Còn nắng thì nó khô, khô nên nó chắc nó không bị ra máu dễ dàng. Do đó mình biết rõ da thịt chúng ta là chất cứng, là đất cho nên khi nào gặp nước thì nó mềm chớ không có gì lạ hết.
Rồi sang tới nước, quý vị ngồi một hồi mồ hôi tuôn ra, cái đó không phải nước là gì? Như vậy thì ở ngay thân này đức Phật nói do tứ đại hòa hợp lại mà thành. Mà có phải hòa hợp lại mà thành luôn đâu. Thường thường người ta nói sống phải nhờ tẩm bổ, nhưng sự thật ở đây Phật nói sống phải nhờ vay mượn chớ không phải nhờ tẩm bổ. Vay mượn tức là chúng ta phải mượn từng món ăn bên ngoài đem vào bồi bổ nó thì nó mới sống, không mượn thì nó chết.
Nếu cái gì thật thì cái đó tự nó đã sẵn, không phải nhờ vay mượn. Còn nếu vay mượn thì nó không phải thật. Quý vị chịu nguyên tắc đó không? Cái gì tạm mượn rồi trả thì cái đó không phải thật, còn cái thật là cái sẵn có, tự nó như vậy.
Lỗ mũi chúng ta thử đừng thèm mượn gió chừng mười lăm phút coi, nó còn hay là nó ngã ra chết? Còn thở thì gọi là còn sống, phút giây nào không thở được thì phút giây đó chết? Như vậy mượn mới sống, không mượn là chết thì thật ở chỗ nào? Tới nước cũng vậy, mượn nó thì còn, không mượn chừng vài ba ngày thì cũng chết khô. Rồi đất cũng vậy, ăn uống những chất cứng vào bồi bổ đất. Nói tóm lại chúng ta sống bằng vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài mỗi ngày, chớ không phải tự nó có một cuộc sống thật. Sống bằng vay mượn thì gọi là sống giả, vậy mà chúng ta nói nó thật.
Thấy cái giả mà cho là thật thì gọi là lầm. Cho nên nhà Phật gọi là thấy điên đảo. Thấy đảo lộn từ cái này thấy ra cái kia, từ cái giả mà tưởng là thật gọi là thấy mê lầm, thấy điên đảo.
Chúng ta hiện giờ đều sống trong vô minh. Bởi nhận cái giả làm thật nên chúng ta luôn luôn chạy theo cái giả. Cái giả là cái lưu chuyển không cùng, cứ sanh diệt đổi thay luôn luôn cho nên đi trong luân hồi.
Như vậy chúng ta phải hiểu rõ hiện giờ mình đang sống lầm lẫn. Cái lầm lẫn đó một dịp khác tôi sẽ giải thích hết sức kỹ trong những bài giảng khác cho quý vị thấy sự lầm lẫn về thân, về tâm này như thế nào?
Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được. Vì vậy, muốn thoát ly sanh tử luân hồi chúng ta phải giác ngộ. Mà giác ngộ là thấy rõ manh mối của mê lầm; xưa chúng ta lầm, bây giờ chúng ta không còn lầm nữa. Không lầm nữa là chúng ta giác ngộ hay là có trí tuệ. Trí tuệ thì ngược lại vô minh. Vô minh cũng như là đêm tối mà trí tuệ cũng như mặt trăng, mặt trời sáng. Có mặt trăng, có mặt trời thì không có tối, hay ngược lại có tối thì không có mặt trăng, mặt trời. Hai cái đó nó ngược nhau. Nếu giác ngộ thì không có vô minh, mà vô minh thì dẫn chúng ta đi trong sanh tử; giác ngộ thì thoát ly sanh tử. Đó là hai cái hết sức rõ.
Khi đức Phật đã giác ngộ Ngài có bao nhiêu thứ diệu dụng không thể kể hết, nào là ngũ nhãn, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng v.v… Nói chung một danh từ là giải thoát bất tư nghì, tức là không thể nghĩ bàn. Nghĩa là đem trí phàm phu của chúng ta bàn xét không hết được.
Chánh Văn:
Sau khi đạt được sở nguyện, Ngài đem pháp của mình đã được chỉ dạy lại cho mọi người, để cùng giác ngộ như Ngài. Trong thời gian ấy, Ngài đã giới thiệu bao nhiêu bản nguyện công hạnh của chư Phật khắp mười phương cho đồ đệ nghe. Do đó, chúng ta được biết thêm nhiều danh hiệu chư Phật khác. Đức Phật là một con người thật, có cha có mẹ có lịch sử rõ ràng và sự giác ngộ của Ngài cũng hoàn toàn chân thật. Chúng ta có thể kiểm chứng sự giác ngộ ấy qua Tam Tạng giáo điển của Ngài còn lưu lại. Đó là vấn đề Phật pháp.
Giảng:
Nói đến Phật là nói sự thật chớ không phải nói đến một cái gì vô căn cứ. Bởi vì bây giờ nếu đi Ấn Độ, quý vị sẽ thấy những di tích của Phật, chỗ đức Phật sanh ra vẫn còn, chỗ đức Phật thành đạo dưới gốc cây vẫn còn. Chỗ cây Bồ đề đó bây giờ thì thấp, còn chỗ người ta ở chung quanh cao lên chừng ba thước tây; đất trên mặt nó bồi, chỗ cây Bồ đề còn thấp ở dưới. Tại Bồ đề đạo tràng, chỗ đó có chùa Trung Quốc, có chùa Thái Lan, chùa ở đó rất nhiều. Núi Linh Thứu nơi Ngài giảng đạo vẫn còn, vườn Lộc Uyển vẫn còn, những trụ tháp của vua A Dục hồi đó xây vẫn còn. Tất cả những di tích vẫn còn chớ không thiếu chỗ nào. Như vậy đức Phật là một con người lịch sử thật sự, chớ không phải là một con người huyền tưởng như một ít người không biết, họ cho rằng nói Phật là nói một chuyện gì xa xôi không có bằng cứ, vì họ chưa tìm tới. Bây giờ khi nào quý vị qua Ấn Độ hành hương thì sẽ đi tới những chỗ này, rõ ràng di tích còn để lại đầy đủ không thiếu.
Như vậy Ngài có lịch sử và những kinh sách, những lời Ngài dạy còn ghi lại đầy đủ hết. Những lời Ngài dạy còn ghi lại đầy đủ hết. Những lời Ngài dạy được ghi lại bằng hai thứ chữ Pali và chữ Sancrit. Chữ Sancrit sau này truyền lên miền Bắc Ấn thì tăng Trung Quốc dịch thành chữ Hán. Còn chữ Pali truyền qua Nam Ấn hay Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan. Tạng kinh viết bằng chữ Pali hiện giờ vẫn còn. Bây giờ tạng kinh Pali được dịch ra tiếng Anh. Như vậy quý vị thấy những học giả trên thế giới người ta đã tìm tận nguồn gốc Phật pháp để thấy rõ những kinh sách của Phật để lại chớ không phải ảo tưởng. Nhiều người ở đây không biết, thấy mình đọc kinh chữ Hán, họ nói kinh chữ Hán là tại mấy ông Tàu đặt ra chứ đâu phải kinh Phật. Sự thật quý vị có tới Ấn Độ, như tại Đại học đường Na Lan Đà thì trong đó có thư viện, trong thư viện có những bản kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang bằng chữ Sancrit vẫn còn chớ đâu phải là những chuyện vô cớ.
Chúng ta phải hiểu cho tận nguồn gốc thì đối với Phật pháp, chúng ta mới không nghi, chớ còn không thì nghe ai nói vậy hay vậy mà không biết có hay không. Hết nghi thì chúng ta mới tu hành tinh tấn được.
Tôi nhắc lại một lần nữa đức Phật không phải là trên trời rơi xuống, cũng không phải dưới đất chui lên mà có cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma Gia, có vợ là Gia Du Đà La, con là La Hầu La, có lịch sử đàng hoàng. Và lịch sử của Ngài ngày nay vẫn còn. Ngài sanh năm 624 trước tây lịch. Trong lịch sử vẫn còn ghi rõ ràng Ngài sanh tại thành Ca Tỳ La Vệ, hiện giờ vẫn còn ở miền Bắc Ấn. Như vậy lịch sử Ngài rất đầy đủ rõ ràng chớ không phải là chuyện viển vông.
Kế đó nữa, Ngài là một con người như bao nhiêu con người. Thời chúng ta bây giờ có nhiều vị tu dường như là hay hơn đức Phật nữa. Hay hơn đức Phật nghĩa là sao? Nghĩa là hồi nhỏ tí xíu đã vô chùa tu rồi, tu tới già, tới chết. Còn Phật hồi xưa mười tám, mười chín tuổi mới đi tu, tức là có gia đình có con rồi mới đi tu. Như vậy Ngài dở hơn một phần rồi. Nhưng mà người tu bây giờ hay mà không hay. Hay là tu từ nhỏ tới lớn, nhưng không hay là tại không có ý chí siêu việt như Ngài. Ngài tu hơi trễ, nhưng ý chí tầm đạo của Ngài quá mạnh không có gì lay chuyển nổi, khó khăn nào cũng làm được mới thôi. Hơn nữa, chúng ta thấy Ngài có đầy đủ những cái thế gian người ta gọi là thê thằng tử phược mà vẫn chuyển cái mê lầm trói buộc trở thành giải thoát giác ngộ, cái đó mới là hay.
Nhiều người bây giờ nói tôi có gia đình, có con cái bận rộn làm sao tu được. Ngài cũng có vậy, mà Ngài tu cũng vẫn được. Nếu Ngài còn nhỏ xíu mà đi tu thì bây giờ chắc những người có con muốn đi tu phải than không thể nào tu được! Vì đức Phật tu hồi nhỏ kia mà. Ngài ở trong hoàn cảnh rất ràng buộc mà Ngài giải thoát được. Cho nên chúng ta thấy ai cũng có thể giải thoát được hết, nếu có ý chí như Ngài.
Đó là nói tổng quát về lịch sử đức Phật.
Tôi xin nhắc lại hai điểm căn bản. Điểm thứ nhất là lý do nào Thái tử đi tu? Điểm thứ hai là tại sao Ngài thành Phật?
Lý do Ngài đi tu là chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết của kiếp người, Ngài thắc mắc, cần phải giải quyết cái đó mà đi tu. Điểm thứ hai, giác ngộ thành Phật, giác ngộ cái gì? Giác ngộ được nguyên nhân sanh tử và nguyên nhân thoát ly sanh tử. Đó là căn bản giác ngộ của đức Phật.