Thông tin sách

Chìa Khóa Học Phật Giảng Giải

Chìa Khóa Học Phật Giảng Giải

 Thể loại:

Chuyên đề

 Tình trạng:

Đang tiến hành 3 Chương
Đánh giá: 10 /10 từ 0 lượt

LỜI NÓI ĐẦU

Trước khi giảng về quyển sách này, tôi có ít lời nói trước. Theo thường lệ nhà chùa mỗi năm vào rằm tháng tư đến rằm tháng bảy là ba tháng an cư kiết hạ của Tăng Ni. Ở đây lý đáng cũng phải tổ chức như vậy, nhưng vì tổ hợp làm tương phải đi mua bán, đem giao hàng hóa dưới chợ và đi mua nguyên liệu nơi này nơi kia mãi, không có thì giờ để một chỗ an cư, vì vậy mà chúng tôi không tổ chức kiết hạ an cư được.

Hôm nay mùng hai tháng sáu, tính la âm lịch là rằm tháng năm, rằm tháng năm tới rằm tháng bảy cũng đủ ba tháng. Các chùa năm nay an cư rằm tháng năm chứ không phải rằm tháng tư như những năm trước. Ở đây chúng ta không thể làm lễ an cư như các nơi được, bởi lý do chúng ta phải lao động sản xuất. Chúng tôi nghĩ rằng trong ba tháng an cư này, chư Tăng chư Ni tuy phải công tác lao động nhiều, nhưng mà việc tu cũng phải được nhắc nhở là quan trọng.

Do đó, chúng tôi tổ chức từ đây tới rằm tháng bảy, tức là vào hai giờ chiều rằm thì toàn thể chư Tăng chư Ni ở đây cùng chung họp lại để làm lễ sám hối và nếu quý Phật tử cùng đến sám hối thì rất tốt. Sau thời sám hối thì chúng tôi sẽ giảng lần lượt quyển Chìa Khóa Học Phật đế cho quý vị nghe, nhắc nhở tu hành. Nếu tháng thiếu thì chiều mùng một, tháng đủ thì chiều ba mươi, cứ như vậy cho tới ngày rằm tháng bảy. Qua rằm tháng bảy thì sự sắp đặt sẽ cho biết sau. Còn từ đây tới rằm tháng bảy thì cứ chiều rằm vào hai giờ thì Tăng Ni và quý Phật tử lễ sám hối. Sau thời sám hối thì chúng tôi nhắc nhở tu qua quyển Chìa Khóa Học Phật, sau đó thì quý vị nghe giảng để hiểu rõ việc tu hành. Vì chúng tôi nghĩ rằng trên đường tu của Tăng Ni cũng như Phật tử, nếu không được nhắc nhở, nhiều khi chúng ta mang hình thức nhà tu mà đi không đúng đường Phật dạy, hay chúng ta tự xưng mình là Phật tử mà không biết gì về đạo Phật, rồi làm những việc sai trái với đạo lý, bị người phê bình chỉ trích. Đó là lỗi tại sự hướng dẫn không đúng hay không được kỹ càng. Vì vậy cho nên trách nhiệm của người hướng dẫn là chúng tôi phải luôn luôn nhắc nhở quý vị. Tuy nhiên chúng ta phải lao động nhiều thì không thể mỗi tháng chúng ta học như lúc trước tới sáu, bảy ngày được mà bây giờ mỗi tháng chúng ta chỉ được hai buổi chiều là chiều rằm và chiều ba mươi, nếu tháng thiếu thì chiều mùng một. Chúng tôi nhắc cho quý vị tu, cũng như hàng Phật tử biết rõ đường lối tu của mình, đi đúng theo lời Phật dạy cho xứng đáng là Tăng Ni, hay xứng đáng là người Phật tử chân chánh.

Đó là lý do mà hôm nay chúng ta sám hối và nghe giảng.

Hơn nữa, quý vị nên biết rõ sở dĩ đạo Phật tồn tại lâu dài là nhờ hai điểm: Một là triết lý, tức là trí tuệ; hai là tình cảm, tức là tín ngưỡng. Những buổi lễ như chúng ta lễ nãy giờ thuộc về phần tình cảm, tức là tín ngưỡng. Còn nghe giảng là phần triết lý, tức là nói về trí tuệ. Mỗi người chúng ta sống phải đầy đủ hai phần trí óc và con tim. Hai cái đó mà quân bình thì sự sống mới được tốt. Còn nếu nghiêng một bên thì không tốt. Do đó về khối óc là lý trí, chúng ta học đạo lý bằng những lời giảng dạy có tính cách triết học. Còn phần tình cảm là quả tim, chúng ta lễ bằng tinh thần tôn giáo. Cả hai mặt đầy đủ thì đạo đức được trọn vẹn và lâu dài. Nếu chúng ta chỉ nghiêng về lý trí thì trở thành khô khan. Nếu chúng ta chỉ nghiêng về tình cảm, về tín ngưỡng thì trở thành mê tín. Cả hai cái, nếu nghiêng bên nào cũng là thiếu sót.

Do đó trước khi nghe giảng, chúng ta có một khóa lễ ngắn nửa giờ thì rất có lợi cho tâm hồn của người Phật tử khi trở về chùa thành kính lễ Phật, cho tâm được nhẹ nhàng thơ thới, rồi sau sẽ nghe kinh thì rất dễ thâm nhập. Đó là ý nghĩa tổ chức như vậy.

Có nhiều người Phật tử cũng như Tăng Ni rất là hâm mộ Phập pháp. Nhưng nhìn vào rừng kinh điển của Phật pháp thì quá nhiều, không biết căn cứ vào đâu để tìm ra manh mối, hoặc giả có cố gắng nghiên cứu thì cũng không biết quyển nào nên nghiên cứu trước, quyển nào nên nghiên cứu sau, và thứ lớp của giáo lý cũng không nắm vững. Do đó nhiều người thấy khó khăn đối với sự tìm hiểu Phật pháp.

Cuốn Chìa Khóa Học Phật này, chúng tôi nhắm thẳng những điểm là làm sao cho Phật tử hay Tăng Ni nắm được then chốt của Phật pháp. Nghĩa là khi đọc cuốn này, nếu chúng ta đọc một cách cẩn thận, hiểu một cách rõ ràng thì những vấn đề then chốt của Phật pháp có thể nắm vững. Vì những vấn đề trong cuốn sách này chúng tôi đề cập tới là:

Thứ nhất: Phật Là Gì? Chúng ta tu theo đạo Phật thì đầu tiên chúng ta phải hiểu Phật là gì?

Thứ hai: Thế Nào Là Phật Pháp? Nếu chúng ta hiểu Phật rồi, chúng ta mới tìm xem Phật dạy cái gì, những lời Phật dạy gọi là Phật pháp.

Thứ ba: Học Phật Bằng Cách Nào? Chúng ta nói tôi học Phật, tôi tìm hiểu đạo Phật, nhưng mà học Phật bằng cách nào? Học bằng cách là bảo sao nghe vậy hay là phải có phương pháp?

Thứ tư: Làm Sao Tu Theo Đạo Phật? Học rồi chúng ta phải tu, mà tu bằng cách nào đây?

Bốn vấn đề này nghe đơn giản và quen thuộc. Nhưng nếu chúng ta học Phật mà hiểu được Phật, hiểu được giáo pháp Phật, biết phương pháp học Phật và tu hành theo đường lối của Phật một cách đúng đắn thì mất rất nhiều thời gian.

Bao nhiêu đó mà chúng ta nắm vững là chúng ta đã nắm được then chốt để bước vào nhà Phật pháp, hay nói theo ở đây là chúng ta đã nắm được Chìa Khóa Học Phật.

Chúng tôi cố gắng thu gọn tất cả những lời Phật dạy trong tạng kinh, mà tạng kinh của Phật theo bản Trung Hoa thì có cả thảy khoảng hơn năm ngàn quyển, quý vị nghĩ đọc chừng bao lâu mới hết? Đó là đầu đời Tống, sau này đến đời Minh in ra làm tám ngàn quyển. Như vậy nếu để cho quý vị đọc thì không biết chừng nào mới đọc hết. Nhiều khi những người xuất gia như chúng tôi có những người chưa đọc được một phần tư, một phần tám Tam tạng kinh điển của Phật nữa!

Vì vậy cho nên nắm được thứ tự của kinh điển rồi sắp đặt cho dễ nghe dễ hiểu cũng là điều hết sức khó. Bởi vì nhiều kinh quá, người ta không biết phải đọc quyển nào và quyển nào là đầu, quyển nào là cuối, thứ tự ra sao cũng khó mà tìm hiểu. Nhờ chúng tôi có được phước duyên lành cho nên trong khi học thì học cũng khá nhiều kinh, và trong khi học thì học cũng khá nhiều kinh, và trong khi nghiên cứu thì cũng có đầy đủ Tam tạng kinh để nghiên cứu theo thứ tự. Do đó mà bây giờ chúng tôi mới thu gọn trong một tài liệu ngắn, giảng khoảng chín mười thời sẽ hết.

Quý vị nắm được ý nghĩa bài này thì quý vị hiểu được đạo Phật một phần gọi là gọn và căn bản. Chứ không phải như hồi đó, hỏi: Thầy hay cô học Phật, tu Phật, vậy bây giờ tôi muốn tu theo Phật, tu làm sao đây? Thì dạy cứ về ăn chay niệm Phật đi. Nói ăn chay niệm Phật là tu Phật thì chưa phải. Giả sử có người kia họ không ăn chay, niệm Phật mà họ cũng tu Phật được thì mình nói làm sao? Tôi thí dụ như ở bên Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan họ chưa từng ăn chay, kể cả người xuất gia, và họ cũng chưa từng niệm Phật. Vậy họ không tu theo Phật sao? Họ vẫn là người tu theo Phật đàng hoàng, họ ngồi thiền, đi khất thực có y bát đàng hoàng. Như vậy nếu mình nói ăn chay niệm Phật mới là tu theo Phật, dạy như vậy là dạy cái ngọn, một khía cạnh hết sức nhỏ trong đạo Phật, chớ chưa phải là căn bản đạo Phật.

Đó là những điều mà đại đa số các chùa hay dạy tổng quát như vậy. Phật tử tập ăn chay, tập niệm Phật, tập tụng kinh, như vậy thì chúng ta sẽ thấy những nơi khác không tu như vậy. Mà không tu như vậy thì mấy người đó không phải tu theo đạo Phật sao? Cho nên phải hiểu cho thật kỹ.

Có một lần tôi ở cốc trên Bảo Lộc, ngày tối tôi chuyên ngồi thiền, bởi vì xứ lạnh nên ngồi thiền tốt. Bữa nọ có một, hai vị đi hái trà gần cốc của tôi. Họ thấy từ sáng tới chiều không nghe tôi tụng một thời kinh nào hết, họ nói nhập thất tu mà không nghe tụng kinh gì hết! Đi hái trà mà họ phê bình với nhau rằng ông thầy này nói tu theo Phật mà ổng không biết tụng kinh. Tôi nghe tôi cười. Như vậy để biết trình độ Phật tử mình quá thấp, hiểu đạo Phật một cách cạn cợt, hiểu một cách nông nổi. Chứ thật ra, hỏi lại Phật Thích Ca hồi xưa tụng kinh gì? Quý vị trả lời giùm tôi hồi đó Phật Thích Ca tụng kinh gì mà thành Phật? Như vậy nếu nói tụng kinh mới là tu theo Phật thì lầm lẫn quá lớn rồi! Do đó cho nên phải hiểu rõ ràng chính xác về đạo Phật.

Trong quyển sách này chúng tôi nêu kỹ những then chốt của đạo Phật.


Bình luận