Chánh văn:
Phật dạy: “Hãy cẩn thận! Đừng tin ý ông! Vì ý ông không thể tin được. Hãy cẩn thận! Đừng gần gũi nữ sắc! Gần gũi nữ sắc thì tai họa liền sanh. Đắc quả A-la-hán rồi, mới có thể tin được ý ông.”
Giảng:
Chúng ta tu một thời gian, thấy mình tu giỏi rồi, cho rằng có tiếp xúc với người khác phái cũng bình thường, không có vấn đề gì, không sao. Nhưng Đức Phật dạy đừng tin ý mình, thấy vậy đó, nhiều khi mình chưa gặp phải người có nhân duyên sâu xa với mình nên mới bình thường được thôi. Nếu gặp người có nhân duyên sâu xa, có thể mình sẽ đổ, vì mình chưa đắc đạo. Chỉ khi đắc đạo mới có thể vượt qua được; chưa đắc đạo, mình hoàn toàn có thể bị gãy đổ bởi người đó nếu tiếp xúc quá gần.
Người xưa nói lửa gần rơm thế nào cũng bén. Đạo Nho có một vị chánh nhân quân tử tên là Liễu Hạ Huệ. Ông sống chánh trực, ngay thẳng, có thể gọi là bậc hiền nhân ở đời. Bên cạnh nhà ông là nhà một cô gái trẻ. Một đêm, trời mưa to, sấm chớp dữ dội, lại nhằm lúc cha mẹ đi khỏi, cô gái ở nhà một mình. Cô sợ hãi chạy qua đập cửa nhà Liễu Hạ Huệ, xin tá túc qua cơn mưa. Ngài cho cô vào, tiếng sấm đùng đùng khiến cô càng sợ, liền leo vào lòng Ngài ngồi, một tay Ngài ôm cô, một tay cầm sách đọc, tâm vẫn như nhiên, không một niệm dục. Hết mưa, Ngài bảo cô về, bản thân tiếp tục đọc sách, lòng không một chút máy động. Từ đó, mọi người đều nể trọng, là tấm gương sáng trong đạo Nho.
Sau, có một học trò, nhà gần kề một góa phụ. Gặp một đêm to gió lớn, góa phụ gõ cửa xin vào tá túc, học trò không mở, nói: “Nam nữ thọ thọ bất thân, cô nam quả nữ ở chung một nhà không tiện.” Góa phụ dẫn tích Liễu Hạ Huệ ôm cô gái trong lòng vẫn giữ được trong sạch, khuyên học trò nên bắt chước theo. Học trò nói: “Tôi không được như Liễu Hạ Huệ nên không thể làm như ông, nhưng tôi đóng cửa không cho bà vào thì tôi cũng sẽ giữ được trong sạch như ông.” Vị này biết được công phu mình tới đâu, nếu ôm ấp người khác phái ắt sẽ sanh nhiễm tâm, nên tốt hơn hết là tránh tiếp xúc quá gần thì cũng có thể giữ được tâm thanh tịnh.
Khi chưa đắc A-la-hán, chưa chắc chắn làm chủ được tâm thì đừng thử lửa, đừng tiếp xúc quá thân mật với người khác phái, dễ đánh mất phạm hạnh của mình.
Đức Thế Tôn chế giới không dâm dục là để giúp tu sĩ giữ tốt phạm hạnh. Thọ giới càng cao, Đức Phật nhắc nhở càng kỹ, kể cả nắm tay nắm áo cũng không được, vì sợ người tu sanh tâm nhiễm ô với người khác phái, làm chướng sự tu tập.
Người thấy đạo, sống được với đạo mới làm chủ được tâm, khi đó, tùy duyên mà làm. Có một thiền sư, dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy một đệ tử sắp đọa vào bụng con bò cái, do lúc sống tu không tốt. Ngài khởi tâm thương xót muốn cứu đệ tử, nên đã xuất định, đi ra ngoài tìm người khác phái tính giao hợp để tạo nhân duyên cho đệ tử có cơ hội đầu thai làm người. Rất tiếc, Ngài thì lớn tuổi, lại gặp một cô gái trẻ, bị cô dằn co quyết liệt nên ý định của Ngài không thành, người đệ tử rốt cuộc cũng thác sanh vào bụng con bò cái đang giao phối với con bò đực gần đó. Người không hiểu sẽ nghĩ rằng vị tu sĩ già này còn chưa dứt tâm dâm, có ý định phạm giới, thực ra các vị chỉ làm khi cần, không có tâm nhiễm ô.
Ngay cả các vị đã chứng ba quả vị trước là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cũng có thể bị tâm dâm ảnh hưởng. Như tôn giả A-nan xuýt bị Ma-đăng-già làm mất giới thể.
Thế nên, chương này Đức Phật dạy người tu phải cẩn thận, đừng tin vào ý mình, rồi chủ quan tiếp cận thân mật với người khác phái. Hiện nay, truyền thông phát triển mạnh, mạng xã hội chứa nhiều nội dung, hình ảnh không trong sáng, nếu mình chủ quan, tin tâm mình quá, rồi xem những nội dung, hình ảnh đó, có thể sẽ không làm chủ được tâm dâm, niệm dục dấy lên không kìm được, từ đó, đánh mất phạm hạnh của mình. Nên tiếp xúc với những điều thanh tịnh để tâm mình thanh tịnh, đừng tiếp xúc cái nhiễm nhơ sẽ khiến tâm mình sanh nhiễm nhơ.