Chánh văn:
Phật dạy: “Người tu Đạo như khúc gỗ dưới nước, theo dòng mà đi, không tấp vào hai bờ, không bị người vớt, không bị quỷ thần ngăn trở, không bị nước xoáy làm đứng lại, cũng không bị mục nát. Ta bảo đảm khúc gỗ ấy quyết định sẽ vào được biển. Người học Đạo không bị tình dục làm mê hoặc, không bị các thứ tà ngụy quấy nhiễu, tinh tấn theo Đạo Vô Vi, Ta bảo đảm người đó tất sẽ đắc đạo.”
Giảng:
Đức Phật ví chuyện tu đạo giống như một khúc gỗ trôi theo dòng nước chảy.
“Theo dòng mà đi”, là vâng theo lời Phật dạy mà tu tập.
“Không tấp vào hai bờ”, là không vướng vào trái phải, thị phi, thương ghét…; không rơi vào tà kiến, thấy cái này đúng, cái kia sai, rồi sa vào bên này hay bên kia. Vướng vào hai bên sẽ làm cho mình đứng lại. Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói “đạo phải thông lưu”. Nếu không thông lưu, dính vào một bên là không phải đạo. Cho nên, Đức Phật nói “không tấp vào hai bên bờ” nghĩa là không chấp hai bên.
“Không bị người vớt”, là không bị người khác phái “vớt”, tức là không bị dính vào chuyện nam nữ.
“Không bị quỷ thần ngăn trở”, không phải là có quỷ thần nào ở bên ngoài cản trở, mà là tâm ma bên trong làm mình bị ngăn ngại. Quỷ thần đây là đại diện cho những tâm niệm tà ác, những niệm bất thiện cản trở con đường tiến đạo của mình.
“Không bị nước xoáy làm đứng lại”, nước xoáy tượng trưng cho sự nghi ngờ. Có người tu một thời gian thì khởi tâm nghi, không biết pháp mình tu đúng không, việc mình chọn xuất gia có phải không v.v…, trong lòng bắt đầu khởi nghi, không còn muốn dụng công tu tập.
“Cũng không bị mục nát”, mục nát đây không phải nói thân chết rồi bị mục nát, mà ý nói tâm đạo mục nát. Không bị mục nát là không đánh mất đạo tâm, lòng tin đạo bền vững. Nước xoáy là chỉ nghi thôi, còn mục nát là hoàn toàn mất tín tâm, không còn tin nữa. Có vị xuất gia tu trong chùa, do đụng chạm mâu thuẫn với huynh đệ rồi trở nên oán người tu, oán cả Thầy Tổ. Chẳng những ra đời không tu nữa, còn trở lại mắng chửi Tam Bảo, mắng chửi Thầy Tổ, huynh đệ. Đó là bị mục nát, hoàn toàn đánh mất tâm đạo. Lúc đó, việc tu sẽ bị dừng lại, thậm chí thối lui.
Nếu không phạm vào tất cả những điều trên, chắc chắn sẽ đắc đạo, nên Đức Phật nói “đảm bảo khúc gỗ ấy sẽ ra đến biển”. Nếu tu được như vậy, chắc chắn sẽ giải thoát, tự do tự tại dạo chơi trong sanh tử.
Đoạn kế tiếp, Đức Phật hợp pháp việc tu đạo với ví dụ trên.
“Người học đạo không bị tình dục làm mê hoặc”, hợp pháp với câu “không bị người vớt.” Nếu bị tình dục làm mê hoặc tức bị người “vớt” đi.
“Không bị các thứ tà ngụy quấy nhiễu”, đồng nghĩa với “không bị quỷ thần ngăn trở.” Nếu tin vào những thuyết tà, làm những hạnh tà, nghĩ những điều tà, làm cho chánh kiến mất đi, đó là bị những thứ tà ngụy quấy nhiễu.
“Tinh tấn theo đạo vô vi”, là tu theo đạo mà Đức Phật tuyên bày, hành theo phương pháp mà Đức Phật chỉ dạy, kiên trì, không gián đoạn, không bị nước xoáy nghi ngờ làm cho đứng lại, cũng không để mục nát đạo tâm, như vậy chắc chắn sẽ đắc đạo.
Sở dĩ chúng ta tu không đắc đạo, không phải do căn cơ yếu kém, mà vì còn tình chấp nhiều, còn dính kẹt đủ thứ, còn nghi ngờ đủ việc v.v… Tại sao thời Phật, các vị đắc đạo rất nhanh? Bởi các vị có niềm tin vững chắc đối với Đức Phật. Có vị Sa-di mới 7 tuổi, lúc được cạo tóc xuất gia, nghe Bổn sư đọc bài kệ “Thế phát”, và dạy rằng cạo bỏ tóc này chính là bỏ những phiền não, những cấu bẩn trong tâm con, ngay đó, Ngài liền đắc đạo.
Thời Phật, có rất nhiều vị Sa-di đắc đạo, đắc A-la-hán ngay từ 7 tuổi chớ không đợi lớn lên, đó là do tín tâm của các vị mạnh mẻ. Còn chúng ta xuất gia khi đã trưởng thành, vậy mà không được như vậy, là vì khi nghe lời Phật dạy, từ tai này lọt qua tai kia, hoặc từ lỗ tai ra miệng, nghe rồi đi nói, đi giảng mà không tự thực hành. Thế nhưng, chỉ khi nào điều phục được tâm mình, việc tu mới thật có giá trị.
Có một ông vua, làm ba con khỉ với hình dáng giống nhau và chất liệu giống nhau, đưa ra trước quần thần và dân chúng, nói rằng ba con khỉ này có giá trị quý tiện khác nhau, đố mọi người tìm ra điểm khác nhau đó. Mọi người quan sát mãi cũng không biết chúng khác nhau điểm nào. Một vị hiền triết xuất hiện, Ngài lấy một sợi dây đút vào lỗ tai của ba con khỉ. Con thứ nhất, sợi dây luồn vào lỗ tai này đi qua lỗ tai kia. Con thứ hai, sợi dây luồn vào lỗ tai đi ra cửa miệng. Con thứ ba, sợi dây luồn vào lỗ tai đi xuống bụng, không thấy đầu ra. Ngài tuyên bố, con khỉ thứ ba có giá trị nhất.
Con khỉ thứ ba chỉ cho người nghe rồi ghi nhớ không quên, biến nó thành của mình, vị đó thù thắng nhất. Người nghe rồi quên hết là con khỉ thứ nhất. Người nghe rồi nói lại chứ không làm là con khỉ thứ hai. Cả hai đều không có giá trị. Việc tu của chúng ta cũng vậy. Chỉ khi nào tự mình ứng dụng tu tập, biến những điều học được thành tài sản của chính mình, mới là thù thắng nhất.