Chánh văn:
Có vị Sa-môn hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Cái gì là thiện? Cái gì là Đại?” Phật dạy: “Thực hành Chánh Đạo , gìn giữ lẽ chân là Thiện. Chí cùng Đạo tương ưng là Đại.”
Giảng:
Có vị Sa-môn hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Cái gì là thiện? Cái gì là Đại?”
Sa-môn hỏi Phật về ý nghĩa hai chữ thiện và đại. Thiện nghĩa là lành, đại nghĩa là lớn, là vĩ đại, là tột. Ngày xưa, người ta gọi những vị có chức quan lớn hay những bậc đạo cao đức trọng là “Đại nhân”. Đức Phật và chư Bồ-tát cũng được gọi là “Đại nhân”.
Phật dạy: “Thực hành Chánh Đạo, gìn giữ lẽ chân là Thiện.”
Nếu đây là câu hỏi của cư sĩ thì Phật sẽ trả lời Thiện là bố thí, cúng dường, làm các việc lành giúp đỡ người, vật v.v… Nhưng vì đây là câu hỏi của một tu sĩ, những người chuyên sâu vào phần tu tập, nên Phật dạy Thiện là thực hành Chánh Đạo, gìn giữ lẽ chân. Tức tu đúng chánh pháp, không theo tà đạo. Chánh đạo là con đường chân chánh, pháp tu chân chánh, phù hợp nhân quả, thuận theo chân lý. Những pháp nào giúp mình nhận được tự tánh, vượt thoát sanh tử luân hồi, ích mình lợi người đều là chánh đạo.
Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp tu, tùy theo căn cơ của mình mà chọn lấy một pháp thích hợp.
37 phẩm trợ đạo trong Đạo đế đều là những pháp tu giúp mình nhận được tánh, liễu ngộ được sanh tử nên đều là Chánh Đạo. Chọn một pháp rồi tinh tấn thực hành, một thời gian sẽ được định, nhưng không đắm vào cảnh giới định đó mà phải xả đi, khi tâm xả thành tựu thì chân tánh tự hiển lộ.
Ví dụ pháp Tứ như ý túc (Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Nhất tâm như ý túc và Quán như ý túc), là pháp tu nương thiền định để đắc quả A-la-hán, không phải pháp tu thiền định thông thường của phàm phu hay ngoại đạo chỉ chứng đắc các tầng thiền của Sắc giới và Vô sắc giới. Bởi Tứ như ý túc không dừng lại ở cảnh giới “Nhất tâm”, tức cảnh giới định, mà vượt đến cảnh giới “Quán”, tức nhận lại tự tánh của chính mình.
Hay pháp Tứ niệm xứ: Quán thân như thân niệm xứ, Quán thọ như thọ niệm xứ, Quán tâm như tâm niệm xứ và Quán pháp như pháp niệm xứ.
Quán thân như thân niệm xứ là thân như thế nào biết rõ như thế ấy, đi biết rõ đang đi, giở tay, nhấc chân, ăn mặc, ngủ nghỉ, đi đứng tới lui v.v…, tất cả mọi động tác thi vi trên thân đều biết rõ ràng. Thực hành đến một lúc hoàn toàn rõ biết, không xen một tạp niệm nào, tự nhiên sẽ nhận được tự tánh hiện tiền. Như bức tranh thứ 7 trong 10 bức tranh chăn trâu, chỉ còn một mình mình dưới ánh trăng, không còn trâu, không còn chăn. Tiến lên một bước nữa, buông xả chỗ được, người chăn cũng mất, chỉ một vòng tròn sáng, người trâu đều buông, tức tự tánh lộ rõ, chiếu sáng vằng vặc.
Quán tâm như tâm niệm xứ là tâm thế nào biết thế ấy. Không phải quán vọng tưởng nhiều ít, tốt xấu…, mà là biết rõ tâm đang có niệm hay không có niệm, biết rõ niệm khi sanh lên, khi lặng xuống. Giống như người đứng trên lầu nhìn xuống ngã tư đường, thấy rõ biết rõ người người đang qua lại tới lui, quẹo phải quẹo trái…, thấy biết rõ mà không can thiệp. Cách quán tâm cũng giống như vậy, biết rõ sự sanh diệt của niệm niệm trong tâm mà không can thiệp vào sự sanh diệt của chúng, mặc chúng sanh sanh diệt diệt, khi đó sẽ nhận ra chỉ tánh giác của mình là hiển hiện bất diệt.
Quán thọ như thọ niệm xứ là mọi sự tiếp thọ của thân với ngoại cảnh đều biết rõ. Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui đều biết rất rõ, nhưng không theo cái thọ đó mà sanh khổ vui. Giống như người đang xem phim, thấy biết rõ sự khổ vui của nhân vật trong phim mà không cùng họ khổ vui. Quán thọ cũng vậy, khi nào có thể tiếp thọ mọi cảnh mà lòng chẳng sanh khổ vui là lúc nhận ra tự tánh hiện tiền.
Quán pháp như pháp niệm xứ là biết rõ mọi sự vận hành: sanh, trụ, dị, diệt của vạn pháp. Thấy rõ biết rõ mà không theo pháp động tâm, pháp thế nào nhận biết thế ấy, cũng không can thiệp vào sự vận hành của nó. Đây là ý nghĩa “Như thị” trong kinh Đại thừa. Hay như Thiền sư nói “Cây gậy là cây gậy”, “Xuân đến trăm hoa nở”… Khi nào có thể an nhiên trước mọi sự đổi thay của vạn vật tự nhiên sẽ nhận ra ông chủ tự tại đó chính là mình.
Chỉ một pháp Tứ niệm xứ mà đức Phật đã dạy cho mình bốn cách tu. Chỉ cần ứng dụng một pháp là có thể đưa mình đến cứu cánh. Tuy nhiên, cần chọn pháp tu nào thích hợp với căn cơ của mình, và đừng cố chấp vào một pháp, nếu tu một thời gian thấy không tiến bộ nên đổi qua pháp khác, pháp nào tu mà thấy vui, thấy dễ, có sự tiến triển rõ rệt trên công phu thì mình kiên trì thực hành, còn pháp nào tu không khá tức biết không phù hợp căn cơ mình thì nên bỏ, tìm chọn pháp khác.
Hoặc có thể kết hợp tu nhiều pháp, như pháp Tứ niệm xứ: khi đi đứng tới lui… có thể hành pháp quán thân; gặp duyên nghịch hay duyên thuận, tức cảm thọ hiện ra mạnh, thì có thể hành pháp quán thọ; khi ngồi yên một chỗ, dễ nhìn thấy sự khởi diệt của niệm thì có thể tu quán tâm; lúc gặp ngoại cảnh biến dịch có thể tu quán pháp… Nhưng dù tu pháp nào, khi tâm cảnh đạt đến một trạng thái khinh an hay một định cảnh nào đó thì phải xả bỏ, chỉ cảm nhận nó như một thắng cảnh chứ không chấp dính cho là chứng đắc, nếu không cẩn thận dễ lạc vào đường tà, bởi Đạo thật sự, Chân lý thật sự là không có chỗ được, không có chỗ chứng.
Cho nên, 37 phẩm trợ đạo là thấu suốt để tu, không phải chia cắt ra để tu, nghĩa là tu làm sao đạt đến trạng thái dễ chịu nhất, cho kết quả tốt nhất là ứng dụng tu ngay, không để vướng kẹt một chỗ. Lục Tổ nói “Đạo là thông lưu”, nếu kẹt lại thì không phải Đạo.
Đối với người tu, “Thiện” là thực hành Chánh Đạo, thực hành những pháp tu để giải thoát, để nhận được Đạo, chứ không phải chỉ đơn giản là những việc lành bình thường.
Ngoài ra, “Thiện” còn là phải gìn giữ lẽ chân, tức giữ được tâm cho thanh tịnh. Đối với người tu, chỉ cần trong đầu còn nghĩ phải quấy, hơn thua, tốt xấu, thiện ác v.v… thì đều thuộc về ác, hay còn chấp vào bất cứ pháp gì, dù là chấp vào việc lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền v.v… cũng không phải thiện, không phải lẽ chân.
Chí cùng Đạo tương ưng là Đại.
Chí cùng Đạo tương ưng là tâm phải thấu hợp với Đạo, không tìm cầu bên ngoài. Mục đích duy nhất của người tu là nhận được tự tánh, trở lại với con người chân thật của mình. Đó chính là điều cao thượng nhất, lớn nhất, là “Đại”. Phải dám nhận chỗ cao tột đó, dám lấy đó làm đích đến của mình, quyết tâm đi cho đến đích, không sợ nhọc, không chán ngán, không tự khinh mình, như Tổ Quy Sơn dạy: “Kia là trượng phu thì ta cũng vậy, chớ tự khinh mình mà lui sụt”. Được vậy là Chí cùng Đạo tương ưng, là tâm đạt đến chỗ “Đại”.