Nội dung:
Bàn Sơn để lời rằng: “Một con đường hướng thượng ngàn thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng” Khiến người học các nơi thảy nhằm trên đầu đường này mà tham lấy ý thiền. Thử hỏi các ông, ý thiền làm sao tham? Nếu là tham được việc ấy, lại như kẻ ngu trên đầu thêm đầu, dưới đuôi thêm đuôi, trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu. Nói đến thì môi méo miệng lệch, nhìn đến thì tròng mắt rơi rớt. Đức Phật liếc mắt làm ngơ, tổ Đạt-ma chau mày bỏ mặc, Mã Tổ treo phất tử, Thủ Sơn giấu trúc bề, Triệu Châu xé rách áo vải, Vân Môn dẹp bỏ bánh hồ, Đức Sơn ném phắt cây gậy, Lâm Tế im hơi. Phật Phật tổ tổ đều ẩn dấu, người người đều tan mật. Dùi không thể vào, kim không thể dung, đầu đồng cũng không thể tiến được, trán sắt vọt cũng chẳng thủng. Lửa nháng còn không đuổi kịp, điện xẹt cũng còn sau đuôi. Tịnh ngộ thì chìm trong làng say, động mê thì đi trên đường sanh tử. Giả sử được phó chúc trên hội Linh Sơn trọn là một trường bày vẽ, Thiếu Thất truyền riêng cũng là hang dây bò. Mặc dù ông có cơ dường điện chớp, tiếng hét liền ngộ, nói thao thao như dòng nước chảy, câu thoại đầu liền tiến được, tham qua tham lại, lâu ngày chầy tháng, trên miệng tạm có chút ít lưu loát, đâu khỏi thân vẫn ở trong hang ổ.
Này các người! Đến trong đây cũng chẳng được bỏ qua một bước, nếu không người học phóng mắt nhìn bờ thẳm rất khó bề tiến bước. Hôm nay tôi vì tất cả các người, chẳng khỏi vuốt râu trên miệng cọp, bước khỏi đầu sào. Chỗ nói gió khua tùng vang, chỗ nín trăng rọi đầm trong. Khi đi thì mây bay nước chảy, lúc đứng thì non yên núi vững. Lời lời là kế sống đức Thích-ca, câu câu vốn gia phong tổ Đạt-ma. Buông đó thì chữ bát mở toang, nắm đó thì một cửa không kẽ hở. Tại trong hang quỷ làm lầu các Di-lặc, ở dưới hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền. Chốn chốn là Đại quang minh tạng, cơ cơ đều bất nhị pháp môn. Mặc cho tối đi sáng lại, ngại gì mây che trăng khuất. Minh châu trong tay, xanh thì rọi xanh, vàng thì rọi vàng; gương sáng trên đài, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Đâu quan hệ gì thân huyễn, trọn là pháp thân. Chẳng nhọc trên đảnh phóng quang, vốn đủ sáu thông thần dụng. Hất nhào cung điện Ma vương, lột trần tâm can ngoại đạo. Biến đại địa thành thế giới hoàng kim, khuấy trường hà làm tô lạc cho người trời.
Trong lỗ mũi pháp luân thường chuyển, dưới chân mày chùa báu hiện tiền. Trên sóng gái đá múa điệu Bà sa, người gỗ thổi sáo ca khoản đãi. Hoặc gặp trường thì đùa cợt, hoặc được chỗ thì mở rộng lòng. Hoặc duỗi tay dìu dắt, hoặc quay về núi rừng. Khi lười biếng thì ngủ mây gối đá, khi hứng thú thì vịnh gió ngâm trăng. Dạo chơi nơi quán rượu phòng trà, cười đùa nơi bờ hoa rặng liễu. Hoa vàng rợp rợp đều là tâm Bát-nhã, trúc biếc xanh xanh vốn thật lý chân như. Vạch cỏ hiện bản lai diện mục, đào đất dứt đường hiểm tử sanh. Xoay đầu ngựa sắt đánh lôi về, xỏ mũi trâu đất dẫn đi hành cước. Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, ai bảo một vật vẫn còn? Phật cũng phi, tâm cũng phi; chân cũng vào, giả cũng vào. Ngoài cửa tam yếu mặc tình hét hai làm ba, chữ thập đầu đường tha hồ gọi chín làm mười. Sáo không lỗ thổi bản vô sanh, đàn không dây khảy bài khoái hoạt (vui sống). Kia nơi nơi chẳng phải tri âm, đây chốn chốn đâu cho nghe lỏm.
Chỉ một con đường hướng thượng xưa nay làm sao nói? Hét! Lửa này chưa từng đốt miệng. Lắng nghe! Lắng nghe! Nếu nghe được lời này thì tai điếc ba ngày; nếu nghe chẳng được, chạy qua nhanh. Lại trao cho chăng?
Chốn chốn dương xanh nên cột ngựa,
Nhà nhà có lối thẳng Trường An.
Trở về dưới nguyệt người ít đến,
Một ánh trăng soi lạnh mọi miền.
Bàn Sơn để lời rằng: Một con đường hướng thượng ngàn thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng. Bàn Sơn là thiền sư Bảo Tích ở Bàn Sơn, một trong tám mươi bốn vị Thiện tri thức đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Vì sao chư thánh chẳng truyền con đường hướng thượng? Vì đó là con đường mỗi người tự đi, tự có, không ai trao cho ai được. Học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng, người học suy nghĩ tìm hiểu chỉ là nhọc nhằn không có kết quả gì, giống như con khỉ thấy bóng thì chụp nắm, rốt cuộc chỉ nhọc công vô ích thôi.
Như thế con đường hướng thượng chúng ta không thể trông cậy vào bậc thầy truyền cho mình, hay thiện tri thức chỉ cho mình, mà mỗi người phải tự quay lại, tự nhận ra. Đó là ý thâm trầm của câu này. Nhưng ngài Trần Thái Tông khéo diễn tả cho chúng ta thấy cái không thể chỉ được.
Khiến người học các nơi thảy nhằm trên đầu đường này mà tham lấy ý thiền. Thử hỏi các ông, ý thiền làm sao tham? Nghe nói có con đường hướng thượng, mọi người cứ ngay đó mà tham cứu để tìm cho ra ý thiền. Nhưng ý thiền không thể tham cứu, không thể tìm ra được.
Nếu là tham được việc ấy, lại như kẻ ngu trên đầu thêm đầu, dưới đuôi thêm đuôi, trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu. Nếu tham được ý thiền, giống như kẻ ngu trên đầu lại thêm một lớp đầu, dưới đuôi lại thêm một đuôi nữa, con mắt để bụi vào, trên thịt thì thêm bướu. Chỗ này không thể do tham cứu mà đến được, nếu đến được đó là chuyện thừa, không có lợi ích, không có nghĩa lý gì.
Tại sao? Tham cứu được ý thiền thì thiền là cái ở ngoài, bị chúng ta tìm ra, cái đó không phải là mình. Thí dụ như có người già sắp chết dặn con: “Cha có chôn hũ vàng ở giữa gian nhà, khi cha chết, con đào lên lấy.” Người cha chết, đứa con đào tìm được hũ vàng. Vậy hũ vàng không phải là nó, nếu là nó thì nó không tìm thấy.
Chỗ này quý vị phải lắng lặng tâm tư chứ không thể suy gẫm hiểu theo thế thường. Nếu Thiền là cái chúng ta nghiên cứu tìm ra, thấy được, hẳn nó không phải là mình, vì chúng ta chỉ thấy những gì bên ngoài chứ không thể thấy được mình! Như con mắt không bao giờ tự thấy con mắt, mà chỉ thấy bàn, ghế, ly, tách trước nó. Nếu mắt tự thấy là thấy bóng trong gương. Thiền tông nói thiền là nói thẳng tâm thể sẵn có của chúng ta, nó là chúng ta. Nhưng chúng ta làm sao biết? Thí dụ tôi có con mắt, có người hỏi mắt Thầy sáng hay tối, làm sao tôi biết? Tôi nhìn thấy sự vật, tôi tự biết mắt tôi sáng, nếu nói tôi thấy con mắt tôi sáng là nói sai. Biết mắt sáng là do mắt thấy sự vật chung quanh. Nếu không thấy được sự vật thì biết mắt tối. Đó là do qua vật đối diện bên ngoài mà nhận ra, chứ không phải thấy được con mắt. Vậy nếu người nào nói tôi thấy con mắt tôi sáng thì người đó không sáng suốt chút nào. Thế nên nói, nếu tham cứu được ý thiền thì chẳng khác nào kẻ ngu trên đầu thêm đầu… đó là làm chuyện thừa, vì tưởng thiền là cái gì ở bên ngoài, không ngờ thiền là chỉ cho tâm thể sẵn có của mình. Từ tâm thể khởi ra cái biết các sự vật, nay nói mình biết lại tâm thể đó thì thật vô lý. Chúng ta nhận ra mình có tâm thể là do chúng ta nhận biết được sự vật. Có biết do có tâm thể, cũng như có thấy do mắt sáng. Hiểu rõ ý này thì những đoạn sau cũng dễ hiểu.
Nói đến thì môi méo miệng lệch. Ai nói đến được cái đó thì môi có tật, miệng lệch qua một bên. Tại sao? Vì tham cứu thuộc về tâm thức, không thể lấy tâm biết tâm được. Tham cứu không được thì nói cũng không được, nên nói thì sanh bệnh, môi méo miệng lệch. Tâm thể không dấy niệm, nói thì phải khởi nghĩ tức là dấy niệm nên mất tâm thể, đó là điều thứ nhất. Thứ hai là ngôn ngữ thành lập trên phương diện đối đãi, có đen mới nói trắng, có tối mới lập sáng v.v… Tâm thể là cái không đối đãi, dùng cái đối đãi để diễn tả không thể được.
Nhìn đến thì tròng mắt rơi rớt. Trong nhà thiền, người ta thường hiểu lầm kiến tánh là thấy tánh. Thật ra kiến tánh là nhận ra mình có thể tánh, nhận một cách đúng đắn không nghi ngờ giống như mình thấy nên gọi là kiến tánh. Nếu thấy tánh của mình thì tánh đó không phải là mình, nên nói nhìn đến thì tròng mắt rơi rớt. Vậy trên ba phương diện, một là tham cứu, hai là nói đến, ba là nhìn đến, cả ba đều không thể dùng đối với con đường hướng thượng. Kẻ phàm đã như vậy, Phật tổ thì thế nào?
Đức Phật liếc mắt làm ngơ, tổ Đạt-ma chau mày bỏ mặc. Tại sao đức Phật cũng không thấy, không nói được? Đức Phật chứng được lục thông, trong đó có Tha tâm thông, nghĩa là biết được tâm người khác. Biết tâm nào? Tức tâm khởi niệm, tâm vọng tưởng chứ không phải tâm chân thật, tâm vô niệm. Chỗ không khởi niệm đức Phật cũng không thấy được nên liếc mắt làm ngơ; tổ Đạt-ma chau mày bỏ mặc. Tổ chau mày bỏ mặc, không nói được cũng không chỉ được.
Ngài dẫn các tổ: Mã Tổ treo phất tử, Thủ Sơn giấu trúc bề, Triệu Châu xé rách áo vải, Vân Môn dẹp bỏ bánh hồ, Đức Sơn ném phắt cây gậy, Lâm Tế im hơi. Phật Phật tổ tổ đều ẩn dấu, người người đều tan mật.
Các thiền sư sau này, như Mã Tổ Đạo Nhất, ai đến hỏi thiền thì ngài đưa phất tử lên, nhưng đến chỗ chân thật này, phất tử không còn hữu dụng nên treo phất tử.
Thủ Sơn giấu trúc bề, trúc bề là cái thẻ tre như cây thước, thường thuở xưa các tổ hay để trên bàn, ai tới cũng đưa thẻ tre lên giống như đưa phất tử. Thủ Sơn là thiền sư Tỉnh Niệm, cũng gọi là Niệm Pháp Hoa, đệ tử của thiền sư Phong Huyệt, cháu bốn đời của tổ Lâm Tế. Ngài thường để cây trúc bề trên bàn. Một hôm giữa đại chúng, ngài đưa trúc bề lên hỏi:
– Nói trúc bề là phạm, nói không phải trúc bề là trái, các ông thử nói xem?
Nói trúc bề là phạm húy, còn không nói trúc bề thì trái lẽ thật. Đó là thuật của các thiền sư, nhưng đến chỗ này rồi cây trúc bề cũng giấu luôn, không đem ra dùng được.
Triệu Châu xé rách áo vải, Triệu Châu tức là thiền sư Tùng Thẩm ở thành Triệu Châu. Một hôm có người hỏi ngài:
– Muôn pháp trở về một, một về chỗ nào?
Ngài nói:
– Tôi ở Thanh Châu có may một áo vải nặng bảy cân.
Nhưng đến chỗ này cũng không thể nói, nên nói Triệu Châu xé rách áo vải.
Vân Môn dẹp bỏ bánh hồ. Vân Môn là ngài Văn Yển ở chùa Vân Môn, từ Thiều Châu lên đó khoảng sáu mươi cây số, gần với chỗ của Lục Tổ. Bánh hồ (hồ bính) là loại bánh làm bằng bột trộn chung với mè (miền Bắc là vừng) cộng thêm đường. Một hôm có người hỏi ngài:
– Thưa hòa thượng, câu siêu Phật việt Tổ là thế nào?
Ngài đáp:
– Bánh hồ.
Nhưng đến chỗ này “bánh hồ” của ngài cũng dẹp bỏ luôn.
Đức Sơn ném phắt cây gậy. Đức Sơn là ngài Tuyên Giám ở Đức Sơn, đệ tử của ngài Sùng Tín. Một hôm ra giữa chúng, ngài bảo:
– Nói trúng thì ăn ba gậy, nói không trúng cũng ăn ba gậy, các ông thử nói xem.
Nhưng gặp trường hợp này ngài Đức Sơn cũng phải ném cây gậy đi. Tại sao? Vì chỗ này không thể dùng cái gì để đến được.
Lâm Tế im hơi, Ngài Lâm Tế mỗi khi ai bước tới hỏi, hoặc mới bước vào cửa, ngài liền hét. Đến chỗ này ngài cũng im hơi không hét được,
Như vậy tất cả thủ thuật đặc biệt của các thiền sư để đánh thức đồ chúng đều không đến chỗ chân thật này được, nên đều không dùng.
Phật Phật tổ tổ đều ẩn dấu, người người đều tan mật. Cái chân thật này Phật tổ hay người nào đều không thể chỉ hay nói cho người khác hiểu được, nên không có dấu vết.
Dùi không thể vào, kim không thể dung, đầu đồng cũng không thể tiến được, trán sắt vọt cũng chẳng thủng. Nghĩa là cái chân thật đó dù cho dùng dùi bén dùi cũng không vào được, cây kim tí ti cũng không dung chứa được, dầu cho người có đầu cứng như đồng muốn chui vào cũng không thể được, trán cứng như sắt muốn vọt cho thủng cũng không được. Tóm lại dù cho người có những gì kỳ đặc cũng không thể chạm đến nó được.
Lửa nháng còn không đuổi kịp, điện xẹt cũng còn sau đuôi. Dù nhanh như lửa nháng điện xẹt cũng không theo kịp đến chỗ này.
Tịnh ngộ thì chìm trong làng say, động mê thì đi trên đường sanh tử. Động mà mê thì đó là luân hồi sanh tử, còn người tu được lặng lẽ mà ngộ vẫn còn chìm trong làng say. Tại sao? Vì trong đó không còn đối đãi, tịnh là đối với động, ngộ là đối với mê, động tịnh ngộ mê không còn nữa.
Giả sử được phó chúc trên hội Linh Sơn trọn là một trường bày vẽ. Nơi hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa đồng thời đưa mắt nhìn tứ chúng, thấy chỉ riêng ngài Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười, liền đó Phật bảo: Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, truyền cho Ca-diếp. Đó là Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca-diếp. Nói truyền tâm ấn là truyền cái gì? Thí dụ tôi có cây viết, muốn cho ai tôi đưa họ, họ nhận, đó là tôi trao cây viết cho người đó. Hoặc tôi có lá y tôi đưa người nhận đó là truyền y. Có cái trao cho, có người nhận mới gọi là truyền. Còn ngài Ca-diếp nhìn lên, thấy Phật đưa cành hoa, mắt nhìn tứ chúng, ngay đó ngài nhận được cái thật của mình. Như tôi đã nói, nhờ thấy được sự vật nên biết mắt mình sáng. Ngài Ca-diếp hội ý Phật muốn nói, ngài mỉm cười, nên Phật bảo Ta truyền cho Ca-diếp. Truyền mà không có gì để truyền nên nói giả sử được phó chúc trên hội Linh Sơn trọn là một trường bày vẽ, chứ sự thật không có gì để truyền trao, chỉ tự mình lãnh hội được cái gì của mình mà Phật muốn chỉ, đó gọi là truyền.
Thí dụ như tôi giảng có người lãnh hội được ý tôi, hiểu tôi muốn chỉ cái gì. Nay tôi không nói, tôi ngồi nhìn, thấy người nào lãnh hội được là người đó hiểu tôi muốn nói điều gì, người đó đồng tâm niệm với tôi, đồng với nhau nên gọi là truyền trao tâm ấn. Tâm này với tâm kia giống nhau gọi là ấn. Ấn là in, trong con dấu có chữ gì in xuống giấy có chữ ấy không sai. Tâm của người đệ tử, tâm của vị thầy thông cảm nhau không khác, gọi là truyền tâm ấn. Nay vì không biết nên nhiều người bày đủ chuyện như vào phòng kín truyền tâm ấn, gây mê tín dị đoan, làm những việc trái đạo lý. Hiểu như vậy mới thấy trọng tâm của Thiền.
Thiếu Thất truyền riêng cũng là hang dây bò. Đến tổ Đạt-ma truyền y cho tổ Huệ Khả tại Thiếu Thất cũng là dây bò miệng hang không có gì thật. Nói truyền thừa chỉ là một lối nói, không phải thật có vật để truyền trao.
Mặc dù ông có cơ dường điện chớp, tiếng hét liền ngộ, nói thao thao như dòng nước chảy, câu thoại đầu liền tiến được, tham qua tham lại, lâu ngày chầy tháng, trên miệng tạm có chút ít lưu loát, đâu khỏi thân vẫn ở trong hang ổ. Dù cho chúng ta có cơ nhạy bén, nghe một câu hoặc một tiếng hét liền ngộ, tự cho là đủ rồi nói dọc nói ngang, cũng chưa ra khỏi sanh tử. Lại như những người nghiên cứu thoại đầu, bỗng chợt trên miệng tạm có chút ít lưu loát, nói thì hay, bàn thiền tợ thánh, lý luận những lời cao xa nhưng trước cảnh như ngu, gặp tài sắc thì dính mắc vì chưa sống trọn vẹn với thể chân thật của mình. Như vậy cũng chưa đến nơi đến chốn, nên chưa ra khỏi hang ổ của phiền não sanh tử. Tóm lại, mỗi người sẵn có thể chân thật, khi do một cơ duyên đặc biệt chúng ta lãnh hội được và sống trọn vẹn với thể chân thật ấy mới là chỗ cứu cánh.
Này các người! Đến trong đây cũng chẳng được bỏ qua một bước, nếu không người học phóng mắt nhìn bờ thẳm rất khó bề tiến bước. Đến trong đây là con đường hướng thượng, không được bỏ qua một bước. Nếu bỏ qua là không vào được đất chân thật của mình. Nếu chẳng như thế thì phóng mắt nhìn, thấy khó khăn như thấy bờ vực thẳm, rất khó tiến bước.
Hôm nay tôi vì tất cả các người, chẳng khỏi vuốt râu trên miệng cọp, bước khỏi đầu sào. Nay tôi vì tất cả các người mà làm việc mạo hiểm, bước khỏi đầu sào.
Chỗ nói gió khua tùng vang, chỗ nín trăng rọi đầm trong. Gió khua lá tùng lá thông reo, vang ra tiếng nhưng không có ý. Trăng rọi bóng dưới đầm trong, đầm và trăng cùng không có ý. Như vậy chỗ nói nín đều không có ý. Chúng ta hiện nay nói nín đều có ý, nên làm việc gì cũng trong điên đảo vọng tưởng. Phải làm sao nói nín đều không mắc kẹt, như gió khua tùng vang, như trăng rọi đầm trong, nghĩa là tất cả cảnh vật bên ngoài có tiếng vang có bóng rọi nhưng đều không có ý.
Khi đi thì mây bay nước chảy, lúc đứng thì non yên núi vững. Mây bay nước chảy, non yên núi vững đều không có ý. Nói nín, đi đứng đều như vậy. Ngài Trần Thái Tông khéo dùng cảnh diễn tả rất hay cái không thể nói được.
Lời lời là kế sống đức Thích-ca, câu câu vốn gia phong tổ Đạt-ma. Lời nào cũng là lời Phật, câu nào cũng là câu của Tổ, chứ không nói lời phàm tục sai quấy. Trái lại lời nào của chúng ta cũng là lời phàm tục, câu nào cũng là câu thế gian. Ngài bảo đến chỗ đó là nói nín đi đứng đều không chen lẫn ý phàm, tất cả đều không ngoài nếp sống của Phật, gia phong của Tổ. Được vậy mới là đúng.
Buông đó thì chữ bát mở toang, nắm đó thì một cửa không kẽ hở. Hai bên chân mày chúng ta giống hình chữ bát (八). Trong nhà thiền hay dùng hình ảnh này, vì dưới chân mày là con mắt, là cái sáng để thầm chỉ tâm. Buông ra tức là cặp chân mày mở trống, con mắt hiện tiền, nên buông đó thì chữ bát mở toang, nắm đó thì một cửa không kẽ hở. Nếu nắm lại thì chỗ đó không có gì chen vào được.
Tại trong hang quỷ làm lầu các Di-lặc, ở dưới hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền. Chốn chốn là Đại quang minh tạng, cơ cơ đều bất nhị pháp môn. Mặc cho tối đi sáng lại, ngại gì mây che trăng khuất. Người đến chỗ tự tại đi đứng nói nín đều không ngoài nếp của Phật tổ, buông nắm toàn là chỗ chân thật. Người đó sẽ có diệu dụng, dù ở hang quỷ vẫn là lầu các Di-lặc, dù trong núi đen cũng là cảnh giới rực rỡ của Phổ Hiền. Như vậy ngay trong cảnh ma là cảnh Phật, ngay trong chỗ tối là chỗ sáng, không phải tìm kiếm đâu xa. Nơi nào cũng là kho Đại quang minh, căn cơ nào cũng là pháp môn bất nhị. Dù cho tối đi sáng lại, mây che trăng khuất, con người tự tại vẫn không bị cảnh bên ngoài làm thay đổi.
Minh châu trong tay, xanh thì rọi xanh, vàng thì rọi vàng; gương sáng trên đài, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Đã lộ rồi! Nói quanh nhưng đến đây thì thấy rõ. Người đi đứng nói nín tự tại không có một niệm dấy khởi, nói như gió khua tùng vang, nín như trăng rọi đầm trong, đi như mây bay nước chảy, đứng như non yên núi vững v.v.., tất cả đều là nề nếp của Phật của Tổ, người đó có đầy đủ diệu dụng, ở chỗ tối cũng thành sáng, ở chỗ xấu cũng thành tốt. Như vậy người đó có đủ điều kiện để nhận ra cái chân thật sẵn có nơi mình, như hạt minh châu cầm sẵn trong tay, bên ngoài có màu sắc nào thì hiện màu sắc ấy, giống như gương sáng trên đài, người Ấn đến hiện người Ấn, người Hoa đến hiện người Hoa không sai khác. Nói rõ hơn, trong tất cả trường hợp chúng ta đều không dấy niệm thì tâm chúng ta là cảnh giới thanh tịnh sáng suốt. Thí dụ khoảng một tiếng đồng hồ tâm không khởi niệm, lúc đó chúng ta vui hay buồn? Nói vui buồn là có niệm, không niệm thì đâu có vui buồn song gương mặt vẫn tươi sáng, không âu sầu.
Quý vị thử nghiệm xem. Không còn niệm xấu tốt đối đãi thì tất cả chỗ đều như nhau, không còn nghĩ nơi đây xấu thì sợ, nơi kia tốt thì tham, nên nói ở trong hang quỷ làm lầu các Di-lặc, ở dưới hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền. Khi tâm không khởi niệm, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, thân vẫn có cảm giác, nhưng thấy nghe và cảm giác đó giống như hạt minh châu sáng, như gương sáng, vật gì đến hiện vật ấy, người đến hiện người, cảnh đến hiện cảnh, không thêm một niệm nào, chứ không phải không còn gì. Thế nên nói xanh thì rọi xanh, vàng rọi vàng, Hồ thì hiện Hồ, Hán hiện Hán, cái nào hiện cái ấy rất trung thực. Đừng nói lúc đó không biết! Không niệm nhưng vẫn biết đầy đủ, biết đúng như thật. Hiện nay chúng ta biết mà không đúng như thật. Nếu người có thiện cảm đến, chúng ta liền thấy vui, người có ác cảm đến liền thấy bực bội. Chúng ta nhìn tất cả mọi người qua lớp thành kiến của mình, thành kiến tốt thì thấy người tốt, thành kiến xấu thì thấy người xấu, đó là nhìn sự vật không trung thực, không đúng như thật. Trong kinh Pháp Hoa gọi là không như thị, tức là không đúng như thế, những gì khuôn của chúng ta đều biến chất. Tóm lại chúng ta đang mang kiếng hoặc màu xanh, hoặc màu đen, màu hồng v.v… nên sự vật đều biến màu. Chỉ khi tâm chúng ta không còn dấy niệm, không còn bị đóng khung trong thói quen nữa, lúc đó sự vật đều hiện ra rõ ràng không sai khác. Đó mới là thấy đúng như thật.
Đâu quan hệ gì thân huyễn, trọn là pháp thân. Cái thấy sự vật đúng như thật đó là pháp thân, là cái chân thật, cái đó không quan hệ gì đến thân huyễn này, thân huyễn này là đất nước gió lửa, là vật bỏ đi, nó không biết, không soi rọi được, nó chỉ là tạm bợ, tùy duyên không phải thật. Nhưng hiện nay chúng ta đang sống với cái tạm bợ tùy duyên nên trở trời đổi gió cũng theo duyên trời duyên gió mà đau! Nghe người nói trái tai cũng theo duyên trái tai mà ngủ không được! Tất cả duyên ngoài chi phối chúng ta nên cả ngày điêu đứng khổ sở. Nếu sống với cái chân thật thì tất cả duyên đều không động tới chúng ta được vì cái đó lúc nào cũng nhất như, không gì làm cho nó biến đổi. Tu đến đó mới gọi là giải thoát, còn tu sơ sài thì vui buồn theo lời khen chê, làm sao giải thoát được! Đó là lẽ thật, là điều cao siêu của Phật giáo.
Đọc qua đoạn trên chúng ta thấy dường như ngài Trần Thái Tông tả cảnh trời mây không nói gì đến việc tu hành, nhưng thật ra đó là điều thiết yếu cho sự tu của chúng ta. Đa số người tu hiểu lầm khi tâm không còn dấy niệm, tu mà không suy nghĩ, không quán chiếu e sẽ ngu đần. Trong nhà thiền tuy thấy như ngây như ngô, không có những bén nhạy của thế gian, nhưng lại có diệu dụng bất tư nghì.
Chẳng nhọc trên đánh phóng quang, vốn đủ sáu thông thần dụng. Hất nhào cung điện Ma vương, lột trần tâm can ngoại đạo. Biến đại địa thành thế giới hoàng kim, khuấy trường hà làm tô lạc cho người trời. Không đợi trên đảnh phóng hào quang mà vẫn có thần thông diệu dụng. Cung điện Ma vương chúng ta cũng hất nhào, tâm can ngoại đạo cũng bị lột trần ra hết. Đại địa là chỗ đất đai gò nổng cao thấp khác nhau, chúng ta có thể đổi thành thế giới hoàng kim. Dù ở cảnh Ta-bà khổ nhưng lúc nào mặt cũng tươi vui, vậy không phải sống trong thế giới hoàng kim là gì? Giả sử nước sông khuấy cũng thành tố lạc. Đến đó rồi, bất cứ một sự việc gì cũng thành hữu ích, cũng đều có lợi cho trời người.
Trong lỗ mũi pháp luân thường chuyển, dưới chân mày chùa báu hiện tiền. Trên sóng gái đá múa điệu Bà sa, người gỗ thổi sáo ca khoản đãi. Dưới chân mày là ngôi chùa báu. Mũi thở ra vào thường giảng pháp. Gái đá biết múa, người gỗ thổi sáo. Tóm lại người đến đó rồi có những diệu dụng khó nghĩ bàn.
Hoặc gặp trường thì đùa cợt, hoặc được chỗ thì mở rộng lòng. Hoặc duỗi tay dìu dắt, hoặc quay về núi rừng. Khi lười biếng thì ngủ mây gối đá, khi hứng thú thì vịnh gió ngâm trăng. Dạo chơi nơi quán rượu phòng trà, cười đùa nơi bờ hoa rặng liễu. Đây là con người tự tại gặp trường hợp thuận thì đùa cợt cho vui, gặp chỗ lợi ích chúng sanh thì mở lòng thương giúp đỡ. Khi thấy chúng sanh khổ thì duỗi tay dìu dắt, khi mệt mỏi thì trở về núi rừng. Lười biếng thì ngủ trong mây, gối đầu trên phiến đá cũng sung sướng, đâu phải đợi đầy đủ tiện nghi. Khi hứng thì vịnh gió ngâm trăng thật là thích thú! Đến chỗ đó rồi mới là kẻ buông thõng tay vào chợ, quán rượu phòng trà, bờ hoa rặng liễu, nơi nào cũng có thể làm lợi ích cho chúng sanh.
Hoa vàng rợp rợp đều là tâm Bát-nhã, trúc biếc xanh xanh vốn thật lý chân như. Vạch cỏ hiện bản lai diện mục, đào đất dứt đường hiểm tử sanh. Xoay đầu ngựa sắt đánh lôi về, xỏ mũi trâu đất dẫn đi hành cước. Hoa vàng không ngoài tâm Bát-nhã, trúc biếc không rời lý chân như. Hoa trúc đều là trí tuệ, đều là như thật, không có gì phàm tục đảo điên. Vạch cỏ hay cắt cỏ, lúc nào cũng thấy bản lai diện mục hiện tiền. Cuốc đất đào đất cũng là dứt đường sanh tử. Được như thế thì nơi nơi đều là giải thoát. Lôi đầu ngựa sắt, xỏ mũi trâu đất, tất cả đều tự tại, không có gì ngăn trở.
Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, ai bảo một vật vẫn còn? Phật cũng phi, tâm cũng phi; chân cũng vào, giả cũng vào. Người không cùng muôn pháp làm bạn là người nào? Là người không dính mắc vật gì cả, đó cũng là tên khác của pháp thân. Pháp thân thì làm gì có một vật, thế nên nếu nói một vật tức không trúng. Nói Phật là đối với chúng sanh. Phật là giác, chúng sanh là mê, mê giác đối đãi, không phải thật, còn cái chân thật lìa đối đãi nên không gọi là Phật, cũng không gọi là tâm. Nhà thiền thường nói tức tâm tức Phật, tâm chân thật đó là Phật; nhưng nói tâm cũng còn đối đãi với Phật, nói Phật là đối đãi với chúng sanh, tất cả ngôn ngữ không thể nói đến được cái chân thật đó nên nói Phật cũng phi, tâm cũng phi. Chân cũng vào, giả cũng vào, chân giả cũng nằm sẵn trong đó, không có đối đãi riêng biệt.
Ngoài cửa tam yếu mặc tình hét hai làm ba, chữ thập đầu đường tha hồ gọi chín làm mười. Ngài Lâm Tế có lập tam huyền tam yếu, để chỉ chỗ thâm sâu của hệ phái Lâm Tế. Chỗ tam yếu hét hai làm ba, nghĩa là nó không còn thật nữa. Đến đầu đường chữ thập mặc tình gọi chín là mười, tức cũng không phải là thật. Như vậy lý rất nhiệm mầu rất đặc biệt của tông Lâm Tế là tam huyền tam yếu cũng là tạm bợ, chữ thập đầu đường của những người tiến tu gần đến cứu cánh cũng là giả lập.
Sáo không lỗ thổi bản vô sanh, đàn không dây khảy bài khoái hoạt. Kia nơi nơi chẳng phải tri âm, đây chốn chốn đâu cho nghe lỏm. Khi ấy dùng sáo không lỗ thổi bài hát vô sanh, đàn không dây khảy khúc nhạc khoái hoạt, tức là sống vui thích. Như vậy khi thoát khỏi những đối đãi phân biệt, chúng ta mới tiến thẳng vào chỗ vô sanh. Vô sanh cũng là một lối nói thôi, vì không còn niệm thì đâu còn sanh, không sanh thì đâu có tử. Không phải nhờ sáo có lỗ mới thổi được bản vô sanh, không phải đợi đàn có dây mới khảy được bài khoái hoạt. Dù không sáo không đàn, chúng ta vẫn đang sống trong vô sanh, trong giải thoát tự tại nên gọi là an vui. Tri âm tri kỷ là biết mình, thân với mình. Người tri âm tri kỷ nghe đoạn này mới thấm được, mới thấy được tất cả cái hay. Nếu không phải tri âm thì đừng có lén nghe, vì chưa hiểu nên nghe không có lợi.
Chỉ một con đường hướng thượng xưa nay làm sao nói? Hét! Lửa này chưa từng đốt miệng. Như vậy con đường hướng thượng từ xưa đến nay làm sao nói? Đâu phải cháy miệng nên không nói, nói mà không dính kẹt mới nên nói. Thế mà điều hết sức khó nói, ngài Trần Thái Tông vẫn nói được cho chúng ta hiểu.
Lắng nghe! Lắng nghe! Nếu nghe được lời này thì tai điếc ba ngày, nếu nghe chẳng được, chạy qua nhanh. Lắng nghe! Lắng nghe! Nghe mà thấm được thì điếc tai ba ngày, nghe không thấm thì đi nhanh qua, đừng ngó lại! Nếu nghe được lời này thì điếc tai ba ngày là câu chuyện tổ Bá Trượng khi làm thị giả. Sau khi thâm nhập được rồi, tổ Bá Trượng trở lên tái tham, Mã Tổ liền hỏi: Ta chưa nói câu nào tại sao ngươi cuốn chiếu? Ngài trình bày thì Mã Tổ hét một tiếng điếc tai ba ngày. Từ đó về sau ngài không bao giờ quên. Rất tiếc chúng tôi không biết hét nên quý vị dễ quên. Mới nghe dường như hiểu nhưng một lúc sau lại quên hết. Nếu nghe hét, ba ngày còn ù tai thì còn nhớ.
Lại trao cho chăng?
Chốn chốn dương xanh nên cột ngựa,
Nhà nhà có lối thẳng Trường An.
Nơi nào cũng có dương xanh, muốn cột ngựa thì cứ đến, chẳng cần tìm kiếm đâu xa. Trường An là kinh đô nhà Đường ở Trung Hoa, là chỗ tụ hội của những người lãnh đạo. Nhà nào cũng có con đường thấu tới Trường An. Như vậy tất cả chúng ta dù cư sĩ tại gia hay tăng ni xuất gia, ai ai cũng sẵn có một lối để tiến đến chỗ cứu cánh, gọi là con đường hướng thượng hay con đường thẳng tới Trường An, không phải người này có người kia vô phần.
Trở về dưới nguyệt người ít đến,
Một ánh trăng soi lạnh mọi miền.
Người đi lang thang trong tăm tối thì nhiều, trở về dưới ánh trăng sáng rực lại ít. Chạy theo ngũ dục thế gian là chạy trên con đường tăm tối mà thiên hạ đua nhau không biết chán, ít ai chịu trở về dưới ánh trăng sáng ngời, cỏ cây hoa lá tươi đẹp.
Nhiều khi mang hình thức người tu cũng không chịu trở về, vẫn còn thích đi lang thang! Nếu trở về được thì một ánh trăng soi lạnh mọi miền. Chỉ còn một ánh trăng sáng vằng vặc soi khắp cả bầu trời! Như vậy đường chúng ta đang đi là con đường tươi sáng vô cùng. Đường chúng sanh đang lao mình vào là con đường đen tối mịt mù, thế mà ít ai thức tỉnh.
Kết thúc bài này quý vị thấy con đường hướng thượng chưa? Đây là một cách dùng hình thức để nói cho dễ hiểu, thật ra hướng thượng là chỉ cho chính mình. Ngài Toàn Khoát có nói: trục vật hướng hạ, khước vật hướng thượng, nghĩa là đuổi theo sáu trần là hướng hạ, từ chối không theo sáu trần là hướng thượng. Thử kiểm xem chúng ta đang hướng theo chiều nào? Nếu đang ngồi bỗng nhớ thức ăn ngon, hoặc nhớ lời phê bình của người chung quanh v.v… đó là đang đi trên đường hướng hạ. Nếu thấy người thấy vật như mây bay gió thổi không dính mắc, đó là hướng thượng. Vậy sáu căn không bị sáu trần lôi dẫn là người hướng thượng, trái lại bị sáu trần lôi dẫn là người hướng hạ. Nghĩa là không bị ngoại cảnh chi phối gọi là hướng thượng, bị ngoại cảnh chi phối gọi là hướng hạ, chứ không có gì khác. Cái chân thật không bị ngoại cảnh chi phối, không ai trao truyền, cũng không ai chỉ cho chúng ta thấy được. Thí dụ như tất cả chúng ta ngồi đây, mắt nhìn tượng Phật, ai cũng thấy tượng Phật, nhưng không ai thấy được cái thấy của mình và của người khác. Thấy tượng Phật tức là có cái thấy. Tượng Phật có thể diễn tả được, còn cái thấy không thể diễn tả, nhưng tất cả chúng ta đều có. Thấy tượng Phật là có cái thấy, có cái sáng, chỉ mình tự nhận biết, không ai diễn tả hay chỉ bày cho mình được. Nếu diễn tả được, đó là ngoại cảnh, không phải cái chân thật của mình. Nếu có trình bày là trình bày những tâm lý sanh diệt, những bóng dáng của sáu trần, còn cái chân thật không sanh không diệt, hằng sáng hằng giác, không dính sáu trần, không ai chỉ cho chúng ta được. Chỉ chúng ta mới tự nhận ra cái chân thật của chính mình. Còn thân bọt bóng này vài mươi năm rồi nát, nát rồi không biết ra sao. Cái chân thật đó không có gì chi phối nó được thì làm sao nát, làm sao hoại, thế mà chúng ta lại bỏ quên. Cho nên Phật tổ dùng phương tiện nhắc chúng ta phải sống với cái thật đó tức là hướng thượng. Từ ngữ hướng thượng thì hiểu được, còn thật chất hướng thượng vừa khởi hiểu là mất ngay, vì hướng thượng là cái chân thật của chính mình, mỗi người phải tự nhận tự biết.
Tóm lại bài này chia làm hai phần:
Phần thứ nhất: Nếu chúng ta muốn tìm thấy, muốn suy nghĩ, muốn nói đến cái chân thật thì đó là điều không thể được. Hoặc giả có người nói tôi được truyền trao v,v… cũng không phải, vì đó là cái không thể trao truyền.
Phần thứ hai: Nếu muốn sống với cái chân thật thì đi đứng nằm ngồi nói nín… tâm chúng ta như mây, như nước, như núi, như trăng, không dấy niệm. Được như thế dù sống trong cảnh khổ cũng thành vui, sống chỗ tối cũng thành sáng, sống trong địa ngục cũng thành thiên đường. Nghĩa là không có niệm so sánh thì không khổ không vui, nhưng luôn luôn tươi sáng và tất cả hành động ngôn ngữ đều chân thật như Phật tổ không khác. Chúng ta sẽ có diệu dụng không thể nghĩ bàn, những cái vô nghĩa đều biến thành hữu ích. Muốn sống với thể chân thật sẵn có, chúng ta chỉ cần quay lại chính mình, không chạy theo sáu trần. Một ngày nào sáu trần không còn dính mắc, không còn len vào tâm tư, thì lúc đó cả bầu trời trăng sáng hiển hiện nơi mình. Đẹp biết chừng nào! Đây là ngài Trần Thái Tông chỉ cho chúng ta hiểu đại khái, còn cái thật là mỗi người phải sống chứ không thể chỉ ra được.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |