Nội dung:
Chánh văn:
Khi ấy Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Di-lặc bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con vì Thiên vương ở cung trời Đâu-suất và quyến thuộc của người, nói về hạnh bất thối chuyển. Lúc ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Ngài Di-lặc! Đức Thế Tôn thọ ký cho nhân giả, một đời sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy đời nào ngài được thọ ký? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu đời quá khứ, thì quá khứ đã qua.
Nếu đời vị lai, thì vị lai chưa đến. Nếu đời hiện tại, thì hiện tại không dừng. Như lời Phật nói: “Này các Tỳ-kheo! Chính ông hiện nay, cũng sanh già chết.” Nếu do vô sanh được thọ ký thì vô sanh đó là chánh vị, ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao ngài Di-lặc một đời được thọ ký? Là từ Như sanh được thọ ký hay từ Như diệt được thọ ký? Nếu do Như sanh được thọ ký, mà Như không có sanh. Nếu do Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều Như, tất cả pháp cũng Như, các vị thánh hiền cũng Như, cho đến Bồ-tát Di-lặc cũng Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký.
Vì cớ sao? Phàm Như thì không hai không khác, nếu Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Vì cớ sao? Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ. Vì cớ sao? Vì chư Phật biết tất cả chúng sanh cứu cánh tịch diệt chẳng còn diệt nữa.
Thế nên, ngài Di-lặc chớ dùng pháp này mà dạy bảo các thiên tử, thật không có phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có thối chuyển. Này Di-lặc, phải khiến cho những vị thiên tử này bỏ kiến chấp phân biệt về Bồ-đề. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề không thể do thân mà được, cũng không do tâm mà được. Tịch diệt là Bồ-đề, vì diệt các tướng. Chẳng quán là Bồ-đề, vì lìa các duyên. Chẳng hành là Bồ-đề, vì không có ức niệm. Đoạn là Bồ-đề, vì xả các kiến chấp. Lìa là Bồ-đề, vì lìa các vọng tưởng. Chướng là Bồ-đề, vì chướng các nguyện. Chẳng nhập là Bồ-đề, vì không tham trước. Thuận là Bồ-đề, vì thuận nơi Như. Trụ là Bồ-đề, vì trụ pháp tánh. Đến là Bồ-đề, vì đến được thật tế. Bất nhị là Bồ-đề, vì lìa ý pháp. Bình đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không sanh trụ diệt. Tri là Bồ-đề, vì rõ biết tâm hành chúng sanh. Chẳng hội là Bồ-đề, vì các nhập không hội. Chẳng hiệp là Bồ-đề, vì lìa phiền não tập. Vô xứ là Bồ-đề, vì không có hình sắc. Giả danh là Bồ-đề, vì danh tự là không. Như hóa là Bồ-đề, vì không thủ xả. Không loạn là Bồ-đề, vì thường tự tĩnh. Thiện tịch là Bồ-đề, vì tánh thanh tịnh. Không thủ là Bồ-đề, vì lìa các phan duyên. Không khác là Bồ-đề, vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề, vì không thể thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề, vì các pháp khó biết.”
Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp Vô sanh nhẫn. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Phẩm trên nói về hàng Thanh văn đệ tử hiện hữu của Phật, phẩm này nói về các vị Bồ-tát, một số vị có mặt trong hội, một số từ phương khác đến.
Trước tiên Phật cử Bồ-tát Di-lặc đến thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật nhưng ngài từ chối. Ngài kể lại nhân duyên thuở xưa, khi đang thuyết về hạnh bất thối chuyển cho thiên vương và quyến thuộc ở trời Đâu-suất, lúc ấy cư sĩ Duy-ma-cật đi đến nói với ngài, đức Thế Tôn thọ ký cho ngài một đời sẽ thành Phật, vậy đời nào được thọ ký, là quá khứ, vị lai hay hiện tại?
Nếu đời quá khứ thì quá khứ đã qua. Nếu đời vị lai thì vị lai chưa đến. Nếu đời hiện tại thì hiện tại không dừng. Như lời Phật nói: Này các Tỳ-kheo, chính ông hiện nay cũng sanh già chết.
Cư sĩ Duy-ma-cật gạn hỏi, Phật nói Bồ-tát Di-lặc một đời nữa được thành Phật là đời nào? Đời quá khứ thì đã qua, đời vị lai chưa đến, đời hiện tại không dừng. Ngay con người hiện tại cũng có sanh già chết. Nghĩa là ngay trong khoảnh khắc có cả ba tướng sanh già chết, nên đâu thể nói hiện tại được. Vậy đời nào gọi là được Phật thọ ký?
Nếu nói ngay thân hiện tại có sanh già chết thì ít ai thấy biết, nhưng xét từng tế bào trong cơ thể luôn luôn chuyển đổi, có những tế bào mới sanh, những tế bào đã già, cũng có những tế bào bị hoại. Như vậy thân này thay đổi liên tục không dừng, làm sao có thể nói cố định thời gian được.
Nếu do vô sanh được thọ ký thì vô sanh đó là chánh vị, ở trong chánh vị cũng không thọ ký, cũng không được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì sao ngài Di-lặc một đời được thọ ký? Chánh vị nghĩa là ngôi vị chân chánh hay chân thật, còn gọi là chân như. Chân như là thể không sanh không diệt, nên không thọ ký cũng không thành Phật. Nếu còn sanh tức là còn trong quá khứ, hiện tại, vị lai, mà cả ba thời đều không thật. Như vậy nói được thọ ký là ở trong sanh hay trong vô sanh? Sanh cũng không thể được, vô sanh thì còn gì thọ ký, còn gì thành Phật, cả hai đều không thể được. Vậy tại sao Bồ-tát Di-lặc được thọ ký một đời sẽ thành Phật?
Là từ Như sanh được thọ ký hay từ Như diệt được thọ ký? Cư sĩ Duy-ma-cật chỉ thẳng thể tánh chân như không sanh không diệt, mà đã không sanh không diệt thì lấy gì để thọ ký. Nếu Như sanh thọ ký không được thì Như diệt cũng không được thọ ký. Tại sao?
Nếu do Như sanh được thọ ký, mà Như không có sanh. Nếu do Như diệt được thọ ký, mà Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều Như, tất cả pháp cũng Như, các vị thánh hiền cũng Như, cho đến Bồ-tát Di-lặc cũng Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký.
Nói về bản thể của chân như thì tất cả chúng sanh đều Như. Tất cả pháp đều Như. Nếu từ chân như được thọ ký thì tất cả chúng sanh Như, hiền thánh Như, Di-lặc Như. Vậy Bồ-tát Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh đều được thọ ký.
Vì cớ sao? Phàm Như thì không hai không khác, nếu Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Vì cớ sao? Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải diệt độ.
Vì cớ sao? Vì chư Phật biết tất cả chúng sanh cứu cánh tịch diệt chẳng còn diệt nữa.
Chân như thì không hai không khác, Bồ-tát Di-lặc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tất cả chúng sanh đều cũng phải được. Bồ-tát Di-lặc có tướng Bồ-đề thì tất cả chúng sanh cũng có tướng Bồ-đề. Niết-bàn là tịch diệt, tất cả chúng sanh đều có tướng Niết-bàn, tức là tướng tịch diệt. Như vậy chẳng lẽ lại có tịch diệt lần thứ hai.
Thế nên, ngài Di-lặc chớ dùng pháp này mà dạy bảo các thiên tử, thật không có phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có thối chuyển. Này Di-lặc, phải khiến cho những vị thiên tử này bỏ kiến chấp phân biệt về Bồ-đề. Vì cớ sao? Vì Bồ-đề không thể do thân mà được, cũng không do tâm mà được.
Cư sĩ Duy-ma-cật bảo Bồ-tát Di-lặc chớ giảng dạy về hạnh bất thối chuyển cho chư thiên và thiên tử nghe. Vì sao? Vì thể chân như không tiến không lui, không sanh không diệt, không còn đối đãi, thì làm sao có phát tâm Bồ-đề, làm sao có thối chuyển Bồ-đề, mà ngài dạy về hạnh bất thối chuyển. Phân biệt Bồ-đề là phân biệt có thối chuyển và không thối chuyển. Dạy hạnh bất thối chuyển vì có thối chuyển, mà thể Bồ-đề thì đâu có thối chuyển, cũng không có bất thối chuyển. Nên cư sĩ Duy-ma-cật nói, chớ dùng kiến chấp này mà dạy các vị thiên tử, vì Bồ-đề không phải do thân được, không phải do tâm được.
Tịch diệt là Bồ-đề vì diệt các tướng. Chẳng quán là Bồ-đề vì lìa các duyên. Chẳng hành là Bồ-đề vì không có ức niệm. Đoạn là Bồ-đề vì xả các kiến chấp. Lìa là Bồ-đề vì lìa các vọng tưởng. Chướng là Bồ-đề vì chướng các nguyện. Chẳng nhập là Bồ-đề vì không tham trước. Thuận là Bồ-đề vì thuận nơi Như. Trụ là Bồ-đề vì trụ pháp tánh. Đến là Bồ-đề vì đến được thực tế. Bất nhị là Bồ-đề vì lìa ý pháp. Bình đẳng là Bồ-đề vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề vì không sanh, trụ và diệt. Tri là Bồ-đề vì rõ biết tâm hành chúng sanh. Chẳng hội là Bồ-đề vì các nhập không hội. Chẳng hiệp là Bồ-đề vì lìa phiền não tập. Vô xứ là Bồ-đề vì không có hình sắc. Giả danh là Bồ-đề vì danh tự là không. Như hóa là Bồ-đề vì không thủ xả. Không loạn là Bồ-đề vì thường tự tĩnh. Thiện tịch là Bồ-đề vì tánh thanh tịnh. Không thủ là Bồ-đề vì lìa các phan duyên. Không khác là Bồ-đề vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề vì không thể thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề vì các pháp khó biết.
Thường khi chúng ta quán là phân tích các duyên. Ở đây đã lìa các duyên rồi, còn gì phân tích nữa, cho nên nói chẳng quán là Bồ-đề vì lìa các tướng. Hành tức là tâm hành, khi tâm hành dứt thì không còn nghĩ tưởng, ấy là Bồ-đề. Đoạn là Bồ-đề vì xả các kiến chấp. Buông vọng tưởng không theo là lìa, ngay khi lìa vọng tưởng đó là Bồ-đề.
Thường thường nói không có chướng mới là Bồ-đề, tại sao ở đây nói chướng là Bồ-đề, vì chướng các nguyện? Chướng là ngăn trở, nguyện là mong muốn. Nhưng đến chỗ chân thật tịch diệt rồi thì không còn gì mong muốn, nên nói chướng các nguyện.
Chẳng nhập là Bồ-đề vì không tham trước. Nhập là sáu nhập, vì sáu căn còn tham trước còn dính mắc với sáu trần nên mới sanh ra sáu nhập. Khi căn không tham trước không dính mắc với trần thì không có nhập, ấy chính là Bồ-đề.
Tùy thuận là Bồ-đề, vì thuận chân như. Trụ là Bồ-đề vì an trụ nơi pháp tánh. Bồ-đề là chỗ thực tế không còn tướng đối đãi sanh diệt, nên nói đến là Bồ-đề vì đến được thực tế.
Bất nhị là Bồ-đề vì lìa ý pháp. Tất cả những ý niệm chúng ta dấy lên đều chạy theo pháp trần, pháp trần là đối đãi, là hai. Đến chỗ bất nhị thì ý thức và pháp trần lìa nhau, ý thức không còn duyên theo pháp trần, đó là Bồ-đề.
Bình đẳng là Bồ-đề vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề vì không sanh, trụ và diệt. Pháp còn nằm trong sanh trụ diệt thì gọi đó là hữu vi, Bồ-đề thì không còn sanh trụ diệt nên gọi là vô vị. Tri là Bồ-đề vì rõ biết tâm hành của chúng sanh. Bồ-đề là giác ngộ, nghĩa là khi đã giác ngộ thì biết rõ tâm niệm dấy khởi của chúng sanh.
Chẳng hội là Bồ-đề vì các nhập không hội. Hội là nhóm họp. Nếu các nhập nhóm họp thì có thân, còn sanh tử. Khi các nhập không chung họp lại thì gọi là Bồ-đề, tức là giải thoát sanh tử. Chẳng hiệp là Bồ-đề vì lìa phiền não tập. Phiền não nhóm họp là tập đế, khi không còn nhóm họp phiền não nữa, ấy là Bồ-đề.
Vô xứ là Bồ-đề vì không có hình sắc. Chân tâm không hình sắc, không hình sắc thì đâu có chỗ nơi. Khi có người hỏi: “Chân tâm ở chỗ nào? Ở trong ở ngoài hay chặng giữa?” Nếu nói có chỗ, là có nơi chốn, có hình sắc đều không đúng.
Giả danh là Bồ-đề vì danh tự là không. Tất cả ngôn ngữ, văn tự… đều không thật. Người nhận hiểu được như thế là hằng sống với tánh Bồ-đề.
Như hóa là Bồ-đề vì không thủ xả. Ưa thì thủ, ghét thì xả. Nếu thấy các pháp như huyễn như hóa thì lúc đó không còn nhiễm trước, không có thủ xả.
Không loạn là Bồ-đề vì thường tự tĩnh, tĩnh tức là lặng lẽ. Thiện tịch là Bồ-đề vì tánh thanh tịnh, thiện là khéo, tịch là lặng lẽ, tức là khéo lặng lẽ, đó là Bồ-đề vì tánh thường trong sạch.
Không thủ là Bồ-đề vì không chạy theo duyên. Không khác là Bồ-đề vì các pháp bình đẳng. Không so sánh là Bồ-đề vì không thể lấy gì để thí dụ được. Vi diệu là Bồ-đề vì các pháp khó biết. Thể tánh của Bồ-đề mầu nhiệm, không thể suy lường được cho nên nói các pháp khó biết.
Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp Vô sanh nhẫn. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Tóm lại, đoạn này cư sĩ Duy-ma-cật giải thích thêm về nghĩa nhất sanh bổ xứ của đức Phật thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc. Đức Thế Tôn thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc một đời nữa sẽ thành Phật. Cư sĩ Duy-ma-cật mới gạn lại, một đời là đời nào? Vì ông nhìn trên thể tánh chân như nên thấy ba thời không thật. Ba thời không thật thì làm sao nói có một đời được thọ ký, căn cứ trên cái gì để thọ ký? Nếu căn cứ trên chân như thì chân như là thể tánh không sanh không diệt. Không sanh diệt thì làm sao có thọ ký, có thành Phật! Bồ-tát Di-lặc nhìn trên tướng sanh diệt của kiếp người, mà tướng chỉ là giả danh, tạm nói tạm dùng, không thật, nên mới thấy có thọ ký một đời, hai đời…
Qua đó chúng ta thấy, trên lý tánh Bồ-tát Di-lặc cũng như chúng sanh đều sẵn có chân như Phật tánh, nên Bồ-tát Di-lặc thành Phật thì tất cả chúng sanh cũng sẽ thành Phật. Khi dứt hết tất cả phiền não tập khí sanh tử thì tánh giác hiện tiền, ngay đó là Niết-bàn, chứ không còn nói thọ ký thành Phật.
Chánh văn:
Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Quang Nghiêm liền bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, khi con ra khỏi đại thành Tỳ-da-ly, lúc đó ông Duy-ma-cật mới vào thành. Con liền chào và hỏi: “Cư sĩ từ đâu đến đây?” Ông trả lời: “Tôi từ đạo tràng đến.” Con hỏi: “Đạo tràng là chỗ nào?” Ông đáp: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả. Phát hạnh là đạo tràng, vì hay biện sự. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích các công đức. Bồ-đề tâm là đạo tràng, vì không lầm lẫn. Bố thí là đạo tràng, vì không mong quả báo. Trì giới là đạo tràng, vì nguyện được đầy đủ. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì đối với chúng sanh không tâm chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng vì không biếng nhác lui sụt. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu. Trí tuệ là đạo tràng, vì hiện thấy các pháp. Từ là đạo tràng, vì bình đẳng đối với chúng sanh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn chịu những sự đau khổ. Hỷ là đạo tràng, vì ưa thích pháp. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu ghét. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay bội xả. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh. Tứ nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp phục chúng sanh. Đa văn là đạo tràng, vì như nghe mà thực hành. Phục tâm là đạo tràng, vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, vì bỏ các pháp hữu vi. Tứ đế là đạo tràng, vì không dối thế gian. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tột. Các phiền não là đạo tràng, vì biết như thật. Chúng sanh là đạo tràng, vì biết vô ngã. Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp không. Hàng ma là đạo tràng, vì không bị khuynh động. Ba cõi là đạo tràng, vì không chỗ đến. Sư tử rống là đạo tràng, vì không chỗ sợ. Ngũ lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng, vì không có các lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng, vì không chướng ngại khác. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.
Như thế, này thiện nam tử! Bồ-tát nếu dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sanh, những hành động tạo tác, giở chân hạ chân, phải biết đều là từ đạo tràng đến, trụ nơi Phật pháp vậy.”
Khi ông nói pháp này, năm trăm vị trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Đối với Phật, công hạnh những vị Bồ-tát chưa viên mãn nên gọi là đồng tử.
Phật bảo đồng tử Quang Nghiêm đến thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật, đồng tử Quang Nghiêm xin khước từ, vì có lần đã gặp cư sĩ Duy-ma-cật trên đường vào thành Tỳ-da-ly. Đồng tử chào và hỏi cư sĩ từ đâu đến thành này? Cư sĩ Duy-ma-cật trả lời: Tôi từ đạo tràng đến đã làm cho Đồng tử vô cùng ngạc nhiên. Đạo tràng là nơi quy tụ nghe pháp và tu tập. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật từ ngoài thành Tỳ-da-ly đi vào gặp đồng tử Quang Nghiêm, vậy mà nói từ đạo tràng đến. Đồng tử mới hỏi Đạo tràng là chỗ nào? Ông đáp:
Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả. Phát hạnh là đạo tràng, vì hay biện sự. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích các công đức. Bồ-đề tâm là đạo tràng, vì không lầm lẫn. Bố thí là đạo tràng, vì không mong quả báo. Trì giới là đạo tràng, vì nguyện được đầy đủ. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì đối với chúng sanh không tâm chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng, vì không biếng nhác lui sụt. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu. Trí tuệ là đạo tràng, vì hiện thấy các pháp. Từ là đạo tràng, vì bình đẳng đối với chúng sanh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn chịu những sự đau khổ. Hỷ là đạo tràng, vì ưa thích pháp. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu ghét. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay bội xả. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh. Tử nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp phục chúng sanh. Đa văn là đạo tràng, vì như nghe mà thực hành. Phục tâm là đạo tràng, vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, vì bỏ các pháp hữu vi. Tử đế là đạo tràng, vì không đối thế gian. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tột.
Theo cư sĩ Duy-ma-cật, đạo tràng là không hình tướng, không nơi chốn. Khi đi đứng nằm ngồi, bất cứ nơi nào, dù ở giữa chợ ồn náo…, tâm vẫn như như bất động, thanh tịnh bình trực, ngay đó là đạo tràng chứ không cần tìm kiếm ở đâu xa.
Duyên khởi là đạo tràng vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tận. Trong mười hai nhân duyên, khởi đầu là vô minh đến cuối cùng là lão tử. Tại sao nói duyên khởi là đạo tràng? Vì đối với mười hai nhân duyên, người mê bị dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Người tỉnh biết mười hai nhân duyên là do duyên hợp không thật có, không tự tánh, nên không bị chi phối trong sanh tử. Vì vậy nói duyên khởi là đạo tràng.
Các phiền não là đạo tràng, vì biết như thật. Vì sao nói phiền não là đạo tràng? Vì khi phiền não dấy lên liền biết phiền não không thật, không tự tánh, thì ngay đó là đạo tràng. Thường chúng ta muốn tìm cầu chân chánh ở ngoài tà ngụy. Nhưng khi nhận biết được tà ngụy thì đó là chân chánh rồi. Điều này nghe như khó hiểu mà là một lẽ thật.
Chúng sanh là đạo tràng, vì biết vô ngã. Chúng ta ai cũng có thân, nếu chấp thân này là thật, đó là chúng sanh mê muội. Nếu biết thân do duyên hợp hư dối, là vô ngã không có chủ thì hết mê lầm. Ngay nơi thân chúng sanh mà thấy vô ngã, chứ không có vô ngã ngoài chúng sanh. Hiểu như vậy rồi không còn chấp thân nữa vì nó là vô ngã, đó là đạo tràng,
Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp không. Không tức là không tự tánh. Hàng ma là đạo tràng, vì không bị khuynh động. Ba cõi là đạo tràng, vì không chỗ đến. Hàng ma là khi đối với trần cảnh ngũ dục, niệm khởi liền biết không theo, trở về với tâm thanh tịnh bất động như như, đó là biết hàng ma. Trong ba cõi này mà không tạo nghiệp để dẫn sanh trong tam giới thì ba cõi là đạo tràng.
Sư tử rống là đạo tràng, vì không chỗ sợ. Ngũ lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng, vì không có các lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng, vì không chướng ngại khác. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.
Phật thuyết pháp như sử tử rống, vì những gì ngài nói ra là từ trí tuệ thấy biết như thật, nên ngài không sợ; giả sử có ai cần hỏi ngài sẵn sàng giải đáp tường tận, thông suốt.
Tam minh là đạo tràng vì không chướng ngại khác. Chúng ta phải lập đạo tràng như cư sĩ Duy-ma-cật để mọi hành động của mình đều từ trong đạo tràng mà đến, dù ở đâu cũng là ở trong Phật pháp. Được như vậy chúng ta sẽ không bị chướng ngại.
Nhất thiết trí là trí tuệ hiểu biết tất cả các pháp đúng như thật. Trí này duy chỉ đức Phật, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới có. Cho nên nói, một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.
Như thế, này thiện nam tử! Bồ-tát nếu dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sanh, những hành động tạo tác, giở chân hạ chân, phải biết đều là từ đạo tràng đến, trụ nơi Phật pháp vậy. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật kết luận, Bồ-tát nên dùng pháp ba-la-mật để giáo hóa chúng sanh. Mọi hành động tạo tác từ giở chân lên để chân xuống, bước tới bước lui… đều ở trong đạo tràng, đều an trụ trong Phật pháp.
Khi ông nói pháp này, năm trăm vị trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Chỗ này làm cho chúng ta sáng thêm về ý nghĩa đạo tràng. Đạo tràng là nơi tụ hội để học đạo, để tu. Thí dụ, người từ thành phố đi tới trước cửa thiền viện Thường Chiếu, thấy người ở trong cổng Thường Chiếu đi ra, hỏi huynh ở đâu đến? Người kia trả lời, tôi ở trong đạo tràng Thường Chiếu mới ra, tức là vừa rời khỏi chỗ tu tập. Còn ở đây một ông từ trong thành đi ra, một ông ngoài thành đi vào, không có chùa chiền, không có tịnh xá, hỏi ông từ đâu vào, lại nói từ đạo tràng vào. Như vậy quan niệm về đạo tràng của cư sĩ Duy-ma-cật khác với chúng ta. Chúng ta thấy đạo tràng trên hình tướng, nếu trong tâm ta nghĩ điều tốt điều hay, biết ứng dụng pháp tu để được tỉnh giác thì đó mới là đạo tràng. Dù đi đâu, dù ở chỗ nào mà sống được như thế thì nơi nơi đều là đạo tràng. Nếu ngồi thiền ở trên chùa nhưng trong tâm nghĩ tưởng những điều xấu thì tuy đang ở đạo tràng vẫn không phải là đạo tràng. Như vậy thì đạo tràng của chúng ta chỉ là đạo tràng hình thức, chưa đi sâu trong tâm tánh.
Cư sĩ Duy-ma-cật nói đạo tràng là đi thẳng vào tâm tánh. Cho nên ông nói trực tâm là đạo tràng, phát hạnh là đạo tràng. Trực tâm là tâm ngay thẳng. Phát hạnh là khởi tâm làm những điều thiện. Thâm tâm là đạo tràng. Bồ-đề tâm là đạo tràng. Bố thí là đạo tràng. Trì giới là đạo tràng. Cho tới lục độ, hàng ma, giảng pháp, giảng kinh… lúc nào cũng là đạo tràng.
Nói tóm lại, đạo tràng của cư sĩ Duy-ma-cật là đạo tràng của tự tâm, của hành động chân thật, từ tâm chân thật phát ra. Như vậy nghĩa của đạo tràng rất sâu rộng. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, sống hợp với đạo lý, dù ở nơi đâu cũng đều là đạo tràng. Ở đâu mà chúng ta làm lợi ích chúng sanh, đem lợi ích đến cho mọi người mà không ngã không nhân thì nơi đó cũng là đạo tràng.
Hiểu được nghĩa đạo tràng này chúng ta mới thấy, người tu dù ở bất cứ nơi nào, trong chùa, tịnh xá để an lành tu, hoặc phải đi giáo hóa, vào chợ búa, xóm làng mà vẫn giữ tâm thanh tịnh, ý nghĩ việc làm trong sạch, thảy đều là đạo tràng. Đừng chấp phải ở chỗ vắng vẻ mới là đạo tràng, ra chợ búa vào xóm làng không phải đạo tràng. Chấp như vậy là bệnh. Chủ yếu nhắm thẳng vào tâm, nên mọi hành động của Bồ-tát có khi dường như không hợp đạo lý, mà vẫn là đạo lý, vì tâm các ngài không còn dính mắc, luôn vị tha.
Chánh văn:
Phật bảo Bồ-tát Trì Thế:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Bồ-tát Trì Thế bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con ở trong tịnh thất, khi đó ma Ba-tuần đem một muôn hai ngàn Thiên nữ, dáng giống như là Đế-thích, đánh nhạc ca hát, đi đến chỗ của con cùng những quyến thuộc của nó, đầu lễ dưới chân con, chắp tay cung kính đứng qua một bên. Con nghĩ đó là Đế thích nên nói rằng: “Lành thay! Kiều-thi-ca, ông tuy có phước, không nên tự buông lung, nên quán ngũ dục là vô thường để cầu căn lành, nơi thân mạng, tài sản mà tu pháp kiên cố.”
Liền khi ấy, ma vương nói với con: “Này Chánh sĩ, nên nhận một muôn hai ngàn Thiên nữ này, có thể đủ để quét dọn.” Con nói rằng: “Kiều-thi-ca, không nên đem vật phi pháp mà cúng dường cho Sa-môn Thích tử. Đây không phải chỗ ta nên nhận.”
Con vừa nói rồi, khi ấy ông Duy-ma-cật đi đến bảo con: “Không phải là trời Đế-thích, ấy là ma đến nhiễu loạn ông đó!”
Ngài Duy-ma-cật liền nói với ma: “Những người nữ này có thể đem cho tôi. Như tôi thì mới đáng nhận.” Ma liền hoảng sợ, nghĩ rằng ông Duy-ma-cật đâu không làm não hại ta, muốn ẩn hình đi mà không thể ẩn được. Dùng hết thần lực của nó cũng không thể đi được. Liền nghe trong hư không có tiếng nói: “Ba tuần, hãy đem những người nữ này cho đi thì mới có thể đi được.” Ma vì sợ nên mới miễn cưỡng mà cho.
Khi ấy ông Duy-ma-cật mới bảo những người nữ ấy: “Ma đã đem các chị cho tôi rồi. Nay các chị đều phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Liền tùy căn cơ thích hợp mà vì nói pháp, khiến cho các vị đó phát ý đạo. Lại nói rằng: “Các chị đã phát ý đạo, có pháp lạc có thể tự vui. Không nên lại vui theo ngũ dục nữa.”
Các Thiên nữ liền hỏi: “Những gì là pháp lạc?”
Ngài đáp: “Vui thường tin Phật, vui muốn nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng, vui lìa ngũ dục, vui quán ngũ ấm như oán tặc, vui quán tử đại như rắn độc, vui quán nội nhập như xóm rỗng. Vui tùy hộ ý đạo, vui làm lợi ích cho chúng sanh, vui cung kính bậc sư trưởng. Vui rộng làm việc bố thí, vui kiên trì giới luật, vui nhẫn nhục nhu hòa, vui siêng làm các căn lành, vui thiền định không loạn, vui lìa cấu được trí tuệ sáng suốt. Vui rộng phát tâm Bồ-đề, vui hàng phục các ma, vui đoạn các phiền não, vui thanh tịnh cõi nước Phật, vui thành tựu những tướng tốt nên tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo tràng. Vui nghe những pháp thâm sâu không sợ. Vui ba môn giải thoát, không vui phi thời. Vui gần những người đồng học, vui với những người không phải đồng học, tâm không giận không ngại. Vui dem sự bảo hộ những người ác tri thức, vui gần gũi những thiện tri thức. Vui tâm hỷ thanh tịnh, vui tu pháp vô lượng đạo phẩm. Ấy là pháp vui của những vị Bồ-tát.”
Khi ấy Ba-tuần bảo những Thiên nữ rằng: “Ta muốn cùng các ngươi trở về thiên cung”
Các vị Thiên nữ nói: “Ông đã đem chúng tôi cho cư sĩ, có pháp vui, chúng tôi rất là vui, không trở lại vui cái vui ngũ dục nữa.”
Ma nói: “Cư sĩ có thể xả những người nữ này không? Tất cả những sở hữu đem cho người, ấy mới gọi là Bồ-tát.”
Ông Duy-ma-cật liền bảo: “Ta đã xả rồi. Ngươi hãy đem những người đó đi, khiến cho tất cả chúng sanh được pháp nguyện đầy đủ.”
Khi ấy những vị Thiên nữ hỏi ông Duy-ma-cật: “Chúng tôi làm sao mà ở trong cung ma được?”
Ông Duy-ma-cật nói: “Này các chị, có pháp môn tên Vô tận đăng, các chị nên học. Vô tận đăng đó, ví như một ngọn đèn mồi trăm ngàn ngọn đèn, những chỗ tối đều sáng, sáng khắp không cùng tận. Như thế, các chị! Phàm một vị Bồ-tát đã mở được đạo, khiến trăm ngàn chúng sanh đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với ý đạo kia cũng không có diệt hết, tùy chỗ nói pháp, mà tự tăng trưởng lợi ích tất cả pháp lành, ấy gọi là Vô tận đăng. Các chị tuy ở trong cung ma, dùng pháp Vô tận đăng này khiến cho vô số thiên tử Thiên nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để đền ơn Phật, cũng là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh vậy.”
Khi ấy Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, đi theo ma trở về cung, bỗng nhiên biến mất.
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật có thần lực tự tại, trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham đến thăm bệnh ông.
Giảng:
Phật bảo Bồ-tát Trì Thế:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Bồ-tát Trì Thế bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con ở trong tịnh thất, khi đó ma Ba-tuần đem một muôn hai ngàn Thiên nữ, dáng giống như trời Đế-thích, đánh nhạc ca hát, đi đến chỗ của con cùng những quyến thuộc của nó, đầu lễ dưới chân con, chắp tay cung kính đứng qua một bên. Con nghĩ đó là trời Đế thích nên nói rằng; “Lành thay! Kiều-thi-ca, ông tuy có phước, không nên tự buông lung, nên quán ngũ dục là vô thường để cầu căn lành, nơi thân mạng tài sản mà tu pháp kiên cố.”
Liền khi ấy, ma vương nói với con: “Này Chánh sĩ, nên nhận một muôn hai ngàn Thiên nữ này, có thể đủ để quét dọn.” Con nói rằng: “Kiều-thi-ca, không nên đem vật phi pháp mà cúng dường cho Sa-môn Thích tử. Đây không phải chỗ ta nên nhận.”
Con vừa nói rồi, khi ấy ông Duy-ma-cật đi đến bảo con: “Không phải là trời Đế-thích, ấy là ma đến nhiễu loạn ông đó!”
Bồ-tát Trì Thế còn đang tu hạnh thanh tịnh ở thất vắng, tuy tâm Bồ-tát nhưng chưa nhập thế nên bị ma Ba-tuần đánh lừa. Ma giả làm trời Đế-thích, ngài lầm tưởng là Đế-thích thật. Sau khi thưa hỏi qua lại xong, ma còn đem một muôn hai ngàn Thiên nữ cúng dường cho ngài. Ngài nghĩ mình là người tu phải nghiêm trì giới luật, nên không nhận và nói đây là sự cúng dường phi pháp. Lúc đó cư sĩ Duy-ma-cật đến và giản trạch cho ngài Trì Thế biết, đó không phải là trời Đế-thích mà chính là ma Ba-tuần, ngài đã lầm. Bây giờ ông bắt đầu nói chuyện với ma.
Ngài Duy-ma-cật liền nói với ma: “Những người nữ này có thể đem cho tôi. Như tôi thì mới đáng nhận.” Ma liền hoảng sợ, nghĩ rằng ông Duy-ma-cật đâu không làm não hại ta, muốn ẩn hình đi mà không thể ẩn được. Dùng hết thần lực của nó cũng không thể đi được. Liền nghe trong hư không có tiếng nói: “Ba-tuần, hãy đem những người nữ này cho đi thì mới có thể đi được.” Ma vì sợ nên mới miễn cưỡng mà cho.
Khi ấy ông Duy-ma-cật mới bảo những người nữ ấy: “Ma đã đem các chị cho tôi rồi. Nay các chị đều phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Ma Ba-tuần muốn cúng các Thiên nữ cho Bồ-tát Trì Thế, cư sĩ Duy-ma-cật liền nói, hãy để cho tôi. Ma sợ quá miễn cưỡng cho.
Liền tùy căn cơ thích hợp mà vì nói pháp, khiến cho các vị đó phát ý đạo. Lại nói rằng: “Các chị đã phát ý đạo, có pháp lạc có thể tự vui. Không nên lại vui theo ngũ dục nữa.”
Các Thiên nữ liền hỏi: “Những gì là pháp lạc?”
Ngài đáp: Vui thường tin Phật, vui muốn nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng…
Sau đó cư sĩ Duy-ma-cật tùy căn cơ thích hợp nói pháp cho chúng ma nghe, khiến họ được phát ý đạo. Như vậy ba cái vui đầu của người học đạo là vui đối với Tam bảo, vui tin Phật, vui nghe pháp, vui cúng dường chúng tăng.
Vui lìa ngũ dục. Vui quán ngũ ấm như oán tặc, vui quán tứ đại như rắn độc, vui quán nội nhập như xóm rỗng. Những cái vui này là vui nhận rõ được thật tướng của thân, vui vì đã xa lìa ngũ dục, Thân năm ấm của chúng ta luôn phiền nhiễu, khổ đau, không có gì vui thích, không có gì đáng để mến yêu; mà lại mê lầm sanh mến yêu nó. Cho nên phải vui quán thân năm ấm như là oán tặc, vui quán tứ đại như bốn con rắn độc, luôn chực chờ hại nhau, vui quán nội nhập như xóm rỗng, không có gì là thật.
Vui tùy hộ ý đạo, vui làm lợi ích cho chúng sanh, vui cung kính bậc sư trưởng. Vui tùy hộ ý đạo tức là vui tùy hỷ. Người có tâm đạo phải bảo bọc để tâm đạo họ không mất, không lui sụt, đó cũng là cái vui của mình. Vui làm lợi ích cho chúng sanh. Vui cung kính, cúng dường các bậc sư trưởng. Đó là ba cái vui bên ngoài đối với thầy bạn.
Vui rộng làm việc bố thí, vui kiên trì giới luật, vui nhẫn nhục nhu hòa, vui siêng làm các căn lành, vui thiền định không loạn, vui lìa cấu được trí tuệ sáng suốt. Những cái vui kể trên là vui lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Mỗi pháp đều có lợi ích riêng, như thiền định thì tâm không loạn, trí tuệ thì lìa được cấu uế.
Vui rộng phát tâm Bồ-đề, vui hàng phục các ma, vui đoạn các phiền não, vui thanh tịnh cõi nước Phật, vui thành tựu những tướng tốt nên tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo tràng. Đây là những niềm vui do công đức tu hành mà được. Vui khi phát tâm Bồ-đề rộng lớn, vui dứt trừ hết phiền não, vui hàng phục các ma, vui thanh tịnh cõi Phật và trang nghiêm đạo tràng.
Vui nghe những pháp thâm sâu không sợ. Vui ba môn giải thoát, không vui phi thời. Vui gần những người đồng học, vui với những người không phải đồng học, tâm không giận không ngại. Vui đem sự bảo hộ những người ác tri thức, vui gần gũi những thiện tri thức.
Vui gần gũi bạn đồng học thì dễ. Vui với những người không phải là bạn đồng học, không cùng tư tưởng, không cùng quan điểm tu hành, lại phải sống chung với họ mà tâm không sân giận, không chướng ngại, vui đó thật là khó. Chúng ta phải cố gắng thực hành được như vậy mới là tiến bộ.
Thiện tri thức, mình gần gũi thân cận, bảo hộ là lẽ đương nhiên, là bổn phận phải làm. Với ác tri thức, dù sống chung với họ, chẳng những không ghét không hại mà còn vui bảo hộ họ, việc này thật khó làm. Như những việc thông thường, hợp đạo lý mình vui thì dễ. Việc không hợp đạo lý vẫn vui, điều đó hết sức khó.
Tóm lại, bạn đồng học và thiện tri thức là những người thuận duyên, phải bảo hộ, người không đồng học và ác tri thức là những người nghịch duyên, cũng phải bảo hộ. Dù thuận hay nghịch mình vẫn xử sự tốt hết. Được như vậy mới thật là tâm hạnh của Bồ-tát.
Vui tâm hỷ thanh tịnh, vui tu pháp vô lượng đạo phẩm. Ấy là pháp vui của những vị Bồ-tát. Các pháp vui của Bồ-tát như tâm tùy hỷ, tu vô lượng đạo phẩm, tương đối dễ. Còn những pháp vui đã nói ở trên rất khó thực hành, muốn được nguồn vui đó phải huân tập những tánh tốt như nhẫn nhục, nhu hòa… để khi gặp những điều trái ý nghịch lòng không thấy chướng ngại.
Khi ấy Ba-tuần bảo những Thiên nữ rằng: “Ta muốn cùng các ngươi trở về thiên cung.”
Các vị Thiên nữ nói: “Ông đã đem chúng tôi cho cư sĩ, có pháp vui, chúng tôi rất là vui, không trở lại vui cái vui ngũ dục nữa.”
Nghe qua những lời giảng dạy của cư sĩ Duy-ma- cật, các Thiên nữ nhận hiểu được nên thấy vui. Như vậy mới biết pháp Bồ-tát tuy khó, nhưng người nghe nhận hiểu được là đã có chủng tử lành. Chúng ta thường có quan niệm ma là xấu, nhưng đôi khi ma biết chuyển tâm cũng thành tốt vậy. Còn người tu là tốt nhưng có lúc cũng khởi tâm xấu. Cho nên đừng lầm cho ma là hoàn toàn xấu hết.
Ma nói: “Cư sĩ có thể xả những người nữ này không? Tất cả những sở hữu đem cho người, ấy mới gọi là Bồ-tát.” Ma Vương muốn cư sĩ Duy-ma-cật trả lại những Thiên nữ nên mới nói, nếu ông tu hạnh Bồ-tát thì tất cả những gì thuộc về ông, nên thí xả cho người mới gọi là Bồ-tát.
Ông Duy-ma-cật liền bảo: “Ta đã xả rồi. Người hãy đem những người đó đi, khiến cho tất cả chúng sanh được pháp nguyện đầy đủ.” Tôi đã thí xả các vị ấy rồi, vì muốn họ làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, đều được pháp nguyện đầy đủ. Ngươi hãy đem họ đi đi.
Khi ấy những vị Thiên nữ hỏi ông Duy-ma-cật: “Chúng tôi làm sao mà ở trong cung ma được?”
Ông Duy-ma-cật nói: Này các chị, có pháp môn tên Vô tận đăng, các chị phải học. Vô tận đăng đó, ví như một ngọn đèn sáng, mồi trăm ngàn ngọn đèn, những chỗ tối đều sáng, sáng khắp không cùng tận. Như thế, các chị! Phàm một vị Bồ-tát đã mở được đạo, khiến trăm ngàn chúng sanh đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với ý đạo kia cũng không có diệt hết, tùy chỗ nói pháp, mà tự tăng trưởng lợi ích tất cả pháp lành, ấy gọi là Vô tận đăng.
Những Thiên nữ này đã phát tâm Bồ-đề là đã ra khỏi cung ma, thì đâu thể theo ma vương được. Bấy giờ ông mới giảng pháp Vô tận đăng cho họ nghe. Tuy ở cung ma, nhưng một người đã sáng giống như một ngọn đèn thắp sáng, mồi trăm ngàn ngọn đèn khác thảy được sáng. Tất cả chỗ tối đều sáng. Ông dạy những Thiên nữ đã phát tâm Bồ-đề nên trở về cung ma khai đạo, hướng dẫn những quyến thuộc ma quay về Phật đạo, để cho trăm ngàn chúng sanh được phát tâm vô thượng Bồ-đề. Những vị đó đối với ý đạo không thể mất, tùy chỗ nói pháp làm tăng trưởng những điều lành. Như vậy gọi là Vô tận đăng.
Các chị tuy ở trong cung ma, dùng pháp Vô tận đăng này khiến cho vô số thiên tử Thiên nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để đền ơn Phật, cũng là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh vậy. Như vậy ở ngay trong cung ma mà đem pháp Phật giáo hóa mọi người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là đã đền ơn Phật, làm lợi ích cho chúng sanh. Đây chính là phương tiện hành đạo rất tốt.
Khi ấy Thiên nữ cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-ma- cật, đi theo ma trở về cung, bỗng nhiên biến mất.
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật có thần lực tự tại, trí tuệ biện tài như thế, nên con không kham đến thăm bệnh ông.
Lâu nay chúng ta cố chấp ma là đáng ghét đáng sợ. Chẳng những ma không biết tu, không bao giờ phát tâm Bồ-đề, mà còn phá hại người tu. Như ngài Trì Thế là Bồ-tát vẫn bị ma giả Đế-thích để lừa gạt. Cư sĩ Duy-ma-cật cũng là Bồ-tát, nhưng thấy ma liền biết là ma tới quấy phá nhiễu loạn Bồ-tát. Ông giáo hóa khiến ma phát tâm Bồ-đề. Như vậy ma có thật xấu hay không? Ở đây ma ngầm chỉ cho những người xấu ác. Chúng ta không nên có quan niệm người xấu ác không thể tu hành, chẳng qua vì mình chưa đủ năng lực, phương tiện để chuyển hóa họ. Như vậy mình có một phần lỗi, họ cũng một phần, chứ đừng hoàn toàn đổ hết lỗi cho họ.
Tóm lại, ở đây hai vị Bồ-tát, Bồ-tát xuất gia bị ma gạt, Bồ-tát cư sĩ lại giáo hóa được ma. Như vậy đâu phải ma chỉ hại người, nếu khéo chuyển thì ma cũng phát tâm Bồ-đề được. Vậy nên, dù kẻ trộm cướp, kẻ xấu xa, nếu chúng ta có đủ phương tiện, đủ đức độ, cũng có thể cảm hóa họ được, chứ không nên một bề quy trách nhiệm cho họ. Hiểu như vậy, chúng ta mới là người sáng suốt, là người thật công bình.
Chánh văn:
Phật bảo trưởng giả Thiện Đức:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Thiện Đức bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con ở trong nhà cha của con, lập hội đại thí cúng dường tất cả vị Sa-môn, Bà-la-môn và những người ngoại đạo, bần cùng, hạ tiện, cô độc, người ăn xin… suốt cả bảy ngày. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến trong hội bảo con rằng: “Này ông trưởng giả, phàm làm đại thí hội thì không phải là việc như ông đã làm. Phải làm hội pháp thí, đâu dùng hội tài thí làm gì!”
Con mới hỏi: “Này cư sĩ, thế nào gọi là hội pháp thí?”
Ông đáp: “Hội pháp thí là không trước không sau, đồng thời cúng dường tất cả chúng sanh, ấy gọi là hội pháp thí.”
Con hỏi: “Nghĩa là sao?”
Ông bảo: “Nghĩa là vì Bồ-đề, khởi tâm từ; vì cứu giúp chúng sanh, khởi tâm đại bi; vì gìn giữ chánh pháp, khởi tâm hỷ; vì nhiếp trí tuệ, hành tâm xả. Vì nhiếp xan tham, khởi bố thí ba-la-mật; vì giáo hóa phạm giới, khởi trì giới ba-la-mật; vì không ngã pháp, khởi nhẫn nhục ba-la-mật; vì lìa tướng thân tâm, khởi tinh tấn ba-la-mật; vì tướng Bồ-đề, khởi thiền định ba-la-mật; vì Nhất thiết trí, khởi trí tuệ ba-la-mật. Giáo hóa chúng sanh mà khởi nơi Không; chẳng xả pháp hữu vi mà khởi vô tướng; thị hiện thọ sanh mà khởi vô tác; hộ trì chánh pháp mà khởi sức phương tiện; vì độ chúng sanh, khởi tứ nhiếp pháp; vì kính thờ tất cả, khởi trừ pháp mạn; đối với thân mạng tài, khởi ba pháp kiên cố; ở trong sáu niệm, khởi pháp tư niệm; ở trong sáu pháp hòa kính, khởi tâm chánh trực; thực hành thiện pháp chân chánh, khởi tịnh mạng; tâm thanh tịnh hoan hỷ, khởi thân cận bậc hiền thánh; không ghét người ác, khởi tâm điều phục; vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm; vì như lời nói thực hành, khởi đa văn; vì pháp vô tránh, khởi ở chỗ vắng vẻ; hướng đến Phật tuệ, khởi ở chỗ an tọa; mở trói buộc cho chúng sanh, khởi chỗ tu hành; vì đầy đủ tướng hảo và thanh tịnh cõi Phật, khởi nghiệp phước đức; biết tất cả tâm niệm chúng sanh, tùy đó nói pháp, khởi nơi nghiệp trí; biết tất cả pháp không thủ không xả, vào môn nhất tướng, khởi ra nghiệp tuệ; đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện, khởi ra tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo. Như thế, này thiện nam tử! Đấy là hội pháp thí. Nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này, là đại thí chủ cũng là phước điền của tất cả thế gian.”
Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, trong chúng Bà-la-môn hai trăm người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con khi ấy tâm được thanh tịnh, tán thán điều chưa từng có. Cúi đầu đảnh lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, liền cởi xâu chuỗi anh lạc giá trị trăm ngàn để dâng lên cho ông mà ông không nhận. Con nói: “Thưa cư sĩ, mong ngài nhận, tùy ý mà cho.”
Ông Duy-ma-cật mới nhận chuỗi anh lạc, phân làm hai phần: một phần thí cho người ăn mày thấp nhất ở trong hội, còn một phần dâng lên đức Phật Nan Thắng. Tất cả chúng hội đều thấy cõi nước Quang Minh của đức Phật Nan Thắng, lại thấy xâu chuỗi anh lạc ở chỗ Phật kia biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía trang nghiêm không che lấp chướng ngại nhau.
Khi đó ông Duy-ma-cật hiện thần biến rồi lại nói: “Nếu vị thí chủ mà tâm bình đẳng thí cho người ăn mày thấp nhất cũng như là tướng phước điền của Như Lai, không chỗ phân biệt, bình đẳng đại bi, không cầu quả báo, ấy gọi là pháp thí đầy đủ.” Người ăn mày thấp nhất trong thành thấy được thần lực này rồi, nghe lời nói kia, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên con không kham đến thăm bệnh ông.
Như thế các Bồ-tát mỗi vị đến trước Phật trình bày duyên xưa của mình, khen ngợi và thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói rằng chúng con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Phật bảo trưởng giả Thiện Đức:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Thiện Đức bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa con ở trong nhà cha của con, lập hội đại thi cúng dường tất cả vị Sa-môn, Bà-la-môn và những người ngoại đạo, bần cùng, hạ tiện, cô độc, người ăn xin… suốt cả bảy ngày. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến trong hội bảo con rằng: “Này ông trưởng giả, phàm làm đại thi hội thì không phải là việc như ông đã làm. Phải làm hội pháp thi, đâu dùng hội tài thí làm gì!”
Con mới hỏi: “Này cư sĩ, thế nào gọi là hội pháp thí?”
Ông đáp: “Hội pháp thí là không trước không sau, đồng thời cúng dường tất cả chúng sanh, ấy gọi là hội pháp thí.”
Con hỏi: “Nghĩa là sao?”
Ông bảo: Nghĩa là vì Bồ-đề, khởi tâm từ; vì cứu giúp chúng sanh, khởi tâm đại bi; vì gìn giữ chánh pháp, khởi tâm hỷ; vì nhiếp trí tuệ, hành tâm xả.
Người sống với tánh Bồ-đề được an vui, muốn đem niềm an vui đó đến cho người, nên nói khởi lòng từ là do tâm Bồ-đề; sở dĩ có tâm bị vì muốn cứu độ chúng sanh; sở dĩ có tâm hỷ vì gìn giữ chánh pháp; sở dĩ có tâm xả vì nhiếp được trí tuệ. Đó là bốn pháp tâm vô lượng, từ bi hỷ xả.
Vì nhiếp xan tham, khởi bố thí ba-la-mật; vì giáo hóa phạm giới, khởi trì giới ba-la-mật; vì không ngã pháp, khởi nhẫn nhục ba-la-mật; vì lìa tướng thân tâm, khởi tinh tấn ba-la-mật; vì tướng Bồ-đề, khởi thiền định ba-la-mật; vì Nhất thiết trí, khởi trí tuệ ba-la-mật. Lục độ là sáu pháp ba-la-mật, gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ ba-la-mật. Lục độ thì mỗi độ đều có căn do. Vì nhiếp kẻ xan tham nên tu hạnh bố thí. Vì giáo hóa kẻ phạm giới nên tu trì giới… Như vậy mỗi pháp của lục độ đều trị một bệnh của chúng sanh.
Giáo hóa chúng sanh mà khởi nơi Không; chẳng xả pháp hữu vi mà khởi vô tướng; thị hiện thọ sanh mà khởi vô tác. Tam giải thoát môn là Không, vô tướng, vô tác. Sở dĩ có ba môn giải thoát này là vì giáo hóa chúng sanh nên khởi ra Không, do xả pháp hữu vi nên khởi vô tướng, do thị hiện thọ sanh nên khởi vô tác. Như vậy Không, vô tướng, vô tác (hay vô nguyện) đều có lý do mà khởi
Hộ trì chánh pháp mà khởi sức phương tiện; vì độ chúng sanh, khởi tử nhiếp pháp; vì kính thờ tất cả, khởi trừ pháp mạn; đối với thân mạng tài, khởi ba pháp kiên cố; ở trong sáu niệm, khởi pháp tư niệm; ở trong sáu pháp hòa kính, khởi tâm chánh trực.
Vì hộ trì chánh pháp nên khởi sức phương tiện, nghĩa là dùng phương tiện để bảo hộ chánh pháp; vì độ chúng sanh mà khởi tử nhiếp pháp nên tử nhiếp pháp là phương tiện; do kính thờ tất cả nên trừ pháp mạn. Chữ mạn nói chung là ngã mạn, tăng thượng mạn. Đối với thân thể, mạng sống, tài sản mà khởi ba pháp kiên cố. Ba pháp kiên cố là pháp thân, tuệ mạng, công đức pháp tài. Chúng ta ai cũng có ba pháp là thân, mạng, tài. Thân này là vô thường, mạng sống tạm bợ, tài sản cũng vô thường. Như vậy ba pháp vô thường tạm bợ đổi thành ba pháp kiên cố, đó là pháp thân bất sanh bất diệt, trí tuệ là mạng không bị sanh diệt, tài là công đức pháp tài.
Sáu niệm là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên. Ở trong sáu niệm mà khởi tư duy pháp. Ở trong sáu pháp hòa kính khởi tâm chánh trực. Như vậy đối với những pháp hiện tại, phải trừ dẹp hoặc tăng trưởng những pháp tu của mình.
Thực hành thiện pháp chân chánh, khởi tịnh mạng; tâm thanh tịnh hoan hỷ, khởi thân cận bậc hiền thánh; không ghét người ác, khởi tâm điều phục; vì pháp xuất gia, khởi thâm tâm; vì như lời nói thực hành, khởi đa văn; vì pháp vô tránh, khởi ở chỗ vắng vẻ; hướng đến Phật tuệ, khởi ở chỗ an tọa; mở trói buộc cho chúng sanh, khởi chỗ tu hành; vì đầy đủ tướng hảo và thanh tịnh cõi Phật, khởi nghiệp phước đức.
Vì thực hành thiện pháp chân chánh nên khởi tịnh mạng, nghĩa là tu hành đúng như pháp lành của Phật dạy. Tịnh mạng là mạng sống thanh tịnh nên cũng gọi là chánh mạng, ngược lại là tà mạng. Vì tâm thanh tịnh hoan hỷ nên khởi thân cận hiền thánh. Muốn tâm được thanh tịnh, được sự hoan hỷ thì phải nên gần gũi bậc hiền thánh. Vì không ghét người ác nên khởi tâm điều phục. Thường chúng ta đối với người dễ thương hoặc đáng ghét mà không sanh tâm thương ghét, điều đó là khó. Họ đáng ghét mình đừng ghét thì thôi. Như vậy vì chẳng ghét người ác mà khởi điều phục tâm. Khéo điều phục tâm để những niệm ganh ghét, bực bội không khởi lên.
Vì pháp xuất gia mà khởi thâm tâm. Thâm tâm là hành theo pháp của Phật. Vì muốn xuất gia nên trong thâm tâm luôn ghi nhớ và thực hành những điều Phật dạy. Vì như lời nói mà thực hành nên khởi đa văn. Chúng ta có bệnh học nhiều mà quên tu, hoặc ham tu mà không chịu học. Đó là hai cực đoan cần phải tránh. Ở đây vì muốn nói được là làm được, nên cần phải học rộng nghe nhiều. Nghe để hiểu, hiểu rồi mới hành đúng pháp. Học tới đâu tu tới đó, chứ không phải học để nói suông. Vậy muốn như nói mà hành thì phải đa văn. Nói được thì hành được. Học như thế mới đúng là tinh thần học đạo.
Vì pháp vô tránh mà khởi ở chỗ vắng vẻ. Vô tránh là không tranh cãi. Vì không muốn tranh cãi nên ở chỗ vắng vẻ, để thân tâm được thanh tịnh dễ tiến tu. Vì muốn hướng đến Phật tuệ nên khởi an tọa. Ngồi thiền là hướng về Phật tuệ, không cho những niệm thế gian chen vào, nên mới ngồi yên để khai mở trí tuệ Phật. Vì mở trói buộc cho chúng sanh nên khởi tu hành. Như vậy tu là cốt để mở những trói buộc cho chúng sanh, chứ không phải tu cho riêng mình.
Vì muốn đầy đủ tướng tốt và trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, nên tu nghiệp phước đức. Nghiệp phước đức là làm những điều lành, điều tốt cho người. Làm điều lành điều tốt có hai ý, nghĩa là trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt cho mình và trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Phật là Phật tự tâm chứ không phải Phật bên ngoài. Thế nên muốn đầy đủ tướng tốt và cõi nước thanh tịnh thì phải tu nghiệp phước đức. Như vậy là làm những phước đức đó để trang nghiêm cho thân thanh tịnh, cõi Phật thanh tịnh. Và phải làm với thân tâm không lười mỏi, thì khả dĩ mới thành tựu tâm nguyện.
Biết tất cả tâm niệm chúng sanh, tùy đó nói pháp, khởi nơi nghiệp trí; biết tất cả pháp không thủ không xả, vào môn nhất tướng, khởi ra nghiệp tuệ; đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện, khởi ra tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo.
Như thế, này Thiện nam tử! Đấy là hội pháp thí. Nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này là đại thí chủ, cũng là phước điền của tất cả thế gian.
Bồ-tát hành đạo, vì muốn biết tâm niệm chúng sanh nên khởi nghiệp trí. Tu nghiệp trí để tìm hiểu, thấu suốt những gì Phật dạy, tùy tâm niệm mỗi người, nói pháp giáo hóa và lợi ích cho họ. Biết tất cả pháp không thủ không xả vào môn đệ nhất tướng, đó là khởi nghiệp tuệ. Đoạn tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp bất thiện mà khởi tất cả nghiệp thiện; vì được Nhất thiết trí tuệ, tất cả thiện pháp, khởi tất cả pháp trợ Phật đạo.
Trên đây cư sĩ Duy-ma-cật đã trả lời đầy đủ câu hỏi của trưởng giả Thiện Đức: Hội pháp thí nghĩa là sao? Và ông tán thán, nếu Bồ-tát trụ nơi hội pháp thí này là đại thí chủ, cũng là phước điền của tất cả thế gian.
Bạch Thế Tôn! Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, trong chúng Bà-la-môn hai trăm người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con khi ấy tâm được thanh tịnh, tán thán điều chưa từng có. Cúi đầu đảnh lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, liền cởi xâu chuỗi anh lạc giá trị trăm ngàn để dâng lên cho ông mà ông không nhận. Con nói: “Thưa cư sĩ, mong ngài nhận, tùy ý mà cho.”
Ông Duy-ma-cật mới nhận chuỗi anh lạc, phân làm hai phần: một phần thí cho người ăn mày thấp nhất ở trong hội, còn một phần dâng lên đức Phật Nan Thắng. Tất cả chúng hội đều thấy cõi nước Quang Minh của đức Phật Nan Thắng, lại thấy xâu chuỗi anh lạc ở chỗ Phật kia biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía trang nghiêm không che lấp chướng ngại nhau.
Như vậy khi dâng chuỗi anh lạc lên đức Phật Nan Thắng, toàn chúng trong hội nhìn thấy cõi nước Quang Minh của Phật Nan Thắng rất sáng suốt. Lại thấy phân nửa xâu chuỗi đó biến thành đài báu bốn trụ, bốn phía đều đẹp đẽ thông suốt, không gì che lấp chướng ngại nhau.
Khi đó ông Duy-ma-cật hiện thần biến rồi lại nói: “Nếu vị thí chủ mà tâm bình đẳng thi cho người ăn mày thấp nhất cũng như là tướng phước điền của Như Lai, không chỗ phân biệt, bình đẳng đại bi, không cầu quả báo, ấy gọi là pháp thi đầy đủ.” Người ăn mày thấp nhất trong thành thấy được thần lực này rồi, nghe lời nói kia, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên con không kham đến thăm bệnh ông.
Qua đoạn này chúng ta thấy có hai lối thí; bố thí tài và bố thí pháp. Ở trước, cư sĩ Duy-ma-cật giản trạch cho trưởng giả Thiện Đức biết bố thí tài không bằng bố thí pháp, nhưng cuối cùng ông nói, bố thí bình đẳng mới gọi là hội pháp thí. Bình đẳng là sao? Dù đức Phật là bậc đầy đủ vô lượng công đức hay kẻ ăn mày thấp nhất trong hội mà vẫn thấy như nhau. Một xâu chuỗi anh lạc chia hai là bình đẳng không khác. Bố thí mà không một niệm cầu phước đức riêng mình, đó là hội pháp thí. Pháp thí như vậy mới đầy đủ.
Chúng ta xét lại, hội pháp thí đầy đủ như trước thì khó làm, còn hội pháp thí sau nghe như dễ! Giả sử, đang cầm nải chuối định đem cúng Phật, lúc đó người ăn mày đói khát đến xin, mình có dám chia họ phân nửa hay họ đói thì mặc họ, nhất định đem cúng Phật chứ không chia nửa nải cho họ? Nhưng nếu có chia cho họ thì cũng phải với lòng cung kính như đem dâng cúng Phật, chứ không phải cho mà khinh mạn. Bởi chúng ta thường có tâm quý kính người trên, người quan trọng, khinh khi người nhỏ, thấp hèn, nên những gì dành cho người mình cung kính mà kẻ khác đến xin là sanh bực bội, chẳng những không cho mà còn rầy nữa. Kính thì kính quá, khinh cũng khinh quá. Vậy chúng ta thấy, dù cho một nải chuối hay xâu chuỗi anh lạc mà chia với tâm bình đẳng, cũng gọi là hội pháp thí. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật gọi là cụ túc pháp thí, nghĩa là pháp thí đầy đủ.
Tóm lại, ý của đoạn này muốn nói, hội tài thí là hội bố thí tài sản bảy ngày, cũng được phước nhiều. Nhưng phước đó chỉ là phước thế gian, không bằng phước pháp thí. Cho nên cư sĩ Duy-ma-cật mới chỉ ra bao nhiêu pháp để dạy như trên, Đem những pháp đó ứng dụng bố thí cho người thì gọi đó là hội pháp thí. Nhưng kết thúc, với hình ảnh xâu chuỗi anh lạc, phân nửa cúng Phật, phân nửa cúng người bần cùng hạ tiện, mới là đầy đủ pháp thí. Như vậy bố thí bình đẳng là trên hết. Chúng ta phải hiểu cả ba trường hợp, tài thí, pháp thí và bình đẳng thí cho thật tường tận.
Như thế các Bồ-tát mỗi vị đến trước Phật trình bày duyên xưa của mình, khen ngợi và thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói rằng chúng con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Phẩm trước tất cả đệ tử Thanh văn của Phật đều không dám thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật. Đến đây các vị Bồ-tát cũng từ chối luôn.