Nội dung:
Khi ấy trưởng giả Duy-ma-cật tự nghĩ, nằm bệnh trên giường, Thế Tôn là đấng đại từ, đâu chẳng thương xót.
Phật biết ý ông Duy-ma-cật, liền bảo ngài Xá-lợi-phất:
– Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, từng ở trong rừng ngồi yên dưới cội cây, khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, không hẳn ngồi thế ấy là ngồi yên. Phàm ngồi yên thì ở tam giới mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên. Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy là ngồi yên. Không bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên. Tâm không trụ trong cũng không ở ngoài, ấy là ngồi yên. Đối các kiến chấp không động mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên. Không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, ấy là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như thế thì Phật sẽ ấn chứng cho.”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con nghe những lời nói này, lặng thinh mà thôi, không thể nào đáp được. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Khi nằm bệnh, cư sĩ Duy-ma-cật thầm nghĩ, đức Thế Tôn đại bi thế nào cũng đến thăm. Ông vừa khởi niệm, Phật liền cảm ứng bảo tôn giả Xá-lợi-phất tới thăm bệnh. Qua đó chúng ta thấy, do tâm thanh tịnh nên dễ được cảm ứng. Nếu tâm thanh tịnh vừa nhớ Phật, Phật liền ứng; vừa nhớ pháp, pháp liền hiện; nhớ tăng, tăng liền có.
Được Phật cử đi, tôn giả Xá-lợi-phất xin từ chối vì đã từng bị cư sĩ Duy-ma-cật chất vấn.
Phàm ngồi yên thì ở tam giới mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên. Chúng ta thường quan niệm ngồi một mình trong rừng vắng, dưới cội cây, hoặc trên thiền đường, hoặc trong thất riêng mới là ngồi yên. Nhưng cư sĩ Duy-ma-cật nói, ngồi yên là ngay khi đang sống trong tam giới mà không hiện thân ý. Nghĩa là ngay trong tam giới mà vẫn biết thân là huyễn hóa không thật, tâm ý hư vọng, không loạn động mới thật là ngồi yên. Còn chúng ta ngồi nghiêm chỉnh trong thiền đường mà chấp thân thật, đó là còn hiện thân. Tâm ý cứ chạy lăng xăng, nghĩ hết việc này đến việc khác là động, chứ chưa phải ngồi yên. Như vậy, khi nào thân ý không động mới gọi là ngồi yên.
Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy gọi là ngồi yên. Hàng Nhị thừa khi nhập Diệt tận định thân dường như chết, chỉ còn chút hơi ấm mà không còn hơi thở. Người bình thường không còn hơi thở gọi là chết. Cư sĩ Duy-ma-cật nói, không khởi tức không xả Diệt tận định, là hằng sống trong Diệt tận định mà hiện các oai nghi, mới là ngồi yên; còn nhập Diệt tận định ngồi yên như chết, ngưng hoạt động, không phải là yên thật. Ở đây ý muốn nói, đi đứng nằm ngồi, mọi hành động bình thường mà tâm như người nhập Diệt tận định. Lục Tổ cũng nói, nếu thấy có xuất nhập là còn động, chưa phải đại định.
Không bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên. Không xả đạo pháp là sống đúng với tinh thần đạo pháp mà làm các việc phàm phu. Như cuốc rẫy, làm ruộng v.v… chỉ biết việc mình đang làm không nghĩ nhớ xa xôi, không suy tính trúng thất, Làm mọi việc mà tâm không rời đạo pháp, đó mới thật ngồi yên.
Tâm không trụ trong cũng không ở ngoài, ấy là ngồi yên. Chúng ta hoặc là thấy tâm ở trong hoặc là thấy tâm chạy ra ngoài. Khi phóng ra thì thấy tâm ở ngoài, khi không phóng nghĩ là đang yên ở trong. Tâm thật thì trùm khắp, không ở trong không ở ngoài, đó mới thật là ngồi yên.
Đối các kiến chấp không động mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên. Muốn tu theo chánh pháp, phải diệt tà kiến mới được chánh kiến. Ở đây tà kiến không cần diệt, chỉ cần tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đã hành chánh kiến. Đó mới là ngồi yên.
Không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, ấy là ngồi yên. Nếu có thể ngồi như thế thì Phật sẽ ấn chứng cho. Chúng ta thấy nên đoạn phiền não để vào Niết-bàn, cư sĩ Duy-ma-cật cho rằng không đoạn phiền não mà vào Niết-bàn mới là ngồi yên, mới được Phật ấn chứng.
Đoạn này ý cư sĩ Duy-ma-cật chỉ cho tôn giả Xá-lợi-phất cũng như chúng ta biết, muốn được yên không phải thân tướng ở chỗ vắng vẻ mới yên, mà tâm không còn thấy hai, đó mới thật là yên.
Chánh văn:
Phật bảo ngài Đại Mục-kiền-liên:
– Ông đi đến thăm bệnh Duy-ma-cật.
Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa vào đại thành Tỳ-da-ly, ở trong đường hẻm, vì các người cư sĩ nói pháp. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con:
“Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, vì bạch y cư sĩ nói pháp, không phải như nhân giả đã nói. Phàm nói pháp phải như pháp mà nói. Pháp không có chúng sanh vì lìa chúng sanh cấu. Pháp không có ngã vì lìa ngã cấu. Pháp không thọ mạng vì lìa sanh tử. Pháp không có người vì mé trước mé sau dứt. Pháp thường lặng lẽ vì diệt các tướng. Pháp lìa nơi tướng vì không có sở duyên. Pháp không có danh tự vì ngôn ngữ đoạn. Pháp không có thuyết vì lìa giác quán. Pháp không hình tướng vì như hư không. Pháp không hý luận vì cứu cánh không. Pháp không ngã sở vì lìa ngã sở. Pháp không phân biệt vì lìa các thức. Pháp không so sánh vì lìa đối đãi. Pháp chẳng thuộc nhân vì không thuộc duyên. Pháp đồng pháp tánh vì vào các pháp. Pháp tùy nơi như vì không chỗ tùy. Pháp trụ thật tế vì các bên không động. Pháp không dao động vì chẳng nương nơi sáu trần. Pháp không đến đi vì thường không trụ. Pháp thuận không, tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp lìa đẹp xấu, pháp không tăng giảm, pháp không sanh diệt, pháp không chỗ trở về. Pháp vượt ra ngoài mắt tai mũi lưỡi thân tâm. Pháp không cao thấp, pháp thường trụ chẳng động, pháp lìa tất cả quán hạnh. Thưa ngài Đại Mục-kiền-liên, pháp tướng như thế, há có thể nói ư?
Phàm người thuyết pháp không nói không chỉ. Người nghe pháp kia không nghe không được. Ví như thầy huyễn vì người huyễn nói pháp. Phải dựng lập ý này mà vì người nói pháp. Phải biết rõ căn cơ chúng sanh có lợi độn, khéo nơi tri kiến không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi mà tán thán Đại thừa, nhớ đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, sau đó mới nói pháp.”
Khi ông Duy-ma-cật nói lời ấy, tám trăm cư sĩ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Con không có biện tài này, thế nên không thể đến thăm bệnh ông được.
Giảng:
Tôn giả Xá-lợi-phất và tôn giả Mục-kiền-liên là hai vị thượng thủ trong giáo đoàn của Phật. Đầu tiên là tôn giả Xá-lợi-phất đã xin rút lui, bây giờ đến tôn giả Mục-kiền-liên. Ngài kể lại, có lần trong đường hẻm đang thuyết pháp cho cư sĩ nghe, cư sĩ Duy-ma-cật đến bảo rằng, nói pháp không phải như tôn giả nói, phải như pháp mà nói. Thường các vị đệ tử của Phật cũng như chúng ta bây giờ, nói pháp là đứng trên tướng của các pháp mà phân biệt giảng nói, đó là nói theo pháp tướng. Còn cư sĩ Duy-ma-cật bảo như pháp mà nói, là đi thẳng vào pháp tánh chứ không theo pháp tướng.
Như chúng ta nói pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tứ đế, thập nhị nhân duyên… là nói trên tướng. Còn pháp tánh là pháp không có chúng sanh, vì lìa chúng sanh, vì không còn cấu nhơ của chúng sanh. Pháp tánh đó không có ngã vì lìa ngã cấu… Như vậy, đứng về mặt pháp tánh thì không có tất cả.
Pháp tùy nơi như vì không chỗ tùy. Pháp trụ thật tế vì các bên không động. Pháp là pháp tánh, như là như như. Pháp tánh không sanh không diệt, không dao động nên nó là như. Bởi như nên không có chỗ tùy, nói tùy mà không có chỗ tùy. Pháp tánh trụ mé chân thật, vì không bên này bên kia nên không động.
Pháp thuận không, tùy vô tướng, ứng vô tác. Pháp tánh không tướng nên nói thuận không, không tướng nên gọi là tùy vô tướng, bởi vô tướng nên không tạo tác gọi là ứng vô tác.
Pháp lìa đẹp xấu, pháp không tăng giảm, pháp không sanh diệt, pháp không chỗ trở về. Pháp vượt ra ngoài mắt tai mũi lưỡi thân tâm. Nếu thấy có đẹp xấu, thêm bớt, sanh diệt là còn đứng trên pháp tướng. Pháp tánh không có tất cả thứ đó nên nói vượt ra ngoài cả mắt tại mũi lưỡi thân tâm.
Phàm người thuyết pháp không nói không chỉ. Người nghe pháp kia không nghe không được. Pháp tánh không thể nói, không chỉ bày được. Vừa mở miệng nói là đối đãi, là tướng chứ không phải tánh. Pháp tánh thì lấy gì nghe? Nếu nghe ngôn ngữ thì ngôn ngữ thuộc về đối đãi, nên nói người nghe pháp không nghe, không được. Như vậy pháp tánh là tự khế hợp, nghe pháp tánh cũng tự nhận ra, còn có nói có nghe là không thật.
Ví như thầy huyễn vì người huyễn nói pháp. Phải dựng lập ý này mà vì người nói pháp. Người nói pháp phải thấy mình là huyễn, người nghe cũng huyễn, là không chấp có ngã có nhân, như vậy mới đúng tinh thần nói pháp. Nếu thấy người nói người nghe là thật, là còn đối đãi. Khi nói pháp, chúng ta thường chỉ dạy, đây là pháp thiện nên tu pháp ác nên bỏ. Nhưng phải thấy thiện ác đều không thật, vì còn trong sanh diệt, thuộc về pháp tướng.
Phải biết rõ căn cơ chúng sanh có lợi độn, khéo nơi tri kiến không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi mà tán thán Đại thừa, nhớ đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, sau đó mới nói pháp. Nói pháp phải biết căn cơ chúng sanh, khéo đối với thấy biết không bị chướng ngại, dùng tâm đại bi tán thán pháp Đại thừa để đền ơn Phật, không rời bỏ Tam bảo, mới nên nói pháp.
Chúng ta chưa có tha tâm thông làm sao biết được căn cơ chúng sanh. Như có người đến tha thiết học đạo, trước phải hỏi họ đã xem qua những kinh sách gì, ứng dụng pháp tu nào… Nhờ trình bày mới biết sự tu học của họ tới đâu. Do đó dễ gần và hiểu được tâm ý của người. Có nhiều sư trẻ, thấy đạo lý hay quá, gặp ai cũng muốn thuyết giảng mà không cần biết họ có hiểu không, đó là chưa kinh nghiệm. Ở đây dạy, phải biết căn cơ lợi độn của chúng sanh, khéo đối với sự thấy biết không bị chướng ngại và khởi tâm đại bi, đề cao pháp Đại thừa. Như vậy nói pháp là đền ơn Phật, chứ không phải để chứng tỏ mình thông hiểu Phật pháp. Đó mới xứng đáng là người nói pháp.
Tóm lại, tôn giả Mục-kiền-liên nói pháp cho cư sĩ là đứng về mặt pháp tướng, chia chẻ phân tích cho họ hiểu. Còn cư sĩ Duy-ma-cật cho rằng nói pháp như vậy là không hợp, phải nói thẳng nơi pháp tánh. Nhưng rốt ráo của pháp tánh là không có người hay nói và cũng không có người nghe. Đó là tinh thần nói pháp cứu cánh chân thật của cư sĩ Duy-ma-cật.
Chánh văn:
Phật bảo ngài Đại Ca-diếp:
– Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Ca-diếp bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, con đi khất thực trong xóm nghèo, khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa tôn giả Đại Ca-diếp, có lòng từ bi mà không rộng khắp, bỏ nhà giàu đến nhà nghèo khất thực. Ngài Ca-diếp, phải trụ nơi pháp bình đẳng, nên theo thứ lớp mà khất thực. Vì không ăn nên đi khất thực. Vì phá hoại tướng hòa hợp nên nhận thức ăn từng nắm. Vì không thọ nên nhận thức ăn kia. Vì dùng tưởng không tụ vào trong xóm làng. Thấy sắc cùng với người mù đồng, nghe tiếng cùng với âm vang đồng, ngửi mùi hương cùng với gió đồng, nếm vị không phân biệt, thọ các xúc như trí chứng, biết các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Vốn tự không sanh, nay cũng không diệt. Này Ca-diếp, nếu hay không xả tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà vào chánh pháp. Dùng một bữa ăn thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, sau đó mới có thể ăn. Ăn như thế không phiền não không lìa phiền não. Chẳng vào định ý cũng chẳng khởi định ý. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết-bàn. Người thí không có phước lớn không có phước nhỏ, không được lợi ích không bị tổn hại, ấy chính là vào Phật đạo, không y nơi hàng Thanh văn. Ngài Ca-diếp, nếu ăn như thế là không uổng thức ăn của thí chủ.”
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe nói lời này rồi, được việc chưa từng có, liền đối với tất cả Bồ-tát sâu khởi tâm cung kính, lại khởi nghĩ thế này: “Đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế! Ai nghe mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Từ đây về sau, con không dám dùng pháp Thanh văn hay Bích-chi Phật để khuyên dạy người thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Giảng:
Pháp khất thực của hai tôn giả Ca-diếp và Tu-bồ-đề là có tâm thiên lệch. Tôn giả Ca-diếp thì thương người nghèo nên đi khất thực trong xóm nghèo để họ gieo căn lành, sau này mới thoát khỏi cái nghèo. Nếu sợ họ nghèo không dám đến yêu cầu làm phước thì tâm ích kỷ của họ càng tăng, làm sao đời sau có phước. Vì muốn chuyển tâm của họ, từ nghèo trở thành giàu, nên ngài tìm đến nhà nghèo để khất thực, ngay cả người cùi… cũng xin của họ nữa. Qua đó chúng ta thấy, phải là người có tâm từ bi mới làm được như vậy. Ngược lại tôn giả Tu-bồ-đề thì khất thực nhà giàu. Ngài quan niệm đơn giản, họ dư mình xin một chút đâu có tổn hại gì. Như vậy việc khất thực không làm thiệt thòi cho người cúng. Đây cũng là lòng từ bi của ngài. Hai vị đại đệ tử này, một bên thì muốn gieo duyên với người nghèo, một bên lại nghĩ xin người giàu không làm họ khó khổ và thiệt thòi. Như vậy cả hai ngài đều vì lòng từ bi, nhưng tâm còn thiên lệch.
Cư sĩ Duy-ma-cật thấy tôn giả Ca-diếp đến xóm nghèo khất thực nên nói, tôn giả đi khất thực mà bỏ người giàu xin người nghèo là lòng từ bi không bình đẳng. Ngài phải trụ nơi pháp bình đẳng, theo thứ lớp mà khất thực, theo thứ tự từng nhà, đến đâu người ta cho thì nhận, chứ không lựa chọn giàu nghèo. Đó mới gọi là bình đẳng.
Vì không ăn nên đi khất thực. Không ăn thì đi khất thực làm gì? Chữ thực ở đây không có nghĩa là ăn, mà có nghĩa là tâm duyên theo sáu trần. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, tâm không dính mắc nghĩa là không ăn. Không ăn như vậy mới xứng đáng đi khất thực. Nếu là thân này thì phải có ăn để nuôi mạng sống tu hành. Tu để nhận ra pháp thân, sống với pháp thân. Mà pháp thân đâu có ăn. Nhận được lý đó mới nên đi khất thực.
Vì phá hoại tướng hòa hợp nên nhận thức ăn từng nắm. Hòa hợp tướng là chỉ thân tứ đại hay thân ngũ uẩn hòa hợp, giả dối không thật. Sở dĩ đi khất thực là vì cầu sự giải thoát, chứ không phải muốn tiếp tục nuôi dưỡng thân giả tướng này. Khất thực như thế mới đúng pháp.
Vì không thọ nên nhận thức ăn kia. Chúng ta có năm giác quan. Năm giác quan đó đối với năm trần có cảm thọ. Còn pháp thân thì không cảm thọ. Vì vậy nói phải dùng không thọ mà đi khất thực.
Vì dùng tưởng không tụ vào trong xóm làng. Tưởng không tụ tức là tưởng thân này giống như một chỗ trống, không người, không thật, không chủ tức là vô ngã. Nếu vào trong xóm làng khất thực mà tâm vô ngã thì không bị dính mắc.
Thấy sắc cùng với người mù đồng, nghe tiếng cùng với âm vang đồng. Người mù thì không thấy sắc. Thấy sắc mà sao như mù được? Vì thấy mà không có niệm phân biệt đẹp xấu, nên nói thấy như mù. Nghe tiếng khen chê tưởng như tiếng vang trong núi dội lại thì đâu có giận đâu có mừng. Nhưng chúng ta nghe chê thì buồn, nghe khen lại vui, là tại sao? Là vì mình chưa sống với pháp bình đẳng đó.
Ngửi mùi hương cùng với gió đồng. Ngửi mùi thơm hội cũng như gió thoảng, qua rồi mất, đừng để nó chi phối.
Nếm vị không phân biệt, thọ các xúc như trí chứng. Khi thức ăn vào lưỡi không khởi phân biệt, chứ không phải không biết ngon dở. Chỗ này có lắm người nghe nói không phân biệt ngon dở thì tưởng lầm ăn mà không biết gì hết. Nếu không biết ngon dở thì lưỡi đã mất cảm giác. Như vậy không phân biệt nghĩa là sao? Vị vào lưỡi vẫn biết ngon dở, nhưng không ưa ngon ghét dở, gọi là không phân biệt. Thế mới đúng là nếm vị mà không phân biệt.
Tóm lại, mắt thấy như mù là thấy mà không phân biệt đẹp xấu. Thấy đẹp vẫn biết đẹp, xấu vẫn biết xấu, nhưng không có niệm đuổi theo cái đẹp chán ghét cái xấu, thì gọi là như mù. Lưỡi nếm vị ngon biết ngon, dở biết dở, nhưng ngon không luyến dở không chán ghét, đó gọi là không phân biệt vị. Khi xúc chạm, trí liền nhận biết đúng như thật, chứ không phải theo cảm giác. Thường khi xúc chạm là có cảm giác, những cảm giác đó có ưa thích, vui buồn. Nhưng sự cảm thọ và xúc chạm, mình đều thấy như huyễn như hóa không thật có, do đó tâm không nhiễm trước, nên gọi là thọ các xúc như trí chứng.
Biết các pháp như tướng huyễn. Không tự tánh, không tha tánh. Vốn tự không sanh, nay cũng không diệt. Các pháp ở thế gian này đều là tướng hư huyễn. sanh nên nó không thật có. Như muốn có cái bàn, phải đủ các duyên gỗ, đinh, thợ mộc… hợp lại mới thành. Cái bàn vốn không tự tánh, gỗ đinh thợ mộc đều không thật có nên cũng không tha tánh. Tự tánh tha tánh đã không thì cái gì sanh diệt? Không sanh diệt tức là vô sanh. Cho nên nói xưa không sanh nay cũng không diệt.
Này Ca-diếp, nếu hay không xả tám tà vào tám giải thoát, dùng tướng tà vào chánh pháp. Dùng một bữa ăn thí cho tất cả, cúng dường chư Phật và các bậc hiền thánh, sau đó mới có thể ăn. Ở đây chỉ cho pháp vượt ngoài đối đãi, bình đẳng không phân biệt tà chánh, trói buộc hay giải thoát, tức không còn kẹt hai bên. Ngay trong tà đã có chánh, trong phiền não có giải thoát, trong sanh tử có Niết-bàn. Được như vậy mới có thể dùng một bữa ăn cúng dường chư Phật, chư hiền thánh và bố thí cho tất cả, rồi sau mới ăn. Vì đã có tâm bình đẳng, nên món ăn dù ít cũng trùm khắp không bị hạn cuộc.
Ăn như thế không phiền não không lìa phiền não. Chẳng vào định ý cũng chẳng khởi định ý. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết-bàn. Người thi không có phước lớn không có phước nhỏ, không được lợi ích không bị tổn hại, ấy chính là vào Phật đạo, không y nơi hàng Thanh văn. Ngài Ca-diếp, nếu ăn như thế là không uổng thức ăn của thí chủ.
Đã thấy các pháp bình đẳng tức là nhất tướng bình đẳng thì đâu còn thấy hai bên, phiền não và lìa phiền não, không nhập định và xuất định, không trụ thế gian và trụ Niết-bàn. Người thí thấy các pháp bình đẳng thì không có phước lớn phước nhỏ, không tăng không giảm, không lợi ích không tổn hại. Không nương nơi hàng Thanh văn, vì Thanh văn còn nhìn trên đối đãi. Được vậy mới thẳng vào Phật đạo, mới đúng là hành Phật đạo. Người nhận thức ăn như thế mới không uổng công thí chủ cúng dường.
Tóm lại, đoạn này cư sĩ Duy-ma-cật muốn nhắc ngài Ca-diếp, người khất thực phải có tâm bình đẳng không còn thấy hai mới đi thẳng vào Phật đạo.
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe nói lời này rồi, được việc chưa từng có, liền đối với tất cả Bồ-tát sâu khởi tâm cung kính, lại khởi nghĩ thế này: “Đây là hàng danh tiếng được biện tài trí tuệ mới có thể nói được như thế! Ai nghe mà không phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Từ đây về sau, con không dám dùng pháp Thanh văn hay Bích-chi Phật để khuyên dạy người thực hành. Thế nên con không kham đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Tôn giả Ca-diếp khi thuật lại câu chuyện bị cư sĩ Duy-ma-cật vấn nạn, liền tỏ ngộ điều chưa từng có, phát khởi thâm tâm cung kính đối với tất cả các vị Bồ-tát. Ngài lại thầm thán phục đây là bậc biện tài trí tuệ, ai nghe mà không phát tâm Bồ-đề. Như vậy chính ngài đã chuyển tâm niệm, không còn chấp pháp của hàng Nhị thừa. Đó là điểm đặc biệt của tôn giả Ca-diếp khác hơn những vị trước.
Chánh văn:
Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật. Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ lại thuở xưa, con vào nhà ông Duy-ma-cật khất thực, khi ấy ông nhận bát của con, sớt thức ăn đầy bát, bảo con rằng: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với thức ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì đối với thức ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như thế mới nên nhận lấy thức ăn.
Nếu ngài Tu-bồ-đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó. Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng không mở không trói. Không thấy tứ đế và không phải không thấy tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp, mới có thể nhận thức ăn.
Nếu ngài Tu-bồ-đề không thấy Phật, không nghe pháp, những lục sư ngoại đạo kia là Phú lan-na Ca-diếp, Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-xí-xá Kham-bà-la, Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đó là thầy của ông. Nhờ những lục sư ngoại đạo đó mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa, như vậy mới nên nhận thức ăn.
Nếu ngài Tu-bồ-đề vào trong các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn, chẳng được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được Vô tránh tam-muội, tất cả chúng sanh cũng được định ấy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông rơi vào ba đường ác. Ông và chúng ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng nhau không khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm oán, chê bai Phật hủy báng pháp, không vào chúng tăng, trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế mới nên nhận thức ăn.”
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe lời nói này, mờ mịt không biết phải nói gì, không biết dùng lời nào để đáp. Con liền để bát xuống, muốn chạy ra khỏi nhà ông. Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nhận bát chớ có sợ. Ý ông nghĩ sao? Như đức Như Lai hóa ra một người, người ấy đem việc này hỏi ông thì ông đâu có sợ phải không?” Con nói: “Không vậy.” Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa, nay ông không nên sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến với người trí, không chấp văn tự nên không sợ. Vì cớ sao? Tánh văn tự lìa, không có văn tự, ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy.”
Khi ông Duy-ma-cật nói pháp này, hai trăm thiên tử được pháp nhãn trong sạch, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Nếu ngài Tu-bồ-đề không đoạn tham sân si cũng không chung cùng với nó. Không phá hoại thân mà tùy nhất tướng. Không diệt si ái mà khởi được giải thoát. Do tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng không mở không trói. Không thấy tử để và không phải không thấy tứ đế. Không được quả cũng không phải không được quả. Không phàm phu, không lìa pháp phàm phu. Không thánh nhân, không chẳng thánh nhân. Tuy thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp, mới có thể nhận thức ăn.
Đoạn này nói đến chỗ chân thật bình đẳng không hai. Trong tham sân si có giải thoát, giải thoát là từ tham sân si. Hai pháp đó không rời nhau, không riêng khác, nên không giải thoát cũng không trói buộc. Không thấy tứ đế cũng không chẳng thấy tứ đế… cả hai bên đều không có, được như vậy là thấy pháp bình đẳng, mới nên nhận thức ăn,
Pháp không có hai bên, còn đối đãi không phải là pháp thật. Chúng ta thường nói tu là diệt sạch tham sân si mới giải thoát. Như có người bị trói chặt vào thân cây bằng ba sợi dây, muốn thoát khỏi ba sợi dây đó thì phải mở, vậy mở là từ trói mới có. Tất cả chúng ta, lẽ thật đâu có ai bị trói mà cần phải mở. Trói mở chỉ là tạm thời. Cũng vậy, lập giải thoát khi nào thấy có triền phược. Triền phược không thì giải thoát cũng không. Trên giả tướng có triền phược có giải thoát, còn trên tánh thì không. Mọi đối đãi đều không phải là pháp tánh. Nếu nhận được pháp tánh mới xứng đáng đi khất thực.
Nếu ngài Tu-bồ-đề không thấy Phật, không nghe pháp, những lục sư ngoại đạo kia là Phú-lan-na Ca-diếp,Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử, San-xà-dạ Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa-xí-xá Kham-bà-la, Ca-la-cựu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đó là thầy của ông. Nhờ những lục sư ngoại đạo đó mà ông xuất gia, những ông thầy đó đọa thì ông cũng phải đọa, như vậy mới nên nhận thức ăn.
Không thấy Phật là không chấp Phật, không nghe pháp là không kẹt nơi pháp. Quan niệm của chúng ta đối với Phật pháp luôn tôn sùng, còn đối với ngoại đạo thì chống đối. Đó là tâm không bình đẳng. Không chống đối tức hòa thuận, nghĩa là xem như vị thầy xuất gia của mình, nên thầy đọa trò cũng đọa theo.
Nhưng ở đây lục sư ngoại đạo theo thiền sư giảng, ngầm ý chỉ cho sáu căn. Chúng ta tu cũng căn cứ trên sáu căn mà chuyển. Sáu căn chạy theo sáu trần gọi là bị đọa, không chạy theo gọi là xuất gia, là giải thoát. Như vậy là thoát khỏi sự chấp trước nơi căn trần, đó mới kham thọ nhận thức ăn.
Nếu ngài Tu-bồ-đề vào trong các tà kiến không đến bờ kia. Trụ nơi tám nạn, chẳng được không nạn. Đồng với phiền não, lìa pháp thanh tịnh. Ông được Vô tránh tam-muội, tất cả chúng sanh cũng được định ấy. Người thí cho ông không gọi là phước điền. Người cúng dường cho ông rơi vào ba đường ác. Ông và chúng ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ông cùng với chúng ma và các trần lao đồng nhau không khác. Đối với tất cả chúng sanh có tâm oán, chê bai Phật hủy bảng pháp, không vào chúng tăng, trọn không được diệt độ. Ông nếu như thế mới nên nhận thức ăn.
Những câu này nghe thật lạ lùng. Ngài Huệ Nam mỗi khi đến thưa hỏi đạo lý với thiền sư Từ Minh, đều bị Sư mắng chửi đuổi ra. Đến khi không còn kham nhẫn nổi, Huệ Nam nói:
– Mắng chửi đâu phải quy củ từ bi thí pháp!
Ngài Từ Minh cười nói:
– Đó là mắng chửi sao?
Ngay câu này ngài Huệ Nam đại ngộ.
Đây cũng vậy, vì ngôn ngữ là không thật, là tánh ly. Những lời cư sĩ Duy-ma-cật nói với tôn giả Tu-bồ-đề là dùng ngôn ngữ ngược lẽ thường. Như người thí không có phước, người cúng dường rơi vào ba đường ác, ông là bạn của chúng ma và đồng các trần lao không khác, có tâm oán giận chúng sanh, chê bai Phật hủy báng pháp… Vì ngôn ngữ không thật, nếu chấp là thật tức còn mê muội.
Bạch Thế Tôn! Khi con nghe lời nói này, mờ mịt không biết phải nói gì, không biết dùng lời nào để đáp. Con liền để bát xuống, muốn chạy ra khỏi nhà ông. Ông Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nhận bát chớ có
Ý sợ. ông nghĩ sao? Như đức Như Lai hóa ra một người, người ấy đem việc này hỏi ông thì ông đâu có sợ phải không?” Con thưa: “Không vậy.”
Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Nay ông không nên sợ. Vì cớ sao? Tất cả lời nói không lìa tướng ấy. Đến với người trí, không chấp văn tự, nên không sợ. Vì cớ sao? Tánh văn tự lìa, không có văn tự, ấy là giải thoát. Tướng giải thoát ắt là các pháp vậy.”
Tôn giả Tu-bồ-đề nghe những lời nói táo bạo đó liền hoảng sợ, muốn để bát xuống bỏ chạy. Cư sĩ Duy-ma-cật giải thích với tôn giả Tu-bồ-đề, những ngôn ngữ tôi nói là không thật, mà ngài thấy thật là còn mê còn chấp. Còn mê chấp thì không đáng thọ thực. Như vậy mới thấy ý của cư sĩ Duy-ma-cật.
Tóm lại, với tôn giả Tu-bồ-đề thì cư sĩ Duy-ma-cật nói từng phần. Phần trước chỉ cho khất thực phải tâm bình đẳng, thấy pháp bình đẳng. Phần kế phải chuyển được sáu căn đến chỗ giải thoát. Phần sau phải thấy ngôn ngữ văn tự là không thật. Như vậy mới xứng đáng nhận thức ăn,
Chánh văn:
Phật bảo ngài Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử:
– Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Phú-lâu-na bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đi đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa trong rừng Đại Lâm, ở dưới cội cây vì các vị tân học Tỳ-kheo nói pháp. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Phú-lâu-na, trước phải nhập định, quán tâm của những người này, sau đó mới nói pháp. Không nên đem đồ nhơ để trong bát báu, phải biết tâm niệm của các thầy Tỳ-kheo này, không nên cho lưu ly đồng với thủy tinh kia. Ông không thể biết căn nguyên của chúng sanh, không được dùng pháp Tiểu thừa phát khởi. Những người kia tự không thương tích, ông chớ làm thành thương tích. Muốn đi con đường lớn, chớ chỉ lối nhỏ. Không đem biển cả để vào dấu chân trâu. Không đem ánh sáng mặt trời sánh với ánh sáng đom đóm. Thưa ngài Phú-lâu-na, những vị Tỳ-kheo này xưa kia phát tâm Đại thừa, giữa chừng quên ý này, sao lại dùng pháp Tiểu thừa mà hướng dẫn họ? Tôi xem trí tuệ Tiểu thừa rất là cạn cợt, giống như người mù, không thể phân biệt tất cả căn cơ lợi độn của chúng sanh.”
Khi ấy ông Duy-ma-cật liền nhập định, khiến cho những vị Tỳ-kheo này tự nhớ lại túc mạng, từng ở chỗ năm trăm đức Phật gieo trồng cội gốc công đức, hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền khi đó hoát nhiên nhớ được tâm trước. Lúc đó các thầy Tỳ-kheo này cúi đầu lễ dưới chân ông Duy-ma-cật. Khi ông Duy-ma-cật nhân vì họ nói pháp thì những vị đó đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn thối chuyển. Con nghĩ hàng Thanh văn không quán được căn cơ chúng sanh thì không nên nói pháp, thế nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, chữ Hán dịch là Mãn Từ Tử. Khi Phật nói những bài pháp đơn giản ngắn gọn, chư Tỳ-kheo không hiểu đến hỏi, Tôn giả giảng rộng ra cho mọi người đều hiểu. Vì vậy ngài được nổi tiếng là người nói pháp rất tài giỏi, là đại đệ tử thuyết pháp bậc nhất của Phật. Vậy mà cư sĩ Duy-ma-cật chê trách tôn giả Phú-lâu-na thậm tệ. Thuyết pháp mà không biết căn cơ chúng sanh, chẳng khác nào đem món ăn dơ để trong bát báu, đem ngọc lưu ly sánh với thủy tinh, đem pháp Tiểu thừa để giáo hóa; không nên đem nước biển cả đổ vào dấu chân trâu… Nhưng chúng ta chỉ nghe tôn giả Phú-lâu-na thuật lại, gần như mạt sát mình cho hội chúng nghe, chứ không nghe từ miệng cư sĩ Duy-ma-cật nói. Qua đó chúng ta thấy tinh thần vô ngã của Tôn giả. Đương thời là người thuyết pháp đệ nhất, vậy mà ngài không chút phiền muộn khi nghe những lời chỉ trích thậm tệ từ một ông cư sĩ, mà còn nể phục.
Tóm lại, cư sĩ Duy-ma-cật nói, muốn thuyết pháp phải biết trình độ căn cơ của người, mới có lợi ích cho họ. Như cư sĩ Duy-ma-cật nhập định khiến người nghe nhớ được bản tâm, biết được túc mạng. Còn chúng ta không nhập định được, phải dò dẫm để biết trình độ căn cơ sở thích của họ thì khi giảng pháp người nghe mới có thể nhận hiểu được.
Chánh văn:
Phật bảo ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Ca-chiên-diên bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Phật vì các thầy Tỳ-kheo lược nói pháp yếu, con liền sau đó diễn bày nghĩa kia, nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Ca-chiên-diên, không nên dùng tâm hạnh sanh diệt mà nói pháp thật tướng. Này Ca-chiên-diên, các pháp rốt ráo không sanh không diệt, ấy là nghĩa vô thường. Ngũ thọ ấm rỗng suốt không chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Các pháp cứu cánh không chỗ có, ấy là nghĩa không. Ngã và vô ngã không hai, ấy là nghĩa vô ngã. Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt.”
Khi ông nói pháp này, những vị Tỳ-kheo đó tâm liền được giải thoát. Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Tôn giả Ca-chiên-diên là người nổi tiếng luận nghị đệ nhất. Khi Tôn giả đang diễn bày pháp yếu của Phật dạy về vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn cho những vị Tỳ-kheo nghe, liền bị cư sĩ Duy-ma-cật quở: Không nên dùng tâm hạnh sanh diệt để nói thật tướng các pháp. Ngài nói về nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn tịch tĩnh là còn trên đối đãi, đứng về pháp tướng hư dối mà nói, chứ không phải thật tướng.
Các pháp rốt ráo không sanh không diệt, ấy là nghĩa vô thường. Pháp tướng có sanh diệt nên nói vô thường. Pháp cứu cánh không sanh không diệt, tại sao nói vô thường? Nói vô thường là chỉ cho cái giả tướng duyên hợp. Đứng về pháp tánh thì không sanh không diệt, nhưng duyên hợp thành tướng mới có sanh diệt. Cái không sanh không diệt đâu rời tướng sanh diệt, cho nên nói các pháp cứu cánh không sanh không diệt là nghĩa vô thường. Như cái bàn tánh nó là không, do duyên hợp tạm có, đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan, nên có sanh có diệt là pháp vô thường. Như vậy vô thường là chỉ cho giả tướng duyên hợp, còn pháp tánh thì không sanh không diệt.
Ngũ thọ ấm rỗng suốt không chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ. Thân của chúng ta do năm ấm chung hợp tạm có, bị chi phối bởi sanh già bệnh chết. Chúng sanh vô minh chấp năm ấm là thật, khi bị sanh diệt thì khổ đau. Nói khổ là trên tướng của năm ấm, còn trên tánh thì năm ấm rỗng suốt, là không. Từ cái tánh đó duyên hợp thành tướng, cho nên nói năm ấm rỗng không không có chỗ khởi, ấy là nghĩa khổ.
Các pháp cứu cánh không chỗ có, ấy là nghĩa không. Các pháp cứu cánh không, vì các pháp vốn không thật có mà do duyên hợp. Không pháp nào tự có nên cứu cánh là không. Như vậy mới gọi là nghĩa không.
Ngã và vô ngã không hai, ấy là nghĩa vô ngã. Nếu thấy cái ngã này là thật, vô ngã cũng thật, tức là thấy hai. Mà ngã và vô ngã không rời nhau, nên thấy có hai cái riêng khác là hư dối. Như người thế gian thấy thân này là thật, là hữu ngã. Khi biết tu thấy thân này không thật, không có chủ, là vô ngã. Như vậy hữu ngã, vô ngã cũng căn cứ trên thân này. Nếu không mắc kẹt bên hữu ngã, bên vô ngã tức là một niệm bình đẳng. Đó là nghĩa vô ngã.
Pháp xưa không sanh nay ắt không diệt, ấy là nghĩa tịch diệt. Tịch diệt tức là Niết-bàn. Thường chúng ta nghĩ tịch diệt là lặng lẽ, là đang động rồi dừng. Nhưng đây nói trước không sanh sau không diệt là lặng lẽ tịch diệt. Như Lục Tổ nói: Niệm trước không sanh tức tâm, niệm sau không diệt tức Phật, chính là nghĩa này.
Trước không sanh, nay không diệt. Thấy không sanh không diệt chính là đạt được nghĩa tịch diệt. Ngay thân tứ đại này nếu thấy thật mới có sanh tử, còn nếu không thật thì đâu có sanh tử. Như bóng hiện rồi mất, mất rồi hiện thì sự mất hiện đó không có nghĩa sanh tử, chỉ là cái bóng, là huyễn hóa. Bởi thấy huyễn hóa nên sanh không thật sanh, tử không thật tử, vấn đề sanh tử đã hết, ngay đó là giải thoát. Giải thoát cũng không nói giải thoát mới thật là bất nhị. Như vậy muốn đạt tới chỗ tịch diệt Niết-bàn thì thấy các pháp nguyên thể là không sanh không diệt. Đó là ý nghĩa tịch diệt.
Tóm lại, cư sĩ Duy-ma-cật nói nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết-bàn là đứng trên pháp tánh. Còn tôn giả Ca-chiên-diên căn cứ trên pháp tướng mà nói, nên đồng với cái thấy hiểu theo nghĩa tương đối của chúng ta.
Chánh văn:
Phật bảo ngài A-na–luật:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài A-na-luật bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại ngày xưa, ở một chỗ đi kinh hành, khi đó có Phạm vương tên là Nghiêm Tịnh cùng với muôn vị Phạm vương phóng hào quang sáng suốt, đến chỗ của con cúi đầu làm lễ, hỏi con: “A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy xa được bao nhiêu?” Con liền đáp rằng: “Này nhân giả Tôi thấy cõi tam thiên đại thiên thế giới của đức Phật Thích-ca-mâu-ni này như xem trái am-ma-lặc ở trong lòng bàn tay.”
Khi đó ông Duy-ma-cật đến hỏi con: “Thưa ngài A-na-luật, thiên nhãn của ngài thấy, là làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Giả sử làm ra tướng thì cùng với ngũ thông của ngoại đạo không khác. Nếu không làm ra tướng ấy là vô vi, vô vi thì không nên có thấy.”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con lặng thinh. Những vị Phạm vương kia nghe lời nói này rồi thì được chưa từng có. Liền làm lễ mà hỏi rằng: “Ở trên đời này ai có được chân thiên nhãn?”
Ông Duy-ma-cật đáp: “Có đức Phật Thế Tôn được chân thiên nhãn, thường ở trong chánh định, thảy đều thấy các cõi chư Phật không do hai tướng.”
Khi ấy, Phạm vương Nghiêm Tịnh và quyến thuộc năm trăm vị Phạm thiên đều được phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lễ dưới chân ông Duy-ma-cật, bỗng nhiên biến mất. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Đoạn này chúng ta thấy cái nhìn của cư sĩ Duy- ma-cật khác với tôn giả A-na-luật. Tôn giả A-na-luật được thiên nhãn, thấy thế giới đức Phật Thích-ca giáo hóa không chỉ cõi Ta-bà, mà cả tam thiên đại thiên thế giới, giống như nhìn trái ổi hay trái xoài trong lòng bàn tay rõ ràng không khác. Cái thấy đó quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng bị cư sĩ Duy-ma-cật gạn hỏi, ngài thấy đó là do có tướng mà thấy hay không tướng mà thấy? Nếu có tướng mà thấy thì giống như ngoại đạo. Ngoại đạo được ngũ thông, trong đó có thiên nhãn thông cũng thấy được rộng như ngài A-na-luật. Nếu không tạo ra tướng mà thấy là vô vi, vô vi làm sao có thấy! Như vậy với cư sĩ Duy-ma-cật, thiên nhãn còn nằm trong đối đãi, chưa phải thiên nhãn chân thật.
Đến đây chư thiên hỏi thế nào là chân thiên nhãn, ai có chân thiên nhãn? Ông đáp, chỉ đức Phật mới có. Chân thiên nhãn của Phật là ngay trong chánh định thấy tất cả cõi nước của chư Phật, không rơi vào hai tướng có không, không kẹt hai bên, hằng sống trong chánh định nên mới có chân thiên nhãn. Tôn giả A-na-luật chỉ thấy thế giới trong phạm vi giáo hóa của đức Phật Thích-ca, cái thấy của đức Phật vượt hơn hẳn ngài A-na-luật, Phật thấy rõ chư Phật ở các cõi nước, danh hiệu của các ngài, đang thuyết pháp gì…
Qua đó chúng ta thấy trên phương diện tu hành, tôn giả A-na-luật tuy tâm được thanh tịnh nhưng còn trong đối đãi, nên cái thấy cũng chưa rộng khắp. Khi nào vượt khỏi đối đãi, tâm hoàn toàn thanh tịnh, hằng sống trong chánh định thì chẳng những nhìn thấy một cõi Phật mà còn thấy hằng hà sa số cõi Phật. Đó là chỗ tu hành, không phải chuyện huyền bí, mà đây là lẽ thật. Do trí tuệ sáng suốt của ngài thấy được rõ ràng chứ không phải ức thuyết hay tưởng tượng. Đức Phật thấy trong bầu hư không này thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Sông Hằng chảy từ núi Tuyết ra tới biển, có chừng bao nhiêu cát? Như sông Đồng Nai, chúng ta còn không thể đếm được số cát của nó, huống nữa là sông Hằng. Thế mà Phật nói cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng. Vậy mới thấy giá trị của sự tu.
Chúng ta tu thiền, cốt cho tâm an định, khi tâm an thì trí sáng, tâm bất an trí rối loạn. Trí sáng đó hiển lộ qua sáu căn nên gọi là lục thông. Do tâm an định, trí tự sáng, đó là thần thông chân thật. Còn thần thông do luyện tập thì có giới hạn. Cho nên những điều Phật nói thật khó hiểu, vì cái thấy của ngài vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Đức Phật nói, điều ta dạy các ngươi giống như lá cây trong nắm tay ta, còn những điều ta biết mà không nói ra, nhiều như lá cây trong rừng.
Thế nên tu đến chỗ tâm thanh tịnh bình đẳng thì hiệu quả không thể nào lường được, không thể dùng trí phàm tục mà biết đến được.
Chánh văn:
Phật bảo ngài Ưu-ba-ly:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Ưu-ba-ly bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ lại thuở xưa có hai vị Tỳ-kheo phạm luật hạnh, cho là hổ thẹn không dám hỏi Phật, đến hỏi con: “Thưa ngài Ưu-ba-ly, chúng tôi phạm giới luật, thật là xấu hổ, không dám đến hỏi Phật, cúi mong ngài giải quyết nghi ngờ cho chúng tôi, để được thoát khỏi những lỗi này!”
Con liền đúng như pháp vì họ giải nói. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Ưu-ba-ly, không nên thêm tội cho hai thầy Tỳ-kheo này! Phải thẳng trừ diệt, chớ có làm nhiễu loạn tâm hai vị ấy. Vì cớ sao? Vì tánh tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, như lời Phật nói tâm cấu nên chúng sanh cấu, tâm tịnh nên chúng sanh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa, tâm kia như thế, tội cấu như thế, các pháp cũng như thế, không ra ngoài chân như. Như ngài Ưu-ba-ly, khi do tâm tướng được giải thoát, há có cấu chăng?”
Con trả lời: “Không vậy.” Ông Duy-ma-cật nói: “Tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu, cũng lại như thế. Thưa ngài Ưu-ba-ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh. Này ngài Ưu-ba-ly, tất cả pháp sanh diệt không trụ không dừng, như huyễn như điện, các pháp không đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Người biết được như thế mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế, ấy mới gọi là khéo hiểu.”
Khi ấy hai thầy Tỳ-kheo nói: “Thật là thượng trí thay! Ngài Ưu-ba-ly không thể nào bì kịp, ngài là người giữ giới hơn hết mà cũng không thể nói được.”
Con liền đáp: “Ngoài đức Như Lai ra, chưa có hàng Thanh văn hay Bồ-tát nào có thể chế phục được nhạo thuyết biện tài của ông Duy-ma-cật, trí tuệ minh đạt của ông là như vậy đó.” TONG
Lúc bấy giờ hai thầy Tỳ-kheo liền dứt hết các nghi, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và phát nguyện: “Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được biện tài như thế.” Cho nên con không thể đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Giảng:
Đoạn này chúng ta thấy tôn giả Ưu-ba-ly đứng trên phương diện giới tướng kết tội, giải nghi cho hai vị Tỳ-kheo. Như người phạm giới sát hay dâm dục, về tướng thì đã phạm giới bị kết tội, vì thấy tội đó là thật, không thể giảm chế được. Còn cư sĩ Duy-ma-cật đứng về phương diện tánh để luận tội.
Trong bài sám hối hằng đêm của chúng ta có câu:
Tội tánh bản không do tâm tạo,
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong;
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không,
Thị tắc danh vi chân sám hối.
Tánh tội vốn là không, vì tội không thật, không cố định, làm sao kết tội được. Như chúng ta làm tội, trước do ý thức nhiễm. Từ ý thức khởi, thân miệng mới hành, tạo thành nghiệp thành tội. Như vậy động cơ chủ yếu tạo tội là ý thức. Nhưng ý thức khởi tạo tội ở đâu, ở trong, ở ngoài, hay ở chặng giữa, nó thật hay không thật? Tìm lại thì mất, chỉ là một mớ vọng tưởng liên tục tạm gọi là ý thức. Khi biết bản chất vọng tưởng là gốc tạo tội không thật, nghiệp do tội tạo ra cũng không thật thì tướng của tội đâu có thật.
Thí dụ có người xây nhà lầu ba tầng, tầng một không bền chắc thì tầng hai tầng ba sẽ mau hư hoại. Cũng vậy, từ tâm khởi niệm tạo tội, khẩu thân cũng theo đó tạo thành tội thành nghiệp nên kết quả phải chịu quả báo của tội. Tâm là gốc, vốn không thật thì khẩu thân cũng không thật. Nếu đứng trên tướng tội mà luận thì chưa rốt ráo, trên tánh tội thấy nó không thật thì tội đâu còn, mới là rốt ráo.
Trở lại bài sám hối: Tánh tội vốn là không, do tâm tạo, mà tâm không thật, nên khi nhìn lại nó mất tức là tâm diệt. Tâm diệt thì tội theo đó cũng không còn. Như vậy gọi là sám hối về tánh tội.
Kế đây nói về tánh của tâm. Chúng sanh thành cấu thành tịnh là do tâm cấu tịnh, thành người xấu người tốt là do tâm nghĩ xấu nghĩ tốt. Như vậy tốt xấu là gốc từ tâm. Mà tâm vốn không thật có, không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở chặng giữa. Tìm đến rốt ráo thì trở về lặng lẽ như như. Tâm đã như, các tội cũng như. Các tội như thì chúng sanh cũng như. Chúng ta tu nếu biết phản quan thì thấy tâm không thật, tội lỗi theo đó dứt. Thấy được như vậy là thấy tột cùng gốc tội lỗi. Trên giả tướng, tội lỗi là tướng hư dối. Vì thân và nghiệp đều là tướng biến dịch, không thật. Thế nên tu là phải tìm tận gốc tánh của tội và tánh của tâm.
Cư sĩ Duy-ma-cật dẫn chứng cho tôn giả Ưu-ba-ly, tâm tướng của ngài do tu hành thanh tịnh được giải thoát. Khi giải thoát nó còn cấu hay không? Tôn giả Ưu-ba-ly đáp không. Cư sĩ Duy-ma-cật kết luận, tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu cũng lại như thế. Nếu tâm chúng sanh cố định là cấu thì không thể bỏ cấu được tịnh. Phật tánh đã sẵn có nơi mỗi người, nhưng vì lớp vỏ phiền não cấu uế phủ che bên ngoài nên không thể thấy. Khi nào phá được lớp vỏ đó thì tâm cấu trở thành tịnh. Vì vậy ai tu cũng có thể giác ngộ giải thoát thành Phật được. Vậy trên đường tu chúng ta chỉ cần khéo gạn lọc, phiền não cấu uế nơi tâm sạch rồi, Phật tánh sẽ hiển bày chứ không tìm kiếm đâu xa.
Ví như người cha có của báu để trong hũ chôn dưới đất, dặn bảo con, cha có chôn hũ vàng ở bụi tre sau vườn, khi cha chết con đào lên lấy để xài. Cha qua đời, người con biết rõ chỗ cha chỉ, đào lên lấy được hũ vàng. Người đó có ngán đào không? Dù mệt cũng cố đào vì biết sẽ được của báu. Của báu sẵn có trong nhà dại gì không lấy ra xài. Cũng vậy, chúng ta đầy đủ phước duyên, được học Phật pháp nên biết được tâm giác ngộ giải thoát có sẵn nơi mỗi người. Chỉ cần nỗ lực tiến tu, dẹp hết những như cấu trong tâm sẽ nhận được của báu, đừng chần chừ nhút nhát, uổng phí một đời.
Tất cả chúng sanh tâm tướng không cấu, cũng lại như thế. Thưa ngài Ưu-ba-ly, vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh.
Việc tu của chúng ta là buông bỏ vọng tưởng để tâm được tịnh. Tâm tịnh tức được giải thoát, giác ngộ. Nếu còn vọng tưởng là còn cấu nhơ. Có vọng tưởng mới có điên đảo, trong kinh Bát-nhã gom vọng tưởng và điên đảo chung thành một. Như vậy vọng tưởng điên đảo là cấu, không vọng tưởng điên đảo là tịnh.
Người xuất gia phải giữ giới luật, nếu giữ giới mà chấp ngã nặng thì không thể giải thoát. Thí dụ giới luật Tỳ-kheo không được cuốc đất, không làm tổn hại cỏ cây… Mình giữ luật nghiêm trang, người khác không giữ được thì khinh họ. Vậy là còn chấp ngã, là chưa giải thoát. Dù lăn lộn giữa quần chúng mà không chấp ngã thì vẫn thanh tịnh, còn nếu ngồi trong đạo tràng mà chấp ngã cao cũng là cấu uế. Chủ yếu là đừng chấp ngã. Cội gốc phiền não, ngã mạn, nóng giận, kiêu căng v.v… đều do chấp ngã mà ra. Vì thấy ta là quan trọng nên ai động tới liền nổi sân. Không ngã thì không phiền não, tâm được an tịnh. Như vậy lời giảng của cư sĩ Duy-ma-cật rất chí lý, chỉ thẳng cái thật cho mình biết, không nên chấp tướng.
Trong luật Tỳ-kheo, phần y và bát gần hết một phần ba số giới luật. Người tu ra khỏi trú xứ cách đêm phải mang theo ba y và bình bát. Hiện nay vẫn còn một số vị giữ đúng luật này. Nhưng ở thiền viện hay ngôi già-lam, ra đường không quấn y mang bát đi khất thực, như vậy là có bỏ giới luật không? Theo tinh thần Đại thừa, giữ giới luật không cố chấp trên hình thức khuôn khổ. Có nhiều vị tu thiền tập quán chiếu theo trí Bát-nhã, chính khi tu như vậy là đã giữ giới luật. Giới luật của Phật ngăn cấm những tâm niệm phóng túng buông lung, không cho chạy theo sáu trần ô nhiễm. Bây giờ vọng tưởng dấy lên không theo là đã giữ giới, đây là giữ giới tận gốc rễ, không phải bằng hình tướng bên ngoài. Nếu giữ giới tướng mà còn chấp ngã là chưa đúng tinh thần giữ giới của Phật dạy. Phải biết tất cả các pháp là hư giả không theo, đó là chỗ thiết yếu. Cư sĩ Duy-ma-cật giải thích cho tôn giả Ưu-ba-ly nghe tường tận, cũng là dạy gián tiếp cho chúng ta.
Tất cả pháp sanh diệt không trụ không dừng, như huyễn như điện, các pháp không đối đãi cho đến một niệm cũng không dừng. Các pháp đều là vọng kiến, như mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước, như bóng trong gương, do vọng tưởng sanh. Người biết được như thế mới gọi là giữ giới luật. Người biết được như thế, ấy mới gọi là khéo hiểu.
Hằng thấy các pháp như huyễn như hóa, như trăng trong nước, như bóng trong gương và biết tất cả đều do vọng tưởng sanh, người đó đã giữ giới luật. Sở dĩ Phật cấm không cho tham nhiễm ngũ dục vì ngũ dục tạo nên tội lỗi. Thấy ngũ dục huyễn hóa thì còn gì tham nhiễm. Thấy đúng như vậy là đã giữ giới, biết được như vậy gọi là người khéo hiểu.
Tóm lại, đoạn trước ông chỉ cho chúng ta thấy tánh tội không thật, từ tâm mà ra. Tâm không thật, tội cũng không thật nên trở về như.
Đoạn giữa, chỉ tâm cấu, ngã cấu và chúng sanh cũng cấu, tâm tịnh thì chúng sanh tịnh. Vọng tưởng là nhơ, hết vọng tưởng là sạch v.v… Như vậy, tất cả tội gốc từ tâm ra. Tâm thanh tịnh, muôn tội theo đó đều hết.
Đoạn sau, thấy biết tất cả pháp như huyễn hóa thì không còn dính mắc, là người chân chánh giữ giới luật.
Khi ấy, hai thầy Tỳ-kheo liền dứt hết nghi và phát tâm vô thượng Bồ-đề.
Chánh văn:
Phật bảo ngài La-hầu-la:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài La-hầu-la bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa ở thành Tỳ-da-ly, các con ông trưởng giả đến chỗ của con, cúi đầu làm lễ, hỏi con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, ngài là con của Phật, đã bỏ ngôi Chuyển luân thánh vương đi xuất gia hành đạo. Xuất gia đó có những lợi ích gì?” Con liền đúng như pháp vì họ nói lợi ích của công đức xuất gia. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con rằng: “Thưa ngài La-hầu-la, không nên nói cái lợi của công đức xuất gia. Vì cớ sao? Không lợi, không công đức, ấy là xuất gia. Pháp hữu vi thì có thể nói có lợi, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi, mà trong pháp vô vi thì không lợi, không công đức. La-hầu-la, xuất gia đó không kia không đây, cũng không khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến chấp, ở nơi Niết-bàn. Người trí thọ nhận là chỗ sở hành của hàng thánh giả. Hàng phục chúng ma, qua được năm đạo, trong sạch ngũ nhãn, được ngũ lực, lập ngũ căn. Không não hại người khác, lìa các tạp ác. Dẹp phá các ngoại đạo, vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy, không bị trói buộc. Không ngã sở, không sở thọ. Không bị nhiễu loạn, trong tâm vui vẻ.
Bảo hộ ý kia, tùy thuận thiền định, lìa các lỗi ác. Nếu hay như thế, ấy là chân xuất gia.”
Khi đó ông Duy-ma-cật bảo các con trưởng giả: “Các ông ở trong chánh pháp nên cùng nhau xuất gia. Vì cớ sao? Vì Phật ra đời rất khó được gặp.”
Các con trưởng giả thưa: “Thưa cư sĩ, chúng tôi nghe Phật nói cha mẹ không cho thì không được xuất gia.”
Ông Duy-ma-cật nói: “Đúng vậy! Ngay khi các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó chính là xuất gia, đó chính là thọ giới Cụ túc.”
Khi ấy ba mươi hai người con ông trưởng giả đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Giảng:
Tôn giả La-hầu-la nói về lợi ích của công đức xuất gia là trên hình thức. Trong kinh Phật cũng nói về việc này nhưng trên phương diện đối đãi của tướng hữu vi, chứ không nói đến nghĩa vô vị. Còn cư sĩ Duy-ma-cật nói thẳng đến chỗ vô vi không tướng. Không tướng thì nói gì có lợi, có công đức! Ở đây giống ý tổ Đạt-ma trả lời câu hỏi của vua Lương Võ Đế, ông cất chùa và nuôi tăng chúng v.v… rất nhiều, vậy có lợi ích, có công đức gì không? Tổ đáp, hoàn toàn không công đức. Nói công đức, phước đức chỉ là tướng sanh diệt, còn chỗ chân thật ra ngoài tướng đối đãi, nên nói là không.
Như vậy cái nhìn của cư sĩ Duy-ma-cật gần với nhà thiền. Quan niệm của đa số người xuất gia cho rằng không lợi, không công đức thì tu làm gì. Nhưng đến chỗ vô vi giải thoát không còn nằm trên giả tướng thì đâu còn thấy có lợi, có công đức.
Pháp hữu vi thì có thể nói có lợi, có công đức. Phàm xuất gia là pháp vô vi, mà trong pháp vô vi thì không lợi, không công đức. Câu này cư sĩ Duy-ma-cật xác nhận, không lợi không công đức là đứng trên pháp vô vị. Như nói người xuất gia không bận việc gia đình, khỏi lo con cái, nên rảnh rang tu hành, đó là lợi về hình thức. Chủ yếu người xuất gia đâu chỉ muốn được phước tương đối, mà mục đích cứu cánh là mong cầu giải thoát, tức là đi tới chỗ vô vị.
La-hầu-la, xuất gia đó, không kia không đây, cũng không khoảng giữa. Lìa sáu mươi hai kiến chấp, ở nơi Niết-bàn. Người trí thọ nhận là chỗ sở hành của hàng thánh giả. Hàng phục chúng ma, qua được năm đạo, trong sạch ngũ nhãn, được ngũ lực, lập ngũ căn. Không não hại người khác, lìa các tạp ác. Dẹp phá các ngoại đạo, vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy, không bị trói buộc. Không ngã sở, không sở thọ. Không bị nhiễu loạn, trong tâm vui vẻ. Bảo hộ ý kia, tùy thuận thiền định, lìa các lỗi ác. Nếu hay như thế, ấy là chân xuất gia.
Như vậy người xuất gia là người thoát khỏi ngã nhân chúng sanh, là chỗ thọ nhận của người trí, chỗ sở hành của bậc thánh, hàng phục chúng ma, qua được năm đạo. Nếu nói chỉ từ bỏ nhà thế tục, nhà cha mẹ vào chùa là xuất gia, hiểu như thế thì đời tu chưa có giá trị. Theo cư sĩ Duy-ma-cật, xuất gia không phải chỉ ra khỏi nhà thế tục mà phải ra khỏi nhà phiền não và nhà tam giới. Phải rời ngã ngã sở, hằng ở nơi Niết-bàn, hằng vượt ra khỏi mọi trói buộc nhiễm ô và hằng ở trong thiền định. Đó mới là mục đích cứu cánh của người chân chánh xuất gia. Như vậy ông đã làm sáng tỏ thêm ý nghĩa xuất gia chứ không phải nói lý suông.
Khi đó ông Duy-ma-cật bảo các con trưởng giả: “Các ông ở trong chánh pháp nên cùng nhau xuất gia. Vì cớ sao? Vì Phật ra đời rất khó được gặp.” Cư sĩ Duy-ma-cật khuyên các con trưởng giả nên ở trong chánh pháp phát tâm xuất gia, vì được gặp Phật ra đời là rất khó.
Các con trưởng giả thưa: “Thưa cư sĩ, chúng tôi nghe Phật nói cha mẹ không cho thì không được xuất gia.” Ông Duy-ma-cật nói: “Đúng vậy! Ngay khi các ông phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó chính là xuất gia, đó chính là thọ giới Cụ túc.”
Theo luật Phật chế, muốn xuất gia thì phải được sự chấp thuận của cha mẹ, phải vào chùa cạo bỏ râu tóc. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật không nặng về hình thức, mà cho rằng ngay khi phát tâm cầu thành Phật, đó là xuất gia, là thọ giới Cụ túc. Thế nên người xuất gia phải luôn nhớ và nhắm thẳng mục đích cứu cánh là cầu thành Phật để tiến tu.
Khi ấy ba mươi hai người con ông trưởng giả đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Tóm lại, ở đây cư sĩ Duy-ma-cật muốn nói nghĩa xuất gia là pháp vô vi, là đi thẳng vào giải thoát, nên khuyên tôn giả La-hầu-la đừng lấy lợi của pháp hữu vi mà nói với các con ông trưởng giả. Đoạn kế muốn giản trạch, người xuất gia là phá được tất cả phiền não, ra khỏi nhà tam giới, ở nơi Niết-bàn. Đó là ý nghĩa xuất gia chân thật.
Chánh văn:
Phật bảo ngài A-nan:
– Ông đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài A-nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, Thế Tôn thân có chút bệnh phải dùng sữa bò, con liền mang bát đến đứng trước cửa nhà đại Bà-la-môn. Khi ấy ông Duy-ma-cật đến hỏi con: “Thưa ngài A-nan, vì sao sáng sớm mang bát đến đứng đây?”
Con đáp: “Này cư sĩ, thân Thế Tôn có chút bệnh phải dùng sữa bò, nên tôi đến đứng đây.”
Ông Duy-ma-cật nói: “Thôi, thôi! A-nan chớ có nói lời ấy. Thân Như Lai là thể kim cang, các ác đã dứt, các thiện đã đầy đủ, sao phải có bệnh, sao phải có não? Lặng lẽ mà đi, A-nan. Chớ phỉ báng Như Lai, chớ cho những người khác nghe lời thô này. Không nên để chư thiên đầy đủ oai đức và những vị Bồ-tát đến từ các cõi tịnh độ khác nghe được lời nói này. A-nan, vị Chuyển luân thánh vương chỉ có chút ít phước còn được không bệnh, huống chi Như Lai đầy đủ vô lượng phước đức thù thắng đó ư! Hãy đi A-nan! Chớ khiến chúng tôi phải chịu sự hổ thẹn. Ngoại đạo, Phạm chí nếu nghe được lời này thì sẽ khởi nghĩ rằng: “Sao gọi là thầy? Tự mình không thể cứu bệnh mà có thể cứu bệnh cho người khác?” Ngài nên lén đi mau, chớ để cho người nghe. A-nan nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân không phải thân tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt qua cả tam giới. Thân Phật vô lậu, các lậu đã dứt. Thân Phật vô vi, không rơi vào các số. Thân như thế sao còn có bệnh? Sao còn có não?”
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con thật là hổ thẹn, chẳng lẽ con gần Phật mà nghe lầm ư?
Liền khi ấy ở trong không trung có tiếng: “Này A-nan, đúng như cư sĩ nói. Chỉ vì Phật ra đời nơi ngũ trược ác thế nên thị hiện pháp này để độ thoát chúng sanh. Hãy đi A-nan, nhận lấy sữa chớ hổ thẹn.”
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật trí tuệ biện tài như thế. Nên con không dám đến thăm bệnh ông.
Như thế năm trăm vị đại đệ tử mỗi vị hướng về Phật nói về bản duyên kia, thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói: “Con không kham đến thăm bệnh ông ấy!”
Giảng:
Đức Thế Tôn có chút bệnh, tôn giả A-nan mang bát đến trước cửa nhà một vị đại Bà-la-môn để xin sữa.
Khi ấy cư sĩ Duy-ma-cật đến hỏi tôn giả A-nan, vì sao sáng sớm mang bát đứng đây làm gì? A-nan nói, vì thân Thế Tôn có chút bệnh nên tôi đến đây để xin sữa. Cư sĩ Duy-ma-cật nói: Thân Như Lai là thể kim cang, các ác đã dứt, các thiện đã đầy đủ, sao lại nói có bệnh có não? Tôn giả A-nan hãy lặng lẽ đi mau. Nói như vậy là phỉ báng Như Lai, đừng để ngoại đạo, chư thiên và chư Bồ-tát đến từ các cõi tịnh độ khác nghe lời nói này, thật là xấu hổ.
A-nan, vị Chuyển luân thánh vương chỉ có chút ít phước còn được không bệnh, huống chi Như Lai đầy đủ vô lượng phước đức thù thắng đó ư! Hãy đi A-nan! Chớ khiến chúng tôi phải chịu sự hổ thẹn. Ngoại đạo, Phạm chí nếu nghe được lời này thì sẽ khởi nghĩ rằng: Sao gọi là thầy? Tự mình không thể cứu bệnh mà có thể cứu bệnh cho người khác? Vì sao tôn giả A-nan nói thân Như Lai bệnh mà cư sĩ Duy-ma-cật cho là hổ thẹn? Vì ông sợ ngoại đạo, Phạm chí nghe nói lời này sẽ đặt câu hỏi: Đã là một vị thầy, có bệnh không tự cứu, làm sao có thể cứu bệnh cho người khác được?
Bệnh có thân bệnh và tâm bệnh. Về thân, tôi thường dạy các Phật tử siêng năng ngồi thiền, thân sẽ ít bệnh. Nói về tâm, tu là để diệt phiền não hết khổ đau, chứ đâu có ai nói tu là nuôi phiền não. Mình chưa diệt phiền não làm sao dạy người diệt phiền não được. Người xuất gia dù chỉ mới tu năm tháng mười tháng, ít ra phải bớt phiền não, gương mặt luôn vui tươi. Như vậy mới tạo niềm tin cho người phát tâm đến với đạo.
Có Phật tử nói: “Hôm trước, Thầy con giận mấy chú điệu, muốn bỏ chùa đi. Tụi con phải năn nỉ, xin Thầy ở lại.” Thầy dọa bỏ đi không phải là vì phiền não. Tâm nguyện vị thầy luôn muốn đệ tử trở thành người hữu dụng trong Phật pháp, nên phải răn dạy, rầy la mỗi khi họ làm những điều sai quấy. Nếu không họ cứ tưởng làm như vậy là hay là đúng. Rầy la như thế là vì lòng từ bi.
Người tu phải vượt qua những khó khăn buổi đầu, như ngồi thiền phải chịu đau chân, lúc bệnh không rên không than. Phải tập có sức chịu đựng, thắng được những cơn bệnh nhỏ, chứ đừng yếu đuối. Gốc của việc tu là giải thoát, mà không chịu nắm giữ, cứ vịn những cành lá phiền não rồi nhọc nhằn với nó. Phải gan dạ, dứt khoát buông bỏ mới có thể tiến được. Trước kia tôi bệnh phổi, bác sĩ đang điều trị, bệnh chưa dứt hẳn, nhưng nhờ tôi ngồi thiền nhiều nên hết bệnh lúc nào không hay. Người tu thiền, khi bị cảm họ chỉ cần dụng công ngồi thiền đúng phương pháp, bệnh sẽ tự khỏi.
Ngài nên lén đi mau, chớ để cho người nghe. A-nan nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân không phải thân tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt qua cả tam giới. Thân Phật vô lậu, các lậu đã dứt, Thân Phật vô vi, không rơi vào các số, Thân như thế sao còn có bệnh? Sao còn có não?
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con thật là hổ thẹn. Chẳng lẽ con ở gần Phật mà nghe lầm ư.
Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật bảo tôn giả A-nan phải lén đi cho nhanh, chớ để cho người khác nghe. Vì thân Phật là pháp thân, là thân đã vượt ra khỏi tam giới, không còn lậu hoặc nên không còn bệnh không còn não.
Lúc đó tôn giả A-nan quá hổ thẹn, cứ bị đuổi đi hoài nên cảm thấy tủi thân. Thầm nghĩ, Phật bệnh mình đi xin sữa cho Phật mà bị ông ấy đuổi như vậy, chẳng lẽ gần bên Phật mà mình nghe lầm chăng?
Liền khi ấy ở trong không trung có tiếng: “Này A-nan, đúng như cư sĩ nói. Chỉ vì Phật ra đời nơi ngũ trược ác thế nên thị hiện pháp này để độ thoát chúng sanh. Hãy đi A-nan, nhận lấy sữa chớ hổ thẹn.”
Tôn giả A-nan đang suy nghĩ, bỗng trên không trung có tiếng nói xác nhận thêm lời cư sĩ Duy-ma-cật là đúng. Pháp thân Như Lai đâu có bệnh, nhưng vì phương tiện Phật thị hiện sanh trong đời ác ngũ trược, nên cũng có sanh già bệnh chết như chúng sanh để giáo hóa cứu độ họ. Đó là ứng thân của Như Lai. Thế nên tôn giả A-nan phải đi xin sữa cho đức Thế Tôn, đâu có gì phải hổ thẹn.
Bạch Thế Tôn! Ông Duy-ma-cật trí tuệ biện tài như thế. Nên con không dám đến thăm bệnh ông.
Như thế, năm trăm vị đại đệ tử mỗi vị hướng về Phật nói về bản duyên kia, thuật lại những lời ông Duy-ma-cật, đều nói; “Con không kham đến thăm bệnh ông ấy!”
Trong kinh sử của Phật giáo Nguyên thủy nói rất rõ, hàng Nhị thừa quan niệm thân Phật là thân hiện hữu ở thế gian, có ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, đó là báo thân hay ứng thân. Còn trong giáo lý Đại thừa thấy thân Phật là pháp thân, là thể kim cương bất sanh bất diệt. Kim cương là chất cứng rắn nhất, không gì hoại được, nên trong kinh dùng thể kim cương dụ cho pháp thân. Pháp thân không có tướng, chứ không phải thân hiện hữu khi Phật còn ở Ấn Độ. Pháp thân không tướng làm sao có bệnh mà nói đi xin sữa.
Qua đó chúng ta thấy mỗi bên có cái nhìn khác nhau, một bên nhìn về báo thân hay ứng thân, còn một bên nhìn về pháp thân. Ứng thân hay báo thân là tướng sanh diệt. Nếu tu chỉ được phước tướng, qua mấy mươi năm rồi cũng phải hoại. Mục đích cứu cánh của người tu là phải đạt được pháp thân bất sanh bất diệt. Tuy nhiên, nhờ thân sanh diệt này để tu mới đạt được pháp thân, cho nên từ tướng sanh diệt để tiến tới chỗ vô sanh, mới đúng ý nghĩa cứu cánh chân thật.
Tóm lại, ngoài mười vị đệ tử lớn kể trên còn năm trăm vị đại đệ tử nữa, mỗi vị đều hướng về Phật nói nhân duyên trước kia để khen ngợi cư sĩ Duy-ma-cật, đều nói không kham đến thăm bệnh ông ấy. Chúng ta thấy tinh thần nêu lên ở đây, dù là cư sĩ nhưng đạt đến chỗ cứu cánh thì người xuất gia vẫn khen ngợi tán thán. Muốn đến chỗ cứu cánh bình đẳng chân thật thì phải thấy thẳng pháp tánh, nhận ra pháp thân.
Thanh văn và Bồ-tát khác nhau, nhưng hỗ tương nhau để triển khai từ tướng thẳng vào tánh, chứ không phải các ngài chống đối nhau. Hàng Thanh văn thì nương trên tướng, còn Bồ-tát đi thẳng vào tánh. Muốn tu thì từ thân này mà tu, mới thấy được pháp thân. Pháp thân là thể, ứng thân hay hóa thân là dụng.