Kinh Thắng Man giảng giải

Chương XIV Chân Thật Đệ Tử



Nếu đệ tử của ta hành tùy tín, tín tăng thượng, y minh tín rồi tùy thuận pháp trí thì được cứu cánh.

Phật dạy người nào thật là đệ tử của Phật trước phải tùy tín. Chữ tùy là theo, tín là tin, y theo chánh pháp mà tin lời Phật dạy gọi là tùy tín. Chúng ta nhiều khi nghe ở đâu cũng tin, đó không phải tùy tín. Theo chánh pháp Đại thừa mà phát khởi lòng tin mới là tùy tín. Những hàng tùy tín này thường gọi là Thập tín trong hàng Bồ-tát; Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng.

Kế đó là tín tăng thượng, tức tin theo chánh pháp, nhờ thế tu hành tăng trưởng đạo đức. Tín tăng thượng này đi tới Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng.

Như vậy, hai tâm tùy tín và tín tăng thượng y theo lòng tin sáng suốt, gọi là y minh tín. Tin là y cứ trên chánh pháp, chứ không tin theo lời nói sai hay lý thuyết tà.

Tùy thuận pháp trí là trí tuệ tùy thuận theo chánh pháp, nghĩa là y cứ theo chánh pháp mà phát khởi trí tuệ. Nếu tùy thuận pháp trí sẽ được cứu cánh. Chúng ta bước vào đạo, nhất là đạo Đại thừa, trước hết phải có lòng tin y theo chánh pháp. Nhờ y chánh pháp Đại thừa, mình tin hiểu một cách đúng đắn để thực hành. Càng thực hành, càng tu lòng tin càng tăng trưởng. Chúng ta nương theo lòng tin sáng suốt của chánh pháp, lần lần trí tuệ mở sáng, như thế tiến tu có ngày đến chỗ cứu cánh không nghi ngờ. Tu như vậy là đi theo chiều chánh pháp của Phật, dòng nước trí tuệ ấy trôi chảy đến chỗ không tận cùng.

Tùy thuận pháp trí là quán sát sự thi thiết của các căn, quán sát cảnh giới ý giải, quán sát lý nghiệp báo, quán sát trạng thái miên man của A-la-hán, quán sát tâm vui tự tại, vui cảnh thiền, quán sát thánh tự tại thông của A-la-hán, Bích-chi Phật, đại lực Bồ-tát.

Tùy thuận pháp trí là trí tùy thuận theo chánh pháp bằng cách nương theo chánh pháp để khởi quán. Thứ nhất, quán sự thi thiết của các căn và cảnh giới ý giải. Thi thiết là lập bày, các căn gồm sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn tiếp xúc sáu trần ở bên ngoài phát ra sáu thức. Căn, trần, thức đều là tướng duyên hợp hư dối. Quán sát kỹ càng như vậy gọi là quán sát sự thi thiết của các căn. Kế đó quán sát cảnh giới ý giải, ý giải tức là ý hiểu. Tất cả pháp trần do ý duyên theo, đó là cái bóng không phải thật. Chúng ta xem xét kỹ càng như vậy, bên ngoài phá chấp căn, bên trong phá chấp pháp trần. Nhờ thế tâm ý không bị pháp trần quấy nhiễu, lôi cuốn.

Thứ hai là quán sát lý nghiệp báo. Chúng ta y theo chánh pháp Phật dạy biết rằng tất cả chúng sanh có mặt trên thế gian này như con người gọi là chánh báo, cảnh là y báo. Y báo và chánh báo đều tùy theo nghiệp mà hiện chứ không phải riêng có. Nghiệp tốt hiện chánh báo y báo tốt, nghiệp xấu hiện chánh báo y báo xấu. Xấu hay tốt tùy nghiệp của chúng sanh gây nên, không có gì ngẫu nhiên mà thành hoặc do một đấng thiêng liêng nào tạo. Quán sát kỹ càng theo lý nghiệp báo đó, mình tự thấy, tự tu tự sửa để nghiệp được trong sạch. Các phần trên đây thuộc về quán sát của hàng phàm phu bước vào đạo y cứ theo chánh pháp để quán sát.

Thứ ba là quán sát trạng thái miên man của A-la-hán, nguyên trong chữ Hán là quán sát A-la-hán miên, miên là ngủ. Nghĩa là chúng ta quán sát tâm trạng A-la-hán sau khi chứng quả, các ngài tự mãn trong Niết-bàn. Tâm niệm đó, tinh thần Đại thừa cho là dường ngủ mê chứ không phải hoàn toàn giải thoát. Tại sao? Bởi vì đến cảnh giới Diệt tận định là dứt hết mầm thọ tưởng, không còn niệm khởi nữa, an trú mãi trong định như người ngủ mê, không có lợi ích cho ai.

Với cái nhìn của Phật Bồ-tát, đó là A-la-hán đang ngủ mê, chưa phải thật giải thoát. Vì vậy gọi là A-la-hán miên. Muốn tiến lên cảnh giới Đại thừa, tiến lên Phật quả thì không được phép ở yên trong cảnh giới an lạc của bản thân mình, không muốn làm lợi ích, không khởi tâm từ bi cứu độ chúng sanh. Đó là quán sát lỗi miên của A-la-hán.

Thứ tư, quán sát tâm vui tự tại, vui cảnh thiền. Chúng ta quán sát khi tu, tâm dứt được các phiền não trói buộc gọi là tâm vui tự tại, người an trú trong thiền định gọi là vui trong cảnh thiền. Đó là quán sát kết quả tu hành của mình.

Thứ năm, quán sát thánh tự tại thông của A-la-hán, Bích-chi Phật và đại lực Bồ-tát. Nghĩa là quán sát về thần thông tự tại của bậc thánh A-la-hán, Bích-chi Phật và đại lực Bồ-tát. Tự tại thông của các ngài chính là ý sanh thân. Thần thông tự tại ưng đến thì đến, ưng ẩn thì ẩn, ưng hiện thì hiện, tự tại, không có chướng, không có ngại, gọi là ý sanh thân. Tuy nhiên, mọi thần thông tự tại chỉ là giả tướng chứ không phải chân thật, bởi vì nó còn nằm trong trạng thái ý sanh thân, chưa phải hoàn toàn viên mãn như Phật. Như vậy, quán sát rõ, hiểu biết kỹ càng, chúng ta sẽ không đắm trong thần thông.

Trên đây là năm pháp quán sát cho thấy đến chỗ cứu cánh. Quán sát như vậy gọi là tùy thuận pháp trí, nghĩa là trí tùy thuận theo chánh pháp Đại thừa hay chánh pháp Phật.

Thành tựu năm pháp quán khéo léo phương tiện này, thì trong đời vị lai sau khi ta diệt độ, đệ tử ta hành tùy tín, tín tăng thượng, y minh tín, tùy thuận pháp trí, cái tự tánh thanh tịnh tâm bị phiền não nhiễm ô kia sẽ được cứu cánh. Cứu cánh này là nhân của Đại thừa đạo. 

Như Lai được lợi ích lớn như vậy, chớ nên hủy báng nghĩa lý sâu.

Phật nói, sau khi ngài Niết-bàn rồi, nếu người nào y theo năm phép quán đó, từ từ tiến mãi trong sự tu hành, sẽ đi từ tùy tín đến tín tăng thượng, tới minh tín, tùy thuận pháp trí cho đến tự tánh thanh tịnh tâm, tức là tự tánh thanh tịnh của chính mình xưa kia bị phiền não nhiễm ô, ngày nay hoàn toàn trong sạch. Được tự tánh thanh tịnh tâm, thanh tịnh cứu cánh là nhân của Đại thừa đạo.

Chúng ta tin theo lời dạy của đức Như Lai sẽ được lợi ích lớn. Tự tánh tâm bị phiền não bủa vây mà không biết, nhờ chúng ta tin lời ngài dạy, theo đó tiến tu cho đến khi tự tánh thanh tịnh tâm được hoàn toàn trong sạch, thể nhập vào Đại thừa đạo, lợi ích lớn lao vô cùng. Vì vậy Phật dạy chớ nên hủy báng nghĩa lý sâu này. Đó cũng là ý nghĩa của toàn chương.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.