Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Sanh tử y nơi Như Lai tạng, vì do Như Lai tạng nên nói bản tế bất khả tri. Thưa Thế Tôn! Có Như Lai tạng nên nói có sanh tử, thế là nói đúng.
Giảng:
Sanh tử có hai thứ, sanh tử biến dịch và sanh tử phần đoạn, đều y Như Lai tạng mà có nên nói bản tế bất khả đắc. Bản tế, chữ bản là gốc, chữ tế là mé, cái mé gốc không thể được. Tại sao nói gốc không thể được? Căn cứ trên thân chúng ta có thể nói thời gian sanh ra lúc nào, nhưng trên Như Lai tạng là cái bất khả tri vô thủy vô chung, không có ngằn mé, không có hạn lượng. Nó là chỗ nương tựa của sanh tử thì sanh tử có ngằn mé giới hạn không? Bởi vậy căn cứ trên Như Lai tạng mà nói bản tế bất khả tri.
Bởi có Như Lai tạng nên có sanh tử, quan điểm này khác Nhị thừa. Nhị thừa nói rằng đời này chúng ta tạo nghiệp khổ vui, đời sau sẽ thọ quả hoặc khổ hoặc vui tùy theo nghiệp đã tạo. Nhưng vô ngã thì cái gì thọ quả khổ vui đời sau? Các ngài giải thích không sáng tỏ.
Ở đây giải thích sở dĩ có thọ khổ vui đời sau vì có Như Lai tạng mang hết tất cả nghiệp quả đời này qua đời kia, nó không mất. Như Lai tạng này, Duy thức gọi là tàng thức. Bởi có nó chứa nên mang tới đời sau, tất cả sanh tử đời này đến đời khác là do có Như Lai tạng. Nếu không có Như Lai tạng thì không có sanh tử. Vậy Như Lai tạng có sanh tử không? Nó không sanh tử, nhưng hay sanh ra cái sanh tử.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Sanh tử là gì? Sanh tử nghĩa là khi các thọ căn tàn tạ, lần lượt phát khởi tình trạng bất thọ căn, thế là sanh tử.
Giảng:
Căn là lỗ tai, con mắt v.v… chỗ cảm thọ sáu trần bên ngoài nên gọi là thọ căn. Cảm thọ đó là chỗ nương cho thức phát khởi, căn cũng là chỗ nương của thức. Thọ căn khi mới sanh ra, đang tăng trưởng, hấp thu hết sáu trần bên ngoài nên gọi là thọ căn. Tới khi già tắt thở, nó không còn hấp thu nữa nên nói lần lượt phát khởi tình trạng bất thọ căn, Bất thọ căn là không thể hấp thu nữa, là chết. Các thọ căn sanh khởi là sanh, lần lần tàn tạ tới chỗ không còn thọ căn nữa là tử. Như thế là sanh tử.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Hai pháp tử sanh này là Như Lai tạng.
Giảng:
Bởi vì nó không rời Như Lai tạng.
Chánh văn:
Nói theo thế gian nên có tử có sanh, tử là căn hoại, sanh là các căn mới phát khởi; đâu phải Như Lai tạng có sanh có tử. Như Lai tạng xa lìa tướng hữu vi. Như Lai tạng thường trú bất biến. Cho nên Như Lai tạng là nơi y chỉ, duy trì và kiến lập.
Giảng:
Như Lai tạng là chỗ nương tựa, duy trì và kiến lập của tất cả sanh tử mà cũng là chỗ thoát ly sanh tử. Thí dụ chúng ta đi biển gặp hôm gió nhiều, thấy mặt biển sóng bủa ầm ầm. Tất cả sóng y đâu mà khởi? Y nơi mặt biển mà khởi. Sóng nổi lên gọi là sanh, lặng xuống gọi là tử, dấy lên rồi chìm xuống trăm ngàn lớp. Nhưng mặt biển có nổi có chìm không? Mặt biển nguyên không nổi, không chìm; nước cũng không nổi, không chìm. Nổi chìm là sóng không phải nước hay mặt biển. Nếu nói mặt biển nổi chìm, thì nó phải nổi chìm hoài, khi lặng gió, mặt biển phẳng lại. Thế nên nổi chìm là sóng chứ không phải mặt biển.
Cũng như thế, mặt biển dụ cho Như Lai tạng, sanh tử dụ cho sóng, bao nhiêu lượn sóng đều từ mặt biển mà ra. Nên nói sanh tử là Như Lai tạng, là chỗ sở y. Như Lai tạng là chỗ sở y của sanh tử nhưng Như Lai tạng không sanh tử. Mặt biển không phải là sóng, sóng chẳng qua do gió thổi mới sanh ra. Chúng ta thấy sanh tử y như Như Lai tàng, nhưng Như Lai tàng không phải là sanh tử.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Không lìa, không đoạn, không thoát, không khác là Phật pháp không thể nghĩ bàn.
Giảng:
Chỗ không lìa, không đoạn, không thoát, không khác là chỗ Phật pháp không thể nghĩ bàn. Tại sao? Không lìa không đoạn chỉ cho Như Lai tạng hay tự tánh thanh tịnh. Tự tánh thanh tịnh xưa nay như vậy. Không phải lìa hay đoạn phiền não mà được thanh tịnh, cũng không phải thoát phiền não mà được thanh tịnh, cũng không phải khi có phiền não thì khác, khi hết phiền não lại khác. Như vậy tự tánh thanh tịnh như mặt gương, không phải đợi lìa bụi mới sạch, không phải đợi hết bụi, dứt bụi mới sáng, mà bản chất của nó luôn sạch luôn sáng.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Làm chỗ sở y, duy trì và kiến lập cho các pháp hữu vi bên ngoài có tính đoạn, thoát, khác là Như Lai tạng.
Giảng:
Như Lai tạng làm chỗ tựa cho tất cả pháp sanh diệt nhưng lại không sanh diệt.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Nếu không có Như Lai tạng, không có chán khổ cầu vui Niết-bàn. Bởi vì sao? Vì đối với sáu thức này và tâm pháp trí, bảy pháp này không dừng lại ở một sát-na nào, nó không gieo trồng các khổ nên không chán khổ cầu vui Niết-bàn.
Giảng:
Nếu không có Như Lai tạng thì không có chán khổ và cầu vui Niết-bàn. Như vậy nhờ có Như Lai tạng mới có chán khổ cầu vui Niết-bàn. Sáu thức của chúng ta là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý cùng với tâm pháp trí là thức thứ bảy, bảy thức đó là pháp sanh diệt từng sát-na bị đổi dời luôn, thì có thể phát tâm cầu Niết-bàn là cái không đổi dời được không? Bảy thức đó là vô thường, có thể khởi tâm cầu thường được không? Khi khởi tâm cầu thường là phải có cái thường ở trong.
Thí dụ có năm bảy thứ đồ giả, nếu không có đồ thật chúng ta biết mấy thứ giả này không? Biết đi tìm cái thật không? Người biết đồ thật mới nói những thứ giả là giả, mình không biết nên cứ sống với đồ giả, còn lầm cho nó là thật, không khởi tâm đi tìm cái thật. Khi khởi tâm tìm cái thật là vì biết có cái thật.
Cũng vậy, có Như Lai tạng bất sanh bất diệt nên mới có khởi niệm chán cái sanh diệt, cầu cái bất sanh bất diệt. Bởi biết có cái thật, mới chán cái giả đi tìm cái thật. Vì thế bảy thức trước là tướng sanh diệt từng sát-na nên không thể biết để cầu cái không sanh diệt.
Ý này rất sâu, chúng ta nghiệm thật kỹ mới thấy sự lý thú của nó.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Như Lai tạng là pháp không có tiền tế, không khởi, không diệt, ở đó gieo trồng các khổ nên mới có chán khổ cầu vui Niết-bàn.
Thưa Thế Tôn! Như Lai tạng là phi ngã, phi chúng sanh, phi mạng và phi nhân.
Giảng:
Tiền tế là mé trước. Như Lai tạng không có mé trước, không khởi, không diệt, thường trú, từ nó khởi lên các mầm sanh tử nên gọi là khổ, biết sanh tử là khổ mới cầu Niết-bàn, tức là trở về cái bất sanh bất diệt. Như vậy, do có cái bất sanh bất diệt mới chán cái sanh diệt cầu cái bất sanh bất diệt. Nói cách khác, bởi chúng ta có sẵn tánh giác nên mới phát tâm cầu giác ngộ. Nếu không có tánh giác, chỉ toàn phiền não thì đâu có phát tâm cầu giác ngộ.
Như Lai tạng là thể thanh tịnh chứ không phải là ngã, là chúng sanh, là mạng, là nhân. Vì theo mê lầm tạo nghiệp thành ra có chúng sanh, có ngã, có nhân v.v…
Chánh văn:
Như Lai tạng không phải cảnh giới của chúng sanh kiến chấp về thân, hay của chúng sanh có tưởng điên đảo, hay chúng sanh loạn ý về không.
Giảng:
Như Lai tạng vượt khỏi tầm của những người chấp thân này là thật, những người có tâm tưởng điên đảo, những người chấp không, loạn ý về không, tức cho rằng không có không còn gì hết. Như vậy để chỉ cho Như Lai tạng vượt ra khỏi kiến chấp của phàm phu và Nhị thừa.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Như Lai tạng là pháp giới tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế gian thượng thượng tạng, là tự tánh thanh tịnh tạng.
Giảng:
Như Lai tạng là gì? Là pháp giới tạng tức là kho tàng pháp giới, là kho tàng pháp thân, là kho tàng xuất thế gian thượng thượng, cũng là kho tự tánh thanh tịnh. Thiền tông tu về tự tánh thanh tịnh thiền, tức là thiền để trở về tự tánh thanh tịnh của chính mình, đó chính là thể bất sanh bất diệt hiện hữu.
Chánh văn:
Tự tánh thanh tịnh của Như Lai tạng này, thế mà khách trần phiền não và thượng phiền não làm nhiễm ô cảnh giới không thể nghĩ bàn của Như Lai.
Bởi vì sao? Tâm thiện trong sát-na chẳng bị phiền não nhiễm. Tâm bất thiện trong sát-na cũng chẳng bị phiền não nhiễm. Phiền não chẳng chạm tâm, tâm chẳng chạm phiền não. Thế làm sao các pháp không chạm xúc lại nhiễm tâm được?
Giảng:
Tự tánh thanh tịnh của Như Lai tạng khi bị khách trần phiền não làm nhiễm ô, tức là cảnh giới không thể nghĩ bàn của Như Lai bị nhiễm ô.
Sát-na tức một cái chớp mắt, chỉ thời gian rất nhỏ, rất nhanh. Tâm thiện và tâm bất thiện trong sát-na có thành thiện hay bất thiện không? Thí dụ như nói một chữ “người”, một chữ “đó”, một chữ “tốt”, nói từng chữ như vậy có thành thiện chưa? Chưa, nhưng ráp ba chữ lại “người đó tốt”, thì có nghĩa tốt. Muốn đủ nghĩa phải ráp chúng lại, đứng riêng từng chữ không thành tốt xấu. Trong sát-na không có thiện cố định, ác cố định nên tâm thiện, tâm ác trong từng sát-na không thành nhiễm phiền não.
Tâm thể thanh tịnh bất sanh bất diệt, niệm thiện ác thì sanh diệt. Sanh diệt không thể nhiễm bất sanh bất diệt, cho nên nói phiền não không chạm tâm, tâm chẳng chạm phiền não.
Chánh văn:
Thưa Thế Tôn! Vậy mà có phiền não, có phiền não nhiễm tâm. Tự tánh thanh tịnh tâm mà có nhiễm là điều khó hiểu rõ được. Duy Phật Thế Tôn là bậc có thật nhãn thật trí, là căn bản của pháp, là pháp thông suốt, là chỗ sở y của chánh pháp mới có tri kiến như thật.
Giảng:
Tự tánh thanh tịnh đã là thanh tịnh thường hằng bất biến, làm sao phiền não do tâm thiện tâm ác từng sát-na sanh diệt lại có thể nhiễm nó được? Cái không thể nhiễm mà vẫn bị nhiễm, chỗ này hơi khó hiểu. Thí dụ như mặt biển nếu không có gió thì lặng hay có sóng? Lặng. Mặt biển nguyên không có sóng nhưng gió thổi nên sóng nổi dùng dùng. Khi sóng nổi, có một người cha dẫn đứa con chừng tám hoặc mười tuổi đứng xem. Đứa con hỏi:
– Thưa ba, tại sao có sóng?
– Tại gió nên có sóng.
– Gió hình dáng ra sao mà tạo ra sóng?
– Gió không có hình tướng mà sóng có hình tướng.
– Cái không hình tướng tại sao làm ra cái có hình tướng được?
Bây giờ trả lời sao? Cũng vậy, Như Lai có tự tánh thanh tịnh, ai cũng có tự tánh thanh tịnh, đã là thanh tịnh tại sao khởi nhiễm ô? Tự tánh thanh tịnh sao không thanh tịnh luôn, lại khởi nhiễm ô? Nhiễm ô phiền não không nhiễm được tự tánh thanh tịnh, tại sao từ tự tánh thanh tịnh lại khởi phiền não? Thật là khó hiểu, chỉ có Phật mới hiểu được thôi.
Cũng vậy, người cha khó có thể giải thích cho đứa con hiểu tại sao gió không có hình tướng mà làm nổi sóng. Đó là sự thật nhưng giải thích không được. Cũng vậy, tự tánh thanh tịnh dấy khởi phiền não, đã có phiền não thì lẽ ra tự tánh hết thanh tịnh, nhưng tự tánh vẫn thanh tịnh. Vậy thì cái gì làm cho phiền não dấy lên? Làm sao tự tánh thanh tịnh lại khởi phiền não?
Chỗ này trong kinh thường nói, tự tánh không giữ tự tánh cho nên mới có phiền não nổi dậy, vô minh nổi dậy. Mặt biển không giữ tánh yên lặng của nó nên gió thổi sóng dậy. Đây là điều khó hiểu, chỉ có đức Phật là bậc thật nhãn thật trí, là căn bản của pháp, là pháp thông suốt, là sở y của chánh pháp mới có tri kiến như thật, mới hiểu được đúng như thật.
Chánh văn:
Khi Thắng Man phu nhân đem pháp khó hiểu này hỏi Phật, Phật liền tùy hỷ rằng:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Tự tánh thanh tịnh tâm mà có nhiễm ô là điều khó hiểu rõ được. Có hai pháp khó hiểu rõ được, là tự tánh thanh tịnh tâm là điều khó hiểu rõ, tâm ấy bị phiền não nhiễm ô cũng là điều khó hiểu rõ. Chỉ có ngươi và sức của Bồ-tát ma-ha-tát đã thành tựu đại pháp mới có thể nghe và nhận lãnh, còn bao nhiêu Thanh văn chỉ biết tin lời Phật nói.
Giảng:
Như vậy có hai pháp khó hiểu.
Thứ nhất, tự tánh thanh tịnh tâm thật là khó hiểu, vì chúng ta tìm không ra, chưa thấy được nó. Chữ tự là mình, tánh là thể tánh thanh tịnh trong sạch, tâm là tâm chân thật. Tâm tánh thanh tịnh của mình hằng trong sạch, nhưng chúng ta chưa thấy được nó, chỉ thấy toàn tâm lăng xăng lộn xộn, vì vậy khó hiểu.
Thứ hai, tự tánh thanh tịnh tâm đã là thanh tịnh, tại sao dấy khởi phiền não? Đó là điều khó hiểu, chỉ hàng Bồ-tát lớn hay phu nhân Thắng Man nhân nghe được Phật nói có thể nhận lãnh, còn Thanh văn Duyên giác khó hiểu nổi chỗ này.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |