Kinh Thắng Man giảng giải

Chương II Mười Đại Thọ



Chánh văn: 

Bấy giờ Thắng Man nghe thọ ký xong, cung kính đứng dậy nhận lãnh mười điều trọng đại: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, những giới đã thọ, con không khởi tâm vi phạm. 

Giảng:

Bà nguyện quá hai vạn vô số kiếp không phạm giới. Nghĩa là từ khi tu, từ khi được Phật thọ ký cho đến thành tựu Bồ-đề, nguyện không khởi tâm phạm giới.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, đối với các bậc tôn trưởng, con không sanh tâm kiêu mạn, 

Giảng:

Vì phái nữ hay kiêu mạn nên bà phát nguyện như thế.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, đối với chúng sanh, con không sanh tâm sân giận. 

Giảng:

Bây giờ mấy huynh đệ dám nguyện như thế không? Không nói suốt đời, chỉ ba năm thôi. Kể từ hôm nay cho tới ba năm, con nguyện không dám sanh tâm sân giận. Thời gian hết sức ngắn, sánh với bà hơn hai vạn vô số kiếp mà mình không dám nguyện, thì thật là thua nữ nhân quá, phải không?

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, đối với thân sắc và các thứ đồ dùng bên ngoài của người khác, con không sanh tâm ganh tỵ. 

Giảng:

Thấy ai đẹp hơn mình không sanh tâm ganh tỵ. Thấy ai có đồ đẹp hơn, mình cũng không ganh tỵ. Điều này dễ hay khó? Thấy như không khó lắm, nhưng không phải dễ đâu.

Chánh văn:

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, đối với các pháp bản thân cũng như sở thuộc, con không sanh tâm lẫn tiếc. 

Giảng: 

Các pháp bản thân là những gì thuộc về thân mình, sở thuộc là những gì thuộc về sở hữu của mình. Trong kinh thường gọi là ngã và ngã sở. Bản thân là ngã, sở thuộc là ngã sở. Không lẫn tiếc là ai cần gì thuộc về đồ đạc của mình, về nội thân mình, sẵn sàng giúp không tiếc.

Chúng ta có thể nguyện ai cần gì nơi mình, ta đều cho chẳng tiếc không? Đừng nói trong thân như lỗ tai, lỗ mũi, những thứ này chắc chắn không cho rồi. Những thứ bên ngoài như quần áo, dụng cụ, kinh sách… ai cần mình cho không tiếc, như thế thôi cũng chưa dám, nói chi nguyện to tát hơn.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, con không vì mình mà thu nhận, tích trữ tiền của, tất cả những gì nhận được đều đem giúp đỡ chúng sanh nghèo khổ. 

Giảng:

Bà nguyện không vì mình mà nhận đồ đạc, tiền của. Nếu có là vì chúng sanh, vì lo cho mọi người mà nhận, không phải vì mình. Điều này dễ hay khó? Thấy như dễ nhưng không phải dễ. Bởi phần nhiều người ta lo cho mình trước, khi nào dư mới lo cho người sau.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, con không vì mình mà tu hành tứ nhiếp pháp. Vì tất cả chúng sanh, đem tâm không ái nhiễm, tâm không nhàm đủ, tâm không quái ngại nhiếp thọ chúng sanh. 

Giảng:

Tại sao không vì mình mà tu hành tử nhiếp pháp? Tứ nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Bà nguyện không vì mình mà tu bốn pháp này. Nếu bố thí mong người ta thương mình, ái ngữ mong người ta mến mình, lợi hành mong người ta ủng hộ mình, đồng sự mong người ta hợp tác với mình…; dùng bốn việc này để nhiếp phục người là thủ lợi, là dùng tử nhiếp pháp vì mình. Phu nhân Thắng Man không làm như thế.

Dùng tứ nhiếp pháp vì tất cả chúng sanh, đem tâm không ái nhiễm, tâm không nhàm đủ, tâm không quái ngại mà nhiếp thọ chúng sanh. Nhiếp phục để đưa họ tới chỗ trong sạch, tới chỗ tâm không quái ngại. Phật dạy tứ nhiếp pháp để chúng ta nhiếp phục chúng sanh, hướng họ về đạo lý, về con đường tu hành, chứ không phải vì mình.

Bây giờ đa số hành tứ nhiếp pháp là vì mình. Thí dụ bố thí cho mình có phước, chứ không phải dùng phương tiện bố thí để giáo hóa người. Ái ngữ là nói lời ngọt ngào để người có cảm tình, thương mình, chứ không vì dẫn người đi trên con đường đạo lý… Nếu chúng ta làm bốn việc trên vì lợi ích của bản thân là trái với đạo lý Phật dạy.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, nếu gặp chúng sanh cô độc, ưu phiền, tật bệnh, tai nạn, khốn khổ, con sẽ không bỏ rơi họ, quyết làm cho họ được an ổn, vì nghĩa giúp ích khiến thoát các khổ, nhiên hậu mới thôi.

Giảng: 

Bà nguyện giúp chúng sanh tới chừng nào hết khổ mới thôi, chứ không giới hạn bao lâu. Điều này dễ hay khó? Khó. Chúng ta giúp người phần nào thôi, nếu họ yêu cầu nhiều hơn là đã không vui rồi, đừng nói giúp tới hết khổ. Cho nên mới thấy nguyện của bà quá lớn.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, nếu gặp những kẻ săn bắn, chăn nuôi, những kẻ có các hành động ác và người phạm giới, con sẽ không bỏ qua. Nếu đủ sức thì nơi đâu gặp các chúng sanh ấy, đáng khuất phục con sẽ làm cho khuất phục, đáng thu phục con sẽ thu phục. Bởi vì sao? Vì nhờ khuất phục thu phục được họ mà đạo pháp tồn tại lâu dài. Đạo pháp tồn tại lâu dài thì cõi trời cõi người sung mãn, ác đạo giảm đi, có thể vận chuyển bánh xe pháp mà Như Lai đã chuyển. Vì thấy lợi ích như vậy nên cứu độ, nhiếp thọ không thôi.

Giảng:

Những người phạm giới làm điều ác, tạo ra nghiệp chướng nặng nề sẽ lăn lộn trong ba ác đạo. Nếu có nhiều người như vậy thì cõi người cõi trời sẽ giảm, cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ tăng. Ba ác đạo tăng thì đạo pháp không thể triển chuyển, bởi vì ở đó đâu thể giảng kinh nói pháp cho họ nghe, vì vậy chúng sanh các cõi này phải chịu khổ thôi. Thí dụ như con bò, làm sao chúng ta giảng pháp cho nó nghe? Vì vậy đạo pháp suy vi.

Bây giờ muốn đạo pháp tăng trưởng phải hướng dẫn chúng sanh đừng tạo nghiệp ác. Do không tạo nghiệp ác nên sanh ở cõi người cõi trời, nhờ thế được giáo hóa. Như vậy bánh xe chánh pháp mới chuyển mãi không dừng. Nếu để chúng sanh rơi vào ba đường ác thì không làm sao giữ gìn chánh pháp lâu dài trên đời.

Chánh văn: 

  1. Thưa Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến khi thành tựu Bồ-đề, con nhiếp thọ chánh pháp không bao giờ để quên mất. Bởi vì sao? Vì quên mất chánh pháp là quên mất Đại thừa, quên mất Đại thừa là quên mất ba-la-mật, quên mất ba-la-mật thì không yêu thích Đại thừa. Nếu Bồ-tát không quyết định Đại thừa thì không có khả năng nhiếp phục chánh pháp một cách tự tại, vĩnh viễn không kham nổi địa vị vượt phàm phu. Con đã thấy cái sai lầm to lớn, vô lượng như vậy, lại thấy cái phúc lợi vô lượng trong tương lai của bậc đại Bồ-tát nhiếp thọ chánh pháp như vậy nên xin chịu sự nhận lãnh trọng đại này. 

Giảng:

Nguyện thứ mười, bà thưa với đức Phật: từ nay cho đến thành tựu Bồ-đề, con xin nhiếp thọ chánh pháp không bao giờ để quên mất. Nhiếp thọ chánh pháp là sống đúng chánh pháp và hành đúng chánh pháp. Chánh pháp và mình, mình và chánh pháp không hai, đó là nhiếp thọ chánh pháp.

Chúng ta học chánh pháp nhưng đã nhiếp thọ chánh pháp chưa? Học một đàng mà làm một ngả. Phật dạy đừng sân mà ai chọc thì nổi sân đùng đùng. Phật dạy đừng tham mà thấy cái gì đẹp cũng thích. Như vậy chỉ có học chánh pháp mà chưa nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp là hiểu chánh pháp thế nào thì sống đúng thế ấy. Bởi vậy những bậc hạnh giải tương ưng gọi là Tổ, nghĩa là hiểu và hành như nhau, nói đúng chánh pháp, hành đúng chánh pháp.

Bà nguyện từ đây cho tới khi thành tựu Bồ-đề nguyện nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp như vậy là Đại thừa, là hành lục ba-la-mật. Nếu người nào nhiếp thọ chánh pháp được rồi, người đó vượt khỏi địa vị phàm phu, chưa nhiếp thọ chánh pháp thì chưa vượt khỏi địa vị phàm phu.

Hiện giờ chúng ta có vượt khỏi địa vị phàm phu chưa? Đã xuất gia rồi, vì sao không vượt khỏi phàm phu? Vì chưa nhiếp thọ chánh pháp. Hiểu chánh pháp thì có mà hành chánh pháp thì chưa xong. Cho nên phàm phu sân mình cũng sân, phàm phu si mình cũng si, phàm phu tham mình cũng tham. Do đó làm sao vượt khỏi địa vị phàm phu. Chừng nào chúng ta học hiểu chánh pháp, sống đúng chánh pháp, hết tham, hết sân, hết si mới vượt khỏi địa vị phàm phu.

Chánh văn: 

Bạch đức pháp chủ Thế Tôn! Nay vì con mà chứng minh, xin Phật Thế Tôn hiện tiền chứng tri. Chúng sanh căn lành cạn mỏng, hoặc khởi lưới nghi, thế nên nếu dùng mười đại thọ rất khó mà độ. Những chúng sanh kia, hoặc do đêm dài tạo lợi ích phi nghĩa, không được an lạc. Vì an ổn họ, nên nay ở trước Phật, con chân thành phát lời thệ nguyện. 

Giảng: 

Phu nhân Thắng Man đã nhiếp thọ chánh pháp nên xin đức Thế Tôn chứng minh. Vì chỉ có Phật hiện tiền chứng biết, các chúng sanh căn lành mỏng manh có thể sẽ nghi ngờ mười điều nhận lãnh này quá to tát, rất khó thực hiện. Họ như những kẻ trong đêm dài làm những điều lợi ích phi nghĩa nên tâm hồn chẳng yên vui. Đã là lợi ích tại sao lại phi nghĩa? Thí dụ như người buôn bán, mua một lời hai ba, đối với họ là lợi ích nhưng với người là phi nghĩa. Đây gọi là lợi ích phi nghĩa. Làm những gì có lợi ích cho bản thân mà hại kẻ khác đều gọi là lợi ích phi nghĩa. Bởi thế nên tâm hồn không an vui.

Có một Phật tử cũng khá giả, thường xuyên đến chùa nhưng cô than: “Sao thấy ai cũng khổ! Nghèo khổ đã đành, giàu cũng khổ.” Như vậy thế gian không hết khổ nếu còn mê. Bởi người ở trong mê thì tâm hồn không bao giờ an ổn, không an ổn tức là khổ. Người tu muốn hết khổ được vui thì phải hết mê. Trong kinh A-hàm, đức Phật nói: khổ ở địa ngục chưa phải thật khổ, làm thân trâu kéo cày chưa phải thật khổ, đói khát chưa phải thật khổ, chỉ ở trong đêm dài tăm tối không thấy lối đi mới thật là khổ. Tức ở trong vô minh không biết lối thoát, đó mới thật là khổ. Ở địa ngục cũng có ngày ra, làm thân trâu cũng có ngày chết, nhưng ở trong vô minh thì không biết chừng nào ra khỏi. Khổ đó mới là khổ lâu dài. Cho nên người tu làm sao thoát được khổ vô minh mới được an vui chân thật.

Bà ở trước Phật xin phát lời thệ nguyện thành thật rằng:

Chánh văn: 

Nếu con nhận lãnh mười điều trọng đại và làm được như lời đã nói thì do thệ nguyện này xin tiếng trời mầu nhiệm vang lên và hoa trời mưa xuống trong đại chúng. 

Vừa nói dứt lời, từ hư không hoa trời mưa xuống, có tiếng mầu nhiệm vang lên: 

– Đúng! Đúng! Như lời ngươi nói quả thật không sai. 

Những chúng sanh kia thấy hoa trời và nghe tiếng mầu nhiệm, cả chúng hội sạch hết nghi ngờ, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thường cùng thực hành với Thắng Man. Thế Tôn đều thọ ký cho tất cả đại chúng được như điều đã nguyện. 

Giảng:

Bà nguyện nếu làm được mười điều trọng đại hứa nhận đó, thì trong hư không liền có hoa trời tự nhiên rơi xuống giữa đại chúng. Sau đó có tiếng nói “Đúng! Đúng!” để mọi người tin lời của bà là sự thật. Chỗ này thấy như có chút hão huyền, phải không?

Hư không thì không có hoa, không có người mà bây giờ có hoa, có tiếng. Chỗ này tôi cho rằng trong cái hư có cái thật. Hư tức là không người, không hoa, nhưng một khi đại nguyện phát lên mạnh mẽ rồi thì hoa và người đều có. Tại sao trong cái hư thành thật. Bởi vì với một người nhiệt tâm, thành tín, quyết làm một điều rất khó nhưng can đảm làm, quyết tử làm thì khó mấy cũng thành sự thật. Chúng ta ngược lại, trong thật thành hư. Vì lơ là xem thường nên việc thiên hạ làm được mà mình làm không được. Thí dụ khi ngồi thiền, một hai huynh đệ ngồi mãn hai tiếng an ổn, nhưng có người ngồi chừng một tiếng rưỡi đau chân quá, hoảng hốt xả ra. Thế là bỏ cuộc. Rõ ràng trước mắt có người làm được, đó là thật, còn mình làm không được nên thành hư.

Như vậy mới thấy ý chí của con người quyết định việc thành bại. Người có ý chí, có quyết định thì dù sự việc thấy như không được mà vẫn được. Người không có ý chí thì việc dễ vẫn không làm được. Người tu phải can đảm, quyết tử mới có thể tiến đạo. Chư huynh đệ sống ở thiền viện khổ lắm không, khó lắm không? Đâu khổ lắm, đâu khó lắm. Nếu tính ra mấy chú ở ngoài thế gian một vợ hai ba con thì làm cực bằng mấy ở đây, phải không? Nhưng họ đâu có than khổ. Các thầy ở đây có cực gì lắm, làm một buổi sáng mấy tiếng đồng hồ, chiều được học được nghỉ, vậy mà vẫn có người chịu không nổi! Tại sao? Tại thiếu ý chí, thiếu can đảm, thiếu quyết tử.

Ngày xưa, ngài Huyền Trang đi Ấn Độ thỉnh kinh dễ hay khó? Đi một mình qua sa mạc hoang vu, đủ thứ tai nạn nhưng nhờ quyết chí nên cuối cùng ngài thành công. Trong cái hư có cái thật. Cho nên học tinh thần Đại thừa chúng ta mới thấy điểm đặc biệt này, nếu không sẽ chẳng hiểu vì sao mà có những hiện tượng kỳ lạ như vậy. Người tu thiền dám chết mới được sống, người yếu đuối không dám chết sẽ không làm được gì cả. Nếu tu mà còn nghĩ tới chuyện cực khổ, lâu dài sanh ngán thì thôi về nhà làm ăn cho vui. Những người không có ý chí sẽ không thể đi trên con đường giác ngộ giải thoát, do tâm dễ thối chuyển, luôn mắc kẹt thời gian không gian, nên không thể vượt khỏi địa vị phàm phu.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.