Kinh Thắng Man giảng giải

Chương I Ý Nghĩa Chân Thật Và Công Đức Của Như Lai



Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy, một thời Phật tại nước Xá-vệ, vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Khi ấy vua Ba-tư-nặc và phu nhân Mạt-lợi mới tin Phật pháp chưa lâu, hai người cùng bàn nhau rằng: 

– Thắng Man phu nhân con gái ta trí tuệ thông minh, căn tánh lanh lợi, mau hiểu, dễ ngộ, nếu được gặp Phật chắc chắn mau rõ giáo pháp, tâm không nghi ngờ. 

– Hãy kịp thời khiến nó tin tưởng phát tâm. 

Phu nhân thưa: 

– Nay thật đúng lúc. 

Khi đó vua và phu nhân gửi thư cho Thắng Man, đại lược ca ngợi công đức vô lượng của Như Lai, rồi sai nội thị tên Chiên-đề-la đem thư đến nước A-du-xà, vào cung dâng Thắng Man. Thắng Man được thư vui mừng củi nhận, đọc tụng thọ trì, lấy làm hy hữu, rồi quay sang Chiên-đề-la nói bài kệ rằng: 

Ta nghe danh tiếng Phật, 

Đời chưa dễ có ai. 

Quả lời thư chân thật, 

Nên ta phải cúng dường. 

Giảng:

Đoạn này nêu lên lục chủng thành tựu. Thắng Man đọc thư của mẹ, vui thích nói với Chiên-đề-la: Tôi nghe được danh của Phật ở đời không ai bì kịp. Nếu lời đó là thật, tôi thành tâm cúng dường. Bà hướng về Phật phát nguyện với tâm thành giữa hư không.

Chánh văn: 

Ngưỡng mong Phật Thế Tôn,

Vì thế gian xuất hiện,

Xin rủ lòng xót thương.

Cho con được trông thấy. 

Giảng: 

Bà mong Phật hiện cho thấy để đủ lòng tin, Phật liền xuất hiện.

Chánh văn: 

Khi sinh ý niệm này,

Phật hiện ngay trên không,

Hào quang sáng chiếu khắp, Tỏ rõ thân tuyệt vời.

Thắng Man cùng quyến thuộc, 

Quỳ lạy ở dưới chân.

Đều đem tâm thanh tịnh,

Ca ngợi Phật công đức.

Giảng: 

Khi thấy Phật hiện rồi, Thắng thuộc ca ngợi công đức của Phật:

Chánh văn: 

Thân Như Lai nhiệm mầu,

Thế gian không sánh kịp,

Thật không thể nghĩ bàn,

Nên con nay kính lễ.

Sắc Như Lai vô tận, 

Trí tuệ cũng như thân.

Tất cả pháp thường trú,

vậy con quy y.

ino

Giảng: 

Bài kệ này lâu nay chúng ta vẫn thường đọc tụng tán Phật, nguyên văn chữ Hán thế này:

Như Lai diệu sắc thân, 

Thế gian vô dữ đẳng 

Vô tỷ bất tư nghì,

Thị cố kim kính lễ.

Như Lai sắc vô tận,

Trí tuệ diệc phục nhiên. 

Nhất thiết pháp thường trú,

Thị cố ngã quy y.

Như vậy xưa nay chúng ta đọc theo kinh Thắng Man mà không biết. Như Lai diệu sắc thân dịch là thân Như Lai nhiệm mầu. Thế gian dữ đẳng là thế gian không sánh kịp. Phu nhân Thắng Man thấy thân Phật chiếu hào quang sáng ngời, thế gian không ai sánh kịp với thân của ngài, thật không thể nghĩ bàn, vì vậy nên bà kính lễ. Như Lai sắc vô tận là sắc của Như Lai không ngằn mé, không cùng tận. Trí tuệ diệc phục nhiên là trí tuệ của ngài cũng như thân ngài vô tận. Tất cả pháp thường trú, vì vậy con quy y.

Lẽ ra tất cả pháp vô thường, tại sao nói thường trú? Ở đây tôi tạm thí dụ, như bánh xe hay cánh quạt máy khi quay là động. Nhưng thật sự cánh quạt không động, chỉ vì sức đẩy của động cơ thành ra nó quay và vù, do đó chúng ta thấy như động. Trường hợp bánh xe lăn cũng vậy, thấy nó lăn nhưng sự thật những bộ phận trong đó y nguyên, có lăn gì đâu. Như vậy ngay trong cái động có cái tịnh. Muôn vật giữa đây luôn luôn trong cái động cái tịnh. Cho nên thiền sư Mãn Giác đã nói:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đảo bách hoa khai 

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

Xuân đến trăm hoa nở.

Xuân đi trăm hoa rụng,

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.

Tuấn Đó là một dòng sanh diệt chuyển biến. Tuy nhiên ở đó có một cái không bao giờ đổi thay, đó là giữa mùa đông tuyết giá vẫn có cành mai. Để nói rằng trong dòng biến chuyển sanh diệt có một cái ngầm không sanh diệt, không biến chuyển. Hiểu như vậy mới thấy câu tán này của người nhìn tận Như Lai tạng, thấy rõ trong muôn pháp sanh diệt có Như Lai tạng không sanh diệt.

Chánh văn: 

Hàng phục tâm tội lỗi,

Cùng bốn thứ của thân, 

Cho đến chỗ khó nhất, 

Vì vậy lễ Pháp vương.

Là đấng nhất thiết trí, 

Trí tuệ thân tự tại, 

Nhiếp trì tất cả pháp, 

Nên con nay kính lễ.

Giảng:

Đức Phật đã làm chủ được tâm lăng xăng tạo nghiệp, làm chủ luôn thân tứ đại này nên mới sanh tử tự tại. Ngài làm chủ bằng cách nào? Khi người ta chửi ngài vẫn đi chậm rãi, không đổi nét mặt, không chút giận dữ. Chúng ta thì sao? Mình đang đi, ai kêu tên chửi, sắc mặt đổi liền, đi đứng không bình thường. Đức Phật làm chủ được tâm nên dù gặp cảnh trái nghịch cũng không bực bội không tức tối. Chúng ta gặp việc trái ý, nổi sân nổi quạu là vì không làm chủ được tâm dẫn, tới không làm chủ được thân.

Ngày xưa nếu không muốn tịch, đức Phật đã không tịch. Sở dĩ ngài nói cho A-nan biết Như Lai cần ở đời thì ở đời, không cần ở đời thì sẽ nhập Niết-bàn, để xem A-nan có thỉnh cầu Phật trụ thế không. Do Tôn giả quên thỉnh Phật trụ thế nên ngài xả thọ mạng. Xả thọ mạng tức là không tiếp tục mạng sống nữa. Như vậy để thấy Phật muốn chết là chết, Phật làm chủ cái chết, chứ không phải cái chết làm chủ ngài.

Chúng ta chỉ làm chủ được những gì dễ dàng, thí dụ lúc bình an không ai đụng đến thì tâm yên lắm, thân cũng thoải mái, nhưng ai đụng tới thì tâm tán loạn, thân cũng quay cuồng. Tóm lại, chúng ta làm chủ lúc không gặp cảnh duyên, nếu gặp sẽ bị nó cuốn đi, Đức Phật lúc sắp tịch là lúc khó làm chủ nhất, mà ngài vẫn làm chủ được. Sử ghi lại, khi sắp nhập Niết-bàn, ngài vào Sơ thiền, Nhị thiền, lần lần lên tới Tứ thiền rồi Tứ không, nhập Diệt tận định. Xuất Diệt tận định, tuần tự nhập lại Sơ thiền, từ Sơ thiền lên đến Tứ thiền, xả thọ mạng vào Niết-bàn. Do ngài làm chủ được thân tâm, không bị rối loạn nên Thắng Man mới kính lễ. Ngài là đấng Nhất thiết trí, có trí biết tất cả, thân tâm tự do tự tại, nhiếp trì tất cả các pháp nên Thắng Man kính lễ.

Chánh văn: 

Kính lễ khôn kể xiết, 

Kính lễ khôn sánh ví.

Kính lễ vô biên pháp,

Kính lễ khôn nghĩ bàn.

Thương xót che chở con, 

Cho giống pháp thân lớn, 

Đời nay và đời sau,

Xin Phật thường nhiếp thọ.

Giảng: 

Phu nhân Thắng Man kính lễ đức Phật không thể nào kể xiết, không ai có thể so sánh với đức Phật. Ngài là pháp vô biên nên bà kính lễ và mong ngài giúp đỡ cho hạt giống chánh pháp ngày càng thêm lớn trong tâm bà. Đức Phật dạy:

Chánh văn: 

Ta an lập ngươi rồi,

Đời trước đã khai giác,

Nay lại nhiếp thọ ngươi,

Và đời sau cũng vậy.

Giảng:

Phật nói ngài đã an lập cho bà rồi, đời trước đã khai mở trí giác, nay lại được nhiếp thọ nữa và đời sau cũng sẽ được nhiếp thọ luôn. Như vậy bà luôn luôn được Phật hướng dẫn bảo đảm không sai sót. Bà liền bạch:

Chánh văn: 

Con đã tạo công đức, 

Hiện tại và bao đời,

Các căn lành như thế, 

Cúi xin được nhiếp thọ.

Giảng:

Bà thưa đã tạo được những công đức hiện tại và đời trước, các căn lành này kính xin Phật nhiếp thọ cho đừng sót mất. Mới gặp Phật, bà đã nhớ được nhiều đời trước có tu, có công đức nên bây giờ mong được Phật nhiếp thọ.

Chánh văn: 

Bấy giờ Thắng Man và quyến thuộc lạy Phật đầu mặt áp sát đất, Phật liền ở ngay giữa chúng thọ ký cho phu nhân rằng: 

– Ngươi ca ngợi công đức chân thật của Như Lai, do căn lành này trong vô lượng kiếp a-tăng-kỳ sẽ làm vị Đại Tự Tại vương ở cõi trời cõi người. Bất cứ sanh nơi đâu cũng thường được gặp ta và ca ngợi trước mặt ta như hôm nay không khác, rồi lại cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ Phật, quá hai vạn kiếp a-tăng-kỳ sẽ được thành Phật hiệu Phổ Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Cõi đức Phật ấy không có các đường dữ, già, bệnh, suy nhược, buồn rầu, không vừa ý, khổ, cũng không có tên gọi nghiệp chẳng lành hay nghiệp dữ. Chúng sanh cõi ấy sắc tướng, sức lực, thọ mạng, ngũ dục các thứ đều hoàn toàn khoái lạc hơn cả cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Chúng sanh cõi ấy thuần chỉ một Đại thừa, các chúng sanh đã tu tập căn lành đều họp về cõi ấy. 

Giảng: 

Đức Phật thọ ký cho bà, nhờ công đức ca ngợi tán thán Như Lai nên từ đây về sau đời đời sanh ra sẽ làm Đại Tự Tại vương ở cõi người hoặc cõi trời, đời đời cúng dường vô lượng số a-tăng-kỳ Phật. A-tăng-kỳ là vô số; vô số vô lượng Phật không biết bao nhiêu là Phật. Quá hai vạn kiếp a-tăng-kỳ, tức quá hai vạn cái vô số bà sẽ thành Phật hiệu Phổ Quang Như Lai. Nghe thế có ngán không? Được Phật thọ ký như vậy chúng ta ham không? Nếu thọ ký cuối đời này thành Phật còn mừng hoặc ba đời nữa thành Phật cũng được, chứ quá hai vạn vô lượng a-tăng-kỳ mới thành Phật thì ngán quá

Đại thừa không lệ thuộc thời gian, không gian nên nói bao nhiêu cũng không ngán sợ. Người hiểu theo tinh thần Tiểu thừa lệ thuộc thời gian, không gian nên thấy dài rồi ngán ngược ngán xuôi. Thấu hiểu được lý Đại thừa, thời gian không thật, chỉ cần phát tâm tu cho đến bao giờ thành tựu viên mãn mới thôi. Tâm niệm của người tỉnh và người chưa tỉnh khác nhau.

Thí dụ có người được hạt mít ngon, đem ươm trồng. Nếu tâm không bồn chồn nóng nảy thì cứ ươm, vô phân, tưới nước, săn sóc từ từ nó lớn, có hoa, có trái. Người không cần trông cứ lo trồng, săn sóc đúng mức, chừng nào có bông, có trái tùy nó, thì được kết quả tốt. Ngược lại, người đặt hạt giống xuống không lo chăm sóc mà cứ trông tới trông lui hoài, cuối cùng thất bại. Đó là nói lên người tu mà tâm còn bồn chồn nóng nảy, không bình tĩnh không sáng suốt sẽ chẳng được chi.

Người tu, tới giờ tụng kinh thì gượng gạo đi, tới giờ ngồi thiền thì ráng ngồi, chứ không phấn khởi, không vui, vậy mà trông chứng đạo, trông giác ngộ là chuyện không bao giờ có. Bậc Đại thừa nỗ lực tu hành, chừng nào thành công cũng được, không đặt thời gian, không mong đợi. Vì vậy các ngài không đặt ra bao nhiêu năm, miễn tu thành Phật là được rồi, không nói gì khác. Đó là tinh thần Đại thừa.

Người thật tâm tu hành cố gắng gạt bỏ hết mọi phiền não, điên đảo loạn tưởng, những thứ ấy sạch rồi tâm thanh tịnh, trí tuệ phát sáng. Lo một việc đó thôi, còn chuyện chừng nào sáng không đặt thành vấn đề. Người không hiểu có những hành động, tư tưởng trái với lẽ thật. Tu thì ngán ngược ngán xuôi mà thành Phật thì đòi cho sớm. Như vậy được không? Bây giờ cứ nỗ lực tu đi, chừng nào thành cũng được. Làm sao ngày nào cũng tinh tấn, mãi mãi tinh tấn thì nhất định ngày thành Phật sẽ đến.

Như người đi từ đây về tới Thành phố, nếu hơi lười thì đi một hồi hỏi gần tới Thành phố chưa? Với người không lười nhác cứ cắm cúi đi, đi hoài cũng sẽ tới Thành phố, không cần hỏi ai chi cho mệt. Trừ khi tới ngã ba thấy lạ thì hỏi một chút thôi, để không bị lạc đường, chứ không cần hỏi gần hay xa. Quyết đi thì sẽ tới, điều này chắc chắn như vậy. Chỉ hỏi thăm thì có đưa tới nơi không? Khi hỏi thăm thì thấy tâm ngán đường dài hiện ra rõ ràng. Người ngán là người yếu đuối. Người không ngán cứ cắm cúi đi là người mạnh mẽ, là Đại thừa.

Khi nghe Phật thọ ký như vậy bà Thắng Man mừng, nếu chúng ta chắc là ngán, thà rằng đừng thọ ký còn ít ngán hơn, thọ ký dài quá ngán ngược ngán xuôi. Một vô số kiếp đã ngán rồi, huống là hơn hai vạn vô số, thôi thì quá sức tưởng tượng! Bà là người nữ mà không ngán lại mừng, để thấy tâm niệm của chúng ta còn kém xa Thắng Man, cần phải phấn phát vươn lên.

Chánh văn: 

Khi Thắng Man phu nhân được thọ ký thì vô lượng chúng sanh gồm cả trời, người đều nguyện xin về nước ấy. Thế Tôn đều thọ ký cho tất cả sẽ được vãng sanh. 

Giảng:

Như vậy là hết phẩm phát nguyện của bà.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.