Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Phẩm Kiên Cố giảng giải



Kiên cố là bền chắc, cứng rắn không gì phá vỡ được. Đầu tiên ngài Xá-lợi Tử hỏi.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa là hành pháp kiên cố hay hành pháp không kiên cố? 

Thiện Hiện đáp:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa là hành pháp không kiên cố, chẳng phải hành pháp kiên cố. Vì sao? Tôn giả Xá-lợi Tử! 

Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm và tất cả pháp cứu cánh đều là tánh không kiên cố. Vì cớ sao? Vì chư Bồ-tát ma-ha-tát khi hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa và tất cả pháp còn không có pháp không kiên cố có thể được, huống thấy pháp kiên cố có thể được.

Tại sao các đại Bồ-tát khi hành thâm Bát-nhã là hành pháp không kiên cố? Vì các ngài dùng mắt trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp không có tánh kiên cố, bản chất không bền chắc. Tánh các pháp hư giả, thay đổi luôn, Bồ-tát thấy biết chúng không cố định nên tâm không chấp trước, không quyết đoán một bên. Đó gọi là hành pháp không kiên cố, chẳng phải tâm các ngài bị lay chuyển mà gọi là không kiên cố.

Câu trên vừa trả lời dứt khoát như vậy, câu dưới tiếp theo nói, các Bồ-tát đối với pháp Bát-nhã và tất cả pháp còn không thấy có pháp không kiên cố có thể được, huống thấy có pháp kiên cố có thể được. Cả kiên cố và không kiên cố đều bác luôn. Tại sao? Nói kiên cố hay không kiên cố là ngôn ngữ đối đãi, mỗi pháp đều không có tướng quyết định, không thể dùng danh tự ngữ ngôn để chấp chặt một bên. Vì thế ngài Thiện Hiện trả lời vừa khẳng định vừa phủ định.

Lúc đó có vô lượng vị thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc đều khởi nghĩ: Nếu thiện nam tử Bồ-tát thừa hay phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tuy thực hành nghĩa thú sâu thẳm của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đối với thật tế khéo không tác chứng, không sa vào bậc Thanh văn, Độc giác. Do nhân duyên này, những vị ấy rất là ít có, hay làm việc khó làm, thế nên phải cung kính. Vì cớ sao? Vì các thiện nam tử Bồ-tát thừa này tuy thực hành pháp tánh mà ở trong đó khéo không tác chứng.

Đây nói các thiện nam thiện nữ theo Bồ-tát thừa tuy thực hành nghĩa thú Bát-nhã sâu thẳm, nhưng đối với thật tế không tác chứng, nghĩa là sao? Nghĩa là khi các vị ấy thực hành sâu Bát-nhã đến chỗ đã tỉnh giác, mà không an trụ chỗ tỉnh giác đó, nguyện độ tất cả chúng hữu tình, lăn vô thế gian để cứu chúng sanh. Như vậy gọi là không tác chứng. Những vị tu khi giác ngộ, thấy mình thoát khỏi vòng phàm tục, ngay đó các ngài an trụ rồi tác chứng, vì vậy rơi vào hàng Thanh văn, Độc giác. Các Bồ-tát này thì không như vậy, nên nói những vị ấy làm việc khó làm, ít có. Tâm niệm của các thiên tử cõi Dục, cõi Sắc đều khởi nghĩ cung kính đối với các Bồ-tát thực hành Bát-nhã mà không tác chứng.

Thiện Hiện biết tâm niệm của các thiên tử, bèn bảo rằng:

– Các thiện nam tử Bồ-tát thừa này không chứng thật tế, không sa vào bậc Thanh văn, Độc giác, không phải là điều rất ít có, cũng chưa lấy làm khó. Nếu chư Bồ-tát ma-ha-tát biết tất cả pháp và các hữu tình cứu cánh không phải có, đều không thể được, mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, mặc giáp tinh tấn, thệ độ vô lượng vô biên hữu tình khiến vào Vô dư Niết-bàn. Bồ-tát ma-ha-tát này mới rất ít có, hay làm việc khó làm.

Ít có, khó làm tại chỗ nào? Thấy tất cả hữu tình là không thể được, không thật có, mà vẫn phát tâm vô thượng, mặc giáp tinh tấn độ hữu tình vào Vô dư Niết-bàn. Câu này giống câu trong kinh Kim Cang, độ tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết-bàn mà không thấy có chúng sanh được độ. Câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề trong kinh Kim Cang là phương pháp hàng phục tâm. Phật dạy độ tất cả chúng hữu tình là hữu tình trong tâm, còn ở đây là thấy chúng hữu tình ở ngoài không thật, như huyễn như hóa mà vẫn phát tâm nguyện độ tất cả. Đó là việc rất khó làm.

Ở thế gian, khi làm việc gì mà biết đó là giả dối có ai chịu làm không? Không ai can đảm, vì làm uổng công. Có hai hạng người biết giả dối vẫn làm, một là nghệ sĩ, hai là Bồ-tát. Nghệ sĩ biết tuồng tích không thật nhưng vẫn hăng hái biểu diễn. Bồ-tát biết tất cả chúng sanh duyên hợp hư dối không thật, vẫn xông pha độ tất cả chúng hữu tình. Hai bên khác nhau chỗ nào? Nghệ sĩ biết giả vẫn hăng hái làm vì được trả lương. Sân khấu tuy giả nhưng đồng lương thì thật. Khi lên sân khấu, được người hoan nghênh thì phấn khởi, bị người chê thì buồn bã, thấy khen chê là thật. Khi ra khỏi sân khấu thấy mình là thật. Bồ-tát không như vậy, biết tất cả chúng sanh không thật, nhưng không phải không có chúng sanh. Biết đời sống chúng sanh tạm bợ ngắn ngủi, các ngài vẫn hăng hái độ sanh, biết giả mà vẫn làm, để mong cầu cái gì? Không vì mình mà chỉ vì lợi lạc tất cả chúng sanh. Chỗ khác nhau giữa Bồ-tát và nghệ sĩ là như vậy. Bồ-tát mặc giáp tinh tấn thệ độ vô lượng chúng sanh, không cầu quyền lợi mà cũng không thấy có mình thật.

Bồ-tát mặc giáp tinh tấn điều phục tất cả hữu tình, chẳng khác nào mặc giáp điều phục hư không. Như có người mặc giáp cầm cung tên chiến đấu với hư không, mình nghĩ người đó là điên. Hư không mà, đánh với nó làm chi, tốn công vô ích. Các Bồ-tát này có điên không? Có hai điểm chúng ta cần hiểu rõ. Thứ nhất, Bồ-tát dùng trí tuệ thấy chúng hữu tình tạm bợ hư dối, nhưng chúng sanh luôn thấy mình thật, cảnh thật. Vì thấy thật nên luôn luôn khổ đau. Bồ-tát giáo hóa điều phục họ, giúp tỉnh thức hết khổ đau. Thứ hai, biết chúng hữu tình không thật, Bồ-tát vẫn xông pha cứu độ như xông vào hư không. Chúng sanh hư dối, điều phục cũng hư dối, biết vậy vẫn hăng hái làm, vì tất cả việc làm cũng không thật. Đây nói chư Bồ-tát ma-ha-tát biết tất cả pháp và các hữu tình cứu cánh không phải có, đều không thể được, mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác… để chỉ rõ ý này.

Thiên tử nên biết! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát tuy biết hữu tình cứu cánh không phải có, trọn không thể được, mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, mặc giáp tinh tấn, vì muốn điều phục các loài hữu tình, như có người vì muốn điều phục hư không. Vì sao? Chư thiên tử! Vì hư không ly nên biết tất cả hữu tình cũng ly, vì hư không không nên biết tất cả hữu tình cũng không, vì hư không không chắc chắn nên biết tất cả hữu tình cũng không chắc chắn, vì hư không không thể có nên biết tất cả hữu tình cũng không thể có, do nhân duyên này… nên Bồ-tát ma-ha-tát ấy mới rất ít có, hay làm việc khó làm.

Đoạn trên khen ngợi chư Bồ-tát là các bậc ít có ở thế gian, hay làm việc khó làm. Đoạn này nói thí dụ Bồ-tát điều phục hữu tình như điều phục hư không. Vì sao? Vì hư không tánh ly, hư không luôn lìa bỏ không dính mắc.

Người ta không thể nắm hư không, hữu tình cũng như thế, không có tánh cố định, không thể nắm bắt. Vì hư không không nên biết tất cả hữu tình cũng không, vì hư không không chắc chắn nên biết tất cả hữu tình cũng không chắc chắn… Ý nghĩa này xác định rõ ràng việc làm của Bồ tát. Biết hữu tình như hư không, dùng thí dụ điều phục hư không, luôn làm việc cứu độ mà tâm không dính mắc.

Thiên tử nên biết! Bồ-tát ma-ha-tát này mặc giáp đại nguyện, vì muốn điều phục tất cả hữu tình, mà các hữu tình cứu cánh không phải có, trọn chẳng thể được, như có người mặc giáp chiến đấu với hư không. Thiên tử! Bồ-tát ma-ha-tát này mặc giáp đại nguyện, vì muốn làm lợi ích tất cả hữu tình, mà các hữu tình và giáp đại nguyện cứu cánh chẳng có, đều không thể được. Vì sao? Chư thiên tử! Vì hữu tình ly, nên giáp đại nguyện này cũng ly. Vì hữu tình không, nên giáp đại nguyện cũng không. Vì hữu tình không chắc thật, nên giáp đại nguyện cũng không chắc thật. Vì hữu tình không thể có, nên giáp đại nguyện này cũng không thể có. 

Thiên tử! Bồ-tát ma-ha-tát này làm việc điều phục và lợi ích các hữu tình cũng không thể được. Vì sao? Chư thiên tử! Vì hữu tình ly, nên việc điều phục, lợi ích cũng ly. Vì hữu tình không, nên việc điều phục, lợi ích cũng không. Vì hữu tình không chắc thật, nên việc điều phục, lợi ích cũng không chắc thật. Vì hữu tình không thể có, nên việc điều phục, lợi ích cũng không thể có. 

Thiên tử! Chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng không thể có. Vì sao? Chư thiên tử. Vì hữu tình ly, nên chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng ly. Vì hữu tình không, nên chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng không. Vì hữu tình không chắc thật, nên chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng không chắc thật. Vì hữu tình không thể có, nên chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng không thể có. 

Nối tiếp ý trước, Bồ-tát muốn làm lợi ích hữu tình nên mặc giáp đại nguyện. Hữu tình không thật, giáp đại nguyện cứu cánh chẳng có. Bồ-tát thấy đối tượng không thật, phương tiện cứu giúp cũng không thật, đó là thấu tột lý Bát-nhã, người và pháp đều không.

Vì hữu tình ly, nên giáp đại nguyện này cũng ly. Vì hữu tình không, nên giáp đại nguyện cũng không. Vì hữu tình không chắc thật, nên giáp đại nguyện cũng không chắc thật. Vì hữu tình không thể có, nên giáp đại nguyện này cũng không thể có. Mấy câu này lặp đi lặp lại để nhấn mạnh về tánh không của các pháp. Chúng ta có phải hữu tình không? Phật nói hữu tình duyên hợp như huyễn, tại sao đây nói hữu tình ly? Vì có ly nên mới có hợp, nếu nó nguyên vẹn chắc thật cố định thì không có ly hợp.

Hiện tại mỗi ngày chúng ta ăn uống bồi bổ thân thể, vì bản chất nó là lủng bể không chắc thật nên cứ phải thêm vào, tìm chất này chất kia giữ gìn cho nó đừng tan hoại. Bồi bổ nhưng thân này có còn hoài không? Rốt cùng cũng phải lìa, bản chất nó là ly là tan hoại. Đó là nói hình thức thô, hình thức tế thì trong từng giây phút các tế bào của chúng ta sanh diệt luôn luôn. Cái này vừa bị loại, phải có tế bào mới khác để thế chỗ. Sanh diệt nhỏ nhiệm không ngừng của tế bào dẫn tới sanh diệt của từng bộ phận, đến sanh diệt của khối thân thể này, chúng luôn luôn tụ rồi tan, ly rồi hợp.

Xét kỹ từng tâm niệm vọng tưởng của chúng ta cũng là ly. Có người nào giữ được một vọng tưởng từ sáng đến chiều không? Nó thay đổi biến thiên từng sát-na. Tình cảm cũng vui buồn không thường, cười đó khóc đó. Bản chất của hữu tình là không chắc thật, nhìn ra hoàn cảnh xã hội cũng không có gì bền chắc. Kinh nói hữu tình là không, là ly, là không chắc thật, điều này rất đúng.

Chỉ vì chúng ta si mê, sống trong vay mượn mà cứ tưởng là thật của mình. Thân này do đất nước gió lửa tạo thành, nó luôn đòi hỏi tứ đại bên ngoài phải bồi bổ, tứ đại trong thân mới tồn tại. Hơi thở là mượn không khí đem vô rồi trả ra, ăn cơm uống nước là mượn đất, mượn nước, bù đắp cái thân ghẻ đói. Cả ngày làm chuyện mượn trả, nếu êm xuôi thì thấy hạnh phúc, đem vô không trả ra được hay trả ra rồi không mượn vô được đều đau khổ. Khi trả ra hết không mượn lại được thì sao? Chết. Cuộc sống này sống bằng vay mượn, chỉ là trả gần trả xa, trả sớm trả muộn vậy thôi. Vay mượn mà cho là thật của mình, vay mượn tạm bợ mà chấp là bền lâu chắc thật, đó là si mê. Từ si mê sanh tham sân. Nếu rõ gốc ngu si lầm chấp, chúng ta buông bỏ tham sân, nhìn bản thân mình và các pháp bên ngoài đều là tánh ly thì đâu còn gì phiền não đau khổ.

Tinh thần Bát-nhã chỉ cho chúng ta thấy rõ lẽ thật. Hữu tình không thật, giáp đại nguyện cứu giúp hữu tình không thật, điều phục chúng sanh cũng không thật. Bồ-tát có thấy mình thật không? Bồ-tát chỉ là một hữu tình giác ngộ, từ cội gốc giác ngộ căn bản này làm tất cả việc, tinh tấn mặc giáp đại nguyện lăn xả vào cuộc đời như huyễn, như chiến đấu với hư không. Đó mới thật là lợi ích. Danh từ trong kinh thường nói tam luân không tịch, thấy chúng sanh hư dối, việc làm lợi ích hư dối, và người làm cũng hư dối. Cả ba đều vắng lặng, thấu suốt triệt để lý Bát-nhã đến chỗ này mới hoàn toàn rốt ráo.

Chư thiên tử! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói như thế tâm không chìm lặng, cũng không lo buồn, không kinh sợ, nên biết Bồ-tát ma-ha-tát này hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Chư thiên tử! Vì hữu tình ly, nên biết sắc uẩn cũng ly. Vì hữu tình ly, nên thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhãn xứ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý xứ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên sắc xứ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhãn giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhãn thức giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhãn xúc làm duyên sanh các thọ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, xúc làm duyên sanh các thọ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết địa giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nhân duyên cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên cũng ly. 

Bồ-tát nghe nói hữu tình không chắc thật, chư Bồ-tát cũng không chắc thật, điều phục lợi ích hữu tình cũng không thật, tâm không lo buồn, không kinh sợ, như vậy mới thật là hành thâm Bát-nhã. Tâm Bồ-tát đã kiên cố, thấu rõ các pháp tánh không, nên không bận tâm, không sợ hãi, luôn làm việc lợi ích mà luôn xả ly.

Giải thích tiếp về chữ ly, có thể chia làm ba phần. Phần một nói về các pháp thế gian ly, năm uẩn ly, sáu xứ từ sắc xứ đến pháp xứ ly, sáu giới, sáu thức, sáu thọ cũng đều ly. Đây là quán sát phân tích từng phần trong thân, cho đến hợp chung lại thập nhị xứ, thập bát giới hoàn toàn lìa, không có gì cố định chắc chắn. Kể cả sáu đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức cũng mang tính chất ly; các yếu tố nhân duyên để thành lập bản thân và ngoại cảnh đều ly. Luôn nắm chắc tánh ly để không vướng kẹt các pháp thế gian.

Vì hữu tình ly, nên biết vô minh cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết nội không cho đến vô tánh tự tánh không cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết chân như cho đến bất tư nghì giới cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết khổ thánh đế cho đến đạo thánh đế cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết tứ niệm trụ cho đến bát thánh đạo cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết tứ tĩnh lự, tứ vô lượng, tứ vô sắc định cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết ba môn giải thoát Không, vô tướng, vô nguyện cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết bát giải thoát cho đến thập biến xứ cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa cũng ly.

Phần hai, nói về các pháp xuất thế, thuộc pháp tu của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Các bậc thánh xa lìa hữu tình thế gian, đạt được chỗ an trụ trong tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục ba-la-mật. Các pháp hành thâm sâu này rốt cuộc cũng xa lìa. Để thấy rằng dù còn ở quả vị Thanh văn, Duyên giác hay Bồ-tát cũng phải rời bỏ. Các pháp quán chỉ là phương tiện như chiếc bè đưa qua sông, không nên ôm giữ.

Vì hữu tình ly, nên biết nội không cho đến vô tánh tự tánh không cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết chân như cho đến bất tư nghì giới cũng ly. Còn đặt ra danh từ, dù là danh từ giải thoát cũng phải buông bỏ. Trong đây có tên từ tĩnh lự tức là tứ thiền, tứ vô lượng là tứ vô lượng tâm. Thập biến xứ là pháp quán dùng mười đối tượng: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức, thanh, huỳnh, xích, bạch làm đề mục. Thí như quán địa đại, thấy địa đại trùm khắp là thành công. Áp dụng một trong mười đề mục này, chuyên chú vào đó, tâm được định trùm khắp nên gọi thập biến xứ. Lối quán này rất công phu, nhưng dù thành tựu cũng phải ly. Tịnh quản địa, là pháp quán một cõi Phật thanh tịnh, như quán cõi Cực lạc của Phật A-di-đà, quán cõi Phật Dược Sư… Tâm luôn ở trong cõi Phật thanh tịnh, chuyên nhất không tạp loạn. Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa cũng ly. Dù quán được đến đất Phật cũng ly, còn trụ là còn thấy có thật. Cực hỷ địa là sơ Hoan hỷ địa của Bồ tát. Từ đây cho đến địa vị thứ mười là Pháp vân địa cũng xả ly.

Vì hữu tình ly, nên biết Nhất thiết trí, Đà-la-ni môn, Tam-ma-địa môn cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết ngũ nhãn, lục thông cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết pháp không quên mất, tánh hằng trụ xả cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết tất cả hạnh Bồ-tát ma-ha-tát, Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết Nhất thiết trí trí cũng ly. Vì hữu tình ly, nên biết tất cả pháp cũng ly. Thiên tử nên biết! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi nghe nói tất cả pháp đều ly, tâm kia không kinh sợ, không chìm lặng, nên biết Bồ-tát ma-ha-tát này đã hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phần ba, nói về các kết quả thần thông, tam-muội của chư Phật, chư Bồ-tát như Nhất thiết trí, Đà-la-ni môn tức môn Tổng trì, Tam-ma-địa là chánh định… cũng đều ly. Vì hữu tình ly, nên biết mười lực của Như Lai cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật cũng ly. Đi dần từ pháp phàm phu cho đến pháp của thánh nhân, không một pháp nào có thể được. Ngay cả ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng ly. Kinh Kim Cang nói, nếu còn dùng hình sắc hay âm thanh cầu Phật, cũng là hành tà đạo.

Thiền sư Thiệu Tu (Tu Sơn Chủ) có câu:

Đầy đủ pháp phàm phu, phàm phu chẳng biết; Đầy đủ pháp thánh nhân, thánh nhân chẳng hay. Thánh nhân nếu hội tức là phàm phu. Phàm phu nếu biết tức là thánh nhân.

Chỗ này cũng một ý với đoạn kinh trên. Tất cả pháp từ phàm phu đến thánh đều không có một pháp thật, chỉ mượn phương tiện ngôn ngữ diễn tả có năm uẩn, sáu giới… có quả vị Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Phật. Phàm phu không thật là phàm phu, hiền thánh không thật là hiền thánh. Phàm phu nếu biết tu, biết xả ly liền là hiền thánh. Ngược lại, hiền thánh còn chấp pháp hiền thánh, tức là phàm phu. Học Bát-nhã cốt phá chấp, gỡ sạch những vướng kẹt trên đường tu chứng. Ngài Thiện Hiện dẫn dắt chúng ta lìa bỏ từ thấp lên cao đến cuối cùng lìa bỏ rốt ráo. Vì hữu tình ly, nên biết tất cả hạnh Bồ-tát ma-ha-tát, Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật cũng ly.

Biết rõ từ phàm phu đến thánh không có một pháp thật mà tâm không kinh sợ, nên biết người đó hành thâm Bát-nhã. Chúng ta tu là để cầu thành Phật, nghe nói Phật không thật thì không sợ sao được? Cầu pháp để tu mà nói pháp tứ đế, thập nhị nhân duyên đều không thật thì không sợ sao được? Lục độ cũng là pháp quan trọng của Bồ-tát mà cũng không thật thì sao? Chỗ đâu mà tu, chỗ đâu mà chứng? Nếu không hiểu sâu Bát-nhã thì phải sợ. Nếu hiểu sâu Bát-nhã thì không sợ.

Thế Tôn bảo Thiện Hiện: 

– Do nhân duyên gì chư Bồ-tát ma-ha-tát khi nghe nói tất cả pháp đều ly, tâm không kinh sợ, không chìm lặng? 

Cụ Thọ Thiện Hiện bạch: 

– Thế Tôn! Do tất cả pháp đều viễn ly nên chư Bồ-tát ma-ha-tát khi nghe nói tất cả pháp đều ly, tâm không kinh sợ không chìm lặng. Vì cớ sao? Vì chư Bồ-tát ma-ha-tát đối tất cả pháp hoặc hay kinh sợ, hoặc bị kinh sợ, hoặc chỗ kinh sợ, hoặc thời gian kinh sợ, hoặc người kinh sợ, do những kinh sợ này, đều không thể được, vì tất cả pháp đều không thể được. Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói việc này tâm không kinh sợ, không lo buồn, không chìm lặng, nên biết Bồ-tát ma-ha-tát này đã hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát này quán tất cả pháp đều không thể được, không thể thi thiết là hay chìm lặng là bị chìm lặng, là chỗ chìm lặng, là thời gian chìm lặng, là người chìm lặng, lý do chìm lặng, do nhân duyên này nên Bồ-tát ma-ha-tát nghe việc như thế tâm không chìm lặng, cũng không kinh sợ, không lo buồn. Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế thì chư thiên, Đế-thích, vua trời Đại Phạm… đều kính lễ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán. 

Vì sao khi nghe nói tất cả đều ly mà tâm không kinh sợ? Vì bản thể các pháp là viễn ly, biết tất cả pháp không gì cố định lâu bền, biết đúng như thật thì tâm vững vàng không kinh sợ. Như tôi nói với đại chúng, thân chúng ta rồi sẽ tan hoại, biết rõ như thật không nghi ngờ. Ngày mai, ngày kia mình bệnh, người ta nói mình sẽ chết, lúc đó có sợ không? Biết thân hư giả, có hợp phải có tan, mai kia bệnh chết cũng là chuyện thường, không có gì náo động. Chỉ nghĩ thân ta sống lâu nên khi nghe chết giật mình, đó là vì không biết đúng như thật. Biết tất cả pháp nguyên nó là ly, bây giờ nói chuyện ly cũng là thường, không có gì lạ lùng đến sợ hãi.

Ngài Thiện Hiện nói thêm, chư Bồ-tát ma-ha-tát đối tất cả pháp hoặc hay kinh sợ, hoặc bị kinh sợ, hoặc chỗ kinh sợ, hoặc thời gian kinh sợ, hoặc người kinh sợ, hoặc do đây sanh kinh sợ đều không thể được, vì tất cả pháp đều không thể được. Rõ ràng pháp kinh sợ đứng về mặt năng sở, thời gian, nơi chốn, lý do kinh sợ đều không có thật, không thể được. Ngay cả pháp kinh sợ cũng không thật nên Bồ-tát không thấy gì đáng kinh sợ.

Tiếp theo, đại Bồ-tát quán sát các pháp đều không thể được, không thể thi thiết là hay chìm lặng, là bị chìm lặng, là chỗ chìm lặng… Chìm lặng là mất đi, các pháp không thể tạo ra hay làm cho mất, không thể bị kinh sợ hay làm cho kinh sợ… Biết rõ nhân duyên của các pháp như thế, Bồ-tát biết rằng kinh sợ, lo buồn, sanh diệt đều không thật, quán sát đến chỗ tột cùng không một pháp nào thật. Đây gọi là hành Bát-nhã sâu thẳm, được tất cả chư thiên, Đế-thích, vua trời Đại Phạm… kính lễ cúng dường.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Bát-nhã ba-la- mật-đa sâu thẳm như thế, chẳng những hằng được chư thiên, Đế-thích, vua trời Đại Phạm… đều kính lễ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, mà chư Bồ-tát ma-ha-tát này còn được các cõi trời Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, Quảng Quả, Tịnh Cư và các vị thiên, long, a-tố-lạc… đều kính lễ, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán. Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế cũng được tất cả Như Lai ở thế giới khắp mười phương vô lượng vô biên và chúng Bồ-tát ma-ha-tát thường cùng hộ niệm. 

Thiện Hiện nên biết, Bồ-tát ma-ha-tát này hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, tức khiến tất cả công đức thiện căn chóng được viên mãn. Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Bát-nhã ba-la- mật-đa như thế thường được chư Phật, chư Bồ-tát và thiên, long, a-tố-lạc… nhớ tưởng giữ gìn, nên biết Bồ-tát này sẽ hành chỗ Phật đã hành, cũng chân chánh tu hành hạnh Phật đã hành, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Đây là lời khen ngợi vị Bồ-tát hành Bát-nhã thâm sâu sẽ được chư thiên, Đế-thích, vua trời Đại Phạm cúng dường cung kính. Chẳng những thế, chư thiên các cõi trời Cực Quang Tịnh, Biến Tịnh, Quảng Quả, Tịnh Cư, tất cả thiên long bát bộ đều kính lễ, tôn trọng tán thán. Vì Bồ-tát này được chư Phật, chư Bồ-tát mười phương thường hộ niệm. Chỉ cần sống với trí Bát-nhã, luôn quán các pháp đúng như thật tánh của nó, không sanh không diệt, không đến không đi, tâm thường kiên định không lay chuyển. Tu tập như thế gọi là thành tựu căn lành, đi con đường chư Phật đã đi, rốt cuộc mau chóng chứng quả Bồ-đề.

Thiện Hiện nên biết, Bồ-tát ma-ha-tát này đã đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được không thối chuyển, tất cả quân ma ngoại đạo, ác tri thức… không thể làm lưu nạn. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát này tâm kiên cố như kim cang. Giả sử các loài hữu tình ở trong thế giới tam thiên đại thiên đều biến làm ma, mỗi con ma đó lại biến thành chừng ấy ác ma, các thứ ác ma này đều có vô lượng vô số thần lực. Các ác ma này đều dốc hết thần lực mà cũng không thể làm lưu nạn được Bồ-tát ma-ha-tát này, khiến không thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm và đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc có thối chuyển. Vì sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát này đã được Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, biết tất cả pháp không thể được. 

Bồ-tát thực hành được như vậy, tất cả quân ma, ngoại đạo, ác tri thức không thể ngăn trở, làm chướng nạn.

Vì sao? Vì Bồ-tát này tâm kiên cố như kim cương. Trong bài Văn Phát Nguyện chúng ta đọc mỗi tối có câu Lập chí vững chắc như kim cương, có trí Bát-nhã thì tâm vững chắc, không có chướng nạn nào làm trở ngại.

Phật nói thêm, giả sử loài hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới đều làm ma hết, đi đến phá phách người tu này, cũng không ngăn trở được. Tôi thí dụ rất nhỏ, chỉ quả địa cầu này có năm tỷ người, năm tỷ người hóa làm ma. Rồi mỗi người như vậy lại hóa thành năm tỷ con ma khác, hằng hà sa số ma đến làm chướng ngại Bồ-tát, cũng không chướng ngại được. Nghe nói có ngán không? Chúng ta tu mà bị chừng hai con ma phá chịu còn không nổi, huống chi tất cả ma trong thế giới đến phá! Nhưng nếu có người đem cả một bầu trời ma quỷ bằng giấy thả xuống ngay chỗ mình ngồi tu, có sợ không? Không sợ mà còn cười. Biết nó là giả thì bao nhiêu cũng không sợ.

Bồ-tát dùng trí Bát-nhã thấy tất cả hữu tình không thật, ma không thật, chính thân mình cũng không thật, còn gì để sợ. Đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề, trước khi thành đạo có bao nhiêu quân ma kéo đến làm chướng nạn, ngài chỉ dùng kiếm trí tuệ, cung thiền định mà thắng nó. Ngài thấy nó giả dối không thật nên tâm an định, tự nhiên ma quân tan hết. Thấy giả dối là dùng kiếm trí tuệ, tâm an định không sợ là cung thiền định, chỉ hai cách đó, không dùng bùa chú gì khác. Nếu trị ma bằng bùa chú là còn thấy mình thật, ma thật, bùa chú mạnh thì thắng ma, bùa chú yếu thì ma thắng mình. Người tu Phật không áp dụng cách này, không vẽ bùa chú, không trấn áp quỷ thần, chỉ dùng kiếm trí tuệ Bát-nhã và cung thiền định để đối trị ma. Khi tu thiền, ngồi tỉnh giác vững chãi, trí tuệ sáng suốt, thấy mọi cảnh giới kéo đến đều hư huyễn thì không ma nào phá được. Đây là chỗ thiết yếu cần phải lưu tâm kỹ.

Tất cả sợ hãi đều từ chỗ thấy thật mà ra. Như có người vẽ hình cọp trên miếng vải, chiều tối núp trong bụi cây, đợi có ai đi ngang thì mang lốt cọp nhảy ra chụp. Nếu biết là cọp giả, người bị dọa không bỏ chạy mà còn đánh lại. Bồ-tát thấy tất cả pháp không thật là người lớn khôn, chúng sanh thấy cái gì cũng thật, thấy cái gì cũng sợ là trẻ con. Chỉ vì ngu si, cái giả mà tưởng là thật rồi mọi sợ hãi theo đó sanh ra. Nếu có trí tuệ thì không lầm, bao nhiêu cái giả đến với mình cũng như trò chơi, đâu còn gì để sợ. Trên đường tu chúng ta phải thấy bằng trí tuệ Bát-nhã, chỉ có Bát-nhã mới cứu mình ra khỏi kinh hoàng.

Lại, Thiện Hiện! Gác việc các loài hữu tình ở thế giới tam thiên đại thiên biến làm ma, giả sử tất cả loài hữu tình ở thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng đều biến làm ma, chúng ma này mỗi mỗi hóa làm chừng ấy ác ma, các ác ma này đều có vô lượng vô số thần lực. Các ác ma này dốc hết thần lực cũng không thể làm lưu nạn được Bồ-tát ma-ha-tát ấy, khiến không thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm và đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc có thối chuyển. Vì sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát này đã được Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, vì biết tất cả pháp không thể được. 

Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát thành tựu hai pháp thì tất cả ác ma không thể làm lưu nạn khiến không thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc có thối chuyển. Thế nào là hai pháp? Một là không bỏ tất cả hữu tình. Hai là quán sát tất cả pháp đều không.

Tiếp theo đoạn trước, Phật nói không kể việc các loài hữu tình ở tam thiên đại thiên thế giới đều biến làm ma, giả sử tất cả hữu tình ở thế giới chư Phật đều biến làm ma, mỗi mỗi ma hóa thành chừng ấy ác ma đều có vô lượng thần lực. Ma ở cấp độ này nhiều hơn và mạnh mẽ hơn, dù dốc hết sức cũng không làm chướng ngại Bồ-tát. Chúng ta sống bình thường thì thấy mọi người đều thân thiện tốt đẹp, khi gặp việc tham sân nổi lên thì người chung quanh đều biến thành ma gây khổ nạn cho mình. Cho nên nói hữu tình hóa thành ma cũng không gì lạ. Nhưng đối với Bồ-tát hành Bát-nhã sâu thẳm, trí tuệ biết tất cả các pháp không thể được, không thật có thì dù cho ma nhiều đến đâu cũng không làm các ngài thối tâm. Thí dụ này chứng tỏ sức mạnh kiên cố của trí Bát-nhã.

Bồ-tát thành tựu hai pháp thì tất cả ác ma không thể làm chướng nạn, khiến không thể tu pháp Bát-nhã và thối chuyển đạo quả Bồ-đề. Một là không bỏ tất cả hữu tình, hai là quán sát tất cả pháp đều không: tức là từ bi và trí tuệ. Từ bi và trí tuệ là nền tảng của người tu Phật, thiếu một trong hai thì không thể trọn vẹn thành Phật. Vì vậy khi phát tâm tu, muốn khỏi bị chướng nạn phải có đủ hai yếu tố này. Từ bi là điều kiện trước tiên, thiếu từ bi là thiếu đạo đức. Nói gì cũng đúng lý mà không làm gì lợi ích chúng sanh, người ta phê bình là đạo đức giả. Thiếu từ bi thì trí tuệ chỉ là thiên chấp một bên, nhưng từ bi quá độ mà không có trí tuệ thì trở nên yếu đuối ủy mỵ. Phải khéo léo dung hòa.

Khi chúng ta xuất gia, có người hỏi mình xuất gia để làm gì, trả lời: Tôi tu vì thương xót chúng sanh, tu để cầu giác ngộ như Phật. Đó là đầy đủ từ bi và trí tuệ. Thương tất cả chúng sanh, bắt đầu từ những huynh đệ ở gần, cùng lý tưởng tu hành, cùng tâm niệm giải thoát, ai cần thì mình giúp, từ người gần rồi đến ở ngoài. Nếu người gần nhất trong nhà không thương không giúp đỡ, thương những người ở xa nhiều hơn thì không đúng đạo lý. Như Phật tử nói, có số người ở Thành phố khoảng tháng hai tháng ba xuống Châu Đốc, đến miếu Bà Chúa Xứ vay tiền về làm ăn cho khá… hỏi tôi: như vậy đúng hay không? Tôi không nói đúng hay sai, chỉ nói từ Thành phố xuống Châu Đốc vay tiền để làm ăn khá giả thì chắc rằng tại Châu Đốc không có người nghèo. Ở gần một bên núi Bà, vô vay tiền chút xíu không tốn công. Nơi nào có quyền lợi thì địa phương ở đó hưởng trước rồi mới đến người phương xa. Tại chỗ vẫn còn người nghèo, người ở xa nghe nói huyền bí rồi khởi lòng tham, không thấy được lẽ thật.

Tu phải có trí tuệ ở chỗ này, từ trí tuệ thấy lý đúng sai, khởi tâm thương xót mọi người, hướng dẫn họ sống đúng lời Phật dạy. Tinh thần Bồ-tát không bỏ sót một chúng hữu tình nào, tất cả đều là quyến thuộc, tất cả đều đáng thương đáng cứu giúp. Đó là thành tựu pháp thứ nhất.

Thứ hai là quán các pháp đều không, các pháp duyên sanh như huyễn không thật. Biết rõ như vậy để không chấp trước đắm mến. Nhiều khi chúng ta khởi lòng thương đem hết khả năng giúp người, mai sau mình gặp việc khó khăn mà không ai giúp lại thì sanh tâm buồn giận. Đã hết lòng với họ mà họ không nghĩ đến mình!… Vì còn thấy mình thật, người thật, việc làm thật nên mới hờn trách. Còn nghĩ đến việc làm ơn để người trả ơn mình, đó chỉ là đổi chác, không có từ bi cũng không có trí tuệ. Làm việc mà không chấp, không đòi hỏi người phải trả ơn xứng đáng, mới thật sự buông xả, thật sự thấy các pháp không thật.

Hai đức tính từ bi và trí tuệ luôn hỗ trợ cho nhau, giúp chúng ta thành tựu trọn vẹn hạnh Bồ-tát, cũng là điều kiện giúp chúng ta thoát khỏi ma nạn. Không bị ma nạn thì không bị chướng duyên ngăn trở, đường tu tập sẽ dễ dàng hơn.

Lại, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát thành tựu hai pháp thì tất cả ác ma không thể làm chướng ngại khiến không thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề hoặc có thối chuyển. Những gì là hai? Một, như lời nói thảy đều hay làm. Hai, thường được chư Phật hộ niệm. 

Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, chư thiên thần thường thường đến lễ kỉnh, gần gũi cúng dường, thưa hỏi, khuyến khích, nói thế này: “Lành thay, Đại sĩ! Ngài hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo như thế, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tất cả hữu tình không có chỗ nương tựa hay làm chỗ nương tựa, không có chỗ quy y hay làm chỗ quy y, không có người cứu hộ hay làm người cứu hộ, không chỗ thú hướng làm chỗ thú hướng, không nhà cửa làm nhà cửa, không cồn đảo làm cồn đảo, người tối tăm cho ánh sáng, người mù điếc cho tai mắt.” Vì sao? Thiện nam tử! Nếu người hay an ổn trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo thì chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tất cả ác ma không thể làm lưu nạn. 

Phật nói thêm hai điều thành tựu khiến ác ma không thể ngăn ngại Bồ-tát hành Bát-nhã. Một là như lời nói thảy đều hay làm, hai là thường được chư Phật hộ niệm.

Như lời nói thảy đều hay làm, nghĩa là nói được phải làm được. Chúng ta tu học Phật pháp, những điều Phật dạy về giới luật, về kinh nghiệm tu chứng, đều phải thực hành đầy đủ. Được đầy đủ rồi, nói dạy cho người sau mới có kết quả. Chúng ta không tham không sân, tu tập thiền được tỉnh giác, buông bỏ vọng tưởng lầm chấp, trí tuệ tăng trưởng, làm được như vậy rồi nói dạy mọi người mới thêm niềm tin và sức mạnh.

Nói được làm được là hạng người gì? Ngôn hạnh tương ưng danh vi viết Tổ, người mà hành động và lời nói hợp nhau, gọi là Tổ. Chúng ta tu cốt thành Phật thành tổ, phải thực hành cho được điều này. Nếu nói một đường làm một nẻo thì trái với đạo lý. Như vậy, làm được những gì mình nói, hoặc nói được những gì mình làm, đó là phần tự lực.

Thứ hai, thường được chư Phật hộ niệm là phần tha lực. Muốn được chư Phật hộ niệm, trước phải thực hành điều Phật dạy. Muốn hết phiền não phải buông bỏ vọng tưởng, muốn mau chóng được đạo quả phải siêng năng tinh tấn. Không phải cứ cầu Phật gia hộ mà tự bản thân mình lười biếng, cầu giải thoát mà thấy gì cũng chấp cho là thật không buông. Tự mình không nỗ lực tu thì chư Phật không thể gia hộ.

Những điều kiện này cho thấy giá trị của người tu rất cụ thể, rất quan trọng, đầy đủ đức tính tự lực tha lực thì ác ma không thể ngăn trở. Bốn điều Phật dạy là từ bi trí tuệ không thiếu, tự lực tha lực không thiếu. Không bao giờ trông vào tha lực mà không có tự lực. Gốc của sự tu là cố gắng thực hành những điều này. Người thực hành Bát-nhã đủ bốn điều như trên, được chư thiên thường đến lễ kính cúng dường, ngợi khen. Người như thế xứng đáng làm chỗ nương tựa, làm người cứu hộ, làm chỗ thú hướng, làm cồn đảo cho chúng hữu tình. Đem ánh sáng cho người tối tăm, đem tai mắt cho người mù điếc. Khi chưa học Bát-nhã, chúng ta như người mù điếc. Những điều chưa từng nghe thì cũng như điếc, những điều chưa hiểu thấu thì cũng như mù. Nhờ Phật chỉ dạy mới sáng tỏ thông hiểu chỗ tối tăm trước đây. Tinh thần của đạo Phật là đầy đủ từ bi trí tuệ, có trí tuệ thấy rõ chân lý để dẫn đường chúng sanh, làm nơi nương tựa cho chúng sanh, từ bi hóa độ không bỏ sót ai.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư, có đoạn Phật dạy người nào muốn nói kinh Pháp Hoa phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai là tâm từ bi lớn, y Như Lai là lòng nhu hòa nhẫn nhục không bỏ hữu tình, tòa Như Lai là nhất thiết pháp không, là trí tuệ. Các kinh điển nhà Phật đều chỉ dạy giống nhau. Chúng sanh rất khó điều phục, phải có lòng từ bi rộng lớn, phải đủ nhẫn nhục để cảm hóa họ. Đây là đức tính không bỏ tất cả hữu tình của Bồ-tát. Quán sát tất cả pháp đều không là trí tuệ Bát-nhã, là ngồi tòa Như Lai theo ý kinh Pháp Hoa. Chủ yếu tu tập của chúng ta không ngoài các điều kiện này, tu chân thật như thế không ác ma nào ngăn trở được.

Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế sẽ được Như Lai Ứng Chánh đẳng giác ở mười phương vô lượng vô số vô biên thế giới, với chúng Tỳ-kheo hiện tại vây quanh trước sau, tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ở trong đại chúng tự nhiên vui vẻ khen ngợi, tán dương tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát ma-ha-tát này. Nghĩa là công đức chân tịnh an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Thiện Hiện nên biết, như ngày nay, ta nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, ở trong đại chúng, tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát Bảo Tràng, các Bồ-tát ma-ha-tát và những vị khác đang ở chỗ đức Phật Bất Động tu Phạm hạnh thanh tịnh. Nghĩa là công đức chân tịnh an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác hiện ở khắp mười phương vô lượng vô số vô biên thế giới vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, nơi ấy cũng có chư Bồ-tát ma-ha-tát tu Phạm hạnh thanh tịnh không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chư Như Lai Ứng Chánh đẳng giác kia, mỗi vị ở trong chúng vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát ma-ha-tát kia. Nghĩa là công đức chân tịnh không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm.

Nói về tán dương và khen ngợi những vị tu Bát-nhã. Nếu có vị Bồ-tát trụ Bát-nhã như thế sẽ được các đức Phật ở mười phương cùng chúng Tỳ-kheo vây quanh, tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, khen ngợi tán thán công đức của vị đó. Ví như khen ngợi công đức của Bồ-tát Bảo Tràng cùng chư Bồ-tát khác đang ở chỗ Phật Bất Động tu Phạm hạnh thanh tịnh. Tại sao tán dương khen ngợi? Vì Bồ-tát đó có công đức chân tịnh, an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Chân là chân thật, tịnh là trong sạch. Tất cả Bồ-tát khi tu Bát-nhã, hiểu rằng các pháp thế gian không có thật thể, đều là duyên hợp hư dối. Hiểu như vậy là thấy đúng lẽ thật, không cố chấp một pháp nào nên được trong sạch, chân thật. Tất cả chư Phật mười phương đều tuyên thuyết Bát-nhã như thế, tất cả chư đại Bồ-tát đều tu Phạm hạnh thanh tịnh không lìa Bát-nhã như thế. Chư Bồ-tát tu Bát-nhã đúng như lời chư Phật dạy, nên được tán dương khen ngợi công đức chân tịnh không lìa Bát-nhã.

Thiện Hiện lại bạch Phật: 

– Tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác khi vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, đều ở trong chúng tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của tất cả chúng Bồ-tát ma-ha-tát chăng? 

Phật bảo: 

– Không. Không phải chư Như Lai Ứng Chánh đẳng giác khi vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la- mật-đa, đều ở trong chúng tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của tất cả chúng Bồ-tát ma-ha-tát. Thiện Hiện nên biết, có Bồ-tát ma-ha-tát đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã được không thối chuyển, hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo, Bồ-tát ma-ha-tát này khi cầu Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, ở trong đại chúng Như Lai tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát này. 

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: 

– Vả có chúng Bồ-tát ma-ha-tát đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chưa được không thối chuyển mà tu Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo, Bồ-tát này khi cầu Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, ở trong chúng Như Lai tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức Bồ-tát kia chăng? 

Phật bảo: 

– Cũng có. Nghĩa là có chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuy đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chưa được không thối chuyển mà tu Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo, Bồ-tát ma-ha-tát này khi mong cầu Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, ở trong đại chúng Như Lai tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát kia. 

Ngài Thiện Hiện hỏi Phật, tất cả chư Phật khi tuyên thuyết Bát-nhã đều ở trong chúng tự nhiên tán thán khen ngợi các đại Bồ-tát, vị nào Phật cũng khen ngợi hết chăng? Phật trả lời, không. Chỉ có những vị Bồ-tát đối với Bát-nhã tu hành thâm sâu không thối chuyển, thực hành phương tiện khéo léo, vị này cầu Phật vì chúng sanh tuyên nói Bát-nhã sâu thẳm. Lúc đó Phật mới ở trong chúng, tán dương khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của những vị này.

Ngài Thiện Hiện lại hỏi, những vị Bồ-tát chưa được bất thối chuyển, khi cầu Phật vì chúng thuyết Bát-nhã, đối với các vị này Phật có khen ngợi hay không? Phật trả lời, cũng có.

Như vậy qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy có hai trường hợp chư Bồ-tát được Phật khen ngợi tán thán. Một là các Bồ-tát bất thối chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thực hành Bát-nhã phương tiện khéo léo. Hai là các Bồ-tát tuy chưa được bất thối chuyển, nhưng có tu Bát-nhã phương tiện khéo léo, các vị này khi cầu Phật vì chúng nói Bát-nhã, Phật cũng khen ngợi tán thán. Đây là khuyến khích đại chúng phát tâm tu Bát-nhã, tuy chưa được vững vàng bất thối, cũng cần cầu nghe pháp Bát-nhã để được lợi ích.

Thiện Hiện thưa: 

– Theo đức Như Lai nói, đó là Bồ-tát ma-ha-tát nào? 

Phật dạy: 

– Có các Bồ-tát ma-ha-tát theo Phật Bất Động, khi làm Bồ-tát tu học khế hợp, hành, trụ tương ưng, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo, Bồ-tát ma-ha-tát này tuy đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chưa được không thối chuyển, mà khi cầu Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, ở trong đại chúng Như Lai tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của Bồ-tát kia. 

Lại, có chúng Bồ-tát ma-ha-tát theo Bồ-tát Bảo Tràng tu học khế hợp, hành, trụ tương ưng, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện khéo léo, Bồ-tát ma-ha-tát này tuy đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chưa được không thối chuyển, mà khi cầu Như Lai Ứng Chánh đẳng giác vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, ở trong đại chúng Như Lai tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức của kia. 

Ngài Thiện Hiện muốn Phật xác nhận có những vị Bồ-tát nào được khen ngợi. Phật nêu lên các Bồ-tát như sau:

Thứ nhất là các Bồ-tát theo Phật Bất Động tu học Bát-nhã, tuy chưa được bất thối chuyển đối với đạo quả Vô thượng, nhưng khi cầu Phật vì đại chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, tự nhiên được Phật khen ngợi.

Thứ hai là các Bồ-tát theo Bồ-tát Bảo Tràng tu học khế hợp Bát-nhã. Các vị này tuy chưa được bất thối chuyển, nhưng khi cầu Phật nói pháp Bát-nhã, Phật vẫn tán dương khen ngợi.

Đây là trường hợp các Bồ-tát chưa được bất thối chuyển, nhưng vì muốn làm lợi ích rộng lớn cho đại chúng, cầu Phật nói pháp Bát-nhã, gọi là Thỉnh chuyển pháp luân, công đức này rất đáng khen ngợi.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có Bồ-tát ma-ha-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa đối trong tánh vô sanh của tất cả pháp, tuy tín giải sâu mà chưa chứng được pháp nhãn vô sanh; đối với tánh của tất cả pháp đều tịch tịnh, tuy tín giải sâu mà chưa được vào bậc không thối chuyển. Bồ-tát ma-ha-tát này đã trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, cũng mong Như Lai Ứng Chánh đẳng giác khi vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, ở trong đại chúng tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức. Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát mong chư Như Lai Ứng Chánh đẳng giác khi vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, ở trong đại chúng tự nhiên vui vẻ, tán dương, khen ngợi tên tộc, dòng họ, tướng mạo, công đức, Bồ-tát ma-ha-tát này vượt hơn các bậc Thanh văn, Độc giác, gần được thọ ký không thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa phương tiện thiện xảo, ắt sẽ an trụ bậc không thối chuyển, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Trường hợp thứ ba, có các Bồ-tát hành thâm Bát-nhã, đối với tánh vô sanh của các pháp tuy tín giải sâu mà chưa chứng vô sanh, đối với tánh tịch tịnh của các pháp tuy tin sâu mà chưa được bất thối chuyển. Nghĩa là đã tin sâu pháp tánh mà chưa chứng nhập, chưa sống được. Những vị này vì đại chúng cầu Phật nói pháp Bát-nhã, Phật cũng khen ngợi tán thán. Công đức các Bồ-tát này vượt hơn các bậc Thanh văn, Độc giác. Các Bồ-tát này gần được thọ ký bất thối chuyển, vì các ngài tin sâu và ủng hộ pháp Bát-nhã, cầu nghe pháp Bát-nhã để lợi ích cho mình, cho người.

Lại, Thiện Hiện! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói nghĩa thú của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, tâm sâu tín giải không nghi ngờ, không mê muội, chỉ nghĩ thế này: “Như Phật đã nói lý thú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, chắc hẳn quyết định không điên đảo.” Bồ-tát ma-ha-tát này nên nghĩ thế này: “Ta đối với nghĩa thú sâu thẳm của Bát-nhã ba-la-mật-đa sanh tin hiểu sâu xa chắc chắn rồi, hoặc lại ở chỗ đức Phật Bất Động và chư Bồ-tát ma-ha-tát, nghe rộng Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với nghĩa thú sâu xa sanh lòng tin hiểu, tin hiểu rồi siêng năng tu Phạm hạnh, sẽ được trụ bậc không thối chuyển, trụ bậc này rồi chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát chỉ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế còn được công đức thắng lợi vô biên, huống là tin hiểu sâu, tu hành đúng như lời dạy, buộc tâm suy nghĩ nghĩa thú sâu thẳm, Bồ-tát ma-ha-tát này an trụ chân như gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các hữu tình tuyên thuyết pháp yếu. 

Trường hợp thứ tư, các Bồ-tát này thấp hơn, nghe nói nghĩa thú Bát-nhã được tâm không nghi ngờ, chỉ dừng ở tâm không mê, không nghi, chưa chứng ngộ pháp tánh. Bồ-tát này nghĩ rằng, Phật đã nói nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, chắc chắn là đúng không sai. Do tin lời Phật, phát tâm tu tập nơi chỗ đức Phật Bất Động, nghe rộng thêm về nghĩa thú Bát-nhã, tin hiểu sâu thêm, siêng năng tu tập, rồi sẽ trụ được bất thối chuyển,

Trong các hạng Bồ-tát kể trên, nếu chúng ta được ở vào hạng thứ tư này thì cũng được dự phần khen ngợi. Trước tiên là tin hiểu, dù chưa chứng quả vị gì, nhưng tâm tin sâu lời Phật dạy, từ đó học hỏi hiểu rõ Bát-nhã, càng hiểu rõ tin sâu càng hăng hái tu tập dần dần sẽ được lợi ích thù thắng. Phật dạy, nếu Bồ-tát ma-ha-tát chỉ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, còn được công đức thắng lợi vô biên. Nên biết, nhân duyên nghe Bát-nhã dẫn dắt chúng ta đến trí tuệ thấy rõ các pháp không thật, buông bỏ lầm chấp si mê, được gần an trú đạo Vô thượng Bồ-đề. Đó là lý do Phật khen ngợi bốn hạng Bồ-tát trên đây.

Khi ấy, Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Các pháp rời chân như không riêng pháp nào có thể được, như vậy vì nói pháp nào để an trụ chân như? Lại nói ai hay gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Ai lại vì ai nói pháp yếu gì? 

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Theo lời ông hỏi, các pháp rời chân như không riêng pháp nào có thể được, như vậy vì nói pháp yếu nào an trụ chân như? Lại nói ai gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Ai vì ai nói pháp yếu nào? Đúng thế, đúng thế, như lời ông nói. Các pháp rời chân như trọn không thể được, như thế làm sao có thể nói pháp trụ chân như? Thiện Hiện! Chân như còn không thể được, huống là riêng có pháp hay trụ chân như. Đâu lại có người gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Làm gì có người hay vì kẻ khác nói pháp yếu. Thiện Hiện nên biết, chân như không thể tự trụ chân như, vì trong đây trọn không có năng trụ sở trụ. Chân như không thể gần Nhất thiết trí vì trong đây trọn không có hay gần và bị gần. Chân như không thể chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì trong đây trọn không có tánh năng đắc, sở đắc sai biệt. Chân như không thể vì người khác nói pháp, vì trong đây trọn không có năng thuyết sở thuyết. Vì tùy thế tục nói có Bồ-tát hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ chân như, gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì các hữu tình tuyên thuyết pháp yếu. 

Ngài Thiện Hiện đặt nghi vấn, các pháp đều bất khả đắc vậy nói pháp nào an trụ chân như? Ai là người chóng chứng Vô thượng Bồ-đề? Ai vì ai nói pháp yếu gì? Cả ba câu hỏi đều nhắm mục đích làm sáng tỏ vấn đề các pháp không tánh.

Câu thứ nhất, pháp nào an trụ chân như? Chân như là thể chân thật không đổi dời, tất cả hữu tình đều có chân như. Nói tu để an trụ chân như là có người hay an trụ và chân như bị an trụ. Như nói “tôi ở nhà”, thì có “tôi” và “nhà”, nhà không phải tôi mà là cái để tôi ở, tôi là người hay ở, chia ra hai bên rõ ràng. Chân như là thể bất sanh bất diệt, không thể nói tôi tu để an trụ chân như, nói như vậy là có ngã có pháp, không đúng tinh thần Bát-nhã.

Câu thứ hai, ai là người gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Bồ-đề? Nhất thiết trí hay Bồ-đề là tánh giác, hết mê thì giác, không phải là mục tiêu bên ngoài, làm sao nói có người gần tánh giác? Thí dụ tôi đi đến gần cây dương thì cây dương ở ngoài kia tôi ở đây, từ xa đến gần có hai việc. Bồ-đề là tánh giác của chính mình, không có khoảng cách gần xa, không có người gần Bồ-đề hay không gần. Vì thế nói chóng chứng Bồ-đề là không hợp lý.

Câu thứ ba, ai lại vì ai nói pháp yếu gì? Đã biết hữu tình không thật, pháp yếu không thật, mình người đều không thật, không thể có người nói người nghe, cũng không có pháp yếu để nói.

Phật xác nhận các câu hỏi của Thiện Hiện là đúng. Chân như còn không thể được, huống là riêng có pháp hay trụ chân như. Đó là trả lời câu thứ nhất, Bồ-tát không thấy có chân như để an trụ. Đâu lại người gần Nhất thiết trí chóng chứng Bồ-đề, trả lời câu hỏi thứ hai, không thấy có người thật để chứng pháp thật. Lục Tổ nói:

Bồ đề vốn không cây, 

Gương sáng chẳng phải đài,

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi trần? 

Làm gì có người hay vì kẻ khác nói pháp yếu, trả lời câu hỏi thứ ba, thấy tất cả pháp tánh không, không thật có, trong cái rỗng rang tự tại đó không thành lập ngã và pháp.

Tuy vậy, trong kinh vẫn nói Bồ-tát hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ chân như, gần Nhất thiết trí, chứng đạo quả vô thượng, vì các hữu tình tuyên thuyết pháp yếu. Giáo lý của đức Phật chia ra hai mặt. Đứng về chân đế thì không có ngôn ngữ, không năng sở đối đãi, dứt bặt tất cả động tác thi vị. Trên thế tục đế thì tùy căn cơ chúng sanh, chúng sanh nói thế nào Phật Bồ-tát cũng nói như vậy để dẫn dắt họ lìa mê lầm. Nếu cho là thật tánh chân như không dùng ngôn ngữ, ai cũng làm thinh hết, chúng sanh không biết pháp yếu để tu, làm sao có người chứng ngộ? Vì thế muốn dẫn đạo chúng sanh, phải mượn phương tiện ngôn ngữ, chỉ bày tội phước thiện ác để dẫn dắt họ trở về, tùy căn cơ nói từ cạn đến sâu, ban đầu nói nhân quả ba cõi sáu đường, sau mới nói đến lý tánh tuyệt đối, phá ngã chấp pháp chấp.

Đây là ý chính của đoạn này, mượn các câu hỏi của ngài Thiện Hiện để Phật chỉ dạy rõ ràng. Chân như không thể vì người nói pháp… Vì tùy thế tục nói có Bồ-tát an trụ chân như… vì các hữu tình tuyên thuyết pháp yếu. 

Đế-thích liền bạch Phật: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, lý thú sâu xa rất là khó tin khó hiểu, chư Bồ-tát ma-ha-tát hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tuy biết các pháp không thể được mà cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, muốn vì hữu tình tuyên thuyết pháp yếu thật là việc rất khó. Vì sao? Vì quyết định không có pháp hay an trụ chân như, cũng không có người hay gần Nhất thiết trí, chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cũng không có người hay nói pháp yếu, nhưng chư Bồ-tát ma-ha-tát nghe việc như thế tâm không chìm lặng, không nghi ngờ, không kinh sợ, không mê muội, những việc như thế rất là ít có! 

Thiện Hiện bảo Đế-thích: 

– Kiều-thi-ca! Đúng như lời ông nói, chúng Bồ-tát nghe pháp sâu xa này tâm không chìm lặng, không nghi ngờ, không kinh sợ, không mê muội, mà cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, muốn vì hữu tình tuyên thuyết pháp yếu thật là việc khó, rất ít có vậy. Kiều-thi-ca! Chư Bồ-tát ma-ha-tát hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, quán các pháp đều không, trọn không thể có, thì ai chìm lặng, ai nghi ngờ, ai kinh sợ, ai mê muội? Thế nên việc này chưa phải là ít có. Nhưng, vì hữu tình ngu si điên đảo, không thể thông đạt các pháp đều không, nên cầu Bồ-đề muốn vì kia tuyên thuyết phương tiện thiện xảo, chẳng phải là việc rất khó. 

Đế-thích thưa: 

– Tôn giả Thiện Hiện, phàm nói ra pháp nào đều y cứ nơi không, thế nên chỗ nói thường không bị nghi ngờ, ngưng trệ, như có người lấy cung tên ngước mặt lên trời bắn hư không, hoặc xa hoặc gần đều không bị ngưng trệ. Tôn giả thuyết pháp cũng như thế, hoặc sâu hoặc cạn tất cả đều y cứ nơi không, ai có thể ở trong đó làm lưu nạn? 

Đế-thích nhận được lý thú sâu xa của Bát-nhã, khen ngợi các Bồ-tát tuy biết các pháp không thể được mà vẫn cần cầu đạo Vô thượng, muốn vì hữu tình làm việc lợi ích. Đây là việc rất khó làm. Nghe nói không có pháp an trụ chân như, không có người chứng đạo, không có pháp yếu, nhưng tâm không kinh sợ, không nghi ngờ. Hiện tại nếu chúng ta không có tâm sợ hãi chìm lặng, được nghe Bát-nhã cũng là việc ít có, cố gắng nghe và giữ gìn tâm vững chắc.

Ngài Thiện Hiện bảo Đế-thích, sở dĩ Bồ-tát nghe pháp sâu xa này mà tâm không chìm lặng, không nghi ngờ, vì các ngài quán tất cả pháp tánh không, trọn không chỗ có. Vì không chỗ có nên không có người nghi ngờ, kinh sợ, mê muội. Đối với chư Bồ-tát hành sâu Bát-nhã, việc này không có gì đặc biệt, không phải là khó làm. Nhưng với các hữu tình ngu si điên đảo, thấy tất cả pháp đều thật, không thông đạt tánh không mà cầu đạo Vô thượng Bồ-đề, với những hạng người ấy mà tuyên thuyết Bát-nhã, họ rất khó tin hiểu. Việc khó ấy, Bồ-tát cũng vẫn làm được, cũng sử dụng phương tiện khéo léo dẫn dắt hữu tình, không phải thấy khó mà không làm.

Đế-thích xác định việc này là đúng, vì các Bồ-tát nói pháp đều y cứ nơi không, như người ngước mặt lên trời bắn tên, mũi tên bay trong hư không, không gì ngăn trở, vì hư không hoàn toàn trống rỗng. Các Bồ-tát cũng thế, thấy tất cả pháp như huyễn không thật, thấy không có người nói người nghe, thì dù nói sâu nói cạn cũng không mắc kẹt, không ai làm trở ngại. Các ngài được tự tại đối với người nghe pháp, tự tại đối với pháp được nói, nên luôn luôn vì hữu tình thuyết pháp không e sợ.

Đế-thích lại bạch Phật:

– Con với tôn giả Thiện Hiện nói pháp là thuận với Như Lai thật ngữ, pháp ngữ, đúng pháp, tùy pháp là chánh thuyết chăng? 

Thế Tôn bảo Đế-thích: 

– Ông cùng Thiện Hiện nói pháp đều thuận với Như Lai thật ngữ, pháp ngữ, đúng pháp, tùy pháp, không có nói điên đảo. Vì sao? Kiều-thi-ca! Vì Cụ thọ Thiện Hiện đã được biện tài, đều y cứ nơi không mà lập bày. Vì cớ sao? Vì Cụ thọ Thiện Hiện quán tất cả pháp đều cứu cánh không, còn không có Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, huống là có người hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, còn không có Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, huống là có người hay chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, còn không có Nhất thiết trí, huống là có người hay được Nhất thiết trí, còn không có chân như, huống là có người hay chứng chân như thành Như Lai, còn không có tánh vô sanh, huống là có người hay chứng tánh vô sanh, còn không có Bồ-đề huống là có người hay chứng Phật Bồ-đề, còn không có thập lực huống là có người hay thành thập lực, còn không có tứ vô sở úy huống là có người được tứ vô sở úy, còn không có các pháp huống là có người hay nói các pháp. Vì sao? Kiều-thi-ca! Cụ thọ Thiện Hiện đối với tất cả pháp trụ chỗ xa lìa, đối với tất cả pháp trụ chỗ không thể được, quán tất cả pháp cứu cánh đều không, vì năng hành, sở hành đều không thể được. 

Sau khi đối đáp với ngài Thiện Hiện, trời Đế-thích bạch Phật, những lời nói ấy có hợp với chánh pháp chăng? Phật khen ngợi những lời ấy là đúng với thật ngữ, đúng pháp, tùy pháp, không điên đảo.

Phật dạy thêm, Cụ thọ Thiện Hiện được biện tài như vậy vì khi thuyết pháp đều y cứ nơi không, tức y cứ các pháp không có tự tánh, nên không có gì làm chướng ngại. Thiện Hiện luôn quán sát các pháp cứu cánh không, không thấy có quả vị Bồ-đề. Rốt ráo không có người năng trụ và pháp sở trụ, năng sở đều quên, cho đến không có Nhất thiết trí và người được Nhất thiết trí, thập lực, tứ vô sở úy đều không thật. Các pháp đều không thật huống là có người hay nói pháp.

Như vậy chúng ta tu có thành Phật không? Không có mình thật và quả Phật thật, làm sao thành? Bởi thấy không thật nên mới thành, còn thấy có thật là còn vướng kẹt trở ngại, không đúng với trí Bát-nhã, không được giải thoát. Nói có thành Phật là nói theo ngôn ngữ thế gian; về thể chân như vô trụ thì đến bậc đó là tự giác, không nói quả chứng, không nói Bồ-đề Niết-bàn.

Kiều-thi-ca! Cụ thọ Thiện Hiện đối tất cả pháp trụ chỗ xa lìa, chỗ không thể được, so với chư Bồ-tát ma-ha-tát trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa hành trụ vi diệu, trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một cho đến ức triệu phần không bằng một. Vì cớ sao? Kiều-thi-ca, vì chư Bồ-tát ma-ha-tát này trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa hành trụ vi diệu, trừ Như Lai trụ, đối với các Bồ-tát khác trụ và Thanh văn, Độc giác trụ là tối thắng, là tôn cao, là diệu là vi diệu, là thượng là vô thượng. Vì sao? Kiều-thi-ca! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát ở trong tất cả chúng hữu tình làm bậc tối thắng, tôn cao, diệu, vi diệu, thượng, vô thượng, thì phải trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa hành trụ vi diệu không được tạm quên. 

Phật so sánh khả năng an trụ của Thiện Hiện với chư đại Bồ-tát trụ Bát-nhã hành trụ vi diệu, trăm phần, ngàn phần cho đến ức triệu phần không bằng một phần. Các đại Bồ-tát này đối với các Bồ-tát khác và các Thanh văn, Độc giác, chỗ trụ là tối thắng cao siêu không ai hơn, chỉ không sánh bằng Phật thôi.

Nói như vậy để kết luận, nếu đại Bồ-tát ở trong chúng hữu tình là tối thắng tối cao, vi diệu vô thượng thì phải trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa không được tạm quên. Chúng ta ở đây có phải là Bồ-tát chưa? Chưa phải Bồ-tát lớn nhưng là Bồ-tát con, vì thọ giới Bồ-tát rồi. Dù là Bồ-tát mới một năm hai năm, đối với Bát-nhã đi đứng nằm ngồi không được tạm quên. Luôn luôn quán sát các pháp không thật, không tự tánh, khi gặp việc bất như ý tâm không loạn động đó là nhớ Bát-nhã. Còn khi nghe nói câu gì không vừa ý thì nổi giận đỏ mặt lên, lúc đó thế nào? Thấy lời nói là thật, người thật mình thật, quên trí Bát-nhã. Chúng ta là người tu trí tuệ nên nhớ rõ điều này, không bao giờ tạm quên Bát-nhã,

Bấy giờ, trong chúng hội vô lượng vô số trời Tam thập tam vui mừng nhảy nhót, đều lấy hương hoa nhiệm mầu của trời dâng rải lên Như Lai và các Bồ-tát. 

Lúc ấy, trong chúng có sáu ngàn Tỳ-kheo đều từ tòa dậy đảnh lễ chân Phật, trịch vai áo bên hữu, gối hữu chấm đất, cúi đầu cung kính chắp tay hướng Phật, nhìn ngắm tôn nhan mắt chẳng tạm rời. Do thần lực Phật nên trong mỗi lòng bàn tay của chúng Tỳ-kheo hương hoa mầu nhiệm tự nhiên đầy dẫy. Chúng Tỳ-kheo này vui mừng nhảy nhót được điều chưa từng có, đều đem hoa này dâng rải lên Phật và các Bồ-tát. Đã rải hoa rồi, đồng phát nguyện rằng: “Chúng tôi dùng sức căn lành thù thắng đây, nguyện thường an trụ hạnh nhiệm mầu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, mau tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” 

Phật bảo Kiều-thi-ca tức vua trời Đế-thích, Bồ-tát nào trụ hạnh thâm diệu Bát-nhã ba-la-mật-đa này, sẽ vượt hơn các quả vị Thanh văn, Độc giác, mau chóng viên mãn tất cả Phật pháp, tất cả tập khí đều dứt, được chóng thành quả Phật rốt ráo lợi ích trời người. Nghe Phật dạy như thế các vị trời đều vui mừng, thấy được chỗ tu hành thâm diệu, thấy lợi ích lớn lao giải thoát vô lượng hữu tình, đó là chỗ mong cầu của tất cả chúng sanh. Các Tỳ-kheo trong chúng hội cũng phát nguyện thường an trụ diệu hạnh Bát-nhã, mau chóng chứng quả Bồ-đề vô thượng.

Đây là phẩm Kiên Cố, chủ yếu nói việc gì? Bồ-tát hành sâu Bát-nhã là hành pháp không kiên cố, vậy cái gì là kiên cố? Bồ-tát luôn quán sát các pháp không có tánh cố định, bản chất không bền chắc, luôn luôn như huyễn như hóa. Vì thấy rõ như thế nên tâm không chấp trước, không sợ hãi, đi đứng nằm ngồi đều hành sâu Bát-nhã, quán triệt để Bát-nhã, an trụ Bát-nhã chắc chắn như vậy là kiên cố. Bồ-tát này, dù có triệu triệu thứ ma đến phá cũng không lay chuyển, vì tâm kiên cố bất thối chuyển. Đây là trọng tâm để chúng ta hiểu rõ, tu hành không thối chuyển là nhờ thấy các pháp không thật, chỉ tạm có trên giả danh, tâm không dính, không bị pháp làm trở ngại, không có gì làm mình kinh sợ lui sụt. Như vậy, người biết tất cả pháp không kiên cố, người đó mới thật kiên cố.

Trang trước Mục lục Về Trang chủ


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.