Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Phẩm Thanh Tịnh giảng giải



Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Thế Tôn! Những người ngu si không siêng năng tinh tấn, đủ các hạnh ác, thiện căn mỏng ít, mê muội không mong cầu, nghe ít, trí kém, bị ác tri thức nhiếp thuộc, không kính thờ bạn lành, không ưa thưa hỏi những việc thiện thù thắng, không siêng tu học, nghe Phật nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm thật khó tin hiểu. 

Ngài Thiện Hiện nêu những lý do khiến người nghe pháp Bát-nhã khó tin hiểu.

– Người ngu si không siêng năng tinh tấn.

– Đủ các hạnh ác.

– Thiện căn mỏng ít.

– Mê muội không mong cầu tiến bộ.

– Nghe ít, trí kém.

– Bị ác tri thức nhiếp thuộc.

– Không kính thờ bạn lành.

– Không ưa thưa hỏi những việc thiện thù thắng, không siêng tu học.

Đây là tám lý do khiến chúng ta khi tu, nghe kinh Bát-nhã bị chướng ngại không đủ niềm tin. Kiểm điểm lại, chúng ta có đủ hết tám điều này không? Điều thứ nhất, ngu si thì không đến nỗi, tinh tấn chưa được nhiều, vậy là được phân nửa mất phân nửa. Điều thứ hai, thứ ba, đủ các hạnh ác chắc không có, thiện căn nếu mỏng ít thì không được xuất gia sớm, học hỏi đạo lý. Thiện căn nhiều mới được làm người học Phật pháp. Điều thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, đây là những điều rất dở tệ! Nếu không có những điều này, chúng ta mừng là mình có thể tin hiểu Bát-nhã thâm sâu. Điều thứ tám, không siêng tu học, không ưa thưa hỏi những việc thiện thù thắng. Chắc cũng có một hai phần. Biết những khuyết điểm này, cố gắng khắc phục thì lo gì không có duyên với Bát-nhã.

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói.

Phật nói Thiện Hiện đưa ra mấy lý do rất đúng.

Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế tại sao sâu xa khó tin khó hiểu? 

Phật dạy: 

– Này Thiện Hiện, sắc không phải phược, không phải giải. Vì cớ sao? Vì sắc lấy không tánh làm tự tánh. Thọ, tưởng, hành, thức không phải phược không phải giải. 

Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa khó tin khó hiểu? Bát-nhã nói về các pháp không tự tánh. Đầu tiên nói về năm uẩn, nếu quán thấy đúng như thật thì không có gì là ràng buộc hay giải thoát. Phật dạy, sắc uẩn không phải trói buộc, cũng không phải cởi mở, tại sao? Vì nó không tự tánh. Không tự tánh là không cố định trói hay mở. Nếu cố định là trói buộc thì chúng ta không tu được, nếu cố định là giải thoát thì không cần tu. Thân sắc uẩn này có trói buộc không? Thí dụ chúng ta mang sắc thân này hoặc đen hoặc trắng… Nếu được người khen đẹp thì vui, nếu bị người chê xấu thì buồn. Được khen thì tự hào hãnh diện, cái ngã trồi lên là trói buộc, bị chê thì rầu rĩ cũng là trói buộc. Trói buộc là tại chúng ta, còn thân không có trói buộc hay cởi mở. Vì bênh vực nó nên khen thì chịu, chê thì không ưa, trói buộc ở chỗ đó. Nếu hằng nhớ sắc uẩn không cố định, không tự tánh, nói gì cũng không đúng, không đúng thì chấp làm gì để sanh buồn vui. Thấy có trói buộc, có cởi mở vì chấp có tự tánh, có tốt, có xấu. Hiểu rõ ý nghĩa sắc uẩn vốn không tự tánh nên không có trói buộc, không cởi mở; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Đó là đoạn thứ nhất.

Lại nữa này Thiện Hiện! Sắc mé trước không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì sắc mê trước lấy không tánh làm tự tánh. Sắc mé sau không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì sắc mé sau lấy không tánh làm tự tánh. Sắc mé giữa không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì sắc mé giữa lấy không tánh làm tự tánh. Thọ tưởng hành thức mé trước không phải phược, không phải giải. Vì sao? 

Vì thọ tưởng hành thức mé trước lấy không tánh làm tự tánh. Thọ tưởng hành thức mé sau không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì thọ tưởng hành thức mé sau lấy không tánh làm tự tánh. Thọ tưởng hành thức mé giữa không phải phược, không phải giải. Vì sao? Vì thọ tưởng hành thức mé giữa lấy không tánh làm tự tánh.

Đây nói năm uẩn trong ba thời không trói buộc, không cởi mở vì không tự tánh. Sự có mặt của chúng ta bao lâu? Thời gian đã qua là quá khứ, thời gian hiện nay là hiện tại, thời gian về sau là vị lai. Chúng ta nghĩ mình đã sống qua bao nhiêu năm, đó là sắc mé trước; nghĩ mình chắc còn sống hai mươi năm nữa mới chết, đó là sắc mé sau; nghĩ rằng tôi hiện nay đang thế này thế nọ, đó là sắc khoảng giữa. Trong ba thời, sắc uẩn đều không thật, vì không có tự tánh. Sắc không tự tánh, ba thời không tự tánh, năm uẩn là một dòng biến đổi không cố định, ba thời là một dòng biến đổi không cố định thì làm sao có thật. Đã không thật thì nói cái gì cởi mở, cái gì trói buộc?

Chúng ta sống thường bị trói buộc trong ba thời. Như nhớ ngày xưa mình có chiếc xe tốt, bây giờ không có xe tốt nữa. Nhớ quá khứ đó là trói buộc của quá khứ. Nghĩ đến sau này mình sẽ sống sung túc hơn, đó là trói buộc của vị lai. Hiện tại cũng muốn được sung sướng, có tài lợi dồi dào, đó là trói buộc của hiện tại. Những trói buộc này có ra đều vì thân năm uẩn. Đối với năm uẩn này, nếu thấy nó không thật vì không tự tánh, quá khứ hiện tại vị lai cũng không thật vì không tự tánh, như vậy vọng tưởng về việc gì? Cứ thấy đúng nhận đúng, chúng ta ngồi thiền không có lý do để vọng tưởng. Tất cả vọng tưởng đều lo cho thân năm uẩn, bảo vệ thân năm uẩn nên bị trói buộc trong ba thời. Như nói đi Đà Lạt thì nằm mơ nghĩ hôm nào đó đi Đà Lạt, cũng là trói buộc của năm uẩn về vị lai. Nếu thấy vị lai, quá khứ đều không thật, tự nhiên tất cả vọng tưởng theo đó hết. Phần nhiều vọng tưởng khởi là do vin theo chấp chặt vào một hình tướng nào đó, gỡ không ra. Thấy thân cảnh không thật thì gỡ ra rất dễ.

Phật chỉ dạy chúng ta dùng trí quán năm uẩn không thật, chia ra từng uẩn cũng thấy rõ không thật, không có tánh cố định. Đến thời gian của năm uẩn sống cũng không thật, không có tánh cố định. Chúng ta duyên theo năm uẩn trong ba thời, thấy rõ chúng không thật, không có chỗ để duyên, để khởi vọng tưởng. Trí ấy giúp chúng ta tu, tuy không phải định nhưng xét kỹ nó đã có định. Đây là định dừng vọng tưởng, đi đứng nằm ngồi đều quán sát rõ ràng, tâm niệm không lăng xăng vì các duyên bên ngoài.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm rất khó tin hiểu! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm thật rất khó tin hiểu! 

Ngài Thiện Hiện lặp đi lặp lại, nói Bát-nhã khó tin hiểu, thật rất khó tin hiểu. Chúng ta thường thấy tất cả đều có thật, chư Phật Bồ-tát thấy các pháp không thật nên lời của các ngài khó hiểu. Cái khó hiểu đó không phải tự nó khó, mà vì bước tu chứng của chúng ta còn cạn. Xét theo tám điều nêu trên, tuy chúng ta không đầy đủ như phàm phu, nhưng vẫn còn một chút dở trong đó, vì thế không hiểu được Bát-nhã.

Phật bảo: 

– Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói. Vì cớ sao? Thiện Hiện, sắc thanh tịnh tức quả thanh tịnh, quả thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Vì sao? Vì sắc thanh tịnh này cùng với quả thanh tịnh không hai, không hai phần, không riêng, không đoạn. Thọ tưởng hành thức thanh tịnh tức quả thanh tịnh, quả thanh tịnh tức thọ tưởng hành thức thanh tịnh. Vì cớ sao? Thọ tưởng hành thức thanh tịnh cùng quả thanh tịnh không hai, không hai phần, không riêng, không đoạn dứt. 

Sắc thanh tịnh tức quả thanh tịnh. Thí dụ chúng ta xây cất nhà, tất cả vật dụng đều chắc, đều tốt thì cái nhà nhất định chắc chắn tốt đẹp. Cũng vậy, sắc uẩn thanh tịnh thì kết quả của sắc uẩn cũng thanh tịnh. Quả thanh tịnh tức sắc thanh tịnh, nhà chắc chắn thì vật dụng lâu bền. Nhân thanh tịnh thì quả thanh tịnh, ngược lại quả thanh tịnh nên sắc tiếp theo thanh tịnh. Nhân và quả không tách rời nhau. Nhân quả của sắc như vậy, nhân quả của thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Lại nữa Thiện Hiện! Sắc thanh tịnh tức Nhất thiết trí trí thanh tịnh, Nhất thiết trí trí thanh tịnh tức sắc thanh tịnh. Vì cớ sao? Sắc đây thanh tịnh cùng Nhất thiết trí trí thanh tịnh không hai, không hai phần, không riêng, không đoạn dứt. Thọ tưởng hành thức thanh tịnh tức Nhất thiết trí trí thanh tịnh. Nhất thiết trí trí thanh tịnh tức thọ tưởng hành thức thanh tịnh. Vì cớ sao? Thọ tưởng hành thức thanh tịnh cùng Nhất thiết trí trí thanh tịnh không hai, không hai phần, không riêng, không dứt vậy.

Sắc hay năm uẩn là thí dụ như cái nhà, Nhất thiết trí trí thí dụ như người ở trong nhà. Chủ nhà sáng suốt đẹp đẽ thì cái nhà cũng được ảnh hưởng theo, chủ nhà và cái nhà liên hệ nhau. Từ lãnh vực năm uẩn bước qua lãnh vực Nhất thiết trí trí. Nhất thiết trí trí được thanh tịnh là nhờ năm uẩn thanh tịnh. Từ nhận đến quả, nhưng nhân quả này ở chiều khác, từ chiều sanh diệt bước qua không sanh diệt. Năm uẩn là sanh diệt, Nhất thiết trí trí thì không sanh diệt. Năm uẩn cùng Nhất thiết trí trí không hai, không riêng khác, ngay trong sanh diệt nhận được vô sanh.

Thí dụ tôi nói trời quang mây tạnh nên mặt trăng sáng. Nói ngược lại là mặt trăng sáng là nhờ không có mây. Câu đầu nói mây tạnh nên mặt trăng sáng, ví như năm uẩn thanh tịnh nhờ Nhất thiết trí trí thanh tịnh. Câu sau nói, Nhất thiết trí trí thanh tịnh là nhờ năm uẩn thanh tịnh, đó là mặt trăng sáng nhờ mây tạnh, không bao giờ mây mù mịt mà thấy mặt trăng sáng được. Để thấy rằng năm uẩn không dính mắc, không cột, không trói, không điên đảo là cái nhân thanh tịnh thì cái quả Nhất thiết trí trí sẽ thanh tịnh. Khi nhân sanh diệt là năm uẩn trong sạch thì quả không sanh diệt được trong sạch. Mây là nhân, nhưng không làm mặt trăng sáng, mây tan tạnh tự nhiên mặt trăng tỏa sáng. Khi nhân sanh diệt còn mù mịt thì quả không sanh diệt kia cũng bị mờ tối. Nhân sanh diệt tịnh trong thì quả không sanh diệt sáng lòa. Hiểu như vậy mới thấy chỗ tu của chúng ta rõ ràng, dường như đang tu trên sanh diệt mà rốt cuộc lại đạt chỗ không sanh diệt. Cứ làm cho mây tan chứ đừng trông trăng sáng, khi mây tan tự nhiên trăng sáng. Đó là căn cứ trên sanh diệt đi đến chỗ không sanh diệt.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là sâu thẳm.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Vì Bát-nhã rất thanh tịnh nên sâu xa. Tại sao? Khi chúng ta ngồi thiền được chừng năm phút không có một niệm, một hình bóng làm vẩn đục tâm trí, hằng tỉnh sáng thì lúc đó thanh tịnh không? Chỗ thanh tịnh sâu xa khó diễn tả. Những gì diễn tả nói năng được thì còn cạn dễ, sức thanh tịnh lặng lẽ của trí Bát-nhã không thể dùng ngôn ngữ nói hết, nên gọi là sâu xa,

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất hay chiếu rõ.

Phật dạy: 

Như thế, vì rất thanh tịnh.

Đây nói Bát-nhã hay chiếu rõ vì rất thanh tịnh.

Thí dụ một lu nước trong, vừa nhìn vô lu là thấy hiện hình bóng. Nước trong nên hình bóng hiện rõ, vì thế nói Bát-nhã chiếu rõ vì rất thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là sáng suốt lớn.

Phật dạy: 

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Trở lại thí dụ lu nước. Do nước trong nên rọi bóng tất cả hình ảnh, cũng do nước trong nên phản chiếu ánh sáng. Có trăng rọi vào thì mặt nước chiếu ánh sáng. Nước trong có hai công dụng, vừa hiện được bóng hình ở ngoài, vừa phản chiếu ánh sáng. Nên nói Bát-nhã sáng suốt lớn vì rất thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế trọn không tương tục.

Phật dạy: 

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Tương tục là nối tiếp, tức cái này dứt, cái kia tiếp liền. Cái gì có nối có tiếp là động là sanh diệt; Bát-nhã không phải sanh diệt nên không động, không tương tục. Cho nên chỉ nói niệm niệm tương tục mà không nói tâm thanh tịnh tương tục, rõ như vậy,

Xá-lợi Tử thưa: 

Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế vốn không tạp nhiễm.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không đượckhông hiện quán.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Hiện quán là hiện có. Bát-nhã có hình tướng để thấy không? Không hình tướng để thấy nên nói không hiện quán.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không có chỗ sanh khởi.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Bát-nhã thanh tịnh nên không sanh khởi, vì vừa sanh khởi là mất thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế cứu cánh không sanh. 

Phật dạy:

Như thế, vì rất thanh tịnh. 

Thể của Bát-nhã ba-la-mật-đa là không tất cả, người đạt tới đó gọi là chứng Vô sanh, Niết-bàn là Vô sanh, Niết-bàn và Bát-nhã không hai.

Xá-lợi Tử thưa:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không sanh Dục giới, không sanh Sắc giới, không sanh Vô sắc giới.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Bát-nhã thanh tịnh nên không có niệm khởi, niệm không còn nên không có nhân để tạo nghiệp sanh trong tam giới.

Xá-lợi Tử thưa:

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không biết không hiểu.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với pháp gì không biết không hiểu? 

Phật dạy:

– Đối với sắc không biết không hiểu, vì rất thanh tịnh, đối với thọ, tưởng, hành, thức không biết không hiểu. Vì sao? Vì rất thanh tịnh.

Tại sao Bát-nhã lại không biết, không hiểu? Bởi vì dấy niệm hiểu biết là động, động thì không thanh tịnh.

Bát-nhã không dấy niệm hiểu biết so sánh về năm uẩn. Dấy niệm hiểu biết theo năm uẩn là hết thanh tịnh.

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với Tát-bà-nhã không tổn giảm, không tăng ích.

Phật dạy:

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Tát-bà-nhã (Sarvajña) là dịch âm tiếng Phạn, dịch nghĩa có hai, hoặc Nhất thiết trí hoặc Nhất thiết chủng trí, chỉ cho trí Phật, trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài. Bát-nhã đối với trí tuệ Phật không thêm không bớt, vì rất thanh tịnh. Nếu có tăng giảm đó là tướng sanh diệt, không phải thanh tịnh. sbad adatha

Xá-lợi Tử thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đối với tất cả pháp không thủ, không xả.

Phật dạy: 

– Như thế, vì rất thanh tịnh.

Trí tuệ Bát-nhã như thế đối với tất cả pháp không lấy không bỏ, bình đẳng như như. Tất cả câu trên đây nói về thanh tịnh của Bát-nhã.

Thiện Hiện cũng bạch Phật:

– Vì ngã thanh tịnh nên sắc thanh tịnh.

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì ngã thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh.

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Đoạn trên ngài Xá-lợi-phất nói về tính chất rất thanh tịnh của Bát-nhã, đến đây ngài Thiện Hiện nói về chỗ rốt ráo thanh tịnh của Bát-nhã. Thanh tịnh rốt ráo tột cùng là gốc từ vô ngã, vừa có một niệm chấp ngã là mất thanh tịnh. Thử nghiệm xem, nếu có người được tán thán cũng không mừng, chê cũng không buồn. Người đó có thanh tịnh không? Người đó có chấp ngã không? Nếu còn chút chấp ngã thì khen ngợi có thể không mừng, nhưng bị chê bai khó mà không giận. Không giận ra mặt thì cũng ngầm ngầm trong bụng. Được thanh tịnh rốt ráo là khi trong tâm không còn một chút niệm chấp ngã, tất cả đều buông sạch hoàn toàn. Đây là vấn đề quan trọng đối với người tu học Bát-nhã. Việc tu trước hết là quán năm uẩn không thật, thấy không thật nên không chấp ngã, đó là gốc rốt ráo thanh tịnh. Bát-nhã thanh tịnh thì tất cả cái khác đều thanh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì ngã thanh tịnh nên quả thanh tịnh.

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí trí thanh tịnh.

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì ngã thanh tịnh, nên không đắc, không hiện quán. 

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Vì ngã vô biên nên sắc vô biên.

Phật dạy: 

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Khi được rốt ráo thanh tịnh, lúc đó thấy thể chân thật không giới hạn, vì không giới hạn nên tự nhiên thấy năm uẩn cũng không giới hạn.

Thiện Hiện thưa:

Vì ngã vô biên nên thọ, tưởng, hành, thức vô biên. 

Phật dạy:

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay giác như thế, đó là Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Phật dạy: 

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh,

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không phải bờ bên này, không phải bờ bên kia, không phải ở chặng giữa. 

Phật dạy: 

– Như thế! Vì cứu cánh tịnh.

Thiện Hiện thưa:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khởi tưởng như thế là xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa, là xa lìa Bát-nhã ba-la- mật-đa.

Phật bảo: 

– Đúng thế! Đúng thế! Vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát đó còn trước danh, trước tướng. 

Nói thanh tịnh, nói rốt ráo thanh tịnh v.v… mà còn chấp cứng những ngôn ngữ đó là còn chấp danh chấp tướng. Phật, Bồ-tát chỉ dạy đầy đủ rồi liền phủi sạch, không cho khởi tưởng dính mắc vào bất cứ chỗ nào. Đó là tinh thần Bát-nhã. Học Bát-nhã là học phá chấp, còn vướng chấp là chưa thanh tịnh tột cùng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: 

– Thế Tôn rất kỳ lạ! Thiện Thệ rất ít có! Khéo vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm mở bày phân biệt chỗ rốt ráo chấp tướng.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Thế nào Bồ-tát ma-ha-tát đối với Bát-nhã ba-la- mật-đa khởi chấp tướng? 

Thiện Hiện đáp:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát đối với sắc cho là không rồi khởi chấp trước “tưởng không”. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cho là không rồi khởi chấp trước “tưởng không”. Đối với pháp quá khứ cho là pháp quá khứ rồi khởi chấp trước “tưởng pháp quá khứ”. Đối với pháp vị lai cho là pháp vị lai rồi khởi chấp trước “tưởng pháp vị lai”. Đối với pháp hiện tại cho là pháp hiện tại rồi khởi chấp trước “tưởng pháp hiện tại”. Nghĩa là các thiện nam tử Bồ-tát thừa khi mới phát tâm sanh tưởng như thế cũng gọi là trước tướng. 

Theo tinh thần Bát-nhã, ngay cả đối với tưởng không cũng không chấp cho là thật có “không”. Nếu Bồ-tát đối với sắc cho là không, rồi khởi chấp trước tưởng không, hoặc nghe nói sắc không tự tánh hoặc sắc tức thị không, hoặc nghe nói không sắc, không thọ tưởng hành thức liền chấp cho là Bát-nhã nói không, chấp không là thật không. Đối với pháp quá khứ cho là quá khứ rồi khởi tưởng chấp quá khứ, đối với pháp vị lai, hiện tại cũng khởi tưởng chấp vị lai, hiện tại. Như thế là không đúng tinh thần Bát-nhã.

Phải hiểu năm uẩn không có tính chất cố định, như huyễn như hóa chẳng thật có, chẳng thật không. Chấp thật có là bệnh, chấp thật không cũng là bệnh. Bát-nhã dạy chúng ta quán tất cả pháp không có gì cố định, không có gì thật. Năm uẩn không thật có, không thật không, là thuốc trị bệnh chấp có chấp không. Người thế gian nói có là bệnh, đành rồi, người học Phật nói năm uẩn là không ngơ cũng là bệnh. Đối với pháp năm uẩn hay pháp quá khứ hiện tại vị lai chấp cho là thật cũng là bệnh. Vì thế đây nói, người phát tâm tu mà căn cứ năm uẩn, ba thời khởi tâm tu hành cũng gọi là chấp tướng.

Trời Đế-thích hỏi Thiện Hiện:

– Do nhân duyên gì như thế gọi là trước tướng? 

Thiện Hiện đáp:

– Nếu cho đây là tâm đại Bồ-đề, nếu chấp đây là tâm ban đầu hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, gọi là trước tướng. Kiều-thi-ca, bản tánh của tâm là không, không thể hồi hướng. 

Cho có tâm đại Bồ-đề thật, tâm ban đầu thật tức là nói thời gian đầu, giữa, sau có thật. Ba thời không tự tánh, chấp trước có tâm ban đầu tu tập gọi là chấp tướng, không đúng tinh thần Bát nhã.

Bản tánh của tâm là không, nhưng chẳng phải không ngơ, mà là không tất cả tướng. Vì không tướng nên không thể hồi hướng.

Người thiện nam v.v… trụ Bồ-tát thừa nếu khởi chấp “Ta tiến đến Đại thừa”, các thứ như thế đều gọi là trước tướng. 

Thấy có ta thật là chấp ngã, thấy có pháp Đại thừa thật là chấp pháp. Phát tâm tu Đại thừa phải thấy như thế nào? Thấy “tôi phát tâm tu Đại thừa” chẳng khác nào như ngủ mơ mà thấy thi đậu. Người thi đậu và bằng cấp đều không thật. Thấy như vậy mới không chấp tướng.

Thế nên, chúng Bồ-tát ma-ha-tát muốn đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thị hiện khen ngợi, khuyến khích, vui mừng để cho các hữu tình phát tâm thú hướng Đại thừa thì nên tùy theo tướng chân thật mà thị hiện khen ngợi, khuyến khích, vui mừng. 

Tướng chân thật của các pháp là không tự tánh, dù khen ngợi quả Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, phát tâm Bồ-đề hay tu tiến v.v… đều biết là không tự tánh. Đó là thị hiện khen ngợi đúng chân thật, nếu nói khác đi không phải là chân thật.

Người thiện nam kia… nếu hay thị hiện khen ngợi, khuyến khích, vui mừng như thế thì bản thân họ không tổn hại, cũng không tổn hại kẻ khác, các đức Như Lai đều chấp nhận. 

Nếu khen ngợi chỉ dẫn đúng với tinh thần chân thật, người không kẹt mình cũng không vướng mắc. Đó là chỗ chư Phật khen ngợi.

Kiều-thi-ca, người thiện nam… an trụ Đại thừa nếu hay thị hiện khen ngợi, khuyến khích, vui mừng như thế, các hữu tình tiến thú Đại thừa thì hay xa lìa tất cả chấp trước. 

Muốn khen ngợi để chúng sanh tiến đến Đại thừa, nên tùy theo tướng chân thật, khiến mọi người xa lìa chấp trước, mới là khen ngợi đúng pháp.

Chúng ta bây giờ đa số khen ngợi khuyến khích đúng như thật không? Mỗi khi Phật tử phát tâm cúng dường trai phạn thì nói: “À! Cúng dường phước đức vô cùng.” Khuyến khích như vậy có chân thật hay không? Không. Bởi nói phước đức vô cùng mà hôm nay cúng dường, ngày mai gia đình họ xảy ra tai nạn thì tâm khởi nghi. Phước đức ở đâu? Họ sanh hoang mang, vì mình khuyến khích không đúng như thật. Phải khuyến khích làm sao? Đó là một việc khó, không khéo thì tất cả chúng ta gieo nhân vô thường để người hưởng được quả phước vô thường. Ít ai gieo được nhân chân thật để đến quả chân thật. Chúng ta nên nói thế này: “Cúng dường chư tăng có phước mà chỉ có phước hữu lậu thôi, chứ chưa đến chỗ chân thật, muốn được phước chân thật thì quý vị đừng chấp phước nữa.” Nói khéo léo không trái với sự thật mà họ vẫn phát tâm mới nên nói. Làm việc phước, lại gặp tai nạn, đó là điều phải dè dặt. Vì mình chỉ tán thán một chiều, còn nghiệp riêng của mỗi người, chúng ta không biết được. Thế nên phải nói cúng dường bố thí là điều tốt có phước, nhưng chỉ là phước hữu lậu. Làm phước đừng chấp phước đó mới là cứu cánh. Nếu chấp có phước, khi gặp tai nạn họ không làm nữa, tức nhiên thối Bồ-đề tâm. Nếu không chấp, làm phước cứ làm, thấy phước là không thật không dính mắc, không bị thối Bồ-đề tâm.

Nên tôi thường nhắc tất cả chư tăng đừng nói những lời một chiều. Nhắc người ta đừng chấp, đó là đã ngầm ý chỉ chân thật. Nói chân thật người không hiểu, mình ngừng chỗ đừng chấp là đủ rồi. Đó là sự giáo hóa tương đối chân thật.

Thế Tôn khen Thiện Hiện: 

– Lành thay! Lành thay! Nay ông khéo vì chư Bồ-tát nói các thứ chấp trước tướng, khiến chư Bồ-tát biết rõ xa lìa. Lại còn những thứ chấp trước vi tế, ta sẽ vì ông nói, ông nên lắng nghe, phải rất chú ý. 

Thiện Hiện thưa: 

– Xin vâng, mong Thế Tôn nói, chúng con rất thích nghe. 

Phật bảo: 

– Người thiện nam… an trụ Đại thừa, muốn thú hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với chư Như Lai Ứng đẳng Chánh giác lấy lòng tin trong sạch vin nơi tướng, nhớ niệm, tùy vin nơi tướng đều gọi chấp trước. 

Khi chúng ta phát tâm thủ hướng thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đối với chư Phật dùng lòng tin trong sạch, vin nơi tướng, nhớ niệm, tùy vin nơi tướng đều gọi chấp trước. Như người quán ba mươi hai tướng tốt của Phật có vin tướng không? Có. Những gì nương hình thức, vin theo tướng đều là chấp trước. Như có một huynh đệ cất cái thất, thỉnh tượng Phật rất đẹp, thờ rất trang nghiêm; hôm nào đi khỏi, huynh đệ khác thấy tượng Phật của mình xấu bèn đổi tượng Phật đó về thờ. Người đó về thất nhìn thấy tượng Phật của mình bị đổi có tức giận không? Có chấp tướng không? Có, Tại vì mình vin nơi tướng nên phiền não dấy sanh. Nếu biết tượng Phật chỉ để tượng trưng, để giúp nhớ mình có tánh Phật thì sao cũng được. Nếu tượng Phật đẹp, người khác thờ, họ tinh tấn mình cũng mừng. Hiểu đạo rồi đẹp xấu gì không quan trọng. Nếu buồn giận thành ra tìm Phật không thấy Phật, chỉ thấy phiền não. Cũng vì chấp vào tướng Phật mà sanh phiền não.

Như vậy, khi chúng ta vin nơi tướng, mắc kẹt vào tướng, chấp tướng là gốc của phiền não, không chạy trốn đâu được. Học kỹ và thấm sâu Bát-nhã rồi, thấy nhiều cái tưởng như là đúng lắm nhưng thật ra là bệnh. Lẽ chân thật ở đây chỉ cho biết tất cả những gì vin nơi tướng đều là chấp trước. Như có người nói vô chùa này thấy Phật muốn tu, đến chùa kia thấy Phật hết muốn tu. Vậy có vin nơi tướng không? Mình tu vì đạo lý chứ có vì tượng Phật đâu. Âm thanh, sắc tướng là những cái không thật, chỉ là phương tiện tạm thời mà đa số chúng ta đang mắc kẹt phương tiện đó, nên gọi là chấp tướng.

Vì cớ sao? Vì các thứ vin nơi tướng đều gọi là chấp trước. Nếu đối với các pháp vô lậu của tất cả Như Lai đời quá khứ, vị lai, hiện tại, sanh tâm tùy hỷ sâu xa, lại đem thiện căn tùy hỷ này cho các hữu tình đồng có bình đẳng hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng gọi là chấp trước.

Đối với pháp vô lậu phát tâm tùy hỷ, nhưng còn thấy có Phật quá khứ, vị lai, hiện tại để sanh tâm tùy hỷ, thấy có pháp vô lậu thật, có tâm tùy hỷ thật, đem thiện căn tùy hỷ này hồi hướng cho hữu tình, đó cũng gọi là chấp trước.

Vì cớ sao? Vì thật tánh của các pháp không phải quá khứ, không phải vị lai, không phải hiện tại, xa lìa ba đời mà không lìa ba đời, nên khéo hồi hướng lìa pháp ba đời, không thể chấp tướng, không thể nắm bắt, cũng không có việc thấy, nghe, hiểu biết.

Tất cả khởi niệm đều không còn, đó mới là chân thật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: 

– Thật tánh của các pháp rất là sâu xa.

Phật dạy:

Như thế, vì bản tánh ly.

Thật tánh của các pháp rất sâu xa, nó không phải ba đời cũng không lìa ba đời, không thể dùng thời gian ấn định. Bản tánh các pháp lìa tất cả chấp trước, còn chấp trước còn phiền não thì bản tánh không hiện. Khi tất cả phiền não rời hết, bản tánh của các pháp mới hiện, như mây mù tan biến, trời trong trăng hiện rõ.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế bản tánh sâu xa.

Phật dạy: 

– Như thế, vì bản tánh tịnh.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế bản tánh thanh tịnh.

Phật dạy: 

– Như thế, vì bản tánh tịnh.

Bát-nhã ba-la-mật-đa là trí tuệ rốt ráo thấy rõ bản tánh thật của các pháp, vì thế rất sâu xa rất thanh tịnh.

Phật đảo tới đảo lui, ly rồi tịnh, tịnh rồi ly, hai cái đó không tách rời nhau. Có ly mới có tịnh, được tịnh là do ly. Chúng ta xét lại mình xem, nếu còn chứa chấp phiền não thì có thanh tịnh không? Muốn thanh tịnh phải lìa tất cả phiền não. Ngày xưa vì giận nên tâm trí u tối, muốn hết si mê tối tăm phải xả bỏ giận. Ngày trước mình tham lam, bây giờ muốn hết tham lam thì phải lìa. Cốt lõi của việc tu chỉ ở chữ ly, có thêm cái gì để thành Phật không? Không thêm mà chỉ có bớt.

Chúng ta tu là bỏ những phiền não tích lũy từ muôn đời, bỏ sạch hết là thành thánh. Thánh không phải từ đâu đến mà do phủi sạch phiền não. Như có người chửi mắng hoặc khen ngợi, cho tiền hoặc lấy tiền của mình… đối với những việc đó mình vẫn không buồn, không tức, đã là thánh chưa? Được như vậy là đã bỏ tham sân. Bỏ sân nên chửi không giận, bỏ tham nên bị lấy của không buồn. Được thanh tịnh như thế là do ly, do xả bỏ, không do thêm cái gì mà được.

Ngài Hoàng Bá có câu nói nghe thô kệch nhưng thật chí lý: “Mã Tổ sanh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến cái tiêu chảy, chỉ có Quy Tông là tiêu chảy đầy đất” Ý nói ngài xả sạch hết, nghe rất thô nhưng diễn tả chỗ lìa bỏ rốt ráo triệt để. Chỉ người nào xả sạch hết mới gọi là tu cao, còn chưa sạch thì tu chưa cao. Do xả ly buông sạch phiền não nên được gọi là thánh, không phải do chứng đắc, nên do ly mà được thanh tịnh hay được thanh tịnh là do ly.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế đều nên kính lễ.

Phật dạy:

– Như thế, vì tất cả pháp bản tánh ly. Thiện Hiện nên biết, nếu tất cả pháp bản tánh xa lìa tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì cớ sao? Vì Như Lai chứng biết thật tánh các pháp không tạo không tác.

Thiện Hiện thưa: 

– Thế Tôn! Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đối với tất cả pháp không có chỗ chứng gọi là hiện đẳng giác.

Bản tánh năm uẩn là ly. Nên biết các pháp có hợp thì có tan, không thể hợp mãi. Vì không nhớ tính chất hợp ly của các pháp, muốn giữ hoài không cho ly nên đau khổ. Khi năm uẩn chia lìa không ai giữ được, chúng ta đau khổ lo sợ vì chỉ muốn hợp mà không muốn ly.

Đi sâu trong đạo, không nói những người xuất gia đạt lý thiền, chỉ nói một cư sĩ tại gia như Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi sắp tịch, ngài nằm theo thế kiết tường nhắm mắt. Thê thiếp chung quanh khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước súc miệng rửa tay, rồi quở: “Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm làm náo động chân tánh ta.” Nói vậy rồi nằm xuống đi xuôi, tự tại làm sao! Mình làm tăng phải hổ thẹn với những việc như vậy. Người xưa không phải đợi xuất gia thọ hai trăm năm mươi giới rồi mới tự tại, cư sĩ cũng đạt đạo, sống được với cứu cánh tự tại, như Tuệ Trung, Bàng Uẩn…

Người xả ly hoàn toàn thì thanh tịnh hoàn toàn, không còn bị sanh tử trói buộc. Chúng ta chưa chịu ly nên vẫn còn lẩn quẩn. Đôi lúc xảy ra chuyện tức cười. Như khi thấy người làm những việc trái, mình nổi giận nói: Việc đó đáng giận mà không giận sao được! Cho cái giận là đúng, tức là thật tình chưa xả ly, muốn nuôi dưỡng sân giận. Nhớ rằng không có cái đáng giận, chỉ vì mình xả ly nhưng chưa hết trọn vẹn, còn những cái nhiễm nhỏ nhỏ, vì vậy với cảnh thô thì thắng được, niệm tế chưa thắng được.

Đức Phật ly các pháp nên không còn chỗ chứng đắc, chúng ta nói ngài hiện Chánh đẳng giác, thật ra không có gì hiện Chánh đẳng giác. Vì đã ly các pháp, ngay đó là chánh giác, không có gì gọi là được, là chứng đắc. Cũng như khi chúng ta bỏ được tham sân si, bị khen chê chửi mắng gì cũng an nhiên, những người chưa bỏ được thấy như vậy bèn khen: Ông tập được như vậy hay quá! Thật có tập được cái gì đâu, chỉ bỏ thôi, mà họ nói mình tập được. Ngôn ngữ thế gian nghe dường như phải mà không phải. Phật xả bỏ tất cả, không còn dính còn nhiễm nữa thì nói ngài được Chánh đẳng Chánh giác. Đó là nói theo thế gian. Bản tánh các pháp là ly, không hiểu được chỗ này nên nói tu mà không được gì cả thì rất buồn. Chúng ta mơ ước chứng đắc là chỉ nghĩ được thêm chứ không chịu nghĩ bớt đi. Mong được thêm hoài nên tu hơi lâu, hơi khó. Phải hiểu rõ tu là ly là bớt, không còn một chút gì dính mắc.

Phật dạy: 

Như thế, do tất cả pháp một tánh không hai. Thiện Hiện nên biết, các pháp một tánh tức là không tánh. Như thế, các pháp một tánh, không tánh là gốc thật tánh. Gốc thật tánh này tức là một tướng gọi là không tướng.

Không tánh là không có tự tánh cố định. Thấy các pháp không có tự tánh, đó là các pháp một tánh không hai. Thấy như vậy là thấy tột cùng gốc của các pháp. Gốc thật tánh này tức là một tướng, gọi là không tướng. Thí dụ nói cái đồng hồ không cố định, tướng không cố định này ra sao? Không có tướng. Cái không có tướng là lý thật của nó. Nếu nói tướng không cố định như thế nào chỉ tôi coi. Mình chỉ tướng đồng hồ được mà chỉ tướng không cố định không được.

Thế nên Thiện Hiện, tất cả Như Lai Ứng Chánh đẳng giác đối tất cả pháp không có chỗ chứng gọi là hiện đẳng giác. Vì cớ sao? Vì bản tánh các pháp chỉ một không hai.

Không hai tức là không có tự tánh.

Thiện Hiện nên biết, bản tánh các pháp tức không phải bản tánh, cái phi bản tánh này tức là bản tánh. Hay biết như thế tức là hay xa lìa tất cả chấp trước.

Biết được như vậy tức là lìa tất cả chấp trước. Tất cả chúng ta đều mắc kẹt bởi thân, bởi cảnh, trong thấy có thân ngoài thấy có cảnh. Chấp thân chấp cảnh đó là sáng suốt hay ngu si? Từ gốc chấp lầm này đưa đến chấp ngôn ngữ diễn tả tốt xấu hay dở v.v… Đó là gốc của phiền não, vì có ngôn ngữ nên có khen chê, có thương ghét. Còn chấp một pháp thật thì chưa phải thông minh tột cùng. Trong Uyển Lăng Lục, thiền sư Hoàng Bá nói, một hạt bụi chẻ ra làm trăm hạt bụi, trong trăm hạt bụi tí ti đó, chín mươi chín hạt thấy là không thật, còn lại một hạt thấy là thật cũng là còn chấp, cũng là phiền não. Chúng ta bây giờ thấy bao nhiêu hạt không thật? Thấy chín mươi chín hạt là thật, còn một cái không thật là mây là khói. Chấp thật nhiều quá nên gặp đâu dính đó rồi khổ dài dài.

Giả sử như mình không nói bậy làm bậy, nhưng có huynh đệ ác cảm, tổ gian mình nói bậy làm bậy. Nghe như vậy tự nhiên mình nổi giận đùng đùng: Tôi không có như vậy, tại sao nói?… Nếu biết lời nói không thật, tốt xấu không thật, người ta muốn nói gì nói, mình không có thì thôi. Không chấp tất cả, chỉ cười cho qua, đó là người thông minh. Trong chúng nếu có hai người nghĩ khác nhau, cãi nhau, đưa tới thầy Trụ trì nhờ thầy phân xử, thì xử làm sao cho đúng lẽ? Cho mỗi người một gậy khỏi phân xử. Hỏi tại sao thầy đánh con? Không phải đánh con mà đánh cái ngu si.

Câu chuyện lý thú mà tôi nhớ hoài trong Thiền Sư Trung Hoa. Ngài Giáp Sơn và ngài Định Sơn đi đường nói chuyện với nhau, hai quan điểm không đồng nên không biết ai đúng ai sai. Khi lên núi lễ ngài Đại Mai xong, Giáp Sơn trình bày câu chuyện và hỏi;

– Chỗ thấy của hai người ai được thân?

Theo danh từ của mình là ai đúng.

Ngài Đại Mai bảo:

– Mai lên ta sẽ nói.

Sáng sớm, Giáp Sơn lên trước hỏi, ngài đáp:

– Người hỏi thì không đúng, người đúng thì không hỏi.

Giáp Sơn đau lòng quá! Từ đó về sau làm thầy thiên hạ thường tuyên bố:

– Gió thổi tôi đến chỗ Đại Mai, bị một câu nói tới giờ chưa an!

Mấy chú thấy, người mà còn nóng lòng phải quấy là còn chấp, còn ngu si. Hôm nào mấy chú có cãi nhau, lên thưa tôi thì tôi chỉ cho mỗi người một gậy là về. Xử như vậy tiện nhất, mau nhất, không mích lòng ai hết. Xử người phải người quấy, mai mốt kiện nữa, hai người hai gậy là an ổn nhất. Học đạo như vậy mới thấy cái hay của đạo.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế khó thể hiểu biết.

Phật dạy: 

– Như thế, vì không biết.

Tại sao Bát-nhã như thế, vì không biết? Vì khởi niệm biết là đã mất Bát-nhã rồi. Nói không biết là không phân biệt theo giả danh giả tướng. Đây nói thật tướng Bát-nhã, không nói quán chiếu Bát-nhã.

Thiện Hiện thưa: 

– Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không thể nghĩ bàn.

Phật dạy: – Như thế, vì không phải chỗ hiểu biết của tâm.

Mọi tâm vương, tâm sở dấy lên đều mất Bát-nhã

Thiện Hiện thưa: 

Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế không có chỗ tạo tác. 

Phật dạy: 

– Như thế, vì các tác giả không thể được. 

Vì thấy có tạo tác là thấy có tác giả, có người mới có tạo tác, thấy không có tác giả thì nói gì tạo tác.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

– Thế Tôn! Thế nào Bồ-tát ma-ha-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? 

Phật dạy: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu không hành sắc là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu không hành thọ, tưởng, hành, thức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại, Thiện Hiện! Chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu không hành sắc không là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu không hành thọ, tưởng, hành, thức không là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là áp dụng trí tuệ quán sát năm uẩn ngay nơi thân mình, thấy nó không thật có, không theo năm uẩn. Phàm phu phải quán thân, quán cảnh không thật để đừng chấp trước, chạy theo thân cảnh. Nhưng không phải một bề chấp năm uẩn không ngơ, như thế là rơi vào đoạn diệt, cũng là bệnh. Phật dạy không hành sắc không là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hành Bát-nhã là không thấy năm uẩn thật có, không thấy năm uẩn thật không, thấy năm uẩn duyên hợp như huyễn như hóa, đó là hành Bát-nhã.

Thiện Hiện, chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu không hành sắc tướng không viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nếu không hành thọ, tưởng, hành, thức tướng không viên mãn là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì cớ sao? Vì sắc không viên mãn tức phi sắc; thọ, tưởng, hành, thức không viên mãn tức phi thọ, tưởng, hành, thức. 

Nếu không hành như thế là hành Bát-nhã ba-la- mật-đa. 

Sắc tướng không viên mãn là sắc tướng chưa cứu cánh, nghĩa là chấp sắc hoàn toàn có hoặc hoàn toàn không. Chấp như vậy là không thấy đúng như thật tánh của sắc, nên nói sắc không viên mãn tức phi sắc, thọ tưởng hành thức cũng như thế. Thấy thật tánh năm uẩn chẳng phải thật năm uẩn, chẳng phải không năm uẩn, thấy như vậy mới là viên mãn. Nên Phật dạy Bồ-tát phải tránh hai cực đoan, ngũ uẩn có và ngũ uẩn không, không chấp hai cái đó là hành Bát-nhã, Như vậy Bát-nhã là chấp Có hay chấp Không? Nếu chấp không thì không phải Bát-nhã, nhớ rõ như vậy, Ai nói Bát-nhã chấp không, người đó trình độ học Phật tới đâu? Đó là người thấy bệnh mà cho là thuốc.

Thiện Hiện thưa: 

– Thế Tôn rất ít có! Thiện Thệ rất kỳ lạ, đối trong các thứ trước nói tướng không trước.

Phật dạy:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát không hành sắc, không có chỗ trước tướng là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện Hiện nên biết, chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu hay hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thế này. Đối với sắc không sanh trước; đối với thọ, tưởng, hành, thức không sanh trước; đối với quả Dự lưu không sanh trước; đối với quả Nhất lại, Bất hoàn, A-la-hán không sanh trước; đối với Bồ-đề của Độc giác không sanh trước; đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật không sanh trước; đối với Tát-bà nhã cũng không sanh trước. Vì cớ sao? Vì không trước không phược, vượt qua tất cả gọi là Tát-bà-nhã. Như thế, Thiện Hiện! Chư Bồ-tát ma-ha-tát vượt tất cả trước, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Không hành sắc là không chạy theo sắc, không trước tướng đó là hành Bát-nhã. Bồ-tát hành Bát-nhã không chấp trước phàm phu nơi thân năm uẩn; không chấp trước bốn quả Thanh văn, không thấy bốn quả Thanh văn là thật; không chấp trước quả vị Độc giác; không chấp trước Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề là thật; không chấp trước Nhất thiết chủng trí là thật. Không chấp trước, không vướng kẹt, vượt qua tất cả, đó là được Nhất thiết chủng trí.

Thí dụ người đi học, học hết cấp một thấy đủ, ngang đó tự mãn rồi nghỉ. Có người học lên cấp hai, hết cấp hai tự mãn rồi nghỉ, có người không dừng ở cấp hai tiến lên cấp ba, ngay cấp ba thấy đủ rồi nghỉ. Có người không nghỉ ở cấp ba, học lên tới cử nhân, hết cử nhân cho là đủ, ngang đó nghỉ. Có người xong cử nhân học lên tiến sĩ, đến tiến sĩ cho là đầy đủ không học nữa. Lại có người học hoài, học hết tất cả cấp không thấy ngang đâu là thật hết, học đến chừng nào không còn gì để học nữa, chừng đó mới thôi. Người cứ học hoài đối với những người nghỉ học có cấp bằng ra làm việc, là hơn hay thua?

Nếu còn thấy có một chỗ thật để hài lòng, dừng lại chỗ đó thì chưa phải là cứu cánh. Phải vượt tất cả cấp mới tới chỗ cứu cánh. Chúng ta tu đừng mong chứng quả, vì còn dừng lại ở quả vị là chưa rốt ráo. Như người tu thiền, nghe nói ngồi thiền lâu chứng được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền… Nhớ lại mình không chứng được tầng thiền nào, buồn không? Tự nhiên thấy buồn, người ta tu năm, bảy tháng chứng được Sơ thiền, mình tu đây mấy năm mà không thấy ai chứng gì hết, thật buồn. Nhưng thử hỏi, chứng Sơ thiền rồi ngang đó dừng hay phải tiếp tục tu nữa? Nếu muốn tiến lên thì biết đó chỉ là một chặng dừng chân phải đi qua. Ở đây chúng ta không muốn dừng lại ở trạm nào, một bề tu tiến đến chỗ viên mãn mới thôi. Kinh Pháp Hoa phẩm Hóa Thành Dụ, Phật cũng dạy các đệ tử Thanh văn không nên dừng nghỉ hóa thành, đó chỉ là phương tiện tạm đặt, chưa phải thật sự xong việc. Ý của phẩm này rất phù hợp với đoạn kinh Bát-nhã Phật dạy trong đây, chư Bồ-tát vượt qua tất cả chấp trước mới gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Pháp tu của Nguyên thủy trước tiên mượn hình tướng để chú tâm quán sát, khi tâm ngưng lặng được định là có kết quả. Thí dụ người tu quán hơi thở hay quán đất nước gió lửa… là có hình tướng để tâm vin theo. Tâm luôn trụ nơi một đề mục để quán, quán thành tựu thì được định nên phát ra những tướng lạ. Tướng lạ đó gọi là từng chặng được. Pháp tu của chúng ta không vin nơi tướng, không trụ chỗ nào, làm sao có phát tướng lạ. Chỉ là một bề lìa bỏ, hôm nay thấy còn sân thì phải lìa sân và cứ lìa như thế đến khi nào hết thì xong, thì tự tại. Lối tu này có hơi khác biệt, nếu tâm không chạy theo cảnh thì có lìa không? Thấy, biết vọng tưởng không thật, không theo vọng, đó là lìa. Vọng tưởng khác dấy lên cũng lìa nữa, lìa hoài đến khi hết thôi. Đó là tu pháp xả ly, xả ly trọn vẹn không dừng ở một chặng nào. Nếu có đặt tên từng chặng, từng quả vị, cũng phải lìa đến mức tột cùng, khi không còn cái để lìa mới thôi. Chủ yếu của việc tu là như vậy, hai bên khác nhau.

Thiện Hiện thưa: 

– Thế Tôn rất ít có! Thiện Thệ rất kỳ lạ! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, pháp tánh sở chứng rất là thậm thâm, hoặc nói hoặc không nói đều không có tăng giảm.

Tán thán pháp Bát-nhã, dù có nói hay không nói đều không thêm, không bớt.

Phật bảo: 

– Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói. Ví như hư không, giả sử trọn đời chư Phật hoặc khen hoặc chê, hư không cũng không tăng giảm. Pháp tánh thậm thâm cũng như thế, hoặc nói hoặc không nói đều không tăng giảm.

Lại, Thiện Hiện, ví như người huyễn đối với sự khen chê không vui không buồn, không tăng không giảm. Pháp tánh thậm thâm cũng như thế, dù nói, dù không nói, vẫn như xưa không khác.

Thấy người thật cảnh thật đối với khen chê có vui buồn tăng giảm. Nếu thấy người huyễn cảnh huyễn thì đối với khen chê không vui buồn, không tăng giảm. Bây giờ giả sử có chú nào nói “thưa Thầy, con tu hành không thấy cái gì thật hết, thân con là huyễn, cảnh là huyễn, nhưng gặp việc, ai khen thì cười, ai chê thì giận”, như vậy có thật thấy huyễn chưa? Chưa. Vì thấy huyễn thì không thấy có vui buồn. Sống như vậy mới là sống đúng pháp tánh.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: 

Chư Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thật là việc rất khó. Nghĩa là Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc tu hoặc không tu, không tăng không giảm, không tiến không thối.

Bát-nhã ba-la-mật-đa hoặc tu hoặc không tu, không tăng, không giảm, không tiến, không thối. Nghĩa là thể tánh Bát-nhã y nhiên không tăng không giảm, chúng ta tu hay không tu, thể Bát-nhã không thay đổi. Như đêm rằm mặt trăng không có thêm ánh sáng, mà có sáng có tối là do có mây hay không mây.

Chư Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la- mật-đa như tu hư không, trọn không thể có.

Tu như hư không nên tu Bát-nhã buồn, buồn mà vui. Buồn mặt nào, vui mặt nào? Buồn ở chỗ tu không thấy mình được cái gì hết, nhưng vui vì thấy cái gì cũng như huyễn không có một pháp thật thì cứ cười chơi, có gì phải phiền hà phải lo sợ. Cũng như đi xem chiếu bóng, biết hình ảnh không thật nên diễn ra cảnh gì mình cũng không khóc, nếu thấy thật thì khóc theo họ. Thấy nó giả dối thì không lệ thuộc vào nó.

Nghĩa là ở trong này không có pháp khả đắc mà siêng năng tu học cho đến không Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà thường không thối chuyển.

Quả Chánh đẳng Vô thượng Bồ-đề để đối với phàm phu mà nói. Nói ngộ là đối với mê, nói sáng là đối với tối, nếu sáng hoài thì nói gì sáng với tối. Vì chỗ này tối đen mà chỗ kia sáng nên mình mới tán thán chỗ sáng, than thở chỗ tối. Bây giờ chỗ nào cũng sáng ngời hết thì khen cái gì, chê cái gì? Bát-nhã cũng vậy, vì tất cả pháp không thật, khi mê thì gọi là phàm phu, khi hết mê thì gọi là giác. Thấy không có mê giác thật, không có chỗ được nhưng vẫn siêng năng tu học, không thối chuyển.

Thế Tôn! Đối với chư Bồ-tát ma-ha-tát, hữu tình chúng con đều nên kính lễ vì các ngài hay mặc giáp đại công đức như thế. Vì cớ sao? Bởi chư Bồ-tát ma-ha-tát vì độ hữu tình nên mặc giáp công đức. Ví như người muốn chiến tranh với hư không phải mặc giáp kiên cố. 

Mặc giáp, cầm gươm để đánh với hư không là sáng suốt hay ngu si, làm như thế người ta có nói mình điên không? Có. Một anh chiến sĩ đánh giặc chứ chiến sĩ sao đánh với hư không? Vậy Bồ-tát như điên rồi! Sự thật không phải vậy. Vì biết chúng sanh ở trong cuộc đời này khổ vui là như mộng, Bồ-tát lăn vào trong cõi mộng để cảnh tỉnh họ, có phải là làm việc như mộng huyễn không? Mộng huyễn là đối với người tỉnh; người mê thấy như thật, họ khóc cười buồn vui thật sự, Bồ-tát phải ra tay giúp họ khỏi khổ. Tôi thường thí dụ người ngủ mê thấy mộng dữ, họ la khóc. Chúng ta là người tỉnh đứng bên cạnh, không nỡ bỏ mặc. Họ thấy thật mà mình biết đó là mộng thì kêu họ thức dậy để cho qua cơn kinh hoàng. Lòng từ bi không cho phép chúng ta làm ngơ. Biết là mộng mà phải kêu thức tỉnh, tỉnh rồi họ mới biết là mộng. Khi kêu cho họ thức đó, công phu mình ở chỗ nào? Mình kể công với họ làm sao? Mộng đã không thật thì đánh thức có gì là thật?

Độ tất cả hữu tình mà không thấy có hữu tình được độ, cũng như người đang mê được gọi tỉnh. Tỉnh rồi thấy người mê không thật, cảnh khổ trong mê không thật, người kêu gọi cũng không thật. Giống như chuyện chiến đấu với hư không, chuyện rỗng không mà cứ làm, mà không phải là vô nghĩa. Bồ-tát thấy cuộc đời là huyễn nhưng mình thấy thế nào? Chưa thật sự thấy huyễn, nếu có nói thì nói ngoài miệng chứ trong bụng cũng chưa huyễn được nữa. Cho nên các ngài phải vỗ kêu chúng ta hoài hoài, họa chăng mới tỉnh đôi phần. Không kêu thì mình ở trong mộng buồn vui khóc cười, nên đây dùng thí dụ này.

Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát vì độ hữu tình thấy có giáp công đức. Như người chiến sĩ mạnh mẽ muốn nhổ hư không để chỗ cao thắng.

Chúng sanh như mộng mà vẫn đánh thức chúng sanh. Như vậy coi như làm chuyện không đâu mà cứ vẫn làm. Đó là những thí dụ cho chúng ta thấy những việc làm này thật hy hữu, thật là khó.

Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát là người chiến sĩ rất mạnh mẽ mặc giáp công đức, vì các hữu tình như hư không, pháp giới, pháp tánh, muốn tiến đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát được đại tinh tấn ba-la-mật vì tất cả pháp như hư không, nên mặc giáp công đức. 

Chúng hữu tình không thật, giống như hư không, như pháp giới, như pháp tánh. Pháp giới pháp tánh cũng rỗng rang như hư không. Bồ-tát biết tất cả pháp như hư không, độ mà không thấy thật, luôn mặc giáp công đức xông vào chốn hư không, đó mới thật hy hữu.

Thiện Hiện luôn khen ngợi việc làm của Bồ-tát, biết tất cả pháp không nhưng luôn hành hạnh từ bi. Chỉ vì hữu tình điên đảo, trong cái giả tưởng là thật nên phải cứu họ. Cách cứu duy nhất là chỉ cho họ biết đó là giả. Đức Phật chia ra ba loại bố thí: tài thí, pháp thí, vô úy thí. Bố thí tài chưa thật cứu cánh, bố thí pháp mới cứu cánh. Bố thí pháp là làm gì? Dầu ở trong cõi tạm bợ này có người thương chúng ta, cho ăn trăm ngàn món quý, cho mặc trăm ngàn thứ đẹp, ở nhà sang trọng… nhưng thân tứ đại có rã hay không? Ăn mặc sơ sài hay ăn ngon mặc đẹp ở sang gì cũng rã. Chúng ta giúp người no ấm sung sướng cũng chỉ là tạm thời, phải dạy người thức tỉnh, biết cuộc đời tạm bợ, chuyển cái giả thành cái thật mới là cứu cánh. Vì thế nói tất cả tài thí đều là hữu lậu, nếu còn chấp thì chưa phải là chân thật.

Trong ba cách bố thí, bố thí pháp là quan trọng. Có nhiều đoàn thể đặt nặng tài thí, lao mình vào xã hội, tổ chức làm việc này việc kia để giúp ích cho đồng bào, việc này dễ thấy. Phật giáo đặt nặng vấn đề hướng dẫn dạy dỗ cho người ta tỉnh, không chú trọng hình thức bên ngoài nên tưởng như Phật giáo tiêu cực. Sự thật chúng ta đặt vấn đề giác, cảnh tỉnh cho chúng sanh được ngộ, đó là cái gốc, nếu có làm những việc kia cũng chỉ là phương tiện thôi. Hiểu rõ như vậy chúng ta không buồn, không so sánh việc làm của mình của người. Phải biết giảng kinh thuyết pháp nói đạo cho người ta nghe là cái gốc của mình.

Thế Tôn! Các Bồ-tát ma-ha-tát rất là ít có, vì các loài hữu tình như hư không, thoát khổ sanh tử như hư không, được Niết-bàn như hư không, mặc giáp công đức.

Đây là chỗ tích cực của Bồ-tát, cũng là việc ít có. Biết hữu tình như hư không, thoát khổ như hư không, được Niết-bàn như hư không, vẫn mặc giáp công đức lao vào hư không. Học Bát-nhã là học tinh thần như hư không, không dính mắc, không trụ trước.

Khi đó, trong hội có vị Bí-sô hướng Phật chắp tay bạch: 

– Thế Tôn! Con nên kính lễ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Nghĩa là Bát-nhã ba-la-mật-đa này không có pháp để sanh, không có pháp để diệt. 

Trời Đế-thích hỏi Thiện Hiện:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa phải làm thế nào học? 

Thiện Hiện đáp:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát muốn học Bát-nhã ba-la- mật-đa phải như hư không tinh tấn tu học.

Trời Đế thích liền bạch Phật:

– Nếu người thiện nam, thiện nữ… đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng siêng năng tu học, suy xét đúng lý, biên chép, giải nói để lưu bố rộng rãi, con phải thủ hộ người ấy khiến không bị tổn não. 

Học Bát-nhã như hư không, nhưng luôn luôn chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, suy xét đúng lý, biên chép giải nói để lưu bố rộng rãi. Nghĩa là biết không dính mắc mà vẫn phát tâm tu học không bỏ qua. Trời Đế-thích nguyện ủng hộ người thọ trì Bát-nhã.

Thiện Hiện hỏi: 

– Ông thấy có pháp có thể thủ hộ chăng?

Để thích thưa: 

– Bạch đại đức, không. Con không thấy có pháp có thể thủ hộ.

Thiện Hiện bảo:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát như Bát-nhã ba-la-mật-đa nói mà trụ, tức là thủ hộ. Nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì nhân phi nhân… muốn làm tổn não liền được dễ dàng.

Người nào làm đúng với tinh thần Bát-nhã dạy là thủ hộ Bát-nhã. Người nào lìa Bát-nhã thì bị nhân phi nhân… làm tổn não dễ dàng. Thí dụ chúng ta đang tu như vầy, đi ra đường có người chỉ mặt nói “ông tu vậy chứ trong bụng xấu hơn ai hết!”… Lúc đó nếu không có Bát-nhã thì nổi giận, đó là tổn não. Nếu có Bát-nhã thì ai nói gì mặc họ nói, mình thấy không có một pháp thật, người không thật, pháp không thật, rồi cười. Vậy có Bát-nhã là không bị tổn não.

Tôi thường nói mấy chú phải mang cây kiếm Bát-nhã không rời là như vậy, bỏ rơi kiếm là bị ma quân xâm phạm liền. Chiến sĩ nhà mình đi đâu cũng đi tay không nên khi về bị thương tích đầy mình. Bây giờ tôi yêu cầu: Dù đi cuốc rẫy cũng phải mang cây kiếm Bát-nhã theo! Như thế mới khả dĩ bảo vệ khỏi bị thương tích, nếu bỏ quên kiếm Bát-nhã thì bị thương tích. Đó là những điều cụ thể.

– Kiều-thi-ca! Nếu muốn thủ hộ người thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không khác gì người phát khởi tinh tấn thủ hộ hư không. Nếu muốn thủ hộ chư Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thì luống nhọc nhằn trọn không lợi ích. Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Có người hay thủ hộ tiếng vang chăng? 

Đế-thích thưa: 

– Bạch Đại đức không.

Thiện Hiện bảo:

– Nếu muốn thủ hộ chư Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như thế, luống nhọc nhằn trọn không lợi ích. Kiều-thi-ca! Chư Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tuy biết các pháp đều như tiếng vang… mà không xem thấy, cũng không hiện bày, vì tất cả pháp trọn không chỗ có, chẳng thể được. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay trụ như thế là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thủ hộ chư đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thủ hộ tiếng vang. Vì biết nó như tiếng vang nên không xem thấy, không hiển bày. Các pháp trọn không chỗ có, không thể được, Bồ-tát trụ như thế là hành Bát-nhã, người ủng hộ cũng trụ như thế là hành Bát-nhã. Đây là đoạn kết thúc.

Khi ấy, vì sức oai thần của Thế Tôn khiến thế giới tam thiên đại thiên, bốn đại thiên vương, vua trời Đế-thích, vua trời Đại Phạm… tất cả thiên chúng đều đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ngồi một bên. Do thần lực của Phật ở mười phương thế giới, mỗi nơi thấy một ngàn đức Phật đồng nói nghĩa phẩm danh tự Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Bí-sô đứng đầu trong chúng thỉnh Phật nói Bát-nhã ba-la- mật-đa đều tên Thiện Hiện. Người đứng đầu trong thiên chúng hỏi gạn Bát-nhã ba-la-mật-đa đều tên Đế thích. 

Thế Tôn bảo Thiện Hiện: 

– Bồ-tát Từ Thị khi sắp chứng Vô thượng Chánh đẳng giác tức lấy tên này, cũng ở chỗ này tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, trong Hiền kiếp này các đức Phật thời sau cũng lấy tên này và chỗ này tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Do oai thần của Phật khiến cả thế giới tam thiên đại thiên, trời Tứ thiên vương, vua trời Đế-thích, vua trời Đại Phạm… tất cả đều đến chỗ Phật đảnh lễ rồi lui ngồi một bên. Lúc đó, cũng do oai thần của Phật mà mười phương thế giới mỗi nơi thấy một ngàn đức Phật đồng nói nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nơi nào người đứng đầu hỏi cũng là Thiện Hiện. Để thấy rằng mười phương chư Phật ra đời cũng đều nói nghĩa Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa là chỗ tột cùng chân thật mà chư Phật đã ngộ đã chứng, cũng là chỗ tột cùng chư Phật nói để dạy bảo chúng sanh.

Đoạn sau nói đức Phật Di-lặc và chư Phật trong Hiền kiếp này ra đời ở chỗ này, cũng đều nói pháp Bát-nhã này. Trước nói mười phương chư Phật đồng nói Bát-nhã, hiện tại Phật Thích-ca, vị lai Phật Di-lặc đều nói pháp Bát-nhã. Đứng về thời gian là ba đời, đứng về không gian là mười phương, đối với Bát-nhã cứu cánh không hai không khác, nên tất cả chư Phật đều chứng một pháp, đều dạy một pháp. Bát-nhã là trí tuệ căn bản, là cội gốc để giác ngộ viên mãn. Tất cả người tu nếu không có trí tuệ này thì không thành tựu, không thể giáo hóa chúng sanh được lợi ích trọn vẹn. Vì thế Phật hiện thần lực rộng lớn cho chúng hội tăng trưởng niềm tin.

Tên phẩm này là Thanh Tịnh. Thanh tịnh ở chỗ nào? Có hai điểm: Một là thể, bản thể của Bát-nhã là thanh tịnh. Vì thanh tịnh nên nói Bát-nhã là khó hiểu, sáng suốt, vô biên v.v… Đứng về mặt thể, không thể dùng ngôn ngữ hình tướng chỉ bày được. Hai là dụng, muốn trở về bản thể thanh tịnh phải ứng dụng pháp xả ly, lìa tất cả phiền não chấp trước. Dụng của Bát-nhã giúp chúng ta buông bỏ chấp trước, nhận rõ các pháp không thật, dừng vọng niệm phiền não, nên nói do ly được định. Đây là nghĩa của phẩm Thanh Tịnh.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.