Kinh Đại Bát Nhã Trích giảng

Phẩm Diệu Hạnh giảng giải



Tổng quát

Kinh Đại Bát-nhã gồm 600 quyển, 16 hội. Hội I, II, III rất nhiều, kinh Kim Cang nằm ở hội thứ IX, quyển 577. Hội thứ IV có 29 phẩm, từ quyển 538 đến 555, tức là cả thảy 18 quyển, trung bình dễ học, nên tôi trích năm phẩm để giảng. Đó là các phẩm:

– Diệu Hạnh (phẩm 1, quyển 538 và 539)

– Thanh Tịnh (phẩm 8, quyển 545)

– Hiện Thế Gian (phẩm 12, quyển 547)

– Không Tướng (phẩm 18, quyển 549 và 550)

– Kiên Cố (phẩm 27, quyển 553 và 554)


Phẩm Diệu Hạnh nghĩa là hạnh nhiệm mầu, chúng ta học đây là phẩm đầu trong hội thứ IV.

Tôi nghe như vầy: Một hôm, đức Phật ở thành Vương Xá trên ngọn núi Linh Thứu, cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị, đều là A-la-hán. Các ngài đã dứt sạch các lậu, không còn phiền não, được tự tại chân thật, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, như ngựa khôn đã thuần, như con đại long. Việc đáng làm đã làm, điều nên sửa đã sửa, bỏ hết các gánh nặng, tự mình được lợi lạc, dứt hết các kết, chánh trị giải thoát, chí tâm tự tại, cứu cánh bậc nhất. Chỉ ngoại trừ A-nan riêng còn ở hàng học địa. Trong chúng đây, Cụ thọ Thiện Hiện là bậc thượng thủ. 

Xuất xứ của phẩm này, lúc Phật ở thành Vương Xá, trên núi Linh Thứu cùng với chúng Tỳ-kheo, một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc A-la-hán. Các ngài đã dứt sạch phiền não, được tự tại chân thật, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, như ngựa khôn đã thuần… Tại sao chia ra tâm giải thoát và tuệ giải thoát? Khi người tu đến chỗ đại tự tại, tâm đối với cảnh không vướng mắc đó là tâm khéo giải thoát; trí tuệ nhìn thấy lẽ thật của các pháp không dính mắc, gọi là tuệ giải thoát. Có hai tính cách này nên ví các ngài như ngựa đã thuần, như rồng chúa dũng mãnh. Việc đáng làm đã làm, điều nên sửa đã sửa, tức là đối với phiền não tam độc đã dẹp bỏ xong, đã chứng trọn vẹn quả vị A-la-hán, bỏ hết các gánh nặng. Nói gánh nặng, tưởng chừng như phải quảy, phải gánh một cái gì hết sức nặng nề. Sự thật gánh nặng ở đây là nghiệp đã gieo trồng, đã tạo nên.

Nghiệp đó đã buông xả hết là bỏ gánh nặng. Thí dụ người chưa tập uống rượu, lúc đó có ghiền rượu không? Không. Khi tập uống rượu lâu ngày thành ghiền rượu, tập hút thuốc thành ghiền thuốc. Ghiền rượu, ghiền thuốc rồi mỗi ngày họ phải chi thêm tiền cho cơn ghiền của mình. Đối với người làm việc chỉ kiếm được tiền đủ ăn mặc, phải chi thêm tiền rượu thuốc nữa, đó là gánh nặng. Gánh nặng này tự mình phải bỏ, bỏ gánh nặng nghĩa là bỏ những nghiệp cũ để được nhẹ nhàng. Ở đây nói các ngài bỏ hết gánh nặng tự mình được lợi lạc. Chánh tri giải thoát là hiểu biết đúng đắn được giải thoát, cứu cánh bậc nhất là đến chỗ rốt ráo tột cùng. Chỉ trừ ngài A-nan còn ở hàng hữu học, nghĩa là còn trong tam quả Thanh văn, tất cả trong chúng đều chứng quả A-la-hán. Trong chúng, Cụ thọ Thiện Hiện là bậc thượng thủ. Đó là ngài Tu-bồ-đề theo âm tiếng Phạn (Subhūti), Trung Hoa dịch nghĩa là Thiện Hiện, ngài là bậc đứng đầu trong đại chúng.

Khi ấy, Phật bảo Thiện Hiện: 

– Ông nên lấy biện tài vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, dạy bảo chư Bồ-tát ma-ha-tát khiến nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh. 

Phật khuyến khích ngài Tu-bồ-đề giảng dạy Bát-nhã cho chư đại Bồ-tát nghe.

Cụ thọ Xá-lợi Tử suy nghĩ: Nay nhân giả Thiện Hiện tự lấy sức mình hay nhờ sức oai thần của Phật mà vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm? 

Ngài Xá-lợi Tử nghi không biết ngài Thiện Hiện nói được pháp Bát-nhã này là do tự khả năng của mình hiểu thấu hay do nhờ oai thần của Phật mà tuyên thuyết. Đó là cái nghi thông thường theo ý trong kinh.

Cái nghi này cũng có thể nói lên tinh thần Bát nhã xuất hiện sau Phật Niết-bàn từ ba trăm đến bốn trăm năm. Kinh Bát-nhã này là riêng do các ngài tự dựng lên hay ảnh hưởng từ đức Phật mà ra? Đoạn sau đây giải thích sự xuất hiện kinh Bát-nhã có hai ý như đã nói ở phần đại cương.

Cụ thọ Thiện Hiện nhờ oai thần của Như Lai, biết được chỗ tâm nghĩ của Xá-lợi Tử, liền bảo Xá-lợi Tử: 

– Đệ tử Thế Tôn có tuyên thuyết chỉ bày đều nhờ sức oai thần của Như Lai. Vì sao? Xá-lợi Tử! Phật trước vì kia tuyên thuyết chỉ dạy pháp, kia y lời Phật dạy, tinh cần tu học cho đến chứng được thật tánh của các pháp, sau vì kẻ khác tuyên thuyết chỉ dạy, nếu không trái với pháp tánh đều là nhờ oai thần của Như Lai gia bị, cũng là chứng được đẳng lưu của pháp tánh. 

Câu trả lời của ngài Thiện Hiện đã làm sáng tỏ ý nghĩa. Phật trước vì người kia chỉ dạy pháp yếu, người đó y theo lời dạy tinh cần tu học cho đến chứng được thật tánh của các pháp. Thấy được chỗ cứu cánh chân thật đó rồi, sau vì kẻ khác tuyên thuyết chỉ dạy, nếu không trái với pháp tánh đều nhờ oai thần của Như Lai gia bị.

Do được đức Phật chỉ dạy, người học thấu suốt rồi dạy lại người sau. Dạy lại người sau có thể bằng ngôn ngữ, có thể bằng văn nghĩa mà không trái với pháp tánh, đều nhờ oai thần của Như Lai gia bị. Đây là chỗ chứng được đẳng lưu của pháp tánh, còn gọi là pháp tánh bình đẳng tuôn chảy. Từ pháp tánh đó Phật đã chứng ngộ, ngài chỉ dạy cho hàng đệ tử cũng chứng ngộ như thế. Đoạn kinh này gợi ý cho chúng ta hiểu rõ, kinh Bát-nhã dù không phải do Phật trực tiếp nói, đệ tử Phật nói ra cũng do sự gia bị của Phật, không ngoài tinh thần Phật dạy.

Thế nên, tôi sẽ vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, dạy bảo khiến nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh, hay làm được việc này đều nhờ Phật lực, không phải do biện tài của tôi. 

Ngài xác nhận rõ ràng. Tôi làm việc này là y cứ theo tinh thần của Phật, không phải là ý kiến riêng tư của tôi.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Thế Tôn! Nay con vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, dạy bảo chư Bồ-tát ma-ha-tát khiến nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh. Thế Tôn! Nói là chư Bồ-tát, do pháp gì gọi là Bồ-tát? Thế Tôn! Con không thấy có pháp có thể gọi là Bồ-tát ma-ha-tát, cũng không thấy có pháp có thể gọi là Bát nhã ba-la-mật-đa. 

Tại sao ngài nói như vậy? Bồ-tát là chỉ cho người, pháp Bát-nhã là chỉ cho pháp. Mở đầu nói Bát-nhã, nếu thấy có người chứng quả Bồ-tát, thấy có Bát-nhã ba-la-mật-đa là pháp cứu cánh thì chưa phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói Bát-nhã là không thấy có người thật, không thấy có pháp thật, mới đúng tinh thần Bát-nhã.

Thế Tôn! Con đối với Bồ-tát và pháp Bồ-tát không thấy không được, cũng không thấy không được pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa. Làm sao bảo con vì chúng Bồ-tát tuyên thuyết chỉ bày pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Thế Tôn! Con phải lấy pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa nào? Dạy bảo những chúng Bồ-tát ma-ha-tát nào? Khiến nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh? 

Với con mắt của Thiện Hiện, người và pháp đều không thật, không có chỗ để nói. Ngài bạch Phật: Bồ-tát không thật, pháp Bát-nhã không thật, con lấy pháp nào, đối với Bồ-tát nào để dạy đến chỗ được cứu cánh? Những câu này nghe rất lạ, nhưng sự thật ngài đã chỉ rõ tinh thần Bát-nhã. Thấy người không thật, pháp không thật, đó là cứu cánh dạy Bát-nhã.

Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói như thế tâm không chìm lặng, không lui sụt, không kinh sợ, an trụ đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa đã dạy, tu hành pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa khiến được cứu cánh, phải biết tức là vị ấy dạy bảo chư Bồ-tát ma-ha-tát khiến nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh, cũng gọi là vị ấy tuyên thuyết chỉ bày pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Người nào nghe nói Bồ-tát không thật, pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa không thật, biết rõ như vậy đối với pháp Bát-nhã không lui sụt, tu hành đến chỗ rốt ráo, là người đã tuyên thuyết Bát-nhã sâu thẳm.

Lại, Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên học thế này: Không chấp trước tâm đại Bồ-đề. Tại sao? Vì tâm phi tâm tánh, bản tánh thanh tịnh. 

Người học Bát-nhã không chấp trước tâm đại Bồ-đề. Tại sao? Vì tâm đại Bồ-đề không thật, nếu thấy nó thật, là chấp trước. Vì tâm phi tâm tánh, bản tánh thanh tịnh. Câu này đưa ra, ngài Xá-lợi-phất nghi

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Có cái tánh phi tâm và phải tâm chăng?

Thiện Hiện hỏi Xá-lợi Tử: 

– Phi tâm và tâm tánh hoặc có, hoặc không là có thể được chăng? 

Xá-lợi Tử đáp: 

– Thiện Hiện, không được. 

Thiện Hiện hỏi Xá-lợi Tử: 

– Phi tâm và tâm tánh hoặc có hoặc không đã không thể được, tại sao lại hỏi có cái tánh phi tâm và phải tâm chăng? 

Vì nói tâm phi tâm tánh, nên ngài Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện là có một cái tánh vừa chẳng phải tâm vừa là tâm chăng? Thiện Hiện hỏi lại để xác định cái phi tâm và tâm ấy có thể nắm bắt được không. Theo tinh thần Bát-nhã, dù tâm hay phi tâm đều không thật, nói có nói không đều không đúng, không thể nắm bắt. Ngài Xá-lợi Tử cũng trả lời theo tinh thần Bát-nhã, tánh của tâm là phi tâm hay là tâm đều không thể được. Đã không thể được mà hỏi có cái tâm và phi tâm là vô lý. Đối đáp của hai ngài để làm sáng tỏ vấn đề.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Những gì gọi là tâm phi tâm tánh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Nếu không biến hoại, không phân biệt, ấy gọi là tâm phi tâm tánh. 

Trả lời câu hỏi những gì gọi là tánh của tâm phi tâm, ngài Thiện Hiện nói: cái không biến hoại, không phân biệt, đó là tánh tâm phi tâm. Tại sao? Vì nếu nói tâm thì phần nhiều người ta cho tâm là phân biệt, phân biệt hiểu biết thì nằm trong biến hoại. Tánh của tâm phi tâm này không biến hoại, không phân biệt, bởi thế nên nói tâm phi tâm tánh. Câu này đã định nghĩa rõ ràng.

Xá-lợi Tử khen: 

– Lành thay! Lành thay! Thật như lời Nhân giả nói. Nên chi Phật nói Nhân giả trụ định Vô tránh rất là bậc nhất, quả như lời thánh nói. 

Phật thường khen tôn giả Thiện Hiện được định Vô tránh bậc nhất. Vô tránh là không tranh, vì nếu còn thấy có phải quấy, hơn thua, sai đúng v.v… thì còn có tranh. Thấy tất cả pháp không thật nên không chấp, không dính, tâm được chánh định gọi là an trụ chỗ không tranh. Chúng sanh thấy cái gì cũng thật, phải quấy, đúng sai… đều thật nên tranh cãi nhau mãi. Bồ-tát không tranh cãi nên an trụ thiền định, thiền định này khác với thiền định dùng pháp quán hơi thở để lần lần được định. Chỉ cần trí tuệ thấy tất cả pháp không thật, rồi cười thôi, không có gì phải nghĩ, phải chạy theo phân biệt. Như vậy là tâm định. Đó là Vô tránh tam-muội, định bằng trí tuệ, không phải định bằng cách ngồi yên.

Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói như thế, tâm không chìm lặng, không lui sụt, không kinh sợ, phải biết vị ấy cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được không thối chuyển. 

Nếu Bồ-tát quán sát như thế tâm phi tâm tánh, nên biết Bồ-tát này không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. Nếu người thiện nam, thiện nữ muốn cầu tu học quả vị Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát đều nên đối Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng và chuyên cần tu học, phương tiện khéo léo khiến chỗ tu hành chóng được cứu cánh. 

Chỗ hệ trọng là tu hành đúng như lời dạy, mới đạt được Bát-nhã sâu thẳm; không phải đọc cho nhiều, tụng cho lắm mà được Bát-nhã thông suốt,

Vì cớ sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm này nói trùm tất cả pháp nên học. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát cần cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, muốn tu hành đúng hạnh chư Bồ-tát, muốn thành tựu đầy đủ phương tiện khéo léo và các Phật pháp, đều nên đối pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm đây chí tâm lóng nghe, thọ trì, đọc tụng, khiến được thông suốt, tu hành đúng như lời dạy. Vì cớ sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm này nói trùm tất cả pháp chư Bồ-tát ma-ha-tát cần nên học. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay đối trong đây tinh cần tu học, ắt được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tất cả sở cầu đều được đầy đủ. 

Nói không cầu mà cầu là nói đến tinh thần rốt ráo của Bát-nhã. Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi để giải thích từng phần.

Thí dụ cái đồng hồ này là thật hay giả? Xét theo lý nhân duyên, đồng hồ này không thật có vì không tự tánh, đợi đủ duyên hợp mới thành. Dùng phương tiện mở toang ra từng bộ phận để riêng hết, lúc đó tìm cái gì là đồng hồ không có. Đồng hồ không có tự thể thật. Đến những bộ phận như từ con ốc, miếng kiếng, cây kim v.v… là thật hay không thật? Phân tích cùng tột nó cũng chỉ là nhiều hạt bụi nguyên tử kết tụ xoắn chặt với nhau. Biết con ốc, cây đinh… là những nguyên tử thì nó không thật. Phân tích nguyên tử đến cuối cùng thành cái gì? Còn có một cái để thấy, để phân tích thì nó không có tự thể. Tất cả pháp như đinh, ốc, cây kim… phân tích cuối cùng đều không có tự thể. Tất cả pháp đều không.

Từ đồng hồ cho đến con người.., những sự vật có hình tướng đều do duyên kết tụ, đều không có tự thể riêng.

Dùng con mắt trí tuệ Bát-nhã soi thấu tất cả pháp trên thế gian, không pháp nào có tự thể cố định, tất cả pháp tự tánh đều là Không. Hiện tượng các pháp bên ngoài không thật có, cho đến cái hay phân tích sự kiện, cái đó thật có hay không? Lúc chưa biết thì cần phân tích để biết thấu đáo; khi biết không có một pháp thật, đâu cần phân tích làm gì. Thí dụ khi chúng ta còn nhỏ muốn làm bài toán phải đọc cửu chương từ hai lần lần đến mười. Học lên lớp trên thuần thục rồi, đến đó biết làm liền không cần đọc cửu chương mới làm được.

Đây là tinh thần đương thể tức không, không còn dùng trí tuệ phân tích. Biết tất cả pháp toàn thể đều là tánh không, không có một pháp thật, lúc đó đâu còn duyên, còn kẹt, còn dính cái gì nữa mà phải phân tích. Tâm tánh lúc này vô phân biệt, chính đó là thật tướng Bát-nhã. Chỗ này không sanh diệt, không biến hoại, gọi là tâm phi tâm.

Tu Bát-nhã, giai đoạn đầu là dùng trí tuệ phân tích sự vật đến chỗ tột cùng, thấy tất cả pháp bản tánh là không. Muôn pháp thiên hình vạn trạng lớn nhỏ sai biệt, nhưng đến chỗ cứu cánh đều là tánh không. Lớn như núi Tu-di, nhỏ như hạt cải, đứng về mặt tánh không không có cái nào lớn, cái nào nhỏ. Vì thế nói lấy hạt cải nhét vô núi Tu-di, lấy núi Tu-di nhét trong hạt cải, Lớn của núi Tu-di là giả tướng, nhỏ của hạt cải cũng là giả tướng. Đứng trên thể tánh không, tất cả đều bình đẳng, không sai biệt nên lớn dung nhỏ, nhỏ dung lớn. Nếu không học lý này, nghe nói núi Tu-di nhét vô hạt cải, làm sao tin được?

Học hiểu rồi chúng ta thấy trên thế gian này không một pháp nào có tự tánh. Ngã và pháp phân tích tột cùng cũng không tự tánh. Ngã pháp không tự tánh, không chấp ngã chấp pháp, tâm chúng ta lúc đó ra sao? An nhiên tự tại, không còn phiền nhiễu quấy động, không giải thoát là gì! Tu theo lối Bát-nhã là tu thấy cho thấu đáo, cười với thế gian không có gì bận lòng, lúc đó tâm yên tịnh.

Có câu chuyện một thiền sư đi đến đâu cũng cười nói ồn náo. Tại một thiền viện, Tri sự thấy ồn náo quá, bực bội lên bạch với Hòa thượng đường đầu:

– Vị tăng mới tới làm ồn náo, làm loạn chúng. Hòa thượng kêu vị tăng mới tới lên, hỏi:

– Nghe nói ông tới cười nói ồn náo làm động chúng phải không?

Tăng trả lời:

– Bạch Hòa thượng, tất cả đều là giấc mộng, con muốn sống với mộng vui hơn mộng buồn.

Đã là thấy như mộng rồi thì nên sống với mộng vui hơn, chứ sống chi mộng buồn. Vị tăng ấy sống có đúng với tinh thần Bát-nhã không? Thấy các pháp như mộng huyễn, có gì đâu mà cố chấp. Ông cười vì thấy cuộc đời như mộng chẳng có gì quan trọng, vui là vui trong mộng thôi. Chúng ta thấy cuộc đời là thật nên còn động niệm. Khi thấu đáo tinh thần Bát-nhã rồi, thì công phu có vẻ tự tại, lúc nào cũng vui tươi. Thấy còn mất thành hoại cũng là trò chơi, không có gì phải bi quan, ưu tư, phiền muộn lo lắng. Nghe nói như thế có một số người lại hiểu lầm, học Bát-nhã rồi cứ cười chơi không làm gì hết, vì không có gì thật mà làm. Đó là một cái bệnh, sau sẽ đề cập đến. Tuy trí tuệ thấy tột cùng là vậy, nhưng không thể nói rằng Bồ-tát không làm gì hết, điểm đặc biệt này nên lưu ý.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Thế Tôn! Con quán Bồ-tát chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng được, chẳng thấy thật sự. Con quán Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng được, chẳng thấy thật sự. Con sẽ vì những Bồ-tát ma-ha-tát nào tuyên thuyết chỉ bày? Có những pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa nào để nói? Dạy bảo những Bồ-tát ma-ha-tát nào khiến nơi pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm nào chứng được cứu cánh? 

Thế Tôn! Con quán sát Bồ-tát và Bát-nhã ba-la- mật-đa chỉ có giả danh, chẳng biết, chẳng được, chẳng thấy thật sự, mà ở trong đó nói có Bồ-tát và Bát-nhã ba-la-mật-đa bèn có nghi ngờ. 

Ngài Thiện Hiện quán thấy Bồ-tát chỉ có giả danh, cũng như cái nhà chỉ có giả danh cái nhà. Quán Bồ-tát như thế, quán pháp Bát-nhã cũng giả danh. Người giả danh, pháp giả danh, không có pháp nào thật có thật đắc, không có người thật để nghe, vậy thì nói với ai và dùng pháp nào để nói? Phật bảo con dạy Bồ-tát khiến chứng được pháp Bát-nhã sâu thẳm, làm sao dạy? Ngài thưa lên chỗ nghi ngờ của mình, cũng là nhắc lại cho chúng ta nhớ quán sát người và pháp đều giả danh. Dù gọi là Bồ-tát hay pháp Bát-nhã cao tột, trong đó cũng chẳng thật có Bồ-tát, thật có pháp Bát-nhã để chứng đắc.

Thế Tôn! Tên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm và tên Bồ-tát đều không quyết định, cũng không trụ xứ. 

Tên Bát-nhã và tên Bồ-tát đều không quyết định, trụ xứ. Như tên của chúng ta có quyết định, có trụ xứ không? Nếu có quyết định thì không thay đổi, nhưng nó thay đổi tùy trường hợp, tùy thời gian. Cha mẹ sanh ra ở nhà kêu tên khác, đến trường kêu tên khác, người xuất gia cũng có tên khác, đôi khi bạn bè lại kêu tên khác nữa. Nó là một vòng thay đổi không có gì quyết định chắc chắn. Con người chúng ta là dòng biến chuyển nên cũng không có trụ xứ. Như tên Nguyễn Văn A lúc mười lăm tuổi, đến khi sáu mươi tuổi gặp lại, chúng ta không nhớ. Nếu có trụ xứ thì y nguyên, nhưng con người, hoàn cảnh, các pháp đều không ở nguyên một chỗ, đổi dời liên tục. Ngay khi đang kêu tên mình đây, nó cũng không phải là mình, nó là một dòng biến đổi không ngừng. Chấp có một cái tên cố định hay con người thật cố định là không đúng lý Bát-nhã.

Hiểu như vậy mới biết rõ ràng tên Bồ-tát, tên Bát-nhã không trụ xứ không quyết định. Như vậy lấy cái gì để dạy cái gì? Đó là chỗ chẳng biết, chẳng được, chẳng thấy thật sự, không để cho tâm phàm phu bám víu, vì thế nói tên Bát-nhã, tên Bồ-tát đều không có quyết định, không có trụ xứ.

Vì cớ sao? Vì hai tên như thế đều không thể có, không thể có pháp, không định, không trụ. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, tâm không chìm lặng, không lui sụt, không kinh sợ, tin hiểu sâu xa, phải biết Bồ-tát ma-ha-tát ấy an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa thường không xa lìa, lấy không chỗ trụ làm phương tiện, an trụ địa vị Bồ-tát bất thối chuyển. 

Học Bát-nhã, thấy Phật bảo ngài giảng mà ngài không giảng gì hết, chỉ nói Bồ-tát không có, pháp Bát-nhã không có, người không thật, pháp không thật, không chỗ trụ, không quyết định. Tưởng như không giảng Bát-nhã nhưng thật sự là đang giảng Bát-nhã. Kết thúc, ai nghe như vậy tâm không chìm, không lui sụt…, đó là an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa, an trụ địa vị Bồ-tát bất thối chuyển. Học Bát-nhã thấy rất lạ.

Lại, Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa không nên trụ sắc, không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức. Vì cớ sao? Nếu trụ nơi sắc là hành sắc, không phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; nếu trụ thọ, tưởng, hành, thức là hành thọ, tưởng, hành, thức, không phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Tinh thần Bát-nhã là tinh thần không kẹt, không trụ trong năm uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì nếu trụ ở sắc là hành sắc, thấy sắc uẩn thật có.

Có trí tuệ thì thấy sắc uẩn không thật nên không trụ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, nếu thấy thật tức là đang hành thọ, tưởng, hành, thức, không phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Mỗi ngày chúng ta tụng Bát-nhã mà có trụ nơi năm uẩn không? Nếu có trụ tức là hành năm uẩn, không phải hành Bát-nhã, huống nữa là hành thâm. Tu tập trí tuệ Bát-nhã, nếu chưa quán năm uẩn một trăm phần trăm giả, ít ra cũng phải quán hai mươi, ba mươi phần trăm giả; nếu thấy nguyên vẹn thật là năm uẩn thì biết công phu chúng ta chưa đến đâu. Hành Bát-nhã là không trụ năm uẩn; trụ năm uẩn là hành năm uẩn chứ không phải hành Bát-nhã. Nhớ cho thật kỹ điều đó.

Vì cớ sao? Vì không chấp hành là hay nhiếp Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không nhiếp Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể tu tập. 

Vì không chấp hành là hay nhiếp Bát-nhã ba-la-mật-đa, người nào không chấp cái hành đó là nhiếp Bát-nhã ba-la- mật-đa. Nếu không nhiếp Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể tu tập. Nghĩa là tu mà đừng chấp; như khi đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thấy có người đang hành Bát-nhã, có pháp Bát-nhã được hành, như thế là chấp hành. Bát-nhã không thật mà chấp có cái hành thật thì không đúng. Vì thế nói không chấp có hành thật, đó mới là hành Bát-nhã.

Nếu đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể tu tập thì nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể viên mãn. 

Không tu tập Bát-nhã thì đối với trí Bát-nhã không viên mãn rốt ráo. Tu tập Bát-nhã là không chấp mình đang tu Bát-nhã, mới thật sự tu Bát-nhã. Chúng ta tu Bát-nhã phá từng giai đoạn. Thứ nhất, phá năm uẩn không thật tức là phá ngã. Thứ hai, không chấp năm uẩn mà còn thấy có trí tuệ Bát-nhã để phá năm uẩn, tức là còn thấy có pháp, cũng chưa phải thật sự hành Bát-nhã; vì thế đến giai đoạn hai, phá luôn cái thấy có phá năm uẩn. Năm uẩn đã không thật, cái soi năm uẩn làm sao thật được. Như bóng dáng của ngoại trần rơi rớt trong tâm thức chúng ta, khi khởi tâm nghĩ duyên theo bóng dáng đó, cái khởi nghĩ có thật không? Bóng đã không thật thì cái duyên theo làm sao thật được.

Nên biết năm uẩn là không thật thì cái chiếu rọi năm uẩn cũng là không thật. Thấy rõ như vậy nên không chấp cái hành, tu tập như vậy mới viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nếu nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể viên mãn thì không thể được Nhất thiết trí trí. 

Tại sao ở đây nói thêm chữ Nhất thiết trí trí? Thường thường trong kinh hay giản trạch Nhất thiết trí là hàng Thanh văn, Nhất thiết trí trí là hàng Bồ-tát, còn Nhất thiết chủng trí là trí của Phật. Nhất thiết trí là trí thấy biết tất cả. Thấy tất cả thế gian này từ người, vật cho đến bản thân mình không một tí một ly nào mà chẳng phải tự tánh không. Thấy tất cả pháp tánh không là thấy được lẽ thật của nó, đó là trí thấy biết tất cả. Nếu chỉ biết trong phạm vi nào đó là chưa thấy biết tất cả. Thấu triệt các pháp đều duyên hợp, bản tánh là không, thấu suốt lẽ đó, thấy mãi mãi như vậy, không nghỉ, không quên đó là Nhất thiết trí. Trí này, thêm chữ trí sau để nói điều gì? Biết thấu một vật là một trí, biết tất cả vật là nhất thiết trí, mà trí biết được trí đó nữa gọi là Nhất thiết trí trí, đó là trí trong nhà Phật nói.

Đôi khi chúng ta phải dùng kiêu mạn để trị kiêu mạn. Nói rằng: Tất cả chúng ta đều có thể được Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì nếu chúng ta chịu khó thấy tột cùng các pháp cái nào cũng tự tánh là không, thấy đúng lẽ thật, đúng chân lý của nó là trí. Biết rõ trí đó là trí nhất thiết trí. Ai cũng có thể đi đến chỗ đó được. Người áp dụng Bát-nhã tu như vậy thì suốt ngày an lạc. Dùng trí nhất thiết trí thấy cùng tột các pháp không thật, còn gì để phiền não, để hơn thua, phải quấy. Cả ngày mình sống nhìn trời, nhìn mây mà tâm an nhiên tự tại, không có gì để bực bội. Có gì thật đâu mà bực bội, có khen có chê mình cũng là trò chơi, xử tốt xử xấu với mình cũng là trò chơi, có gì đâu. Chúng ta tu thật là tu mà không tu gì hết. Tu Bát-nhã là tu bằng trí tuệ, tu không kìm hãm gượng ép. Thấy đúng như thật, tâm buông xả mọi điều, tự tại giải thoát ngay trong cuộc sống, giải thoát ngay mọi đối tượng; không đợi dứt hết phiền não, tâm lặng yên rồi mới giải thoát.

Nếu không thể được Nhất thiết trí trí thì không thể nhiếp và sở nhiếp hữu tình. Vì thế, không nên nhiếp thọ các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì cớ sao? Vì sắc đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể nhiếp thọ. Vì sắc không thể nhiếp thọ nên không phải sắc; thọ, tưởng, hành, thức không thể nhiếp thọ, nên không phải thọ, tưởng, hành, thức. 

Không được Nhất thiết trí trí thì không thể nhiếp và sở nhiếp, là hay nhiếp phục mình và nhiếp phục được chúng hữu tình. Vì thế, không nên nhiếp thọ các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhiếp là thu, thọ là nhận. Không nên thu nhận các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đây là chỗ quan trọng của người tu Bát-nhã, muốn nhiếp phục chính mình trước tiên không nên nhiếp thọ năm uẩn. Tại sao? Vì sắc đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể nhiếp thọ. Trí tuệ Bát-nhã thấy sắc không thật, không thể thu nhận, không thấy sắc là thật, nên sắc mà không phải sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, không thể nhiếp thọ, nên không phải thọ, tưởng, hành, thức. Rõ ràng ngũ uẩn giai không. Không thu nhận, tức là không thật, không thật tức là nó mà không phải nó. Nói năm uẩn là nói một cách giả danh, giả hiệu, không thật. Không thật thì không có gì để chấp. Hiểu được như vậy, thấy được như vậy là đang hành Bát-nhã. Những câu này đảo đi đảo lại rất khó hiểu. Toàn bộ sáu trăm quyển Bát-nhã tới lui chỉ nói như thế, tôi đọc hết rồi mới thấm thía cái hay của nó.

Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm cũng không thể nhiếp thọ nên không phải Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chư Bồ-tát ma-ha-tát nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế. Nếu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, ấy gọi là Bồ-tát. 

Dùng Bát-nhã để phá năm uẩn, ngược lại Bát-nhã cũng không thật, không thể thâu nhận được, vì vậy cũng không phải Bát-nhã. Theo thứ tự, phá lớp ngoài thấy không thật, phá đến lớp trong cũng không thật luôn. Nghĩa là phá khách thể rồi phá luôn chủ thể.

Người thực hành Bát-nhã sâu thẳm như thế gọi là Bồ-tát. Như vậy làm Bồ-tát khó hay dễ? Chỉ dùng Bát-nhã soi tột cùng ngũ uẩn không thật, trí chiếu soi đó cũng không thật. Các phiền não trói buộc, lôi cuốn chúng ta đều do ngũ uẩn, biết rõ ngũ uẩn không thật thì còn gì lôi kéo? Ngũ uẩn là ngã, cái hay biết ngũ uẩn không thật là pháp, pháp không thật, ngã không thật, ngã pháp đều xong. Ngã pháp ngay chính mình không phải ngã pháp ở ngoài. Thấy được như vậy là Bồ-tát con, hay là Bồ-tát bậc trung. Làm Bồ-tát không khó, không cần trèo non lội biển, chỉ có chiếu soi lại chính mình. Chiếu soi không được thì không làm Bồ-tát được.

Đối tất cả pháp không nhiếp thọ, được định rộng lớn, không đối, vô lượng, quyết định không chung với Thanh văn, Độc giác, cũng không nhiếp thọ Nhất thiết trí trí. 

Đối tất cả pháp không nhiếp thọ, tức là không thu nhận, lúc đó được định rộng lớn. Đi chơi ngoài đường cũng định, tâm an nhiên, không kìm không giữ, đó là định rộng lớn. Năng sở không còn nên định đó không đối. Định ấy vô lượng, quyết định không chung với Thanh văn, Độc giác, cũng không nhiếp thọ Nhất thiết trí trí.

Nhất thiết trí trí đến đây cũng không chấp nhận. Chỉ còn cái không phân biệt mà không hoại. Nhất thiết trí trí là Bồ-tát phân biệt với Thanh văn, Độc giác. Chỗ cuối cùng không còn phân biệt, không biến hoại, không nói là gì. Chỗ này thật sâu thẳm.

Vì cớ sao? Vì Nhất thiết trí trí này không phải chấp tướng mà tu được, các thứ chấp tướng đều là phiền não. Nếu chấp tướng tu được Nhất thiết trí trí thì Phạm chí Thắng Quân đối với Nhất thiết trí trí không nên tín giải. Phạm chí Thắng Quân tuy do sức tín giải quy thú Phật pháp gọi là tùy tín hạnh, mà hay dùng ít phần trí quán tất cả pháp tánh nó là không, ngộ nhập Nhất thiết trí trí. 

Nhất thiết trí trí này không phải chấp tướng mà tu được, vì còn chấp tướng là còn phiền não. Trí này không tu không đắc, tất cả pháp tự tánh không, nên không chấp không dính mắc bất cứ hình thức nào. Buông bỏ tất cả pháp, buông bỏ trí có chiếu soi, an nhiên tự tại rộng thênh thang. Cuối cùng là Nhất thiết trí trí cũng buông, không chấp giữ. Người tu dầu cho siêng năng, thực hành thiền định miên mật, trong tâm còn vướng mắc hình tướng mình đang tu, vẫn là chưa gột sạch phiền não.

Nếu chấp tướng tu được Nhất thiết trí trí thì Phạm chí Thắng Quân đối với Nhất thiết trí trí không nên tín giải. Phạm chí Thắng Quân nghe nói về Bát-nhã phát tâm tin hiểu, vì nói về chấp tướng thì bên Phạm chí chấp hình tướng rất nhiều, không đưa đến giải thoát, không được Nhất thiết trí trí. Phạm chí Thắng Quân do sức tin hiểu mà quy thủ Phật pháp. Người vào Phật pháp có hai hạng: một là tùy tín hạnh; hai là tùy giải hạnh. Tín là niềm tin, từ lòng tin tiến vào đạo là tín hạnh, do hiểu mà vào đạo là giải hạnh. Phạm chí Thắng Quân đến với đạo là tùy tín hạnh, ông có được ít phần trí thấy tất cả pháp tánh không, nhờ đó ngộ nhập Nhất thiết trí trí.

Ngộ nhập rồi không chấp tướng sắc, không chấp tướng thọ, tưởng, hành, thức. Không lấy hỷ lạc quán thấy trí này, không lấy nội sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lấy ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lấy cả nội ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này. 

Chỗ này nghe như đọc thần chú. Khó làm sao! Khi ngộ nhập Nhất thiết trí trí rồi thì không chấp tướng sắc, không chấp tướng thọ, tưởng, hành, thức, câu này dễ hiểu. Không lấy hỷ lạc quán trí này, nghĩa là không do hỷ lạc thấy được Nhất thiết trí trí, câu này giản trạch để chúng ta không nhận lầm. Khi ngồi thiền, quán chiếu thấy tướng lạ hoặc được tâm hỷ lạc, cho là mình được đạo, chưa phải là Nhất thiết trí trí. Vì Nhất thiết trí trí rất cụ thể thực tế, thường còn, không phải tướng hỷ lạc. Tất cả tướng hỷ lạc đều vô thường, trí này thường còn mà không có tướng, vì thế không phải lấy hỷ lạc mà quán trí này.

Đây chia ra nội sắc, thọ, tưởng, hành, thức và ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cũng như tứ đại trong và ngoài bồi bổ nhau mới hình thành, ngũ uẩn cũng phải có trong và ngoài hỗ trợ nhau mới thành tựu. Thí dụ, sắc uẩn không có tứ đại ngoài bồi bổ có thành không? Thọ, tưởng, hành, thức cũng phải có nội và ngoại hợp lại mới thành. Đoạn này nói Không lấy nội sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lấy ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lấy cả nội ngoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này; không lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức quán thấy trí này. Vậy Nhất thiết trí trí nằm ở đâu? Nếu nằm ngay năm uẩn thì năm uẩn tánh không, năm uẩn là đối tượng sở quán, trí này không nằm trong năm uẩn. Trí này cũng không đứng ngoài năm uẩn, không thể tách rời năm uẩn. Nó không trong, không ngoài, không cả hai trong và ngoài. Cả ba trường hợp đều không được Nhất thiết trí trí. Như vậy rời thọ, tưởng, hành, thức có Nhất thiết trí trí hay không? Cũng không được. Chỗ này gọi là bất tức bất ly. 

Phạm chí Thắng Quân lấy môn ly tướng như thế đối Nhất thiết trí trí thâm sanh tín giải, đối với tất cả pháp đều không thủ trước. 

Ly tướng tức là không kẹt tướng trong, tướng ngoài của năm uẩn và tướng cộng hợp trong ngoài của năm uẩn, cũng không có tướng lìa năm uẩn. Đối Nhất thiết trí trí thâm sanh tín giải, đối với tất cả pháp đều không thủ trước, tin sâu trí này, đối các pháp không chấp không giữ, không tìm ra nơi chốn. Sau này ngài Lâm Tế nói có một vô vị chân nhân, một người chân thật không ngôi vị, nếu còn có ngôi vị chỗ nơi thì không phải chân thật. Tư tưởng Bát-nhã dẫn đầu cho những tư tưởng như thiền và các pháp Đại thừa khác.

Chúng ta thấy rõ chỗ này, không thể chấp cho trí tuệ chân thật cứu cánh trong hay ở ngoài… Có người yêu cầu chỉ ra chân tâm Phật tánh ở đâu, chúng ta chỉ được không? Đó là câu hỏi không đúng. Nói có trụ xứ là có hình tướng, Phật tánh không hình tướng, nếu trả lời một trăm chỗ cũng không đúng. Vì thế, đoạn này nói Nhất thiết trí trí không chỗ, không hình tướng thênh thang trùm khắp, đối tất cả pháp không thủ trước.

Phạm chí Thắng Quân lấy môn ly tướng nơi Nhất thiết trí trí được tín giải rồi, đối với tất cả pháp đều không chấp tướng, cũng không suy nghĩ các pháp không tướng. 

Tin hiểu sâu Nhất thiết trí trí rồi, đối các pháp không còn chấp tướng cũng không nghĩ đến không tướng. Chúng ta thấy có hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất dùng Bát-nhã để phá chấp tướng đến chỗ không tướng. Nhưng nếu còn chấp không tướng thì chưa phải là Bát-nhã. Giai đoạn hai là không chấp không tướng. Vì thế nói không suy nghĩ chấp tướng, không suy nghĩ chấp không tướng.

Như thế Phạm chí do sức thắng giải đối tất cả pháp không thủ, không xả, không đắc, không chứng. Khi ấy Phạm chí kia đối với tín giải của mình cho đến với Niết-bàn cũng không chấp trước, vì lấy pháp tánh chân thật làm định lượng vậy. 

Không thủ, không xả, không đắc, không chứng. Vì sao? Vì có thủ, có chấp trước nên mới có xả. Hết thủ rồi, xả cũng bỏ luôn. Có thủ mà không xả thì đầy nhóc cái bụng. Hết thủ rồi xả riết thì còn xương bọc da. Không thủ, không xả nên không đắc, không chứng. Khi tu tập mà cầu mong chứng đắc là tâm cầu mong quá nặng, là còn chấp tướng. Còn chấp tướng thì không thể đạt được Nhất thiết trí trí. Khi nghe ai khoe mình chứng đắc cái này cái kia thì biết chưa hết thủ xả. Đến chỗ hết thủ hết xả thì hỏi gì cũng chỉ cười, không nói chứng đắc, còn một cái để nói tức là còn chỗ chấp.

Cho đến với Niết-bàn cũng không chấp trước, với sức tin hiểu thâm sâu Bát-nhã, ngay cả Niết-bàn cũng không chấp trước. Vì lấy pháp tánh chân thật làm định lượng, pháp tánh chân thật là vô phân biệt, không còn gì để suy nghĩ. Đó là chỗ cứu cánh của người tu Bát-nhã.

Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát và Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm ấy, nên biết đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không nhiếp thọ. Tuy đối với các pháp không có chỗ nhiếp thọ, nếu chưa viên mãn mười lực của Như Lai, bốn vô úy, bốn vô ngại giải và mười tám pháp Phật bất cộng v.v… trọn không có giữa đường vào Niết-bàn. 

Chỗ đặc biệt của Bồ-tát là đối với năm uẩn không nhiếp thọ, tuy vậy nếu chưa viên mãn mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại giải, mười tám pháp bất cộng, nghĩa là chưa thành Phật thì không giữa chừng mà vào Niết-bàn. Chúng ta tu ai cũng mong được Niết-bàn sớm chừng nào tốt chừng ấy. Muốn giải thoát, muốn được Niết-bàn mà đối với năm uẩn chấp chặt, luôn nhiếp thọ thân năm uẩn thì mong ước không thành tựu.

Bồ-tát đối với năm uẩn không nhiếp thọ, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, thấy không thật đáng lẽ không tạo thân. Nhưng vì chưa viên mãn những điều kiện thành Phật nên vẫn tiếp tục thọ thân để tu cho đến viên mãn. Đó là chỗ khác nhau giữa Bồ-tát và A-la-hán.

Hàng Bồ-tát sức lực mạnh, tâm từ bi rộng lớn nên tuy đủ điều kiện vào Niết-bàn mà không vào. Các ngài đối với thân năm uẩn không chấp, không còn nghiệp tái sanh, nhưng vì chưa viên mãn Phật quả nên các ngài nương nhờ nguyện lực để tiếp tục con đường tu hành đến chỗ cứu cánh. Bồ-tát tái sanh do nguyện lực, không do nghiệp lực, ngay đây thấy năm uẩn là không, còn gì để tạo nghiệp.

Nên biết Bồ-tát ma-ha-tát và Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, tuy không chấp trước mà hay thành tựu các sự nghiệp thù thắng. 

Không chấp trước mà làm tất cả việc. Điều này hết sức kỳ đặc. Thường tình đối với việc không quan trọng, giả dối, chúng ta không làm. Bồ-tát biết tất cả pháp huyễn hóa nhưng cứ lao vô đó làm tất cả để cứu độ chúng sanh. Chúng sanh có huyễn hóa không? Bát-nhã ba-la-mật-đa còn huyễn hóa huống gì chúng sanh. Chúng sanh huyễn hóa thì cái khổ cái vui có huyễn hóa không? Thí dụ cha mẹ mới có một đứa con xinh đẹp dễ thương, giữa trưa nó ngủ, nằm mộng giãy khóc. Cha mẹ biết là mộng nhưng vẫn chạy lại kêu vỗ nó thức giấc. Vì tình thương quá nặng, thấy con khóc không nỡ bỏ. Bồ-tát cũng vậy, động cơ giáo hóa chúng sanh là từ bi, nếu không từ bi thì mặc chúng sanh huyễn hóa, các ngài không làm gì. Biết chúng sanh tạm bợ giả dối nhưng một cái khổ nhỏ cũng không bỏ, lăn lộn giữa đời giáo hóa không chán. Vì thế nói tất cả Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật-đa đều không thật, không chấp trước mà hay thành tựu sự nghiệp thù thắng, làm đủ mọi việc lợi ích chúng sanh để thành tựu Phật quả.

Chỗ khác nhau giữa Bồ-tát và Thanh văn: Thanh văn cũng có từ bi nhưng chỉ trong đời này, trong lúc tu các ngài cũng có công hạnh từ bi hỷ xả. Khi dứt nghiệp rồi các ngài nhập Niết-bàn yên tịnh, không nghĩ chuyện độ sanh. Chư Bồ-tát dùng trí tuệ quán biết chúng sanh huyễn hóa, các ngài dứt nghiệp rồi nhưng chưa viên mãn công đức, vì thế nguyện hành hạnh từ bị đến lúc đầy đủ công hạnh thành Phật mới thôi. Ngay khi có thể nhập Niết-bàn mà không nhập, phát nguyện ở đời tiếp tục độ chúng sanh, nếu không có động lực từ bi không thể vào sâu chỗ này. Bồ-tát là người có sức mạnh mà không tự mãn cho rằng mình được như vậy là đủ, rồi an vui vào Niết-bàn thảnh thơi. Thành tựu các sự nghiệp thù thắng tức là làm tất cả công hạnh đưa đến Phật quả.

Lại, Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán sát thế này: Những gì là Bát-nhã ba-la-mật-đa? Vì sao gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa? Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế phải làm thế nào? 

Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát kia khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên quán sát thế này. Nếu pháp không chỗ có, chẳng thể được thì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa không chỗ có ấy, lấy cái gì mà gạn hỏi? 

Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi đối với việc như thế quán sát kỹ càng, tâm không chìm lặng, không lui sụt, không kinh sợ, nên biết đó là không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Đoạn này có ba câu hỏi: Những gì là Bát-nhã? Sao gọi là Bát-nhã? Bát-nhã như thế phải làm sao? Chúng ta phải tu tập thế nào để trả lời ba câu trên? Bồ-tát nên quán sát thế này: Nếu pháp không chỗ , chẳng thể được, thì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa không chỗ có ấy lấy gì mà gạn hỏi. Giai đoạn thứ nhất là phá danh hiệu tướng trạng Bát-nhã. Giai đoạn thứ hai là phá cái gạn hỏi về Bát-nhã. Pháp không chỗ có, tức là các pháp không tướng, là đối tượng của trí Bát-nhã. Nếu hai cái đó hết rồi, thì cái gì hiện? Đối tượng đã phá rồi, Bát-nhã cũng phá, năng sở đều mất. Kế đến, niệm quán hỏi về danh tự, tướng trạng Bát-nhã cũng phá luôn. Đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Tinh thần Bát-nhã tột cùng không cho vướng kẹt một chỗ nào, mới thật tới chỗ cứu cánh.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Nếu sắc lìa sắc tự tánh; thọ, tưởng, hành, thức lìa thọ, tưởng, hành, thức tự tánh; Bát-nhã ba-la-mật-đa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa tự tánh; Nhất thiết trí trí lìa Nhất thiết trí trí tự tánh, thì do nhân duyên gì chư Bồ-tát ma-ha-tát không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa? 

Đây nêu lên ba vấn đề. Thứ nhất, năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức lìa tự tánh sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm uẩn không có tánh cố định. Thứ hai là Bát-nhã lìa tự tánh Bát-nhã, không có tánh sẵn có cố định. Thứ ba là Nhất thiết trí trí lìa tự tánh Nhất thiết trí trí, không có tánh cố định sẵn có. Cả ba đều không thật, không có tự tánh, vậy do nhân duyên gì chư Bồ-tát không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa? Như vậy là Bồ-tát có thật, Bát-nhã có thật?

Ngài Thiện Hiện đáp: 

– Đúng như vậy, Xá-lợi Tử! Các sắc lìa sắc tự tánh; thọ, tưởng, hành, thức lìa thọ, tưởng, hành, thức tự tánh; Bát-nhã ba-la-mật-đa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa tự tánh; Nhất thiết trí trí lìa Nhất thiết trí trí tự tánh. Bát-nhã ba-la-mật-đa tự tướng cũng lìa tự tướng, Bát-nhã ba-la-mật-đa tự tánh cũng lìa tự tánh, tướng cũng lìa tự tánh, tự tánh cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tướng, tự tánh cũng lìa tự tánh, năng tướng cũng lìa sở tướng, sở tướng cũng lìa năng tướng, năng tướng cũng lìa năng tướng, sở tướng cũng lìa sở tướng. 

Như đã nói, năm uẩn là hợp thể của con người, năm uẩn không có tự tánh nên lìa tự tánh. Bát-nhã là pháp tu tập, Bát-nhã không tự tánh nên lìa tự tánh. Nhất thiết trí trí là trí tuệ viên mãn của người tu Bát-nhã, trí này không tự tánh nên lìa tự tánh. Cả ba: con người năm uẩn không thật, Bát-nhã không có tự tánh thật, Nhất thiết trí trí cũng không có tự tánh thật.

Đây nói thêm, Bátnhã ba-la-mậtđa tự tướng lìa tự tướng, nghĩa là tự tướng của nó cũng không có tự tướng.

Bát-nhã không có tự tướng, không có tự tánh, tướng cũng lìa tự tánh vì tướng không có tự tánh nên nói lìa tự tánh, tự tánh cũng lìa tự tánh. Vì tướng không có tướng thật nên nói tướng lìa tướng, tự tánh của nó không thật nên nói tánh lìa tự tánh.

Năng tướng cũng lìa sở tướng, sở tướng cũng lìa năng tướng. Thế nào là năng tướng, thế nào là sở tướng? Thí dụ cái khăn do những sợi chỉ tạo thành. Cái khăn là sở tướng, sợi chỉ là năng tướng. Sở tướng không có tánh cố định của nó. Nếu rời những sợi chỉ ra, có tướng của cái khăn không? Vì vậy sở tướng lìa sở tướng. Những sợi chỉ kết thành cái khăn này, bản thân sợi chỉ thật không? Nó do tơ bông vải quấn lại thành sợi chỉ. Như vậy sợi chỉ là năng tướng cũng không có thật, nên nói năng tướng cũng lìa năng tướng. Sở tướng, năng tướng đều lìa. Sở tướng là tướng bị thành, đã thành, vì do duyên hợp nên không thật. Các duyên kết hợp để thành tướng cũng không thật. Năng tướng, sở tướng đều là duyên hợp, đã là duyên hợp thì không có cái nào thật hết, cả hai đều lìa, chữ lìa là như vậy. Năng tướng lìa năng tướng, sở tướng lìa sở tướng, Bồ-tát ma-ha-tát hiểu như vậy là hay biết đúng nghĩa thật, hằng không lìa xa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm.

Từ con người đến mọi sự mọi vật, cái nhà, bàn ghế, đồng hồ, cái ly cái tách… đều là tướng duyên hợp. Quán sát phân tích chúng từ thô đến tế đều lìa tự tánh tự tướng. Thế gian này không có cái sẵn có cố định, nên tự tánh lìa tự tánh, Như có người nói “tánh tôi nóng quá”, cái nóng đó có hai nghĩa rõ ràng. Một, tánh nóng nghĩa là nóng sẵn có, không phải mới đây. Hai, tánh nóng đó y nguyên như vậy sửa không được. Sẵn có là cố định, không đổi được là cố định sẵn có, tự tánh là cái sẵn có cố định, tất cả pháp không có tánh sẵn có cố định, nên nói nó không tự tánh. Vì thế Bát-nhã nói các pháp tánh Không.

Hiểu được lý này là hiểu được tất cả muôn pháp đều không có tự tánh. Pháp bị quán đã không tự tánh rồi, trí Bát-nhã năng quán cũng không tự tánh. Nếu cho rằng Bát-nhã có tự tánh là còn chấp một cái. Cho đến trí liễu ngộ Bát-nhã cũng không tự tánh nên nói Nhất thiết trí trí lìa tự tánh. Bát-nhã phá tột cùng, phá vật bên ngoài, phá bản thân, phá pháp, phá trí ngộ được pháp, không có một cái gì cố định. Thế mà chúng ta hay vỗ ngực xưng mình được cái này, cái kia. Nói “được” là đã cố chấp, cố định rồi. Chỗ tột cùng của Bát-nhã là không còn bị vướng mắc một điều nào hết.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát học như thế, chóng thành tựu Nhất thiết trí trí chăng? 

Thiện Hiện đáp: 

– Đúng vậy Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát học như thế, chóng thành tựu Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Xá-lợi Tử! Vì Bồ-tát ma-ha-tát kia biết tất cả pháp không sanh diệt. 

Bồ-tát tu học như thế sẽ chóng thành tựu Nhất thiết trí trí, thấy các pháp không sanh diệt. Phật dạy các pháp là vô thường sanh diệt, nếu như vậy thì trái với điều Phật dạy từ lâu nay. Thí dụ chúng ta xem chiếu bóng, nhìn lên thấy tấm màn trắng không có gì hết. Khi chiếu phim chúng ta thấy người, vật, đủ mọi thứ… Có phải những hình ảnh ấy mới sanh không? Rồi khi phim hết, có phải hình ảnh mới diệt không? Những hình ảnh trên màn bạc có sanh diệt thật không? Không. Thấy chúng không thật sanh không thật diệt là thấy được lý vô sanh. Tất cả pháp đều như huyễn, sanh không thật sanh, diệt không thật diệt. Tâm Kinh Bát-nhã có câu: Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Nếu không hiểu lý vô sanh làm sao hiểu mấy câu này. Vì thấy các pháp có thật nên thấy có sanh diệt, còn bị vô thường chi phối. Thấy các pháp huyễn hóa; hiểu như vậy, sống được như vậy là an trụ vô sanh pháp nhẫn, thành tựu Nhất thiết trí trí.

Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế sẽ được gần gũi Nhất thiết trí trí. 

Nhất thiết trí trí là trí viên mãn của Bồ-tát. Đạt được trí này không có gì khó, nếu lúc nào cũng thấy các pháp như huyễn như hóa, rõ ràng như vậy. Nhưng nghe nói các pháp duyên hợp như huyễn hóa tự nhiên chúng ta nghi, vì thấy thật quá mà nói huyễn sao được? Sao gọi là huyễn hóa? Thí dụ nhà ảo thuật hóa hiện một con chim ở trong bàn tay. Con chim có thật không? Trước đây không có, do sức huyễn thuật thấy như có, giây lát thu lại thì mất. Vậy cái có không thật có, chỉ trong thời gian ngắn. Đời sống chúng ta bảy, tám mươi năm thấy lâu dài hơn con vật hóa hiện nên nói nó là hóa, còn chúng ta là thật. Cũng như giấc mộng bao lâu? Thấy người thấy cảnh trong mộng không hơn một tiếng đồng hồ, cuộc sống đó ngắn ngủi nên nói là mộng, cuộc sống chúng ta dài bảy, tám mươi năm nên cho là thật. Khi ngộ được chân như Phật tánh không sanh không diệt, nhìn lại thân này thì thấy huyễn hóa. Vì thế Phật nói huyễn hóa thì đúng, chúng ta nói huyễn hóa thì sai. Sai là do không thấy được chỗ bất sanh bất diệt mà chỉ nhìn trên tướng sanh diệt. Sanh diệt nào ngắn thì nói là huyễn, dài thì nói là thật. Dài hay ngắn đều như huyễn vì không có thể cố định chân thật. Nếu biết là huyễn hóa thì còn chấp gì không? Kể cả thân này cũng không quan trọng. Tinh thần Bát-nhã phá tất cả chấp là ở chỗ này.

Lại, Xá-lợi Tử! Chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu hành sắc là hành tướng; nếu hành sắc tướng là hành tướng; nếu hành tướng không tướng của sắc là hành tướng; nếu hành sắc sanh là hành tướng; nếu hành sắc diệt là hành tướng; nếu hành sắc hoại là hành tướng; nếu hành sắc không là hành tướng. 

Hành sắc tức là chấp nhận sắc có thật, đó là chấp nhận tướng, là hành tướng chứ không phải hành Bát-nhã. Bát-nhã phá triệt để tất cả chấp về sắc, nếu còn chấp tướng không của sắc, chấp sắc có sanh diệt, có hoại cũng gọi là hành tướng. Cuối cùng, thấy sắc là không cũng phải phá dẹp, còn giữ một ý niệm về sắc đều không phải Bát-nhã.

Nếu nói ta hay hành là hành tướng; nếu nói ta là Bồ-tát hay hành là hành tướng; nếu nói ta là Bồ-tát có chỗ được là hành tướng. Nếu hành thọ, tưởng, hành, thức là hành tướng; nếu hành tướng thọ, tưởng, hành, thức tướng là hành tướng; nếu hành tướng không tướng của thọ, tưởng, hành, thức là hành tướng; nếu hành thọ, tưởng, hành, thức sanh là hành tướng; nếu hành thọ, tưởng, hành, thức diệt là hành tướng; nếu hành thọ, tưởng, hành, thức hoại là hành tướng; hoặc hành thọ, tưởng, hành, thức không là hành tướng. 

Đoạn này nói rõ, tất cả chấp đối với sắc, nếu thấy có thật sanh, diệt, hoại, không đều là hành tướng, không phải hành Bát-nhã. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng buông tất cả chấp như đối với sắc. Còn thấy có ta đang thực hành Bát-nhã, còn có sở đắc đều là hành tướng.

Nếu khởi nghĩ rằng “nếu hay hành như thế là tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa” cũng là hành tướng. Nên biết Bồ-tát ấy không có phương tiện khéo léo, tuy có thực hành mà không phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Bồ-tát có phương tiện khéo léo, tuy thực hành Bát-nhã mà không chấp ta đang hành Bát-nhã. Như có người mỗi ngày siêng năng lên chùa tụng Bát-nhã, mười biến, hai mươi biến… khi có ai hỏi thì nói “tôi tụng Bát-nhã”. Đó là hành tướng không phải hành Bát-nhã. Còn người không tụng biến Bát-nhã nào hết, đi đứng bình thường, ngồi chơi thong thả, nhìn thấy cái gì cũng biết huyễn hóa không dính không kẹt, người đó có tụng Bát-nhã không? Có. Hành Bát-nhã là tâm niệm thấy đúng như thật để không kẹt, không dính; không phải dùng tướng mạo, ngôn ngữ của người đang hoạt động mà gọi là hành.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát phải hành thế nào gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa? 

Thiện Hiện đáp: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát nếu chẳng hành sắc, chẳng hành sắc tướng, chẳng hành sắc tướng không tướng, chẳng hành sắc sanh, chẳng hành sắc diệt, chẳng hành sắc hoại, chẳng hành sắc không, đó là Bồ-tát ma-ha-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Chư Bồ-tát nếu chẳng hành thọ tưởng hành thức, chẳng hành tướng thọ tưởng hành thức, chẳng hành tướng không tướng của thọ tưởng hành thức, chẳng hành thọ tưởng hành thức sanh, chẳng hành thọ tưởng hành thức diệt, chẳng hành thọ tưởng hành thức hoại, chẳng hành thọ tưởng hành thức không là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đoạn trên nói nếu hành sắc là hành tướng không phải hành Bát-nhã. Đoạn này nói chẳng hành sắc, chẳng hành sắc tướng, chẳng hành sắc tướng không tướng… Sắc tướng không tướng là sao? Chúng ta nhìn sự vật qua sắc là hành sắc, sắc tướng là tướng mạo của sắc, sắc tướng không tướng tức là khi sắc hoại không có tướng để thấy. Người ta thường sợ rằng học Bát-nhã rồi chấp không, nhưng Bát-nhã bác cả có và không. Chấp tướng sắc, chấp không tướng của sắc cũng là chấp tướng, hành Bát-nhã phải qua hết các chấp này. Thí dụ chuyện chiếu phim, khi xem phim thấy hình ảnh trên màn bạc, có người nói hình ảnh có thật, có người nói hình ảnh không thật, vì thấy mà rờ không được. Như vậy ai nói đúng? Hình ảnh trên màn ảnh là bóng, không thật mà cũng không phải không ngơ. Người chấp thật có và thật không ngơ đều là ngu si.

Áp dụng trí tuệ Bát-nhã quán sát tướng sắc, tướng không đều không thật. Tướng hiện tiền đang có mặt đã không thật, khi tướng đó ngưng hoạt động cũng không thể nói tướng không ngơ là thật. Như sắc uẩn này do đất nước gió lửa hợp thành. Khi sắc uẩn hoại là hoại giả tướng, còn đất, nước, gió, lửa không hoại. Chấp không ngơ là lầm lẫn. Hoại giả tướng là duyên tứ đại chuyển qua tướng khác, chẳng thể nói không ngơ. Học Bát-nhã phải thấu suốt lý Bát-nhã. Chẳng hành sắc, chẳng hành sắc tướng, chẳng hành sắc tướng không tướng, chẳng hành sắc sanh, chẳng hành sắc diệt, chẳng hành sắc hoại, chẳng hành sắc không, đó là hành Bát-nhã. Đến thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, không hành bốn uẩn này cũng như đối với sắc uẩn, gọi là hành Bát-nhã.

Bồ-tát ma-ha-tát không chấp hành, không chấp chẳng hành, không chấp cũng hành cũng chẳng hành, không chấp phi hành phi chẳng hành, ấy là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. 

Đây là lý luận của Ấn Độ, Việt Nam chỉ nói hành và chẳng hành, nghĩa là có hành Bát-nhã và chẳng hành Bát-nhã; hoặc có hành sắc hoặc không hành sắc thôi. Đây nói bốn câu chẳng chấp hành, không chấp chẳng hành, không chấp cũng hành cũng chẳng hành, không chấp chẳng phải hành chẳng phải chẳng hành. Hai câu đầu là khẳng định và phủ định. Hai câu sau vừa khẳng định vừa phủ định, không chấp hoàn toàn là không hành, chỉ chấp nửa hành nửa không hành. Như vậy Bát-nhã phá chấp hoàn toàn theo ngôn ngữ Ấn Độ, trọn vẹn không chừa một lý luận nào.

Vì cớ sao? Xá-lợi Tử! Vì tất cả pháp đều không thể thủ, không thể tùy hành, không thể chấp nhận, lìa tánh tướng. 

Tất cả pháp ở thế gian này không có gì để chạy theo, không có gì để chấp nhận. Vì nó lìa cả tánh và tướng. Tất cả tướng đều hư dối, nên nói lìa tướng. Tất cả không có tánh cố định sẵn có nên nói lìa tánh. Lìa tướng lìa tánh là như vậy.

Như thế, gọi là chư Bồ-tát ma-ha-tát đối tất cả pháp được định “Không thủ chấp” rộng lớn không đối, vô lượng, chẳng chung với tất cả Thanh văn, Độc giác. 

Định Không thủ chấp là định gì? Nghĩa là định không bám chặt, không dính một vật gì nên gọi là định Không thủ chấp. Định này rộng lớn không đối, vô lượng. Như nhìn tất cả bầu trời cây cối nhà cửa mà không lưu tâm chú ý, lúc đó tâm ra sao? Nếu chú ý vào cái nhà, cái cây thì tâm duyên theo một cảnh, có giới hạn, theo một cái khuôn. Nhìn tất cả mà không dính, không kẹt thì tâm thênh thang, nên nói không chỗ nào đối đãi, vô lượng.

Định này khác với định của Thanh văn, Độc giác. Hàng Thanh văn phần nhiều tu tứ niệm xứ, hàng Độc giác hoặc chú tâm quán thân bất tịnh, quán mười hai nhân duyên..; như vậy tâm có giới hạn. Quán tới quán lui thân này thấy nó bất tịnh. Vậy là có chỗ cột, có hình dáng ở trong một khuôn khổ. Quán mười hai nhân duyên từng cái đổi tới đổi lui, cũng có giới hạn. Người thấy tất cả pháp như huyễn không dính không kẹt thì lấy đâu làm giới hạn? Tu như vậy rất nhàn hạ thảnh thơi. Thấy tất cả pháp thế gian này duyên hợp hư dối, không có gì đáng bận tâm, đáng lo buồn. Kể cả thân này cũng duyên hợp hư dối, nếu lát nữa nó tắt thở thì cũng cười thôi, không rầu không lo, mình không ngồi thiền mà tâm vẫn định. Còn bây giờ thấy thân này thật, nghe nói sắp chết thì hoảng hốt, rối rắm kêu la, cầu cứu, đủ thứ bất an. Nếu thấy thật thì ráng giữ, thấy huyễn giữ làm gì, đi sớm thì khỏi đi muộn. Cuộc sống như thế không nói tu nhiều tu ít, có tự tại giải thoát không?

Người mới tu hôm qua mà được vậy cũng giải thoát. Người tu đôi ba chục năm mà thấy cái nào cũng thật thì chưa giải thoát, Giải thoát không phải do thời gian tu dài ngắn, mà do trí tuệ thấy đúng, tự mình có sức buông bỏ dứt khoát không còn kẹt còn dính. Ông Tu-bạt-đà-la một trăm hai mươi tuổi, chỉ cần nghe Phật nói một thời pháp liền chứng A-la-hán. Giải thoát không hạn cuộc già trẻ, chứng đạo không phải do thời gian mà do trí tuệ mạnh mẽ dứt khoát. Phải buông dứt khoát chứ không được tay buông tay nắm. Biết tất cả pháp huyễn hóa, nhìn trời nhìn mây, nhìn sự vật không dính mắc bất cứ cái gì, người như thế dù không ngồi thiền một giờ nào cũng là người giải thoát. Bồ-tát tu tập không nhất thiết phải nhập định mới được giải thoát. Nếu trí tuệ mạnh, ngay đó là giải thoát. Vì thế nói không chung cùng với Thanh văn, Độc giác.

Nếu Bồ-tát ma-ha-tát an trụ định này chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Bồ-tát trụ định này chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Chúng ta tu hạnh này rất hợp, cuốc rẫy trồng khoai mà vẫn trụ định. Làm tất cả việc mà tâm không dính mắc là định. Ngài Huyền Giác nói: Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tịnh thể an nhiên là chỗ này. Nếu đợi ngồi thiền mới được định thì ít quá, ngày có một hai tiếng đồng hồ thấm vào đâu! Làm việc cả ngày mà tâm không chạy theo cảnh là định. Cái định đó thênh thang không kìm, không giữ, còn định do ngồi thiền là định hơi kìm. Thực hành Bát-nhã khiến chúng ta được định không giới hạn. Chỉ có Phật mới được thênh thang như vậy, các vị A-la-hán còn có chỗ cột tâm nên không được thênh thang.

Cụ thọ Thiện Hiện nhờ thần lực của Phật lại bảo Đại đức Xá-lợi Tử: 

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát an trụ định đây, phải biết đã được Như Lai Ứng Chánh đẳng giác quá khứ hiện tiền thọ ký. Bồ-tát ma-ha-tát kia tuy trụ định này mà chẳng thấy định này, không chấp định này, không nghĩ ta hoàn toàn nhập định này, cũng không nghĩ chỉ có ta hay nhập định này, vì không phải những thứ tầm tư phân biệt như thế, bởi sức định này tất cả không khởi. 

Vì sao câu nói của ngài Thiện Hiện phải nhờ thần lực của Phật? Ngài nói rằng nếu Bồ-tát nào an trụ định này thì được chư Phật đời quá khứ hiện tiền thọ ký. Đức Phật quá khứ thọ ký, ai biết được việc đó? Chỉ có Phật mới biết được việc của Phật, ngài là A-la-hán không thể biết. Muốn nói việc của Phật phải nương oai thần của Phật. Chúng ta khi giảng dạy về công hạnh của chư Phật chư Bồ-tát cũng phải nhờ oai thần của các ngài gia bị. Tức là những điều Phật dạy trong kinh, chúng ta học hiểu rồi đem nói lại cho người sau. Trong kinh có những câu hỏi, hoặc câu trả lời của các Bồ-tát, đều nhờ thần lực của Phật. Điều này nhắc chúng ta biết rõ địa vị của mình đến đâu, làm được gì đều nhờ sức gia hộ, không vượt khỏi phạm vi của mình.

Bồ-tát an trụ định Không thủ chấp thì được thọ ký thành Phật. Nghe nói rất dễ nhưng chúng ta còn nhiều vướng kẹt nên không trụ được định này. Vừa ngồi thiền một chút liền nhớ chuyện này chuyện kia, tâm luôn lăng xăng nên không được thênh thang vô lượng. Bồ-tát ma-ha-tát kia an trụ trong định này mà không thấy định này, không chấp định này, không nghĩ ta hoàn toàn nhập định này. Nếu nghĩ mình đang nhập định thì còn định thênh thang hay không? Không. Vì thế không thấy, không nghĩ, không chấp. Cũng không nghĩ chỉ có ta hay nhập định này. Tâm lặng lẽ thênh thang không còn những tầm tư phân biệt như thế, nếu khởi quán sát phân biệt thì mất định. Được định này tất cả không khởi, cũng nhờ sức định này nên tâm luôn an trụ.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nếu chư Bồ-tát ma-ha-tát do trụ định này rồi được chư Phật Thế Tôn thời quá khứ hiện tiền thọ ký, Bồ-tát ma-ha-tát đó hay hiển bày định như thế chăng? 

Thiện Hiện đáp: 

– Không thể được, Xá-lợi Tử, vì sao? Vì người thiện nam kia đối định như thế không hiểu, không tưởng. 

Ngài Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện, đại Bồ-tát khi trụ định này có thể hiển bày định như thế không? Hiển bày là hiện bày ra trước mắt, định này không có tướng mạo làm sao hiển bày. Thiện Hiện đáp không thể được, vì đối với định này không hiểu, không tưởng. Tại sao? Chúng ta thường nghe thiền khách đến hỏi thiền sư câu gì, khi thiền sư trả lời, thiền khách nói: “Bạch Hòa thượng, con không hiểu.Ngài nói: “Không hiểu là tốt.” Không hiểu là tốt, đó mới thật sự là định này. Khi khởi niệm hiểu là mất định, nên ở đây nói không hiểu, không tưởng.

Xá-lợi Tử hỏi:

– Cụ thọ nói các người thiện nam kia đối với định như thế không hiểu, không tưởng sao? 

Thiện Hiện đáp:

– Tôi nói quyết định người thiện nam kia đối với dịnh như thế không hiểu, không tưởng. Vì cớ sao? Vì các định như thế đều không chỗ có. Người thiện nam kia đối với định như thế không hiểu, không tưởng, các định như thế đối tất cả pháp cũng không hiểu, không tưởng. Vì cớ sao? Vì tất cả pháp không chỗ có. 

Vì sao nói đối với định này không hiểu, không tưởng? Vì định này không có tướng mạo, không thể hiển bày, ngôn ngữ không nói được chỗ này; nếu có khởi tưởng là có duyên theo bóng dáng, định này không chỗ để khởi tưởng, khởi tưởng đều là vọng. Nếu khởi hiểu là mất định. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói về tâm chân như lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, cũng chính là nói chỗ này.

Đức Phật khen Thiện Hiện: 

– Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói, cho nên ta nói ông trụ định Vô tránh rất là bậc nhất. Ông nhờ thần lực Như Lai gia bị hay nói như vậy. Thiện Hiện! Chư Bồ-tát ma-ha-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa nên học như thế. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay học như thế mới gọi là thật học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Phật khen ngài Thiện Hiện; Đúng như lời ông nói, rất là hay, rất là đúng, cho nên ta nói ông trụ định Vô tránh (định không tranh cãi) rất là bậc nhất. Ngài được định không tranh cãi, có hai lý do. Lý do thứ nhất là vì ngài không thấy có hai bên: có không, phải trái, tốt xấu… Tất cả tranh cãi của chúng ta đều nằm trong đối đãi hai bên. Vì chấp chặt cho cái nhìn của mình đúng, cái nhìn của người sai, từ đó sanh tranh cãi. Nếu không chấp phải trái đúng sai… thì không bận tâm tranh cãi. Lý do thứ hai, ngài không thấy có pháp nào thật, không có gì để cãi. Vì thế nên được trụ định Vô tránh. Chúng ta vì thấy các pháp phải thật phải, quấy thật quấy, có thật có, không thật không nên mới cãi. Các ngài thấy tất cả đều huyễn hóa, còn gì để cãi.

Muốn được an trụ định Vô tránh, chúng ta phải tập dùng trí Bát-nhã, thấy tất cả pháp không có thật, không có hai bên. Thử thí nghiệm một ngày thôi, lúc nào cũng không thấy cái gì thật, không thấy cái gì hai bên, ngay đó đang tu tập định Vô tránh, đang ứng dụng Bát-nhã. Luôn luôn không thấy một pháp nào thật mới gọi là thật học Bát-nhã. Nếu chỉ học sơ sài, khi thấy giả khi thấy thật, đó là không có công phu học Bát-nhã sâu thẳm.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Nếu Bồtát ma-ha-tát hay học như thế, nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm gọi là thật học chăng? 

Phật bảo Xá-lợi Tử: 

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay học như thế, nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm gọi là thật học, vì lấy không chỗ được làm phương tiện. 

Học Bát-nhã chân thật, lấy không chỗ được làm phương tiện. Không chỗ được, nguyên chữ Hán là Vô sở đắc. Chỗ này chúng ta lưu ý để hiểu đúng tinh thần Bát-nhã. Tâm Kinh Bát-nhã có đoạn: … vô trí diệc vô đắc. vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cổ, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Nghĩa là do phương tiện không sở đắc nên Bồ-tát y nơi đó dẹp hết điên đảo mộng tưởng được cứu cánh Niết-bàn. Ba đời chư Phật cũng nương Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do phương tiện vô sở đắc nên Bồ-tát được Niết-bàn, chư Phật chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trong Bát-nhã lấy chỗ không sở đắc làm phương tiện nên mới đắc tất cả. Không sở đắc mà đắc tất cả, như vậy không rời hai bên. Nếu không sở đắc rồi quét luôn tất cả thành không ngơ, rất nguy hiểm! Thấy Bát-nhã không thật là không chấp Bát-nhã ba-la-mật-đa; không phải Bát-nhã không thật, người không thật, trí không thật rồi không có Bát-nhã. Thấy không thật tất cả, đó là Bát-nhã; phủ định rồi khẳng định, không phải chỉ có một chiều. Phải hiểu Bát-nhã như vậy mới không lầm lẫn. Học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, gọi là thật học. Sở dĩ gọi là thật học là lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay học như thế, lấy không chỗ được làm phương tiện chăng? 

Phật bảo Xá-lợi Tử: 

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, đối tất cả pháp lấy không chỗ được làm phương tiện. 

Vô sở đắc là phương tiện rất thiết yếu đối với Bát-nhã. Câu vô sở đắc liên hệ với các câu sau, là phương tiện để chứng đắc đạo quả vô thượng, để được Niết-bàn.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, nơi những pháp nào học? 

Phật bảo Xá-lợi Tử: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, không nơi pháp học. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì không phải tất cả pháp có như chúng ngu phu dị sanh chấp. 

Vì vô sở đắc nên không có pháp để học. Chúng sanh cho tất cả pháp là có thật, có pháp để học, có Niết-bàn để chứng đắc, vì thế rốt cuộc không đạt được gì. Bồ-tát học Bát-nhã là học chư pháp tánh không, không chấp vào bất cứ pháp nào, đó là chỗ học của Bồ-tát. Trong đoạn này có nói chúng ngu phu dị sanh, sao gọi là dị sanh? Dị sanh là sanh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời, sanh trong lục đạo sai biệt gọi là dị sanh. Thấy các pháp có thật là do ngu phu dị sanh chấp có.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Nếu vậy, các pháp như thế nào mà có? 

Phật bảo Xá-lợi Tử:

– Như không chỗ có, như vậy mà có. Nếu đối với pháp không chỗ có như thế không thể liễu đạt, gọi là vô minh.

Phật giải thích lý do các pháp có mặt. Làm sao hiểu được Như không chỗ có, như vậy mà có? Câu này nghĩa là các pháp không có nhưng mà có. Như cái đồng hồ này trước không có, sau khi các bộ phận ráp lại thì có cái đồng hồ. Thể của nó vốn không, do duyên hợp mới có. Đó là như không chỗ có mà có. Nếu trước nó đã có thì khỏi đợi duyên hợp. Bởi trước nó không, cho nên nói như không chỗ có.

Lẽ thật của các pháp là như thế, từ con người cho đến muôn vật đều trước là không, đợi duyên hợp mới thành. Câu nói của Phật hết sức đơn giản mà xác nhận chí lý về muôn vật.

Đối với pháp không chỗ có như vậy mà có, không thể hiểu thấu được điều này gọi là vô minh. Bát-nhã là trí tuệ dứt trừ vô minh, dùng trí hiểu thấu chỗ không có mà có của các pháp, hiểu thấu lý này là vô minh diệt.

Chúng ngu phu dị sanh đối với tất cả pháp không chỗ có tánh cố định mà vì thế lực vô minh tham ái tăng thượng nên phân biệt chấp trước hai bên đoạn thường. Do đó không biết, không thấy các pháp không chỗ có tánh cố định mà phân biệt các pháp. Do phân biệt sanh chấp trước, do chấp trước nên phân biệt các pháp không chỗ có tánh cố định. 

Phật chỉ rõ chỗ vô minh cộng với tham ái của chúng sanh. Như ngay thân mình, trước không có, đợi duyên cha mẹ rồi mới có. Khi đợi duyên mới có thì cái có đó không thật, nó là pháp không có tánh cố định. Nhưng vì vô minh, phân biệt chấp trước cho thân mình chết rồi hết là chấp đoạn, chết rồi còn là chấp thường. Do vô minh tham ái nên sanh ra những chấp trước như vậy. Nếu biết thân này nguyên là không, đợi duyên hợp mới có, thân này tạm bợ huyễn hóa không thật thì có gì là đoạn là thường? Biết rõ như vậy, không chấp thân, không chấp các pháp thì vô minh tham ái hết, giác ngộ giải thoát không xa. Còn chấp chặt mình là thật, vô minh tham ái theo nhau đòi hỏi dẫn đi trong mê lầm, tạo thành muôn ngàn thứ nghiệp. Phật chỉ rõ gốc ngọn mê lầm của chúng sanh, do phân biệt chấp trước đối với các pháp không có tánh cố định nên tăng trưởng vô minh tham ái.

Do đây đối các pháp không thấy, không biết. Lấy các pháp không thấy, không biết đó mà phân biệt quá khứ, vị lai, hiện tại.

Đối với các pháp không thấy, không biết mà phân biệt ba thời. Chúng ta không thể biết thời gian và sự vật phát nguồn từ đâu. Chúng ta căn cứ trên người, trên vật mà đặt ra thời gian. Thời gian không có thật mà đặt ra quá khứ, hiện tại, vị lai. Thí dụ hỏi đồng hồ này có hồi nào là hỏi về quá khứ. Xài bao lâu hư là hỏi vị lai. Bây giờ nó chạy tốt không là hỏi hiện tại. Thời gian vốn không thật có. Quả đất quay có nói thời gian nào đâu. Căn cứ trên sự vật thấy cây cối thay lá trổ hoa, tùy theo đó lập ra từng mùa. Thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai là căn cứ trên sự vật mà lập. Sự vật giả dối mà thấy thật là cái lầm thứ nhất. Y cứ trên sự vật giả dối mà đặt ra thời gian, cho là thật có là cái lầm thứ hai. Thời gian giả dối mà chấp ngày lành ngày dữ, tháng tốt tháng xấu là cái lầm thứ ba. Chúng ta đau khổ vì những cái si mê này. Thế gian không biết được lẽ thật của cuộc đời, cứ chấp chặt vào những thứ không thật làm phiền nhau. Người chết lẽ ra mai chôn là vừa, nói ngày đó xấu lắm đợi ngày tốt mới chôn. Có phải làm khổ người ta ba bốn bữa, tốn hao bao nhiêu! Cất nhà cũng lo sợ hỏi thầy, lo xem lịch, chọn ngày tốt tránh ngày xấu v.v… Thật điên đảo từ lớp này sang lớp khác. Phật chỉ cái điên đảo ngu si này, từ đó chúng ta nhận ra những điều đơn giản chắc thật, cuộc sống bớt rối ren, dần dần nhận ra lẽ thật.

Do phân biệt nên tham trước danh sắc. Vì tham trước danh sắc nên phân biệt chấp trước pháp không chỗ có. Vì đối pháp không chỗ có phân biệt chấp trước nên không biết không thấy đạo như thật. Không thể xa lìa sanh tử trong tam giới, không tin pháp thật, không giác thực tế. Rơi trong số ngu phu. Do đây chúng Bồ-tát ma-ha-tát đối tánh tướng các pháp trọn không chấp trước. 

Phần nhiều chúng sanh tham trước danh và sắc. Sắc đẹp thì mừng, xấu thì buồn. Có danh phận lớn được người kính trọng thì mừng, khi bị chê bai thì giận tức… Hai cái này là gốc khổ. Danh và sắc là những cái không có thật, chỉ vì chạy theo chấp trước pháp không thật nên không thấy được đạo lý chân thật. Phật chỉ dạy rõ cội gốc sanh tử trong ba cõi là do tham đắm chấp trước các thứ hư dối không thật, luống chịu làm người ngu.

Bồ-tát đối tất cả pháp tánh tướng đều không chấp trước vì biết nó không thật. Không chấp trước là Bồ-tát, chấp thật là ngu phu. Một sáng một tối rõ ràng như vậy.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, đâu không học Nhất thiết trí trí? 

Phật bảo Xá-lợi Tử: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, cũng không cầu học Nhất thiết trí trí. Nhưng chư Bồ-tát ma-ha-tát khi học như thế, tuy không chỗ học mà gọi là thật học Nhất thiết trí trí, liền hay gần gũi Nhất thiết trí trí, chóng được thành tựu Nhất thiết trí trí.

Thế nào là Bồ-tát học Nhất thiết trí trí? Không thấy có Nhất thiết trí trí để học, không có người thật, không có pháp Bát-nhã thật, không có trí thật là Nhất thiết trí trí. Tinh thần Bát-nhã phân tích như vậy có đúng với lẽ thật, với chân lý hay không? Đúng. Tất cả sự vật không một vật nào thật có cố định, tùy theo duyên hợp chuyển biến thành vật này vật kia, không nhất định. Đó là cái nhìn thực tế đúng lẽ thật, cho đến bây giờ khoa học phát minh cũng thấy như vậy. Tinh thần khoa học thấy các vật thể đều chuyển biến không cố định, rất phù hợp tinh thần Bát-nhã. Hệ Bát-nhã đã có mặt hơn hai ngàn năm, chúng ta thừa hưởng kho trí tuệ chân lý ấy mà không biết ứng dụng, thật đáng tiếc.

Nhất thiết trí trí từ đâu mà ra? Từ thấy tất cả sự vật đúng như thật. Cái nào cũng thấy đúng như thật, đó là trí. Như có món đồ giả, người ta đem tới bán, một số người không biết đồ giả ùa nhau giành mua. Có người biết rõ, nói nó là giả, những người kia không tin. Người ấy bèn thí nghiệm thử cho mọi người thấy, những người mua lầm đều khen người này là trí. Đối với một vật, biết rõ như thật, đó là thành tựu một trí, biết rõ tất cả là thành tựu Nhất thiết trí trí. Bồ-tát học như thế mà không thấy có chỗ học, gọi là chân thật học.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Giả sử có người đến hỏi thế này: “Các người huyễn hóa nếu có tu học Nhất thiết trí trí, hay gần gũi Nhất thiết trí trí và chóng thành tựu Nhất thiết trí trí chăng?” Con bị hỏi như vậy phải đáp thế nào? 

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Ta hỏi lại ông, tùy ý ông đáp. Ông nghĩ sao? Huyễn hóa cùng sắc có khác chăng? Huyễn hóa cùng thọ, tưởng, hành, thức có khác chăng? 

Thiện Hiện hỏi, người huyễn hóa có thể tu học Nhất thiết trí trí không? Hỏi để xác nhận giữa huyễn hóa và Nhất thiết trí trí không khác nhau. Vì thế Phật trả lời bằng cách gạn lại: Huyễn hóa cùng sắc có khác chăng? Huyễn hóa cùng thọ, tưởng, hành, thức khác chăng? Tức là xác nhận sắc, thọ, tưởng, hành, thức là huyễn hóa. Năm uẩn huyễn hóa, Nhất thiết trí trí cũng huyễn hóa. Đã huyễn hóa thì nói gần, nói học, nói thành tựu cũng chỉ là một lối nói, không có thật.

Thiện Hiện đáp:

– Huyễn hóa không khác sắc, sắc không khác huyễn hóa, huyễn hóa tức là sắc, sắc tức là huyễn hóahuyễn hóa không khác thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức không khác huyễn hóa. Huyễn hóa tức là thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức tức là huyễn hóa.

Đoạn này giống trong Tâm Kinh Bát-nhã chúng ta tụng hàng ngày. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc.

Trong câu sắc chẳng khác không, không này không phải là không ngơ mà là không tự tánh. Đây dùng chữ huyễn hóa, hiểu huyễn hóa này mới biết chữ không kia. Có người nghe nói không thì cho là chân không, dùng thí dụ không khí, thật quá xa vời.

Không tự tánh là huyễn hóa, sắc không khác với huyễn hóa. Tại sao? Huyễn hóa là tạm bợ, sắc cũng tạm bợ, sắc tức là huyễn. Câu kinh Sắc tức là không, không tức là sắc phối hợp đây rất dễ hiểu. Sắc là huyễn hóa không tự tánh, vì không tự tánh nên chẳng phải một bề là không ngơ, tùy duyên mà thành sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, cũng huyễn hóa. Xác nhận năm uẩn là không, là huyễn hóa.

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Ý ông nghĩ sao? Trong năm uẩn có khởi tưởng, đẳng tưởng, lập bày, nói năng giả danh Bồ-tát ma-ha-tát chăng? 

Thiện Hiện thưa: 

– Bạch Thế Tôn! .

Chúng sanh như huyễn vì do năm uẩn huyễn hóa tạo thành. Đến như các đại Bồ-tát cũng là giả danh, cũng là năm uẩn như huyễn. Không thấy chúng sanh có thật, cũng không thấy Bồ-tát có thật, chỉ là lập bày giả danh mà thôi.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát cầu thú Vô thượng Bồ-đề, tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa phải học tất cả đều như huyễn hóa. Vì cớ sao? Vì huyễn hóa tức là ngũ uẩn. Bởi tại sao? Vì ta nói ngũ uẩn: Mắt v.v… sáu căn đều như huyễn hóa, trọn không thật có.

Câu này kết thúc rõ ràng, nếu Bồ-tát học Bát-nhã thì phải thấy tất cả pháp đều như huyễn hóa. Thấy như vậy là học Bát-nhã. Tất cả pháp: năm uẩn, sáu căn hay sáu trần, sáu thức đều là pháp duyên sanh, cái này nương cái kia mới có. Vì chờ đợi duyên, không có duyên không thành nên nói là huyễn. Bồ-tát học Bát-nhã thấy các pháp không thật có, hàng ngu phu dị sanh chấp trước cho là thật có. Phân biệt hai hạng người như thế.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát mới học Đại thừa nghe nói như thế, đâu khỏi tâm sanh kinh sợ lui sụt? 

Phật bảo Thiện Hiện:

– Nếu Bồtát ma-ha-tát mới học Đại thừa, gần gũi bạn ác nghe nói như thế, tâm sanh kinh sợ ắt phải lui sụt. Nếu Bồ-tát kia gần gũi bạn lành tuy nghe nói như thế mà không kinh sợ cũng không lui sụt.

Phương tiện thành tựu cho người học Đại thừa chính là gần gũi bạn lành. Nếu gần gũi bạn ác, nghe nói các pháp huyễn hóa không thật, tâm sẽ kinh sợ, không dám tiến tu. Vì thế sau đây dạy phân biệt bạn ác, bạn lành.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Thế nào gọi là bạn ác của Bồ-tát? 

Phật bảo Thiện Hiện:

– Bạn ác của chư Bồ-tát ma-ha-tát là người dạy bảo chúng Bồ-tát ma-ha-tát khiến lìa bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, khiến lìa Nhất thiết trí trí, khiến học những sách vở thế tục chấp tướng, khiến học kinh pháp Thanh văn, Độc giác, không vì nói việc ma và lỗi của ma, khiến sự tu học không được thành tựu. Đó gọi là bạn ác của Bồ-tát.

Người dạy bảo chúng sanh rất quan trọng, vì họ nghe theo lời chỉ dạy mà làm đúng hay sai. Trước tiên nói về bạn ác. Bạn ác là người dạy bảo chúng sanh lìa bỏ pháp lục độ, lìa Nhất thiết trí trí của Bồ-tát, khiến học sách vở thế tục chấp tướng vì thế tục học đâu chấp đó, khiến học pháp Thanh văn, Độc giác, không vì nói việc ma và lỗi của ma, khiến sự tu học không thành tựu. Đây là chỗ tinh thần Đại thừa phát hiện. Tinh thần Đại thừa không chấp nhận pháp Thanh văn, Độc giác. Trong các kinh Nguyên thủy không bao giờ nhắc đến việc này. Sau thời phân chia ra bộ phái mới có danh từ Đại thừa. Thời bộ phái, các vị Thanh văn chấp chặt vào giáo nghĩa theo cái hiểu riêng của mình, giáo đoàn chia rẽ trầm trọng vì sự cố chấp này. Nếu bây giờ cho học theo Thanh văn thì trở lại cố chấp, sẽ bị kẹt trong đó không thấy được Bát-nhã. Vì muốn dẹp bỏ tất cả cố chấp, nên không cho học theo kinh pháp Thanh văn, Độc giác.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Thế nào là bạn lành của Bồ-tát? 

Phật bảo Thiện Hiện:

– Bạn lành của chư Bồ-tát ma-ha-tát là người dạy bảo chúng Bồ-tát ma-ha-tát khiến học bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, khiến học Nhất thiết trí trí, khiến lìa sách vở thế tục chấp tướng, khiến lìa kinh pháp Thanh văn, Độc giác, vì nói các việc ma và lỗi của ma, cho hiểu biết phương tiện buông bỏ, khiến sự tu học được chóng thành tựu. Đó gọi là bạn lành của Bồ-tát, tiến đến đạo Đại thừa và đại thệ trang nghiêm.

Việc của ma và lỗi của ma theo tinh thần Bát-nhã là gì? Như mỗi tuần đến ngày giảng kinh Bát-nhã lại có người bị nhức đầu, đau bụng… không nghe được. Đó là ma chướng, là sự ngăn trở không cho mình tu học được đều đặn, hoặc đến ngày học lại có chuyện này, chuyện kia khiến phải đi. Đó là ma chướng làm trở ngại việc tu học, không phải ma bên ngoài tới ám ảnh. Trên đường tu nếu cứ gặp nhiều trở ngại khiến chúng ta không tiến mau, gọi là việc ma.

Bạn lành của Bồ-tát là dạy tu học lục độ, dạy xa lìa chấp trước, khiến tiến đến đạo Đại thừa và đại thệ trang nghiêm. Bồ-tát có thệ nguyện lớn, nguyện sau khi thành Phật, thế giới của mình đủ những điều kiện nhân duyên giáo hóa chúng sanh, gọi là đại thệ trang nghiêm. Như đức Di-đà khi còn làm Bồ-tát, nguyện sau khi thành Phật có thế giới Cực lạc đầy đủ việc tốt đẹp, chúng sanh tu học viên mãn.

Chỗ này nếu không giản trạch rất dễ lầm. Vì cho thân này huyễn hóa, tất cả pháp huyễn hóa, như vậy không cần làm gì nữa. Chúng sanh khổ cũng huyễn hóa, vui cũng huyễn hóa, có cần độ ai không? Thí dụ có một người bạn cùng ngủ chung một nhà với mình, đêm khuya họ thấy mộng dữ, nên la lớn kinh hoàng. Biết đó là mộng, mình nằm yên hay đánh thức họ dậy? Mình tỉnh biết người ngủ mộng, còn người nằm mộng không biết mộng, họ thấy cảnh là thật, nên lo sợ đau khổ. Tỉnh dậy mới hết khổ. Không lẽ cứ để họ khổ, mình ngồi ngó. Trọng tâm từ bi của Bồ-tát, thấy chúng sanh đau khổ, lao vào để cứu họ, đánh thức họ luôn luôn. Đó là ý nghĩa thứ nhất vì lòng từ bi phá cái khổ trong mộng của chúng sanh.

Ý nghĩa thứ hai, Bồ-tát không sợ sanh tử. Biết sanh tử như huyễn, đi hoài ở trong huyễn mộng như dạo chơi. Hàng Thanh văn, Duyên giác thấy sanh tử là khổ thật, không dám tới lần thứ hai, mong nhập Niết-bàn để an trụ. Tinh thần Bồ-tát không cầu giải thoát cho riêng mình. Đi vào đời độ chúng sanh vì thấy đời là huyễn hóa có gì sợ đâu. Do trí Bát-nhã un đúc nên Bồ-tát có sức mạnh, không hạn cuộc thời gian, ở trong sanh tử vô số kiếp cũng không ngán. Chúng ta tu mong mau được giải thoát là còn thấy thật, sanh tử thật phiền nhiễu, muốn được thảnh thơi. Như thế rất ích kỷ không đúng tinh thần Đại thừa. Đại thừa là phải thấy bằng trí tuệ Bát-nhã, đối với tất cả các pháp như huyễn như hóa, vì chúng sanh còn mê nên xông pha để hóa độ, không sợ, không buồn, không nản. Bồ-tát Địa Tạng có lời nguyện, chúng sanh ở địa ngục mà chưa độ hết thì ngài không chứng Bồ-đề. Vì ngài thấy nó là huyễn hóa không có gì đáng sợ, buông một trăm lần thân huyễn hóa cũng là trò chơi. Chính trí tuệ Bát-nhã là then chốt để thực hành đạo Bồ-tát, giúp chúng ta thêm sức mạnh đi trong lục đạo giáo hóa chúng sanh. Công hạnh độ sanh viên mãn là trang nghiêm bản nguyện.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Nói rằng Bồ-tát ma-ha-tát, thế nào là cú nghĩa Bồ-tát? 

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Học tất cả pháp không trước, không ngại, giác tất cả pháp không trước, không ngại cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích hữu tình là nghĩa Bồ-tát. 

Hiểu rõ nghĩa Bồ-tát, rồi hiểu được lý do thọ giới Bồ-tát để không hổ thẹn. Phật định nghĩa: Bồ-tát là học tất cả pháp không trước, không ngại. Học tất cả mà không chấp vào việc học của mình, không bị cái học làm ngăn ngại nên nói không trước, không ngại. Kế đến, Bồ-tát là giác tất cả pháp không trước, không ngại, giác ngộ tất cả pháp không, cũng không chấp chỗ giác ngộ của mình, không bị cái giác đó làm trở ngại. Thứ nữa, Bồ-tát là cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích hữu tình. Mục đích của Bồ-tát là thành tựu Phật quả, làm lợi ích chúng sanh. Đủ ba đức tính này gọi là Bồ-tát. Biết rõ như vậy, chúng ta nỗ lực thực hành theo đúng tinh thần Bồ-tát, biết mình có thể làm được sẽ phát tâm dũng mãnh lên.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Bồ-tát do nhân duyên gì gọi là ma-ha-tát?

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Do chư Bồ-tát ở trong chúng hữu tình lớn làm bậc thượng thủ nên gọi là ma-ha-tát. 

Bồ-tát ma-ha-tát (Bodhisattva mahāsattva) là âm tiếng Phạn, ma-ha-tát Trung Hoa dịch là đại, nghĩa là lớn. Thế nào là Bồ-tát lớn? Ở trong chúng hữu tình lớn làm bậc thượng thủ. Bồ-tát là một hữu tình giác ngộ, một hữu tình bậc cao, gọi là hữu tình lớn. Đối trong các Bồ-tát lớn như thế, đại Bồ-tát là vị đứng đầu nên gọi là Bồ-tát ma-ha-tát.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

– Con dùng biện tài ưa nói Bồ-tát do nghĩa này gọi là ma-ha-tát, cúi xin Thế Tôn cho con nói. 

Phật bảo Xá-lợi Tử: 

– Nay chính phải lúc, tùy ý ông nói. 

Xá-lợi Tử thưa: 

– Do chư Bồ-tát có phương tiện khéo léo vì các hữu tình tuyên thuyết pháp yếu khiến đoạn chấp ngã, chấp hữu tình, chấp mạng, chấp bổ-đặc-già-la, chấp có, chấp không, chấp đoạn, chấp thường, chấp tát-ca-da, và các thứ chấp kiến, ý nghĩa này gọi là ma-ha-tát. 

Theo ngài Xá-lợi Tử, sở dĩ gọi Bồ-tát là ma-ha-tát vì các vị ấy có những phương tiện khéo léo, thương xót chúng hữu tình, vì chúng tuyên thuyết giảng dạy khiến họ dứt chấp ngã, chấp hữu tình, chấp mạng. Kinh Kim Cang, Phật dạy: Nếu Bồ-tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải Bồ-tát. Nên ở đây dạy phải đoạn dứt các chấp về mình, người… Bổ-đặc-già-la (pudgala), Trung Hoa dịch là sát thủ thủ; sát là thường, thủ là giữ, thú là cõi. Chấp bổ-đặcgià-la là chấp có một chủ thể thường còn để giữ gìn lưu chuyển sanh tử trong năm cõi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và trời). Chấp tát-ca-da (sathaya) là chấp thân kiến; năm uẩn hòa hợp hư giả mà chấp là ngã chân thật. Tất cả kiến chấp về thân, về ngã, dù thô dù tế, các vị Bồ-tát lớn đều đoạn dứt và có phương tiện dạy người đoạn dứt. Ý nghĩa giác ngộ đầu tiên và căn bản của Bồ-tát là dẹp sạch chấp ngã.

Thiện Hiện bạch Phật: 

– Con dùng biện tài ưa nói Bồ-tát do nghĩa này gọi là ma-ha-tát, cúi xin Thế Tôn cho con nói.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Nay chính phải lúc, tùy ý ông nói.

Thiện Hiện bạch:

– Do chư Bồ-tát vì muốn chứng Nhất thiết trí trí, phát tâm Bồ-đề, tâm vô lậu, tâm vô đẳng đẳng, không chung với tâm Thanh văn, Độc giác v.v… Đối với tâm như thế cũng không chấp trước. Nương nghĩa này gọi là ma-ha-tát. Bởi tại sao? Vì Nhất thiết trí trí là chân vô lậu, không sa trong tam giới, tâm cầu Nhất thiết trí trí cũng là chân vô lậu không sa trong tam giới, đối với tâm như thế chẳng nên chấp trước. Thế nên Bồ-tát gọi là ma-ha-tát.

Ngài Xá-lợi Tử giải thích ý nghĩa đại Bồ-tát về mặt dẹp chấp ngã, các vị Bồ-tát lớn có phương tiện khéo làm lợi ích chúng hữu tình. Ngài Thiện Hiện nói sở dĩ Bồ-tát được gọi là Bồ-tát lớn vì cầu chứng Nhất thiết trí trí, phát tâm Bồ-đề, tâm vô lậu, tâm vô đẳng đẳng, tâm không chung với Thanh văn, Độc giác. Theo ý nghĩa này, đại Bồ-tát có nguyện rộng lớn cầu chứng quả Phật, cũng không chấp trước tâm rộng lớn của mình.

Phật có hai trí, Nhất thiết chủng trí và Nhất thiết trí trí. Nhất thiết trí trí là giác ngộ tất cả, Nhất thiết chủng trí là hiểu thấu tất cả. Theo Đại thừa gọi là căn bản trí và sai biệt trí. Căn bản trí tương đương Nhất thiết trí trí. Trí này là bản giác hay tánh giác sẵn có của chúng sanh. Khi mê lầm không nhận ra, giác ngộ rồi mới thấy trí ấy là sẵn có. Bồ-tát phát tâm cầu Nhất thiết trí trí không còn rơi trong tam giới, nên gọi là tâm chân vô lậu. Hàng Thanh văn, Duyên giác không cầu thành Phật, không cầu được Nhất thiết trí trí, nên nói không chung với tâm Thanh văn, Độc giác v.v… Tuy phát tâm cầu Nhất thiết trí trí mà không chấp trước, ý nghĩa này gọi là ma-ha-tát. Nhất thiết trí trí là chân vô lậu, chân thật không sanh diệt, không trầm luân trong tam giới, đối với tâm như thế không nên chấp trước. Tâm chân thật nếu có bám, có chấp trước thì đã biến thành sanh diệt. Theo ngài Thiện Hiện, được như vậy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát.

Hai vị đệ tử Phật nói về ý nghĩa ma-ha-tát khác nhau nhưng bổ sung cho nhau đầy đủ, không trái với ý Phật.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Do nhân duyên gì tâm như thế cũng không chấp trước? 

Thiện Hiện đáp: 

– Các tâm như thế không tâm tánh nên không chấp trước. 

Phát tâm cầu Nhất thiết trí trí mà cũng không chấp trước tâm đó. Do nhân duyên gì như thế? Vì tâm không có tánh của tâm. Nghĩa là tâm thể thênh thang rộng lớn không có tướng mạo cố định, không đặt tên, không chỗ bám nên không chấp trước. Như nói phát tâm cầu thành Phật, nếu cố định thì đâu đợi phát tâm, phát thì không phải cố định. Vì thế nói các tâm như thế không tâm tánh nên không chấp trước.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Tâm ấy là có phi tâm tánh chăng?

Thiện Hiện hỏi lại Xá-lợi Tử: 

– Cái phi tâm tánh này hoặc có hoặc không, có thể được chăng? 

Xá-lợi Tử đáp:

– Không được! Thiện Hiện!

Thiện Hiện nói: 

– Cái phi tâm tánh này hoặc có hoặc không đã không thể được, tại sao hỏi tâm ấy là có phi tâm tánh chăng? 

Ngài Thiện Hiện nói tâm như thế không tâm tánh, nên ngài Xá-lợi Tử muốn xác nhận nó là thị tâm hay phi tâm, phải tâm hay không phải tâm. Dùng lối hỏi hai bên để vấn nạn. Nếu ngài Thiện Hiện trả lời là phải hay không đều có lỗi, nên ngài gạn lại phi tâm tánh là có hoặc không có, xác nhận một bên được không? Nếu cho rằng có cái phi tâm tánh, tất nhiên cũng có thị tâm tánh, như vậy thị phi hiện bày. Nếu chấp nhận một bên đều bị kẹt. Ngài Xá-lợi Tử thoát ra chỗ gài bẫy có không bằng câu trả lời không được. Câu này cũng thay lời cho ngài Thiện Hiện, xác nhận tâm phi tâm tánh vượt cả đối đãi, không thể dùng lý luận vấn đáp mà chỉ bày.

Xá-lợi Tử khen Thiện Hiện:

– Lành thay! Lành thay! Đúng như vậy, đúng như vậy! Phật nói Nhân giả trụ định Vô tránh rất là bậc nhất, quả như lời thánh nói. 

Chúng ta có cái dở, khi người hỏi có hay không, liền trả lời một bên, mắc kẹt ngay chỗ này. Đặt thành vấn đề có không, biết liền câu hỏi không đúng, như vậy mới không kẹt. Ngài Thiện Hiện cũng vậy, khi hỏi có phi tâm tánh chăng, ngài đảo ngược vấn đề, đó là cái khéo léo của người xưa. Vì thế ngài Xá-lợi Tử khen Nhân giả trụ định Vô tránh. Không rơi vào hai bên có không, không còn tranh cãi, không nói là được hay không được, đó là định Vô tránh.

Mãn Từ Tử bạch Phật: 

– Con dùng biện tài ưa nói Bồ-tát do nghĩa này gọi là ma-ha-tát, cúi xin Thế Tôn cho con nói.

Phật bảo Mãn Từ Tử: 

– Nay chính phải lúc, tùy ý ông nói.

Mãn Từ Tử thưa: 

– Do chư Bồ-tát khắp làm lợi ích tất cả hữu tình, mặc giáp đại công đức, vì phát thú Đại thừa, vì nương Đại thừa gọi là ma-ha-tát.

Mãn Từ Tử dịch nghĩa từ chữ Phú-lâu-na (Pūrna), là vị thuyết pháp bậc nhất trong mười đại đệ tử của Phật.

Ngài Mãn Từ Tử giải thích ý nghĩa ma-ha-tát. Nghĩa thứ nhất là làm lợi ích tất cả chúng hữu tình. Mặc áo giáp công đức là công đức rất lớn, rất vững mạnh để thành tựu hạnh lợi tha. Định nghĩa thứ hai về phần tự lợi thì tiến đến Đại thừa, nương Đại thừa. Theo Khởi Tín luận, Đại thừa là chỉ cho tâm chúng sanh đầy đủ thể, tướng, dụng rộng lớn. Bồ-tát nương tâm thể rộng lớn gọi là ma-ha-tát. Giải thích của ngài Mãn Từ Tử sát với tinh thần Đại thừa.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Như Thế Tôn nói “chư Bồ-tát ma-ha-tát mặc giáp đại công đức”, ngang chừng nào gọi là Bồ-tát ma-ha-tát mặc giáp đại công đức? 

Phật bảo Thiện Hiện:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát khởi nghĩ thế này: Ta nên độ vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào vô dư y Bát-niết-bàn, tuy độ vô lượng vô số vô biên hữu tình vào vô dư y Bát-niết-bàn, mà không có pháp và chúng hữu tình được Niết-bàn. Bởi tại sao? Vì các pháp, pháp tánh nên như thế. Ví như thầy huyễn thuật hoặc đệ tử, ở ngã tư đường hóa ra đông người lại giết hại nhau, ý ông nghĩ sao? Trong đây thật có việc giết hại nhau chăng? 

Thiện Hiện thưa: 

– Bạch Thế Tôn, không có.

Giải thích ý nghĩa các Bồ-tát lớn mặc áo giáp đại công đức, Phật nói các Bồ-tát lớn độ vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào Niết-bàn mà không thấy có pháp và chúng hữu tình được Niết-bàn.

Câu này giống câu kinh Kim Cang. Đứng về mặt hàng phục tâm, Phật dạy các Bồtát lớn độ tất cả chúng hữu tình hoặc hữu tưởng, hoặc vô tưởng. đưa vào vô dư y Bát-niết-bàn mà không thấy chúng sanh nào được diệt độ. Không thấy chúng sanh nào được Niết-bàn vì các pháp, pháp tánh nên như thế. Ví như thầy huyễn thuật, hay đệ tử của thầy huyễn thuật ở ngã tư đường, hóa ra đông người lại giết hại nhau. Có sự giết nhau thật không? Không. Người do huyễn tạo ra không thật thì sự giết hại không thật. Người là dụ cho chúng hữu tình, giết hại nhau là dụ cho pháp. Độ tất cả chúng hữu tình vào vô dư y Niết-bàn mà không có chúng hữu tình được độ và không có pháp để độ. Tất cả như huyễn như hóa, không có một pháp nào thật, không có hữu tình thật, không thể chấp vào đâu. Hiểu như vậy, hành như vậy là mặc giáp đại công đức.

Phật bảo Thiện Hiện:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát cũng vậy, tuy độ vô lượng, vô số, vô biên hữu tình vào vô dư y Bát-niết-bàn như thế, mà không có pháp và các hữu tình được Niết-bàn. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói việc như thế, không kinh sợ cũng không lui sụt, đó là Bồ-tát ma-ha-tát mặc giáp đại công đức.

Nghe như vậy mà không kinh sợ, không lui sụt, đó là mặc giáp đại công đức. Đa số chúng ta đều có ý niệm tu là chứng thành Phật quả, thấy thật có người tu và thật có quả chứng. Nếu người tu không thật, quả chứng không thật, vậy tu để làm gì? Khi thấu triệt lý các pháp duyên khởi huyễn có không thật, tâm không kinh sợ, biết không thật có người tu, không thật có quả chứng nhưng vẫn hăng hái tinh tấn tu tập. Tin chắc như vậy đó là mặc giáp đại công đức.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Như con hiểu nghĩa Phật nói, chư Bồ-tát ma-ha-tát không mặc giáp công đức, ấy là mặc giáp đại công đức.

Phật bảo Thiện Hiện:

Đúng như vậy, đúng như vậy! Chư Bồ-tát ma-ha-tát không mặc giáp công đức, ấy là mặc giáp đại công đức. Bởi tại sao? Vì Nhất thiết trí trí không tạo không tác, tất cả hữu tình cũng không tạo không tác, chư Bồ-tát ma-ha-tát vì muốn lợi ích hữu tình kia nên mặc giáp công đức.

Ngài Thiện Hiện nói không mặc giáp công đức, ấy là mặc giáp công đức. Phật xác nhận đúng như vậy. Tại sao? Vì Nhất thiết trí trí là căn bản trí, là trí sẵn có không sanh không diệt, không tạo tác. Nhất thiết trí trí không do tạo tác, chẳng phải riêng Bồ-tát tu mới có trí này, tất cả hữu tình đều có, vì không do tạo tác. Chúng sanh ai cũng có căn bản trí nhưng không nhận ra, Bồ-tát dùng phương tiện giúp nhận ra, gọi là mặc giáp đại công đức.

Đứng về lý thì không có mặc giáp công đức, đứng về sự vì thương chúng sanh, muốn làm lợi ích chúng hữu tình nên nói là mặc giáp công đức. Nếu không hiểu tinh thần Bát-nhã, thấy có vẻ mâu thuẫn. Đang nói mặc giáp công đức rồi nói không mặc giáp công đức, ấy là mặc giáp đại công đức. Hiểu rồi mới thấy hay. Như mỗi khi tụng kinh tán Phật, chúng ta đọc câu nặng lễ sở lễ tánh không tịch, đây là nói về lý, chúng sanh là năng lễ, Phật là sở lễ, chúng sanh tự tánh không tịch, Phật cũng tự tánh không tịch; nhưng cảm ứng đạo giao nan tư nghì, đây là nói về sự, tuy Phật và chúng sanh tánh đều rỗng lặng, nhưng cảm ứng qua lại không thể nghĩ bàn. Như vậy lý và sự gồm đủ, không phải chấp sự bỏ lý hay chấp lý quân sự. Nói không mặc giáp công đức là lý, nhưng vẫn làm lợi ích chúng sanh trên giả tướng là sự. Sự và lý viên dung mới đúng tinh thần đại Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Do nhân duyên gì Nhất thiết trí trí không tạo, không tác, tất cả hữu tình cũng không tạo, không tác, chư Bồ-tát ma-ha-tát vì muốn lợi ích chúng hữu tình kia nên mặc giáp công đức?

Phật bảo Thiện Hiện: 

– Vì tác giả không thể được. Tại sao? Vì sắc chẳng tạo chẳng phải chẳng tạo, chẳng tác chẳng phải chẳng tác, thọ, tưởng, hành, thức chẳng tạo chẳng phải chẳng tạo, chẳng tác chẳng phải chẳng tác. Vì sao? Vì sắc cho đến thức không thể được.

Thiện Hiện hỏi, vì sao Nhất thiết trí trí không tạo tác, tất cả hữu tình không tạo tác mà các đại Bồ-tát mặc giáp công đức để làm lợi ích? Phật trả lời đơn giản vì tác giả không thể được, nghĩa là có làm công đức nhưng không thấy có người làm. Không thấy có ta thật, ta là chủ thể không có, cái dụng của ta cũng không có nên nói vì tác giả không thể được.

Phật giải thích, vì năm uẩn chẳng tạo tác cũng chẳng không tạo tác. Về mặt lý tánh, năm uẩn tự tánh không thật, là tướng duyên hợp hư dối, nên không có tạo tác, nhưng tùy duyên mà có thân năm uẩn nên chẳng phải không tạo tác. Sắc thọ tưởng hành thức mỗi cái đều có hai mặt, tạo và chẳng tạo, nên không cố định, không có tác giả. Bồ-tát thấy biết rõ như thế, tuy làm các công đức nhưng không chấp có ta làm công đức, tất cả đều không thể được.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Như con hiểu nghĩa Phật nói “sắc cho đến thức không nhiễm, không tịnh.” Bởi tại sao? Vì sắc không trói buộc, không cởi mở; thọ, tưởng, hành, thức không trói buộc, cũng không cởi mở. Sắc chân như không trói buộc, không cởi mở; thọ, tưởng, hành, thức chân như không trói buộc cũng không cởi mở. 

Chúng ta thường cho rằng tất cả pháp nằm trong đối đãi, hoặc nhiễm hoặc tịnh, hoặc có hoặc không, hoặc phải hoặc quấy v.v… Ở đây ngài Thiện Hiện nói sắc cho đến thức không nhiễm không tịnh. Tâm Kinh Bát-nhã có câu không nhơ không sạch… cũng nói rõ như vậy. Tại sao? Đất nước gió lửa, vốn không dơ không sạch, tùy duyên biến thành dơ thành sạch. Như nước không có bùn đất lẫn vô thì nước sạch, nếu có bùn đất lẫn vô thì gọi là nước dơ. Cái dơ từ đâu mà có? Từ duyên cát bụi hòa lẫn. Vì có dơ nên mới có sạch. Chúng ta thấy rõ mình đang sống theo duyên. Duyên không thật mà cứ chạy theo duyên, khởi vọng tưởng nên bị nó lôi cuốn. Duyên giả tướng không thật, chạy theo giả tướng thấy có dơ có sạch… sanh ra có trói buộc cởi mở.

Khi tổ Đạo Tín gặp Tam tổ Tăng Xán, thưa:

– Bạch Hòa thượng chỉ cho con pháp môn giải thoát! Tam tổ chỉ hỏi:

– Ai trói buộc ông?

Ngài Đạo Tín thưa:

– Không ai trói buộc.

Tổ nói:

– Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì? Ngài Đạo Tín ngay đó liền ngộ.

Nếu chúng ta thấy có thật trói buộc mới có giải thoát. Hiện giờ chúng ta là người thế nào? Đang mê hay tỉnh? Không bị ai trói buộc, vì mê muội chạy theo nghiệp duyên nên thấy dường như bị trói buộc. Như khi mắt nhìn sắc đẹp không nhiễm, không dính thì có gì trói? Thấy rồi dấy niệm nghĩ lăng xăng rồi nói nó trói buộc, cho rằng mình bị sắc làm hại.

Thật ra không có gì trói buộc, nếu lúc đó chúng ta tỉnh giác làm chủ hoàn toàn. Vì thói quen ngu si đưa đẩy dường như có trói buộc. Như ngài Đạo Tín cũng quen quan niệm thấy mình đang bị phiền não trói buộc nên cầu Tổ dạy phương pháp giải thoát. Đối với Tam tổ thì quan niệm trói buộc đó không phải do người, không phải là sự thật, chỉ cần nhìn lại xem cái gì trói buộc. Nhìn lại thấy không có gì trói buộc hết thì thôi. Tất cả chúng ta nếu ai cũng thấy mình tự do tự tại, lúc đó có lạy Phật cầu giải thoát không? Nguyên là không trói buộc, chỉ vì ngu si nên trở thành trói buộc. Còn lạy Phật là vì còn ngu si, nếu hết ngu si không cần giải thoát. Đó là ý nghĩa đúng thật của nhiễm tịnh và trói buộc.

Ngài Mãn Từ Tử hỏi: 

– Tôn giả nói sắc không trói buộc không cởi mở, nói thọ, tưởng, hành, thức cũng không trói buộc không cởi mở, nói sắc chân như không trói buộc, không cởi mở, nói thọ, tưởng, hành, thức chân như không trói buộc, không cởi mở chăng? 

Thiện Hiện đáp: 

– Đúng như vậy! Đúng như vậy! 

Mãn Từ Tử hỏi: 

– Nói những sắc gì không trói buộc, không cởi mở? Nói thọ, tưởng, hành, thức gì không trói buộc, không cởi mở? Nói sắc chân như gì không trói buộc, không cởi mở? Nói thọ, tưởng, hành, thức chân như gì không trói buộc, không cởi mở? 

Thiện Hiện đáp: 

– Tôi nói như kẻ huyễn sắc không trói buộc không cởi mở; nói như kẻ huyễn thọ, tưởng, hành, thức không trói buộc không cởi mở. Nói như kẻ huyễn sắc chân như không trói buộc không cởi mở; nói như kẻ huyễn thọ, tưởng, hành, thức chân như không trói buộc không cởi mở. Bởi tại sao? Vì sắc cho đến thức chân như không chỗ có, không trói buộc, không cởi mở; vì xa lìa nên không trói buộc, không cởi mở; vì vắng lặng nên không trói buộc, không cởi mở; vì không tướng nên không trói buộc, không cởi mở; vì không tác nên không trói buộc, không cởi mở; vì không sanh diệt nên không trói buộc, không cởi mở. Ây gọi là Bồ-tát ma-ha-tát phát thú Đại thừa mặc giáp công đức. 

Mãn Từ Tử nghe nói như thế vui vẻ tin nhận an trụ mặc nhiên.

Câu hỏi của ngài Mãn Từ Tử làm sáng tỏ vấn đề những gì không trói buộc, không cởi mở. Ngài Thiện Hiện trả lời, đứng về mặt năm uẩn như huyễn. Người huyễn hóa nên không thấy có trói buộc có cởi mở. Chỗ chân thật của năm uẩn là huyễn nên nói sắc không trói buộc, không cởi mở… cho đến thức… Thấy năm uẩn không chỗ có, năm uẩn xa lìa, năm uẩn vắng lặng, không tạo tác, không sanh diệt, thấy rõ như vậy còn gì trói buộc và cởi mở. Thí dụ hai người ngủ mộng, người thấy mộng lành thì cười, người thấy mộng dữ thì khóc. Người đang thức thấy thế sẽ nói rằng, cười không thật, khóc la cũng không thật. Căn cứ vào đâu mà nói? Căn cứ trên mộng. Nếu là người thức thì không có cười khóc trong mộng.

Bồ-tát thấy các pháp không thật, như huyễn; chúng sanh thấy các pháp thật có nên cầu giải thoát, cầu hết phiền não, Làm sao độ cho hết khổ? Chỉ có kêu gọi thức tỉnh, tự nhiên mọi sợ hãi vui mừng chấm dứt. Cuối cùng thấy các pháp như huyễn hay thấy các pháp chân thật thảy đều không thể nắm bắt, không thể khởi tưởng trói buộc hay giải thoát. Người thấy đúng như vậy gọi là Bồ-tát ma-ha-tát phát thú Đại thừa mặc giáp công đức.

Thiện Hiện bạch Phật:

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát phát thú Đại thừa mặc giáp công đức, nương nơi Đại thừa, thế nào là Đại thừa? Ngang bằng chừng nào phát thú Đại thừa? Đại thừa như thế từ chỗ nào xuất, đến chỗ nào trụ? Đại thừa như thế là trụ chỗ nào? Ai nương Đại thừa mà xuất? 

Ngài Thiện Hiện đặt ra năm câu hỏi:

– Thế nào là Đại thừa?

– Ngang bằng chừng nào gọi là phát thú Đại thừa?

– Đại thừa như thế từ chỗ nào xuất, đến chỗ nào trụ?

– Đại thừa như thế trụ chỗ nào?

– Ai nương Đại thừa mà xuất?

Phật bảo Thiện Hiện:

– Đại thừa tức là lời nói khuếch đại vô lượng, vô số vô biên công đức chung lại mà thành.

Phật trả lời từng câu. Thứ nhất, thế nào là Đại thừa? Đại thừa là cách nói rộng của vô lượng, vô số, vô biên công đức. Vì có rất nhiều công đức không thể tính kể nên gọi là Đại thừa. Vì chú trọng việc lợi ích chúng sanh, làm lợi ích không thể tính kể, không thấy có công đức, mới gọi là vô số, vô lượng, vô biên,

Ông hỏi ngang bằng chừng nào gọi là phát thú Đại thừa? Thiện Hiện nên biết, nếu Bồ-tát ma-ha-tát chuyên cần hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, từ một địa Bồ-tát đến một địa Bồ-tát, ngang bằng chừng ấy gọi là phát thú Đại thừa.

Câu thứ hai, hỏi ngang chừng nào gọi là phát thú Đại thừa? Phật đáp, hàng đại Bồ-tát hành lục độ ba-la-mật, tiến từng bậc một từ Sơ địa đến Thập địa, đến chừng đó gọi là phát thủ Đại thừa.

Ông hỏi Đại thừa như thế từ chỗ nào xuất đến chỗ nào trụ? Thiện Hiện nên biết, Đại thừa như thế từ trong tam giới xuất, đến trong Nhất thiết trí trí trụ. Song lấy không hai làm phương tiện nên không xuất không trụ.

Câu hỏi thứ ba, Đại thừa từ chỗ nào xuất, trụ chỗ nào? Phật đáp, Đại thừa từ trong tam giới xuất đến trong Nhất thiết trí trí trụ nghĩa là từ tam giới ra đến Phật quả trụ. Nhưng lấy không hai làm phương tiện nên không xuất không trụ. Có xuất có trụ là hai bên, lẽ thật không có hai bên. Nếu nói hai bên thì Nhất thiết trí trí ở một bên, không trùm khắp. Vì không hai bên nên không có ra vào hay trụ trước.

Ông hỏi Đại thừa như thế là trụ chỗ nào? Thiện Hiện nên biết, Đại thừa như thế trọn không có chỗ trụ do tất cả pháp đều không có chỗ trụ, nhưng Đại thừa này trụ không chỗ trụ.

Câu thứ tư, hỏi chỗ trụ của Đại thừa. Phật dạy Đại thừa trọn không có chỗ trụ, tất cả pháp đều không chỗ trụ. Thí dụ, tay tôi khi nắm bao kính, khi nắm chai dầu là có chỗ trụ. Khi không nắm món nào, tay tôi ở yên mà không dính mắc vào chỗ nào, đó là trụ chỗ không trụ. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, nếu lúc đó tâm thanh tịnh là trụ không chỗ trụ. Nếu tâm duyên nơi sắc trần hoặc thanh trần, khi đó tâm trụ cảnh, tâm bị động nên trụ mà không trụ. Bởi vì khi tâm còn dính, còn đang đuổi theo thì không an trụ. Khi tâm không dính với bất cứ chỗ nào, đó mới là an trụ. Đây là chỗ đặc biệt của Đại thừa, trụ không chỗ trụ.

Câu rốt sau của ông là ai nương Đại thừa mà xuất? Thiện Hiện nên biết, trọn không có ai nương Đại thừa ấy mà xuất. Vì cớ sao? Vì nếu có thừa bị nương hoặc người hay nương, do đây là đây, hoặc xứ hoặc thời đều không chỗ có, trọn chẳng thể được, vì tất cả pháp đều không chỗ có, chẳng thể được. Trong đây pháp nào nương pháp nào, ra đến chỗ nào trụ, mà nói người nương? 

Câu thứ năm, hỏi ai là người nương Đại thừa mà xuất? Phật dạy, trọn không người nương Đại thừa. Nếu nói có người nương và pháp nương, tức là có người thật và pháp thật. Trong đây không có người thật pháp thật, vậy ai nương và nương cái gì? Chúng ta tu theo Đại thừa nhưng không thấy thật có người tu và thật pháp Đại thừa để tu. Nếu thấy có thật là còn có ngã pháp, không thể gọi là Đại thừa. Tinh thần Đại thừa là thấy ngã pháp không thật, tất cả đều không chỗ có, không thể được, không có pháp tu tập để ra khỏi tam giới, không có pháp để chứng đắc Phật quả, mới là nương Đại thừa. Nếu còn thấy ngã pháp thật thì chưa nương Đại thừa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

– Nói Đại thừa, Đại thừa là siêu việt tất cả thế gian trời, người, a-tố-lạc v.v…, tối tôn, tối thắng, Đại thừa như thế đồng với hư không. Ví như hư không dung chứa vô lượng vô số vô biên hữu tình, Đại thừa cũng vậy, khắp dung chứa vô lượng vô số vô biên chúng hữu tình. Lại như hư không không đến không đi, không dừng không thấy. Đại thừa cũng vậy, không đến không đi, không dừng không thấy. Lại như hư không mé trước, mé sau, mé giữa thảy đều không được, Đại thừa cũng vậy mé trước, mé giữa, mé sau thảy đều không thể được. Như thế, Đại thừa tối tôn tối thắng đồng với hư không, dung chứa tất cả không động, không trụ, ba đời bình đẳng, vượt ngoài ba đời nên gọi là Đại thừa. 

Câu này ngài nhận định Đại thừa là tối tôn tối thắng hơn tất cả, đồng với hư không.

Đây là rốt ráo nghĩa Đại thừa vượt hơn tất cả thế gian. Ngài Thiện Hiện giải nghĩa Đại thừa là tối tôn tối thắng giống như hư không. Giống như chứ không phải là hư không. Khi chúng ta ngồi thiền tâm lặng, vọng tưởng hết, lúc đó tâm thấy rõ ràng, nhưng rỗng rang không hình dáng, đồng với hư không. Hư không không có tánh biết, tâm tánh có biết, khác nhau ở chỗ đó.

Luận Đại Thừa Khởi Tín nói, Đại thừa là chỉ cho tâm chúng sanh có thể, tướng, dụng rộng lớn. Tâm này không bị hạn cuộc trong thân năm uẩn nên không có tướng mạo, dung chứa tất cả hữu tình, không có đến đi, không chỗ dừng trụ có thể thấy. Đại thừa cũng là tâm siêu vượt không gian thời gian, ba đời đều bình đẳng. Chúng ta sống luôn luôn lập cước trên không gian thời gian. Chúng có thật không? Chỉ do con người ấn định tạm đặt với nhau. Không gian chúng ta sống đặt ra có trên dưới phương hướng cố định. Nhưng trái đất quay tròn, vị trí luôn dời đổi làm sao định được đông tây nam bắc? Phương hướng cũng chỉ là khái niệm tạm đặt, không thật có. Thời gian theo vòng quay của trái đất, theo hướng có mặt trời hay không mặt trời mà định ngày đêm, nó cũng không thật. Đặt ngày đêm rồi định ra tháng năm, khi trái đất xê dịch gần xa với mặt trời, đặt ra thời tiết ấm lạnh, mùa này mùa kia. Thời gian, khí hậu là sẵn có hay do con người đặt ra? Nó chỉ là khái niệm tưởng tượng, một số đông người bám theo cho là có thật. Cái không chân thật mà đặt ra rồi chúng ta cứ cho là thật.

Có câu chuyện tưởng như trẻ con, nhưng gẫm ra rất hay, là “Mai ăn khỏi trả tiền”. Nó có giá trị về ý nghĩa của thời gian, ngày mai không bao giờ có. Ngày mai không thật nên vị lai không thật, cả quá khứ hiện tại cũng không thật. Nó chỉ là vòng biến chuyển, không có ba thời. Khi chúng ta chấp thời gian, đặt ra âm lịch dương lịch, rồi ngày tốt ngày xấu, đó là bị động. Đây nói Đại thừa dung chứa tất cả, không động không trụ, ba đời bình đẳng vượt ngoài ba đời là ý nghĩa này.

Đại thừa là thể chân thật, không lệ thuộc vào khái niệm hư dối, vượt không gian, không biên tế giới hạn, rỗng rang trùm khắp, không thể dùng khái niệm thông thường hiểu được.

Phật bảo Thiện Hiện:

. Lành thay! Lành thay! Đúng như vậy, đúng như vậy, thật như ông nói. Bồ-tát Đại thừa đủ vô biên công đức như thế. 

Mãn Từ Tử bạch Phật: 

– Thế Tôn trước dạy Đại đức Thiện Hiện vì chúng Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày Bát-nhã ba-la- mật-đa sâu thẳm, mà nay cớ sao chỉ nói Đại thừa? 

Thiện Hiện liền bạch: 

– Con từ trước đến đây nói các thứ nghĩa Đại thừa, đâu không trái ngoài Bát-nhã ba-la-mật-đa? 

Phật bảo Thiện Hiện:

– Ông từ trước đến đây nói các thứ nghĩa Đại thừa đều thuận Bát-nhã ba-la-mật-đa không có trái ngoài. Bởi tại sao? Bởi vì tất cả pháp lành đều nhiếp vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm.

Ở phần đầu, Phật bảo ngài Thiện Hiện chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật đa cho các Bồ-tát, nhưng chỉ nghe nói về Đại thừa, như vậy có đúng ý Phật không? Thật ra tất cả nghĩa Đại thừa đều nằm trong Bát-nhã, đều thuận theo Bát-nhã.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: 

– Chư Bồ-tát ma-ha-tát mé trước không thể được, mé giữa không thể được, mé sau không thể được. 

Bởi tại sao? Vì sắc vô biên nên biết Bồ-tát ma-ha-tát cũng vô biên. Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên biết Bồ-tát ma-ha-tát cũng vô biên. 

Nhìn theo tinh thần Bát-nhã thì các đại Bồ-tát cũng rỗng rang trùm khắp, không bờ mé có thể được. Vì sắc chất vô biên nên thân Bồ-tát vô biên. Như thân sắc chất của chúng ta là hữu biên hay vô biên? Sắc chất là đất, là bụi. Như vậy bụi hữu biên hay vô biên? Nếu chỉ nhìn trong phạm vi hạn chế của thân này, thấy nó là hữu biên. Nếu nhìn thể của nó thì vô biên. Sắc vô biên, thọ, tưởng, hành, thức vô biên, nên thân Bồ-tát cũng vô biên, không có giới hạn.

Lại nữa, Thế Tôn! Tức sắc Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được, tức thọ, tưởng, hành, thức Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được, lìa sắc Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được, lìa thọ, tưởng, hành, thức Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được.

Đây nói về tức và ly. Tức nơi sắc thân cho đó là Bồ-tát, như Phật nói nếu cho ba mươi hai tướng tốt là Phật thì vua Chuyển luân có ba hai tướng tốt cũng là Phật, được không? Tức nơi sắc là căn cứ trên tứ đại, cho tứ đại này là Bồ-tát thì tứ đại khác cũng là Bồ-tát. Như vậy tức không được. Nhưng nếu lìa sắc thân này có Bồ-tát hay không? Không. Như vậy là không phải tức, không phải ly. Không tức, không ly là không phải hai bên, không thể nhìn hai bên được. Vì vậy nói Tức sắc Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được… lìa sắc Bồ-tát ma-ha-tát không chỗ có, chẳng thể được… Vì vậy mà không thể chấp tức, chấp ly, mà không chấp tức, không chấp ly, tất cả ra sao?

Như vậy Thế Tôn! Con đối với tất cả pháp này, lấy tất cả thứ, tất cả chỗ, tất cả thời tìm Bồ-tát ma-ha-tát trọn không thể thấy, hoàn toàn chẳng thể được; tìm Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng trọn không thể thấy, hoàn toàn chẳng thể được; tìm Nhất thiết trí trí cũng trọn không thể thấy, hoàn toàn chẳng thể được. Tại sao bảo con chỉ dạy chư Bồ-tát ma-ha-tát khiến đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được cứu cánh, mau chứng được Nhất thiết trí trí? 

Ngài Thiện Hiện đứng về mặt các pháp duyên hợp hư dối, không có ngã và pháp thật, không thấy có Bồ-tát, có pháp Bát-nhã. Vì thế nói tìm Bồ-tát ma-ha-tát trọn không thể thấytìm Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng trọn không thể thấy… Ngã không thật và pháp không thật, lấy cái gì mà dạy ai? Ngã thật mới có Bồ-tát, pháp thật mới có pháp Bát-nhã, mà Bồ-tát không thật, Bát-nhã không thật, tại sao bảo con dạy chư Bồ-tát khiến đối với Bát-nhã chóng được cứu cánh? Ngài đặt câu hỏi đó để tiếp tục giải thích.

Thế Tôn! Chư Bồ-tát ma-ha-tát chỉ có giả danh, trọn không tự tánh, các pháp cũng vậy hoàn toàn không sanh, chỉ có giả danh, trọn không tự tánh 

Pháp chỉ có giả danh không có tự tánh, tức là không có sẵn cái cố định. Người cũng chỉ có giả danh, không sẵn có cố định, không có tự tánh. Không sẵn có cố định nên hư dối, như vậy lấy hư dối nào dạy hư dối nào? Như cái đồng hồ, không có gì là chân thật sẵn có cố định, do nhiều bộ phận ráp lại, giả danh tạm gọi là đồng hồ. Về mặt nhân duyên thì các pháp chỉ là giả danh, tên dối do duyên hợp lại thành, không có tính chất cố định. Nếu sẵn có thì không cần duyên hợp, nếu cố định thì không tan hoại. Các pháp, pháp nào cũng tan hoại không sẵn có cố định, làm sao nói nó là thật được? Nên ở đây nói Bồ-tát và Bát-nhã chỉ là giả danh thôi.

Trong đây, những gì là sắc hoàn toàn không sanh, nếu hoàn toàn không sanh thì không gọi là sắc; những gì là thọ, tưởng, hành, thức hoàn toàn không sanh, nếu hoàn toàn không sanh thì không gọi là thọ, tưởng, hành, thức. Con đối tất cả pháp như thế lấy tất cả thứ, tất cả chỗ, tất cả thời tìm Bồ-tát v.v.. đều chẳng thể được, phải dạy những pháp gì? Tu những pháp gì? Ở những chỗ nào, lúc nào? Chứng những pháp gì? 

Sắc hoàn toàn không sanh, nếu hoàn toàn không sanh thì không gọi là sắc. Như có nhà huyễn thuật hóa hiện ra một người, người do họ hóa ra đó có sanh không? Một lát mất đi có diệt không? Không, Thấy có sanh diệt là giả tướng chứ không thật có sanh diệt. Sanh diệt hư dối không thật, hư dối không thật thì không gọi là thật sanh thật diệt. Hư dối nên không gọi là sắc, thọ tưởng hành thức cũng vậy.

Đã thấy không có gì thật, vậy lấy cái gì mà dạy, lấy cái gì mà tu và chứng cái gì? Chẳng những Bồ-tát, pháp Bát-nhã cho đến Phật cũng không thật.

Thế Tôn! Phật Bạc-già-phạm chỉ có giả danh, tất cả Bồ-tát chỉ có giả danh, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm chỉ có giả danh. Như nói ngã v.v… hoàn toàn không sanh chỉ có giả danh trọn không tự tánh, các pháp cũng vậy, chỉ có giả danh trọn không tự tánh. 

Trên lý tánh, Phật và Bồ-tát, pháp Bát-nhã chỉ có giả danh, con người chúng ta cũng chỉ là giả danh. Nếu ngộ nhập được điều này thì thật là sung sướng. Có ai xúc phạm, chúng ta thấy đây chỉ là giả danh không có thật. Không thật thì chửi cái giả danh có nổi sân không? Không. Đã là không thật thì sân cái gì. Có sân giận vì thấy thân là thật; nếu biết rõ ràng thân này là duyên hợp, hư dối không thật, chỉ là giả danh, lời khen chê, chuyện xấu tốt đối với giả danh này không có nghĩa lý, không có giá trị gì hết. Thấy biết như vậy là tu giỏi. Giả danh mà cứ thấy nó là thật nên tu dở. Biết rõ ràng như vậy thì đâu có gì khó tu, rõ ràng tất cả pháp trọn không tự tánh.

Những gì là sắc đã không thể thủ, cũng không thể sanh; những gì là thọ, tưởng, hành, thức đã không thể thủ, cũng không thể sanh; tự tánh các pháp đã không thể thủ cũng không thể sanh. Nếu pháp không tánh cũng không thể sanh, pháp không sanh này cũng không thể sanh, con đâu thể lấy pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa hoàn toàn không sanh mà dạy bảo chư Bồ-tát ma-ha-tát hoàn toàn không sanh, khiến được cứu cánh? 

Ngài Thiện Hiện giải thích rằng từ năm uẩn đến các pháp tự tánh không sanh, rốt ráo ngay cả pháp gọi là không sanh cũng không thể được. Cuối cùng pháp Bát-nhã không sanh, chư Bồ-tát không sanh, tất cả đều không thể được thì đâu có gì dạy bảo đến cứu cánh.

Thế Tôn! Lìa pháp không sanh thì không có pháp có thể được, cũng không có Bồ-tát ma-ha-tát hay hành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. 

Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói như thế, tâm không chìm lặng, không lui sụt, không kinh sợ, nên biết Bồ-tát ma-ha-tát này hay tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bởi tại sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát đã hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa quán sát các pháp. Khi ấy Bồ-tát ma-ha-tát đối với tất cả pháp trọn không chỗ được, không thọ, không thủ, không trụ, không trước, cũng không lập bày là sắc, đối thọ, tưởng, hành, thức trọn không chỗ được, không thọ, không thủ, không trụ, không trước, cũng không lập bày là thọ, tưởng, hành, thức. 

Bồ-tát ma-ha-tát ấy khi hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa không thấy sắc cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức. Bởi tại sao? Vì sắc tánh không, không sanh không diệt, thọ tưởng hành thức tánh không, không sanh không diệt. 

Bồ-tát hành đạo Vô thượng Bồ-đề phải nhận được pháp không sanh. Nghe nói pháp không sanh mà không lui sụt, không kinh sợ, đó là hành Bát-nhã. Như Tâm Kinh Bát-nhã nói Bồ-tát ma-ha-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Chữ không này là không tự tánh. Năm uẩn đều không tự tánh. Sắc không tự tánh nên không sanh không diệt; thọ, tưởng, hành, thức không tự tánh nên không sanh không diệt. Vì nói đơn giản bớt chữ nên chỉ nói không sanh không diệt. Phải hiểu không đó là không tự tánh, tức là các pháp không có gì là sẵn có cố định. Sắc không cố định, thọ, tưởng, hành, thức cũng không cố định. Bởi không cố định nên không có cái gì thật. Bồ-tát hiểu sâu chỗ này nên đối với năm uẩn không thấy thật có, không chấp thủ, không trụ, không dính mắc.

Thế Tôn! Sắc không sanh, không diệt tức là phi sắc; thọ, tưởng, hành, thức không sanh không diệt tức là phi thọ, tưởng, hành, thức. Bởi tại sao? Vì sắc cho đến thức cũng không sanh không diệt, không có hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp không sanh không diệt, không phải một, không phải hai, không phải nhiều, không phải khác. Thế nên, sắc cho đến thức không sanh không diệt tức phi sắc cho đến phi thức. Thế Tôn! Sắc không hai tức là phi sắc; thọ, tưởng, hành, thức không hai tức là phi thọ, tưởng, hành, thức. 

Sắc tức thị không, không tức thị sắc là chỉ cái lý không hai này, không phải có sắc riêng, không phải có không riêng. Vì tất cả pháp trong đây không có hai bên.

Thế Tôn! Sắc vào pháp số không hai; thọ, tưởng, hành, thức vào pháp số không hai. Nếu nói sắc tức là nói pháp không hai; nếu nói thọ, tưởng, hành, thức tức là nói pháp không hai. 

Hệ Bát-nhã giải thích tất cả pháp căn cứ trên lý không hai, nghĩa là không tức, không ly. Theo con mắt trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả pháp nằm trong đối đãi không có thật, bởi không thật nên nó là không hai. Nếu xác định có hai là thấy có thật. Ngay nơi các pháp tự nó không có thể cố định, như cái ly không có thể cố định của ly, cái bàn không có thể cố định của bàn, làm sao nói pháp có hai được. Thấy các pháp không có gì cố định, không mắc kẹt hai bên là tinh thần Bát-nhã, thấu tột lý không của các pháp. Phàm phu ngu si thấy các pháp có tánh cố định, nên mắc kẹt hai bên, hoặc có hoặc không. Dùng trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp không hai, không có hai mặt cố định nên cái này có thể chuyển thành cái kia. Đây là lẽ thật, chính khoa học cũng phải chấp nhận. Nếu cố định thì cái này phải là cái này, cái kia là cái kia, không thể gia giảm biến đổi được. Sự thật, tùy các nguyên tố trong đó đổi thay tăng giảm mà sự vật chuyển biến từ cái này qua cái kia. Khoa học ứng dụng điều này tạo ra mọi thứ để con người sử dụng. Đức Phật không áp dụng nguyên lý này để tạo ra vật chất bên ngoài, ngài chỉ áp dụng trong nội tâm để tu. Biết tất cả pháp không cố định, không có cái gì là thật để tâm không bị nhiễm ô, không dính mắc, tâm an nhiên tự tại, nhìn mọi vật biến chuyển mà không bị lay động.

Học Phật mà không nắm vững tinh thần Bát nhã là một khuyết điểm, một sơ sót lớn. Đây là trí tuệ cao tột đúng với lẽ thật, tu mà thiếu trí tuệ thì không đủ niềm tin để tiến đến giải thoát. Học Bát-nhã có trí tuệ thấy đúng như thật, chúng ta dễ gạt bỏ những mê lầm chấp trước. Sở dĩ chúng ta không cởi mở vì cứ chấp chặt mọi vật là thật, là cố định nên sanh rầy rà khó khăn. Trong gia đình, già trẻ thường hay xung đột lẫn nhau vì lòng cố chấp, người già muốn như thế này, người trẻ muốn như thế kia, sanh bực bội phiền não. Nếu biết tùy thời, như thời trang là cái trang sức theo thời, những người xưa thì sống như vậy, người thời nay thì sống như vậy, mọi thứ cho qua dễ dàng. Người xưa cứ bắt thời nay phải giống như thời xưa, cho cái xưa là đúng, bắt con cháu theo ý mình, nó không theo thì chấp nê cho là không hiếu thảo… Từ chỗ đó mà sanh khổ đau, nếu hiểu rõ lẽ thật của các pháp thì tâm hồn cởi mở, buông xả dễ dàng.

Như có người chê mình ngu, nếu thấy các pháp không thật, nói ngu si thì mặc nói, đó là có trí tuệ Bát-nhã. Nghe nói ngu thì giận đùng đùng, nói tôi ngu chỗ nào? Chính cái giận đùng đùng đó là ngu ngốc rồi, vậy mà còn hỏi ngu chỗ nào. Từ ngu si sanh chấp nên điên đảo phiền não, nếu thấy được lẽ thật đó thì mọi việc cởi mở nhẹ nhàng, hòa vui trong cuộc đời giả tạo này, không có gì quan trọng.

Tuy nhiên, hòa vui có mẫu mực, có nguyên tắc để cuộc sống được an ổn. Phật chỉ dạy chúng ta các pháp không thật, nhưng vẫn chế giới luật để giữ gìn. Mới nhìn như mâu thuẫn nhưng sự thật không phải. Cứ tưởng cái gì tự do thì tha hồ muốn làm gì làm. Tự do có khuôn phép thì tự do đó mới bền. Tự do mà vô trật tự đó là tự do ấu đả. Hiểu như vậy mới thấy cái hay của Phật pháp. Dạy cho mình có tâm hồn tự do mà sống trong khuôn phép, không phải tự do rồi gặp người cứ chửi mắng om sòm. Không có quy luật phép tắc sẽ bị cười chê “người tu ăn nói thô lỗ”. Biết ngôn ngữ không thật nhưng cũng phải nói lời hay đẹp, như vậy mới hợp đạo lý.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Như tôi hiểu nghĩa nhân giả nói, ngã, hữu tình v.v… hoàn toàn không sanh, sắc cho đến thức hoàn toàn không sanh, chư Phật, Bồ-tát hoàn toàn không sanh. Nếu như thế do nhân duyên gì Bồ-tát ma-ha-tát vì độ vô lượng vô số hữu tình tu trăm ngàn khổ hạnh rất khó làm, thọ đủ vô lượng khổ lớn rất khó nhẫn? 

Thiện Hiện đáp: 

– Xá-lợi Tử! Không phải tôi ở trong pháp không sanh kia nhận có Bồ-tát ma-ha-tát vì độ vô lượng vô số hữu tình, tu trăm ngàn khổ hạnh rất khó làm, thọ đủ vô lượng khổ lớn rất khó nhẫn. Song chư Bồ-tát ma-ha-tát tuy vì hữu tình tu vô lượng thứ khổ hạnh rất khó làm mà ở trong đó không có tưởng khổ hạnh. 

Ngài Xá-lợi-phất hỏi Thiện Hiện, tất cả hữu tình đều không sanh, Phật Bồ-tát cũng hoàn toàn không sanh, như thế các Bồ-tát vì nhân duyên gì tu khổ hạnh, chịu vô lượng khổ? Ngài Thiện Hiện đáp, trong pháp không sanh không thấy có Bồ-tát vì độ vô lượng vô số hữu tình mà tu trăm ngàn khổ hạnh… Tại sao?

Vì các pháp không có tự tánh nên không sanh, các pháp không sanh thì Bồ-tát và chúng hữu tình không thật có. Bởi không thật có nên nói Bồ-tát độ vô số hữu tình là điều không thể chấp nhận. Nên ngài nói, đứng về mặt pháp không sanh tức là không tự tánh, thì tôi không nhận có Bồ-tát vì chúng hữu tình tu vô lượng thứ khổ hạnh khó làm. Thật ra các ngài vẫn tu khổ hạnh nhưng không khởi tưởng mình tu khổ hạnh, cũng như độ sanh mà không thấy có chúng sanh được độ.

Vì cớ sao? Nếu đối với khổ hạnh, khởi tưởng khổ hạnh, trọn không thể vì vô lượng, vô số vô biên hữu tình làm lợi ích lớn. Nhưng chúng Bồ-tát ma-ha-tát lấy không chỗ được làm phương tiện, đối với các khổ hạnh khởi tưởng lạc hạnh, đối với hạnh khó làm khởi tưởng dễ làm, đối với hữu tình khởi tưởng như cha mẹ anh em, vợ con và thân mình. Vì độ kia nên phát khởi tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mới hay vì vô lượng, vô số, vô biên hữu tình kia làm lợi ích lớn. 

Đoạn này giải thích nếu đối với khổ hạnh mà khởi tưởng thật là khổ hạnh thì không thể độ vô lượng vô số vô biên hữu tình, làm lợi ích lớn. Sở dĩ Bồ-tát làm được điều lợi ích lớn vì các ngài lấy không chỗ được (vô sở đắc) làm phương tiện. Có chỗ được là khi có pháp thật; tất cả pháp không có thật, lấy gì làm sở đắc? Bồ-tát dùng phương tiện đầu là vô sở đắc, thấy tất cả pháp không thật, không thể được nên đối với khổ hạnh tưởng là lạc hạnh, đối với việc khó làm tưởng là dễ làm. Khổ tưởng là lạc, khó tưởng là dễ, như vậy có điên đảo không? Bồ-tát sao tưởng điên đảo? Bồ-tát không điên đảo. Khi thấy không có chỗ được thì không có khổ thật, không có lạc thật. Thế gian nghe nói khó khổ thì sợ, nghe nói dễ dàng an lạc thì thích, nên Bồ-tát dùng phương tiện để an ủi chúng sanh. Kế đến, đối với tất cả chúng hữu tình, Bồ-tát khởi tưởng như cha mẹ anh em, vợ con, kể cả như thân mình, vì vậy làm những hạnh khổ mà không thấy khổ.

Đoạn này có hai ý:

Thứ nhất, Bồ-tát làm những hạnh khổ khó làm là do các ngài dùng phương tiện vô sở đắc, lấy đó làm gốc để tiến tu, khổ không thấy là khổ, khó không thấy là khó.

Thứ hai, Bồ-tát khởi tâm đại bi quán chúng sanh như cha mẹ anh em, vợ con, kể cả như thân mình, độ tất cả những người đó mà không bao giờ nghĩ rằng mình khổ nhọc. Bởi vì xem họ như mình, họ khổ mình khổ, họ vui mình vui, làm lợi ích rất nhiều, không chán không sợ.

Lại, Xá-lợi Tử! Chư Bồ-tát ma-ha-tát đối với tất cả hữu tình khởi tưởng như cha mẹ anh em, vợ con và thân mình rồi, lại khởi nghĩ thế này: Ta phải độ thoát tất cả hữu tình khiến lìa tất cả thứ khổ sanh tử, khởi trăm ngàn khổ hạnh khó làm, thà bỏ thân mình mà không bỏ chúng kia. Nhưng đối với hữu tình khổ và khổ hạnh không khởi tưởng hữu tình khổ và khổ hạnh. 

Lại khởi nghĩ: Ta phải độ thoát tất cả hữu tình khiến lìa vô biên các đại khổ uẩn, giả sử vì kia mà chặt cắt thân ta làm trăm ngàn phần trọn không lui sụt. Nhưng trong đó không khởi tưởng là khổ hạnh khó làm. 

Bồ-tát làm chuyện rất là khó, độ tất cả hữu tình dầu hy sinh thân mạng cũng vẫn làm. Phàm phu như chúng ta, với người thương quý nhất, khi người đó khổ, cần hy sinh cái này cái kia chúng ta có tiếc không? Không tiếc. Giả sử bảo chịu khổ thế cho họ chúng ta chịu không? Chịu. Tình thương là sức mạnh lớn lao giúp chúng ta chịu đựng tất cả khổ, tình thương lấn át tất cả khổ. Vì thế Bồ-tát lấy đại bi làm căn bản, dùng đại bi làm phương tiện đem lợi ích cho chúng hữu tình. Chúng ta thiếu đại bi nên làm gì một chút thì nói “tội gì lo cho họ dữ vậy!”…

Cái khổ nhất của chúng sanh là sanh tử, Bồ-tát độ chúng sanh khiến họ lìa sanh tử, thà bỏ thân mình mà không bỏ chúng kia. Đại nguyện rộng lớn như thế nhưng không thấy có chúng sanh thật, có khổ thật. Xem sanh tử như mộng huyễn, làm tất cả việc lợi ích cũng như huyễn, vì thế không chán mỏi. Đứng trên lý, Bồ-tát thấy các pháp đều không có tự tánh nên không thật có mình, không thật có chúng sanh. Đứng trên sự tức là tình, Bồ-tát do lòng đại bi dẫn đạo, thấy chúng sanh như quyến thuộc, như cả thân mình, thà mình khổ không nỡ để chúng sanh chịu khổ.

Đại bi là tình thương rộng lớn không hạn cuộc, chúng ta cũng có tình thương nhưng hạn hẹp bó buộc, chỉ hy sinh cho một hai người, không hy sinh cho tất cả. Bồ-tát hy sinh cho tất cả chúng sanh vì thấy tất cả chúng sanh là thân quyến hoặc đời này, đời nọ, đời kia. Mỗi lần sanh ra là mỗi lần có cha mẹ anh em, chúng ta đã sanh ra bao nhiêu lần rồi? Nói theo Phật thì cắm cây dùi xuống đất chỗ nào cũng trúng thân của ngài. Phật dùng thân nhiều như số cát sông Hằng để làm lợi ích chúng sanh. Chúng ta cũng từng có thân nhiều như hạt bụi, qua vô số đời. Vậy những chúng sanh hiện có mặt ở đây có người nào xa lạ với mình không? Không. Chỉ xa lạ trong đời này thôi, không xa lạ trong đời trước. Nhìn như vậy nên Bồ-tát thấy tất cả chúng sanh như cha mẹ anh em ruột. Tại sao chỉ thương cha mẹ anh em đời này, không nghĩ đến cha mẹ anh em những đời trước? Vì thế nên thương tất cả chúng sanh không bỏ sót một ai. Đó là do lòng đại bi dẫn đạo.

Xá-lợi Tử! Chư Bồ-tát ma-ha-tát khởi nghĩ thế này: Như ngã tự tánh đối tất cả pháp, lấy tất cả thứ, tất cả chỗ, tất cả thời tìm không thể được, các pháp trong ngoài cũng như thế trọn không chỗ có đều chẳng thể được, nếu trụ cái tưởng này liền không thấy có khổ hạnh khó làm. Do đây hay vì vô lượng, vô số vô biên hữu tình, tu trăm ngàn khổ hạnh khó làm và hay làm cho kia được lợi ích lớn.

Với trí tuệ Bát-nhã, Bồ-tát tu trăm ngàn hạnh khổ khó làm để độ chúng sanh, không thấy thật có hạnh khổ. Như ngã tự tánh đối với tất cả pháp, lấy tất cả thứ, tất cả chỗ, tất cả thời tìm không thể được. Như ngã tự tánh nghĩa là như tự tánh của ta, quán sát ta không tự tánh, ta không cố định. Ta như vậy, tất cả pháp cũng như vậy. Tìm trong tất cả thời gian, không gian không một pháp nào sẵn có cố định, không sẵn có cố định thì có pháp nào thật? Không có pháp thật thì nói gì là khổ hạnh, nói gì là khó khăn? Khổ hạnh không thật, khó khăn không thật, vì vậy làm lợi ích chúng sanh mà không thấy có làm. Đó là đứng về mặt lý Bát-nhã.

Bồ-tát làm lợi ích chúng sanh phải đủ hai điều kiện: một là trí tuệ Bát-nhã, hai là lòng đại bi. Đủ hai điều kiện này làm lợi ích chúng sanh mới không thối chuyển. Với trí Bát-nhã, thấy mình không thật, chúng sanh không thật. Các pháp đều không thật, do duyên hợp hư dối giả có, đem cái hư dối để đánh thức người qua khỏi mê lầm, hy sinh cái hư dối đâu có gì quan trọng. Thí dụ có một món đồ giả, biết nó là giả để chơi cho vui, có người xin chúng ta có tiếc không? Đồ giả cho không tiếc. Cũng vậy, với bản ngã hư dối huyễn hóa, Bồ-tát làm việc không tiếc thân mạng. Chúng sanh cho thân là thật nên tham đắm, Bồ-tát đem thân giả bố thí để làm lợi ích chúng sanh. Nếu còn thấy mình là thật thì khó làm hạnh khổ. Trí tuệ Bát-nhã đi đầu, kế đến là lòng đại bi. Chúng sanh không biết cõi đời hư dối, tranh giành làm khổ nhau. Bồ-tát thương nên ráng làm cho họ tỉnh thức. Như vậy là đủ cả trí tuệ và từ bị.

Người tu chỉ có từ bi mà không có trí tuệ thì trở thành tình cảm khổ lụy. Có trí tuệ mà không có từ bi thì nói lý khô khan không giúp được ai. Thực hành đạo Bồ-tát phải đủ trí tuệ và từ bi. Đó là động lực để cứu mình, cứu người. Do trí tuệ thấy mình, người, tất cả pháp đều duyên hợp như huyễn nên lăn xả vào đời, làm mà không thấy có làm, không sanh thối chuyển. Do từ bi thấy chúng sanh đáng thương xót, đổi lòng thương ích kỷ riêng tư thành lòng thương không hạn hẹp. Làm người ai cũng có tình cảm, tình cảm theo niệm phàm tục thì bị trói buộc ở một chỗ một nơi, chuyển tình cảm đó bằng trí tuệ, đem tâm từ bi bủa trùm tất cả chúng sanh. Nếu chuyển tình cảm ra từ bi thì là Bồ-tát, đem tình cảm đa mang trói buộc với một người hai người đó là chúng sanh. Việc tu khéo léo ở chỗ đó. Phải tập nhìn tất cả chúng sanh là cha mẹ anh em quyến thuộc, bà con gần hoặc bà con xa, không có ai là người dưng kẻ lạ. Còn thấy có đối tượng dễ thương, đối tượng dễ ghét thì niệm xấu sanh ra, Dùng trí nhìn tất cả chúng sanh, từ đó lòng từ bi phát triển, nếu dùng niệm riêng tư theo tà kiến thì sẽ bị tình cảm trói buộc. Đây là điều các vị Bồ-tát thực hiện được, chúng ta phải tập những điều đó. Những gì chưa làm được phải gắng làm xong.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện: 

– Chư Bồ-tát đó thật không sanh chăng? 

Thiện Hiện đáp: 

– Các Bồ-tát này đều thật không sanh.

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Chỉ có Bồ-tát là thật không sanh hay pháp của Bồ-tát cũng thật không sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Pháp của Bồ-tát cũng thật không sanh.

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Chỉ có pháp của Bồ-tát thật không sanh hay Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh.

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Chỉ có Nhất thiết trí trí là thật không sanh hay pháp Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Pháp Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh. 

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Chỉ có pháp Nhất thiết trí trí là thật không sanh hay các loài dị sanh cũng thật không sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Các loài dị sanh cũng thật không sanh. 

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Chỉ có các loài dị sanh là thật không sanh hay pháp của các dị sanh cũng thật không sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Các pháp dị sanh cũng thật không sanh. 

Ngài Xá-lợi Tử hỏi ngài Thiện Hiện đại khái như sau, Bồ-tát và pháp Bồ-tát thật không sanh chăng? Nhất thiết trí trí và pháp Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh chăng? Các loài dị sanh và pháp các loài dị sanh thật không sanh chăng? Mỗi câu hỏi ngài Thiện Hiện đều đáp thật không sanh.

Xá-lợi Tử bảo Thiện Hiện:

– Nếu chư Bồ-tát thật không sanh, pháp chư Bồ-tát thật không sanh, Nhất thiết trí trí thật không sanh, pháp Nhất thiết trí trí cũng thật không sanh, các loài dị sanh thật không sanh, pháp các loài dị sanh cũng thật không sanh, đâu không phải Bồ-tát ma-ha-tát nên tùy chứng được Nhất thiết trí trí, tức là pháp không sanh nên được pháp không sanh? 

Nhất thiết trí trí không sanh, Bồ-tát không sanh, các loài dị sanh cũng không sanh, như vậy làm sao chứng được Nhất thiết trí trí? Chẳng lẽ lấy pháp không sanh được pháp không sanh sao? Đã là pháp không sanh làm sao chứng được? Không sanh mà được tức là có sanh. Đó là ý gạn hỏi của ngài Xá-lợi Tử.

Thiện Hiện đáp:

– Theo ý tôi không nhận trong pháp không sanh có chứng được, có hiện quán. Vì cớ sao? Vì các pháp không sanh chẳng thể được.

Ngài Thiện Hiện đáp, ý tôi không chấp nhận. Vì các pháp không sanh chẳng thể được.

Xá-lợi Tử hỏi: 

– Vậy là nhận pháp sanh chứng pháp sanh hay nhận pháp không sanh chứng pháp không sanh? 

Thiện Hiện đáp:

– Theo ý tôi không nhận pháp sanh chứng pháp sanh, cũng không nhận pháp không sanh chứng pháp không sanh. 

Ý ngài Xá-lợi Tử gạn hỏi có chấp nhận chỗ chứng đắc, lấy pháp sanh chứng pháp sanh hay pháp không sanh chứng không sanh? Ngài Thiện Hiện đều bác bỏ cả hai.

Xá-lợi Tử hỏi:

– Vậy là nhận pháp sanh chứng pháp không sanh hay nhận pháp không sanh chứng pháp sanh? 

Thiện Hiện đáp:

– Theo ý tôi không nhận pháp sanh chứng pháp không sanh, cũng không nhận pháp không sanh chứng pháp sanh.

Đổi ngược lại, chấp nhận pháp sanh chứng pháp không sanh hay pháp không sanh chứng pháp sanh? 

Lập luận ngược xuôi cho đủ để thấy rằng hoàn toàn không chấp nhận có chứng đắc.

Xá-lợi Tử hỏi:

– Nếu như thế, đâu hoàn toàn không đượckhông hiện quán? 

Thiện Hiện đáp: 

Tuy có được, có hiện quán, nhưng không do hai pháp này (sanh và không sanh) mà chứng, chỉ tùy nói năng lập bày có được, có hiện quán, không phải trong thắng nghĩa có được, có hiện quán.

Đây là chỗ lý thú của Đại thừa. Tuy hai tôn giả vấn đáp để nêu rõ nghĩa không chứng đắc, nhưng không phải không ngơ. Có chỗ được mà không phải từ hai pháp sanh và không sanh, nếu do hai pháp này mà chứng thì đó là pháp cố định, nên nói Tuy có được, có hiện quán nhưng không do hai pháp này mà chứng. Hiện quán là xét thấy hiện tại. Nói có được, có hiện quán là theo ngôn ngữ thế gian, trong thắng nghĩa không có.

Trước nói Bồ-tát làm được những việc lợi ích vô lượng vô biên vì có hai điều kiện trí tuệ và từ bị. Đây nói các pháp không sanh, lại nói có chứng có đắc, như vậy mâu thuẫn rõ ràng. Tinh thần Bát-nhã lúc nào cũng nói là không, tại sao đây nói có?

Đứng về mặt thắng nghĩa chân đế, tất cả pháp duyên hợp như huyễn, những gì có sanh và không sanh đều không thật, các pháp không nằm trong đối đãi. Các pháp như huyễn nên không thật, không pháp nào có tính cố định. Về mặt chân đế thì không chứng không đắc; nhưng về mặt tục đế thì có chúng sanh mê, có Phật giác. Hết mê được giác nên nói chứng được là nói theo thế tục, kia là chân đế, đây là tục đế. Như vậy Bát-nhã nói có rồi nói không, nói không rồi nói có là đứng về chân đế thì nói không, đứng về tục đế thì nói có. Tâm Kinh Bát-nhã nói không có nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, không mười hai nhân duyên, không tử để rồi không cả chứng đắc. Vì không sở đắc nên Bồ-tát tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo được cứu cánh Niết-bàn. Ba đời chư Phật cũng nương Bát-nhã được thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chỗ được của Bồ-tát và của chư Phật là căn cứ trên tục đế. Như vậy, căn cứ trên thắng nghĩa chân đế thì các pháp huyễn hóa nên không sanh, không diệt, không chứng, không đắc; căn cứ trên tục đế thì có mê có ngộ, có chúng sanh, có Phật, có chứng có đắc. Hiểu như vậy mới nắm được tinh thần Bát-nhã.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

Vậy là nhận pháp chưa sanh sanh hay nhận pháp đã sanh sanh? 

Thiện Hiện đáp: 

– Theo ý tôi không nhận pháp chưa sanh sanh cũng không nhận pháp đã sanh sanh.

Câu hỏi này nhắm vào thời gian, pháp chưa sanh hay pháp đã sanh. Ngài Thiện Hiện đều không nhận.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Vậy là nhận có sanh sanh hay nhận không sanh sanh? 

Thiện Hiện đáp:

– Theo ý tôi không nhận có sanh sanh cũng không nhận không sanh sanh.

Câu hỏi này nhắm vào có và không. Mới nghe tưởng như bình thường nhưng ý muốn phá tất cả những đối đãi, về thời gian: chưa và đã, về pháp: có và không. Thử xem còn kẹt cái nào hay không. Cả hai, ngài Thiện Hiện đều vượt qua, không mắc kẹt trong đối đãi.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nhân giả nói pháp không sanh, thích biện thuyết tướng không sanh chăng? 

Thiện Hiện đáp:

– Tôi nói pháp không sanh, cũng không thích biện thuyết tướng không sanh.

Đến đây chuyển qua ý hỏi ngài có thích biện thuyết tướng không sanh chăng? Đã không sanh thì làm sao có tướng, ngài Thiện Hiện gỡ liền.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Đối pháp không sanh khởi nói không sanh, cái nói không sanh này cũng không sanh chăng? 

Thiện Hiện đáp:

– Đúng như thế, đúng như thế! Đối pháp không sanh khởi nói không sanh, pháp này và lời nói kia đều có nghĩa không sanh mà tùy thế tục nói tướng không sanh. 

Cuối cùng Xá-lợi Tử gạn hỏi: Cái nói không sanh này cũng không sanh chăng? Thiện Hiện chấp nhận đối với pháp không sanh nói lời không sanh, nếu không nói năng gì thì chúng sanh không do đâu nhận hiểu. Có nói năng là có sanh, vì tùy theo thế tục nói tướng không sanh.

Xá-lợi Tử khen Thiện Hiện:

– Trong những người thuyết pháp, nhân giả là bậc nhất, trừ đức Phật Thế Tôn ra không có ai bì kịp. Vì cớ sao? Vì tùy gạn hỏi các thứ pháp môn đều hay đáp không chút ngăn ngại mà đối với pháp tánh khéo không lay động.

Ngài Xá-lợi Tử khen Thiện Hiện, đáp tất cả mà không lay động pháp tánh, nghĩa là pháp tánh vẫn y nguyên không thay đổi.

Thiện Hiện nói: 

– Đệ tử chư Phật, đối tất cả pháp không y trước, pháp ấy đều hay tùy chỗ gạn hỏi, mỗi mỗi đối đáp tự tại không sợ, mà đối với pháp tánh khéo không lay động. Vì cớ sao? Vì tất cả pháp không chỗ y. 

Đối tất cả pháp không có chỗ nương tựa, nghĩa là không dính mắc, không chấp trước một pháp nào. Nếu có chỗ y trước là có chỗ kẹt, khi bị người gạn hỏi đối đáp có chỗ chướng ngại không tự tại, Y là có chỗ tựa, thường nói là có lập trường, như vậy đối đáp theo Bát-nhã không có chỗ y trước là đối đáp không có lập trường, phải không? Không. Thế gian chấp hai bên có không, phải quấy… Người lập trường có thì chống người lập trường không. Hai bên đối đáp, bên nào giữ lập trường bên nấy. Có không, phải quấy… đều không thật, lấy cái nào làm lập trường, làm chỗ nương tựa? Vì không thấy được lẽ đó, nên lấy cái này làm lập trường để cãi lại với cái kia, sanh ra đấu tranh, gốc từ chấp cái y cứ của mình.

Bát-nhã thấy không có một pháp thật, lấy gì y cứ? Điều đó với người này thấy là có, nhưng người khác thấy là không. Có là do tướng duyên hợp hư dối giả có, không cũng là duyên tan tạm gọi không. Nếu cho có là thật, không là thật thì sanh cãi nhau, vì chấp vào chỗ thấy của mình, giữ chặt lập trường. Nếu thấy tất cả pháp không thật, không y cứ bất cứ lập luận nào, làm gì có tranh chấp. Nói không có lập trường tưởng như dở nhưng đó là chỗ thấu tột lẽ thật, không còn dính kẹt. Hiểu như vậy, chỗ không y trước là chỗ rất hay.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nói pháp yếu sâu thẳm như thế là do oai lực ba-la-mật-đa nào biện giải? 

Thiện Hiện đáp: 

– Nói pháp yếu sâu thẳm như thế đều do oai lực Bát-nhã ba-la-mật-đa biện giải. Bởi tại sao? Vì nói tất cả pháp không chỗ y chỉ, cốt do Bát-nhã ba-la-mật-đa, thông đạt tất cả pháp không chỗ y vậy. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm như thế, tâm không nghi ngờ cũng không mê muội, nên biết Bồ-tát ma-ha-tát này trụ chỗ trụ như thế hằng không xa lìa. 

Ba-la-mật-đa có sáu thứ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Trí tuệ rốt ráo là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do oai lực của Bát-nhã ba-la-mật đa biện giải giáo lý sâu thẳm. Tức là dùng trí tuệ thấu suốt các pháp không tự tánh, các pháp không chỗ y chỉ.

Bồ-tát này trụ chỗ trụ như thế hằng không xa lìa, chỗ trụ như thế là chỗ trụ nào? Trụ không có chỗ y, trụ ở chỗ không trụ. Như vậy mới hằng không xa lìa.

Nghĩa là lấy không chỗ được làm phương tiện, thường chuyên cần cứu bạt tất cả hữu tình. Bồ-tát ma-ha-tát này thành tựu tác ý tối thắng như vậy, gọi là tác ý cùng đại bi tương ưng.

Lấy không chỗ được làm phương tiện, thường chuyên cần cứu bạt tất cả hữu tình, tức là trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp đều như huyễn như hóa, lấy đó làm phương tiện đầu để làm những hạnh lợi ích cho chúng sanh. Bồ-tát ma-ha-tát này thành tựu tác ý tối thắng như vậy, gọi là tác ý cùng đại bi tương ưng. Thấy tất cả pháp như huyễn như hóa, không có sở đắc và không có tự tánh sẵn có cố định, thấy rõ các pháp như vậy gọi là tác ý tối thắng. Khởi nghĩ là tác ý. Đôi khi chúng ta có những tác ý không đúng, người nói một đàng mình tác ý một ngả nên sanh phiền não. Ở đây tác ý thấy rõ, khởi nghĩ đúng các pháp như thật nên nói tác ý tối thắng. Có tác ý tối thắng thì cùng đại bi tương ưng, tác ý tầm phào thì cùng tình cảm tương ưng. Ý nghĩa này rất rõ ràng.

Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

– Nếu Bồ-tát ma-ha-tát trụ chỗ trụ như thế hằng không lìa bỏ, thành tựu tác ý cùng đại bi tương ưng, thì tất cả hữu tình cũng nên thành tựu Bồ-tát ma-ha-tát. Tại sao? Vì tất cả hữu tình cũng trụ nơi đây và tác ý này, thường không lìa bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, vì đại bi và tác ý tánh nó bình đẳng thì chư Bồ-tát ma-ha-tát cùng tất cả hữu tình nên không sai biệt.

Ngài Xá-lợi Tử nói rằng nếu Bồ-tát trụ chỗ như thế không lìa bỏ, thành tựu tác ý cùng đại bi tương ưng thì tất cả hữu tình cũng nên thành tựu Bồ-tát ma-ha-tát. Hữu tình với Bồ-tát khác nhau, tại sao lại nói hữu tình thành Bồ-tát? Vì tất cả hữu tình cũng trụ nơi đây và tác ý này, thường không lìa bỏ Bátnhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, đại bi và tác ý tánh nó bình đẳng. Đại bi và tác ý đều có tự tánh hay không? Đại bi và tác ý không có tự tánh, hữu tình và Bồ-tát cũng không tự tánh. Bồ-tát trụ nơi Bát-nhã, thành tựu tác ý cùng đại bi tương ưng. Hữu tình cũng không lìa bỏ Bát-nhã, hữu tình cũng có tác ý. Tác ý và đại bi tánh bình đẳng, nên hữu tình và Bồ-tát bình đẳng. Bồ-tát không tự tánh, hữu tình không tự tánh, căn cứ trên không tự tánh bình đẳng thì hữu tình cũng có thể thành Bồ-tát. Bồ-tát làm những điều đó, hữu tình cũng làm được như thế.

Khả năng của hữu tình và Bồ-tát như nhau, khi hữu tình làm giống như Bồ-tát thì hữu tình không khác Bồ-tát. Câu này có vẻ khó hiểu nhưng ngụ ý khuyến khích chúng ta.

Ngài Thiện Hiện nói: 

– Lành thay! Lành thay! Đúng như thế, đúng như thế! Thật như Nhân giả đã nói, khéo biết như thật ý tôi nói, tuy in tuồng nạn tôi mà kỳ thật thành lập nghĩa của tôi. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì hữu tình không tự tánh, nên trụ như thế và tác ý cũng không tự tánh. Vì hữu tình không chỗ có, nên trụ như thế và tác ý cũng không chỗ có. Vì hữu tình xa lìa nên trụ như thế và tác ý cũng xa lìa. Vì hữu tình vắng lặng nên trụ như thế và tác ý cũng vắng lặng. Vì hữu tình chẳng thể được nên trụ như thế và tác ý cũng chẳng thể được. Vì hữu tình không tri giác nên trụ như thế và tác ý cũng không tri giác.

Ngài Thiện Hiện khen ngài Xá-lợi Tử tuy hỏi khó nhưng thật ra để thành lập ý nghĩa Bát-nhã. Dùng con mắt Bát-nhã thì thấy hữu tình không tự tánh, trụ chỗ không trụ, tác ý cũng không tự tánh. Hữu tình không chỗ có (vô sở hữu), hữu tình xa lìa, hữu tình vắng lặng, hữu tình chẳng thể được (bất khả đắc), nhìn rốt ráo không thấy thật có hữu tình, không thật có tác ý.

Vì sao nói hữu tình không tri giác nên trụ như thế và tác ý cũng không tri giác? Chúng ta thường phân biệt hữu tình có tri giác, vô tình không tri giác, nói hữu tình không tri giác thì khác nào vô tình? Về mặt không tự tánh thì tri giác không thật có. Hữu tình có tri giác nhưng không chấp tri giác là thật, nên nói hữu tình không tri giác. Các pháp và hữu tình hoàn toàn không thật có, không sai biệt, đó là đứng trên lý bình đẳng mà nói. Bồ-tát trên lý bình đẳng thì không tự tánh, chúng sanh không tự tánh, hữu tình và Bồ-tát không khác nhau.

Căn cứ trên chân đế là như vậy, còn nói có chúng sanh, có Bồ-tát là căn cứ trên tục đế. Khi chúng ta nghe câu nào lạ, phải xét coi nó thuộc về loại nào để không lầm lộn. Ví như cái bàn, cái ghế, cái nhà… tất cả các vật đều có hình dáng khác nhau, nhưng chúng có chung một tánh bình đẳng là vô thường. Trên lý vô thường, trên lý không tự tánh thì tất cả bình đẳng; trên hiện tướng thế tục thì mỗi mỗi vật lớn nhỏ sai biệt khác nhau.

Do nhân duyên này, chư Bồ-tát ma-ha-tát đối với trụ như thế và tác ý này thường không lìa bỏ, cùng các hữu tình cũng không sai biệt, vì tất cả pháp và các hữu tình hoàn toàn không, không có sai biệt. 

Nếu Bồ-tát ma-ha-tát hay biết như thế không bị ngăn ngại, đó là thật tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Bồ-tát trụ chỗ không trụ vì biết các pháp không chỗ y chỉ, dùng vô sở đắc làm phương tiện cứu vớt hữu tình, đó gọi là tác ý tối thắng tương ưng đại bi; Bồ-tát được như thế, hữu tình cũng được như thế, biết rõ như vậy không chướng không ngại, đó là thật tu Bát-nhã. 

Chúng ta hằng dùng trí tuệ thấy tất cả pháp không một pháp nào thật. Chúng sanh không thấy rõ như vậy nên mê muội, tranh giành hơn thua, sanh phiền não. Bồ-tát thương xót họ, khởi đại bi tâm, giáo hóa họ hằng sống với trí Bát-nhã và thực hành theo hạnh Bát-nhã.

Tu là khéo dùng trí Bát-nhã gỡ bỏ vọng tưởng. Khi ngồi thiền có những vọng niệm buông được, có những vọng niệm mạnh quá buông không nổi, lúc đó phải làm sao? Hoặc tìm lại cội gốc xem nó phát xuất từ đâu, hoặc quán tất cả pháp huyễn hóa, cái này huyễn hóa, cái kia huyễn hóa, có gì mà buông không được. Lúc ngồi thiền hoặc đi đứng nằm ngồi áp dụng như thế. Nếu lúc chăn trâu hơi nặng đầu, hơi buồn, thôi không kìm giữ nữa mà ngó trời ngó mây chơi, thấy tất cả sự vật duyên hợp như huyễn hóa, cái nào cũng vậy, lúc đó tâm không điên đảo chạy bậy.

Trong hai trường hợp, dùng trí quán và chăn trâu thay đổi để công phu cởi mở nhẹ nhàng. Không chẳn trâu mà cũng không dùng trí Bát-nhã để nhìn sự vật thì các trần cảnh sẽ len vào, tâm phân biệt tốt xấu, phải quấy… tập nhiễm dần dần, tu không đắc lực. Ngài Duy Tín nói, trước khi gặp thiện tri thức thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy thấy núi sông không phải là núi sông, đó là giai đoạn dùng trí Bát-nhã quán chiếu. Đến giai đoạn thấy núi sông là núi sông. Từ quán chiếu Bát-nhã, thấy núi sông không phải là núi sông đi đến thật tướng Bát-nhã thấy núi sông là núi sông, trải qua thời gian ba mươi năm đều đều như vậy.

Chúng ta tu không thấy tiến bộ vì tỉnh ít mà mê nhiều. Như ngài Triệu Châu lanh lợi như vậy, mà cũng ba mươi năm mới nhồi thành một khối. Dụng công tu phải bền bỉ thường xuyên mới đạt kết quả.

Thế Tôn khen Thiện Hiện:

– Lành thay! Lành thay! Ông khéo vì chư Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, đây là do sức oai thần của Như Lai. Nếu có người muốn vì chư Bồ-tát ma-ha-tát tuyên thuyết chỉ bày Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm, đều nên như ông tuyên thuyết chỉ bày. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa đều nên theo chỗ ông nói mà học Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bồ-tát ma-ha-tát ấy chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hay tột thời vị lai làm lợi ích tất cả. Thế nên, chúng Bồ-tát ma-ha-tát muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên chuyên cần tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu thẳm. 

Tên của phẩm này là Diệu Hạnh. Diệu hạnh ở chỗ nào? Phật dạy Thiện Hiện giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa để chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Ngài Thiện ba-la-mật-đa, như vậy lấy pháp gì, dạy chúng Bồ-tát nào? Đối với ba điểm, pháp, người và quả vị chứng đắc đều không thấy có. Nghe nói như vậy mà không kinh sợ không thối lui, đó là học Bát-nhã. Diệu hạnh chính là chỗ này. Học Bát-nhã là học tâm không chấp trước, ngay cả tâm đại Bồ-đề.

Bồ-tát luôn làm lợi ích chúng sanh, trong khi làm hạnh Bồ-tát thấy mình không thật, hữu tình không thật mà hay mặc giáp công đức. Giáp công đức cũng không thật mà hay độ chúng hữu tình. Đó là hạnh rất vi diệu. Phật không thật, Nhất thiết trí trí không thật mà Bồ-tát luôn phát tâm giáo hóa chúng hữu tình, đó là diệu hạnh. Trí Bát-nhã giúp chúng ta có hành động mà người thường không thể biết được. Người thường khi làm một hạnh nào phải có hai yếu tố: Một, đối tượng được giúp đỡ có thật. Hai, việc làm có lợi ích thiết thực. Thấy có người khổ thật và có lợi ích thật, mới phát tâm. Bồ-tát thấy cái nào cũng không thật có mà vẫn làm, không phải diệu hạnh là gì? Tinh thần Bát-nhã là tinh thần thấy tất cả pháp không thật. Từ người, mình, Bồ-tát, Phật, tất cả pháp đều không thật, khổ vui cũng không thật. Khổ vui đã không thật thì cứu khổ làm gì? Vậy mà Bồ-tát vẫn làm. Không thấm nhuần tinh thần Bát-nhã không hiểu nổi chỗ này.

Bồ-tát thấy cuộc đời giả dối, chúng sanh vì mê nên lăn lộn khổ vui trong đó, các ngài luôn hy sinh thân mình đánh thức chúng sanh cho hết khổ. Đây là tấm gương để chúng ta noi theo. Nếu không làm lợi ích cho ai, là sống một đời trôi suông vô vị, Người hiểu đạo tùy cuộc sống ngắn dài cũng được, sống ngày nào xứng đáng ngày đó, sao cho lợi ích mọi người. Nếu thấy không cần thì vắng mặt cũng tốt, nếu vắng mặt mà người ta tưởng nhớ người ta tu được thì cũng nên vắng mặt, không có gì để tiếc.

Người biết tu chưa phá được nghiệp cũ, khi chưa mãn cũng cam chịu trả nghiệp. Ngày nào có mặt trên trần gian này, chịu một cái gì dường như thiệt thòi cho mình thì cũng tốt. Thí dụ đau nằm một chỗ thì phải ráng tu trong cái đau, không nên thả trôi. Đau thì tu theo đau, mạnh thì tu theo mạnh, tức là tu cho mình cho người. Giá trị của chúng ta là sống hữu ích, phải bỏ hết những thời giờ sống vô nghĩa.

Từ phẩm Diệu Hạnh, chúng ta học được trí tuệ Bát-nhã, thấu rõ các pháp hư giả không thật nhưng cũng mặc giáp công đức làm lợi ích chúng sanh. Đó là học hiểu chân thật.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.