Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giảng giải Kinh số 3, Phẩm Thất Nhật (Hán tạng)



Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ nói về bảy sử. Các thầy hãy khéo nghĩ nhớ. 

Các Tỳ-kheo đáp: 

– Xin vâng, bạch Thế Tôn, 

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo: 

– Thế nào là bảy? 

1. Tham dục sử 

2. Sân nhuế sử 

3. Kiêu mạn sử 

4. Si sử 

5. Nghi sử 

6. Kiến sử 

7. Dục thế gian sử. 

Này Tỳ-kheo, đó là bảy sử khiến cho chúng sanh thường ở trong u tối, bị trói buộc thân mình, lưu chuyển trong thế gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết cội rễ sanh tử. Ví như hai con trâu một đen một trắng, mang chung một ách cùng kéo dẫn nhau, không cách xa được. Chúng sanh cũng như thế, bị tham dục sử, vô minh sử, trói buộc không lìa nhau được. Năm sử kia cũng lại đuổi theo; năm sử vừa theo, bảy sử cũng thế. Người phàm phu bị bảy sử này trói buộc, lưu chuyển trong sanh tử không giải thoát được, không thể biết nguồn gốc của khổ. 

Tỳ-kheo nên biết, do bảy sử này bèn có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này không thể qua khỏi cảnh giới tệ ma. Nhưng bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Thế nào là bảy? 

1. Tham dục sử thì có niệm giác ý trị.

2. Sân nhuế sử có trạch pháp giác ý trị.

3. Tà kiến sử có tinh tấn giác ý trị. 

4. Dục thế gian sử có hỷ giác ý trị. 

5. Kiêu mạn sử có ỷ giác ý trị. 

6. Nghi sử có định giác ý trị. 

7. Vô minh sử có hộ giác ý trị. 

Này Tỳ-kheo! Đó là bảy sử dùng bảy giác ý trị. 

Tỳ-kheo nên biết! Lúc ta chưa thành Phật, đang hành hạnh Bồ-tát, ngồi dưới cây Bồ-đề, khởi niệm này: “Chúng sanh cõi Dục bị những gì trói buộc?” Rồi lại nghĩ: “Chúng sanh bị bảy sử trói buộc lưu chuyển trong sanh tử, mãi mãi không giải thoát được. Nay ta cũng bị bảy sử này trói buộc không được giải thoát.” Lúc ấy ta lại nghĩ: “Bảy sử này dùng gì để trị?” Ta lại suy nghĩ nữa: “Bảy sử này sẽ dùng bảy giác ý trị. Ta nên tư duy bảy giác ý. Lúc ta tư duy bảy giác ý, tâm hữu lậu được dứt, liền được giải thoát. Sau thành đạo Vô thượng chánh chân. 

Trong bảy ngày ngồi kiết-già, tư duy về bảy giác ý này một lần nữa. Thế nên, các Tỳ-kheo nếu muốn bỏ bảy sử nên nhớ tu hành pháp bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này. 

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

Giảng: 

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Nay ta sẽ nói về bảy sử. Các thầy hãy khéo nghĩ nhớ. 

Các Tỳ-kheo đáp: 

– Xin vâng, bạch Thế Tôn. 

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo: 

– Thế nào là bảy ? 

1. Tham dục sử 

2. Sân nhuế sử 

3. Kiêu mạn sử 

4. Si sử 

5. Nghi sử 

6. Kiến sử 

7. Dục thế gian sử 

Này Tỳ-kheo, đó là bảy sử khiến cho chúng sanh thường ở trong u tối, bị trói buộc thân mình, lưu chuyển trong thế gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết cội rễ sanh tử. 

Tôi sẽ nói thất sử.

Trong đây sử thứ nhất và thứ bảy có khác nhau không?

– Tham dục sử (ham muốn): tham ngũ dục.

– Dục thế gian (tham thế gian); tham Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Bởi tham ba cõi nên đi trong tam giới.

Thất sử này lôi kéo trói buộc khiến chúng sanh bị luân hồi không biết tới bao giờ thôi dứt, cũng không biết nguồn gốc sanh tử từ đâu ra?

Phật thí dụ như hai con trâu, một đen một trắng mang chung một ách cùng kéo dẫn nhau, không cách xa được. Chúng sanh cũng thế, bị tham dục sử, vô minh sử trói buộc không lìa nhau được. 

Ách là dụ cho sử, hai con trâu là dụ cho ham muốn và si mê. Tại sao bảy sử mà ở đây Phật nói có hai? Tuy nói bảy sử nhưng hai sử này là gốc, tham không được thì sanh giận tức, tham được thì sanh kiêu mạn. Bởi si mê nên mới nghi ngờ, hiểu không đúng, tà kiến, tham đắm trong tam giới. Bốn sử sau thuộc về si. Nói hai sử si và tham giống như hai con trâu đen và trắng, cứ bị ách con này lôi qua, con kia kéo lại, không thoát ra được. Chúng sanh cũng thế, bị tham dục sử, vô minh sử, trói buộc không lìa nhau.

Năm sử kia cũng lại đuổi theo. Phàm phu bị bảy sử này trói buộc, lưu chuyển trong sanh tử không thể giải thoát, không thể biết được nguồn gốc của khổ.

Tỳ-kheo nên biết, do bảy sử này bèn có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này không thể qua khỏi cảnh giới tệ ma. 

Phật chỉ rõ tai họa của bảy sử, nó dẫn chúng ta đi trong luân hồi, trong ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không có ngày ra. Do bảy sử này mà chúng ta rơi vào cảnh giới tệ ma. Rơi trong cảnh giới tệ ma là sao? Thí dụ tham ăn món ngon là việc nhỏ xíu, nhưng khi tham rồi sẽ rơi vào cảnh giới tệ ma. Vì thích ăn ngon, đến đâu được đãi món mình thích, ta sẽ thường đến chỗ đó, không còn vui vẻ sống trong đạo một cách đạm bạc nữa, nên nói rơi vào cõi tệ ma. Đó là chỉ nói tham ăn thôi, còn tham sắc, tham danh… đủ thứ. Những thứ đó dẫn mình đi vào cảnh giới tệ ma. Ma ở đây không có nghĩa là hiện ra thân thể xấu xí dễ sợ, mà là cạm bẫy làm chướng đạo, chúng ta tu không được, không thể giải thoát.

Bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Thế nào là bảy?

1. Tham dục sử thì có niệm giác ý trị.

2. Sân nhuế sử có trạch pháp giác ý trị.

3. Tà kiến sử có tinh tấn giác ý trị.

4. Dục thế gian sử có hỷ giác ý trị. 

5. Kiêu mạn sử có ý giác ý trị. 

6. Nghi sử có định giác ý trị. 

7. Vô minh sử có hộ giác ý trị. 

Này Tỳ-kheo! Đó là bảy sử dùng bảy giác ý trị. 

Nếu có sử ham muốn thì dùng niệm giác ý trị. Tại sao ham muốn dùng niệm giác ý trị? Ham muốn là mong được cái này, được cái kia, tức tham ngũ dục. Nếu chúng ta tập trung tâm niệm chuyên nhất về một thứ thì ham muốn có bớt không? Bớt.

Sử giận tức thì dùng trạch pháp giác ý trị. Tại sao giận tức dùng trạch pháp giác ý trị? Khi khởi giận tức phải xét lại trong tâm mình tốt hay xấu. Trạch pháp là lựa chọn, xấu loại ra tốt giữ lại. Vì vậy nên dùng trạch pháp giác ý trị.

Sử tà kiến thì dùng tinh tấn giác ý trị. Tà kiến là nhìn sai thấy lệch. Siêng năng xem xét nội tâm, những gì xấu loại ra, tốt giữ lại. Luôn cố gắng như thế thì không rơi vào tà kiến.

Sử tham thế gian thì dùng hỷ giác ý trị. Hỷ là vui. Khi có niềm vui trong nội tâm thì tham tam giới không còn nữa.

Sử kiêu mạn dùng ỷ (khinh an) giác ý trị. Kiêu mạn là khinh người. Chúng ta tu hành được an lạc nhẹ nhàng, thanh thoát, đó là không còn tâm kiêu mạn.

Sử nghi ngờ thì dùng định giác ý trị. Nghi ngờ là nghĩ tưởng, nghi cái này nghi cái nọ, khi định thì mọi thứ nghi đều hết.

Sử si mê thì dùng hộ (xả) giác ý trị. Bởi si mê nên mới đắm nhiễm cái này, cái kia. Xả hết tức nhiên hết si mê. Trong mười điều tâm niệm có điều, được lợi thì tâm si dễ động. Bởi vì được lợi tức nhiên tâm mê dễ dấy lên. Được lợi thì mừng, bởi mừng mới tham. Nếu xả hết thì si hết.

Đó là Phật chỉ thuốc để trị bảy bệnh sử. Phật dẫn chứng:

Tỳ-kheo nên biết! Lúc ta chưa thành Phật, đang hành hạnh Bồ-tát, ngồi dưới cây Bồ-đề, khởi niệm này: “Chúng sanh cõi Dục bị những gì trói buộc?” Rồi lại nghĩ: “Chúng sanh bị bảy sử trói buộc lưu chuyển trong sanh tử, mãi mãi không giải thoát được. Nay ta cũng bị bảy sử này trói buộc không được giải thoát”.

Đó là ngài tìm nguyên nhân tại sao chúng sanh bị trói buộc trong vòng sanh tử luân hồi không được giải thoát. Suy tìm thấu đáo, ngài biết gốc của luân hồi là bảy sử.

Lúc ấy ta lại nghĩ: “Bảy sử này dùng gì để trị?” Ta lại suy nghĩ nữa: “Bảy sử này sẽ dùng bảy giác ý trị. Ta nên tư duy bảy giác ý.” Lúc ta tư duy bảy giác ý, tâm hữu lậu được dứt, liền được giải thoát. Sau thành đạo Vô thượng chảnh chân. 

Đối với thất giác ý, đức Phật niệm chánh chân về nó nên ngài được giải thoát thành Phật.

Trong bảy ngày ngồi kiết-già, tư duy về bảy giác ý này một lần nữa. Thế nên, các Tỳ-kheo nếu muốn bỏ bảy sử nên nhớ tu hành pháp bảy giác ý. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này. 

Phật dẫn bảy sử là bệnh đưa đến trầm luân, sau đó chỉ bảy giác ý là thuốc và xác chứng ngài do tu những pháp ấy mà chứng ngộ thành Phật đạo. Nên biết thất giác ý là gốc để đưa đến giác ngộ. Vì vậy thất giác ý còn gọi là thất bồ-đề phần. Bồ-đề là giác, phần là từng phần. Bảy thứ này từ nơi ý mà ra nên gọi là thất giác ý. Phật dạy tu là những pháp ngài đã tu rồi, có pháp nào Phật dạy mình tu mà ngài chưa tu đâu. Chúng ta bây giờ dạy người ta tu mà mình chưa tu, bởi vậy dạy không hiệu nghiệm. Lỗi ở chỗ đó.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.