Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh số 6, Phẩm Đẳng Kiến (Hán tạng) với Kinh Sự Kiện Không Thể Có Được (Pali Tạng)



MỞ ĐẦU

Chúng ta học Tăng Nhất A-hàm đối chiếu với Tăng Chi Bộ kinh. Tăng Nhất A-hàm có 51 quyển, tôi chỉ trích dịch một số để dạy chư tăng, nếu đối chiếu với Tăng Chi Bộ thì không trùng hợp hết. Vì phần dịch Tăng Nhất A-hàm rất ít, hơn nữa một số bài có trong Tăng Nhất A-hàm nhưng không có trong Tăng Chi Bộ kinh, mà nằm ở Trung Bộ kinh hoặc Tương Ưng Bộ kinh. Vì vậy phần này đối chiếu không được đầy đủ.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Thế gian có năm việc tuyệt chẳng thể được. Thế nào là năm? 

1. Vật đáng mất muốn cho không mất, điều này chẳng thể được. 

2. Pháp diệt tận muốn cho không tận, điều này chẳng thể được. 

3. Phàm pháp già muốn cho không già, điều này chẳng thể được. 

4. Phàm pháp bệnh muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được. 

5. Phàm pháp tử muốn cho không tử, điều này chẳng thể được. 

Đó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc này tuyệt chẳng thể được. Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời, thế giới này hằng trụ như cũ, mà không hư bại có tiếng mất diệt, sanh, lão, bệnh tử; hoặc sanh, hoặc chết đều trở về gốc. Đó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc khó được này. Hãy cầu phương tiện tu hành năm căn. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Đó là Tỳ-kheo hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, chuyển tiến thành Tư-đà-hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A-na-hàm, ở đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa, chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng được và tự du hóa, không còn thọ thai nữa, như thật mà biết. Nên tìm phương tiện trừ năm việc trước, tu hành năm căn. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này. 

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm. 

Giảng: 

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Thế gian có năm việc tuyệt chẳng thể được. Thế nào là năm? 

1. Vật đáng mất muốn cho không mất, điều này chẳng thể được.

2. Pháp diệt tận muốn cho không tận, điều này chẳng thể được.

Thí dụ như cái nhà hoặc chiếc xe dùng lâu ngày sẽ hư, đó là vật đáng tan hoại. Chúng ta muốn cái nhà, chiếc xe đừng hư được không? Không. Vật có hình tướng thì phải hư hoại. Con người vì lòng tham muốn những gì mình ưa thích còn hoài, nên khi nó hư hoại liền khổ. Đó là cố muốn ngược lại với quy luật duyên sanh của các pháp nên tự chuốc quả khổ.

Thứ hai là pháp đáng diệt tận mà muốn không diệt tận không thể được. Thí dụ đầu mùa khô chúng ta thu hoạch vài trăm giạ lúa chứa vào bồ, để dành ăn lần lần tới hết. Bây giờ muốn ăn mà đừng hết, được không? Không thể được. Người nào muốn ngược như vậy là chuốc đau khổ.

3. Phàm pháp già muốn cho không già, điều này chẳng thể được.

4. Phàm pháp bệnh muốn cho không bệnh, điều này chẳng thể được.

Con người tới năm mươi tuổi phải già. Tới tuổi đó muốn không già, không thể được. Tất cả xe cộ có chạy thì phải hư, có máy nào chạy hoài mà không hư đâu. Cơ thể là máy thân chạy lâu cũng bị hư, biểu hiện qua bệnh tật. Máy ngoài khi hư phải sửa, thay đổi các bộ phận xấu lại cho tốt thì máy tiếp tục chạy. Cơ thể chúng ta cũng vậy, bộ phận nào yếu dùng thuốc bồi bổ cho nó mạnh lên. Bệnh là chuyện đương nhiên phải đến, hoặc ít nhiều hoặc nặng nhẹ, không ai hoàn toàn không bệnh cả.

5. Phàm pháp tử muốn cho không tử, điều này chẳng thể được.

Có người nào muốn đừng chết được không? Không. Việc không muốn già đôi khi còn có thể được, trường hợp chết bốn mươi tuổi đâu có già, chứ không muốn chết tuyệt đối không thể được. Đó là những điều đức Phật nêu lên con người không thể muốn mà được. Những điều ấy nói theo ngôn ngữ bây giờ là quy luật, không thể chối cãi được. Nếu chúng ta sống đúng nguyên tắc đó thì không khổ, sống ngược lại là khổ. Càng chống càng khổ.

Ai cũng hiểu lý vô thường nhưng khi nó đến thì không bằng lòng. Chuyện nhỏ như già thì răng phải rụng, thế nhưng lúc nó lung lay lại buồn. Già mắt hơi mờ, sửa soạn mang kiếng cũng buồn. Chỗ mình thích, không ở được cũng buồn, như dời Chân Không quý vị có buồn không? Có. Chuyện phải đến, mình lại không bằng lòng nên đau khổ. Ai cũng biết rằng cha mẹ già phải chết, nhưng khi cha mẹ chết vẫn khóc như thường. Tuy hiểu lý vô thường mà nước mắt vẫn cứ rơi. Trên lý thuyết thì chấp nhận, mà thực tế không bằng lòng, nên mới phản ứng khổ đau hoặc than khóc.

Người xưa bảo: Ngôn hạnh tương ưng danh vi viết tổ, nghĩa là nói được làm được phù hợp nhau gọi là tổ. Chúng ta nói được mà làm không được. Phật tổ nói nghe hiểu hết, còn có thể giảng rất hay nữa, nhưng chạm thực tế chưa ứng dụng được. Nếu ứng dụng được lý vô thường sẽ bớt khổ rất nhiều. Ái biệt ly là vô thường; sanh, già, bệnh, chết cũng là vô thường, nhưng những thứ đó vẫn là nỗi khổ đau lớn của chúng sanh.

Năm điều Phật nói ở đây là một quy luật không thể chối cãi, nó đến thì phải đến. Thế mà chúng ta vẫn ôm lòng ngầm chống lại, nghe nói già buồn, vẫn tránh né vì sợ. Như người bị bệnh ngặt sắp chết, bác sĩ không dám cho đương sự biết, chỉ nói với người thân biết, vì nói bệnh nhân sợ. Con người không đủ gan dạ nhìn thẳng cái chết, nghe nói tới nó là hoảng kinh lên, cho thấy ai cũng biết có thân là có sanh, già, bệnh, chết, nhưng chết đến là sợ. Người tu đạt được lý vô thường thì vô thường đến vẫn tươi cười vui vẻ. Chỉ cần ứng dụng đúng lý vô thường đã là thánh rồi, nói chi những lý khác.

Nhiều vị tăng ni học đạo, giảng đạo hay, nói thao thao bất tuyệt nhưng dụng việc giống hệt phàm phu, không khác chút nào. Như tiễn người thân ra sân bay, thiên hạ khóc mình cũng rưng rưng nước mắt. Vậy là không hơn người đời bao nhiêu. Hoặc khổ đau đến chúng ta cũng chưa gan dạ an ổn tươi tỉnh trước nghịch cảnh. Phải nhớ tu là thực hành là sống, chứ không phải tu là nói. Sống đúng quy luật vô thường, không tránh né, vui vẻ chấp nhận. Như nói lát nữa chết liền tự vui: “À, tốt quá! Mình có dịp khám phá coi cái chết ra sao, hoặc sửa soạn qua một thế giới mới đây”. Vậy là cười chơi, có gì đâu mà sợ.

Huynh đệ có mâu thuẫn thế này, ở lâu một chỗ thì buồn, muốn đi chơi chỗ nào mới lạ. Đi cực lắm mà vẫn thích vì muốn biết cái mới. Cũng vậy, sống ở thế gian này mấy chục năm rồi, bây giờ được qua thế giới mới phải vui vẻ, tại sao lại sợ? Có người nói chết không sợ mà sợ bệnh, đó là lối nói tránh. Quả không sợ mà sợ nhân, nhân không có làm sao ra quả?

Hiểu như vậy rồi chúng ta phải tập sống với những gì Phật dạy. Sống được mới có giá trị tu, chỉ nói thôi chưa phải là tu. Biết rằng mình nói để mọi người hiểu là tốt, nhưng bản thân không làm được mà bảo người ta làm, không thấy xấu hổ sao? Như tôi bảo mấy chú ráng ngồi thiền hai giờ, mà tôi ngồi mười lăm phút thôi, mấy chú chịu không? Bảo mấy chú ngồi hai tiếng, tôi cũng phải ngồi hai tiếng hoặc hơn, như vậy mới được. Trong đạo tôn xưng Phật là đấng Đạo sư. Đạo là đường, Sư là thầy; Đạo sư là thầy dẫn đường. Phật là bậc thầy dẫn đường. Phật đi trước mình theo sau, gọi là tu theo Phật. Chư tăng cũng vậy, là Đạo sư nhỏ, mới tập sự. Do đó phải biết những gì mình dạy được thì làm được, chứ đừng nói một đàng làm một ngả thì không hay. Người nói hay mấy mà không sống được thì cũng không hết đau khổ. Đó là chỗ thiết yếu trong sự tu hành.

Người già đến thì sợ, bệnh thì rên rỉ, chết thì hoảng hốt, là chưa biết tu. Tập làm sao trên bảy mươi tuổi, chuẩn bị ngày gần ra đi tươi cười, không ngồi cũng được, như vậy mới có đạo lý. Không nên nắm tay con cháu khóc lóc, yếu đuối lắm! Đó là năm điều chúng ta cần phải học và sống cho được.

Nếu Như Lai ra đời hay không ra đời, thế giới này hằng trụ như cũ, mà không hư bại có tiếng mất diệt, sanh, lão, bệnh tử; hoặc sanh, hoặc chết đều trở về gốc. Đó là, này Tỳ-kheo! Có năm việc khó được này. Hãy cầu phương tiện tu hành năm căn. Thế nào là năm? Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Đó là Tỳ-kheo hành năm căn này rồi liền thành Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, chuyển tiến thành Tư-đà-hàm, chuyển tiến diệt năm kiết sử thành A-na-hàm, ở đó nhập Niết-bàn, không trở lại đời này nữa, chuyển tiến hữu lậu tận thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng được và tự du hóa, không còn thọ thai nữa, như thật mà biết. Nên tìm phương tiện trừ năm việc trước, tu hành năm căn. Như thế, Tỳ-kheo, nên học điều này. 

Người nào muốn thoát năm điều này phải dùng phương tiện tu năm căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tín là lòng tin. Tin nhân quả, tin Tam bảo. Không phải tin là trông cậy Phật cứu cho khỏi chết. Bởi vì nếu gieo nhân xấu không bao giờ có quả tốt, gieo nhân tốt không bao giờ có quả xấu. Chúng ta tin nhân quả để tạo nhân lành sẽ có quả lành. Khi đã tin như vậy rồi cố gắng thực hành là tinh tấn. Khi cố gắng thực hành, phải chuyên nhớ một pháp, tâm được an định. Tâm an định rồi thì trí tuệ phát sanh. Đó là đi tới giải thoát năm việc trên.

Khi trí tuệ phát sanh chứng Tu-đà-hoàn, chỉ sanh lại cõi này bảy lần. Tu tập tiếp chứng Tư-đà-hàm, chỉ còn một phen sanh trở lại. Từ Tư-đà-hàm chuyển tiến sạch các kiết sử sẽ chứng A-na-hàm, không còn sanh lại cõi này nữa. Ở cõi trời A-na-hàm chuyển tiến dứt hữu lậu được vô lậu, tâm giải thoát, chứng quả A-la-hán, nhập Niết-bàn. Vậy do tu năm căn này chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, hết thọ thân, hết bị sanh, già, bệnh, chết làm khổ nữa.

PALI TẠNG

Chánh văn:

Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được, bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm? 

1. “Phải bị già muốn khỏi già”, là một sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. “Phải bệnh muốn không bệnh”, là một sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. “Phải chết muốn không chết”, là một sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên hay bởi một ai ở đời. “Phải hoại diệt muốn không hoại diệt”, là một sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. “Phải bị tiêu diệt muốn không tiêu diệt” là một sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. 

2. Với kẻ phàm phu không học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến, và khi già đến kẻ ấy không suy tư: “Không phải chỉ một mình ta, phải bị già và già đến. Nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh; thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí, các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn”. Kẻ ấy phải bị già khi già đến, sầu bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. 

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não. 

3. Lại nữa này các Tỷ-kheo, với kẻ phàm phu không học phải bị bệnh và bệnh đến, với kẻ phàm phu không học phải bị chết và chết đến, với kẻ phàm phu không học phải bị hoại diệt và hoại diệt đến, với kẻ phàm phu không học phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, và khi tiêu diệt đến nó không suy tư: “Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí, các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn.” Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. 

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não. 

4. Với vị Thánh đệ tử có học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến, và khi già đến vị ấy suy tư như sau: “Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Ta lại sầu bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí, các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn”. Vị ấy phải bị già, khi già đến không sầu, không bị, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. 

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học. Được nhổ lên là mũi tên sầu muộn, có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho mình được hoàn toàn tịch tịnh. 

5. Lại nữa này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử có học phải bị bệnh và bệnh đến, với vị Thánh đệ tử có học phải bị chết và chết đến, với vị Thánh đệ tử có học phải bị hoại diệt và hoại diệt đến, với vị Thánh đệ tử có học phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, và khi tiêu diệt đến, vị ấy suy tư như sau: “Không phải chỉ một mình ta bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí, các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn.” Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, không sầu, không bị, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. 

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học. Được nhổ lên là mũi tên sầu muộn, có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh. 

Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sự kiện không thể có được, bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. 

Chớ sầu chớ than khóc, 

Lợi ích được thật ít, 

Biết nó sầu nó khổ, 

Kẻ địch tự vui sướng. 

Do vậy bậc hiền trí, 

Giữa các sự bất hạnh,

Không hoảng hốt run sợ, 

Biết phân tích lợi ích.

Kẻ địch bị khổ não,

Thấy sắc diện không đổi, 

Với tụng niệm văn chú,

Với lời thật khéo nói, 

Với bố thí chân chánh, 

Với truyền thống khéo giữ. 

Chỗ nào được lợi ích, 

Chỗ ấy gắng tinh cần. 

Nếu biết lợi không được, 

Cả ta và người khác, 

Không sầu biết chịu đựng, 

Mong vị ấy nghĩ rằng: 

Nay ta phải làm gì? 

Phải kiên trì thế nào? 

Giảng: 

Pāli tạng đối chiếu với Hán tạng sai khác rất nhiều. Hán tạng chỉ kể năm điều. Năm điều đó không ai chối cãi được, dù Phật ra đời hay không ra đời, năm điều đó cũng vậy. Muốn trừ năm điều ấy Phật dạy tu năm căn, nhưng tạng Pāli Phật dạy tu ngay năm điều đó.

Đầu tiên nói con người phải già, muốn khỏi già là một sự kiện không thể được. Người phàm phu khi già đến khóc than, khổ não, không biết già chẳng dành riêng cho ta, mà tất cả mọi người đều như thế. Nếu ai cũng chịu chung như mình thì có nên than không? Không. Người ta già mình cũng già, than chi. Than thở có thêm lợi gì đâu. Tâm sầu khổ càng ăn không ngon, ngủ không yên, thân gầy yếu, già lại càng già. Nên nhớ già là hiện tượng chung, ai tới tuổi đó cũng phải già. Nếu buồn than chỉ tăng thêm khổ, làm phiền mọi người chung quanh. Phật bảo như thế giống như người bị trúng tên độc.

Ngược lại đệ tử Phật học rộng, biết nhiều, già không phải riêng cho ta, mà tất cả mọi người đều như thế. Do vậy già đến vui vẻ, bình thản, không khổ não. Do không khổ não nên ăn ngon, ngủ ngon. Bạn bè thân thuộc thấy mình vui vẻ, khỏe khoắn họ mừng. Như vậy tự mình đã có lợi và lợi cho cả những người thân. Rõ ràng nếu chúng ta tu đúng, tự làm cho mình bớt khổ, còn làm cho người thân được vui. Phật nói kẻ già đến mà vẫn an nhiên tự tại, đó là người tránh khỏi mũi tên độc.

Ai cũng tới ngày già, nhưng có người già thảm não như trúng mũi tên độc, có người già vẫn vui tươi, vì thoát mũi tên độc. Nếu biết rõ, nó đến an vui, bình tĩnh là không trúng tên độc. Như khi sắp chết mình giãy giụa, rên rỉ, người ghét tới thấy vậy họ cười: Hồi mạnh sống nói này nói nọ, giờ chết rên rỉ! Nếu lúc đó vẫn an nhiên, họ muốn chê cười cũng không được. Như vậy là mình đã thắng rồi. Bạn bè tới sẽ vui vì biết mình chết không rơi vào đường khổ. Nếu lăn lộn rên rỉ họ sẽ lo, thấy chưa có đạo lực chắc phải đi đường khổ. Những gì phải tới, mình đừng vì nó mà sanh thêm phiền não. Nếu phiền não là trúng tên độc, nếu an nhiên là tránh tên độc. Như vậy cũng năm việc, kẻ phàm phu gặp như trúng tên độc, người tu hành đàng hoàng như tránh được tên độc.

Trong kệ:

Chớ sầu chớ than khóc, 

Lợi ích được thật ít,

Biết nó sầu nó khổ,

Kẻ địch tự vui sướng.

Do vậy bậc hiền trí,

Giữa các sự bất hạnh,

Không hoảng hốt run sợ,

Biết phân tích lợi ích.

Kẻ địch bị khổ não,

Thấy sắc diện không đổi,

Với tụng niệm văn chú, 

Với lời thật khéo nói, 

Với bố thí chân chánh,

Với truyền thống khéo giữ, 

Chỗ nào được lợi ích, 

Chỗ ấy gắng tinh cần 

Nếu biết lợi không được, 

Cả ta và người khác, 

Không sầu biết chịu đựng, 

Mong vị ấy nghĩ rằng: 

Nay ta phải làm gì? 

Phải kiên trì thế nào? 

Phần kệ giải thích tương tự bên Hán tạng. Hai bài kinh đồng nói một sự việc nhưng dạy tu khác nhau.

Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.