Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Thiền Và Thắng Trí (Hán tạng, kinh số 1142) với Kinh Thiền Và Thắng Trí (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Bài kinh này tôi lấy tên Pāli đặt cho Hán tạng. Kinh này có gì quan trọng? Từ lâu chúng ta nghi ngại không biết tại sao Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca-diếp, các kinh điển không thấy nói việc này, chỉ có nhà thiền đề cập. Bài kinh này có những điểm gợi ý chứng tỏ ngài Ca-diếp xứng đáng được Phật truyền riêng.

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, vườn ông Cấp Cô Độc. 

Lúc đó tôn giả Ma-ha Ca-diếp đã lâu tại nước Xá-vệ chỗ sàng tòa vắng vẻ, râu tóc dài thượt, mặc chiếc y kép bằng vải rách đi đến chỗ Phật. 

Lúc đó vây quanh Thế Tôn đại chúng đông vô số, Phật đang nói pháp. Chư Tỳ-kheo thấy Ma-ha Ca-diếp từ xa đi đến liền khởi tâm khinh mạn nói: 

– Đây là Tỳ-kheo gì mà y phục xấu xa không có nghi dung, đi chậm rãi đến? 

Giảng:

Ngài Ca-diếp tu hạnh đầu-đà nên nghi dung khắc khổ, y phục chắp vá. Khi ngài đến chỗ đức Phật liền bị các Tỳ-kheo khởi tâm khinh mạn chê bai.

Chánh văn:

Thế Tôn biết tâm niệm các Tỳ-kheo liền gọi Ma-ha Ca-diếp: 

– Ca-diếp đến đây. Đây còn nửa tòa nhường ông. Ta đã biết ai xuất gia trước. Ông chăng? Ta chăng? 

Giảng:

Đức Phật nhường Ca-diếp nửa tòa, như biểu hiện ngài và Ca-diếp tương đương. Chúng ta đọc tất cả các bài kinh nói về Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, có vị nào được Phật mời ngồi nửa tòa không? Chỉ riêng có ngài Ca-diếp! Điều này chứng minh rằng Phật thấy Ca-diếp xứng đáng kế thừa cho ngài; hay nói cách khác là chia tòa thuyết pháp,

Chánh văn:

Các Tỳ-kheo kia tâm sanh kinh hãi, lông dựng ngược, cùng nói với nhau: 

– Kỳ thay! Tôn giả. Tôn giả Ma-ha Ca-diếp kia đại đức, đại lực, Thế Tôn mời ngồi nửa tòa. 

Tôn giả Ma-ha Ca-diếp chắp tay bạch Phật: grst noo 

– Thế Tôn, Phật là thầy con, con là đệ tử. 

Phật bảo Ca-diếp: 

– Như thế, như thế, ta là thầy, ông là đệ tử, ông hãy tùy chỗ ngồi. 

Giảng: 

Phật đối với Ca-diếp như thế là để điều phục các Tỳ-kheo kiêu mạn. Tôn giả Ca-diếp biết thế nên khẳng định Phật là thầy, mình là đệ tử, không dám nhận nửa tòa.

Chánh văn:

Tôn giả Ma-ha Ca-diếp cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy Thế Tôn muốn tỉnh ngộ các Tỳ-kheo, lại do tôn giả Ma-ha Ca-diếp đồng được công đức thù thắng quảng đại với mình, vì chúng hiện tại nên bảo các Tỳ-kheo: 

– Ta lìa dục pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có trụ Sơ thiền cụ túc hoặc ngày hoặc đêm hoặc trọn ngày đêm. Ma-ha Ca-diếp cũng như ta, lìa dục pháp ác bất thiện, cho đến trụ Sơ thiền cụ túc hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm. Ta muốn trụ đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền cụ túc hoặc ngày hoặc đêm hoặc trọn ngày đêm. Ma-ha Ca-diếp cũng lại như thế. 

Giảng:

Phật nhân đây muốn dạy các Tỳ-kheo hãy tu tập như Ca-diếp, ý muốn các Tỳ-kheo đạt được công đức thù thắng. Ngài khen ngợi Ca-diếp trụ trong bốn tầng thiền, tùy muốn liền trụ, y như Phật không khác.

Chánh văn: 

Ta tùy muốn trụ Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, cảnh giới thần thông thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí cụ túc hoặc ngày hoặc đêm hoặc trọn ngày đêm. Ma-ha Ca-diếp cũng lại như thế. 

Khi ấy Thế Tôn ở trong đại chúng số đông vô lượng khen ngợi Ma-ha Ca-diếp công đức thắng diệu quảng đại đồng với mình rồi, chư Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Từ Tứ thiền đến Tứ không, được lục thông và đầy đủ các trí, Phật được đến đâu, tôn giả Ca-diếp cũng được đến đó. Nói như vậy là Phật công nhận tôn giả Ca-diếp có khả năng gần bằng ngài. Qua hai việc, mời ngồi nửa tòa và diễn tả cảnh giới Phật đạt được Ca-diếp cũng được, đầy đủ lý do để chúng ta tin rằng tôn giả Ca-diếp là người kế thừa Phật. Về hình thức, nhà thiền nói rằng ngài Ca-diếp được truyền tâm ấn, điều đó dù không có bài kinh nào nói chánh thức, nhưng bài kinh này là bằng chứng để chúng ta tin được.

PALI TẠNG

Chánh Văn: 

1. Trú ở Sàvatthi. 

2. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. 

3. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. 

4. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. 

5. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. 

6. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Ta nghĩ rằng “hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng… chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. 

7. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng “thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi Không vô biên xứ… chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. 

8. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng “không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi Thức vô biên xứ… chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. 

9. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng… chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

10. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và án trú Diệt thọ tưởng định. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng… chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. 

11. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Ta chứng đạt các loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên, đi ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng chứng đạt được các loại thần thông… bay đến cõi Phạm thiên. 

12. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng: chư thiên và loài người, xa và gần. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với thiên nhĩ thanh tịnh… xa và gần. 

13. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, ta có thể biết như sau: “Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham, tâm có sân biết là tâm có sân, tâm không sân biết là tâm không sân, tâm có si biết là tâm có si, tâm không si biết là tâm không si, tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú, tâm không chuyên chú biết là tâm không chuyên chú, đại hành tâm biết là đại hành tâm, không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm, tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng, tâm vô thượng biết là tâm vô thượng, tâm thiền định biết là tâm thiền định, tâm không thiền định biết là tâm không thiền định, tâm giải thoát biết là tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.” 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người; với tâm của mình, Kassapa cũng được biết như sau: “Tâm có tham biết là tâm có tham… tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.” 

14. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời; nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ no. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy, ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… và các chi tiết. 

15. Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, ta với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy các chúng sanh. Ta biết rõ ràng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. 

Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. 

Tùy theo mong muốn, này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết các chúng sanh… đều do hạnh nghiệp của họ. 

16. Và ta, này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú. 

Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú. 

Giảng: 

Đối chiếu hai bên chỉ khác nhau vài điểm. Điểm thứ nhất, bên Pāli không có đoạn kể ngài Ca-diếp mới vào trong chúng, Hán tạng thì có. Điểm thứ hai, Hán tạng về phần tu Tứ thiền, Tứ không, cuối cùng là chứng lục thông chỉ nói đơn giản không giải thích, bên Pāli giải thích kỹ từng phần.

Đoạn 16 nói: Và ta, này các Tỷ-kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát chứng đạt và an trú. Này các Tỷ-kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.

Như thế Phật thừa nhận ngài Ca-diếp không kém không thua. Đây là bài kinh để cho chúng ta có thêm chứng cứ rõ ràng lời các thiền sư nói Phật truyền tâm ấn cho tôn giả Ca-diếp. Phật tuyên bố giữa chúng những gì ngài đạt được thì Ca-diếp cũng được, đó là truyền tâm ấn cụ thể.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.