Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Thập Nhị Duyên Khởi (Hán tạng, kinh số 298) với Kinh Phân Biệt (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Mười hai nhân duyên là giáo lý căn bản của Phật giáo. Phật nói Tứ đế đầu tiên, chỗ ngài thấy rõ sự sanh khởi và chấm dứt khổ đau trong Tứ đế là mười hai nhân duyên. Đây là vấn đề cốt lõi của con người, ai có mặt trên nhân gian đều thắc mắc không biết tại sao mình có mặt ở đây, sau khi chết rồi sẽ đi đâu? Cũng chính vì thắc mắc này mà đức Phật đi tìm. Sau khi ngộ đạo, ngài thấy rõ lý nhân duyên, thấy rõ ngọn ngành kiếp người qua ba thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta có thể thuộc lòng danh từ trong mười hai nhân duyên, nhưng chưa chắc hiểu rõ ý nghĩa. Học bài kinh này để nắm thật vững chắc then chốt trọng yếu.

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm Phật ở nước Câu-lưu-sấu tụ lạc Điều Ngưu. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

Ta nay sẽ nói pháp Duyên khởi; thuyết pháp, thuyết nghĩa, phải lắng nghe suy nghĩ. Nghĩa là: Đây có nên kia có, đây khởi nên kia khởi. Do duyên vô minh có hành, cho đến thuần đại khổ tụ tập, ấy gọi là pháp duyên khởi thuyết pháp. 

Giảng: 

Thuyết pháp là nói tổng quát đại cương về pháp. Thuyết nghĩa là đi sâu giải thích từng danh từ của pháp. Ban đầu Phật thuyết pháp, ngài nói: Đây nên kia có, đây khởi nên kia khởi. Đó là nói về con người, về muôn vật ở thế gian này không phải tự có, không phải do một nhân tạo nên, không phải do ai làm ra. Tất cả pháp đều do nhiều nguyên tố, nhiều nhân duyên kết hợp đối đãi mà hiện khởi. Thân chúng ta là thân thuần đại khổ tụ, do vô minh, hành, thức, danh sắc v.v… tụ tập họp lại mà thành. Nói tổng quát như vậy, gọi là pháp duyên khởi.

Chánh văn: 

Thế nào là thuyết nghĩa? Nơi duyên vô minh có hành, thế nào là vô minh? Nếu không biết mé trước, không biết mé sau, không biết trong, không biết ngoài, không biết nghiệp, không biết báo, không biết nghiệp báo, không biết Phật, không biết pháp, không biết tăng, không biết khổ, không biết tập, không biết diệt, không biết đạo, không biết nhân, không biết pháp do nhân khởi, không biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập, không tập, hoặc liệt hoặc thắng, nhiễm ô, thanh tịnh, phân biệt duyên khởi, thảy đều không biết, đối với lục xúc nhập xứ không biết như thật, đối với tất cả những cái kia không thấy không biết, không vô gián đẳng, rất mờ mịt si ám vô minh, ấy gọi là vô minh. 

Giảng:

Giải thích ý nghĩa của mười hai duyên khởi. Ban đầu từ duyên vô minh nên các chi sau tiếp nối. Vô minh là không biết nhiều thứ. Không biết về quá khứ, vị lai, không biết trong ngoài là ngay hiện tại cũng không biết. Không biết nghiệp báo, không biết Tam bảo, không biết rõ Tứ đế đúng như thật, đối với các pháp đối đãi thảy đều không biết… đó là vô minh. Câu này khó hiểu: Đối với tất cả cái kia không thấy không biết, không vô gián đẳng. Vô gián đẳng nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô gián là không xen, đẳng là liên tục. Vô gián đẳng là giác liên tục không xen hở. Phật là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; Bồ-tát, Thanh văn là phần giác; chúng ta thuộc loại tiểu giác. Tất cả người tu Phật đều phải có giác để đối trị với vô minh. Chúng ta chưa biết pháp Tứ đế đúng như thật, nhưng ít ra cũng biết Tam bảo, cũng biết thiện ác, nghiệp báo, là đã có chút giác ngộ. Giác trọn vẹn thì gọi là hoàn toàn giác, không giác được phần nào là vô minh. Theo ý đoạn này, chúng ta cũng có chút xíu dự phần giác ngộ, không đến nỗi mờ mịt si ám.

Chánh văn:

Duyên vô minh có hành, thế nào là hành? Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành, ý hành.

Giảng:

Hành động là nghiệp, nghiệp của thân, nghiệp của miệng, nghiệp của ý.

Chánh văn: 

Duyên hành có thức, thế nào là thức? Có sáu thức thân: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

Giảng:

Chỗ này ngay đây đi sâu vô một chút thấy có điều không ổn. Mười hai nhân duyên nếu chia ra ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai thì vô minh, hành, thức thuộc quá khứ, hiện tại là danh sắc, lục nhập… vị lai là hữu… Đây giải thích thức là sáu thức: nhãn thức.. nó tựa vào sáu căn thuộc về hiện tại. Đúng ra thức của quá khứ, do hành nghiệp đưa vào bào thai. Nếu thức vào bào thai mà chỉ nói sáu thức thì không hợp. Vì thế, sau này Duy thức học phát triển thêm hai thức: mạt-na, a-lại-da. Thức a-lại-da chứa tất cả nghiệp là hành và cả sáu thức tiềm ẩn trong mạt-na, khi vào thai mẹ mới phát ra. Sáu thức này không rời thân, từ thân cũ chuyển qua thân mới, khoảng giữa không có thân, thì làm sao có sáu thức?

Phải có thức đầu tiên để làm nhân cho danh sắc. Đó là lý do sau này có các bộ luận ra đời. Hiểu như vậy mới thấy manh mối.

Chánh văn: 

Duyên thức có danh sắc, thế nào là danh? Là bốn món Vô sắc ấm: thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. 

Thế nào là sắc? Là tứ đại và tứ đại sở tạo sắc, ấy gọi là sắc. Cái sắc này cùng cái danh nói trước hợp lại là danh sắc. Duyên danh sắc có lục nhập, thế nào là lục nhập? Là lục nhập xứ: nhãn nhập, nhĩ nhập, tỹ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Duyên lục nhập có xúc, thế nào là xúc? Là lục xúc thân: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỹ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Duyên xúc có thọ, thế nào là thọ? Có ba thứ thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Duyên thọ có ái, thế nào là ái? Dục ái, Sắc ái, Vô sắc ái. 

Giảng: 

Trong bào thai thì danh và sắc hợp lại thành ra tâm thức và sắc chất. Khi có đủ thân tâm thì có sáu chỗ nhận biết gọi là lục nhập, từ đó có xúc, thọ, ái. Ái là yêu thích ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

Chánh văn: 

Duyên ái có thủ, thế nào là thủ? Có bốn thứ thủ: dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Duyên thủ có hữu, thế nào là hữu? Có ba thứ hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Duyên hữu có sanh, thế nào là sanh? Mỗi mỗi chúng sanh kia có mỗi mỗi thân, sanh mỗi chủng loại, siêu việt hòa hợp sanh ra, được ấm, được giới, được nhập xứ, được mạng căn, ấy gọi là sanh. 

Giảng:

Dục thủ là giữ chặt cái ham muốn của mình. Kiến thủ là giữ chặt cái thấy biết của mình. Giới thủ là giữ chặt giới tà. Ngã thủ là giữ chặt cái ngã của mình. Sở dĩ đời sau tiếp nối vì bốn thứ thủ này giữ chặt không rời. Ham muốn vật chất là ham muốn về Dục giới, là nguyên nhân khiến chúng ta có mặt ở đây. Ngã thủ là chấp chặt thân nên mất thân này tìm cầu thân tiếp sau. Như thế nhân thủ có hữu, sanh trong ba cõi tùy theo ba thứ hữu. Khi sanh ra có ấm, giới, xứ, mạng căn gọi là sanh.

Chánh văn:

Duyên sanh có lão tử, thế nào là lão? Tóc bạc, da mồi, trán nhăn, má hóp, đầu cúi, lưng còng, hơi ngắn, đi phải chống gậy, mờ mịt nhọc nhằn, làm việc khó khăn yếu ớt, ấy gọi là lão. Thế nào là tử? Mỗi mỗi chúng sanh kia, mỗi mỗi chủng loại kia, do sự xê dịch biến dời, thân tan, thọ dứt, hơi ấm hết, mạng diệt, thời kỳ xả ấm đã đến, ấy gọi là tử. Cái tử này và cái lão nói trước chung lại gọi là lão tử. Đó gọi là thuyết nghĩa duyên khởi. 

Phật nói kinh này rồi, chư Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng: 

Vì sao lão tử nói chung? Có sanh phải có già chết, nhưng có người sanh ra chưa già đã chết, vì thế lão tử đi chung là một.

Phật chỉ dạy chúng ta sự hiện hữu của thân này không phải bỗng dưng mà có, mà gồm cả một chuỗi nhân duyên liên hệ từ quá khứ đến vị lai. Nói đến nhân duyên là ngầm có luân hồi trong đó. Luân hồi cách nào? Hán tạng giải thích theo chiều sanh đến tử, Pāli tạng thì nói từ lão tử đến sanh, hữu, thủ đi ngược từ dưới lên đến vô minh. Giải thích như thế có thuận lợi cụ thể là già chết, hiện tại không ai chối cãi. Mọi cái chết đều từ sanh mà có, có cái gì không sanh mà tử không? Sanh từ đâu có? Từ hữu. Hữu là cõi. Tức là phải có nơi chốn trước mới có người ở, nếu không có nơi chốn thì không có chỗ để ở. Hữu có trước, Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu, có chỗ trước rồi mới có thân sau. Hữu từ đâu có? Từ thủ, tức là sự chấp giữ ràng buộc. Dục thủ là giữ chặt cái mong muốn để đến nơi nào đó. Như muốn đến Thường Chiếu nên mình có mặt ở Thường Chiếu. Ai muốn? Chấp cái muốn của mình là ngã thủ. Theo suy nghĩ mình thấy chỗ đó phù hợp với mình là kiến thủ. Thủ từ đâu có? Từ ái, là yêu thích. Cái gì không yêu thích thì không bao giờ cố giữ, thủ là cố giữ, cố giữ từ yêu thích mà ra. Ái từ đâu có? Từ cảm thọ, cảm thọ vui, cảm thọ khổ. Thọ từ đâu có? Từ xúc chạm. Sáu căn tiếp xúc được với sáu trần qua sáu chỗ, nên xúc có ra là do lục nhập. Ở đây nói lục nhập mà chỉ chú trọng sáu căn, nên nói sáu căn có ra là do danh sắc (thân tâm cộng lại). Thân tâm từ đâu có?

Thức của quá khứ bị nghiệp (hành) đẩy tới. Tại sao nghiệp đẩy tới? Vì mờ mịt không biết nên tạo nghiệp, là vô minh. Giải thích cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai liên hệ như một vòng dây xích có từng mắt từng mắt. Nếu không cắt đứt vô minh thì cứ luân hồi quanh quẩn.

Thấu suốt lý mười hai nhân duyên là thấu suốt được sanh tử ba đời, thấu suốt nghiệp duyên trong ba đời, không phải thường. Chúng ta sanh trong hoàn cảnh nào, theo chiều hướng nào, biết là do hành (nghiệp) quá khứ mang lại. Hiện tại yêu thích cái gì, chấp thủ cái gì mai kia nó sẽ dẫn mình tới đó. Rõ ràng ngay trong cuộc sống này chúng ta mang ảnh hưởng của quá khứ, và chúng ta có trách nhiệm xây dựng vị lai. Nếu chọn lựa manh mối dẫn mình đi mãi trong luân hồi, đó là gốc vô minh. Muốn thoát ra vòng luân hồi phải đập tan vô minh. Vô minh là không biết như thật, tập quán sát đúng như thật thì hết vô minh. Cũng như nói nhà tối vì không đốt đèn, bây giờ chịu khó đốt đèn thì hết tối. Dù chúng ta dụng công lạy Phật lễ sám mà không giác ngộ đúng như thật, cũng không khác nào vác búa đuổi bóng tối. Gốc của đạo Phật là giác ngộ phá vô minh mới hết sanh tử, chưa hết vô minh thì không làm sao dứt sanh tử. Muốn phá vô minh phải thấy biết như thật. Chúng ta thấy thân mình thật, đối với y khoa thì nó chỉ là một mớ tế bào cấu tạo. Chiếu qua quang tuyến thấy trống rỗng không có gì chắc thật. Từ thân đến cảm thọ… nếu còn thấy thật là còn phiền não si mê. Biết tất cả đều không thật thì không chấp, mọi thứ thông qua dễ dàng.

Muốn thành Phật thì phải thấy đúng như thật, như Phật đã thấy. Chúng ta sẽ mồi cây đuốc (giác ngộ) với chánh pháp, nghĩa là Phật đã có ngọn đuốc sẵn, chúng ta đem ngọn đuốc của mình mồi qua, dễ dàng đâu có gì khó. Tự mình đi kiếm lửa mồi thì khó, bây giờ có đuốc cháy sẵn chỉ cần đưa đuốc mình mồi qua thôi. Học đạo là mồi đuốc trí tuệ, có mồi có sáng, cây đuốc nào mà nhúng nước ướt thì không cháy nổi. Đó là tôi nói rộng cho thấy ý nghĩa bài kinh này.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1. Trú ở Sāvatthi (Xá-vệ). 

2. – Này các Tỷ-kheo, ta sẽ thuyết và phân tích cho các ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ giảng. 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. 

3. Thế Tôn nói như sau: 

– Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. 

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vất bỏ. Đây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già chết. 

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh. 

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu. 

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thủ. 

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái thân này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ái. 

9. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỹ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ. 

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc thân này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỹ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc. 

11. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỹ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ. 

12. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra, đây gọi là sắc. Như vậy đây là danh, đây là sắc. Đây gọi là danh sắc. 

13. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. 

14. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. 

15. Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết 

Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh. 

16. Như vậy này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn của toàn bộ khổ uẩn này. 

Giảng:

So sánh hai bản kinh Pāli và Hán tạng không khác về tinh thần chung, chỉ khác vài điểm.

Đoạn số 8 Pāli nói về sáu ái: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Hán tạng nói là Dục ái, Sắc ái, Vô sắc ái. Lý giải của Hán tạng có liên hệ đến đời sau, nếu nói ái của sáu căn thì ít có liên hệ đến đời sau.

Đoạn số 9, Pāli nói có sáu thọ; Hán tạng nói có ba thọ. Hai bên có thể bổ túc cho nhau.

Đoạn 15 nói về vô minh. Hán tạng giảng vô minh có nhiều thứ nào là không biết quá khứ, vị lai, trong ngoài, Tứ đế v.v… Pāli nói vô minh là Này các Tỷ-kheo, thể nào là minh? Này các Tỷ-kheo, không biết Khổ, không biết Khổ tập, không biết Khổ diệt, không biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷkheo, đây gọi là minh. Tức là chỉ ngay không thấy Tứ đế đúng như thật đó là vô minh.

Phần cuối, Pāli chia làm hai, một là lưu chuyển, từ vô minh duyên hành… toàn bộ khổ uẩn tập khởi; hai là hoàn diệt, do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt…

Bên Hán tạng không nói hai phần này. Đó là những điểm sai biệt chút ít.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.