HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật ở trú xứ A-tỳ-đà, bên bờ sông Hằng.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Giống như nước lớn sông Hằng cuộn lên, bọt nước theo dòng chảy mà tụ lại. Nếu như người nào có mắt sáng quán sát, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát, phân biệt thật kỹ đó, sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong nhóm bọt nước nổi kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, Tỳ-kheo hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì sắc vốn không chắc thật.
Giảng:
Bài kinh này Phật giải thích rõ năm ấm là tạm bợ. Nếu chúng ta khéo quán năm ấm tạm bợ thì sẽ thoát khỏi phiền não, đến chỗ an trụ Niết-bàn. Khi tu, áp dụng quán chiếu gọi là thiền quán, dùng trí quán để thấy đúng như thật. Không phải cái không có mà tưởng ra có, mà là quán xét đúng như thật, quán biết rõ năm uẩn này, mỗi thứ thế nào biết đúng như thế ấy.
Đầu tiên quán sắc như bọt nước. Chúng ta ra biển lớn, thấy khối bọt nước to do nhiều hòn bọt nhỏ ráp lại thành. Khối bọt đó không bền chắc, hoặc nắng lên liền tan, hoặc đụng tới thì bể, hoặc gió thổi bay, tùy duyên hoại diệt. Phật bảo chúng ta quán sắc uẩn cũng như vậy. Theo cái nhìn của y học, thân này gồm nhiều tế bào hợp lại, mỗi một tế bào tự sanh tự diệt, thân này là một khối sanh diệt kết hợp không chắc thật. Một luồng gió độc thổi qua cũng chết. Một con rắn nhỏ xíu cắn bậy cũng chết, trèo cây sẩy tay rớt xuống cũng chết, đi bộ lỡ bước té nhào cũng chết… Chết dễ ợt như đống bọt nước, vừa thấy vừa đụng vào liền tan.
Phật dạy Tỳ-kheo đối với sắc quá khứ, hiện tại, vị lai, trong hay ngoài, thô hay tế, tốt hay xấu… xem kỹ suy xét biết nó không bền chắc. Ví như bệnh. Tại sao thân này như bệnh? Vì bệnh thì nhức nhối đau khổ, thân này cũng nhức nhối đau khổ như ung nhọt, mới thấy lành lặn đó rồi nổi ung nhọt châm chích đau nhói, làm đau đớn muốn tắt thở. Nhớ luôn luôn thân này vô thường, khổ, không, phi ngã. Nếu thấy nó không giá trị gì, rất dễ tu, tham sân si theo đó hết. Còn thấy mình ngon lành, oai hùng, an ổn tới lui, sắc tướng đẹp đẽ nên chấp ngã không bỏ được. Vì thế phần thứ nhất, Phật dùng thí dụ bọt nước để chúng ta nhớ mà gắng tu.
Chánh văn:
Này các Tỳ-kheo, giống như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt hiện chợt mất. Nếu người nào có mắt sáng quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát tư duy, phân biệt thật kỹ đó sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong bong bóng nước kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về thọ, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thọ vốn không chắc thật.
Giảng:
Đức Phật dùng thí dụ rất khéo, thân tứ đại như khối bọt, có thể thấy hơi lâu một chút, còn cảm thọ như bong bóng nước, vừa hiện liền tan, thật mau chóng. Cuộc sống của chúng ta quay cuồng điên đảo đều lệ thuộc vào thọ, mà cảm thọ vui hay khổ chỉ trong vài giây.
Cảm thọ vốn không thật, mỏng manh tạm bợ; suốt đời chúng ta chạy theo nó, cả đời mình hiến cho cảm thọ buồn vui, thích hay không thích… Tất cả phiền não đều từ chấp cảm thọ là thật. Phật dạy quán cảm thọ như bong bóng nước chợt còn chợt mất. Tu là thấy đúng như thật, luôn luôn quán sát xem xét kỹ càng tất cả cảm thọ đều không bền, qua rồi mất, không có cái gì còn ở lại. Cái còn ở lại là sự cố chấp, vì cố chấp nên đau khổ. Chúng ta luôn luôn thương ghét giận hờn vì cảm thọ vừa ý hay không vừa ý, vì bị chi phối bởi một cái thật mong manh. Phải chi nó đáng giá thì không tiếc. Nhận chân được chỗ này, chúng ta buông bỏ dễ dàng, không bị cảm thọ chi phối.
Chánh văn:
Này các Tỳ-kheo, giống như cuối xuân đầu hạ, không mây, không mưa, giữa trưa trời nắng gắt, sóng nắng chập chờn, người nào sáng mắt quán sát, tư duy, phân biệt kỹ càng và khi quán sát, tư duy, phân biệt kỹ càng thì sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong quáng nắng kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy, những gì thuộc về tưởng, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì tưởng vốn không chắc thật.
Giảng:
Thí dụ này, trong kinh có chỗ nói là dã ma: ngựa đồng hoang, hoặc dương diệm: sóng nắng. Trưa mùa hè không mưa, nhìn ra đồng trống chúng ta thấy ánh nắng chập chờn như ngựa chạy, khi tới gần thì không có. Cũng như khi chúng ta đi xe hơi vào khoảng 12 giờ trưa, trên đường tráng nhựa thấy phía trước như có nước, tới gần thì không có. Tưởng ấm không có thật, như hình ngựa chạy giữa trưa nắng hay bóng nước trên đường nhựa. Tưởng là gì? Tưởng là nhớ lại chuyện cũ hoặc tưởng tượng chuyện tương lai. Người ta thường dùng chữ “lý tưởng”, tưởng không thật làm sao có lý? Người tu không chấp nhận, vì tưởng là cái mình phủ nhận, buông xả. Người tu trở về thực tế chân thật, không phiêu lưu mơ hồ,
Phật dạy chúng ta quán sát tưởng ấm không bền chắc, không có thật, nếu chấp đắm cho là thật có thì sẽ bị khổ đau như bị gai đâm, bị ung nhọt.
Chánh văn:
Này các Tỳ-kheo, giống như người mắt sáng muốn tìm gỗ cứng chắc, nên cầm búa bén đi vào rừng núi. Thấy một cây chuối lớn, thân dài lớn ngay thẳng, y liền đốn gốc, chặt đứt ngọn nó, lột bỏ hết bẹ, cuối cùng không có gì là chắc thật. Nếu người nào có mắt sáng thì sẽ quán sát, tư duy, phân biệt và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt rồi thì sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong cây chuối kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy, những gì thuộc về hành, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì hành vốn không chắc thật.
Giảng:
Hành uẩn, có chỗ gọi là tư, là suy nghĩ. Chúng ta mỗi người đều có suy nghĩ, nhưng thử hỏi suy nghĩ của mình có thật hay không? Không. Phật bảo suy nghĩ của chúng ta (hành ấm) giống như cây chuối. Cây chuối nhìn chung thì như một cây nguyên vẹn, nhưng tách ra thì thấy từng bẹ kết lại. Rốt cuộc tìm cây chuối không có. Cũng vậy, suy nghĩ dường như một dòng ý niệm có thật, nhưng đó là do mỗi niệm nối tiếp nhau, niệm này tới niệm kia. Như người đi đường, chân này để xuống chân kia cất lên, bước đều đều, con đường dài không phải một bước mà đến, phải từ bước này tiếp tục bước kia. Suy nghĩ cũng vậy, dùng chữ hành giải thích vì nó giống như người đi đường, từng niệm nối tiếp nhau, không có một suy nghĩ nguyên vẹn. Bản thân nó đã không thật, do từng niệm từng niệm kết lại, nếu cứ chấp suy nghĩ là mình tức đeo bám vào cái không thật, khởi phiền não vì cái không thật. Vì thế, Phật dạy quán hành như cây chuối để chúng ta biết rõ không còn lầm chấp.
Chánh văn:
Này các Tỳ-kheo, giống như nhà ảo thuật, hay là học trò của nhà ảo thuật, ở giữa ngã tư đường, huyễn hóa ra binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ. Lúc này có người trí mắt sáng, quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi họ đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ, thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật. Vì sao? Vì những hiện tượng huyễn hóa kia vốn không chắc thật. Như vậy, này các Tỳ-kheo những gì thuộc về thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, thì Tỳ-kheo nên quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật; chúng như bệnh hoạn, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thức vốn không chắc thật.
Giảng:
Đây nói về thức của sáu căn. Trong mỗi căn nghiệm xem cái nào thuộc về thọ, cái nào thuộc về thức. Khi mắt nhìn cây phân biệt nó là cây gì, đó là thức, nhìn một lúc thấy thích hay không thích, đó là thọ. Thức là sự phân biệt để an danh, vạn pháp duy thức là muôn pháp đều do thức an danh. Thức so sánh phân biệt cái này khác với cái kia rồi đặt tên cho mỗi thứ. Nhìn cảnh đẹp xấu để rồi thích hay không thích là thọ. Trong thấy, nghe… thức, thọ gần một bên, nếu không giản trạch rất dễ lầm.
Đức Phật thí dụ thức như con cọp, con công do huyễn sư hóa ra, khi nhìn thấy biết có cho nó là thật không? Không. Cũng vậy, tất cả những phân biệt của thức đều hư dối không thật. Theo Duy thức học, khi mắt thấy sắc thì mắt không đến sắc. Chúng ta thấy là nhờ bóng của sắc phản chiếu vào mắt. Thức phân biệt chỉ là phân biệt cái bóng trong đó, không phân biệt được vật thật bên ngoài. Hiểu như vậy, biết rõ rằng thức không thật, giống như nhà huyễn thuật hóa hiện ra thứ này thứ kia. Thức phân biệt mọi vật để an danh an vị, tạm đặt tạm dùng với nhau, không có sự thật.
Tóm lại, quán sát năm uẩn đều thấy tạm bợ giả dối không thật, nhớ luôn luôn như vậy là phá được chấp ngã về tâm về thân. Chủ yếu bài kinh này Phật dạy pháp tu phá chấp ngã. Người tu khéo ngay nơi thân năm uẩn này thấy đúng như thật, buông hết những chấp trước. Cả ngày tiếp xúc với tất cả việc gì xảy ra cũng cười, không phiền não, không phải thánh là gì? Có phiền có giận là do chấp giữ, nếu sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không chấp, người đó không bao lâu sẽ được giải thoát. Bài kinh này Phật dạy căn bản để tu nên ngài trùng tuyên lại cho dễ nhớ.
Chánh văn:
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói lại nghĩa này, nên nói bài kệ:
Quán sắc như bọt nước,
Thọ như bong bóng nước,
Tưởng như quáng nắng xuân,
Các hành như cây chuối,
Các thức pháp như huyễn,
Bậc tôn quý đã nói.
Giảng:
Sáu câu này Phật tóm kết năm uẩn ở trên.
Chánh văn:
Tư duy kỹ khắp cả,
Chánh niệm khéo quán sát:
Không thật, chẳng kiên cố,
Không có ngã, ngã sở.
Giảng:
Nếu khéo suy xét, chánh niệm quán sát đúng như vậy, thấy không có gì thật, không có gì bền chắc, thấy như vậy không chấp ngã, ngã sở.
Chánh văn:
Đối thân khổ ấm này,
Đại trí phân biệt dạy,
Xa lìa ba pháp này,
Thân thành vật vất bỏ.
Thọ, hơi ấm và thức,
Lìa chúng, phần thân khác,
Vĩnh viễn vùi gò hoang,
Như gỗ, không thức tưởng.
Giảng:
Đối thân năm ấm này, Phật chỉ ngay là khổ ấm chứ không có lạc ấm. Đại trí là Phật, nói: Xa lìa ba pháp này, tức xa lìa ba pháp thọ, noãn và thức. Người không còn hơi ấm, cảm thọ, phân biệt, lúc ấy như khúc cây không hiểu biết, thân thành ra vật bị vất bỏ, không giá trị.
Chánh văn:
Thân này thường như vậy,
Huyễn dối dụ người ngu.
Như gai độc, như sát,
Không có gì chắc thật.
Giảng:
Chúng ta phải thấy thân này rõ ràng như vậy, nó dối trá gạt kẻ ngu. Kẻ ngu đó là chúng ta. Vậy ai gạt? Thân này không thật, không có giá trị gì, chúng ta tưởng là thật, rồi bị nó gạt nên cố chấp, sanh đủ thứ phiền não, gây tạo bao nhiêu thứ khổ đau. Người nào thấy thân này là thật, người đó là người sáng hay tối, trí hay ngu? Vì ngu nên cứ làm chúng sanh, chỉ đổi ngu thành trí thì hết làm chúng sanh.
Chánh văn:
Tỳ-kheo siêng tu tập,
Quán sát thân ấm này,
Chuyên tinh luôn ngày đêm,
Chánh trí, buộc niệm lại,
Hành hữu vi ngừng nghỉ,
Vĩnh viễn chốn thanh lương.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giảng:
Tỳ-kheo phải y theo bài kinh này siêng năng tu tập, quán sát thân khổ ấm hư dối không thật, ngày đêm hằng tinh tấn, nỗ lực, dùng chánh trí buộc niệm. Khi quán sát thuần thục, các suy tư hữu vi phiền não hết, đạt đến chỗ thanh lương mát mẻ Niết-bàn.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Ayujjāya, trên bờ sông Hằng.
2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo.
3) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?
4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?
5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?
6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?
7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng… Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?
8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì…
9) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây?
10) Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm chuối được?
11) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong các hành được?
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?
13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại… hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thức được?
14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành… nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.
15) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Đạo sư lại nói thêm:
1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Đấng bà con mặt trời,
Đã thuyết giảng như vậy.
2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chân quán sát,
Như lý nhìn (các pháp),
Hiện rõ tánh trống không.
3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Đại tuệ thuyết giảng,
Đoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ
4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.
5) Cái thân liên tục này,
Ảo sư, kẻ ngu nói,
Được gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.
6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.
7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.
Giảng:
So sánh hai bản kinh, chúng ta thấy từ ngữ có sai biệt chút ít, còn ý căn bản thì không khác. Như ở đoạn 7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt… Hán tạng thì nói dã mã (ngựa đồng hoang) hay dương diệm. Pāli thì nói ráng mặt trời. Mây với ráng khác nhau thế nào? Mây là chỉ cho hơi nước kết tụ, dịch chuyển trên hư không, còn ráng là ánh nắng mặt trời khi sắp mọc hoặc sắp lặn, rọi ánh lên cụm mây hoặc vàng hoặc đỏ. Màu của ráng mặt trời cũng không thật, chỉ ảnh hiện phút chốc rồi mất, nên nói Tưởng như ráng mặt trời.
Phần sau trong bài kệ có một hai điểm cần giải thích.
1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Đấng bà con mặt trời,
Đã thuyết giảng như vậy.
Đấng bà con mặt trời là chỉ cho đức Phật. Vì Ấn Độ thờ mặt trời, nên xem mặt trời là quan trọng. Hán tạng thì gọi là bậc tôn quý đã nói. Hồn cầu
2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chân quán sát,
Như lý nhìn (các pháp),
Hiện rõ tánh trống không
3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Đại tuệ thuyết giảng,
Đoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ
4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.
Hán tạng nói rằng thọ, noãn và các thức lìa thân này, bỏ luôn ngoài nghĩa địa, như cây không hiểu biết. Đã như khúc gỗ thì mặc tình dựng đó cũng được hay chôn ngay cũng được, không chống cự gì hết. Để thấy thân này đến lúc đó không còn giá trị, hiểu biết gì.
Pāli còn nói là làm đồ ăn kẻ khác, chẳng những không biết gì mà còn làm mồi cho kên kên, loài trùng, chó sói…
5) Cái thân liên tục này,
Ảo sư, kẻ ngu nói,
Được gọi kẻ sát nhân, tre
Không tìm thấy lõi cây.
Cái thân liên tục này. Tại sao nói là liên tục? Sự sống chẳng qua là tiếp nối liên tục. Cái gì là gốc của sự sống? Là hơi thở, hơi thở làm tim đập, các mạch máu dẫn máu đi nuôi tế bào. Nếu còn hít vô thở ra liên tục, tim còn đập liên tục là còn vay mượn. Trong sự vay mượn liên tục đó, bộ máy hoạt động tạo thành sự sống. Nó ngừng lại thì chết, nên nói thân này liên tục không có gì thật. Như khi cầm cây nhang quay mạnh, quay nhanh thì thấy có một vòng lửa. Vòng lửa đó không có thật, do sức quay nhanh liên tục nên dường như có. Khi cây nhang dừng lại thì vòng lửa không còn. Thân này cũng vậy, nếu hơi thở dừng thì tim ngừng đập, mọi sinh hoạt cũng ngừng luôn. Như vậy giá trị của nó ở chỗ nào? Chỉ cần dừng một cái là hết. Vậy mà tự hào tự đắc.
Ảo sư, kẻ ngu nói. Ảo sư là thầy huyễn thuật, kẻ ngu nói những thứ do ảo sự hóa hiện là thật.
Được gọi kẻ sát nhân. Thân này cũng gọi là kẻ sát nhân. Giết ai mà nói là kẻ sát nhân? Chúng ta chấp thân này là ngã, khi thân hoại diệt như nó giết cái ngã của mình, nên nói giết người.
Không tìm thấy lõi cây. Là không tìm thấy cái chắc thật.
6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.
Luôn luôn tỉnh giác suy nghĩ chân chánh về năm uẩn như vậy.
7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.
Bỏ tất cả ràng buộc về chấp thân mà lâu nay chúng ta nương tựa vào nó. Tu tập siêng năng như cứu lửa cháy đầu để đến chỗ bất động. Hán tạng gọi là Hành hữu vi ngừng nghỉ, vĩnh viễn chốn thanh lương.
Đối chiếu hai bên ý nghĩa không khác, chỉ cách dùng từ có khác.
Trang trước | Mục lục | Trang sau |