Trích giảng và Đối chiếu Tạp A Hàm với Tương Ưng Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Ngũ Chuyển (Hán tạng, Kinh số 41) với Kinh Thủ Chuyển (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật ở nước Xá-vệ rừng cây Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Có ngũ thọ ấm: sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ta đối ngũ thọ ấm này, có năm thứ biết như thật. Biết sắc như thật, biết sắc tập, sắc vị, sắc hoạn, sắc ly như thật. Như thế, biết thọ, tưởng, hành, thức như thật, biết thức tập, thức vị, thức hoạn, thức ly như thật. 

Giảng: 

Ngũ chuyển là năm lần lặp lại, căn cứ trên ngũ uẩn, mỗi uẩn Phật nói năm lần, để các Tỳ-kheo thấy rõ lẽ thật của mỗi uẩn. Đầu tiên Phật nói có ngũ thọ ấm: sắc thọ ấm, thọ thọ ấm, tưởng thọ ấm, hành thọ ấm, thức thọ ấm. Đối ngũ thọ ấm này có năm thứ biết như thật, tức là ngũ chuyển. Biết sắc như thật, biết sắc tập, sắc vị, sắc hoạn, sắc ly như thật… Bài kinh này đơn giản nhưng hệ trọng vô cùng. Chúng ta học đạo đối với ngũ uẩn nắm không vững, không biết rõ trạng thái nó như thế nào, đó là sai sót rất lớn.

Chánh văn: 

Thế nào là biết sắc uẩn như thật? Các thứ có sắc chất, tất cả do tứ đại và tứ đại tạo sắc ấy gọi là sắc. Như thế là biết sắc như thật. 

Giảng: 

Sắc uẩn là chỉ cho thân này, sắc uẩn ấy do tứ đại tạo thành. Tứ đại bên ngoài là đất, nước, gió, lửa gọi là tứ đại năng tạo. Thân này cũng mang đủ bốn tính chất đất, nước, gió, lửa nhưng hình dạng khác hơn, thân này là tứ đại sở tạo. Từ thân đến các vật chất khác cũng đều do tử đại sở tạo mà ra. Thân này không tự có, không thật, chỉ do tứ đại chung họp mà có, bởi thế gọi là tứ đại sở tạo, tứ đại tạo sắc. Biết rõ như vậy là biết sắc như thật.

Chánh văn: 

Thế nào là biết sắc tập như thật? Đối với sắc ưa thích gọi là sắc tập. Như thế là biết sắc tập như thật. 

Giảng:

Tập là nhóm họp lại, đối với hình sắc sanh ưa thích muốn gìn giữ gọi là sắc tập.

Chánh văn: 

Thế nào là biết sắc vị như thật? Sắc là nhân duyên sanh ưa thích gọi là sắc vị. Như thế, biết sắc vị như thật. 

Giảng: 

Tại sao trên nói sắc tập là sắc ưa thích, tiếp theo nói sắc vị là sắc làm nhân duyên sanh ưa thích? Hai cái ưa thích đó có khác nhau không? Ngay nơi thân mình, chúng ta muốn nó khỏe mạnh tồn tại lâu dài, muốn họp lại không tan rã. Bởi muốn nên tìm cách gìn giữ gọi là sắc tập. Sắc vị là ưa thích dáng vẻ đẹp đẽ của người. Cái ưa thích trước là muốn giữ thân này không hoại, nên gọi là sắc tập. Còn đối với sắc của người sanh ưa thích đó là sắc vị, nên nói sắc là nhân duyên sanh ưa thích.

Chánh văn: 

Thế nào là biết sắc hoạn như thật? Sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, gọi là sắc hoạn. Như thế, biết sắc hoạn như thật. 

Giảng: 

Tất cả hình sắc đều vô thường, khổ, biến dịch, tướng nào cũng là tướng hoại diệt, đó là tai hoạn của sắc. Chúng ta có thấy biết như vậy không? Mình thấy người già có biết đó là sắc hoạn không? Có. Cần biết đúng như thật, dầu là sắc hoại mình không ưa, hay là sắc mới sanh mình ưa thích cũng phải biết đúng như thật. Biết như thật mới hết mê muội.

Chánh văn: 

Thế nào là biết sắc ly như thật? Đối với sắc điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục gọi là sắc ly. Như thế, biết sắc ly như thật. 

Giảng: 

Đối với sắc thân của mình hay của người, chúng ta phải luôn luôn đoạn dứt lòng tham muốn. Đó là sắc ly. Kiểm điểm xem chúng ta có thấy biết đủ năm điều như vậy không? Chỉ thấy sắc tập, sắc vị, nên không ly được, không giải thoát. Đối với sắc thôi, chúng ta cũng không biết đúng như thật được.

Chánh văn: 

Thế nào là biết thọ như thật? Có sáu thứ thân thọ: 

1. Mắt xúc sắc sanh thọ. 

2. Tai xúc tiếng sanh thọ. 

3. Mũi xúc mùi sanh thọ. 

4. Lưỡi xúc vị sanh thọ. 

5. Thân xúc sanh thọ. 

6. Ý xúc pháp sanh thọ. 

Đó gọi là thọ. Như thế, biết thọ như thật. 

Giảng: 

Khi mắt tiếp xúc với hình dáng đẹp xấu, đó là mắt xúc sắc sanh thọ. Tai xúc tiếng sanh thọ, tức là tai nghe tiếng khen tiếng chê thấy êm ái hay cộc cằn v.v.. phân biệt rõ ràng. Mũi ngửi mùi thơm, hội có cảm thọ. Lưỡi nếm vị mặn ngọt phân biệt rõ ràng. Thân xúc chạm sự vật, như chạm nóng lạnh v.v… sanh cảm thọ ưa thích hay không ưa thích. Ý xúc pháp sanh thọ là ý nhớ lại, ôn lại những hình ảnh đã thấy đã nghe, sanh ưa thích hoặc chán ghét. Biết thọ như thật là biết thọ của sáu căn tự có hay không tự có. Có mắt và có trần cảnh, mắt tiếp xúc với trần cảnh phân biệt mới có cảm thọ, mắt và trần cảnh có trước rồi sau mới có thọ. Biết rõ sáu thọ của sáu giác quan bản thân nó không tự có, phải đợi đủ các duyên mới có. Bản chất của thọ không thật vì phải đợi duyên.

Chánh văn: 

Thế nào là biết thọ tập như thật? Xúc tập là thọ tập. Như thế, biết thọ tập như thật. 

Giảng: 

Có xúc họp lại nên thọ theo đó, như thân chạm vật là xúc tập, chạm vật rồi có cảm thọ ưa hay không ưa, nên nói xúc tập là thọ tập.

Chánh văn: 

Thế nào là biết thọ vị như thật? Duyên sáu thứ thọ sanh ưa thích gọi là thọ vị. Như thế, biết thọ vị như thật. 

Giảng: 

Khi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sáu trần duyên bên ngoài sanh cảm thọ khổ vui. Cảm thọ khổ thì mếu máo, cảm thọ vui thì ưa thích. Vui hay không vui đều là thọ vị.

Chánh văn: 

Thế nào là biết thọ hoạn như thật? Thọ là pháp vô thường, khổ, biến diệt, gọi là thọ hoạn. Như thế biết thọ hoạn như thật. dang abdo okor dotd 

Thế nào là biết thọ ly như thật? Đối với thọ điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục, gọi là thọ ly. Như thế, biết thọ ly như thật. 

Giảng:

Tất cả thọ đều vô thường, khổ, biến dịch. Mắt chạm cảnh đẹp rồi qua mất, tai nghe tiếng hay rồi qua mất… Chúng ta không biết đúng như thật, không biết họa hoạn của nó nên bị thọ chi phối. Suốt ngày cứ tìm kiếm đuổi theo sáu thọ.

Cảm thọ của người tu đạm bạc, sáng ngắm hoa kiểng, trưa ăn cơm… vậy mà cũng mất cả ngày mù mịt. Thế gian tối tăm mê muội cũng vì cảm thọ, từ ăn mặc, thương ghét… khiến người ta đau khổ. Có những cảm thọ nhẹ dễ vượt qua, có cảm thọ nặng như cảm thọ ái dục nam nữ, do hợp tác nhiều thứ nên người ta không thắng nổi. Nó có sức mạnh hấp dẫn, nào thân, mắt, mũi, ý… đủ thứ cộng lại làm đảo điên, thiên hạ tu không được bởi cái thọ đó.

Biết thọ ly như thật là đối với thọ điều phục tham dục, biết rõ tất cả thọ đều vô thường, không có thọ nào đáng mến. Chúng sanh đối với những cảm thọ tạm bợ, vô thường, hư dối mà mê say giành giật là tham những thứ không đáng. Có cái chân thật miên viễn, không mất không hoại mà không biết ưa thích tìm cầu. Phải xả ly tất cả thọ để nhận được cái chân thật nơi mình. Phật dạy người tu đối với tất cả thọ này biết là tạm bợ, vô thường, cho nên không ưa thích tìm cầu, không bị nó lôi cuốn, như vậy là tu tập thắng lướt. Đến thọ ly như thật là biết điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều phải điều phục, đoạn dứt, vượt ngoài tham dục.

Chánh văn: 

Thế nào biết tưởng như thật? Là sáu thứ thân tưởng, mắt xúc sanh tưởng, tai, mũi, lưỡi, ý xúc sanh tưởng, gọi là tưởng. Sáu cái đó nó xúc chạm, nó sanh tưởng gọi là tưởng. Như thế, biết tưởng như thật. 

Giảng: 

Sáu thứ thân tưởng: mắt xúc sanh tưởng, tai, mũi, lưỡi, ý xúc sanh tưởng, gọi là tưởng. Như mắt nhìn tấm hình Đà Lạt mà chưa từng đi đến, chỉ nghe nói đây là cảnh Đà Lạt. Khi mắt tiếp xúc với sắc, khởi tưởng thành phố thế này thế kia, đó là do mắt xúc sanh tưởng. Nghe nói ở Huế có cung vua, hồ sen… rồi tưởng tượng ra cảnh cung điện này khác, đó là do tai xúc tiếng sanh tưởng. Mũi, lưỡi, thân, ý xúc sanh tưởng cũng vậy. Tưởng có là do tâm, những điều chưa thấy chưa gặp mà tưởng tượng ra, hoặc thấy nhỏ mà tưởng ra lớn, hoặc ôn lại chuyện xa xưa.

Chánh văn: 

Thế nào là biết tưởng tập như thật? Xúc tập là tưởng tập. Như thế, biết tưởng tập như thật. 

Giảng: 

Có xúc chạm rồi mới sanh ra tưởng nên gọi xúc tập là tưởng tập. Đó là biết tưởng tập như thật.

Chánh văn: 

Thế nào là biết tưởng vị như thật? Tưởng nhân duyên sanh ưa thích gọi là tưởng vị. Như thế, biết tưởng vị như thật. 

Giảng: 

Như chúng ta chưa từng đi Đà Lạt, chỉ nghe nói hoặc thấy hình Đà Lạt rồi tưởng tượng cảnh Đà Lạt đẹp thế này thế kia, mình khởi lên ý thích muốn đi Đà Lạt. Đó là tưởng làm nhân duyên sanh ưa thích, gọi là tưởng vị.

Chánh văn: 

Thế nào là biết tưởng hoạn như thật? Tưởng là pháp vô thường, khổ, biến dịch, gọi là tưởng hoạn. Như thế, biết tưởng hoạn như thật. 

Giảng: 

Mọi thứ tưởng đều hư ảo, không chắc thật, không bền lâu. Nó là pháp vô thường họa hoạn.

Chánh văn: 

Thế nào là biết tưởng ly như thật? Đối với tưởng điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục, gọi là tưởng ly. Như thế, biết tưởng ly như thật. 

Giảng: 

Hiểu được thọ ly như thế nào thì những cái sau đều dễ hiểu.

Chánh văn: 

Thế nào là biết hành như thật? Là sáu thứ từ nơi thân: mắt xúc sanh tư, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc sanh tư, gọi là hành. Như thế, biết hành như thật. 

Thế nào là biết hành tập như thật? Xúc tập là hành tập. Như thế, biết hành tập như thật. 

Giảng: 

Thọ, tưởng, hành, thức giản trạch cho rõ rất khó. Trong đây, hành ấm được gọi là tư, nên nói: mắt xúc sanh tư, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc sanh tư, gọi là hành. Tư là suy nghĩ, nghĩ lường. Tưởng và tư theo nhau. Tưởng là nương cái này tưởng ra hình dáng cái kia; hoặc đối với những cái đã thấy, quên đi rồi ôn lại, đó là ức tưởng. Tư là khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc cái gì liền khởi lên suy nghĩ ngay lúc ấy, Tư là suy nghĩ trong khi tiếp xúc với những sự việc hiện tại, còn tưởng thì có cả quá khứ, hiện tại, vị lai.

Thế nào biết hành tập như thật? Xúc tập là hành tập. Thọ, tưởng, hành ba thứ đều từ xúc mà ra, chúng có ra đều do nơi xúc chạm mới có. Biết như vậy gọi là biết hành tập như thật.

Chánh văn: 

Thế nào biết hành vị như thật? Hành nhân duyên sanh ưa thích gọi là hành vị. Như thế, biết hành vị như thật. 

Thế nào là biết hành hoạn như thật? Hành là pháp vô thường, khổ, biến dịch, gọi là hành hoạn. Như thế, biết hành hoạn như thật. 

Thế nào là biết hành ly như thật? Đối với hành điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục, gọi là hành ly. Như thế, biết hành ly như thật. 

Giảng: 

Suy nghĩ việc gì mình ưa thích gọi là hành vị. Như khi nói chuyện với người cùng chí hướng, lúc suy nghĩ bàn luận có thích không?

Những cái họ đưa ra phù hợp với mình, tư tưởng quan điểm của hai bên phù hợp với nhau thì thích, đó là hành vị. Vì vậy nói chuyện cả buổi không chán. Nhưng bản chất nó là vô thường, khổ, biến diệt, đó là hành hoạn. Biết các hành ấm không thật, tất cả đều đưa đến hoại diệt nên không tham cầu, điều phục tham dục, ra khỏi tham dục, gọi là hành lý.

Chánh văn: 

Thế nào là biết thức như thật? Là sáu thức nơi thân: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức gọi là thức. Như thế biết thức như thật. 

Thế nào là biết thức tập như thật? Danh sắc tập là thức tập. Như thế, biết thức tập như thật. 

Giảng: 

Thọ, tưởng, tư là xúc tập, thức là do danh sắc tập mà có. Trong mười hai nhân duyên, duyên đầu là vô minh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc. Vậy danh sắc này là gì? Thức trong mười hai nhân duyên và thức ở đây có khác không?

Thức của mười hai nhân duyên có trước danh sắc, đâu đợi danh sắc tập mới có. Cũng như hành trong mười hai nhân duyên này và hành (tư) ở đây khác nhau. Hành trong mười hai nhân duyên là nghiệp, bởi vô minh cho nên bị nghiệp dẫn, nghiệp dẫn gọi là hành, dẫn thức đi thọ sanh. Thức trong mười hai nhân duyên là chủ của thân, còn thức của ngũ ấm này là do sáu căn phát ra. Thức trong mười hai nhân duyên vào bào thai rồi thì nó là danh, bào thai là sắc. Có danh sắc mới có sáu thức sau. Danh là thức quá khứ khi vào thai mẹ tựu thành thân thể, thân đó có cả hai phần, tinh thần (danh), vật chất (sắc). Cộng cả hai danh và sắc mới có sáu căn tiếp xúc sáu trần thành sáu thức phân biệt. Vì vậy nói danh sắc tập là thức tập.

Bài kinh này rất khô khan, nhưng nếu không học thì không hiểu rành rẽ. Nói về năm uẩn, mười hai nhân duyên ai cũng nói được, kinh Phật nhắc tới nhắc lui hoài, chúng ta phải phân biệt nghĩa của nó để tu.

Chánh văn: 

Thế nào biết thức vị như thật? Thức nhân duyên sanh ưa thích, gọi là thức vị. Như thế, biết thức vị như thật. 

Thế nào biết thức hoạn như thật? Thức là pháp vô thường, khổ, biến dịch, gọi là thức hoạn. Như thế, biết thức hoạn như thật. Ông ding on 

Thế nào biết thức ly như thật? Đối với thức điều phục tham dục, đoạn tham dục, vượt ngoài tham dục, gọi là thức ly. Như thế, biết thức ly như thật. 

Giảng: 

Đoạn này cũng giống đoạn nói về các ấm trước.

Chánh văn: 

Tỳ-kheo! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc biết như thế, thấy như thế; thấy biết như thế ly dục hướng, gọi là chánh hướng. 

Giảng: 

Ly dục hướng là chánh hướng, tức là đối năm uẩn chúng ta luôn luôn nhắm thẳng đến chiều lìa dục, điều phục tham dục, đoạn tham dục. Hướng đến con đường này là hướng chân chánh theo giác ngộ giải thoát.

Chánh văn: 

Nếu chánh hướng, ta nói người đó đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng được như vậy. 

Giảng: 

Lìa được một cái thì những cái kia theo đó mà lìa.

Chánh văn: 

Nếu Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc biết như thật, thấy như thật; nơi sắc sanh nhàm chán, ly dục, không khởi các lậu, tâm được giải thoát. Nếu tâm được giải thoát, là được thuần nhất. Thuần nhất là Phạm hạnh lập. Phạm hạnh lập thì lìa nơi khác được tự tại. Đó gọi là mé khổ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. De lan 

Giảng: 

Không khởi các lậu là không khởi ưa muốn sanh vào cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Tâm không tạp loạn, hạnh thanh bạch tròn. Hạnh thanh bạch tròn đầy rồi, thân này đến nơi kia được tự do tự tại. Đây là mé khổ. Sao không nói hết khổ mà nói khổ? Kinh thường dùng chữ bể khổ, chúng ta chìm trong bể khổ thì cố gắng bơi lội, đến mé bờ không cần bơi lội nữa thì hết khổ. Chỗ tiếp giáp với bờ an lạc là dứt khổ, nói rõ hơn là mé khổ chấm dứt. Đến được mé khổ thì lìa sắc, lìa tham dục, tâm được giải thoát. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Chỉ cần thấy năm uẩn đúng như thật thì giải thoát.

Chủ yếu bài kinh này Phật dạy chúng ta đối với thân năm uẩn thấy biết rõ tính chất tập hợp, tính chất giả dối của nó để đừng tham đắm, từ đó tu tập mau giải thoát.

PALI TẠNG

Hai bài kinh tuy tên khác, bản chất không khác, có vài điểm nhỏ sai biệt chút ít. Mục 4, 5 rất là hệ trọng nhưng Tạp A-hàm không có.

Chánh văn: 

1. Như vầy tôi nghe. Một hôm, Phật ở nước Xá-vệ rừng cây Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. 

2. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: 

3. Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. 

4. Này các Tỷ-kheo, khi nào ta chưa như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, thì cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư thiên, ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, ta không xác chứng rằng ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Giảng: 

Bên Pāli nói thắng tri, bên Hán tạng nói thấy biết đúng như thật. Bên Pāli nói năm thủ uẩn theo bốn chuyển, bên Hán tạng nói năm chuyển. Ý đoạn này, Phật nói rằng nếu ta không biết rõ năm uẩn này theo bốn chuyển thì ta chưa dám tự xưng là chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Câu này rất hệ trọng.

Chánh văn: 

5. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào ta đã như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, đối với thế giới chư thiên, ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, ta xác chứng rằng ta đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Giảng: 

Phật dõng dạc tuyên bố, khi nào ta biết đúng như thật năm uẩn theo bốn chuyển này, lúc đó đối với chư thiên, ma, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn ta khẳng định là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hoặc không chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là y cứ vào cái biết đúng như thật năm uẩn theo bốn chuyển. Đối với năm uẩn mà không biết đúng như thật là mê muội, tầm mức quan trọng này bên Hán tạng không có, chỉ Pāli mới có.

Do công phu thấy đúng năm uẩn nên không bị rơi trong vòng trói buộc của thân năm uẩn, được giải thoát. Phật nhấn mạnh điều này để hàng đệ tử thấy rõ sự quan trọng của nó. Hàng ngoại đạo công phu rất khổ nhọc, nhưng vì đối với năm uẩn không thấy biết như thật nên mong cái này tưởng cái kia. Như xuất hồn cũng là một lối tưởng, cho đó là thật thì lạc vào tà giáo, không chứng được Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta học Phật phải nắm cho thật vững cốt lõi nguyên thủy Phật giáo, thấy biết những chi nhánh về sau cái nào đúng cái nào sai. Cứu cánh Phật giáo là giác ngộ ngay nơi thân này. Thân này không chịu giác ngộ mà cứ mong sanh ở đâu, lại thêm một lớp mê nữa! Thấy đúng thân này là vô thường, khổ, lúc đó không đắm nhiễm, không đắm nhiễm mới giải thoát, chuyện đó quá rõ ràng.

Đạo Phật rất thực tế, không có gì huyền bí huyền hoặc, chỉ vì thế gian bị mê muội cám dỗ bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, người tu Phật thấy rõ từng cái, đó là giác ngộ. Thấy rõ biết rõ để không bị nhiễm, không bị mê hoặc. Những điều Phật nói, bây giờ kiểm lại khoa học, y học… nghiên cứu về con người thấy gần với đạo Phật. Thấy gần nhưng chưa đoạn được tham dục, không vượt ngoài tham dục, chỉ biết được bao nhiêu đó. Chúng ta là đệ tử Phật, thấy biết như thế rồi trừ tham dục, vượt ngoài tham dục, chấm dứt mé khổ.

Chánh văn: 

6. Và thế nào là bốn chuyển? Ta đã thắng tri sắc, ta đã thắng tri sắc tập khởi, ta đã thắng tri sắc đoạn diệt, ta đã thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ta đã thắng tri thọ… tưởng… hành… Ta đã thắng tri thức, ta đã thắng tri thức tập khởi, ta đã thắng tri thức đoạn diệt, ta đã thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt. 

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. 

8. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào do thắng tri sắc như vậy, do thắng tri sắc tập khởi như vậy, do thắng tri sắc đoạn diệt như vậy, do thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này. 

9. Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là như vậy… thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỹ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Đây là con đường thánh đạo tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh trị kiến, chánh tư duy… chánh định. 

11. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này. 

12. Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy… thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

13-15. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Đây là con đường thánh đạo tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy… chánh định. thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

16. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Đây là con đường thánh đạo tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến… chánh định. 

17. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này. 

18. Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành, họ giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

19. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ-kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Đây là con đường thánh đạo tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy… chánh định. 

20. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này. 

21. Và này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ. 

Giảng:

Phần này Phật dạy về bốn chuyển đối với năm ấm, Hán tạng thì có năm chuyển nên tên kinh gọi là Ngũ chuyển. So sánh hai bên có chỗ tương đồng. Bốn chuyển của Pali là:

1. Biết rõ sắc, giống như Hán tạng.

2. Biết rõ sắc tập khởi, sắc tập của Hán tạng.

3. Thắng tri sắc đoạn diệt, bên đây nói do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt, tương đương bên Hán tạng nói về sắc vô thường, khổ, biến dịch tức là sắc hoạn.

4. Biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, sắc ly của Hán tạng. Hán tạng thêm phần sắc vị, muốn phân tích rõ do sắc mà sanh ưa thích.

Pāli nói con đường đưa đến sắc đoạn diệt là bát chánh đạo, chỉ rõ phương pháp yếm ly cụ thể, Hán tạng chỉ nói là điều phục tham dục, vượt ngoài tham dục… Pāli kết luận những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này, tất cả các uẩn đều kết như vậy. Hán tạng thì nhấn mạnh chỗ giải thoát, Phạm hạnh lập, được tự tại. Hai bên bổ túc cho nhau, chúng ta đọc kỹ mỗi bên, thấy ý nghĩa rõ hơn.

Bài kinh này mới đọc thấy khô khan tầm thường, nhưng sự thật rất quan trọng, phải gắng nghiền ngẫm kỹ. Nếu không nắm vững, chúng ta không giản trạch được chữ hành của mười hai nhân duyên và chữ hành của ngũ uẩn, thức của mười hai nhân duyên và thức của ngũ uẩn. Vì vậy phải nắm vững những căn bản này để biết rõ những trạng thái đó. Biết rõ cốt yếu của Phật chỉ dạy đưa đến giải thoát, chúng ta nhắm đó mà tu.

Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.