Trích giảng và Đối chiếu Trung A Hàm với Trung Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Tịnh Bất Động Đạo (Hán tạng) với Kinh Bất Động Lợi Ích (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật đến Câu-lâu-sấu tại độ ấp Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu, Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo: 

Dục là vô thường, là dối trá, nói dối. Pháp đối trá ấy là huyễn hóa dối gạt kẻ ngu si. Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu cái sắc hiện đời và cái sắc đời sau, tất cả thứ ấy là cảnh giới ma, là mồi của ma. Nhân có tâm sanh vô lượng pháp ác, tăng tham, sân và đấu tranh v.v… Đệ tử Thánh khi học bị làm chướng ngại. 

Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Thế Tôn nói dục là vô thường, dối trá, nói dối. Pháp dối trá ấy là huyễn hóa, dối gạt kẻ ngu si. Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, tất cả thứ ấy là cảnh giới ma, là mồi của ma. Nhân có tâm sanh vô lượng pháp ác, tăng tham, sân, và đấu tranh v.v… Đệ tử Thánh khi học bị làm chướng ngại. Kia nghĩ thế này: “Ta nên được đại tâm thành tựu tự tại, dẹp lấp thế gian, nhiếp trì tâm ấy. Nếu ta được đại tâm thành tựu tự tại, dẹp lấp thế gian, nhiếp trì tâm ấy. Như thế tâm không sanh vô lượng pháp ác, không tăng tham, sân và đấu tranh v.v… Đệ tử Thánh khi học không bị làm chướng ngại”. Kia lấy đó mà hành, lấy đó mà học, tu tập và rộng truyền bá như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. 

Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Kia lấy đó mà hành, lấy đó mà học, tu tập và rộng truyền bá như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. 

Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là nói Tịnh bất động đạo thứ nhất. 

Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Nếu có sắc, tất cả thứ ấy đều do tứ đại và tứ đại tạo. 

Tứ đại là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. 

Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là nói Tịnh bất động đạo thứ hai. 

Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, tất cả cái tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được tưởng bất động. 

Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tịnh tâm. Nơi đây được tịnh tâm rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc dùng tuệ làm giải. Kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ây là Tịnh bất động đạo thứ ba. 

Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Nếu cái tưởng dục hiện đời và đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và đời sau và tưởng bất động, tất cả thứ tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được tưởng Vô sở hữu xứ. 

Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất. 

Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Đời này không, thần không, sở hữu thần không, hữu thường không, hữu hằng không, trường tồn không, chẳng biến đổi. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tịnh tâm. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo kia hoặc nơi đây vào Vô sở hữu xứ. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô sở hữu xứ. Ấy là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ hai. 

Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Ta không phải vì khác mà có, cũng không phải vì mình mà có. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây được vào Vô sở hữu xứ. Hoặc dùng tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô sở hữu xứ đạo. Ây là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ ba. 

Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu cái sắc hiện đời và cái sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, nếu tưởng bất động, tưởng vô sở hữu xứ, tất cả cái tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được vô tưởng. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo kia hoặc hiện đời được vào Vô tưởng. Hoặc dùng tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô tưởng xứ. Đó là nói Tịnh vô tưởng đạo. 

Giảng:

Phật nói kinh này tại Câu-lâu-sấu (Kuru). Tịnh bất động đạo hay Bất động lợi ích là các phương tiện để đạt đến trụ xứ an tịnh bất động. Phật vì các Tỳ-kheo giảng dạy bảy phương pháp tu tập.

Đầu tiên đức Phật dạy rằng: Dục là vô thường, là dối trá, nói dối. Pháp dối trá ấy là huyễn hóa dối gạt kẻ ngu si. Căn bệnh đã khiến hàng đệ tử Phật bị trở ngại trong khi tu chính là dục. Phải nhận rõ tính chất dối trá của dục để đừng lầm chạy đuổi theo. Hàng đệ tử Thánh không phải ngu si nên không bị dục lừa gạt, nếu ai ngu si bị dục lừa gạt thì không phải đệ tử Thánh.

Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu cái sắc hiện đời và cái sắc đời sau, tất cả thứ ấy là cảnh giới ma, là mồi của ma. Nhân có tâm sanh vô lượng pháp ác, tăng tham, sân, và đấu tranh v.v… Đệ tử Thánh khi học bị làm chướng ngại. 

Hán tạng nói tất cả dục và sắc trong hiện tại, vị lai đều là cảnh giới ma, là mồi của ma. Pāli nói rõ hơn là lãnh vực của ma, cảnh giới của ma, chỗ dinh dưỡng của ma. Phật chỉ cần nói dục đời này là đủ, tại sao lại nói thêm đời sau nữa? Bởi con người không những muốn hưởng dục đời này mà mong muốn hưởng dục cả đời sau. Hoặc có người nhàm chán dục hiện đời nhưng lại mong ước được hưởng dục đời sau, như vậy là vẫn còn sanh tử. Nên Phật dạy chúng ta phải thấy rõ dục và sắc hiện tại, vị lai đều là cảnh giới ma, là mồi của ma. Tất cả chúng ta có bị ma nhử mồi và bị cắn câu không? Nếu có thì cũng giống như mấy con cá bị dính câu quăng lên bờ giãy giụa. Dục và sắc đều là tạm bợ vô thường, thế mà mọi người mê đắm thì không phải là bị ma gạt sao? Cũng chính từ dục và sắc mà sanh vô lượng pháp ác. Tất cả lo rầu mừng giận đấu tranh đều từ ngũ dục mà ra. Đệ tử Thánh khi học đạo, hành đạo thường bị nó làm chướng ngại. Người vượt qua ngũ dục mới là bậc anh hùng, ngược lại là kẻ bị thua trận. Mở đầu bài kinh Phật nêu lên tai họa của dục và sắc. Khi thấy được manh mối và thấy rõ sự hiểm nguy rồi, Phật mới dạy con đường giải thoát (Tịnh bất động).

Thứ nhất, Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này. Chữ Thánh ở đây là chỉ cho Phật. Đa văn là người học rộng nghe nhiều. Thế Tôn nói dục là vô thường, dối trá, nói dối. Pháp dối trá ấy là huyễn hoá, dối gạt kẻ ngu si. Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, tất cả thứ ấy là cảnh giới ma, là mồi của ma. Nhân có tâm sanh vô lượng pháp ác, tăng tham, sân, và đấu tranh v.v… Đệ tử Thánh khi học bị làm chướng ngại.

Chúng ta phải ghi nhớ lời dạy này. Muốn không bị dục và sắc làm chướng ngại phải làm sao? Kia nghĩ thế này: Ta nên được đại tâm thành tựu tự tại, đẹp lấp thế gian, nhiếp trì tâm ấy. Nói theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy, đại tâm nghĩa là Tứ vô lượng tâm. Quán lòng từ trùm khắp, quán lòng bi trùm khắp, quán hỷ, xả trùm khắp hết gọi là đại tâm. Khi quán tâm rộng lớn trùm khắp được thành tựu thì không tăng tham, sân, lúc đó không bị chướng ngại khi tu học.

Kia lấy đó mà hành, lấy đó mà học, tu tập và rộng truyền bá như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. 

Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào giải, kia thời gian sau mạng bất động. Ấy là nói Tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, bất động. Hoặc lấy tuệ làm chung nhân ý trước ắt đến bất động đạo thứ nhất. Đệ tử Phật phải theo lời dạy đó tu học, truyền bá rộng rãi. Nhân từ, bi, hỷ, xả trùm khắp mà tâm mình được thanh tịnh, vào được bất động. Nếu ứng dụng tu Tứ vô lượng tâm, quán trùm khắp hết, tâm hành giả không bị cảnh sắc và dục làm cho lay động nên được tâm thanh tịnh, được bất động, luôn lấy trí tuệ làm chỗ hiểu. Như vậy, nhân tâm tịnh rồi đi đến bất động, nhân bất động nên khi chết nếu còn sanh thì sanh chỗ bất động. Đó là đường thứ nhất của chúng ta đi. Phật nói đây là còn sanh mà sanh ở chỗ bất động.

Thứ hai, Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Nếu có sắc, tất cả thứ ấy đều do tứ đại và tứ đại tạo. Thân này do đất, nước, gió, lửa, hòa hợp mà thành, tứ đại của thân là sở tạo. Đất, nước, lửa, gió của trời đất là năng tạo. Cũng như chúng ta nắn đất thành một cục gạch, đất là năng tạo, nung thành gạch là sở tạo của đất.

Tứ đại là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Phật dạy quán tất cả đều là vô thường, là pháp sanh diệt khổ não. Ngay đó tu học và hành như thế, truyền bá rộng rãi liền được tâm thanh tịnh. Do không còn nhiễm trước thân này, tứ đại trong và ngoài thảy đều không đắm nhiễm, tự nhiên tâm được thanh tịnh.

Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là nói Tịnh bất động đạo thứ hai. Con đường Tịnh bất động thứ nhất là dùng từ, bi, hỷ, xả. Con đường Tịnh bất động thứ hai là ứng dụng quán tứ đại vô thường, là pháp khổn pháp sanh diệt. Nhờ quán như vậy tâm được thanh tịnh rồi đi đến bất động, tức là được định. Đây là con đường Tịnh bất động thứ hai.

Thứ ba, Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, tất cả cái tưởng ấy là pháp thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được tưởng bất động. Đến đây quán tất cả tưởng của dục đời quá khứ, hiện tại và vị lai, tất cả tưởng của sắc hiện đời và đời sau, đều là pháp vô thường, khổ. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tịnh tâm. Nơi đây được tịnh tâm rồi, Tỳkheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc dùng tuệ làm giải. Kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là Tịnh bất động đạo thứ ba.

Thứ tư, Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Nếu cái tưởng dục hiện đời và đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và đời sau và tưởng bất động, tất cả thứ tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được tưởng Vô sở hữu xứ. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây vào bất động. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến bất động. Ấy là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất. 

Sau ba giai đoạn Tịnh bất động, đến giai đoạn thứ tư này chuyển sang ý mới, không dừng ở chỗ bất động mà tiến sâu vào tưởng Vô sở hữu xứ tức là chỗ rỗng không, không có hình tướng. Khi được tưởng Vô sở hữu xứ, tức thành tựu tưởng rỗng không liền sanh chỗ bất động. Ấy gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất.

Thứ năm, Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Đời này không, thần không. Đời này không là một cái không. Thần không tức là thần ngã không, hay linh hồn không. Sở hữu thần không, những sở hữu của linh hồn hay thần ngã cũng không. Hữu thường không, hữu hằng không, những gì thế gian cho là thường, là hằng tất cả đều không. Trường tồn không, chẳng biến đổi, cái gì thế gian cho là còn mãi mãi cũng không. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tịnh tâm. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo kia hoặc nơi đây vào Vô sở hữu xứ. Hoặc lấy tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô sở hữu xứ. Ấy là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ hai. 

Hai đoạn kinh nói về Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất và thứ hai khác nhau chỗ nào?

– Đạo thứ nhất quán về dục tưởng, về sắc tưởng, về bất động tưởng đều là vô thường, là pháp tiêu diệt, không nên trụ.

– Đạo thứ hai nói về thân hiện đời không, thần ngã của thân này không, tất cả sở hữu của thân cũng không, những gì người ta cho là thường, là hằng, là trường tồn vĩnh cửu, tất cả đều không. Tất cả cái thấy đều là không. Tất cả cái thấy đều không thì cái không đó không biến đổi. Người nào quán được như thế, truyền bá được như vậy thì sau khi mạng chung ắt được sanh về Vô sở hữu xứ, tức là đến chỗ rỗng không, không còn tướng mạo. Đó gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ hai. Phần trên quán tưởng không, đến đây quán tất cả trong thân, ngoài thân đều không.

Thứ sáu, Đệ tử bác học của Thánh quán thế này: Ta không phải vì khác mà có, cũng không phải vì mình mà có. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo ấy hoặc nơi đây được vào Vô sở hữu xứ. Hoặc dùng tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô sở hữu xứ đạo. Ấy là Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ ba. Nghĩa là thấy nơi mình không phải thật có, người cũng không phải thật có. Năng tạo không thật có, sở tạo cũng không thật, năng sở đều không. Nếu người nào quán được như vậy tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi vào Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ ba. Đạo thứ nhất, thứ hai ở trước và thứ ba này thuộc về Vô sở hữu xứ, tức được sanh ở cõi trời Vô sở hữu xứ thuộc quán không.

Thứ bảy, Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, nếu tưởng bất động, tưởng Vô sở hữu xứ, tất cả cái tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, kia khi ấy được vô tưởng. Kia hành như thế, học như thế, tu tập và truyền bá rộng như thế, liền nơi đây được tâm tịnh. Nơi đây được tâm tịnh rồi, Tỳ-kheo kia hoặc hiện đời được vào Vô tưởng. Hoặc dùng tuệ làm giải, kia thời gian sau mạng chung nhân ý trước ắt đến Vô tưởng xứ. Đó là nói Tịnh vô tưởng đạo. 

Phần cuối này tóm hết các pháp quán ở trước. Từ quán tưởng Tứ vô lượng tâm, đến quán tưởng tứ đại trong ngoài, quán tưởng dục, tưởng sắc ở thế gian là vô thường, tiếp đến quán tưởng không.

Cuối cùng cái quán tưởng không cũng dứt sạch, buông hết không còn. Bởi tưởng không cũng là tưởng, không tất cả nhưng vẫn còn cái tưởng không, nên tiếp đến chữ không cũng phải buông luôn, tất cả tưởng đều buông sạch. Buông hết mọi niệm tưởng thì được Vô tưởng, gọi là Tịnh vô tưởng đạo.

Tóm lại, đoạn kinh này Phật dạy tường tận về các con đường Tịnh bất động đạo.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kuru (Câu-lâu). Kammāssadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm) là thị trấn của dân chúng Kuru. Tại đây Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: 

– Này các Tỷ-kheo. 

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. 

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 

– Này các Tỷ-kheo, dục vọng là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh. Này các Tỷ-kheo, đây là lời chào sáo của kẻ ngu xây dựng trên giả dối. Các dục vọng hiện tại, các dục vọng tương lai, các dục tưởng hiện tại, các dục tưởng tương lai, cả hai thuộc lãnh vực của ma, là cảnh giới của ma, là chỗ dinh dưỡng của ma, là chỗ ăn uống của ma. 

Ở đây các ác bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động, và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại ở đây cho Thánh đệ tử học tập. Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Các dục vọng hiện tại và dục vọng tương lai… cho Thánh đệ tử học tập. Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, sau khi chiến thắng thể giới, sau khi xác định vị trí của ý. Khi ta an trú với tâm quảng đại, đại hành chiến thắng thế giới, xác định vị trí của ý, các ác bất thiện ý: tham dục, sân hận, khích động sẽ không khởi lên; với các pháp ác ấy được đoạn trừ, tâm của ta không trở thành hạn hẹp, trái lại thành vô lượng, khéo tu tập. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an trú trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy (Samvattanikam Viññānam) có thể tùy theo đây đạt đến bất động. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích bất động. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: 

Những dục vọng hiện tại và những dục vọng tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, và phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do bốn đại tạo thành. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến bất động. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo trong lợi ích bất động. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Những dục vọng hiện tại và những dục vọng tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, cả hai đều vô thường. Cái gì vô thường không đáng để được hoan hỷ, không đáng để được hoan nghênh, không dáng để được chấp trước. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến bất động. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ tam hành dạo về lợi ích bất động. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Những dục vọng hiện tại… và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là vô sở hữu. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, sức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ. 

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đi đến khu rừng hay đi đến dưới gốc cây và suy nghĩ như sau: Trống không là tự ngã này hay ngã sở hữu. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ. 

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sở thuộc của ta không có bất cứ chỗ nào, (cho ai) và trong hình thức nào. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, các thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ. 

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Những dục vọng hiện tại… và những sắc tưởng và những bất động tưởng, và những Vô sở hữu xứ tưởng, tất cả các tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó). Với tâm an tịnh vị ấy có thể thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ ngay trong hiện tại, hoặc thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo dây đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là hành đạo về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

Giảng:

Phần mở đầu hai bên đều giống nhau về nơi chốn và hình thức tu quán, chỉ sai biệt chút ít trên danh từ. Tạng Pali cũng nói tất cả cái dục, sắc cho đến hết thảy tưởng đều không đáng hoan nghênh, không nên chấp trước. Nếu được như vậy thì hành giả sẽ đi đến lợi ích bất động. Pāli nói vị Thánh đệ tử suy nghĩ về dục, về sắc… Hán tạng thì nói đệ tử đa văn của Thánh quán về dục, sắc… Kết quả đạt được, Pāli gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích bất động, đệ nhị, đệ tam… Hán tạng gọi là Tịnh bất động đạo thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Phần lớn đó là các cõi trời Thiền trong Sắc giới: trời Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Như vậy tu quán bất động thì được sanh trong các cõi trên.

Đến các giai đoạn sau, Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Những dục vọng hiện tại… và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù điệu, tức vô sở hữu. Tức là với tất cả tưởng về dục, tưởng về sắc, tưởng bất động, khi diệt được những tưởng đó rồi được vào vô sở hữu. Do đó phát sanh trí tuệ, nhờ có trí tuệ tu tiến lên.

Trống không là tự ngã này hay ngã sở hữu. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó).

Trống không là tự ngã này hay ngã sở hữu, nghĩa là tưởng trống không, ta là cái rỗng không, những thứ gì thuộc về ta cũng rỗng không.

Phần tiếp theo, bên Hán tạng nói: Ta không phải khác mà có, cũng không phải vì mình mà có. Pāli nói: Ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sở thuộc của ta không có bất cứ chỗ nào, (cho ai) và trong hình thức nào. Tức là ta không có, không vì ai mà có, ta không có bất cứ hình thức nào. Ý nói không có ta và người, cũng không có sở thuộc. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, sức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ. Nếu hành trì được không có cả ba như trên đã nói, liền đi đến chỗ không ta, không người, không cha mẹ, anh em, đạt được Vô sở hữu xứ thứ ba.

Phần kết thúc, Những dục vọng hiện tại… và những sắc tưởng và những bất động tưởng, và những Vô sở hữu xứ tưởng, tất cả các tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù điệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tức là tất cả nghĩ tưởng đều diệt hết, nhưng còn cái nghĩ diệt các tưởng. Cái nghĩ đó cũng là tưởng, tuy không phải tưởng thô nhưng cũng chẳng phải là không có tưởng. Đó gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tóm lại, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều thuộc về quán không. Đến Phi phi tưởng cũng còn có niệm nên chưa được Niết-bàn.

HÁN TANG

Chánh văn: 

Khi ấy, tôn giả A-nan cầm quạt hầu Phật. Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật bạch: 

– Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. Thế Tôn! Tỳ-kheo hành như thế trọn được vào Niết-bàn chăng? 

Thế Tôn bảo: 

– A-nan! Việc này không định, hoặc có người được, hoặc có người không được. 

– Thế Tôn! Tỳ-kheo hành thế nào chẳng được Niết-bàn? 

– A-nan! Nếu Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. A-nan! Nếu Tỳ-kheo mến cái xả ấy, đắm trước cái xả ấy. A-nan! Tỳ-kheo như thế ắt không được vào Niết-bàn. 

– Thế Tôn! Tỳ-kheo nếu có chỗ thọ thì không được vào Niết-bàn chăng? 

– A-nan! Nếu Tỳ-kheo có chỗ thọ ắt không được vào Niết-bàn. 

– Thế Tôn! Tỳ-kheo kia thọ thế nào? 

– A-nan! Trong cái hành hữu dư. Nghĩa là chỗ hữu tưởng và vô tưởng, trong cái hữu nó là bậc nhất. Đó là chỗ Tỳ-kheo kia thọ. 

– Thế Tôn! Tỳ-kheo kia thọ dư hành chăng? 

– A-nan! Như thế Tỳ-kheo kia thọ dư hành.

– Thế Tôn! Tỳ-kheo hành thế nào ắt được vào Niết-bàn? 

– A-nan! Nếu Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. A-nan! Nếu Tỳ-kheo không mến cái xả kia, không đắm trước cái xả kia, không trụ cái xả kia. A-nan! Tỳ-kheo hành như thế ắt được vào Niết-bàn. 

– Thế Tôn! Tỳ-kheo nếu không chỗ thọ ắt được vào Niết-bàn chăng? 

– A-nan! Nếu Tỳ-kheo không có chỗ thọ ắt được vào Niết-bàn. 

Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật bạch: 

– Thế Tôn đã nói Tịnh bất động đạo, đã nói Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã nói Tịnh vô tưởng đạo, đã nói Vô dư Niết-bàn. Thế Tôn! Thế nào là giải thoát của Thánh? 

– A-nan! Đệ tử đa văn của Thánh quán thế này: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, nếu tưởng bất động, tưởng Vô sở hữu xứ, tưởng Vô tưởng, tất cả cái tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt, ấy gọi là tự mình có, nếu tự mình có là sanh, già, bệnh, chết. A-nan! Nếu các pháp này tất cả đều diệt hết không còn thừa, chẳng có lại, kia ắt không sanh già bệnh chết. Thánh quán như thế, nếu có quán là giải thoát, nếu có Vô dư Niết-bàn gọi là cam lồ. Kia quán như thế ắt được tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn tái sanh đời sau, biết như thật. 

A-nan! Nay tôi vì ông đã nói Tịnh bất động đạo, đã nói Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã nói Tịnh vô tưởng đạo, đã nói Vô dư Niết-bàn, đã nói giải thoát của Thánh. Như tôn sư vì đệ tử khởi lòng từ bi thương xót cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay tôi đã làm, các ông cũng phải tự làm, đến chỗ vắng vẻ, ở dưới cội cây, chỗ yên lặng, ngồi yên suy xét, chớ có buông lung, gắng tinh tấn, chớ để sau rồi hối hận, đây là lời răn dạy của tôi, là lời nhắc nhở của tôi. 

Phật nói như thế, tôn giả A-nan và các thầy Tỳ-kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Nghe Phật dạy đến đây ngài A-nan thưa rằng: Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. Thế Tôn! Tỳ-kheo hành như thế trọn được vào Niết-bàn chăng? 

A-nan! Nếu Tỳ-kheo không mến cái xả kia, không đắm trước cái xả kia, không trụ cái xả kia. A-nan! Tỳ-kheo hành như thế ắt được vào Niết-bàn. Ý A-nan hỏi nếu Tỳ-kheo tu đến không còn ngã, không còn ngã sở, những cái trước đã được bây giờ xả hết, như vậy có được vào Niết-bàn không? Thế Tôn bảo: A-nan! Việc này không định, hoặc có người được, hoặc người không được. Học đến đây mới thấy lý cao siêu của Phật pháp.

Ngài A-nan lại hỏi: Thế Tôn! Tỳ-kheo hành thế nào chẳng được Niết-bàn? 

– A-nan! Nếu Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. A-nan! Nếu Tỳ-kheo mến cái xả ấy, đắm trước cái xả ấy. A-nan! Tỳ-kheo như thế ắt không được vào Niết-bàn. Như vậy nếu đã xả mà còn giữ cái xả ấy cũng chưa được vào Niết-bàn. Ý nghĩa này thật quá cao siêu. Chúng ta tu mong được chỗ ngã không là mừng lắm rồi, huống nữa cả ngã sở cũng không có, thảy đều xả hết. Ta, người và những cái sở thuộc không còn, đều không thật, đều xả hết, thật quá hay. Nhưng nếu còn giữ cái xả ấy cũng chưa vào Niết-bàn. Để thấy rằng việc tu đến chỗ cứu cánh rất khó, còn giữ một niệm xả cũng chưa được Niết-bàn.

Ngài A-nan hỏi thêm: Thế Tôn! Tỳ-kheo nếu có chỗ thọ thì không được vào Niết-bàn chăng? 

Thọ tức là gìn giữ nhận chịu, gìn giữ một niệm xả tức là thọ, còn chỗ thọ có vào Niết-bàn chàng? Phật bảo: A-nan! Nếu Tỳ-kheo có chỗ thọ ắt không được vào Niết-bàn. Dầu thọ cái xã chót cũng không được vào Niết-bàn, chỗ này rất khó không đơn giản. Còn thấy mình lúc nào cũng xả tức còn thọ thì chưa được Niết-bàn.

Thế Tôn! Tỳ-kheo kia thọ thể nào? Ý hỏi Tỳ-kheo vì thọ cái gì mà không được vào Niết-bàn.

A-nan! Trong cái hành hữu dư. Nghĩa là chỗ hữu tưởng và vô tưởng, trong cái hữu nó là bậc nhất. Đó là chỗ Tỳ-kheo kia thọ. Hành hữu dư là còn có chút thừa. Đối với chỗ hữu tưởng và vô tưởng, cái này là bậc nhất. Vì sao? Còn nghĩ đến xả, còn vướng vào xả tức cũng còn một chút tưởng, đó là cái chấp thọ vi tế bậc nhất. Xả mà không nhớ mình xả, không còn thấy mình xả thì mới vào Niết-bàn. Như vậy giản trạch chỗ nào cứu cánh, chỗ nào chưa cứu cánh, nếu không thì dễ mắc kẹt. Như gặp ai chúng ta cũng khoe tôi đã buông hết, không còn dính mắc! Thật sự không còn dính gì hết chưa? Đây là cái tế nhị trong khi tu.

Ngài A-nan hỏi thêm là làm sao được Niết-bàn? Phật đáp: Nếu Tỳ-kheo hành như thế: Không ngã, không ngã sở, ngã sẽ chẳng có, ngã sở sẽ chẳng có, nếu trước có liền xả hết. A-nan! Nếu Tỳ-kheo không mến cái xả kia, không đắm trước cái xả kia, không trụ cái xả kia. A-nan! Tỳ-kheo hành như thế ắt được vào Niết-bàn. Khi xả hết rồi không mến cái xả, không trụ cái xả đó nữa mới vào Niết-bàn. Còn nói được cái này, được cái nọ là gạt thiên hạ chơi cho vui chứ không có gì. Thấy mình vào Niết-bàn là chưa phải thật được Niết-bàn.

Thế Tôn! Tỳ-kheo nếu không chỗ thọ ắt được vào Niết-bàn chăng? Ngài A-nan hỏi nếu Tỳ-kheo không có chỗ thọ có được vào Niết-bàn không?

A-nan! Nếu Tỳ-kheo không có chỗ thọ ắt được vào Niết-bàn. Không chỗ thọ tức là không còn giữ một cái gì nữa, thì sẽ được vào Niết-bàn. Khi Phật dạy đến đây rồi, tôn giả Anan chắp tay bạch Phật: 

Thế Tôn đã nói Tịnh bất động đạo, đã nói Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã nói Tịnh vô tưởng đạo, đã nói Vô dư Niết-bàn. Thế Tôn! Thế nào là giải thoát của Thánh? Ở trên Phật đã nói đủ sao lại còn hỏi giải thoát của Thánh?

Phật dạy A-nan: Nếu cái dục hiện đời và cái dục đời sau, nếu sắc hiện đời và sắc đời sau, nếu tưởng dục hiện đời và tưởng dục đời sau, nếu tưởng sắc hiện đời và tưởng sắc đời sau, nếu tưởng bất động, tưởng Vô sở hữu xứ, tưởng Vô tưởng, tất cả cái tưởng ấy là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Tóm hết tất cả tưởng cho đến tưởng Vô tưởng tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, phải biết rõ ràng những cái tưởng đó là pháp vô thường, là khổ, là diệt. Nếu chỉ còn một tí tưởng cũng là vô thường, sanh diệt. Ấy gọi tự mình có, tức là còn có cái của mình. Nếu tự mình là sanh, già, bệnh, chết. Trọng tâm giải thoát của bậc Thánh như Phật dạy là đi thẳng đến chỗ không còn tưởng, không còn tưởng là không còn sanh, nếu còn một niệm là còn sanh. Đây là điều đúng như thật. Chính kinh Phật dạy rõ, đệ tử Thánh nếu còn bất cứ niệm nào, tự mình còn có là còn bị sanh, già, bệnh, chết. Buông hết các niệm tưởng mới được Niết-bàn. Chúng ta tu ngay đây buông hết mọi niệm tưởng, chưa hết cũng phải buông cho sạch hết. Tuy ban đầu thấy như không bằng những người tu có sở đắc chứng được sơ thiền, nhị thiền… còn chúng ta cứ buông mà không thấy gì hết. Nhưng cứ vững niềm tin tiến tu lần lần vọng tưởng thưa dần, đến khi sạch hết vọng tưởng là an lạc Niết-bàn.

Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa có chỗ gặp nhau và không gặp nhau. Chỗ gặp nhau là mỗi bên đều lấy trí tuệ quán xét dục và sắc là vô thường, hết thảy ngã và ngã sở đều vô thường, là huyễn hóa, giả dối không thật. Tiểu thừa hay Đại thừa đều thấy như vậy. Chính vì thế, tổ Hoàng Bá nói, một hạt bụi chia làm một trăm phần, chín mươi chín phần thấy không, còn một phần nhỏ xíu thấy có vẫn chưa giải thoát vẫn chưa vào đạo.

Thấy được tột cùng các pháp là giả dối không thật tức là giác ngộ. Tiểu thừa giác ngộ dứt lậu hoặc rồi giải thoát không còn đời sau. Đại thừa giác ngộ rồi nghiêng về từ bi, đi vào trong đời làm các hạnh Bồ-tát để độ chúng sanh. Cứ tùy tục mà giáo hóa đời này kiếp nọ. Cho nên nói đến Bồ-tát là tán thán hạnh từ bi, nói đến Thanh văn thì tán thán hạnh giải thoát. Hiểu được căn bản đó thì hiểu hướng đi mỗi bên cũng đồng giác ngộ như nhau, nhưng bên nặng về từ bi, bên nghiêng về giải thoát.

Chúng ta tu cốt phải giác ngộ rồi khởi tâm đại bi giáo hoá chúng sanh. Chúng ta xả hết các vọng tưởng, sống được với tâm chân thật, rồi chừng đó lao mình làm lợi ích cho chúng sanh, đi trong thế gian mà lúc nào cũng giác không mê, đó gọi là Bồ-tát, là giác hữu tình.

Trong mười mục chăn trâu, đến mục thứ mười là hình ảnh người tay cầm bầu rượu, tay xách cá chép đi vào chợ, cũng là hình ảnh của Bồ-tát đã nhập Phật giới rồi đi vào ma giới để độ chúng sanh, không phải khi giác ngộ rồi đi luôn không trở lại thế gian nữa. Đây là phương pháp giáo dục của Đại thừa.

Thánh quán như thế, nếu có quán là giải thoát, nếu có Vô dư Niết-bàn gọi là Cam lồ. Kia quán như thế ắt được tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, mầm sanh đã hết, hạnh thanh bạch tròn đầy, việc làm đã xong, không còn tái sanh đời sau, biết như thật. A-la-hán đến đây chấm dứt sanh tử, nhập Niết-bàn.

Trong kinh đức Phật nói những câu rất tha thiết: A-nan! Nay tôi vì ông đã nói Tịnh bất động đạo, đã nói Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã nói Tịnh vô tưởng đạo, đã nói Vô dư Niết-bàn, đã nói giải thoát của Thánh. Như tôn sự vì đệ tử khởi lòng từ bi thương xót cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay tôi đã làm, các ông cũng phải tự làm, đến chỗ vắng vẻ, ở dưới cội cây, chỗ yên lặng, ngồi yên suy xét, chớ có buông lung, gắng tinh tấn, chớ để sau rồi hối hận, đây là lời răn dạy của tôi, là lời nhắc nhở của tôi. Ngài khuyên chúng ta y theo lời dạy, lời nhắc nhở của ngài mà tu hành, chớ để sau rồi hối hận.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Khi được nói như vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: 

– Ở đây bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy, thời có thể không là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có. Và như vậy vị ấy được xả. Bạch Thế Tôn, một vị Tỷ-kheo như vậy có chứng được cứu cánh Niết-bàn không? 

– Ở đây này Ananda, một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây một số Tỳ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn. 

– Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây một số Tỷ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn? 

– Ở đây này Ananda, một vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu (nay) không có như vậy, thời có thể không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có. Và như vậy vị ấy được xả. Vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy. Do vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy, thức lệ thuộc xả ấy và thủ trước xả ấy. Có thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo không chứng cứu cánh Niết-bàn. 

– Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo ấy thủ trước là thủ trước chỗ nào? 

– Này Ananda, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 

– Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng. 

– Này Ananda, vị Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng. Này Ananda, đây là thủ trước tối thượng, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đây này Ananda, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu (nay) không có như vậy, thời có thể không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện và những gì đã có. Như vậy vị ấy được xả, vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không chấp trước xả ấy. Do vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không thủ trước xả ấy, thức không lệ thuộc xả ấy và không thủ trước xả ấy. Không thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo chứng cứu cánh Niết-bàn. 

– Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay bạch Thế Tôn! Chính do mười y cứ sự này sự kia, bạch Thế Tôn, sự vượt thoát dòng nước mạnh đã được Thế Tôn nói lên. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát? 

– Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Những dục vọng hiện tại và những dục vọng tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những bất động tưởng, những Vô sở hữu xứ tưởng, và những Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng cái gì thuộc về thân, là tự thân. Đây là bất tử tức là tâm giải thoát không thủ trước. Này Ananda, đây là đạo lộ về lợi ích bất động được ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Vô sở hữu xứ được ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ được ta thuyết giảng, là sự vượt qua dòng nước mạnh do y cứ sự này sự kia được ta thuyết giảng, Thánh giải thoát được ta thuyết giảng. 

Những gì này Ananda vị đạo sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được ta làm, vì lòng từ mẫn của ta đối với ông. Này Ananda, đây là những gốc cây, đây là những khoảng trống. Hãy tu thiền này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Đây là lời dạy của ta cho ông. 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

Giảng:

Pāli cũng dạy như Hán tạng, tu đến Phi tưởng phi phi tướng cũng phải xá hết niệm tưởng, dù chỉ còn một niệm xã nhỏ xíu. Tuy định Phi tưởng phi phi tưởng là tối thượng, cao lắm nhưng vẫn chưa được Niết-bàn. Trong kinh Phật đã giảng rành rõ cho chúng ta hiểu, không chỗ nào là không sáng tỏ, việc hành được hay không là việc của chúng ta. Câu kết thúc mỗi bài kinh đều giống nhau. Phật nói: Những gì này Ananda, vị đạo sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được ta làm, vì lòng từ mẫn của ta đối với ông. Này Ananda, đây là những gốc cây, đây là những khoảng trống. Hãy tu thiền này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Đây là lời dạy của ta cho ông. 

Bài kinh này Phật dạy rất rõ ràng thế nào là giải thoát, thế nào là chưa giải thoát.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.