Trích giảng và Đối chiếu Trường A Hàm với Trường Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh Phạm Động (Hán tạng) với Kinh Phạm Võng (Pali tạng)



MỞ ĐẦU

Thông thường người học Phật, khi mới vào Sơ đẳng đã được học các kinh như Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo, Bát Đại Nhân Giác v.v… là những bài kinh được trích trong các bộ A-hàm. Hôm nay tôi trích giảng đối chiếu ba bài kinh Phạm Động, Đại Duyên Phương Tiện, Bố-tra-bà-lâu của Trường A-hàm do hòa thượng Trí Đức dịch; Phạm Võng (Brahmajāla), Đại Duyên (Mahānidāna), Potthapāda của Trường Bộ kinh do hòa thượng Minh Châu dịch, để thấy sự sai biệt, ưu khuyết cùng tầm vóc quan trọng của hai tạng kinh cho người học nắm rõ.

Bốn bộ A-hàm gồm Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm và Tăng Nhất A-hàm. Bốn bộ A-hàm thuộc hệ Sanskrit được chư tổ dịch sang tiếng Hán, rồi từ Hán dịch sang tiếng Việt.

Bốn bộ kinh là Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh và Tăng Chi Bộ kinh. Bốn bộ kinh này thuộc hệ Pāli do hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang tiếng Việt, từ năm 1965 đến năm 1972.

Về ý nghĩa của mỗi bộ kinh, Agama (tiếng Phạn) đọc trại là A-hàm, nghĩa là Pháp quy. Quy là gom, tức là gom tất cả các pháp của Phật dạy thành bốn bộ. Thế nên nói đến A-hàm, tức chỉ cho giáo pháp đức Phật đã nói, được kết tập lại thành bốn bộ.

Những bài pháp dài gom chung một bộ gọi là Trường A-hàm (Dirgha-āgama), do hai ngài Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch năm 413 TL. Trường Bộ kinh tiếng Pāli là Digha-nikāya, nghĩa là dài, cũng có nghĩa là gom.

Trung A-hàm là gom chung những bài kinh vừa phải không dài không ngắn. Hệ Pali gọi là Trung Bộ kinh

Tạp A-hàm, tạp là lẫn lộn. Vì các bài kinh này có bài dài, bài ngắn, bài vừa chừng… được kết tập lẫn lộn, nên gọi Tạp A-hàm. Pāli dịch là Tương Ưng Bộ kinh. Tên kinh này hai bên dịch khác nhau. Bởi vì bên Pāli dịch tên kinh là nhắm thẳng vào từng phẩm, có phần hợp nhau thì gọi là Tương Ưng. Như phẩm Nghiệp, phẩm Nhân Quả, phẩm Tứ Đế v.v… những bài kinh nói về nghiệp gom chung một phẩm, nói về Tứ đế gom chung một phẩm, nói về nhân quả gom chung một phẩm… Gồm hết những bài kinh đó lại một phẩm cùng loại thì gọi là Tương Ưng. Tạp A-hàm là đứng về số lượng các bài kinh dài ngắn lẫn lộn mà đặt tên. Tên gọi có khác nhưng về ý nghĩa thì hai bên không khác.

Tăng Nhất A-hàm, tăng là thêm, nhất là một. Những bài kinh đức Phật nói, thuộc một pháp thì gom chung một loại, hai pháp gom chung một loại, cứ như vậy cho đến mười lăm, mười sáu pháp… Những kinh này gọi là Tăng Nhất A-hàm. Hệ Pāli gọi là Tăng Chi Bộ kinh. Chi là phần, tăng chi là thêm từng phần.

Tạng kinh hệ Pāli rất đơn giản, gồm hết kinh Phật chỉ có năm bộ: Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh và Tiểu Bộ kinh. Tiểu Bộ kinh gồm các kinh Bổn Sanh, Bổn Sự và những sự tích của chư tăng ni. Hán tạng thì chỉ nói bốn bộ A-hàm, phần Bổn sanh, Bổn sự thuộc về lịch sử nên ghi riêng. Ngoài bốn bộ A-hàm ra, còn có những bộ kinh khác như: Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v… rất nhiều. Do hai lối phiên dịch, nên về cách kết cấu và phần diễn đạt rộng hẹp có khác nhau chút ít. Khi chúng ta học sẽ thấy rõ ý nghĩa từng bài kinh, việc kết tập hoặc dài hoặc ngắn, những chỗ ưu khuyết, đủ thiếu, đơn giản hay phức tạp… của hai bên, để chúng ta đủ lòng tin trong sự tu học.

KINH PHẠM ĐỘNG (Hán tạng – 梵動經)

KINH PHẠM VÕNG (Pāli tạng Brahmajāla Sutta) 

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật đến nước Ma-kiệt (Magadha) cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đông đủ. 

Sau khi du hóa nhân gian, Phật đến xóm Trúc nghỉ tại Vương đường. Lúc đó có vị Phạm chí tên là Thiện Niệm (Suppiya) và đệ tử tên là Phạm-ma-đạt (Brahamadatta). Hai thầy trò thường cùng đi theo sau Phật, mà Thiện Niệm thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, pháp và chúng tăng. Trái lại, đệ tử thì dùng vô số phương tiện xưng tán Phật, pháp và chúng tăng. Hai thầy trò hai tâm trạng trái nghịch nhau như thế là do chỗ học tập, tri kiến và thân cận theo dị giáo vậy. 

Giảng:

Phật nêu sáu mươi hai kiến chấp sai lầm của ngoại đạo và dạy cho biết tán thán Phật theo cách cao thượng. Mở đầu các kinh bên Hán tạng đều có lục chủng chứng tín, tức sáu điều chứng minh là ngài A-nan nghe Phật nói rồi kể lại, giống như biên bản của một buổi họp, phải có thời gian, nơi chốn, lý do, chủ tọa, cử tọa bao nhiêu người… thì biên bản mới đầy đủ và có giá trị. Ở đây cũng vậy, muốn kể lại một bài pháp Phật nói, ngài A-nan trước hết nêu lên, tôi nghe Phật nói bài này ở đâu, lúc nào, có bao nhiêu người dự… là bằng chứng để người tin, nên gọi là chứng tín. Nghĩa là chính ngài nghe Phật nói rồi kể lại, chứ không phải tự nói ra.

Phần này có hai điểm:

Thứ nhất, ngài A-nan thuật lại chỗ nghe của mình để làm bằng chứng.

Thứ hai, lúc đức Phật du hóa, trong khi dừng nghỉ gặp hai thầy trò Phạm chí. Thầy thì chê Phật còn học trò thì khen Phật, hai người dùng đủ cách để khen chê. Hai thầy trò, hai tâm trạng trái nghịch nhau như thế là do chỗ học tập, tri kiến và thân cận của hai thầy trò khác nhau. Đây chỉ mới nêu lên nghi vấn.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

1. Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Rājagaha (Vương Xá) và Nālandā, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Lúc bấy giờ có Suppiya, du sĩ ngoại đạo, cũng đi trên con đường giữa Rājagaha và Nalandā cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo, dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán tăng. Như vậy cả hai thầy trò nói những lời hoàn toàn tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỷ-kheo. 

2. Rồi Thế Tôn đến nghỉ một đêm tại Ambalatthikā, nhà nghỉ mát của vua, cùng với chúng Tỷ-kheo. Suppiya, du sĩ ngoại đạo, cũng đến nghỉ một đêm tại Ambalatthikā, nhà nghỉ mát của vua, cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Tại đây, du sĩ ngoại đạo Suppiya cũng dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng, còn người đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán tăng. Như vậy cả hai thầy trò nói những lời tương phản nhau trong khi đi sau lưng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo.

Giảng:

Đối chiếu hai bên chúng ta thấy có chút sai biệt, câu mở đầu nguyên chữ Hán là Như thị ngã văn, hòa thượng Trí Đức dịch Tôi nghe như vầy, Pāli hòa thượng Minh Châu dịch Như vầy tôi nghe. Hai câu này trong kinh không khác, đây khác là do người dịch. Hòa thượng Trí Đức theo văn phạm Việt Nam thì chủ từ, động từ, túc từ. Hòa thượng Minh Châu thì để nguyên văn pháp ngoại quốc, Như vầy tôi nghe là túc từ đứng trước, kế chủ từ và động từ.

Hai đoạn kinh dài ngắn khác nhau, nhưng đều kể lại Phật từ thành Vương Xá trên đường đi đến Nālandā. Số Tỳ-kheo đi theo Phật, Hán tạng ghi một ngàn hai trăm năm mươi vị, còn Pāli ghi năm trăm vị Trong các bản kinh chữ Hán, luôn ghi một ngàn hai trăm năm mươi vị, kết tập như vậy có vẻ bị rập khuôn. Tạng Pāli thì gần với sự thật hơn, vì Phật đi có khi Tỳ-kheo theo đông, có khi ít, đâu phải lúc nào cũng y như vậy.

Phần kể hai vị du sĩ ngoại đạo khen chê Phật, ở tạng Pāli chỉ nêu hai thầy trò có những lời nói tương phản nhau, trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng đại Tỳ-kheo, chứ không nói gì về chỗ học tập, tri kiến và thân cận theo dị giáo như bên Hán tạng. Đó là chỗ khác nhau. Pāli có vẻ hợp lý, vì đây chỉ mới nêu lên chỗ tương phản thôi chứ chưa giải thích.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Nhiều vị Tỳ-kheo sau khi khất thực về, nhóm tại giảng đường bàn tán: 

– Kỳ lạ quá! Đức Thế Tôn có đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi chí ý của chúng sanh, nhưng nay có hai thầy trò ông Thiện Niệm cùng đi theo sau Phật và chúng tăng mà vì tâm trạng, tri kiến, học tập, thân cận khác nhau nên thầy thì dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, pháp và chúng tăng, còn trò thì dùng vô số phương tiện xưng tán Phật, pháp và chúng tăng. Sao thế? 

Giảng:

Đây là thắc mắc của chúng Tỳ-kheo, các vị thấy nghe như vậy, mới đặt vấn đề hỏi Phật: “Đức Thế Tôn, ngài có oai đức thần lực biết hết chí ý của chúng sanh, mà nay người thầy chê Phật, còn người trò thì khen, đó là lý do gì?”

Về văn tự, theo lối dịch của người Trung Hoa, khi dịch từ Sanskrit sang Hán, chữ nào dễ thì các ngài dịch, còn chữ khó chỉ dịch âm thôi. Như chữ Suppiya dịch nghĩa là Thiện Niệm, còn chữ Brahmadatta thì dịch âm là Phạm-ma-đạt. Vì vậy khi đọc chúng ta thấy có tên có ý nghĩa, có tên không ý nghĩa. Cũng như Tu-bồ-đề là dịch âm, còn dịch nghĩa là Thiện Hiện, hoặc Không Sanh. Lối dịch này khiến chúng ta lúng túng. Như chữ tam-muội, nếu căn cứ trên chữ mà giải nghĩa thì tam là ba, muội là tối, nghĩa là ba cái tối. Nhưng chữ tam-muội này là do đọc trại âm từ chữ samādhi. Do đó các tên được dịch nghĩa thì mới giải nghĩa, còn dịch âm thì để nguyên, nếu giải nghĩa là sai.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

3. Và khi đêm vừa mới tàn, một số lớn chư tăng, sau khi thức dậy, đã ngồi họp tại một gian nhà hình tròn và câu chuyện sau đây được bàn đến giữa chư tăng. 

– Này các hiền giả, thật kỳ diệu thay! Này các hiền giả, thật hy hữu thay! Thế Tôn, đấng Toàn tri, Toàn kiến, đấng A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, đã thấu hiểu sự xu hướng sai khác của chúng sanh. Suppiya, kẻ du sĩ ngoại đạo này dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng. Còn đệ tử du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta lại dùng vô số phương tiện, tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán tăng. Như vậy cả hai thầy trò đã nói những lời hoàn toàn tương phản trong khi đi sau lưng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo. 

Giảng:

Đối chiếu hai đoạn kinh này không sai biệt nhiều, chỉ khác chỗ Hán tạng thì nói: Kỳ lạ quá! Đức Thế Tôn có đại thần lực, đầy đủ oai đức, biết hết mọi chú ý của chúng sanh. Pāli thì nói: Thế Tôn, đấng Toàn tri, Toàn kiến, 

đấng A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, đã thấu hiểu sự xu hướng sai khác của chúng sanh. Khác nhau chỗ đó, còn phần nghi vấn hai bên nêu ra cũng giống nhau.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Đức Thế Tôn đang ở trong tịnh thất, dùng thiên nhĩ thanh tịnh có sức nghe xa hơn người thường, ngài nghe các Tỳ-kheo bàn tán như thế, liền rời khỏi tịnh thất đi đến giảng đường, ngồi trước đại chúng, dù đã biết, ngài vẫn cố hỏi: 

– Này các Tỳ-kheo! Có duyên cớ gì các ông nhóm lại đây và đang bàn luận gì đó? 

– Các Tỳ-kheo liền thưa lại Phật rõ các việc trên. 

Phật dạy: 

– Này các Tỳ-kheo! Nếu gặp người dùng cách này cách nọ hủy báng Như Lai, hủy báng chánh pháp và chúng tăng, các ông không nên vội sanh lòng oán giận hay có ác ý với người ta, vì nếu các ông sanh lòng oán giận hay có ác ý thì tự các ông đã phải bị hãm nịch rồi! 

– Này các Tỳ-kheo! Còn nếu gặp người dùng đủ cách khen ngợi Phật, pháp và chúng tăng, các ông cũng chớ vội lấy đó làm điều vui mừng kiêu hãnh, vì nếu các ông sinh tâm vui mừng kiêu hãnh thì tự các ông đã phải bị hãm nịch rồi! 

Tại sao thế? Vì đó chỉ là vài duyên cớ nhỏ về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu quả văn không thấu rõ thâm nghĩa, mới dựa vào chỗ thấy biết đó để tán thán thôi. Chẳng hạn như họ tán thán rằng: “Sa-môn Cù-đàm đã dứt trừ nghiệp sát, rời bỏ đao gậy, sinh tâm tàm quý, thương xót chúng sanh”, thì đó chỉ là duyên cớ nhỏ về oai nghi giới hạnh mà hàng phàm phu quả văn dựa lấy để tán thán Như Lai. 

Giảng:

Đức Phật đang ở trong tịnh thất, dùng thiên nhĩ nghe được các Tỳ-kheo ngồi tại giảng đường bàn luận như thế. Nghe biết rồi nhưng đến giảng đường ngài vẫn hỏi duyên cớ, khi nghe các Tỳ-kheo thuật lại, Phật dạy: Này các Tỳkheo! Nếu gặp người dùng cách này cách nọ hủy báng Như Lai, hủy báng chánh pháp và chúng tăng, các ông không nên vội sanh lòng oán giận hay ác ý với người ta, nếu các ông sanh lòng oán giận hay có ác ý thì tự các ông đã phải bị hãm nịch rồi! Khi nghe người khác hủy báng Tam bảo, nếu nóng giận có ác ý muốn trả thù họ thì đã bị hãm nịch. Ngược lại, nghe người khen ngợi tán thán Tam bảo thì sao? Này các Tỳ-kheo! Còn nếu gặp người dùng đủ cách khen ngợi Phật, pháp và chúng tăng, các ông cũng chớ vội lấy đó làm điều vui mừng kiêu hãnh, vì nếu các ông sanh tâm vui mừng kiêu hãnh thì tự các ông đã phải bị hãm nịch rồi! Nếu nghe người khen ngợi mà vui mừng kiêu hãnh thì cũng bị hãm nịch.

Hãm là giam cầm, nịch là chìm xuống. Như vậy, khi nghe người chê bai Tam bảo, chúng ta nổi giận có ác ý; nghe khen ngợi Tam bảo, vui mừng kiêu hãnh, cũng đều bị hãm nịch hết, hai việc đó kết quả như nhau.

Khi oán giận ác ý bị hãm nịch bị tội là phải, được khen vui mừng kiêu hãnh thì tội ở chỗ nào mà cũng bị hãm nịch? Phật muốn dạy chúng ta đứng trước khen chê đừng chủ quan. Nghe khen mừng, nghe chê giận thì cái thấy của chúng ta sẽ không đúng lẽ thật. Cần phải khách quan trước khen chê của người, nghe hết để biết rõ đúng sai. Đó mới là tinh thần của người chuộng sự thật. Bởi không giận, không mừng nên trí sáng suốt, bình tĩnh, nghe người khen đúng hay là chê đúng. Nếu có mừng, có giận thì không bao giờ thấy đúng.

Chủ quan là chấp vào bản ngã, bản ngã cá nhân và bản ngã tập thể. Bản ngã cá nhân là khi mình được khen thì mừng, bị chê liền giận. Còn bản ngã tập thể là khi vào đạo, bản ngã của chúng ta gửi vào đoàn thể Tam bảo, nên nghe khen Tam bảo thì mừng, chê thì giận. Gốc toàn là bản ngã. Mê lầm bản ngã thì bị giam cầm, bị chìm đắm trong biển luân hồi không thoát ra khỏi. Người tu phải gan dạ gác ngoài bản ngã, nghe khen chê như uống nước cam lồ. Không như vậy là bị kẹt vào bản ngã quá nặng, cứ lồng bản ngã vào trong mỗi thứ để rồi phiền não.

Hôm tôi giảng trong Viên Chiếu, Như Thủy hỏi: Trong kinh Phạm Võng Bồ-tát giới có đoạn nói, nghe người chê ngôi Tam bảo như trăm ngàn mũi giáo nhọn đâm vào tim… vậy so với kinh này nói có mâu thuẫn không?

Mới nghe dường như mâu thuẫn, nhưng sự thật thì không. Bởi vì Bồ-tát không còn thấy bản ngã riêng nữa, mà vì phụng sự Tam bảo, phụng sự chúng sanh. Do phụng sự Tam bảo, nên khi có điều xấu dở bị người chê bai phỉ báng Tam bảo, Bồ-tát thấy việc làm chưa tròn trách nhiệm nên xấu hổ, lòng đau như bị trăm ngàn mũi dao nhọn đâm vào tim. Bởi có đau mới gắng làm cho Tam bảo tốt đẹp hơn, chứ không phải nghe rồi tức giận, tìm cách tiêu diệt người chê bai mình. Phật dạy phải nghe cho đúng, đừng chủ quan, vội mừng giận, cũng không bảo nghe khen chê rồi cười thôi, mà nghe phải xét kỹ, có trí sáng suốt nhận thấy đúng sai rõ ràng, để ráng sửa cho hay. Đó là điều quan trọng.

Chúng ta là người tu, khi nghe người chê bai hoặc tán thán Tam bảo, chúng ta có nổi giận hay vui mừng kiêu hãnh lắm không? Thí dụ có người chê: Ôi! Cái chùa Thường Chiếu không ra gì hết, dở cái này dở cái kia… đủ thứ. Chúng ta có gan dạ vui vẻ nghe, hay lúc đó mặt mày đỏ bừng lên? Hoặc có người khen Thường Chiếu hay thế này hay thế nọ, chúng ta có nở mũi, kiêu hãnh không? Nếu có nóng giận hay vui mừng thì đều bị hãm nịch rồi! Chúng ta phải nghe một cách khách quan bình tĩnh, nhận biết đúng sai rõ ràng, không để bản ngã chen vào, vì bản ngã chen vào là mất sáng suốt.

Tinh thần người học đạo là chuộng lẽ thật, phải có trí tuệ sáng suốt, đừng lầm bản ngã. Người nào càng chấp ngã thì càng u tối, càng bướng bỉnh, không bao giờ cởi mở, hễ nói đến là nổi sân lên liền, người này không đến được đạo. Biết lắng nghe lẽ thật mới là người sáng suốt.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

4. Lúc bấy giờ Thế Tôn được biết câu chuyện đang bàn giữa chư tăng, liền đến tại gian nhà hình tròn và ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo: 

– Này các Tỷ-kheo, câu chuyện gì được bàn đến trong khi các ngươi ngồi họp tại chỗ này? Vấn đề gì đã được bỏ dở chưa nói xong? 

Nghe nói như vậy, các Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn! Tại đây, khi đêm vừa mới tàn, chúng con sau khi dậy, ngồi họp tại nơi gian nhà hình tròn và giữa chúng con, câu chuyện sau đây được bàn đến: “Này các hiền giả, thật kỳ diệu thay! Này các hiền giả, thật hy hữu thay! Thế Tôn, đấng Toàn tri, Toàn kiến, đấng A-la-hán, bậc Chánh đẳng giác, đã thấu hiểu sự xu hướng sai khác của chúng sanh. Suppiya, kẻ du sĩ ngoại đạo này dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng. Còn đệ tử du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta lại dùng vô số phương tiện, tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán tăng. Như vậy cả hai thầy trò đã nói những lời hoàn toàn tương phản trong khi đi sau lưng Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo”. Bạch Thế Tôn, đó là câu chuyện đang bàn đến nửa chừng của chúng con khi Thế Tôn đến! 

5. – Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng pháp hay hủy báng tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng ta, hủy báng pháp hay hủy báng tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng ta, hủy báng pháp hay hủy báng tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng? 

– Bạch Thế Tôn, không thể được! 

– Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng ta, hủy báng pháp hay hủy báng tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: “Như thế này, điểm này không đúng sự thật. Như thế này, điểm này không chính xác. Việc này không có giữa chúng tôi, việc này không xảy ra giữa chúng tôi”. 

6. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán pháp hay tán thán tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán pháp hay tán thán tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán pháp hay tán thán tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”. 

7. Này các Tỷ-kheo, thật sự chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai. Này các Tỷ-kheo, thế nào là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai? 

Giảng:

Mỗi hệ kinh có điểm khác nhau, theo Hán tạng thì khi Phật nghe chúng tăng bàn tán, ngài mới hỏi duyên cớ và chỉ dạy, nghe người phỉ báng hay tán thán Tam bảo, chớ đem lòng oán giận ác ý hoặc vui mừng kiêu hãnh. Vì sao? Vì khen chê đó chỉ là vài duyên cớ nhỏ về oai nghi giới hạnh, mà hàng phàm phu quả văn không thấu rõ thâm nghĩa, mới dựa vào chỗ thấy biết đó để nói. Quả văn là ít học, thiếu học. Hàng phàm phu ít học họ khen căn cứ vào những hình thức, chẳng hạn như họ tán thán rằng: Sa-môn Cù-đàm đã dứt trừ nghiệp sát, rời bỏ dao gậy, sanh tâm làm quý, thương xót chúng sanh… Khen như vậy là của hàng phàm phu ít học, chứ không phải cái khen cao cả.

Đoạn kinh bên Pāli có thêm một phần mà bên Hán tạng không có. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo: Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng pháp hay hủy báng tăng, và nếu các ngươi công phẫn phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng? Ở đây đức Phật nhấn mạnh vào điểm, nếu có người chê ngôi Tam bảo, chúng ta khởi lòng oán giận, buồn tức, thì lúc đó có đủ trí sáng suốt để xét đúng hay sai chăng? Chính câu hỏi này làm sáng thêm ý mà bên Hán tạng không có, còn lại thì hai bên giống nhau.

Chúng ta thấy Phật dạy thật kỹ ở hai điểm:

Một là, khi bị người ta chê bai hay khen ngợi Tam bảo, chúng ta phải có thái độ như thế nào? Điều này chúng ta làm được chưa? Rất khó! Chính những cái khó đó là chỗ tu. Học Phật là học giác ngộ, dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật. Muốn thấy đúng lẽ thật thì cần phải sáng suốt, bình tĩnh. Khi bình tĩnh lời nói chậm rãi thông suốt, còn bực bội thì lời nói hấp tấp vội vàng, nên phải tập bình tĩnh để có trí sáng suốt, thấy đúng lẽ thật. Thiếu tinh thần đó thì không được.

Hai là, chúng ta đừng chủ quan mà phải tập gác bản ngã qua một bên. Được vậy thì đối với bản thân, hay với người khác hoặc những thứ thân thuộc, chúng ta mới thấy nghe đúng lẽ thật. Bản ngã nặng quá thì không bao giờ thấy nghe được lẽ thật. Quan niệm của thế gian cho rằng, nếu nghe người khác nói xấu cha mẹ, người thân, phải rầy mắng họ để bênh vực gia đình. Đạo thì khác, đạo là chân lý cho nên chúng ta phải nghe lẽ thật, chứ đừng làm theo thói thường. Nghe để biết đúng thì sửa, còn sai thì phiền giận làm gì.

Đây là hai điểm quan trọng cần phải gắng nhớ. Khéo biết tu, huynh đệ sống chung phê bình cũng dễ, không có chuyện cãi vã nhau, mà biết lắng nghe để sửa đổi, được như vậy là tu khá rồi, chứ đừng nói chuyện trên mây xanh mà khi đụng tới một chút là đỏ mặt.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Hoặc họ tán thán rằng: Sa-môn Cù-đàm đã dứt bỏ nghiệp trộm cắp, không tâm trộm cắp. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ dâm dục, tịnh tu phạm hạnh, giữ giới hoàn toàn, sở hành thanh khiết. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ nghiệp nói dối, mà nói lời chí thành, chân thật, không dối gạt người đời. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ nghiệp nói hai lưỡi, không đem lời người này đến phá rối người kia, đem lời người kia đến phá rối người này, gặp kẻ tranh tụng làm cho hòa hợp, kẻ đã hòa hợp làm cho vui thêm, nói ra lời gì cũng cốt đem sự hòa hợp, thành thật đưa vào lòng người và nói phải lúc. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ nghiệp nói ác, không bao giờ nói lời thô ác thương tổn đến ai, không gây thêm oán hận, ghen tức, mà nói lời hay lành vui đẹp lòng người, ai cũng ưa nghe không chán. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ nghiệp nói thêu dệt thêm bớt, chỉ nói phải lúc, nói thành thật, nói có lợi, nói đúng pháp đúng luật, nói để ngăn ngừa sai quấy. 

Sa-môn Cù-đàm đã xả bỏ nghiệp uống rượu, không trang sức hương hoa, không xem ca múa, không ngồi giường cao, không ăn phi thời, không cầm vàng bạc, không chứa vợ con, tớ trai, tớ gái, không nuôi voi ngựa, heo dê, gà chó, điểu thú, không chứa tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, không chứa ruộng nhà, không gieo trồng ngũ cốc, không nắm tay đánh đập, không dùng cân đấu lường gạt, không sinh sự vô ích, cũng không âm mưu trước mặt khác sau lưng, phi thời không đi, vì nuôi thân mạng lường sức mà ăn, đi đến chỗ nào thì y bát mang theo như chim bay không rời hai cánh. 

Nhưng đó cũng chỉ là duyên cớ nhỏ về sự trì giới mà hàng phàm phu quả văn nương lấy để tán thán Như Lai. 

Hoặc họ tán thán theo sự so sánh như vầy: Các Bà-la-môn khác ăn của tín thí rồi còn kinh doanh sinh kế, gieo trồng cây cối, còn Sa-môn Cù-đàm không làm việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì tìm phương tiện mong cầu lợi dưỡng, chứa ngà voi tạp bảo, ghế giường cao rộng, mền nệm, mùng màn, chăn chiếu thêu dệt văn vẻ, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì tìm đủ phương tiện để trang sức, dùng dầu mỡ xoa mình, nước thơm tắm gội, bột thơm xông ướp, nước thơm chải đầu, hoặc mang tràng hoa đẹp, nhuộm sắc xanh, sửa mặt mày, xấu bông tai, soi gương trau tria, mang dép da quý, mặc áo trắng mịn, che dù, cầm phất lông, cầm cờ hiệu, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì chuyện trò du hý, chơi cờ, đánh bạc, tám lối mười lối cho đến trăm ngàn lối, đủ các trò chơi, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó.

Các Bà-la-môn khác thì chỉ nói lời vô ích chướng đạo, hoặc bàn việc vua chúa, quân mã, chiến đấu, việc quan liêu đại thần, xe ngựa ra vào dạo chơi vườn quán, việc nữ nhân nằm ngồi đi đứng, việc y phục, ăn uống, thân thích, việc vào biển tìm châu báu, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì dùng đủ phương tiện làm điều tà mạng, chuốt lời dua nịnh, xem tướng, chê bai, lấy lợi cầu lợi, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì ăn của tín thí rồi xúm nhau tranh tụng, hoặc ngồi ở viên quán, ao tắm, trong nhà, thị phi lẫn nhau rằng ta biết kinh luật ngươi không biết, ta đi đường chánh ngươi đi đường tà, đem trước để sau, lấy sau để trước, ta nhẫn ngươi được, ngươi không nhẫn ta, ngươi nói điều gì đều không chánh đáng, nếu có nghi ngờ hãy đến hỏi ta, ta đáp cho cả, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì tìm đủ phương tiện làm thông sứ cho vua, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, đi từ đây đến kia, từ kia đến đây, đem tin qua lại, hoặc tự làm, hoặc dạy người làm, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì lo luyện tập chiến trận đấu tranh, đao gậy cung tên, chọi gà, chó, heo, dê, voi, ngựa, trâu, lạc đà, hoặc đấu tài trai gái, hoặc luyện các thứ tiếng, tiếng thổi, tiếng trống, tiếng ca, tiếng múa, luyện các trò kỹ thuật, leo cao lộn nhào, còn Sa-môn Cù-đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì ăn của tín thí rồi làm việc chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như xem tướng trai gái tốt xấu lành dữ, xem tướng súc sinh để cầu lợi dưỡng, còn Sa-môn Cù đàm không các việc đó. 

Các Bà-la-môn khác thì ăn của tín thí rồi làm việc chướng đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy như kêu gọi sai khiến, ếm đảo quỷ thần, dùng vô số cách làm người ta khiếp sợ, làm tụ lại làm tan ra, làm cho khổ, làm cho vui, làm an thai sinh sản, hoặc phù chú người ta hóa làm lừa ngựa, hóa điếc đui câm ngọng, hoặc vòng tay đứng ngó mặt trăng mặt trời, làm đủ trò khổ hạnh để cầu lợi dưỡng, hoặc chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú, làm thuốc thang, châm chích trị liệu bệnh tật, hoặc tụng chú nước lửa, chú quỷ, chú Sát-ly, chú chim, chú chi tiết, chú an trạch, chú giải trừ lửa đốt, chuột cắn, hoặc tụng các thứ sách đoán biết chết sống, tụng sách đoán mộng, xem tướng tay tướng mặt, hoặc tụng sách thiên văn, tụng sách âm nhạc, hoặc xem thời tiết đoán có mưa không mưa, được mùa mất mùa, nhiều bệnh ít bệnh, khủng khiếp hay yên ổn, hoặc nói động đất, sao chổi, nguyệt thực, nhật thực, tinh thực hay không, rồi tùy chỗ xuất hiện mà đoán trước việc xảy ra, hoặc nói nước này sẽ thắng nước kia sẽ bại, nước kia hơn nước này thua, xem tướng cát hung mà đoán việc suy thạnh, còn Sa-môn Cù-đàm không làm các việc như vậy. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là những nhân duyên nhỏ nhặt về giới luật mà hàng phàm phu quả văn thường nương lấy để tán thán Như Lai. 

Giảng:

Đức Phật giải thích hàng phàm phu ít học khen Phật chỉ trên hình thức giới tướng, không phải khen chỗ cao siêu như những đệ tử hiền thánh.

Trong đây nói không chứa ruộng nhà, không gieo trồng ngũ cốc… Các việc này đương thời đức Phật không làm, mà bây giờ chúng ta có làm. Tại sao chúng ta không giữ đúng như đức Phật? Tôi nói kỹ chỗ này để tất cả hiểu.

Thời Phật tại thế cách chúng ta hơn hai ngàn năm, xã hội phong tục tập quán khác nhau. Ấn Độ tôn trọng những người du phương, khất sĩ. Người ta thích điều đó, Phật phải thị hiện như vậy để khỏi trái nghịch. Người du phương, khất thực thì trồng trọt, chứa đồ đạc, xe cộ, nhà cửa để làm gì? Nên thời Phật không giữ đồ ăn, không gieo trồng là phù hợp. Bây giờ xã hội trọng lao động, chúng ta không được phép đi khất thực mà phải sản xuất ra ngũ cốc, trồng tỉa để có ăn mà tu. Những việc trồng tỉa không cần trong hoàn cảnh xưa, nay thì không thể không làm. Hai thời gian khác nhau mà cứ đem ra so sánh làm theo sao được? Nhưng chúng ta cố gắng, điều nào cần thiết thì phải giữ, không giữ trăm phần trăm cũng giữ được bảy tám mươi. Trong cuộc sống hiện tại, làm sao thích ứng hợp thời, để chúng ta tu. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy được chỗ cao thượng, chứ không phải ở nơi hình thức đó. Nếu cứ chấp vào hình thức cho là cứu cánh, rồi chạy theo dư luận của phàm phu thì không thể tu được.

Đức Phật đã nêu rõ ràng, chứ đâu phải Phật nói là tuyệt đối phải theo. Lời nhắc nhở của bậc hiền thánh chúng ta phải hiểu và cố gắng thực hành, còn phàm phu ít học khen chê không quan trọng. Hiểu sâu Phật pháp, biết rõ đức Phật dạy điều nào thiết yếu và không thiết yếu, nếu chấp cứng thì không tu được.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

8. Sa-môn Gotama từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Này các Tỷ-kheo, đó là lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

Sa-môn Gotama từ bỏ lấy của không cho, tránh xa sự lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, sự sống thanh tịnh không có trộm cướp. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

Sa-môn Gotama từ bỏ tà hạnh, tịnh tu phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

Sa-môn Gotama từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thôi, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

9. Sa-môn Gotama từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này, không đi nói đến chỗ kia để sanh chia rõ ở những người này nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rõ ở những người kia. Như vậy Sa môn Gotama sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ đã hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

Này các Tỷ-kheo, Sa-môn Gotama từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, Sa-môn Gotama nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

Này các Tỷ-kheo, Sa-môn Gotama từ bỏ lời nói ý ngữ, tránh xa lời nói ý ngữ, nói đúng thời, nói những lời chán thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

10. Sa-môn Gotama không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ; Sa-môn Gotama dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời. Sa-môn Gotama từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch. Sa-môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận vàng và bạc. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận các hạt giống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận thịt sống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận đàn bà, con gái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận cừu và dê. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai. Sa-môn Gotama từ bỏ không phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Sa-môn Gotama từ bỏ không buôn bán. Sa-môn Gotama từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Sa-môn Gotama từ bỏ các tà hạnh, như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Sa-môn Gotama từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu. 

11. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống làm hại các hạt giống và cây cối. Như các hạt giống từ rễ sanh, hạt giống từ ngành cây sanh, hạt giống từ đất sanh, hạt giống từ chiết cây sanh và thứ năm là hạt giống từ hạt giống sanh. Còn Sa-môn Gotama thì không làm hại hạt giống hay cây cối nào. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

12. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cất chứa và thọ hưởng các đồ vật. Như cất chứa các món ăn, cất chứa các đồ uống, cất chứa vải, cất chứa xe cộ, cất chứa các đồ nằm, cất chứa các hương liệu, cất chứa các mỹ vị. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không cất chứa các vật trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

13. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống theo các du hý không chân chánh như múa, hát, nhạc, kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú, đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đấu vật, đánh giặc giã, dàn trận, thao dượt, diễn binh. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ các loại du hý không chân chánh như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

14. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống đánh bài và theo các trò giải trí như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi quăng thẻ rồi chụp nhưng không cho sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ, chơi đoán chữ viết thiếu trên không hay trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước bộ điệu. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ đánh bài và các loại giải trí như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

15. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các giường cao và giường lớn như ghế bành, ghế dài, nệm trải giường bằng len, vải trải giường nhiều tấm nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía, mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm thảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, nệm voi, nệm ngựa, nệm xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại với nhau, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm khảm với lầu che phía trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không dùng các giường cao và giường lớn như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

16. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, cũng vẫn sống dùng các đồ trang sức và mỹ phẩm. Như thoa dầu, đấm bóp, tắm, đập tay chân cho mềm dẻo, gương, kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt, sáp mặt, vòng tay, tóc giả trên đầu, gậy cầm tay, ống thuốc, gươm, lọng, dép thêu, khăn đầu, ngọc, phất trần, vải trắng có viền tua dài. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không dùng các loại trang sức và mỹ phẩm như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

17. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống nói những câu chuyện vô ích, tầm thường như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, các câu chuyện hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Còn Sa-môn Gotama từ bỏ không nói những câu chuyện vô ích, tầm thường kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

18. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp, như nói: “Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi mới thật đúng chánh kiến; lời nói của tôi mới tương ưng, lời nói của ngươi không tương ưng; lời nói của ngươi không tương ưng, những điều đáng nói trước ngươi lại nói sau, những điều đáng nói sau ngươi lại nói trước, chủ kiến của ngươi đã bị bài bác; câu nói của ngươi đã bị thách đấu; ngươi đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy; nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí”. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những cuộc biện luận tranh chấp đã kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai. 

19. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới, như cho các vua, cho các đại thần của vua, cho các vị Sát-đế-ly, cho các vị Bà-la-môn, cho các gia chủ, cho các thanh niên và nói rằng: “Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia; mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia”. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không cho đưa các tin tức và tự đứng làm môi giới. Như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

20. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, dèm pha, lấy lợi cầu lợi. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ không lừa đảo và siểm nịnh như trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

21. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hột cải v.v… vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế dầu, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu ma quỷ, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bồ cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn Sa-môn Gotama thì tránh xa những tà hạnh kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

22. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống mình bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tường đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những tà mạng kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

23. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước vua sẽ tiến quân, vua sẽ lui quân; vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối; vua ngoại bang sẽ tấn công, vua bản xứ sẽ triệt thối; vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ bại trận; vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự thất bại cho phe bên kia. Còn Sa-môn Gotama thì từ bỏ những tà mạng kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

24. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhựt thực, sẽ có tinh thực; mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng, mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động đất, sẽ có sấm trời, mặt trăng, mặt trời, các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhựt thực sẽ có kết quả như thế này, tinh thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương hướng sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có những kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng, mặt trời, các sao mọc, lặn, mờ, sáng, sẽ có kết quả như thế này. Còn Sa-môn Gotama thì tránh xa, không tự nuôi sống bằng những tà mạng kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

25. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như đoán trước sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ có hiểm họa, sẽ có bịnh, sẽ không có bịnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà hạnh kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

26. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến cho người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng, thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

27. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bịnh đau mắt, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bịnh cho con nít, cho uống thuốc làm bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn Sa-môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên. Này các Tỷ-kheo, như vậy kẻ phàm phu tán thán Như Lai. 

Này các Tỷ-kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai. 

Giảng:

Bản Pāli có giá trị về lịch sử, giúp chúng ta biết về tín ngưỡng, trang sức, cũng như những điều hay dở của thời đó. Đoạn này dài nhưng chủ yếu là nói lên hình thức mà ngoại đạo làm, nên chỉ so sánh đại khái vì thấy không khác. Pāli đề cập điều gì thì Hán tạng cũng có nói đến, chỉ có sai biệt về số lượng. Một bên thì quá dài dòng và nhiều chi tiết, khi đọc chúng ta dễ ngán, còn một bên thì đơn giản hơn.

Kết luận đức Phật nói: Này các Tỷ-kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai. Bởi vì các Bà-la-môn, Sa-môn khác làm những việc ấy còn Phật không làm nên người ta khen. Nhưng Phật nói lời khen đó không quan trọng, vì chỉ là việc nhỏ nhặt về giới luật chứ chưa phải việc đáng phải khen. Như vậy đức Phật đặt vấn đề gì quan trọng? Phần kế đi vào vấn đề đó.

HÁN TẠNG

Chánh văn 

Này các Tỳ-kheo! Còn có pháp sâu xa vi diệu, chánh đại quang minh hơn, mà chỉ hàng đệ tử hiền thánh mới lấy đó để tán thán Như Lai thôi. Pháp ấy là các đạo sĩ và Bà-la-môn tùy sở thích, kiến thức mà xướng lên vô số luận chấp sai lầm, nhưng quy kết lại, không ra ngoài, không nhiều hơn sáu mươi hai luận chấp, hoặc thuộc về loại bổn kiếp bổn kiến hoặc thuộc về loại mạt kiếp mạt kiến. 

Về bổn kiếp bổn kiến, các đạo sĩ và Bà-la-môn cứ theo sở kiến của mình mà xướng lên vô số luận chấp, nhưng quy kết không ra ngoài, không nhiều hơn mười tám luận chấp sau đây: 

Trước hết, có người chủ trương Thường trú luận, cho rằng bản ngã và thế gian là thường trú bất biến. Loại này có bốn thứ: 

1. Có những đạo sĩ hoặc Bà-la-môn, dùng nhiều phương thức để nhập định, rồi nhờ định tâm nhớ được trong vòng thời gian hai mươi thành kiếp, hoại kiếp mà xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến, vì chính ta nhờ định tâm nhớ lại trong vòng thời gian hai mươi thành kiếp, hoại kiếp, thấy chúng sanh trong đó không thêm không bớt, thường tụ không tán, đó là thật ngoài ra là hư dối. 

2. Có những đạo sĩ hoặc Bà-la-môn nhờ định tâm nhớ được trong vòng thời gian bốn mươi thành kiếp, hoại kiếp, rồi xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến, đó là thật, ngoài ra là hư dối. 

3. Có những đạo sĩ hoặc Bà-la-môn nhờ định tâm nhớ được trong vòng thời gian sáu mươi thành kiếp, hoại kiếp, rồi xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến, đó là thật, ngoài ra là hư dối. 

4. Có những đạo sĩ hoặc Bà-la-môn nhờ định tâm nhớ được trong vòng thời gian tám mươi thành kiếp, hoại kiếp, rồi xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến, đó là thật, ngoài ra là hư dối. Hoặc giả cũng có kẻ đạo sĩ và Bà-la-môn không nhờ định tâm mà lại nhờ trí lanh lợi, giỏi quan sát, rồi đem sở kiến của mình, biện tài của mình mà xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là bốn luận chấp sai lầm thuộc loại bổn kiếp bổn kiến mà hàng đạo sĩ và Bà-la-môn đã đề xướng. Những luận chấp ấy Như Lai đều biết rõ, và biết nhiều hơn, họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề để ý chấp trước, vì không chấp trước nên Như Lai giải thoát tịch diệt. Như Lai biết sự sanh khởi và tiêu diệt của các thọ, biết sự ái nhiễm và tội lỗi của các thọ, biết sự thoát ly các thọ, và nhờ trí tuệ quán sát bình đẳng mà chứng được vô dư giải thoát, nên gọi là Như Lai. 

Đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem tâm chân thành bình đẳng tán thán Như Lai. 

Giảng:

Phật bảo: Này các Tỳkheo! Còn pháp sâu xa vi diệu, chánh đại quang minh hơn, mà chỉ hàng đệ tử hiền thánh mới lấy đó để tán thán Như Lai thôi. Pháp ấy là các đạo sĩ và Bà-la-môn tùy sở thích, kiến thức mà xướng lên vô số luận chấp sai lầm, nhưng quy kết lại, không ra ngoài, không nhiều hơn sáu mươi hai luận chấp, hoặc thuộc về loại bổn kiếp bổn kiến hoặc thuộc về loại mạt kiếp mạt kiến. Bổn kiếp là những đời về quá khứ. Mạt kiếp là những đời sau này, thuộc về vị lai. Biết được quá khứ bao nhiêu đời, vị lai bao nhiêu kiếp, cái thấy đó biến thành những kiến chấp.

Trước tiên là chấp Thường trú luận. Bỗng nhiên họ chấp hay có lý do? Có những đạo sĩ hoặc Bà-la-môn, dùng nhiều phương thức để nhập định, rồi nhờ định tâm nhớ được trong vòng thời gian hai mươi thành kiếp, hoại kiếp mà xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là thường trú bất biến. Như vậy để thấy, chỗ chấp của ngoại đạo không phải bỗng dưng, mà do họ tự thấy được, có cảm xúc, có thọ nhận, thành ra kiến chấp. Bởi nhập định nhớ được, thấy trong bao nhiêu kiếp sanh đi tử lại, mà bây giờ họ vẫn còn sanh ra trên đời này và thế gian vẫn còn, nên nói thế gian và bản ngã là thường còn không mất. Họ cho chết sống là hiện tượng đổi thay, phần tinh thần thì còn mãi. Chính do thấy biết rõ ràng như vậy nên họ mới khẳng định đó là thật, ngoài ra là hư dối. Đến người thứ hai thấy bốn mươi thành hoại kiếp, người thứ ba thấy sáu mươi, người thứ tư thấy đến tám mươi thành hoại kiếp… Chỗ thấy của mỗi người hoàn toàn không giống nhau, bởi tu tới đâu thì thấy tới đó nên nói khác nhau, từ nhận thấy sai biệt mà sanh ra tranh cãi.

Phật nêu lên hai điểm: Một là, Phật không những thấy biết tất cả những gì ngoại đạo thấy mà còn thấy biết xa hơn nữa, nhưng ngài không bao giờ để ý chấp vào cái thấy biết của mình.

Hai là, Phật biết sự sanh khởi và tiêu diệt của thọ, sự ái nhiễm và tội lỗi cho đến sự thoát ly các thọ. Nhờ trí tuệ quán sát bình đẳng, biết tột cùng của thọ nhân, không dính không kẹt, chứng được vô dư giải thoát nên được gọi là Như Lai.

Đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem tâm chân thành bình đẳng tán thán Như Lai. Đại pháp vi diệu này mới đáng cho hàng đệ tử hiền thánh khen ngợi, còn những thứ kia chỉ là sự tướng mà hàng phàm phu ít học khen ngợi thôi.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

28. Này các Tỷ-kheo, lại có những pháp khác, sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, không thể nhận hiểu bởi luận lý suông, tế nhị, chỉ những người trí mới có thể nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết, chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến? 

29. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, với mười tám luận chấp. Và y chỉ theo gì, căn cứ theo gì, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về phía quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng ra nhiều sở kiến sai khác với mười tám luận chấp? 

30. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn” với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận, và chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp? 

31. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định; khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ kia chết đi tôi được sanh tại chỗ này”. Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói rằng: “Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. Tại sao vậy? Vì rằng tôi do nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm… còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số những vị Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn. 

32. Trường hợp thứ hai, có những Sa-môn, Bà-la-môn y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đời này có Sa-môn hay Bà-la-môn nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một thành kiếp hoại kiếp, hai thành kiếp hoại kiếp, ba thành kiếp hoại kiếp, mười thành kiếp hoại kiếp; nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này… còn những loại hữu tình kia lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ hai, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận và chấp rằng, bản ngã và thế giới thường còn. 

33. Trường hợp thứ ba, những Sa-môn hay Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận và cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đời này có Sa-môn hay Bà-la-môn nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười thành kiếp hoại kiếp, hai mươi thành kiếp hoại kiếp, ba mươi thành kiếp hoại kiếp, bốn mươi thành kiếp hoại kiếp, năm mươi thành kiếp hoại kiếp; nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ kia chết đi, tôi được sanh tại chỗ này”. Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói: “Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy, chúng vẫn thường trú. Tại sao vậy? Vì rằng tôi nhờ nhiệt tâm… nên tâm nhập định như vậy. Khi tâm nhập định như vậy, tôi nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười thành kiếp, hoại kiếp… bốn mươi thành kiếp hoại kiếp”. Nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi sống với tên như thế này… tôi được sanh tại chỗ này”. Như vậy người ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Người ấy nói: “Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, trụ đá… còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển, luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ ba, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới thường còn. 

34. Trường hợp thứ tư, những Sa-môn, Bà-la-môn y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Thường trú luận và chấp bản ngã và thế giới thường còn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đời có Sa-môn hay Bà-la-môn, là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: “Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường còn”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là lập trường thứ tư, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn. 

35. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn, với bốn luận chấp. Nếu có những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương Thường trú luận, chấp rằng: “Bản ngã và thế giới là thường còn”, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

36. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai biết như vậy, ngài lại biết hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm chứng được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

37. Những chấp pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã thắng tri, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng: 

Ngoại đạo cho sự thọ nhận của họ là thật, nên sanh ra chấp trước. Chỗ này thật sâu xa tế nhị. Phật nói: Những chấp pháp ấy, này các Tỷkheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Chỉ người trí mới thấy được chỗ chấp sâu kín của thọ, còn hàng phàm phu thì không thể nào thấy biết. Vì sao? Đây tôi nói kỹ lại chỗ chấp thọ này, để tất cả thấy rõ sự tai hại của thọ.

Thí dụ nhìn thấy một đóa hoa đang nở, người này khen đẹp quá, người khác chê không đẹp. Người thấy đẹp, người thấy không đẹp, cảm thọ đó là tùy theo trình độ nhận xét riêng tư của mỗi người. Nếu ai cũng cho cái thấy của mình đúng, đó là gốc của tranh cãi. Bởi thấy không giống nhau liền nổi giận, cho cái thấy của chúng ta là đúng, là chí lý, cho người khác nói bậy rồi cãi vã, ẩu đả nhau. Nếu người chấp nhận xét của mình là đúng, đó là chấp thọ, là cội gốc của tranh cãi. Ít thì cá nhân với cá nhân, đông hơn là tập thể với tập thể, lớn hơn nữa là nước này với nước kia đánh nhau, tất cả cũng từ chỗ chấp vào cái thấy khác nhau mà ra.

Nơi sáu căn của chúng ta, khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt. Mỗi thứ sanh ra cảm thọ đều không giống nhau. Như cùng một món ăn mà người ưa người không ưa, thí dụ mùi sầu riêng, người nói thơm người chê hội, vậy người khen thơm là đúng hay người chê hội là đúng? Cái lưỡi cảm thọ không giống nhau là tùy theo tập nhiễm sai khác. Cảm thọ của các căn kia cũng vậy. Nếu cảm thọ nơi các căn của mỗi người giống nhau hết thì khi chúng ta nhìn thấy người đẹp, người khác cũng thấy người đó đẹp, thấy người xấu người khác cũng thấy xấu, vậy thế gian này có nhiều chuyện tức cười lắm. Nhưng do chúng ta thấy người này đẹp, rồi người khác thấy người kia đẹp, vậy nên trên đời ai cũng có người thương hết. Nhờ cảm thọ khác nhau nên người thích món này, người thích món kia, người ưa ăn ớt, người thích ăn gừng… không có cái gì là ế ẩm. Thích đó là cảm thọ, cảm thọ của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Trong sáu thứ này, cảm thọ của ý là nguy hiểm nhất. Do sự khác biệt đó mà có khởi các thứ chấp, cho suy nghĩ của chúng ta là đúng, người khác sai, rồi bắt người khác phải chấp nhận theo mình, khác đi không chịu. Trong gia đình, anh em, vợ chồng cãi vã, trên thế giới đấu tranh nhau về ý thức hệ, đều vì chấp vào cảm thọ mà ra. Nên chấp vào cảm thọ là đấu tranh, là gốc của chìm đắm.

Người tu dù tụng kinh, giữ giới mà nghe câu nào chấp câu nấy, người đó cũng chưa giải thoát. Còn người nhìn hình thức bên ngoài tầm thường, nhưng đối tất cả việc thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm và suy nghĩ đều không dính kẹt, người này giải thoát. Khi chúng ta giữ được một giới nào, thấy người khác phạm mình ghét, đây cũng là chấp. Chỉ khi nào biết tất cả mà không chấp thọ, đây là điều đáng khen, là cao quý hơn hết.

Lục Tổ khi nghe kinh Kim Cang đến đoạn: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Nghĩa là đừng dính mắc nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên ngay chỗ không dính mắc đó mà phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Ngài liền ngộ. Như vậy giải thoát là không dính không chấp. Lục Tổ ngộ tại chỗ này, đi đứng nằm ngồi mà sáu căn không dính sáu trần là giải thoát, nên khi thấy có vị chấp vào ngồi thiền, ngài liền đến thổi lỗ tai… Nhưng nhớ, Tổ ngộ rồi thì làm vậy được, còn chúng ta chưa ngộ phải ráng mà ngồi.

Chỗ này kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa không khác. Phật nói đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, quan trọng nhất là chỗ này mà chúng ta không chịu nhìn thấy, lại so bì trên hình thức. Ở đây nói sáu căn không dính sáu trần, khi chúng ta tu đi đứng ngồi nằm không dính mắc đó là buông xả, giải thoát. Nếu căn trần không dính mắc mà không giải thoát thì tôi chịu đòn cho. Ngược lại cứ cột trói vào đó là có dính mắc, hơn thua, tranh đấu, sân si… thì làm sao giải thoát! Chúng ta phải học hiểu kỹ càng về các giai đoạn và sự phát triển của kinh điển, để không khéo lại phê phán sai lầm.

Phật nói: Những pháp ấy, Như Lai đã thắng tri, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. Trong kinh này Phật chỉ chỗ giải thoát rõ ràng, không nói Phật ngồi thiền cho tới Phi phi tưởng, Diệt tận định mới giải thoát, mà nói ngài biết tất cả những thứ người ta biết mà không kẹt chấp vào đó nên ngài giải thoát.

Phần này hai tạng không khác, Hán tạng giải thích đơn giản, như nói về bổn kiếp, bổn kiến do nhập định biết được thành kiếp, hoại kiếp hoặc hai mươi, bốn mươi, sáu mươi, tám mươi. Tạng Pali thì nói chi tiết hơn, biết được quá khứ, đời này sanh ở đâu, tên tuổi, cha mẹ, hoàn cảnh… như thế nào? Kể chi li nhưng rốt cuộc cũng là biết về quá khứ.

Đoạn kết Hán tạng nói có năm:

1. Như Lai biết sự sanh khởi.

2. Biết sự tiêu diệt.

3. Biết sự ái nhiễm.

4. Biết sự tội lỗi.

5. Biết sự thoát ly các thọ.

Bên tạng Pāli cũng nói, ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Tập khởi, văn Hán nói sanh khởi, diệt trừ là tiêu diệt, vị ngọt là ái nhiễm, những nguy hiểm tức tội lỗi, sự xuất ly là biết sự thoát ly các thọ.

Đây chỉ là cách gọi khác nhau, còn chỗ biết về thọ thì hai hệ kinh nói không khác.

Đoạn trước nói, Như Lai biết như vậy, ngài lại biết hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm chứng được tịch tịnh. Nói đến giải thoát thông thường chúng ta hay giải thích, muốn giải thoát thì phải biết trong mười hai nhân duyên, gốc của luân hồi là vô minh, là phiền não của quá khứ, vậy muốn diệt nó phải làm sao? Có kệ nói: Vô minh, ái, thủ tam phiền não. Hành, thủ nhị chi thuộc nghiệp đạo. Nghĩa là vô minh của quá khứ và ái, thủ của hiện tại là ba thứ phiền não. Hành của quá khứ và hữu của hiện tại, hai cái đó thuộc về nghiệp. Như vậy muốn diệt vô minh thì không thể diệt vô minh của quá khứ, mà phải diệt vô minh của hiện tại là ái và thủ. Ái, thủ là từ thọ. Thọ buông rồi thì không còn gì để ái, không ái thì không có thủ, không kẹt mắc nên tất cả đều giải thoát.

Có người nghi cho rằng do thọ mới có cảm giác, xả thọ thì không còn cảm giác, thành cây gỗ sao? Nói không thọ là ngay cái thọ đừng chấp, đừng dính mắc, chứ không phải không có cảm thọ. Thí dụ thấy bình hoa, đó là xúc. Ngoài có cảnh, trong có căn tiếp xúc nhau mà thấy bình hoa đẹp xấu, đó là thọ. Thọ khổ hoặc thọ lạc. Nếu khi tiếp xúc, thấy vẫn thấy, biết vẫn biết mà không chấp, đây là xả. Xả là xả cái chấp, chứ không phải không thấy. Tu là ngay thọ mà đừng chấp. Chúng ta thấy vậy mà người thấy khác, chỉ cười thôi thì ngay đó giải thoát, còn tranh cãi là trói buộc. Nên gốc của sự tu là biết mà xả, không chấp, đó là giá trị của pháp vi diệu đại quang minh. Còn không biết mà xả, ai nói sao cũng ừ đại là thành ngu ngốc rồi. Những người ít học chỉ trọng hình thức, còn người hiểu sâu thì nhìn vào chỗ thực hành. Đối trong mọi hoàn cảnh mà không dính không mắc, trên đường tu an lành tự tại giải thoát mới thật sự quý.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Lại có người chủ trương Bán thường bán vô thường luận, cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường. Loại này có bốn thứ: 

1. Đến lúc nọ, nhằm buổi sơ thủy của cõi thế gian này, có hạng chúng sanh ở cõi trời Quang Âm vì hết phước, hết tuổi thọ, hết nghiệp báo ở cõi trời mà phải sanh xuống một cõi trời thấp chót ở Sắc giới là cõi Phạm thiên. Được sinh vào đó một mình trước tiên, mới sinh tâm ái trước mà ước mong rằng: “Mong cho nhiều chúng sanh khác sinh lại đây với ta cho vui”. Tình cờ lúc đó, có những chúng sanh ở cõi Quang Âm vì hết phước, hết tuổi thọ, hết nghiệp báo cõi trời nên cũng phải sinh xuống cõi Phạm thiên. Thấy vậy, vị trời sinh tới trước tiên kia với tâm nghĩ lầm rằng: “Ở đây chính ta là Đại phạm thiên, ta tự nhiên có, không do ai sinh, ta biết khắp mọi điều, cai quản ngàn thế giới, ta tự tại tôn quý, biến hóa bậc nhất, ta là cha chúng sanh, riêng ta có trước còn các chúng sanh kia có sau, toàn do ước muốn của ta mà hóa thành cả”. Trong khi đó những chúng sanh tới sau cũng lầm tưởng rằng: “Kia là Đại Phạm thiên, tự sinh, không do ai sinh, ngài biết khắp mọi điều, cai quản ngàn thế giới, ngài tự tại biến hóa nhiệm mầu bậc nhất, ngài là cha chúng ta, riêng ngài có trước, sau mới có chúng ta, chúng ta đều do sự ước muốn của ngài mà hóa thành”. 

Lâu xa về sau trong số chư thiên đó có kẻ hết phước báo phải sinh xuống nhân gian và được xuất gia hành đạo, chuyên tâm nhập định, rồi nhờ định tâm biết lại tiền kiếp từng làm chư thiên, mới xướng lên rằng: “Vị trời Đại Phạm kia, ngài tự sinh, không do ai sinh, ngài biết đủ mọi điều, cai quản ngàn thế giới, rất tự tại tôn quý và biến hóa nhiệm mầu bậc nhất, ngài là cha chúng sanh, ngài thường trú bất biến, còn chúng ta do ngài tạo hóa, chúng ta vô thường biến dịch”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ nhất mà hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường. 

2. Cùng ở cõi Phạm thiên, nhưng có chúng sanh vì thường say mê trong những cuộc vui chơi cười cợt, hóa ra thân thể bì quyện và tâm ý phải bị lu mờ hư hỏng. Đến khi mệnh chung họ phải sanh xuống cõi nhân gian làm người và được xuất gia hành đạo, lo chuyên tâm nhập định. Nhờ định tâm họ biết lại được tiền kiếp lúc ở cõi trời, rồi xướng lên rằng: “Các chúng sanh kia nhờ không say mê cười cợt một cách khờ dại, nên được thường trú bất biến ở cõi trời, còn chúng ta vì hay say mê cười cợt nên phải bị vô thường biến dịch như thế này”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ hai mà các hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường và một nửa vô thường. 

3. Cùng ở cõi Phạm thiên nhưng có chúng sanh vì say mê ngó liếc ghen tỵ nhau, nên tâm ý phải bị lu mờ hư hỏng. Đến khi mệnh chung, họ phải sanh xuống cõi nhân gian làm người và được xuất gia hành đạo, lo chuyên tâm nhập định. Nhờ định tâm họ biết lại được tiền kiếp lúc ở cõi trời, rồi xướng lên rằng: “Các chúng sanh kia nhờ không say mê ngó liếc ghen tỵ nhau, nên tâm ý không bị lu mờ hư hỏng, mà được thường trú bất biến ở cõi trời, còn chúng ta vì hay say mê ngó liếc ghen tỵ, nên tâm ý bị lu mờ hư hỏng, đến phải làm thân vô thường biến dịch như thế này”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ ba mà các hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường. 

4. Có các đạo sĩ và Bà-la-môn không do định tâm mà do trí lanh lợi, giỏi quan sát, rồi đem tài xảo biện của mình xướng lên rằng: “Bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ tư mà các đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là bốn luận chấp sai lầm thuộc loại bổn kiếp bổn kiến mà hàng đạo sĩ hoặc Bà-la-môn đã đề xướng. Chỉ có Như Lai biết rõ những luận chấp đó, và biết nhiều hơn nữa, họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề có ý chấp trước nên Như Lai được giải thoát diệt độ. Như Lai biết sự sanh khởi và diệt tận của các thọ, biết sự nhiễm ái và tội lỗi của các thọ, biết sự thoát ly các thọ và nhờ trí tuệ quán sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn, nên gọi là Như Lai. 

Đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến các hàng đệ tử Phật đem lòng chân thành bình đẳng mà tán thán Như Lai. 

Giảng:

Bán thường bán thường luận, tức chấp phân nửa thường trú, phân nửa vô thường. Những người này cũng không phải ngẫu nhiên mà chấp, bởi họ do tâm tu hành nhập định, thấy được đời trước ở cõi trời Phạm thiên xuống. Chỗ chấp này là do họ cảm xúc, có sự lãnh thọ, do lãnh thọ mà sanh ra những luận chấp riêng biệt, rồi cho chỗ thấy đó là đúng ngoài ra không đúng, nên đưa đến tranh luận, mà tranh luận là gốc của đau khổ trầm luân.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Tụng phẩm thứ hai 

1. Này các Tỷ-kheo, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác, với bốn luận chấp? 

2. Này các Tỷ-kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, các loại hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang Âm thiên). Ở tại đấy, những loại chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. 

3. Này các Tỷ-kheo, có một thời đến một giai đoạn nào đó, sau một thời hạn rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra, nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung trống rỗng ấy. Vị ấy ở tại đấy, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian khá dài. 

4. Vị này, tại chỗ ấy, sau khi sống lâu một mình như vậy, khởi ý chán nản, không hoan hỷ và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác, cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, bị mạng chung và từ thân Quang Âm thiên, sanh qua Phạm cung để làm bạn với vị hữu tình kia. Những loại hữu tình ở đấy cũng do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy, trong một thời gian khá dài. 

5. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, vị hữu tình đầu tiên sanh qua nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài hữu tình ấy do chính ta sanh ra. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi niệm: Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này. Chính do sở nguyện của ta mà những loài hữu tình ấy đến tại chỗ này”. 

Các loài hữu tình đến sau cũng nghĩ như thế này: “Vị ấy là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì sao vậy? Vì ta đã thấy vị này sanh trước ở đây rồi. Còn chúng ta thì sanh sau”. 

6. Này các Tỷ-kheo, vị hữu tình sanh ra đầu tiên ấy sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn và được ít quyền hơn. 

Này các Tỷ-kheo, sự tình này xẩy ra. Một trong các loài hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ tới đời sống quá khứ ấy, chứ không nhớ xa hơn đời sống ấy. Vị ấy nói rằng: “Vị kia là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này. Chúng ta là vô thường, không kiên cố, yểu thọ và chịu sự biến dịch”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác. 

7. Trường hợp thứ hai, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác? 

Này các Tỷ-kheo, có những hạng chư thiên gọi là Khiddāpadosikā (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). 

Những vị này sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, các chư thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân thể của chúng. 

8. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong các loài hữu tình kia khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến chỗ này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, chứ không nhớ xa hơn đời sống ấy. 

9. Vị ấy nói rằng: “Những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, chúng sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc, nên không bị thất niệm. Nhờ không thất niệm, nên những chư thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của chúng, sống thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì chúng ta sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, chúng ta từ bỏ thân thể này, sống vô thường, không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác. 

10. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác? 

Này các Tỷ-kheo, có những hạng chư thiên gọi là Mano-padūsikā (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Chúng sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân chúng mệt mỏi, tâm chúng mệt mỏi. Các hạng chư thiên ấy thác sanh từ bỏ thân thể này của chúng. 

11. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong các vị hữu tình kia, khi thác sanh từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy, nhưng không nhớ xa hơn đời sống ấy. 

12. Vị ấy nói rằng: “Những vị chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, chúng sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày không nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của chúng không oán ghét nhau. Vì tâm trí chúng không oán ghét nhau, nên thân chúng không mệt mỏi, tâm chúng không mệt mỏi. Những hàng chư thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của chúng, sống thường hằng kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi”. Còn chúng ta bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, nên tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau, nên thân mệt mỏi và tâm mệt mỏi. Chúng ta thác sanh, từ bỏ thân này, sống vô thường không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác. 

13. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác? 

Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn, hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuộc theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: “Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy vô thường, không kiên cố, không thường trú, bị chuyển biến. Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn, bất biến, thường trú, không bị chuyển biến, thường hằng như vậy mãi mãi”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình, và vô thường đối với một hạng hữu tình khác. 

14. Này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

15. Này các Tỷ-kheo, Như Lai biết rằng: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng:

Đoạn này điểm sai khác ở luận chấp thứ tư. Bên Hán tạng chỉ nói tổng quát: Có các đạo sĩ và Bà-la-môn không do định tâm mà do trí lanh lợi, giỏi quan sát, rồi đem tài xảo biện của mình xướng lên rằng: “Bản ngã thế gian một nửa thường một nửa vô thường”. Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ tư mà các đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng bản ngã và thế gian một nửa thường một nửa vô thường. Ở tạng Pāli nói

Ở chi tiết hơn: Có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuộc theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy vô thường, không kiên cố, không thường trú, bị chuyển biến. Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn, bất biến, thường trú, không bị chuyển biến, thường hằng như vậy mãi mãi. Đó là điểm khác nhau của hai bên.

Đọc qua đoạn kinh Pāli tôi có nghi, vì bốn kiến chấp này thuộc về bổn kiếp, bổn kiến, tức thuộc về quá khứ. Trước đây những người này ở cõi trời Phạm thiên do hết phước sanh về cõi đó, rồi nhờ nhập định mà họ nhớ được đời quá khứ từ Phạm thiên sanh về đây. Nhớ lui về quá khứ tối sơ, nên gọi là bổn kiến, bổn kiếp. Nhưng theo như đây nói: Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy thường… Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn… là nói ngay nơi hiện tại này rồi.

Chúng ta nói thân do tứ đại hòa hợp, ngay tứ đại hòa hợp đó có cái chân thật, vậy có giống chỗ chấp bán thường bán vô thường này không? Tâm ý thức mà ngoại đạo chấp ở đây, là chỉ cho phần suy tư phân biệt của con người, chứ không phải cái thường vượt ra ngoài suy tư không còn đối đãi. Chỗ chúng ta nói thường, không phải căn cứ trên thân tứ đại hòa hợp, cũng không phải do tâm suy lường theo duyên. Tâm thường hằng này là cái vượt ra ngoài đối đãi, không theo phân biệt. Thế nên hoàn toàn không giống nhau.

Đọc đoạn này chúng ta thấy lý thú, nếu những vị ở Phạm thiên bình tĩnh, điềm đạm sống đúng với cõi trời thì họ an ổn ở đó hoài, còn vị nào có ý nhiễm dục thì lạc xuống trần gian. Hoặc vị nào ở Phạm thiên mà sanh tâm đố kỵ, oán ghét lẫn nhau, khiến thân tâm mệt mỏi rơi xuống trần gian. Hai điểm này có cái hay. Giả sử như chúng tăng ở Thường Chiếu, người nào sống đúng tinh thần lục hòa, bình thường như huynh đệ thì tu hành yên ổn, ở hoài. Còn chú nào có ý nhiễm dục, hoặc sanh tâm đố kỵ, ganh ghét oán hờn với huynh đệ thì ở lâu sanh chán, muốn rời khỏi Thiền viện. Cõi trời Phạm thiên như thế nào, ở đây cũng vậy. Dù chúng ta ở bất cứ đâu, nếu có ý chán nản bực bội thì rơi xuống theo nghiệp của mỗi người.

Đối chiếu sự sai biệt của hai bên về bốn luận chấp, đồng thời qua hình ảnh người xưa mà chúng ta nhìn lại cuộc sống hiện tại, cũng na ná như vậy. Chúng ta sống trong đoàn thể hoặc địa phương nào, muốn bền vững ở yên tu tập sinh hoạt, thì phải sống đúng theo quy luật của đoàn thể, của địa phương đó, còn nếu sống khác hơn thì phải tách rời ra, không tu hành được. Đó là lẽ thật, không phải chuyện xa xôi.

HÁN TẠNG

Chánh văn:

Thứ lại, có người chủ trương Hữu biên vô biên luận, cho rằng bản ngã và thế gian là hữu biên hoặc vô biên. Loại này có bốn thứ: 

1. Có những đạo sĩ và Bà-la-môn dùng nhiều phương thức để nhập định, rồi nhờ định tâm quán sát thấy cõi thế gian này có giới hạn, liền xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian là hữu biên. 

2. Có những đạo sĩ và Bà-la-môn nhờ định tâm quan sát thấy cõi thế gian này không có giới hạn, liền xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian vô biên. 

3. Có những đạo sĩ và Bà-la-môn nhờ định tâm quan sát thấy cõi thế gian này, ở thượng phương có giới hạn, còn bốn phương kia thì không giới hạn, liền xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian vừa hữu biên vừa vô biên. 

4. Có những đạo sĩ và Bà-la-môn chỉ nhờ có trí lanh lợi về các hiện tượng và giỏi quan sát, rồi đem tài quan sát xảo biện của mình xướng lên rằng: Bản ngã và thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là bốn lý lẽ sai lầm thuộc loại bổn kiếp bổn kiến mà hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng: Bản ngã và thế gian là hữu biên vô biên. Chỉ Như Lai mới biết rõ tà chấp đó, và biết nhiều hơn nữa, họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề có ý chấp trước, nên Như Lai được giải thoát tịch diệt. Như Lai biết sự sinh khởi và diệt tận của các thọ, biết sự ái nhiễm và tội lỗi của các thọ, biết sự thoát ly các thọ và đem trí tuệ quan sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn. 

Đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem lòng chân thành bình đẳng tán thán Như Lai. 

Giảng:

Lối lập luận này không có chỗ nào cần phải giải thích.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

16. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp? 

17. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên. Vị ấy nói rằng: “Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh. Vì sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống với tư tưởng thế giới là hữu biên. Do đó tôi biết rằng thế giới này là hữu biên, có một đường vòng chung quanh”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ theo đó, căn cứ theo đó, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên và vô biên. 

18. Trường hợp thứ hai, có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên và vô biên? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là vô biên. Vị ấy nói: “Thế giới này là vô biên, không có giới hạn”. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng xung quanh, những vị ấy nói không đúng sự thật. Thế giới này là vô biên, không có giới hạn. Tại sao vậy? Vì tôi nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống với tư tưởng thế giới là vô biên. Do đó tôi biết thế giới này là vô biên, không có giới hạn”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên. 

19. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy sống ở trong đời với tư tưởng thế giới là hữu biên về phía trên, phía dưới và thế giới là Vô biên về phía bề ngang. Vị ấy nói: “Thế giới này là hữu biên và vô biên. 

Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Thế giới này là hữu biên, có một đường vòng xung quanh”, thì những vị ấy nói không đúng sự thật. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Thế giới này là vô biên không có giới hạn” thì những vị ấy nói không đúng sự thật. Thế giới này vừa là hữu biên, vừa là vô biên. Tại sao vậy? Vì rằng, tôi nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, tôi sống ở trong đời với tư tưởng, thế giới là hữu biên về phía trên, phía dưới, và thế giới là vô biên về phía bề ngang. Do vậy tôi biết: Thế giới này vừa là hữu biên vừa là vô biên”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên. 

20. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị này tuyên bố như sau: “Thế giới này không phải là hữu biên, cũng không phải là vô biên. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Thế giới này là hữu biên có giới hạn xung quanh”, những vị ấy nói không đúng sự thật. Lại những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: 

“Thế giới này là vô biên không có giới hạn”, những vị ấy cũng nói không đúng sự thật. Lại những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Thế giới này vừa là hữu biên vừa là vô biên”, những vị ấy cũng nói không đúng sự thật. Thế giới này cũng không phải là hữu biên, cũng không phải là vô biên”. 

21. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương Hữu biên Vô biên luận với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

22. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng:

Phần này hai bên giống nhau không có gì sai khác.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Lại có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương “Hỏi đàng đáp ngả”. Loại này cũng có bốn thứ: 

1. Có các đạo sĩ và Bà-la-môn lý luận rằng: Ta nay không biết rõ làm điều thiện, điều ác, có quả báo hay không có quả báo. Nếu có kẻ học rộng nghe nhiều, trí tuệ thông minh, thường ưa ở chỗ thanh vắng suy ngẫm, có cơ trí biện luận tinh vi, phân biệt rành rẽ mọi điều, được ai nấy tôn trọng, họ đến hỏi ta các nghĩa lý thâm áo mà ta không đáp được thì sẽ thẹn với họ, tất phải sợ họ, chi bằng ta hãy dùng câu đáp sau này làm chỗ dựa, làm hòn đảo, làm cửa nhà, làm đạo lý cứu cánh cho mình. Nếu có ai hỏi: “Làm điều thiện, điều ác, có quả báo hay không?” Ta sẽ đáp ngay: “Việc đó như thế, việc đó như thật, việc đó khác, việc đó không khác, việc đó chẳng phải khác chẳng phải không khác”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ nhất mà các đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để chủ trương “Hỏi đàng đáp ngả”. 

2. Có những đạo sĩ và Bà-la-môn lý luận rằng: Mấy người có thiên nhãn và tha tâm trí, họ thấy rõ các việc xa xôi, họ gần kẻ khác mà kẻ khác chẳng thấy họ, mấy người ấy mới biết rõ ngoài đời này còn có đời khác hay không có đời khác, còn ta không biết được có đời khác mà cứ nói càn thì thành vọng ngữ. Nhưng ta ghét sợ nghiệp vọng ngữ lắm, nên hễ ai hỏi: “Có đời khác hay không?” Ta sẽ đáp ngay: “Việc đó như thế, việc đó có thật, việc đó khác, việc đó chẳng khác, việc đó chẳng phải khác chẳng phải không khác”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ hai mà các đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để chủ trương “Hỏi đàng đáp ngả”. 

3. Có các đạo sĩ và Bà-la-môn lý luận rằng: Ta không biết rõ thế nào là thiện, thế nào là bất thiện. Đã không biết rõ mà cứ nói như vầy là thiện, như kia là bất thiện, thành ra ta còn có ưa thích, đã có ưa thì có ghét, có ưa có ghét thì có sự lãnh thọ, nhưng ta muốn diệt trừ lãnh thọ, vì lãnh thọ là khổ, nên mới xuất gia hành đạo. Vì lẽ ta ghét sợ sự lãnh thọ đó, nên hễ ai hỏi: “Thế nào là thiện? Thế nào là ác?” Ta sẽ đáp ngay: “Việc đó như thế, việc đó có thật, việc đó khác, việc đó chẳng khác”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là lý lẽ sai lầm thứ ba mà các đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để chủ trương “Hỏi đàng đáp ngả”. 

4. Có các đạo sĩ và Bà-la-môn vì ngu si ám động không biết phân biệt phải quấy ra sao, nên bất cứ ai hỏi điều gì cũng chỉ đáp bằng một câu: “Việc đó như thế, việc đó có thật, việc đó không thật, việc đó khác, việc đó chẳng khác, việc đó chẳng phải khác chẳng phải không khác”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là điều sai lầm thứ tư mà các đạo sĩ và Bà-la-môn vì ngu si nên chủ trương “Hỏi dàng đáp ngả”. 

Này các Tỳ-kheo! Trên đó là bốn luận chấp thuộc loại bổn kiếp bổn kiến mà hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường đề xướng. Chỉ Như Lai biết rõ chỗ lầm chấp đó và biết nhiều hơn nữa họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề để ý chấp trước, nên được giải thoát tịch diệt. Như Lai biết rõ sự sanh khởi và tận diệt của thọ, biết sự ái nhiễm và tội lỗi của thọ, biết sự thoát ly các thọ và đem trí tuệ quán sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn. 

Ấy là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem lòng chân thành tán thán Như Lai. 

Giảng:

Hỏi đàng, đáp ngả là lối hỏi một đàng đáp một ngả, những người này sợ nói trật bị cười, hoặc sợ tội vọng ngữ, nên họ dùng lý lẽ đáp không bị kẹt bên nào hết.

Như đáp việc đó như thế, việc đó như thật, là hai câu xác nhận. Hai câu sau phủ nhận, việc đó khác, tức không phải; việc đó không khác, tức là đúng. Đó là lối nói nửa trúng nửa trật, vừa xác nhận vừa phủ nhận. Lối nói đó khiến người nghe không biết thế nào, là lối nói ăn gian, hỏi một đàng, đáp một ngả.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

23. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp? 

24. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Vị ấy nghĩ, tôi không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Và nếu tôi trả lời đây là thiện, hoặc tôi trả lời đây là bất thiện, thời dục, tham, sân hoặc hận khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể bị sai lầm. Nếu tôi sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn sẽ thành một chướng ngại cho tôi. 

Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời đây là thiện, cũng không trả lời đây là bất thiện. Khi hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn. 

25. Trường hợp thứ hai, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Vị ấy nghĩ, tôi không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Vì tôi không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Và nếu tôi trả lời đây là thiện, hoặc tôi trả lời đây là bất thiện, thời dục, tham, sân hoặc hận khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể chấp thủ. Nếu tôi chấp thủ, thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn, thời thành một chướng ngại cho tôi. 

Như vậy, vì sợ chấp thủ, vì chán ghét chấp thủ, nên vị ấy không trả lời đây là thiện, cũng không trả lời đây là bất thiện. Khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn. 

26. Trường hợp thứ ba, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Vị ấy nghĩ, tôi không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Vì tôi không như thật biết đây là thiện, không như thật biết đây là bất thiện. Và nếu tôi trả lời đây là thiện, hoặc tôi trả lời đây là bất thiện, có những Sa-môn, Bà-la-môn, bác học, tế nhị, nghị luận biện tài, biện bác như chia chẻ sợi tóc, những vị này đi chỗ này chỗ kia, như muốn đả phá các tà kiến với trí tuệ của chúng, chúng có thể đọ tài, chất vấn và cật nạn tôi. Nếu chúng đọ tài, chất vấn, cật nạn tôi, tôi có thể không giải đáp được cho chúng. Nếu tôi không giải đáp được cho chúng, thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn thời thành một chướng ngại cho tôi. 

Như vậy, vì sợ chấp thủ, vì chán ghét chấp thủ, nên vị ấy không trả lời đây là thiện, cũng không trả lời đây là bất thiện. Khi bị hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ ba, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn. 

27. Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn, Bà-la-môn đần độn ngu si. Vị này, vì đần độn ngu si, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, liền dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, anh hỏi tôi có một thế giới khác hay không? Nếu tôi nghĩ có một thế giới khác, tôi có thể trả lời với anh, có một thế giới khác. Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi, không có một thế giới khác phải không? Nếu tôi nghĩ, không có một thế giới khác, tôi có thể trả lời với anh, không có một thế giới khác. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi, không có một thế giới khác phải không? … (như trên)… Cũng có và cũng không có một thế giới khác? Cũng không có và cũng không không có một thế giới khác? Có loại hữu tình hóa sanh? Không có loại hữu tình hóa sanh? Cũng có và cũng không có loại hữu tình hóa sanh? Cũng không có và cũng không không có loại hữu tình hóa sanh? Có kết quả dị thục của các nghiệp thiện và ác? Không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác? Cũng có và cũng không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác? Cũng không có và cũng không không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác? Như Lai có tồn tại sau khi chết? Như Lai không có tồn tại sau khi chết? Như Lai có và không có tồn tại sau khi chết? Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết? Anh hỏi tôi như vậy. Nếu tôi nghĩ, Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Tôi có thể trả lời, Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải như thế, tôi không nói là không không phải như thế. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ tư, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn. 

28. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn, chúng sẽ chấp cả bốn luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

29. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng: 

Hai tạng giống nhau, nhưng bên Pāli cụ thể hóa bằng hình ảnh con lươn, giúp chúng ta thấy rõ ràng hơn. Con lươn trơn khi bị người nắm thì nó tuột mất, nên nói nắm đâu tuột đó. Cách lý luận này là cách nói chạy tuột không mắc kẹt, khiến người nghe nắm không được, bởi nói cái gì họ cũng có phần đúng phần sai. Như vậy ở đây một bên có dùng hình ảnh, một bên thì không, còn văn tự thì hai bên nói không khác bao nhiêu.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Thứ lại có người chủ trương Vô nhân luận cho rằng bản ngã và thế gian tự nhiên có ra, không nguyên nhân nào cả. Loại này có hai thứ: 

1. Hoặc có những chúng sanh ở vào một thế giới không tâm tưởng tri giác, nếu bỗng nhiên họ khởi sanh tư tưởng, tức thì họ chết và sanh xuống nhân gian làm người và được xuất gia hành đạo, chuyên tâm nhập định. Nhờ định tâm họ biết được tiền kiếp của mình ở cõi Vô tưởng, mới xướng lên rằng: “Ta trước vốn không nay bỗng nhiên có, thế gian trước vốn không nay bỗng nhiên có”. 

2. Có các đạo sĩ và Bà-la-môn nhờ có trí lạnh lợi về các hiện tượng và giỏi quan sát, mới đem tài xảo biện quan sát của mình xướng lên rằng “Ta trước vốn không nay bỗng nhiên có, thế gian này trước vốn không nay bỗng nhiên có”. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là hai luận chấp sai lầm thuộc loại bổn kiếp bổn kiến mà hàng đạo sĩ và Bà-la-môn thường dựa theo để cho rằng “Bản ngã và thế gian vô nhân tự có”. Chỉ Như Lai mới biết rõ các điều lầm chấp ấy, và biết nhiều hơn nữa, họ đã tin như thế nào, chấp như thế nào, có báo ứng như thế nào, nhưng Như Lai không hề để ý chấp trước, nên được giải thoát tịch diệt. Như Lai biết rõ sự sanh khởi và diệt tận của các thọ, biết sự ái nhiễm và tội lỗi của các thọ, biết sự thoát ly các thọ, và đem trí tuệ quán sát bình đẳng mà được giải thoát hoàn toàn. 

Đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem lòng chân thành tán thán Như Lai. 

Còn về lại mạt kiếp mạt kiến, như các đạo sĩ và Bà-la-môn cứ theo sở kiến của mình xướng lên vô số luận thuyết khác nhau, nhưng quy kết không ra ngoài, không nhiều hơn bốn mươi bốn thứ dưới đây: 

Trước hết có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận, cho rằng cõi thế gian có tư tưởng. Loại này gồm chỉ mười sáu thứ: 

Có người cho rằng sau khi ta chết ở đây sẽ sanh vào cõi có sắc chất và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không sắc chất chỉ có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi vừa có sắc vừa không có sắc chất nhưng có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chẳng phải có sắc chẳng phải không sắc chất nhưng có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có biên giới và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây sẽ sanh vào cõi chẳng phải có chẳng phải không biên giới nhưng có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi thuần một mặt hưởng vui và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi thuần một mặt chịu khổ và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có vui có khổ và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không vui không khổ và có tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chúng sanh chỉ có cùng một tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chúng sanh có bao nhiêu tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chúng sanh chỉ có một ít tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chúng sanh có vô lượng tư tưởng. 

Đó là mười sáu luận chấp sai lầm thuộc loại mạt kiếp mạt kiến, chỉ có Như Lai thấu hiểu rõ ràng, nhưng không chấp trước. 

Thứ lại có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận, cho rằng cõi thế gian không có tư tưởng. Loại này gồm chỉ tám thứ: 

Có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có sắc chất mà không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không sắc chất và không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi vừa có vừa không sắc chất và không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chẳng phải có chẳng phải không sắc chất và không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có biên giới mà không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không biên giới và không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi vừa có vừa không biên giới và không tư tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chẳng phải có chẳng phải không biên giới và không tư tưởng. 

Đó là tám luận chấp sai lầm thuộc loại mạt kiếp mạt kiến, chỉ có Như Lai thấu hiểu rõ ràng, nhưng không chấp trước. 

Giảng:

Ở đây chấp từ Vô nhân luận, cho tới Vô tưởng luận. Những luận chấp này là do khi trước họ ở cõi trời Vô tưởng, tức không có tâm tưởng; bây giờ có tưởng nên sanh ra ở thế gian. Do tu nhớ lại quá khứ thì thấy không có, vì vô tưởng; mà hiện tại có, nên họ nói trước không nay có. Bởi thấy mới nói chứ không phải bỗng dưng mà nói, đó cũng là cái lý của họ. Điều này cho chúng ta thấy, những người đề xướng ra một luận thuyết nào, cũng do họ có cảm xúc, có lãnh thọ rồi chấp vào đó, thành ra một lối luận chấp.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

30. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh? 

31. Này các Tỷ-kheo, có những chư thiên gọi là Vô tưởng hữu tình. Khi một tưởng niệm khởi lên, thời chư thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân chư thiên của mình. Này các Tỷ-kheo, sự tình này xảy ra. Một trong loài hữu tình ấy, khi thác sanh từ bỏ thân chư thiên ấy của mình, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Vị ấy nhớ đến khi tưởng niệm phát sanh, chớ không nhớ xa hơn nữa. Vị ấy nói: “Bản ngã và thế giới do vô nhân sanh. Tại sao vậy? Vì rằng tôi trước kia không có, nay tôi có. Từ nơi trạng thái không có, tôi trở thành loài hữu tình”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ nhất, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh. 

32. Trường hợp thứ hai, những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh? 

Này các Tỷ-kheo, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn là nhà biện luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuận theo thẩm sát, vị ấy tuyên bố: “Bản ngã và thế giới vô nhân sanh”. 

Này các Tỷ-kheo, đó là trường hợp thứ hai, y chỉ như vậy, căn cứ như vậy, một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh. 

33. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh, chúng sẽ chấp cả hai luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

34. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

35. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp trên. 

Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn hoặc Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác, chúng sẽ chấp cả mười tám luận chấp trên hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

36. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, Ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

37. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Và những vị Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai đề xướng nhiều ý kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp? 

38. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương hữu tưởng sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, với mười sáu luận chấp? 

Những vị này chủ trương, bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng. Chúng chủ trương, bản ngã có sắc và cũng không có sắc, bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc, bản ngã là hữu biên, bản ngã là vô biên bản ngã là hữu biên và vô biên, bản ngã cũng không hữu biên và cũng không vô biên, bản ngã là nhất tưởng, bản ngã là dị tưởng… bản ngã là thiểu tưởng… bản ngã là vô lượng tưởng, bản ngã là thuần lạc, bản ngã là thuần khổ bản ngã là khổ lạc… Chúng chủ trương, bản ngã là không khổ không lạc, không có bệnh, sau khi chết có tưởng. 

39. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương hữu tưởng sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn này chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chúng sẽ chấp cả mười sáu luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

40. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Tụng phẩm thứ ba 

1. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp? 

2. Những vị này chủ trương, bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng, bản ngã không có sắc, bản ngã có sắc và cũng không có sắc, bản ngã không có sắc và cũng không không có sắc, là hữu biên, là vô biên, là hữu biên và vô biên. 

Các vị này chấp bản ngã là phi hữu biên và phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng. 

3. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn này chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. 

Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết, chúng sẽ chấp cả tám luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

4. Này các Tỷ-kheo. Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài lại tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng: 

Những luận chấp này thuộc về bổn kiếp bổn kiến và mạt kiếp mạt kiến. Trong vị lai có mười sáu thứ chấp, mà ở đây chỉ nói đơn giản về cái chấp của con người. Họ chủ trương hoặc có sắc không sắc, có tưởng không tưởng, hoặc có một tư tưởng giống nhau, hoặc tư tưởng sai biệt, có ít tư tưởng, có nhiều tư tưởng v.v… Đây không có sự sai biệt gì khác.

Bên Hán tạng đối với tất cả luận chấp này, Phật chỉ kết luận Như Lai thấu hiểu ràng, nhưng không chấp trước. Còn bên Pāli thì nói: Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Thứ lại có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương Phi tưởng phi phi tưởng luận, cho rằng cõi thế gian chẳng phải tưởng chẳng phải không tưởng. Loại này gồm chỉ tám thứ: Có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có sắc chất mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không sắc chất mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi vừa có vừa không sắc chất mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chẳng phải có chẳng phải không sắc chất mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi có biên giới mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi không có biên giới mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi vừa có vừa không biên giới mà phi hữu tưởng phi vô tưởng; có người cho rằng sau khi ta chết ở đây, sẽ sanh vào cõi chẳng phải có chẳng phải không biên giới mà phi hữu tưởng phi vô tưởng. Đó là tám luận chấp sai lầm thuộc loại mạt kiếp mạt kiến, chỉ có Như Lai thấu hiểu rõ ràng, nhưng không chấp trước. 

Thứ lại có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, cho rằng chúng sanh chết rồi mất hẳn. Loại này gồm chỉ bảy thứ: Có người cho rằng xác thân gồm bốn đại là đất, nước, gió, lửa và sáu giác quan này, do cha mẹ sinh ra và nhờ sự bú mớm, nuôi nấng, áo cơm, vuốt ve, vệ hộ mới được khôn lớn, đó là vô thường biến đổi, tất phải diệt tận; có người cho rằng cái thân ta ở đây không thể bảo là diệt tận, cái thân ta ở cõi trời Dục giới mới diệt tận; có người cho rằng chỉ có cái thân hóa sinh gồm đủ giác quan của ta ở cõi Sắc giới mới bị diệt tận; có người cho rằng cái thân ta ở cõi trời Vô sắc không xứ mới bị diệt tận; có người cho rằng cái thân ta ở cõi Vô sắc thức xứ mới bị diệt tận; có người cho rằng cái thân ta ở cõi Vô sắc bất dụng xứ mới bị diệt tận; có người cho rằng cái thân ta ở cõi Vô sắc phi phi tưởng xứ mới bị diệt tận. 

Này các Tỳ-kheo! Đó là bảy luận chấp sai lầm thuộc loại mạt kiếp mạt kiến, chỉ có Như Lai thấu biết rõ ràng, nhưng không chấp trước. 

Giảng: 

Đoạn này so với bên Pāli không phải thiếu, chỉ là người dịch lược bớt để khỏi trùng lặp, nhưng hai bên không có gì khác.

PALI TẠNG

Chánh văn: 

5. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi hữu tưởng phi vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng với tám luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Phi hữu tưởng Phi vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng với tám luận chấp? 

6. Những vị này chấp: Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng, bản ngã là vô sắc, bản ngã có sắc và cũng không có sắc, bản ngã là phi hữu sắc và cũng phi vô sắc, bản ngã là hữu biên, bản ngã là vô biên, bản ngã là hữu biên và vô biên. 

7. Những vị này chấp rằng: Bản ngã là phi hữu biên và cũng phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng, với tám luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào, chủ trương phi hữu tưởng phi vô tưởng, chúng sẽ chấp cả tám luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

8. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

9. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chấp trước sự đoạn diệt, sự tiêu thất, sự hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp? 

10. Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hoặc Bà-la-môn chủ trương lý thuyết và ý kiến: “Vì bản ngã này có sắc, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh ra, khi thân hoại bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã này như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy một số người chủ trương sự đoạn diệt, sự tiêu thất và sự hủy hoại của loài hữu tình. 

11. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, thuộc Dục giới, ăn các đồ ăn đoàn thực. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

12. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác có thiên tánh, có sắc, do ý tạo thành, mọi chi tiết tay chân lớn nhỏ đều đầy đủ, không khuyết một căn nào. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

13. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả sắc tưởng, diệt trừ các tưởng chống đối, không ức niệm các dị tưởng, nhận hiểu hư không là vô biên. Đạt đến Không vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

14. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Không vô biên xứ, nhận hiểu: thức là vô biên. Đạt đến Thức vô biên xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

15. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Thức vô biên xứ, nhận hiểu: không có sở hữu. Đạt đến Vô sở hữu xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại bị hủy nát, tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

16. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có, nhưng bản ngã ấy như thế không bị hoàn toàn đoạn diệt. Lại còn một bản ngã khác vượt ngoài tất cả Vô sở hữu xứ, nhận hiểu: đây là tịch tịnh, đây là mỹ diệu. Đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bản ngã ấy ông không biết, ông không thấy. Bản ngã ấy tôi biết, tôi thấy. Bản ngã ấy khi thân hoại, bị hủy nát tiêu diệt, sau khi chết không còn nữa, nên bản ngã ấy như thế hoàn toàn đoạn diệt”. Như vậy có một số người chủ trương sự đoạn diệt, tiêu thất và hủy hoại của loài hữu tình. 

17. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu thất, hủy hoại của loài hữu tình, chúng chấp cả bảy luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

18. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng: 

Các vị ở cõi trời Phi phi tưởng, khi chết họ không nghĩ rằng thân ở cõi có sắc, hoặc không có sắc v.v… Đây là một lối nhìn của những vị ở cõi đó.

Những vị chủ trương Đoạn diệt luận, chấp cho rằng hiện tại chết rồi hết, là hoàn toàn đoạn diệt. Chấp diệt tận này rất sâu kín, hơn cái chấp diệt tận ở thế gian, nên khó dứt trừ.

Đoạn này hai bên dài ngắn khác nhau, nhưng ý không có gì sai biệt. Phần nói đức Phật biết tất cả… bên Pāli chi tiết đầy đủ hơn bên Hán tạng.

HÁN TẠNG

Chánh văn:

Thứ lại có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương: Hiện tại Niết-bàn luận, cho rằng chúng sanh hiện tại vẫn được Niết-bàn. Loại này gồm chỉ năm thứ: 

1. Có người cho rằng ta hiện đang vui hưởng cảnh ngũ dục, thế là ta được Niết-bàn hiện tại. 

2. Có người bảo đó vẫn là Niết-bàn hiện tại thật, nhưng còn có Niết-bàn vi diệu hơn mà chỉ riêng ta biết, chứ ngươi không biết, như khi ta nhờ xa lìa dục lạc, tội ác, nhưng tâm còn có giác có quán, được rời hẳn dục lạc sanh niệm vui mừng cao thượng, vào cõi Sơ thiền, ấy mới là Niết-bàn hiện tại. 

3. Có người lại bảo còn có cảnh Niết-bàn cao hơn mà chỉ riêng ta biết chứ ngươi không biết được, như khi ta nhờ diệt trừ giác quán, chỉ thủ một niệm mừng, không giác không quán rồi phát sanh niệm vui mừng cao thượng, vào cõi Nhị thiền, ấy mới là cõi Niết-bàn hiện tại. 

4. Có người lại bảo còn có cảnh Niết-bàn cao hơn, mà chỉ riêng ta biết chứ ngươi không biết được, như khi ta nhờ đuổi hết các nỗi vui mừng thô động, chỉ giữ lại niềm vui nhẹ nhàng, rồi vệ hộ niềm vui đó như hiền thánh ước mong tán thán, được vào cõi Tam thiền, ấy mới là cõi Niết-bàn hiện tại. 

5. Có người bảo còn có cõi Niết-bàn cao hơn mà chỉ riêng ta biết chứ ngươi không biết được, như khi ta nhờ đuổi hết mọi niềm vui khổ sau khi đã trừ hết niệm lo mừng, chỉ giữ lại một niệm thanh tịnh không vui không khổ, được vào cõi Tứ thiền, ấy là cõi Niết-bàn cao nhất. 

Này các Tỳ kheo! Đó là năm luận chấp sai lầm thuộc loại mạt kiếp mạt kiến, chỉ có Như Lai thấu hiểu rõ ràng, nhưng không chấp trước… Các ông nên biết đó là đại pháp quang minh thậm thâm vi diệu, khiến hàng đệ tử Phật đem lòng chân thành tán thán Như Lai. 

Và lại, các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương: Bản ngã và thế gian thường trú, cho đến chủ trương Chúng sanh hiện tại Niết-bàn, thì trí họ chỉ có chừng ấy, họ chỉ có lòng tin dị đoan, mong muốn dị đoan, nghe học dị đoan, trợ duyên dị đoan, cảnh giác dị đoan, kiến giải dị đoan, nhập định dị đoan, nhẫn nại dị đoan, rồi dự theo tri kiến dị đoan đó họ tuyên bố ra cho mọi người. Các chủ trương như thế đều do thọ phát sanh, nghĩa là các đạo sĩ và Bà-la-môn, sở dĩ chủ trương thế gian thường trú cho đến chủ trương chúng sanh hiện tại Niết-bàn, bởi họ dựa vào cái mà họ đã cảm xúc lãnh thọ được rồi cứ sanh lòng ưa thích theo, không chịu giác tỉnh. Hễ càng nhiễm đắm theo chỗ ưa thích từng nào lại càng bị chôn lấp đè bẹp từng ấy. 

Và lại, các đạo sĩ và Bà-la-môn sở dĩ chủ trương thế gian thường trú cho đến chủ trương chúng sanh hiện tại Niết-bàn, cũng bởi họ dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan, nếu không xúc đối thời cũng không thể có các chủ trương. 

Giảng:

Có các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, cho rằng chúng sanh hiện tại vẫn được Niết-bàn. Loại này gồm chỉ năm thứ: 

Hạng thứ nhất là chỉ cho người thế tục. Những người này sống ở thế gian hưởng đầy đủ dục lạc, nên họ cảm thấy đây như cõi Niết-bàn, không cần biết gì nữa.

Hạng thứ hai chỉ người tu về Tứ thiền, khi chứng Sơ thiền là Ly sanh hỷ lạc. Do lìa dục lạc được sanh hỷ lạc, ở trong hỷ lạc cảm thấy an lành tự tại cho đó là Niết-bàn.

Hạng thứ ba chứng Nhị thiền là Định sanh hỷ lạc. Do định được sanh hỷ lạc, rồi cho chỗ an lành đó là Niết-bàn.

Hạng thứ tư được Tam thiền, tức Ly hỷ diệu lạc, chỗ vui này hết sức tế nhị, họ cho chỗ đó là Niết-bàn.

Hạng thứ năm chứng được Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh, tới chỗ này tâm hoàn toàn thanh tịnh, họ cho đó là Niết-bàn.

Chúng ta tu cũng bỏ hết niệm, vậy có giống chỗ chấp bỏ hết niệm là Niết-bàn này không? Chỗ này cần phải giản trạch kỹ, không thì dễ bị lầm. Niết-bàn mà ngoại đạo chấp đây, ban đầu từ phàm phu sống với dục lạc cho đó là Niết-bàn; hạng thứ hai đến hạng thứ năm thì y cứ theo định, chứng được từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền mà cho đó là Niết-bàn. Ở chặng Tứ thiền gọi là Xả niệm thanh tịnh, tức là buông niệm, tâm được thanh tịnh. Chỗ này không khéo chúng ta lầm, cho rằng xả niệm ngay đó là chân thật, là Niết-bàn. Thí dụ chúng ta coi cải lương, thấy đào kép đang diễn tuồng lăng xăng trên sân khấu, khi vãn tuồng đào kép vô hết, chỉ còn lại sân khấu yên lặng. Yên lặng hay lăng xăng là sân khấu chứ không phải mình, mình là cái thấy được yên lặng, không phải cái yên lặng là mình. Như vậy cho Niết-bàn là chỗ xả niệm thanh tịnh, đó là lỗi. Lục Tổ quở ngồi thiền khán tịnh, tức là nhìn cái yên lặng cho đó là cứu cánh, là mình. Nếu cái yên lặng đó là mình thì chúng ta đâu cần giác. Phật tánh là giác chứ không phải là lặng. Lặng là lặng vọng tưởng, còn tánh giác là hằng biết không lầm lẫn. Chỗ này chúng ta cần phải hiểu kỹ, không khéo dễ bị lầm.

PALI TẠNG

Chánh văn:

19. Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Và những Sa-môn, Bà-la-môn này, y chỉ gì, căn cứ gì, chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp? 

20. Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn hay Bà-la-môn chủ trương và quan niệm: “Khi nào bản ngã này tận hưởng, sung mãn năm món dục lạc, như thế bản ngã ấy đạt đến tối thượng Niết-bàn của loài hữu tình”. 

21. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì rằng tính của dục lạc là vô thường, khổ, biến dịch. Vì tánh của chúng là biến dịch, chuyển hóa, nên ưu, bi, khổ, muộn, não phát sanh. Khi nào bản ngã ấy ly các dục lạc, ly các ác pháp, đạt đến và an trú vào đệ nhất thiền; thiền định này có tầm, có tứ, có hỷ và có lạc, do ly dục sanh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn”. Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình. 

22. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây thiền định ấy có tầm, có tứ nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy có tầm và tứ, đạt đến và an trú đệ nhị thiền. Thiền định này nội tâm yên tĩnh, trí chuyên nhất cảnh, không tầm, không tử, hỷ lạc do định sanh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn”. Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình. 

23. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây tâm trí có hỷ và bị kích động nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy không tham hỷ, trú xả, chánh niệm, chánh trí, thân hưởng lạc mà các bậc thánh gọi là Hỷ niệm lạc trú, đạt đến và an trú đệ tam thiền. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn”. Như vậy, có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình. 

24. Một vị khác lại nói: “Này ông, thật có bản ngã ấy như ông nói. Tôi không nói bản ngã ấy không có. Nhưng bản ngã ấy như thế, không phải hoàn toàn đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn. Vì cớ sao? Vì ở đây tâm thọ lạc nên gọi là thô tháo. Khi nào bản ngã ấy xả lạc và xả khổ, diệt trừ hỷ và ưu về trước, đạt đến và an trú vào đệ tứ thiền. Thiền này không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như thế, bản ngã ấy đạt đến tối thượng hiện tại Niết-bàn”. Như vậy có người chủ trương tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình. 

25. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Này các Tỷ-kheo, nếu có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp sự tối thượng hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình, những vị này sẽ chấp cả năm luận chấp trên, hay một trong năm luận chấp trên, ngoài ra không còn một luận chấp nào khác nữa. 

26. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mạng như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

27. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, sẽ đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác. Chúng sẽ chấp bốn mươi bốn luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

28. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mệnh như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. 

Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

29. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy luận bàn về quá khứ tối sơ và luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác. Những vị ấy sẽ chấp sáu mươi hai luận chấp trên, hay một trong những luận chấp trên, ngoài ra không có luận chấp nào khác nữa. 

30. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: “Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những định mệnh như vậy”. Như Lai tuệ tri như vậy, ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. 

31. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể nhận biết. Những pháp ấy Như Lai tự chứng trị, giác ngộ và tuyên thuyết, và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. 

Giảng:

Đoạn này nói: Như Lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa, và ngài không chấp sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh. Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ.

Như Lai ngay nơi thọ biết sự tập khởi của thọ, sự diệt trừ của thọ, vị ngọt của thọ, nguy hiểm của thọ và xuất ly của thọ. Bởi biết rõ năm thọ từ sáu xứ mà ra, nên ngài tự tại giải thoát, vượt ra ngoài tất cả. Chỉ đệ tử bậc hiền thánh mới biết mà khen ngợi Phật. Chỗ này hết sức hệ trọng, nếu chúng ta không nắm vững bài kinh này thì không thể hiểu được sự cao cả ấy.

Khi nhĩ căn tiếp xúc thanh trần liền khởi phân biệt hay dở, tốt xấu. Phân biệt đó là thức. Căn, trần, thức hòa hợp mà có cảm thọ hay dở. Vậy cảm thọ là do đủ duyên mới có, nó không thật, khi duyên mất thì liền tan hoại. Biết đủ duyên mới có là biết sự tập khởi của thọ. Biết thiếu duyên thì tan hoại là biết sự tiêu diệt của thọ. Biết cảm thọ êm dịu sanh vừa ý thích thú là biết vị ngọt của thọ. Biết mê thích vị ngọt của thọ mà tạo nghiệp, là biết nguy hiểm của thọ. Biết rõ nên không dính mắc sáu trần, đó là thoát ly của thọ.

Thí dụ như ở đây tất cả ba mươi người, có người ngày đêm sáu thời ngồi thiền quên ăn quên ngủ, nhưng khi bước ra khỏi bồ đoàn, ai nói gì giận nấy; còn có người cả ngày nấu nướng làm lụng lăng xăng, mà ai nói gì cũng cười không chút phiền giận. Hoặc có người giữ giới không ăn chiều, nhưng ai động tới liền giận; còn người ăn chiều không phiền giận ai. Vậy ai tu nhiều hơn? Thông thường chỉ nhìn thấy người ngồi thiền giữ giới là đáng khen, còn người làm lăng xăng ồn ào cả ngày thì không ai khen. Chỗ này chỉ người trí tế nhị, thâm trầm thì mới thấy mới biết, người thường không thể nào thấy được.

Trọng tâm của người tu là không phiền não chấp trước; dù giữ giới hay ngồi thiền nhiều, mà chấp trước cũng đều là bệnh. Chúng ta phải hiểu thật sâu mới thấy chỗ cao thượng của sự tu, chính đó là gốc của giải thoát. Nếu cứ nhìn và đánh giá qua hình thức thì quá nông cạn, người phàm phu ít học mới khen ngợi như vậy. Cho nên chúng ta tu phải học, học để hiểu điều nào cần yếu, điều nào phụ. Điều phụ chúng ta không bỏ, vẫn cố gắng giữ. Nhưng tùy hoàn cảnh tùy phương tiện, nếu không ăn chiều mà giữ giới được thì càng tốt, còn ăn chiều mà không chấp cũng tốt. Ngược lại, chúng ta lấy chỗ giữ giới làm cao cho là hay, rồi chấp vào đó phiền não bực bội thì dở. Thế nên người tu phải thấu suốt chỗ này, việc tu hành mới có lợi ích thiết thực.

HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Này các Tỳ-kheo! Đó là sáu mươi hai luận chấp sai lầm hoặc thuộc loại bổn kiếp bổn kiến, hoặc thuộc loại mạt kiếp mạt kiến mà các đạo sĩ và Bà-la-môn đã đề xướng tùy theo sở kiến của mình. Ta chỉ nói nội sáu mươi hai luận chấp đó là đã bao gồm tất cả. Ví như người đánh cá dùng cái lưới mắt nhỏ, bủa trùm vào một cái ao nhỏ, thì bao nhiêu loài vật trong ao đều lọt cả vào lưới, chứ không thể trốn tránh ngả nào. Tuy vậy, nếu vị Tỳ-kheo nào đối với sáu xúc đối của sáu giác quan biết được một cách đúng đắn như thật về sự phát khởi, sự diệt tận, sự nhiễm ái, sự tội lỗi, và sự thoát ly nó thì sẽ vượt ra ngoài vòng các kiến chấp sai lầm trên đó. 

Như Lai tự biết rõ đã dứt hết sanh tử, song sở dĩ Như Lai còn có thân là vì muốn gây phước lợi để cứu độ hàng chư thiên và nhân loại, nếu Như Lai không thân, thời hàng chư thiên và nhân loại không biết lấy đâu nương tựa, ví như giống cây đà-la, hễ đã cắt ngang thì không mọc lại. Như Lai cũng thế, đã dứt hết tử sinh luân hồi, vĩnh viễn không tái sinh lại nữa. 

Đương lúc Phật thuyết pháp môn này, cả thế giới đại thiên ba phen rung động theo sáu cách. Ông A-nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật, liền trịch vai áo quỳ gối, chắp tay bạch Phật rằng: 

– Pháp môn này rất thâm diệu, hãy gọi bằng tên gì? Làm sao phụng hành? 

– Phật dạy nên gọi là kinh Nghĩa động, Pháp động, Kiến động, Ma động, Phạm động. 

Ông A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. 

Giảng:

Đoạn cuối này bên Hán tạng nói hết sức đơn giản, sáu mươi hai thứ chấp trên đều từ xúc thọ mà ra. Nghĩa là các đạo sĩ và Bà-la-môn chủ trương thế gian thường trú, cho đến chúng sanh hiện tại Niết-bàn. Tất cả đều do dựa vào chỗ thấy, rồi có cảm xúc lãnh thọ, sanh lòng ưa thích nên tham ái phát khởi, đưa đến thủ hữu, từ đó dẫn đi tạo nghiệp đời sau, nên có sanh, lão tử, ưu bi khổ não… Bởi không giác tỉnh, nên càng nhiễm đắm chừng nào càng bị chôn lấp đè bẹp chừng ấy.

Sở dĩ chúng ngoại đạo chấp lung tung là do có cảm xúc rồi lãnh thọ, chấp lãnh thọ của mình là đúng, của người là sai nên mới sanh tranh luận. Biết rõ nguồn gốc từ thọ rồi thì không còn tranh luận nữa, vì sự sai biệt đó là tùy theo cảm thọ của mỗi người. Thí dụ như cùng một món ăn mà người ăn ngon, người ăn không ngon. Nếu hôm nay làm bếp nấu canh đem lên, có người chê sao lạt lẽo, chúng ta có giận không? Vừa lưỡi mình mà không vừa lưỡi người, là do cảm thọ sai biệt. Thường chúng ta luôn cho cái của mình là đúng, người khác là sai. Việc này tuy nhỏ nhưng người tu phải thấy được bệnh của mình, từng cái vướng mắc nhỏ mà đi đến cái lớn.

Từ một cá nhân nhỏ dẫn đến cả đại chúng không ai vừa ý ai. Khéo buông xả thì gặp người nào mình cũng vui, vì biết bệnh của mỗi người không ai giống ai, sự huân tập khác nhau, hiểu biết khác nhau mà bắt đồng ý hết sao được. Điều gì qua rồi thì thôi, vậy dù ở bao nhiêu người cũng không có chuyện xích mích. Nếu cứ chấp chặt vào những cái của riêng mình, thì dù ráng không nói ra cũng bực trong lòng lắm, đó là khổ đau của người không biết buông xả. Tu là xả những chấp trước chứ không có gì lạ, hiểu vậy chúng ta mới thấy sự hệ trọng của việc tu, đừng kẹt vào những hình thức bên ngoài.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Kết luận 

32. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường trú với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

33. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

34. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên Vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

35. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

36. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

37. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

38. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

39. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

40. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi hữu tưởng Phi vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

41. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

42. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

43. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

44. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối. 

45. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường trú với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

46. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

47. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

48. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi là do sự xúc chạm (của các căn). 

49. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

50. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tôi sơ, chấp kiến về quá khứ tôi sơ, y chỉ về quá khứ tôi sơ, đề xưởng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

51. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tường luận sau khi chết, chấp bản ngã có tường sau khi chết với mười sáu luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

52. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tường luận sau khi chết, chấp bắn ngã không có tưởng sau khi chết với tâm luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

53. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi hữu trưởng Phi vô tường luận sau khi chết, chấp bản ngã phi hửu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

54. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

55. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước sự hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

56. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

57. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Chủ trương ấy phát khởi do sự xúc chạm (của các căn). 

58. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

59. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

60. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu biên vô biên luận, chấp thế giới là hữu biên vô biên với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

61. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận. Khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác, dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn với bốn luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

62. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô nhân luận, chấp bản ngã và thế giới do vô nhân sanh với hai luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

63. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ, y chỉ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều ý kiến sai khác với mười tám luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

64. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã có tưởng sau khi chết với mười sáu luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

65. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

66. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết, chấp bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết với tám luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

67. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận, chấp trước sự đoạn diệt, tiêu mất, hủy hoại của loài hữu tình với bảy luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

68. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận, chấp trước hiện tại Niết-bàn của loài hữu tình với năm luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

69. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về tương lai, chấp kiến về tương lai, y cứ về tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với bốn mươi bốn luận chấp. Các vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

70. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai, luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Những vị này không có thể cảm thọ những chủ trương trên, nếu không có cảm xúc. 

71. Này các Tỷ-kheo, ở đây có những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Thường trú luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn với bốn luận chấp; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Ngụy biện luận; những Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Vô nhân luận; những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hữu tưởng luận sau khi chết, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Vô tưởng luận sau khi chết; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Phi hữu tưởng phi vô tưởng sau khi chết; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Đoạn diệt luận; những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương Hiện tại Niết-bàn luận; những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về quá khứ tối sơ; những Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với sáu mươi hai luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ, do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. 

Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sanh phát khởi; do duyên sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên. 

72. Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn nào luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ vào quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây. 

Này các Tỷ-kheo, cũng ví như người đánh cá lành nghề hay người học đánh cá vung lưới trên mặt hồ nước nhỏ có mắt sít sao. Người ấy nghĩ: “Những con cá lớn ở trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị bao phủ trong tấm lưới này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây”. Cũng như vậy này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào, luận bàn về quá khứ tối sơ, hay luận bàn về tương lai, hay luận bàn về quá khứ tối sơ và tương lai, chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác, tất cả những vị này đều bị bao phủ trong lưới của sáu mươi hai luận chấp này; dầu có nhảy vọt lên, những vị này vẫn bị hạn cuộc bao phủ nơi đây. 

73. Này các Tỷ-kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến đời sống khác đã bị chấm dứt. Khi thân của vị này còn tồn tại thời chư thiên và loài người còn có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung, thời chư thiên và loài người không thể thấy được. 

Này các Tỷ-kheo, như nhánh có một chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia. Cũng như vậy này các Tỷ-kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân của vị này còn tồn tại thời chư thiên và loài người có thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung thời chư thiên và loài người không thể thấy được. 

74. Khi nghe nói vậy, đại đức Ananda bạch đức Thế Tôn: 

– Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Pháp môn này gọi là gì, bạch Thế Tôn? 

– Này Ānanda, pháp môn này gọi là “Lợi võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Pháp võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Phạm võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Kiếm Võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Vô thượng chiến thắng”, hãy như vậy mà phụng trì. 

Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi kinh này được tuyên thuyết, một ngàn thế giới đều rung động. 

Giảng:

Bên Pāli kết luận rất dài so với Hán tạng. Đoạn này tạm chia ra ba phần:

Phần thứ nhất từ câu 32 đến 44, chỉ ôn lại các thứ chấp và nói rõ sở dĩ ngoại đạo chấp như vậy là do cảm thọ. Phần thứ hai từ 45 đến 57, nói cảm thọ có là do xúc chạm.

Phần thứ ba từ 58 đến 71, kết thúc lại Phật chỉ cho thấy, các thứ chấp đều do xúc sanh ra cảm thọ, rồi chấp trước vào đó mà có ưu bi khổ não.

Đây so sánh chỗ khác nhau của hai bản kinh. Bản kinh bên Hán tạng nói, Như Lai tự biết đã dứt hết sanh tử, song sở dĩ Như Lai còn có thân là muốn gây phước lợi để cứu độ hàng chư thiên và nhân loại, nếu Như Lai không thân, thời hàng chư thiên và nhân loại không biết lấy đâu nương tựa, ví như giống cây đà-la, hễ đã cắt ngang thì không mọc lại. Như Lai cũng thế, đã dứt hết tử sanh luân hồi, vĩnh viễn không tái sanh lại nữa. Bên hệ Pāli thì nói Này các Tỷ-kheo, thân của Như Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân của vị này còn tồn tại thời chư thiên và loài người thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung thời chư thiên và loài người không thể thấy được.

Một bên nói, Như Lai còn thân này thì chư thiên và loài người thấy, khi thân hoại rồi thì chư thiên và nhân loại không thấy. Còn một bên nói, sau khi giác ngộ rồi dứt hết mầm sanh tử, nhưng lưu thân lại để làm lợi ích cho chư thiên và loài người. Đó là chỗ khác nhau của hai bên.

Tại sao đây nói lưu thân lại làm lợi ích cho chư thiên và loài người? Bởi bậc đạt đạo giác ngộ đến chỗ cứu cánh như Phật, phải xả tuổi thọ mới chết chứ không thì sống hoài. Vì ngồi thiền đến nhập Diệt tận định có sức mạnh giữ được thân, nên muốn sống bao lâu cũng được. Tuổi thọ dài do sức định, định cao chừng nào thì tuổi thọ dài chừng ấy. Khi ngồi thiền có sức định, do sức mạnh bên trong quá siêu thoát, nên Phật chứng được chỗ đó rồi thì sống chết tự tại. Ở đây dùng chữ lưu thân này để làm lợi ích cõi trời cõi người, cho chúng ta thấy tầm vóc quan trọng, chư Phật và Bồ-tát tùy theo sở nguyện, nếu muốn độ chúng sanh thì mang hóa thân, muốn hết thì ngay đó hết cũng được. Nên nói lưu thân lại vì làm lợi ích chúng sanh, nếu không thì hàng chư thiên và nhân loại không biết lấy đâu nương tựa.

Bên Pāli nói khi thân còn tồn tại thì chư thiên và loài người còn có thể thấy. Khi thân hoại mạng chung thì chư thiên và loài người không thể thấy được. Còn thân là còn thấy, còn cúng dường cung kính. Đó là làm phước điền cho chúng sanh. Khi nhập Niết-bàn thì con mắt chư thiên và loài người không thể thấy, bởi vì không còn tướng mạo.

Kết thúc bài kinh này tôi tóm lược những điểm quan trọng sau:

1. Đức Phật dạy đối trước khen chê, chúng ta phải dùng tinh thần khách quan để phán xét chứ đừng chủ quan.

2. Những người khen chê căn cứ trên hình thức giới luật oai nghi, đó là khen chê của hàng phàm phu ít học, không quan trọng.

3. Tất cả luận chấp của ngoại đạo không phải ngẫu nhiên mà do cảm xúc lãnh thọ rồi chấp cứng vào đó, nên bị chìm đắm không giải thoát.

4. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần có cảm thọ, đừng chấp vào cảm thọ sai biệt, đó là trí tuệ chân thật. Thấy rõ bản chất của thọ, tức là biết sự tập khởi, sự tiêu diệt, vị ngọt, nguy hiểm và sự thoát ly của thọ. Như trong Kinh Kim Cang nói: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngay các pháp biết rõ các thọ là tạm bợ duyên hợp, không dính mắc vào nó là giải thoát, dính mắc là đau khổ.

Bài kinh này Phật dạy, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh thức tưởng cảm thọ, đừng để dính mắc vào cảm thọ thì được giải thoát. Quán sát thọ là hư dối, tạm bợ… không lầm chấp, đó là trí tuệ. Trí tuệ tức là Bát-nhã. Tinh thần Bát-nhã dạy chúng ta tu phải dùng gươm trí tuệ cắt đứt dây phiền não, phá trừ chấp trước.

Vì còn chấp là còn phiền não, hết chấp là hết phiền não. Toàn bộ bài kinh này đã nói ý nghĩa Bát-nhã, Lục Tổ khi nghe Kinh Kim Cang Bát-nhã đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngài liền ngộ. Đây là Phật trả lời câu ngài Tu-bồ-đề hỏi: “Chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ?” Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không dính mắc, đó là tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của bài kinh, hiểu cho thấu đáo tất cả phương tiện Phật dạy đều từ một gốc mà ra.

PHẦN TOÁT YẾU

Tóm lại phần trọng yếu của bài kinh Phạm Động này có những điểm sau:

1. Mở đầu bản kinh kể chuyện hai thầy trò ngoại đạo khen chê Tam bảo. Nhân việc khen chê, đức Phật chỉ cho thấy, đó chỉ là căn cứ trên hình thức oai nghi, giới luật… là khen chê của hàng phàm phu ít học, không quan trọng. Điều đáng khen là pháp đại quang minh thậm thâm vi diệu mà người thường không biết để khen. Pháp đó là gì? Là Phật biết tất cả pháp ngoại đạo biết và biết hơn thế nữa, nhưng Phật không chấp. Đó là chỗ mà hàng đệ tử hiền thánh mới biết để khen ngợi Phật.

2. Phật dạy người tu phải căn cứ trên chỗ cao siêu giải thoát, chứ đừng lệ thuộc vào hình tướng. Từ việc giữ giới cho tới các việc làm hàng ngày… khen ngợi như vậy là cái nhìn thô thiển cạn cợt, không đáng. Quan trọng là chúng ta phải tự xét biết rõ điều nào xấu dở, điều gì hợp với giải thoát, thì cố gắng khắc phục để tu tập được tốt.

3. Tất cả chấp trước của ngoại đạo không phải ngẫu nhiên, mà đều do nhập định có cảm xúc rồi lãnh thọ, nên thành chấp trước. Thí dụ chúng ta ức thuyết, nói chuyện khơi khơi thì nghe người nói khác mình không thể cãi. Ngược lại thấy biết rõ ràng, như nhập định thấy đời trước không bây giờ có… Thấy đó là do có cảm xúc, có thọ nhận, nên chủ trương của họ là có lý do, có căn cứ, rồi chấp chặt vào đó. Đức Phật biết từ đâu họ chấp, chấp vậy sẽ sanh về đâu… Phật biết rõ hết và biết hơn thế nữa, nhưng ngài không chấp, không cãi. Không chấp nên Phật giải thoát.

Chúng ta là đệ tử Phật mà không thông chỗ này, nên cả ngày cứ phiền não. Đi xuống nhà bếp thì rầy rà nhà bếp, lên nhà trên thì phiền não nhà trên, đi đâu cũng phiền não vì bất đồng ý kiến. Thí dụ huynh đệ với nhau, cùng nhìn một người mà người thấy dễ thương, kẻ thấy dễ ghét, khen chê. đủ thứ. Bởi thấy bất đồng, nên người dễ thương của người khác lại là kẻ khó thương của mình, hoặc ngược lại. Chỉ mới là những thứ bên ngoài cũng đủ cãi nhau rồi. Như vậy từ tất cả cảm xúc, lãnh thọ khác nhau mà sanh phiền não. Người tu biết thế nên dễ buông xả, còn người đời thấy không giống nhau thì giận hờn năm này sang năm khác, thậm chí tranh cãi rồi giết hại tàn sát lẫn nhau, cũng từ chỗ chấp riêng của mỗi người, mà tạo nghiệp sanh tử luân hồi.

4. Đức Phật dạy khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, đừng chấp thọ là thật. Thấy rõ bản chất của thọ, tức sự tập khởi, vị ngọt cùng sự đau khổ, sự tiêu diệt và thoát ly của thọ. Do biết các pháp như thật nên giải thoát. Biết rõ ràng các thọ là duyên hợp tạm bợ, không dính mắc thì không có gì để đau khổ, đó là cái thấy trí tuệ.

Tu không khó mà vì chấp nên thành khó. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần cảm thọ khổ vui, chúng ta có cãi nhau không? Có than không? Nếu bắt chúng ta ngồi thiền bốn tiếng không cho nhúc nhích, đau quá than là phải. Còn chỉ bảo đừng chấp vào cảm thọ thôi, đâu có gì khó mà làm không được! Mỗi người tu cố gắng bỏ cái thấy riêng tư, đừng lấy kinh nghiệm của mình bắt người khác phải theo.

Cảm thọ từ tai, mũi, lưỡi của mình, bảo người cũng phải cảm thọ y vậy thì sao được. Như người Việt Nam quen mùi nước mắm là thơm, người nước ngoài ngửi vào liền chế hôi. Trên tàu của người Nhật có dán tấm biển “cấm chở nước mắm”. Vậy nước mắm thơm hay hội?

Như vậy, theo cảm thọ mà tranh cãi thì thật là ngu si, vô lý. Ngu si là vô minh. Biết ngu liền buông xả không chấp trước thì thành trí tuệ. Trí tuệ tức Bát-nhã.

Đó là phần toát yếu của bản kinh này.

Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.