Kinh Pháp Cú giảng giải

XXV. Phẩm Tỳ Kheo



Pháp Cú 360-361.

Lành thay chế phục mắt, lành thay chế phục tai, lành thay chế phục mũi, lành thay chế phục lưỡi, lành thay chế phục thân, lành thay chế phục lời nói, lành thay chế phục tâm ý. Chế phục được hết thảy, thật lành thay! Tỳ-kheo nào chế phục được hết thảy thì giải thoát hết khổ. 

Đức Phật dạy chế phục được sáu căn thì hết khổ. Chế phục mắt là sao? Nó bệnh liền đi bác sĩ chữa phải không? Không phải! Như nhìn thấy món đồ đẹp, lòng tham dấy khởi, biết tham là gốc luân hồi sanh tử, thì thấy mà không tham. Như vậy là chế phục được mắt.

Chế phục tai là sao? Khi nghe người khen thì thích là ngã mạn, nghe người chê mà buồn thì dễ sân giận, mà ngã mạn và sân giận là gốc của luân hồi sanh tử. Vì vậy nghe khen không mừng, chê không buồn mới giải thoát, đó là chế phục được tai.

Chế phục mũi là sao? Có người rất cẩn thận, đi ngang chỗ nào có mùi hôi thì bịt mũi, mùi thơm thì hít vào. Người biết chế phục mũi thì mùi hôi mùi thơm đều thấy bình thường, vì nó bay qua rồi mất, không mắc kẹt ở mũi hoài.

Chế phục được lưỡi là sao? Phật dạy phải quán xét việc ăn như uống thuốc để trị bệnh đói khát khô gầy, khi đang đói bụng làm cho khó chịu, chỉ cần ăn đầy bao tử không quan trọng ngon dở, là chinh phục được cái lưỡi.

Chế phục thân bằng cách nào? Như có người quen ngủ nệm, hôm nào tới chỗ không có nệm thì lăn qua trở lại nghe đau mình, ngủ không được. Bây giờ phải tập có nệm hay không nệm cũng nằm ngủ được, như vậy là chế phục được thân.

Chế phục được lời nói cũng rất cần thiết. Có người vô ý xúc phạm đến danh dự của mình. Khi ấy muốn nói ra những lời dữ dằn cho đã giận nhưng kềm lại, đợi trong lòng mát mẻ rồi nói nhỏ nhẹ ôn hòa, đó là chế phục được lời nói.

Chế phục được tâm ý có hai trường hợp, bất thường và bình thường. Khi bị người làm trái ý không nổi nóng, hay ngũ dục làm não loạn không dấy lòng tham, như vậy là điều phục được tâm ý trong khi bất thường. Khi không buồn giận mà ứng dụng một pháp tu để tâm được yên tịnh, đó là điều phục tâm ý trong lúc bình thường. Tóm lại Phật dạy Tỳ-kheo nào chế phục được hết thảy sáu căn thì hết khổ, lành thay.

Pháp Cú 362.

Chế phục tay chân và ngôn ngữ, chế phục cái đầu cao. Tâm thích ưa thiền định, riêng ở một mình và tự biết đầy đủ, ấy là bậc Tỳ-kheo. 

Cái đầu cao là chỉ cho phần trên của thân, là phần quý trọng mà quý trọng là gốc của ngã mạn. Đức Phật dạy chế phục tay chân và ngôn ngữ, chế phục cái đầu cao, tức là luôn thúc liễm thân, khẩu và ý, phải dè dặt đừng cho tâm ý cống cao ngã mạn. Tâm ưa thích thiền định, riêng ở một mình và tự biết đầy đủ, ấy mới xứng đáng là bậc Tỳ-kheo.

Pháp Cú 363.

Tỳ-kheo nào điều nhiếp được ngôn ngữ, khôn khéo và thanh tịnh, thì khi diễn bày pháp nghĩa lời lẽ rất được hòa ái rõ ràng. 

Vị Tỳ-kheo nào nhiếp phục ngôn ngữ thì tâm thanh tịnh, nên khi diễn bày chánh pháp lời lẽ hòa ái, nghĩa lý rõ ràng.

Pháp Cú 364.

Tỳ-kheo nào an trú trong lạc viên chánh pháp, mến pháp và tùy pháp, tư duy nhớ tưởng pháp, thì sẽ không bị thối chuyển. 

Đức Phật dạy Tỳ-kheo luôn an trụ trong lạc viên tức là ngày đêm đều nhớ chánh pháp, nhớ lời Phật dạy trong kinh điển, quý trọng và thực hành theo sẽ không bao giờ thối chuyển,

Pháp Cú 365.

Chớ nên khinh điều mình đã chứng, chứ hâm mộ điều người khác đã chứng. Tỳ-kheo nào chỉ lo hâm mộ điều người khác tu chứng, cuối cùng mình không chứng được Tam-ma-địa tức là chánh định. 

Phật dạy không nên khinh điều mình đã chứng. Dù sở chứng của mình thấp hay cao cũng nên chấp nhận đó là thật. Còn sở chứng của người khác là của người, đừng một bề hâm mộ rồi quên tu, đó là hướng ngoại tìm cầu nên không an trụ trong chánh định.

Pháp Cú 366.

Hàng Tỳ-kheo dù tu chứng được chút ít cũng không sanh tâm khinh thường, cứ sinh hoạt thanh tịnh và siêng năng, nên đáng được chư thiên khen ngợi. 

Vị Tỳ-kheo tu hành đạt được kết quả chút ít, cũng không sanh tâm khinh thường, sống đúng giới luật và siêng năng tu hành thanh tịnh, đó là người đáng được chư thiên khen ngợi. Nếu một bề hâm mộ người, không lo tu hành, rốt cuộc không ai khen ngợi và cũng không được lợi ích.

Pháp Cú 367.

Nếu đối với thân tâm mà không chấp ta hay của ta. Vì không ta và của ta nên không lo sợ, người như vậy mới gọi là Tỳ-kheo. 

Người tu phải phá chấp ngã, nếu thấy thân tâm này thật là của ta thì còn chấp ngã, vì không ta và của ta nên không còn lo sợ. Người như vậy mới xứng đáng là một Tỳ-kheo.

Pháp Cú 368.

Hàng Tỳ-kheo an trú trong tâm từ bi, vui thích với giáo pháp Phật-đà, sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc, giải thoát các hành. 

Người tu an trú trong tâm từ bi, tức là lúc nào cũng quán từ bi, vui thích giáo pháp của Phật-đà, sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc và giải thoát tất cả pháp vô thường.

Pháp Cú 369.

Tỳ-kheo tát nước thuyền này, hễ hết nước thì thuyền nhẹ và đi mau. Đoạn hết tham dục và sân nhuế trong thân này thì mau chứng Niết-bàn. 

Chiếc thuyền chứa nhiều nước, muốn thuyền nhẹ và đi mau, chịu khó lấy gàu múc nước đổ ra. Cũng vậy vị Tỳ-kheo tu hành, mỗi ngày dẹp tham sân si nơi tâm thì sẽ mau đạt đến Niết-bàn. Chiếc thuyền dụ cho thân ngũ uẩn, nước là dụ cho phiền não tham sân si. Nếu hết phiền não thì đạt đến Niết-bàn, cũng như hết nước thì thuyền nhẹ mà vượt qua khỏi sông.

Pháp Cú 370.

Tỳ-kheo nào đoạn được năm điều, bỏ năm điều, siêng tu năm điều, vượt khỏi năm điều say dám. Tỳ-kheo ấy là người đã vượt qua dòng nước lũ. 

Tỳ-kheo nào bỏ được năm hạ phần kiết sử giới tức là tham, sân, thân kiến, giới cấm thủ và nghi của Dục giới. Đoạn được năm thượng phần kiết sử là tham đắm cõi Sắc giới, tham đắm thiền định cõi Vô sắc giới, trạo cử, mạn và vô minh. Chuyên tu năm điều tức là ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Vượt khỏi năm điều say đắm là tham, sân, si, mạn, ác kiến. Tỳ-kheo ấy là người đã vượt qua dòng nước lũ, sẽ đạt tới Niết-bàn. Dòng nước lũ là chỉ cho bốn thứ dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu, còn gọi là bộc lưu.

Pháp Cú 371.

Hãy tu định, chớ buông lung, tâm chớ mê hoặc theo dục. Đừng đợi đến khi nuốt hòn sắt nóng mới ăn năn than thở. 

Phật dạy phải tu thiền định chớ buông lung, đừng mê hoặc chạy theo ngũ dục thế gian. Hiện tại không lo tu hành, đợi đến khi chết xuống địa ngục nuốt hòn sắt nóng, lúc đó mới ăn năn than thở cầu cứu thì muộn quá rồi, cũng như đợi khát nước mới đào giếng, không thể nào làm kịp.

Pháp Cú 372.

Không có trí tuệ thì không có thiền định, không có thiền định thì không có trí tuệ. Người nào gồm đủ thiền định và trí tuệ thì gần đến Niết-bàn. 

Người tu phải có thiền định và trí tuệ. Đầy đủ hai phần này thì sẽ đạt đến Niết-bàn.

Pháp Cú 373.

Tỳ-kheo đi vào chỗ yên tĩnh, tâm thường vắng lặng, quán xét theo chánh pháp, được thọ hưởng cái vui siêu nhân. 

Người tu ở chỗ núi rừng vắng vẻ thì tâm thường yên tĩnh. Quán sát lời Phật dạy sẽ thọ hưởng những cái vui siêu nhân. Nếu Phật tử tại gia thường áp dụng, vẫn hưởng được niềm vui ấy. Như tu pháp quán vô thường, biết tất cả sự vật ở thế gian đều vô thường, nếu thấy ai nhiễm tài sắc, danh lợi thì đáng thương, đó là mình đã hơn họ một bậc, là vượt hơn người thường, gọi là siêu nhân.

Pháp Cú 374.

Người nào thường chánh niệm đến sự sanh diệt của các uẩn thì sẽ được vui mừng. Nên biết người đó không chết. 

Người còn ái ngã là còn yêu mình, nên khi mất thân này thì hoảng hốt tìm thân khác, do đó mãi chịu luân hồi sanh tử. Vì vậy Phật dạy người nào thường chánh niệm nghĩ đến sự sanh diệt của năm uẩn, thì sẽ được vui mừng hạnh phúc và thoát ly sanh tử.

Người tu xét thân ngũ uẩn là giả hợp, không có gì quý báu, nên không ái nhiễm thân, khi mất không cần tìm, vượt ra ngoài vòng sanh diệt tức là không bị chết, đó là gốc giải thoát.

Pháp Cú 375.

Nếu là Tỳ-kheo sáng suốt, dù ở trong đời, trước tiên vẫn lo nhiếp hộ các căn và biết đủ, lo hộ trì giới luật. 

Vị Tỳ-kheo sáng suốt dù ở trong thế gian, trước hết phải biết gìn giữ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không cho chạy theo sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Kế đó sự ăn, mặc, ở, thuốc men luôn biết đủ, đời sống vật chất giản dị không có gì quan trọng, lo gìn giữ giới luật cho thanh tịnh là tốt rồi.

Pháp Cú 376.

Thái độ thì phải thành khẩn, hành vi thì phải đoan chánh. Được vậy, họ là người nhiều vui và sạch hết khổ não. 

Đức Phật dạy người tu phải nhớ sống chết là việc lớn, vô thường mau chóng đến bất cứ lúc nào, phải mau giải quyết gấp việc sanh tử, đó gọi là thái độ thành khẩn. Làm việc gì mọi hành động đều phải đúng đắn chân chánh, không sanh tâm tà vạy làm lệch lạc. Được như vậy là người có nhiều niềm vui và sạch hết khổ não.

Pháp Cú 377.

Cành hoa bạt-tất-ca bị úa tàn như thế nào, thì Tỳ-kheo các ông cũng làm tham sân úa tàn thế ấy. 

Lúc Phật còn tại thế, các thầy Tỳ-kheo được Thế Tôn cho đề mục thiền định, liền lui vào rừng sâu và bắt đầu hành thiền. Các thầy đã từng trông thấy những hoa bạt-tất-ca buổi sáng nở tươi tắn, chiều đã úa tàn rũ cánh, tự nhủ chúng ta phải diệt trừ tham sân si nhanh chóng như những đóa hoa kia. Các thầy như được tiếp thêm sức mạnh, càng nỗ lực chuyên chú hành thiền và được kết quả như ý. Đức Thế Tôn quán sát các thầy Tỳ-kheo ấy và dạy câu pháp cú trên.

Chúng ta không biết cành hoa bạt-tất-ca ra sao, nhưng ở Việt Nam thì có hoa phù dung sớm nở tối tàn. Phật dạy các vị Tỳ-kheo phải dẹp tham sân si úa tàn nhanh chóng như thế.

Pháp Cú 378.

Tỳ-kheo nào thân tịch tịnh, ngữ tịch tịnh, tâm an trú tam-muội, xa lìa dục lạc, Tỳ-kheo ấy gọi là người tịch tịnh. 

Vị Tỳ-kheo giữ gìn thân, miệng thanh tịnh, tâm luôn an trú trong chánh định, xa lìa dục lạc, đó là người tịch tịnh an lạc.

Pháp Cú 379.

Các ngươi hãy tự cảnh sách, các người hãy tự phản tỉnh! Tự hộ vệ và chánh niệm, mới là Tỳ-kheo an trụ trong an lạc. 

Khi nghe người nói chuyện danh lợi, vừa khởi tâm tham liền nhắc, tu rồi tại sao lại tham danh lợi. Cho nên Phật dạy hãy tự cảnh tỉnh mình là nhìn lại tâm mình tỉnh hay mê, tốt hay xấu, định hay loạn. Người tu lo tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, luôn chánh niệm tỉnh giác, tu đúng theo chánh pháp, đó là biết tự hộ vệ. Tỳ-kheo nào được như vậy mới thật là an trụ trong an lạc.

Pháp Cú 380.

Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương náu cho các ngươi. Các ngươi hãy gắng điều phục lấy mình như thương khách lo điều phục con ngựa lành. 

Tự lo bảo hộ mình là đừng ỷ lại vào người khác. Chính mình là chỗ nương tựa lâu dài nhất, phải trông cậy vào mình, cố gắng phát huy những điều tốt và phá vỡ những điều xấu dở. Nếu tăng ni hay Phật tử hoàn toàn nương vào một vị thầy, mai mốt thầy chết rồi thì nương tựa vào ai! Cho nên ở đây Phật dạy phải cố gắng điều phục tâm mình, như người khách buôn điều khiển con ngựa hay, lúc nào cũng xem chừng để luyện tập nó chứ không dám lơ là.

Pháp Cú 381.

Tỳ-kheo đầy đủ tâm hoan hỷ, thành tin theo giáo pháp Phật-đà, sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc, giải thoát các hành. 

Vị Tỳ-kheo lúc nào tâm cũng vui vẻ hỷ xả, tin và thực hành theo giáo pháp của đức Phật, thì sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc và giải thoát các hành vô thường.

Pháp Cú 382.

Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi mà siêng tu giáo pháp Phật-đà, thì họ là ánh sáng chiếu soi thế gian, như mặt trăng ra khỏi đám mây mù. 

Những vị Tỳ-kheo tuy tuổi nhỏ mà tinh tấn tu hành đúng theo pháp Phật dạy, vị đó như ánh sáng chiếu soi thế gian, chẳng khác nào mặt trăng ra khỏi mây mù.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.