Kinh Pháp Cú giảng giải

XX. Phẩm Đạo



Pháp Cú 273.

Bát chánh đạo là đạo thù thắng hơn các đạo. Tứ đế là lý thù thắng hơn các lý. Ly dục là pháp thù thắng hơn các pháp. Cụ nhãn là bậc thù thắng hơn các bậc Thánh hiền. 

Người tu hành y cứ theo Bát chánh đạo mà tu vì đó là con đường thù thắng hơn hết. Bát chánh đạo là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Tứ đế là chân lý thù thắng hơn tất cả. Vì khi đạt được lẽ thật của Tứ đế rồi, thì mới có thể giải thoát sanh tử luân hồi. Ly dục là lìa tất cả dục lạc ở thế gian, chứng được Niết-bàn đó là pháp thù thắng hơn tất cả. Cụ nhãn là đầy đủ năm mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Nếu người đầy đủ năm mắt là bậc thù thắng hơn các bậc Thánh hiền. Còn người phàm phu phần nhiều được con mắt này mà thiếu con mắt kia.

Pháp Cú 274.

Chỉ có con đường này, chẳng còn con đường nào khác, có thể làm cho tri kiến các ngươi thanh tịnh. Các ngươi thuận làm theo thì bọn ma bị rối loạn. 

Pháp Cú 275.

Các ngươi thuận tu theo chánh đạo trên đây, thì khổ não sẽ dứt hết và biết rằng đạo ta nói có sức trừ diệt chông gai. 

Đức Phật nói con đường duy nhất là con đường Bát chánh đạo, không còn con đường nào khác hơn có thể làm cho chúng ta được các tri kiến thanh tịnh. Vì vậy phải thuận theo Bát chánh đạo mà tu, diệt trừ tham sân si thì bọn ma bị rối loạn.

Đầu tiên chúng ta phải thấy đúng lẽ thật là Chánh kiến. Nhờ thấy biết đúng như thật, nên tâm không bị vướng mắc vào cảnh và được bình an. Kế đến là Chánh tư duy, là suy nghĩ chân chánh. Nhờ suy nghĩ chân chánh mà nói lời chân thật hợp đạo lý, lợi mình lợi người. Nhờ biết đúng lý nhân quả nên sống theo Chánh nghiệp, không bao giờ hại người hại vật và mưu sinh bằng nghề nghiệp trong sạch hợp với đạo, siêng năng làm lợi mình lợi người, hay hơn nữa là tạo nghiệp vô lậu, lấy trí tuệ làm sức mạnh tu hành để đạt đến Niết-bàn. Luôn ghi nhớ kiểm điểm lỗi lầm của mình, lo tu hành để đoạn trừ và nghĩ nhớ đến đạo quả giải thoát. Muốn được vậy thì phải sống đúng chân lý, tâm không tán loạn, chuyên nhất vào một pháp tu để đạt được kết quả viên mãn.

Pháp Cú 276.

Các ngươi hãy nỗ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ. Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của các ngươi mà được cởi mở. 

Chúng ta phải tự nỗ lực vươn lên chứ đừng ỷ lại. Như Lai chỉ bày chánh đạo, còn hành đạo là do người. Phật chỉ dạy chúng ta con đường giác ngộ chứ không giác ngộ thế cho ai.

Ngày rằm, ngày ba mươi, Phật tử đem bó hương vào chùa, đốt ba cây hương quỳ lạy lẩm nhẩm, cầu Phật độ cho con! Phật có độ mình hay không? Phật bảo mình phải nỗ lực lên, con đường Bát chánh đạo ngài đã chỉ cho rồi, ai muốn giác ngộ y theo đó mà tu. Nhưng Phật tử cầu xin ngài độ, là bắt buộc ngài làm một việc ngoài ý muốn, nên không bao giờ được đáp ứng.

Ma vương trói buộc mình đủ thứ, muốn cởi mở phải có sức thiền định, mà thiền định là sự nỗ lực của chính mình, chứ không phải hoàn toàn ỷ lại vào đức Phật. Ngài là một bậc giác ngộ, chỉ cho con đường sáng suốt, chúng ta phải tự đi không ai đi thế. Nên nói sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của các ngươi mà được cởi mở.

Pháp Cú 277.

Các hành đều vô thường; khi đem trí tuệ soi xét được như thế, thì sẽ nhàm lìa thống khổ, đó là đạo thanh tịnh. 

Tất cả sự vật đều vô thường, đó là một chân lý. Nếu chúng ta dùng trí tuệ nghiệm xét đúng như vậy thì không còn tham đắm dục lạc, sẽ nhàm lìa thống khổ, đó là đạo thanh tịnh.

Pháp Cú 278.

Các hành đều là khổ; khi đem trí tuệ soi xét được như thế thì sẽ nhàm lìa thống khổ, đó là đạo thanh tịnh. 

Ở trên nói các hành vô thường, mà vô thường thì đi tới hoại diệt, nên nói đều là khổ. Nếu thấy được như vậy thì sẽ nhàm lìa thống khổ ở thế gian, đó là đạo thanh tịnh.

Pháp Cú 279.

Hết thảy pháp đều vô ngã; khi đem trí tuệ soi xét được như thế, thì sẽ nhàm lìa thống khổ, đó là đạo thanh tịnh. 

Ngày xưa ở Ấn Độ, Bà-la-môn giáo nói rằng trong mỗi chúng ta có một thần ngã chủ tể, không bao giờ biến đổi. Người bình dân thì chấp có linh hồn, như linh hồn ông A từ bé tới già tới chết, rồi đi đầu thai, dù có trải qua bao nhiêu kiếp cũng là linh hồn ông A không thay đổi, nếu chấp như vậy thì không đúng.

Đạo Phật không chấp nhận có linh hồn mà có thần thức, thần thức này luôn chuyển biến tùy sự huân tập. Như gần bạn tốt thì huân tập những tư tưởng tốt, thức chuyển thành tốt; gần bạn xấu huân tập những điều xấu thì thức bị ô nhiễm, nên có thêm bớt, tăng giảm, không có chủ tể thường nhất, gọi là vô ngã. Bởi nó luôn đổi thay mà mình chấp linh hồn bất biến, đó là sai lầm.

Tóm lại ở đây nói vô ngã là không có chủ tể, không thường còn, nếu hiểu được như vậy thì chúng ta xa lìa sự thống khổ, đó là đạo thanh tịnh.

Pháp Cú 280.

Khi đáng nỗ lực không nỗ lực, thiếu niên cường tráng lười biếng, ý chí tiêu trầm và nhu nhược. Kẻ biếng nhác làm gì có trí để ngộ đạo. 

Đang lúc thiếu niên đầy đủ khí lực, mà không cố gắng tu hành và làm phước thiện, tới chừng già, đi không nổi, muốn tu làm sao tu, đó là lãng phí một đời. Đức Phật khuyên chúng ta ngay từ bây giờ phải nỗ lực tu hành, đừng hẹn lần hồi mà chậm trễ. Người lớn tuổi thì tu theo khả năng sức khỏe của mình, đừng đợi đến khi già yếu chân mỏi gối dùn, muốn tu cũng không được. Người trẻ có đầy đủ sức khỏe thì phải nỗ lực tiến tu, nếu cứ buông lung làm cho ý chí tiêu hao nhu nhược thì không bao giờ giác ngộ.

Pháp Cú 281.

Thận trọng lời nói, kềm chế ý nghĩ, thân không làm ác, ba nghiệp thanh tịnh, là được đạo Thánh nhân. 

Người nào gìn giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh là được đạo Thánh nhân. Phật dạy rất nhiều cách tu, nhưng hệ trọng hơn hết là tu ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thận trọng lời nói là phải lựa lời lành mà nói, không nói những lời hung dữ, không cho ý nghĩ phóng túng chạy theo dục lạc thế gian. Thân không làm ác là không sát hại sanh vật, mà lúc nào cũng cứu giúp người và vật. Ba nghiệp thanh tịnh thì sẽ được đạo Thánh nhân. Cho nên chỗ khác nói nếu ba nghiệp thanh tịnh thì đồng với chư Phật về Tây phương. Tóm lại giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, đó là việc tu hành căn bản.

Pháp Cú 282.

Tu Du-già thì trí phát, bỏ Du-già thì tuệ tiêu. Biết rõ được hai lẽ ấy thế nào là đắc thất, rồi nỗ lực thực hành, sẽ tăng trưởng thêm trí tuệ. 

Du-già tức là Yoga, ở đây chỉ cho thiền định. Do thiền định, trí tuệ phát sanh, nếu bỏ tu thiền định thì trí tuệ tiêu tan. Định cũng như ngọn đèn không bị gió xao nên rất sáng, như vậy muốn cho ngọn đèn đầy đủ ánh sáng thì phải có bóng chụp ở ngoài. Bóng đèn ngăn gió dụ cho tu thiền định, bởi do thiền định thì trí tuệ mới phát khởi. Khi tâm yên tĩnh thì ý nghĩ sáng suốt, tâm rối loạn thì nghĩ tính việc gì cũng không được, định là điểm tựa phát sanh trí tuệ. Cho nên không thiền định thì trí tuệ sẽ lu mờ.

Người nào biết rõ hai lẽ đắc thất phải nỗ lực thực hành sẽ tăng trưởng thêm trí tuệ. Thế nào là đắc thất? Nếu tu thiền định thì trí tuệ tăng trưởng, bỏ thiền định thì không có trí tuệ. Biết như vậy rồi nỗ lực tu hành.

Pháp Cú 283.

Hãy đốn rừng dục vọng, chớ đốn cây thọ lâm; từ rừng dục vọng sinh ra lo sợ, hãy thoát ngoài rừng đục. 

Đức Phật dạy hãy đốn rừng dục vọng vì tất cả khổ đau đều do dục vọng mà ra. Chúng ta ngồi lại tự kiểm điểm tâm mình, thấy nó dấy khởi trăm ngàn vạn sự, nhiều như là rừng cây. Thí dụ có người ra ứng cử nghị viên, mong mỏi sẽ được đắc cử làm ông Nghị, cho nên sắp tới ngày bầu cử thì lo sợ không biết mình đắc cử hay không? Do tham chức nghị viên nên mình và gia quyến đều lo lắng sợ sệt. Lại có người mong mỏi trúng số độc đắc để được nhiều tiền, được ăn ngon mặc đẹp v.v.. nếu còn tham cầu những điều đó thì còn lo sợ khổ sở.

Cho nên đức Phật dạy người tu hành phải đến rừng dục vọng thì tâm mới an định và phát sanh trí tuệ.

Pháp Cú 284.

Những sợi dây tình ái giữa nam nữ chưa dứt, thì tâm còn bị buộc ràng như bò con còn bú sữa, chẳng rời vú mẹ. 

Pháp Cú 285.

Tự mình dứt hết ái dục, như lấy tay bẻ cành sen thu. Siêng tu đạo tịch tịnh, đó là Niết-bàn mà đức Thiện Thệ đã truyền dạy. 

Người chưa hết lòng ái dục nam nữ thì bị lôi cuốn trong vòng luân hồi, đức Phật thí dụ như bò con khi chưa dứt sữa thì mẹ đi tới đâu nó theo tới đó, cả hai không rời nhau, mầm của ái dục là vậy.

Phật dạy phải tự mình dứt hết ái dục như người xuống hồ sen bẻ cành sen dễ dàng, được như vậy là biết siêng tu đạo tịch tịnh. Đó là con đường đưa mình tới Niết-bàn mà đức Phật đã truyền dạy.

Pháp Cú 286.

Mùa mưa ta ở đây, đông, hạ ta cũng ở đây. Đấy là tâm tưởng của hạng người ngu si, không tự giác những gì nguy hiểm. 

Mùa mưa ta ở đây, đông, hạ ta cũng ở đây. Nếu chấp như vậy là người ngu si. Ở tu viện Chơn Không, tôi dự định sẽ làm việc này hai năm việc kia ba năm, nhưng đó là phác họa thôi. Nếu nghĩ rằng tôi ở đó từ năm này sang năm khác để làm hết những việc mà tôi đã dự tính là ngu si, vì không hiểu được lý vô thường. Ngày nay còn ở đây ngày mai chắc gì, nghĩa là khi vô thường tới thì trong mười lăm phút đã đổi thay. Nhưng nghĩ tới vô thường thì không làm gì hết, rồi buông tay chờ chết phải không? Tuy biết vô thường nhưng tùy duyên gặp việc thì cứ làm, sự sắp đặt của mình chỉ là phác họa, nếu không được cũng không sao.

Bậc giác ngộ thì thấy thân này như bọt như bóng, chợt có chợt không, chẳng có gì lâu dài. Đức Phật nhắc chúng ta biết rõ thân này vô thường, hãy lợi dụng thân này để tiến tu và làm việc lợi ích cho người, đó là người tỉnh giác.

Pháp Cú 287.

Người đắm yêu con cái và súc vật thì tâm thường mê hoặc, bị tử thần bắt đi, như xóm làng đang say ngủ, bị cơn nước lũ cuốn trôi. 

Con cái và súc vật đó là sở thuộc của con người, con cái là máu mủ, súc vật là tài sản do mồ hôi nước mắt của mình tạo nên, đó là hai thứ người ta rất đắm yêu. Người đắm yêu hai điều đó thì trong tâm thường bị mê hoặc, khi tử thần bắt đi không có gì chống đỡ, chẳng khác nào xóm làng đang say ngủ bị cơn nước lũ cuốn trôi tuốt ra ngoài biển mà không hay.

Những người đông con, nuôi con khôn lớn ăn học thành tài. Lo cho nó có đôi bạn, rồi có cháu lại lo cho cháu, lo như vậy không có thì giờ tu hành. Tài sản cũng vậy, năm nay được một trăm, sang năm có hai trăm, muốn hoài không bao giờ dừng, tới ngày ngã ra chết tử thần lôi đi, không có một tí công đức để tự cứu mình.

Pháp Cú 288.

Một khi tử thần đã đến. Chẳng thân thuộc nào có thể thay thế. Dù cho cha con thân thích chẳng làm sao cứu hộ. 

Pháp Cú 289.

Biết rõ lý lẽ trên, người trí gắng trì giới, thấu hiểu đường Niết-bàn, mau làm cho thanh tịnh. 

Khi cha sắp chết, người làm con có chết thay cho cha hay bất lực để mặc thần chết dẫn đi? Nếu có thương lắm thì khóc một hồi rồi thôi, chứ không thay thế được. Nên nói khi tử thần đã đến, thì chẳng thân thuộc nào thể thay thế. Mọi người đối với cái chết của mình và người thân đều bất lực, tại sao không nghĩ tới để mà dự bị!

Lúc sống thì cứ lo đông lo tây, không chịu tu hành, khi chết đường trước mù mịt không biết về đâu, không ai che chở cứu giúp, lúc đó thật là đau khổ. Dù thân thuộc như cha con cũng không thể thay thế. Nếu người thân có thương cũng chỉ đắp cái mồ cho to, chứ không làm gì được. Vì vậy chúng ta phải tự cứu mình, đừng ỷ lại vào bất cứ người nào. Phật dạy biết rõ những điều này thì phải cố gắng giữ giới luật tu hành, để đạt tới chỗ an lạc vĩnh cửu.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.